Trang chủ Chuyên đề Truyền thông xã hội và chuyển đổi số trong sứ mệnh xiển dương Phật giáo thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0

Truyền thông xã hội và chuyển đổi số trong sứ mệnh xiển dương Phật giáo thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Kính bạch chư Tôn đức!
Kính thưa Quý vị khách quý! Kính thưa Đại hội!

Từ xưa đến nay, Phật giáo không đứng ngoài dòng chảy phát triển của thời đại. Sự phát triển từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo đại thừa, cho đến các tông phái khi Đạo Phật dừng chân ở mỗi nền văn hóa là minh chứng rõ rệt nhất về sự phối hợp khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ của Phật giáo. Phật giáo là sự hiền dịu như lòng từ bi bao la của Đức Phật và chư Tổ sư đối với chúng sinh. Nhưng kho tàng triết lý Phật giáo lại cũng chứa đựng sự nhiệm màu của trí tuệ, dùng tuệ như gươm báu chặt đứt phiền não thế gian, đưa chúng sinh từ bờ mê sang bến giác. Vừa tùy thuận thế gian lại vừa xuất thế gian, đó là một đặc tính rất hay của Phật giáo chúng ta.

Trong sự phát triển vũ bão của cách mạng khoa học và công nghệ như hiện nay, Phật giáo đã bước đầu tham gia vào việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào các hoạt động của mình. Hai trong số những sự ứng dụng đó thuộc về công tác chuyển đổi số và công tác truyền thông xã hội mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã bước đầu triển khai trong những năm qua.

Kính thưa quý vị Đại biểu!

Truyền thông là quá trình truyền đạt thông tin trong mỗi cá nhân (truyền thông cá nhân), giữa các cá nhân (truyền thông liên cá nhân), các nhóm (truyền thông nhóm) hoặc rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử trên nền tảng Internet. Truyền thông đã có từ rất xa xưa. Trong Kinh tạng và Luật tạng hẵn còn ghi lại những lời tán thán Đức Phật và Tăng đoàn từ gần xa. Danh tiếng tuyệt hảo của Tam bảo đã lan khắp các xứ ở trên tiểu lục địa Ấn Độ từ thời Đức Phật còn tại thế thông qua lời kể của Nhân dân, các huấn dụ của vua chúa các vương quốc và sự ngạc nhiên đến trầm trồ của ngoại đạo. Đó có thể xem là hình thức ban sơ của truyền thông vậy. Ngày nay truyền thông “cổ xưa” như thế vẫn còn tồn tại trong những câu chuyện, lời khen, ý kiến về các hoạt động liên quan Phật giáo. Dĩ nhiên, cùng với sự tiến bộ của các kỹ thuật truyền thông tin tức và mô hình xử lý thông tin, hệ thống truyền thông Phật giáo đã phát triển vượt xa, với báo chí, truyền hình, website, mạng xã hội, giúp tin tức tiếp cận nhanh chóng và chính xác đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Cho đến cuối thế kỷ XX, dựa trên Internet, một nhánh mới của truyền thông đã ra đời, đó là truyền thông xã hội. Khái niệm truyền thông xã hội (social media) ra đời từ một vài thập kỷ trước với sự xuất hiện của mạng Internet và hệ thống tin nhắn BBS (Bulletin Board System). Tuy nhiên cho đến khi nền tảng Web 2.0 ra đời với công nghệ giúp người dùng tự xây dựng nội dung và kết nối với nhau thì kỷ nguyên của truyền thông xã hội mới bắt đầu. Theo định nghĩa chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Nghị định 72/2013, truyền thông xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Truyen Thong Xa Hoi Chuyen Doi So 1

Như vậy, so với truyền thông thì truyền thông xã hội mang tính tương tác qua lại giữa chủ thể tiếp nhận tin tức và chủ thể phát tin. Vì truyền thông xã hội là một thuật ngữ có nghĩa rộng nên nó bao quát phạm vi lớn, nhiều trang mạng. Mối liên kết chung giữa các trang mạng này khiến chúng ta có thể tương tác, đối thoại với chính những người chủ trương trang đó và những người khách thăm viếng. Facebook và Youtube chỉ là hai trong số những trang mạng lớn trong thời đại ngày nay mà Phật giáo đã phủ sóng. Trên bình diện quốc tế, người Việt Nam sử dụng nhiều trang mạng hơn. Thiết nghĩ, GHPGVN nên mở rộng hoạt động truyền thông xã hội đến các trang ấy. Có thể phân loại các trang mạng truyền thông xã hội thành:

– Social Bookmarking (như Del.icio.us, Blinklist, Sympy): tương tác bằng cách đánh dấu các trang mạng và tìm kiếm những trang mạng đã được người khác đánh dấu.

