Trang chủ Đời sống Trong lò sen nở sắc thường tươi

Trong lò sen nở sắc thường tươi

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Kỷ niệm Phong trào Phật giáo 1963 và 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu (11/6/1963-11/6/2023)

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

Tóm tắt: Hoa sen trong biển lửa, phải chăng đó là nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam (PGVN)? Truyền thống này đã có từ khi Phật giáo du nhập, nở rộ qua thời Lý-Trần đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ với sự kiện Phật giáo năm 1963, đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam, đỉnh điểm là sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu trong tư thế kiết già, báo hiệu sự xụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên. Thật là “Trong lò sen nở sắc thường tươi” (Liên phát lô trung thấp vị can) (Ngộ Ấn Thiền sư); hoặc “Lạ chi giữa lửa nở sen vàng” (Hưu quái lô khai hoả lý liên) (Tuệ Trung Thượng sĩ)
Từ khoá: Trong lò sen nở, Sắc thường tươi

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Trong Lo Sen No Sac Thuong Tuoi 1

Đài tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức – Ảnh: St

Tôi lấy một câu thơ của thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088), thế hệ thứ tám thiền phái Vô Ngôn Thông làm tiêu đề cho bài viết. Không chỉ hoa sen trong bùn lầy, mà cao hơn nữa, còn có hoa sen trong biển lửa, để chỉ sự tham gia của Phật giáo trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, đỉnh cao là ngọn đuốc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Trong Phật giáo, hình ảnh hoa sen để nhắc nhở phật tử, ở giữa chốn ô nhiễm, bằng tinh tấn vươn lên sẽ đạt đến giác ngộ. Lưu ý rằng trong nước tinh khiết, sen sẽ không mọc; hoa sen chỉ có thể mọc từ trong bùn đất, giác ngộ chỉ có thể được từ trong đau khổ, vô minh; sự trưởng thành, mạnh mẽ chỉ có thể có được qua gian khổ. Bùn đất hôi tanh nhưng lại là môi trường thích hợp để cây sen tồn tại và phát triển. Những phiền phức hay thậm chí đau khổ, vô minh, thị phi giúp ta từ từ trưởng thành và lớn lên, cho đến một lúc nào đó ta vươn xa ra khỏi vũng bùn và vươn lên ánh mặt trời, trở thành hoa sen nở trên bùn lầy, giác ngộ. Để tóm tắt triết lý này, Ca dao tục ngữ có câu:

Trong đầm gì đẹp bằng Sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Cái đẹp đẽ cao cả, cái quí hiếm không phải nằm ở đâu xa, không phải trú ngụ trong vương quốc mây mù trừu tượng, mà nó nằm ngay trong thế giới ô trọc bụi bặm này. Nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối. Chân Như, Niết Bàn, Bồ đề, Chân tâm, Phật không phải ở đâu xa mà ngay trước mắt (”xúc mục”), trong tâm mỗi người. Tư tưởng này không có gì mới so với Thiền tông Trung Quốc.

Niết bàn nằm trong thế giới trần tục, vậy con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục (Niết Bàn), tốt nhất nên bằng con đường trần tục như giã gạo, bổ củi, gánh nước, quét dọn,… điều mà Lục tổ Huệ Năng đã làm.

Đây là một tư tưởng quan trọng cho việc tu hành. Biển rộng mênh mông, bao la bát ngát, nơi bao chứa tất cả các dòng sông dù trong hay đục. Trong cuộc sống, ai hướng thiện, hướng tới cái tâm bao la bát ngát như biển cả thì người đó tiến dần đến giải thoát. Tư tưởng này được Quốc sư Trúc Lâm làm rõ hơn khi khuyên vua đồng thời cũng là một vị phật tử – Trần Thái Tông: ”dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” (lấy muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình). Đó cũng là tư tưởng ”dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”. Theo tư tưởng này, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội, Phật giáo Việt Nam vạch ra một con đường mang tính hài hòa giữa tôn giáo và xã hội. Đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cứu dân độ thế, và trên đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài, vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật. Điều này được Tuệ Trung Thượng sỹ – ngôi sao sáng chói trên nền trời Thiền học Việt Nam – nói khá rõ: ”Tâm của muôn loài tức Phật tâm” (Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm). Đi đến giác ngộ bằng cách như vậy, PGVN đã mang trong mình tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Ngược lại, đã là người yêu nước chân chính thì phải lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Chính quan điểm này đã dẫn PGVN đến chủ nghĩa yêu nước.

Trong Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, khi đã giác ngộ thì con người hoàn toàn không bị trói buộc bởi bất cứ cái gì, mọi chấp thủ bị vỡ bung ra, họ tự do, tự tại, vô tâm, vô ngại, vô bố uý, không chú tâm, không thiên chấp, do đó không còn tạo nghiệp. Nói một cách hình ảnh, có thể ví mọi hành vi, suy nghĩ, cử chỉ, lời nói của họ giống như gieo một hạt điếc xuống đất, nó không còn nảy mầm, không còn sinh tử luân hồi nữa.

Tuỳ nghi, tuỳ thời, nhậm vận, đó là hành động của những người đã giác ngộ ở một đất nước mà mọi người đều bận rộn, hăm hở, hăng hái chống giặc cứu nước. Nếu cứ ôm khư khư những giáo lý nhà Phật, đóng kín cửa chùa, mặc cho quân thù tàn sát đông bào thì thật chẳng hợp thời đúng lúc chút nào. Đi sâu một chút ta thấy Phật là Thiện. Trong Thiện có nhiều mức độ, có thiện lớn, thiện nhỏ, thiện vĩ đại như đức Phật, từ bỏ ngai vàng đi tìm con đường cứu chúng sinh ra khỏi sông mê biển khổ. Thiện nhỏ như làm một điều tốt lành nho nhỏ, chẳng hạn, cho người khốn khó đồng tiền bát gạo. Người phật tử Việt Nam luôn nhìn ra và làm theo những cái thiện lớn, khi đứng giữa ngã ba đường cần phải lựa chọn, dù có phải vi phạm giới luật. Chấp vào những giới luật để làm những điều thiện nhỏ mà bỏ qua những cái thiện lớn thì chẳng khác nào như ”ngu trung”, ”ngu hiếu” trong Nho giáo vậy?

Đó là tuỳ nghi, quyền biến, theo Lão Tử, cái đức cao nhất là bất đức, cho nên có đức, cái đức thấp nhất là không thất đức, cho nên vô đức. Đã giác ngộ thì mọi hành động, cử chỉ, suy nghĩ đều là Thiền. Và ở đây, phải chăng đánh giặc cứu nước cũng là Thiền? Nếu quả đúng vậy thì không chỉ có hoa sen trong bùn lầy, mà còn có hoa sen trong biển lửa.

Thời Lý – Trần là thời kỳ mà đạo Phật có thể nói là quốc giáo, nhưng cũng là thời kỳ vẻ vang oanh liệt nhất trong lịch sử. Thiện lớn, đức lớn, hợp thời, đúng lúc, tuỳ nghi lúc này là phải cứu dân tộc, quê hương, đất nước khỏi cái thảm hoạ của nạn ngoại xâm. Vì cái thiện lớn, đức lớn đó mà các phật tử sẵn sàng cầm gươm lên ngựa, sẵn sàng vi phạm giới luật (cấm sát sinh), giết một người để cứu muôn người. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, những người phật tử không thể giáo điều máy móc ôm khư khư giới luật là không được giết hại chúng sinh trong đó có cả kẻ thù, quân xâm lược đang dày xéo quê hương, tàn sát đồng bào. Không thể vì một điều thiện nhỏ cho cá nhân mà quên điều thiện lớn cho dân tộc. Như vậy, ở đây phá giới là theo tinh thần phá chấp. Thiền tông Việt Nam có tinh thần thương người, cứu người, đặc biệt cứu con người là trên hết. Chả thế mà Phật giáo Việt Nam có câu:

Dù xây chín cấp phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Cứu một con người còn hơn cả xây chín cấp phù đồ. Bởi vậy, việc cứu cả một dân tộc, đất nước, cứu muôn dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả, dù có phải vi phạm giới luật?

Chính vì vậy mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sư Thiện Chiếu đã viết đôi câu đối lên trước cửa chùa Linh Sơn, nơi ông làm giáo thụ:

”Phật giáo thị nhập thế nhi phi yếm thế
Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”
(Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế
Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh)

Quan niệm từ bi của Thiện Chiếu nói riêng và PGVN nói chung là có điểm khác biệt so với Phật giáo Ấn Trung. Phải chăng đó cũng là điểm độc đáo, đặc sắc của PGVN.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Trong Lo Sen No Sac Thuong Tuoi 2

Năm 1925-1926, thực dân Pháp bắt một số nhà sư đi biểu tình và chất vấn: ”Ai xui thầy chùa đi biểu tình ?” Sư Thiện Chiếu đã trả lời trên báo: ”Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tổ xui phật tử tham gia những hoạt động yêu nước thương dân chứ không ai xui cả”. Chính khai mở tâm đi dần đến giác ngộ bằng con đường tham gia tích cực vào việc cứu đời kể cả sát sinh mà PGVN đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước. Lịch sử ”chống địch họa” của dân tộc Việt Nam cho đến nay đã chứng minh điều đó. Âu đó cũng là lẽ thường tình bởi vì phương châm của nhà Phật là ”Lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha”. Thiền tông Việt Nam còn đi xa hơn: ”Lợi lạc quần sinh vô tâm vị tâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư gửi tăng, ni phật tử đã viết: ”Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu: kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ vững thống nhất và độc lập Tổ quốc. Thế là chúng ta đã làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đi theo truyền thống yêu nước của PGVN, nhiều nhà sư trên con đường giác ngộ Phật giáo đã đi theo cách mạng, nhiều nhà tu hành đã giúp đỡ và đi theo kháng chiến, họ bị tù đày thậm chí hy sinh anh dũng, nhiều chùa đã trở thành cơ sở cách mạng. Đỉnh cao của phong trào làm theo lòng đại từ đại bi của đức Phật Thích Ca là kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ, năm 1945, tất cả các phật tử ở các chùa thuộc dãy Yên Tử đã tham gia khởi nghĩa chống Nhật. Sau cách mạng tháng 8, một đơn vị quân đội gồm toàn tăng, ni đã thành lập ở Đông Triều theo trung tướng Nguyễn Bình vào Nam chiến đấu. Họ anh dũng chiến đấu và hi sinh nhiều ở chiến trường Nam Bộ. Đó quả là hoa sen trong biển lửa.

Phong trào Phật giáo 1963 là một minh chứng nữa để nói về hoa sen trong biển lửa, đó là cao trào đấu tranh đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Biến cố Phật giáo năm 1963 kéo dài nửa năm lan rộng khắp miền Nam Việt Nam, là xung đột giữa hai bên, một bên là Phật giáo tại miền Nam Việt Nam và bên kia là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đứng đầu bởi Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trong cuộc đấu tranh này, bất bạo động (Satyagraha) là một phương pháp cốt lõi của Phật giáo được giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam chọn làm phương pháp chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Chọn “bất bạo động” làm phương pháp chỉ đạo cho cuộc đấu tranh chống lại chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm, tăng, ni và phật tử miền Nam biết trước là phải “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ”, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng sự hy sinh ấy sẽ làm “rung động đến tận lòng người, chứ không chỉ rung động chính sách mà thôi”. Lần đầu tiên, lịch sử Việt Nam ghi nhận một phương pháp đấu tranh mới – phương pháp bất bạo động – mà kết quả đem lại là việc chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng trong chín năm đã bị sụp đổ trong chớp mắt, dù Ngô Đình Diệm cứ đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của ông ta có thể làm được. Đỉnh cao của phong trào bất bạo động là ngày 11/6/1963, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, đúng 10 giờ sáng, Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu trong tư thế kiết già trước sự chứng kiến của hàng trăm quần chúng và phật tử. Hình ảnh một vị cao tăng trong ngọn lửa bốc cao vẫn ngồi kiết già im lặng tay chắp trước ngực đã tạo ấn tượng mạnh gây xúc động lớn trong nước và trên thế giới.

Ngày 4/8/1963, nhà sư Nguyên Hương 23 tuổi châm lửa tự thiêu không cho ai biết ở đài chiến sĩ tại Bình Thuận.

Ngày 12/8/1963, nữ sinh Mai Tuyết An đến chùa Xá Lợi chặt bàn tay trái để phản đối chính quyền. Ngày 13/8/1963, nhà sư Thanh Tuệ 18 tuổi ở chùa Phước Duyên, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, tự thiêu.

Ngày 15/8/1963, Ni sư Diệu Quang 27 tuổi tự thiêu tại quận Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Ngày 16/8/1963, tại Huế, nhà sư Tiêu Diêu 71 tuổi tự thiêu tại chùa Từ Đàm.

Ngày 5/10/1963, nhà sư Quảng Hương 37 tuổi thuộc Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột châm lửa tự thiêu trước chợ Bến Thành.

Ngày 27/10/1963, nhà sư Thiện Mỹ 23 tuổi tại chùa Vạn Thọ châm lửa tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.

Hoa sen trong biển lửa thật là hiếm gặp, mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Phải chăng đây cũng là điểm đặc trưng của PGVN?

Lửa trong các kinh Phật chủ yếu chỉ tham, sân si trong con người, ví dụ, trong kinh Duy Ma Cật cũng có câu: “Trong lửa sinh ra hoa sen” (hỏa trung sinh liên hoa); còn lửa trong PGVN, ngoài tam độc còn chỉ sự dấn thân của Phật giáo trong công cuộc chống ngoại xâm, chống kỳ thị phân biệt tôn giáo. Để kết thúc bài viết, tôi trích một câu của Tuệ Trung Thượng sĩ: “Lạ chi giữa lửa nở sen vàng” (Hưu quái lô khai hoả lý liên).

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. I-II-III. Nxb Văn học, Hà Nội 2000
2. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hoá phương Đông. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội 2004

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường