Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đức Thiện Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự; Trưởng ban Ban Phật giáo Quốc tế TWGHPGVN. Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Với lịch sử hơn 2000 năm du nhập, Phật giáo đã thấm sâu vào trong đời sống văn hoá của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Phật giáo với tư cách là tôn giáo của dân tộc, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc hơn. Sự ra đời của GHPGVN (GHPGVN) năm 1981 chính là thành quả kết tinh hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và là một tất yếu trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Về mô hình, tổ chức GHPGVN vừa là một đoàn thể Tăng già (sangha) với truyền thống Tăng bảo, vừa là tổ chức hiệp hội hòa hợp của các tổ chức hệ phái, sơn môn Phật giáo ở Việt Nam. Từ ngày 04-07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, 09 tổ chức hệ phái trong cả nước gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, GHPGVN thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp. Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt, cùng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên GHPGVN. Mô hình tổ chức GHPGVN nổi bật biểu tượng thống nhất trong sự đa dạng. Đó là tinh thần thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống, hệ phái, sơn môn, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành theo chính pháp. Mô hình GHPGVN đang ngày càng được Phật giáo các nước trên thế giới đánh giá cao trong mô hình sinh hoạt Giáo hội và thành tựu Phật sự. Nhiều vị lãnh đạo các Giáo hội và truyền thống Phật giáo thế giới đã xem mô hình GHPGVN có thể được Giáo hội được Phật giáo các nước trên thế giới hướng tới trong xu thế tương lai của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Mang đậm tinh thần nhập thế và truyền thống văn hóa dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài thực hiện các hoạt động Phật sự theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, phát triển, hội nhập cùng đất nước trong hành trình đổi mới, đóng góp vào công cuộc xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nhìn lại nhiệm kỳ thứ nhất (1981-1987) được xác định là giai đoạn xây dựng tổ chức Giáo hội. GHPGVN có 2 hội đồng: Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên, có 06 Ban, Ngành Trung ương và 28 Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 02 trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Tp. Hà Nội và tại Tp. Hồ Chí Minh. Từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ V là thời kỳ hoàn thiện cơ cấu và phát triển tổ chức Giáo hội. Trải qua 40 năm, nhiệm kỳ VIII khẳng định giai đoạn phát triển, kiện toàn và đổi mới tổ chức, khẳng định vị thế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở cả trong nước cũng như ở nước ngoài. Giáo hội đã hoàn thành việc kiện toàn hệ thống tổ chức Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Không ngừng nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của CMCN 4.0 vào quản trị công tác Phật sự. Giáo hội có 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 225 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết. Tổng số có gần 55 nghìn Tăng Ni, hơn 18 nghìn cơ sở tự viện, hơn 50 triệu tín đồ và những người yêu mến đạo Phật. Giáo hội đã thành lập 10 Hội Phật tử Việt Nam trực thuộc Giáo hội và thiết lập mối liên lạc thường xuyên với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hoạt động Phật sự của GHPGVN trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế vô cùng đặc biệt với nhiều thuận lợi và cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng diễn ra. Đó là Nghị quyết và Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự mà Đại hội VIII GHPGVN đề ra được triển khai trong giai đoạn chúng ta được thừa hưởng thành tựu phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 và thành tựu 35 năm công cuộc đổi mới của đất nước. Đồng thời, thành công của Đại hội XIII của Đảng, thành công rực rỡ của kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 đã mở ra thời cơ và vận hội mới phát triển đất nước với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao vào năm 2045. Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ IX (2019-2024), mà GHPGVN là thành viên tích cực cũng đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho các thành tựu Phật sự của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Giao Hoi Phat Giao Viet Nam Tu Mo Hinh Den Xu The Thoi Dai 1

Cùng với cả nước, nhiệm kỳ VIII (2017-2022) cũng là nhiệm kỳ mà Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã gặp phải những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ trong công tác điều hành và hoạt động Phật sự khi phải đối diện với khủng hoảng dịch Covid-19. Hơn hai năm của nhiệm kỳ toàn Giáo hội tập trung chống dịch có thời gian đã phải thực hiện giãn cách xã hội, dừng sinh hoạt tập trung đông người, đóng cửa các cơ sở tự viện thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” nhằm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Mặc dù vậy, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đã điều hành linh hoạt, sáng tạo các hoạt động Phật sự của Giáo hội, các Ban, Viện TW đã đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua các cơ quan trực thuộc là Ban Thư ký Hội đồng Trị sự và 02 Văn phòng TWGH đã làm tốt công tác tổng hợp tình hình, tham mưu đề xuất phương hướng hoạt động của Giáo hội. Tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động. Duy trì hoạt động giao ban vừa trực tiếp và trực tuyến kịp thời nắm bắt thực tế các Phật sự cần xử lý giải quyết, qua đó nâng cao hiệu quả Phật sự cần triển khai trong công tác điều hành của Giáo hội. Thông qua việc khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành điện tử GHPGVN tại VP1 và Trung tâm hành chính điện tử VP2, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong điều hành các hoạt động Phật sự, kết nối với các Ban, Viện TW, Ban Trị sự GHPGVN các cấp tạo nên sự đồng bộ, hiệu quả trong hành chính Giáo hội.

Trong nhiệm kỳ vừa qua Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của hơn 5000 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 05 vị nguyên thủ quốc gia là Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội các nước tham dự. Sự kiện rất thành công đã được cộng đồng Phật giáo thế giới đánh giá cao vai trò, vị thế của GHPGVN. Trong bối cảnh do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Giáo hội đã rất sáng tạo tổ chức thành công, trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 - 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến kết nối giữa các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Đại lễ đã khẳng định từ truyền thống đến hiện đại, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) cũng là nhiệm kỳ mà tất cả các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã rất nỗ lực trong các Phật sự và chỉ đạo công tác Phật sự trọng tâm là tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng kế hoạch Thông tư 205/ TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự. Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra thành công ở tất cả 63 tỉnh, thành phố theo đúng Thông tư 60/TT-HĐTS 2021 và Thông tư 04/TT-HĐTS 2022 của Hội đồng Trị sự.

Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cấp Giáo hội đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh. Tăng Ni, Phật tử Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện, Tăng Ni, Phật tử thực hiện nghiêm các quy định, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế như thực hiện 5K, giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng sinh hoạt tập trung đông người, dừng tổ chức tất cả các lễ hội, các khoá lễ, khóa tu tập đông người; có văn bản kêu gọi và động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ Vaccine do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN phát động, mua sắm trang thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, máy thở, bình ô xy, phòng áp lực âm, xe cứu thương, thuốc cho bệnh nhân… và hàng trăm tấn lương thực gạo, thực phẩm rau quả, hàng triệu suất ăn yêu thương trong vùng tâm dịch, hàng nghìn túi an sinh, túi thuốc F0… Phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch, các cây ATM gạo, các siêu thị hạnh phúc 0 đồng… góp phần giúp cho người nghèo, người yếu thế vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch trị giá hơn 1000 tỷ đồng. Nhiều Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã tích cực dấn thân tham gia phong trào “Cởi áo Ca sa, khoác áo Blouse”, tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để chung tay chiến thắng Đại dịch đưa cuộc sống trở lại bình an. Tổng kết đánh giá kết quả công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Tăng Ni, Phật tử đóng góp, tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội với trị giá hơn 7.000, tỷ đồng.

Hoạt động đối ngoại và quan hệ Phật giáo quốc tế trong nhiệm kỳ vừa qua, trong điều kiện phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động giao lưu quốc tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội ở khắp nơi trên thế giới. Song, trong những năm đầu nhiệm kỳ trước khi xảy ra dịch bệnh, GHPGVN đã cử và tổ chức hàng trăm đoàn của Giáo hội, các Ban, viện, Ban Trị sự các địa phương, Học viện Phật giáo Việt Nam, các cơ sở đào tạo và các chùa, cơ sở tự viện đi thăm viếng Phật giáo các nước tăng cường tình hữu nghị và làm sâu sắc mối quan hệ quốc tế. Tham dự các hội thảo Phật giáo quốc tế, chia sẻ, trao đổi, giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế và học hỏi kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp, và phục vụ nhân sinh.

GHPGVN đã đón tiếp nhiều phái đoàn Phật giáo các nước đến thăm hữu nghị và giao lưu với Giáo hội, với Học viện Phật giáo Việt Nam, và các chùa, cơ sở tự viện. Đồng thời, Giáo hội đón tiếp nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến thăm viếng Giáo hội và các chùa khi đến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam như đón tiếp Tổng thống Mỹ (2018), đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào (2019), đón tiếp Tổng thống Myamar, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Thủ tướng Nepal, Chủ tịch Thượng viện Bhutan (2019), Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ (2022). Thành tích trong công tác đối ngoại, quan hệ quốc tế của Giáo hội còn được đánh dấu qua những đóng góp vào thành công trong các chuyến thăm hữu nghị cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước mà chư Tôn đức Lãnh đạo GHPGVN tham gia đoàn và tham dự các phiên làm việc như tham gia đoàn Chủ tịch nước thăm chính thức Ấn Độ (2018), và thăm chính thức Nhật Bản (2018).

Thành tựu nổi bật trong quan hệ quốc tế là Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Qua các kỳ Vesak rất thành công, GHPGVN đã khẳng định vai trò, vị thế của GHPGVN trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội. Qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, giới thiệu về truyền thống văn hóa, hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động giao lưu quốc tế của GHPGVN vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục thông qua giao lưu trực tuyến online, tham dự các hội thảo quốc tế webinar, và đặc biệt là sự thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn trong cuộc chiến chống dịch. Hoạt động quốc tế của GHPGVN tập trung vào các hoạt động tham gia cứu trợ nhân đạo quốc tế như GHPGVN đã ủng hộ Chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal tiền và vật tư y tế giúp đỡ trong phòng, chống dịch Covid-19 trị giá hơn 20 tỷ đồng gồm: hàng hóa nhu yếu phẩm, vật tư y tế 300 máy thở, 50 máy tạo oxy, 2000 bộ test kits Covid-19. Mới đây, Giáo hội đã ủng hộ nhân dân Sri Lanka thuốc men y tế trị giá hơn 2 tỷ đồng. Những hoạt động đối ngoại nhân dân này đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đánh giá cao góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Huy Vai Tro Chuc Sac Phat Giao Trong Cong Tac Doi Ngoai Nhan Dan 1

Đồng hành cùng với sự đổi mới của đất nước, GHPGVN đã có nhiều thành tích trong công tác chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong nhiệm kỳ vừa qua Giáo hội đã thành lập Ban Điều phối GHPGVN tại Lào, nâng số Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài là 22 Hội Phật tử Việt Nam ở các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…vv; tại châu Âu: Pháp, CH Séc, Ba Lan, Ucraina, Hungary, Đức, Nga…; tại châu Phi: Mozambique, Angola; châu Mỹ: Hoa Kỳ. Đồng thời, Giáo hội đã thiết lập mối liên lạc thường xuyên hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo là trung tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi giao lưu chia sẻ hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng, giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Nhân loại chúng ta đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế, hợp tác, phát triển vì hòa bình và sự thịnh vượng chung. Thành tựu của cuộc CMCN 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá phát triển trên nhiều lĩnh vực và phương thức hợp tác, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với con người, với mọi quốc gia, dân tộc. Đồng thời, nhân loại cũng đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, mâu thuẫn, xung đột, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt trước nhiều thách thức cạnh tranh khu vực sâu sắc.

Đất nước ta, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao trên thế giới. Song, trong bối cảnh tình hình chung, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, cũng đặt ra nhiều thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. GHPGVN đồng hành cùng đất nước hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.

Nhằm xây dựng GHPGVN vững mạnh phát triển trong lòng dân tộc và hội nhập quốc tế, trong nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, Phật tử các cấp GHPGVN cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự theo đúng khẩu hiệu của Đại hội: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển. Mỗi thành viên của Giáo hội cần xác định làm mọi công tác Phật sự với tâm phụng sự và báo đáp tứ ân, báo đáp di sản của chư vị lịch đại Tổ sư, của Thày tổ mình khi đã dày công gây dựng nên hình mẫu GHPGVN rất đáng tự hào. Đồng thời, để GHPGVN phát triển hiệu quả trong tương lai thì mỗi thành viên Giáo hội càng cần phải luôn tâm niệm và thấu hiểu giáo lý vô ngã trong lời dạy của Đức Phật. Trong mọi hoạt động Phật sự hãy luôn luôn đặt trách nhiệm đối với niềm tin đạo Phật, sự nghiệp phụng sự chúng sinh, và luôn luôn đặt lợi ích của tổ chức GHPGVN lên trên hết, và trước hết.

Về mặt tổ chức và thể chế, cần nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội ở tất cả các cấp. Phát huy hiệu quả vai trò chỉ đạo của cấp Trung ương Giáo hội thông qua việc xây dựng Giáo hội số theo xu thế thời đại. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của GHPGVN phù hợp và tương thích với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tiến hành sửa đổi Hiến chương GHPGVN để Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự trong giai đoạn hiện nay. Một vấn đề rất thiết thực cần bổ sung vào Hiến chương hiện hành là kiện toàn, bổ sung cấp cơ sở vào cơ cấu hệ thống tổ chức các cấp hành chính Giáo hội. Về mặt hệ thống tổ chức, GHPGVN sẽ có 04 cấp hành chính: GHPGVN cấp Trung ương (bao gồm: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự); GHPGVN cấp tỉnh, thành phố (bao gồm: Chứng minh Ban Trị sự; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố); GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm: Chứng minh Ban Trị sự; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); GHPGVN cấp cơ sở: Ban Quản trị cơ sở tự viện. Cần phát huy vai trò quản trị của truyền thống sơn môn, hệ phái như là một chất keo kết dính trong điều hành, quản lý các chùa và cơ sở tự viện của Giáo hội.

Cần phải cụ thể hóa bước tiến trong việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hội đồng Chứng minh. Các quy định trong Hiến chương cụ thể hóa vai trò của Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về đạo pháp và giới luật. Nâng cao vị thế lãnh đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh: Văn phòng Hội đồng Chứng minh, Ban Giám luật... qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Chứng minh và đảm bảo sự thống nhất tổ chức Giáo hội giữa hai Hội đồng.

Tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật thông qua vai trò của Ban Giám luật của Hội đồng Chứng minh, đồng thời với việc đẩy mạnh công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội của Hội đồng Trị sự. Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Giáo hội tiến hành phân loại, xếp hạng các chùa và cơ sở tự viện trong toàn Giáo hội gắn với công tác Tăng sự trong tổng thể quản trị Giáo hội.

Quan hệ Phật giáo quốc tế và hoạt động Đối ngoại giao lưu, hợp tác quốc tế là một trong những thành tựu Phật sự nổi bật trong chặng đường phát triển, tiếp nối đồng hành cùng dân tộc của GHPGVN. Do đó, cần tập trung xây dựng các Trung tâm Hội nghị Phật giáo quốc tế ở các thành phố lớn để chủ động trong việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn quốc tế mà GHPGVN là thành viên và thành viên sáng lập. Qua đó, GHPGVN thực sự là mô hình dẫn dắt, định hướng Phật giáo đồ trên thế giới.

Trên đây là một vài suy nghĩ nhằm góp phần định hướng phát triển GHPGVN trước bối cảnh của thế giới và đất nước trong thời kỳ đổi mới. Tăng Ni, Phật tử GHPGVN quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027) đề ra nhằm xây dựng và phát triển GHPGVN trong giai đoạn mới và thời kỳ tiếp theo hướng đến tầm nhìn năm 2045./.

Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đức Thiện Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự; Trưởng ban Ban Phật giáo Quốc tế TWGHPGVN. Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Hội đồng Trị sự, 2012, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012). Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo. 2. Hội đồng Trị sự, 2017-2022, Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hà Nội: VPTWGHPGVN. 3. Hội đồng Trị sự, 2021, Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981-07/11/2021). 4. Hội đồng Trị sự, 2017, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022). Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo. 5. Hội đồng Trị sự, 2019, Văn kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo. 6. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn. Truy cập tháng 24/9/2015. 7. http://thuvienphapluat.vn.