– Socials News (như Quora, Reddit, Digg, Propeller) tương tác bằng cách bầu chọn các bản tin và bình luận những tin đó.

– Social Networking (như Facebook, Hi5, Last.FM) tương tác bằng cách thêm bạn, nhận xét về các thông tin cá nhân (profile), gia nhập các nhóm và thảo luận.

– Social Photo và Video Sharing (như Youtube, Tiktok) tương tác bằng cách chia sẻ hình ảnh, video và nhận xét.

– Bách khoa toàn thư (như Wikipedia, Wikia) tương tác bằng cách thêm đề mục bài viết và biên tập các đề mục, bài viết đã có.

Truyền thông xã hội đã thể hiện ưu thế của mình trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai. Tin tức về công tác thiện nguyện, lời khuyên chăm sóc sức khỏe, pháp thoại của chư Tôn đức đã được xã hội hưởng ứng nhiệt tình. Tiếng nói của dư luận xã hội Phật giáo đã kịp thời đến được các cấp hữu quan, góp phần vào sự thành công của chương trình “ATM oxy”, “ATM gạo”, phân phát hàng cứu trợ… Mặt khác, chính nhờ truyền thông mà GHPGVN có thể xây dựng dòng chảy dư luận một cách tích cực, ứng phó hữu hiệu với một số trường hợp cá biệt như báo, đài đã đưa tin. Rõ ràng, thông qua truyền thông xã hội, đặc biệt là qua tương tác trên Facebook và Youtube, triết lý “chỉ ác, tác thiện” đã thâm nhập vào quảng đại xã hội, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, chúng ta khiêm tốn nhìn nhận chiến lược truyền thông xã hội hãy còn ở bước sơ khởi và cần nghiên cứu tiếp tục những mô hình truyền thông xã hội, đầu tư nguồn lực. Chúng tôi nhận thấy một số tồn tại sau cần được khắc phục:

– Các kênh truyền thông xã hội cần đầu tư nhiều hơn vào giao diện để thật sự bắt mắt. Với đặc thù đa số người sử dụng Internet là giới trẻ, cần triển khai các nội dung đi sâu vào đời sống, tình cảm của giới trẻ để thu hút lực lượng này gắn bó với Phật giáo.

– Đa dạng hóa tin tức: có hàng trăm trang tin có nội dung về Phật giáo, nhưng nhiều kênh đều lấy lại bài của nhau. Chỉ có một số ít trang online tự sản xuất bài hoặc tác nghiệp bài bản. Do đó, xét về tổng quan, nội dung cho độc giả đọc là còn hạn chế, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Khắc phục điểm yếu này sẽ giúp tăng vượt bậc số lượng người đọc và chia sẻ tin tức Phật giáo.

– Cần đào tạo nhân sự truyền thông bài bản và xem đây là nhân tố cốt lõi quyết định sự thành công của truyền thông xã hội Phật giáo.

Kính thưa Đại hội!

Bên cạnh truyền thông mạng, công tác chuyển đổi số cũng chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong thời gian qua. Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia vào ngày 03/6/2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Truyen Thong Xa Hoi Chuyen Doi So 2

Sự thành lập Văn phòng hành chính điện tử GHPGVN và triển khai các dự án số hóa lưu trữ tài liệu, phổ biến Tam tạng Kinh điển trên mạng là những dấu ấn tiêu biểu trong công tác tin học hóa, chuyển đổi số của Giáo hội ta. Văn phòng hành chính điện tử được xây dựng nhằm phục vụ các tiện ích về giải pháp họp trực tuyến với các tỉnh thành và kết nối với Trung tâm điều hành điện tử tại Văn phòng TWGH (Hà Nội), giải pháp họp không giấy, nhận dạng giọng nói, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, số hóa văn bản hành chính, kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Văn phòng Ban Trị sự (BTS) các tỉnh, thành và kế hoạch triển khai lắp đặt phòng họp trực tuyến tại Văn phòng BTS Phật giáo của một số tỉnh, thành.

Sự hình thành văn phòng hành chính điện tử nằm trong việc phát triển chung của Chính phủ điện tử, để ứng dụng những thành tựu của Khoa học hiện đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến vào trong công việc quản trị hành chính và đời sống hằng ngày. Thúc đẩy các hoạt động Phật sự của Giáo hội được phổ biến một cách nhanh nhất đến BTS Phật giáo các tỉnh, thành.

Thiết nghĩ, cần nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới. Bước đầu tiên của chuyển đổi số là tin học hóa, chúng ta đang thực hiện tốt và dần hoàn thành bước đầu này khi lượng lớn các văn bản, Tam tạng Kinh điển đã được lưu trữ trên mạng.

Bước tiếp đến là thiết kế những quy trình, mô hình tổ chức số, phương và thức mới. Một số khâu đột phá đã được thực hiện, ví dụ họp trực tuyến, chương trình Học Phật online, thuyết pháp qua mạng xã hội. Chúng ta cũng đã thử nghiệm và gặt hái thành công bước đầu. Giá trị của chuyển đổi số đối với Phật giáo gắn bó cùng giá trị phát triển bền vững, vì chuyển đổi số giúp tổ chức các hoạt động của Giáo hội một cách khoa học hơn trên nền tảng công nghệ, đồng thời bắt kịp nhịp vận động của xã hội. Đơn cử, nếu như trong thời gian vừa qua chúng ta không phát triển hình thức giảng pháp trực tuyến và học Phật trực tuyến, công tác hoằng pháp chắc hẳn sẽ rất khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Hiện nay dịch bệnh đã được khống chế, chúng ta nhận thấy hình thức trên có thể tiếp cận đông đảo Phật tử gần xa một cách nhanh chóng với chi phí thấp nhất. Chuyển đổi số là công tác hết sức quan trọng và lợi ích. Trong phạm vi tham luận này chúng tôi chỉ xin đưa ra 02 kiến nghị nhằm hoàn thiện trụ cột cho chuyển đổi số Phật giáo như sau:

– Xây dựng một kho lưu trữ Tam tạng Kinh điển hoàn bị giúp cho toàn thể Tăng, Ni, Phật tử và người dân có thể tiếp cận kho tàng Pháp bảo của Phật giáo thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Các ứng dụng đọc Kinh Phật trên AppStore (hệ điều hành IOS) và CHPlay (hệ điều hành Android) hiện nay tương đối phong phú nhưng không đầy đủ về số lượng bản Kinh, Luật, Luận, giao diện, chưa thân thiện, độ ổn định chưa cao và chưa mang tính chính thống cao nhất vì chủ thể phát hành ứng dụng chưa phải là GHPGVN. Điều này gây khó khăn cho người tụng, đọc, nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Đặc biệt, giới trẻ có xu hướng thích thao tác trên các app hơn là website. Thiết nghĩ, nếu đầu tư nguồn lực hợp lý, chúng ta có thể hoàn toàn xây dựng và làm chủ, phát triển một ứng dụng Tam tạng Kinh điển Phật giáo xuất sắc, làm tiền đề để phổ biến Phật giáo đến với mọi người theo phương châm: mỗi người đều có một Tam tạng “kho”Kinh điển bên mình.

– Xây dựng hệ thống lưu trữ văn bản hành chánh điện tử của Giáo hội từ Trung ương đến Giáo hội cấp địa phương và liên kết có sự thống nhất nhằm thuận tiện tra cứu, trao đổi dữ liệu thông tin hướng đến thay cho việc phát hành văn bản giấy, chuyển đổi giấy chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới truyền thống thành thẻ từ thông minh để thuận tiện quản lý và kiểm tra để hạn chế việc giả danh tu sĩ và những tác hại tiêu cực khác, đồng thời đáp ứng và theo kịp sự phát triển của thời đại kỷ nguyên số.

Kính thưa Đại hội!

Nhờ chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương GHPGVN và sự nhất tâm hiệp lực của toàn thể Tăng Ni, Phật tử, công tác truyền thông xã hội và chuyển đổi số đang đi dần vào thực chất và mang lại thành tựu rất đáng khích lệ trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới Giáo hội sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm đã đạt được và nghiên cứu những khả năng, phương hướng phát triển các công tác ấy. Vì Pháp luân thường chuyển, Phật nhật tăng huy, chúng ta nguyện dốc hết sức hết lòng vì Phật pháp. Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe và chúc sức khỏe đến toàn thể Đại hội./.

Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường