TS.Thích Thiện Lâm Giảng viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Tiến sĩ Triết học, ĐH Allahabad, Ấn Độ. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:

Tổ Huệ Đăng đã lập Hội Thiên Thai Thiền giáo tông (1935), tại chùa Long Hòa, Bà Rịa nhằm đáp ứng tâm tư, tinh thần, mến mộ Phật giáo của các nhân sĩ tri thức yêu nước, Tăng Ni, Phật tử đạo Phật trong phong trào chấn hưng phật giáo tại Nam bộ. Mặt khác, thực dân Pháp đã ký nghị định cho phép các tổ chức Phật giáo được thành lập với mục đích dễ bề cai trị nhân dân, khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Tôn chỉ của hội là duy trì và phát triển Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc xây chùa, tạo tượng mà phải mở rộng hoằng dương phật pháp, phổ độ chúng sanh, đưa giáo lý Phật giáo vào đời sống nhân dân. Hội đã xuất bản tờ Bát Nhã Âm, quan tâm trước tác và chuyển ngữ nhiều kinh sách bằng chữ Nôm để vận động chấn hưng Phật giáo và hoằng dương chính pháp trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Sự thành lập Thiên Thai Thiền giáo tông nhằm đáp ứng tâm tư, tinh thần mến mộ Phật giáo của các nhân sĩ tri thức yêu nước, Tăng Ni, Phật tử đạo Phật trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam bộ. Với mục đích dễ bề cai trị và bình ổn nhân dân, khai thác thuộc địa tại Việt Nam, thực dân Pháp đã ký nghị định cho phép các tổ chức Phật giáo được thành lập. Do đó, Tổ Huệ Đăng đã lập Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội (1935), tại chùa Long Hòa, Bà Rịa.

Tôn chỉ của Hội là duy trì và phát triển Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc xây chùa, tạo tượng mà phải mở rộng hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sanh, đưa giáo lý Phật giáo vào đời sống nhân dân. Tổ Huệ Đăng và hội viên Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội thành lập các cơ sở tôn giáo, lập trường, mở lớp gia giáo và các đạo tràng giảng kinh, thuyết pháp. Đối tượng và tiêu chí của hội giúp các tầng lớp tri thức hiểu và có trí tuệ, dễ dàng học giáo lý, hiểu và tin sâu vào Phật pháp. Nhờ vậy, niềm tin và lý tưởng của mọi người vững chãi, đóng góp và hành động đúng trong công cuộc đổi mới của đất nước và chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Hội đã cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo và hoằng dương chánh pháp. Phiên dịch và trước tác được hội rất quan tâm, vì đáp ứng nhu cầu cần thiết và cấp thiết cho xã hội, cho Tăng Ni, Phật tử trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Hội đã trước tác và chuyển ngữ nhiều kinh sách bằng chữ Nôm. Các kinh sách, tạp chí của hội được quần chúng nhân dân, cũng như Tăng Ni, các tự viện sử dụng và phổ biến nhằm giúp mọi người thoát khỏi khổ não, khó khăn trong cuộc sống, hướng đến giải thoát giác ngộ.

DẪN NHẬP

Chấn hưng Phật giáo là phong trào vận động để khôi phục Phật giáo nhằm nâng cao giá trị đạo đức, tinh thần và phát huy giá trị truyền thống, truyền bá Phật giáo ở Việt Nam. Vào đầu thế kỷ XX, Nho học chiếm vị trí dẫn đầu trong các tôn giáo. Phật giáo hiện hữu nhưng không có tổ chức hay một hệ thống kết nối chặt chẽ giữa các chùa, các Tăng đoàn với nhau, đa phần hoạt động riêng rẽ. Các ngôi chùa bị phá hủy bởi các phần tử đối lập, bị chèn ép bởi các thế lực khác. Kinh sách bị phá hủy làm suy giảm niềm tin và tín ngưỡng của Phật giáo. Thời kỳ Pháp thuộc, các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam hoạt động dưới danh nghĩa là hội, đoàn, không phải là giáo hội được thống nhất từ trung ương tới địa phương. Lúc bấy giờ, phong trào chấn hưng phật giáo ở các nước cũng được khởi xướng và lan rộng như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka. Phong trào này ảnh hưởng và lan truyền mạnh đến các tỉnh, thành ở Việt Nam.

Từ đó, phong trào lập hội bắt đầu xuất hiện từ Bắc, Trung, Nam. Các phong trào phục hưng Phật giáo được thành lập và các cơ quan báo chí, tạp chí cũng được hình thành và phát triển nhằm duy trì giá trị truyền thống của Phật giáo. Các hội đoàn giữa các vùng, miền kết nối liên lạc với nhau qua hệ thống này. Giới Tăng sĩ, cư sĩ tri thức của Phật giáo tham gia và đóng vai trò lãnh đạo tôn giáo, kết nối, đoàn kết nhằm đưa Phật giáo phát triển hưng thịnh trở lại. Trong đó, các vị Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Tuệ Pháp, Hòa thượng Thanh Hạnh là những vị đạo cao, đức trọng trong Phật giáo được hội chúng suy tôn lãnh đạo các hội đoàn trong phong trào phát triển Phật giáo. Tại miền Nam Việt Nam, Tổ Huệ Đăng hưởng ứng phong trào thành lập Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội và tạp chí Bát Nhã Âm (1935) tại Bà Rịa để kêu gọi đoàn kết, phát triển Phật giáo, giảng dạy Phật pháp cho tu sĩ và quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, các thiện tri thức, cư sĩ Phật giáo như ông Trần Trọng Kim, Thiều Chủ, Bùi Kỳ,… đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước và phát triển Phật giáo bền vững trước các khó khăn. Tư tưởng và hành động trong phong trào này phổ biến khắp nơi, không chỉ ở hàng tăng lữ, mà đã đi sâu vào niềm tin và đóng của nhân dân, nhằm mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

II. NGUYÊN NHÂN THÀNH LẬP THIÊN THAI THIỀN GIÁO TÔNG LIÊN HỮU HỘI

1.1. Bối cảnh xã hội ở Nam bộ

Vào năm 1858, Pháp xâm lược và chiếm đóng Việt Nam. Chính trị, văn hoá, tôn giáo cũng bị xáo trộn và thay đổi. Phật giáo mờ nhạt dần đi và sinh ra nhiều biến thể của tệ nạn. Trải qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức của nhà Nguyễn, Nho giáo đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống chính trị. Các nhân sĩ thuộc Nho giáo có xu hướng chống đối. Các làn sóng chống đối công giáo hình thành mạnh mẽ hơn, bởi công giáo được thực dân Pháp hậu thuẫn và ủng hộ phát triển, nhất là triều đại của vua Minh Mạng. Phật giáo thời kỳ này không được phát triển mạnh và cũng không có tầm quan trọng ảnh hưởng đến chính trị như Nho giáo hay Công giáo. Phong trào Cần Vương lúc bấy giờ cũng tìm đến các phần tử là Tăng sĩ và Phật tử để vận động đấu tranh chống Pháp. Vận dụng các cơ sở tôn giáo, chùa chiền làm cơ sở kháng chiến. Cuộc chống pháp bắt đầu được hưởng ứng bởi số đông giới Phật giáo.

Khi phong trào Cần Vương bị thất bại và đàn áp, Phật giáo cũng bị ảnh hưởng nặng nề, các chùa và cơ sở bị kiểm soát, Tăng Ni bị bắt bớ và đàn áp nhiều hơn. Bên cạnh đó, các phong trào chống Pháp khác cũng trỗi dậy dưới sự đóng góp đông đảo quần chúng là Phật tử. Phong trào này kêu gọi hỗ trợ cách mạng, chấn hưng Phật giáo. Thời điểm này, các cuộc cách mạng duy tân Phật giáo diễn ra nhiều nước ở châu Á. Nhận thức tầm quan trọng của Phật giáo hưng thịnh đời Lý - Trần, các phong trào này tin tưởng vào Phật giáo, vận dụng tri thức và con người để hình thành và phát triển phong trào. Phong trào Đông Du, Nghĩa Thục của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã tạo được những thay đổi cần thiết hình thành con đường duy tân, chấn hưng và định hướng phát triển. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hưng Phật giáo ở nửa đầu thế kỷ XX. Phong trào khôi phục và chấn hưng chính trị văn hoá và tôn giáo, định hướng phát triển quốc học và phục hưng Phật giáo. Vận dụng và tập hợp những người trí thức, khai hóa dân trí nhằm củng cố ý thức hệ dân tộc, đấu tranh ôn hòa để hạn chế thiệt hại và khó khăn cho đời sống nhân dân.

1.2. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ

Công cuộc phục hưng Phật giáo được hình thành với sự thành lập các hội Phật giáo. Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam khởi lên từ khắp ba miền Nam - Trung - Bắc (1928 - 1945). Đó là con đường tồn tại và phát triển tất yếu của phật giáo Việt Nam để phù hợp với định hướng và phát triển của văn hoá và dân tộc. Phật giáo Việt Nam cần chấn hưng để phát triển nội lực, nếu không muốn đi vào con đường suy yếu dẫn tới suy diệt một khi Phật giáo mất đi tính trí tuệ và đạo đức trong bộ phận tu sĩ và Phật tử. Chúng ta không tránh khỏi sự phê phán, đả kích từ nhiều phía, và các phần tử đối lập. Phật giáo cần thể hiện được ánh sáng, phơi bày chân lý, sự thật của lối sống, văn hóa và tu tập.

Ý tưởng và hành động về chấn hưng Phật giáo tại miền Nam được khởi xướng bởi Hòa thượng Khánh Hòa ở Trà Vinh. Ngài đã thỉnh mời các vị tôn túc thời bấy giờ, ngỏ ý thành lập tổ chức Phật giáo để củng cố Phật giáo. Đây được xem là ngọn lửa sáng sẽ lan truyền các nơi ở vùng Nam bộ cũng như các tỉnh thành khác.1

Tinh thần phục hưng của ngài được nhiều vị trưởng lão tham gia. Quý ngài đã thành lập hội Lục hòa Liên hiệp, một hội thống nhất Phật giáo dưới sự ủng hộ của các Hòa thượng Huệ Quang, Trí Thiền, Chí Thiền,… Sau khi thành lập không bao lâu, hội của ngài cũng bị tan rã và thất bại.2 Một năm sau đó, ông Huỳnh Thái Cửu đã tham vấn về các vấn nạn của Tăng Ni và suy thoái của Phật giáo Nam bộ cũng như đất nước. Ông khởi xướng thành lập một tổ chức Phật giáo để hưng khôi Phật giáo một lần nữa.

Năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa cùng Hòa thượng Huệ Quang, Liên Trì và một số vị khác lại thành lập phong trào chấn hưng với định hướng thành lập cơ sở giáo dục Tăng Ni và soạn thảo kinh điển phục vụ mục đích nghiên cứu, giảng dạy quần chúng tín tâm. Ngài cũng đã thành lập tập san bằng chữ quốc ngữ tên Pháp Âm và Phật Hóa Tân Thanh Niên nhằm củng cố tư tưởng và hệ thống tổ chức Phật giáo.

Ngày 26/8/1931, Thống đốc Nam kỳ Khrautheimer chấp thuận và ấn ký Nghị định số 2062 công nhận pháp lý và việc thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (Association pour l’etude et la conservation du Bouddhisme en Cochinchine)3. Hưởng ứng phong trào thành lập hội của các vị Hòa thượng tiền bối, các tổ chức, báo chí và nguyệt san Phật giáo cũng dần được thành lập tại Nam kỳ nhằm mục đích cùng chấn hưng Phật giáo tại Nam bộ. Các tổ chức Phật giáo được công nhận tính pháp lý là:

• Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. • Tịnh độ Cư sĩ Phật hội tại chùa Hưng Long, Chợ Lớn. • Lưỡng Xuyên Phật học Hội tại chùa Long Phước, Trà Vinh. • Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội tại chùa Phước An, Bà Rịa.

Trong giai đoạn này, các tổ chức Giáo hội gần như thành lập riêng cho mình các tờ báo, nguyệt san. Một trong những tờ báo có ảnh hưởng tới phong trào chấn hưng trong giai đoạn này:

• Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và tạp chí Từ Bi Âm (1932) • Hội An Nam Phật học (1932) và tạp chí Viên Âm (1933) • Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934) và tạp chí Đuốc Tuệ (1935) • Hội Lưỡng Xuyên Phật học và tạp chí Duy Tâm (1935) • Hội Phật học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa (1938).4

Sau đó nhiều hội Phật giáo hoặc tạp chí Phật học tiếp tục ra đời. Phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới văn hoá dân tộc Việt Nam. Mặc khác, Phong trào này đóng vai trò ổn định tư tưởng, chính trị cho đất nước, mang lại giá trị nhân văn và đạo đức đến xã hội thời bấy giờ5.

II. THIÊN THAI THIỀN GIÁO TÔNG LIÊN HỮU HỘI: THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

2.1. Tiểu sử và hành trạng của Tổ Huệ Đăng

Trong bài sám Pháp Hoa, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã ca tụng danh đức và đạo hạnh của Tổ Huệ Đăng qua 6 câu sau:

“Con nay hạnh ngộ Thiền tông, Huệ Đăng Thanh Kế hiện thân Phật đà Tùy duyên độ chúng Ta bà, Pháp Hoa Thiền Giáo thật là chơn tông. Tu hành cần phải dụng công, Lục căn thanh tịnh, lục thông hiển bày”.

Tổ Huệ Đăng thế danh Lê Quang Hòa, húy Thanh Kế, hiệu Thiện Thức, sinh năm Quý Dậu (1873), nhằm triều Tự Đức, năm thứ 26, nguyên quán ở xã An Đông, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Tổ được sinh trong một gia đình Nho giáo. Từ nhỏ Tổ đã sẵn phẩm chất hiếu học, thông minh. Lên 5 tuổi, Tổ được Cha dạy chữ, rèn phẩm chất trung quân ái quốc. Lúc 7 tuổi, Tổ giỏi có tiếng ở trường huyện, luôn miệt mài sử sách.

Ngày 22 tháng 5 Năm 1885, Kinh đô Huế bị đánh chiếm, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương. Vừa lúc đó, kỳ thi Hương tại trường thi Bình Định được tổ chức, các sĩ tử cùng nhau bãi thi, phá trường, hô hào tham gia phong trào Cần Vương, nhiều nhà ái quốc nổi lên chống Pháp như Phan Đình Phùng (1847 - 1895), Mai Xuân Thưởng (1860 - 1887). Tuy còn nhỏ tuổi, ngài đã tham gia phong trào chống Pháp của phong trào Mai Xuân thưởng khởi xướng ở Bình Định.

Năm 1887, Mai Xuân Thưởng bị giết, nghĩa quân Cần Vương bị đàn áp. Ngài tiếp tục tham gia nhóm nghĩa quân của Phan Đình Phùng. Khi nghĩa quân này bị thất bại, các vị thủ lĩnh lần lượt hy sinh. Tổ phải chạy vào Nam lánh nạn ở Bà Rịa. Tổ sống bằng nghề dạy chữ Nho ở tỉnh Bà Rịa một thời gian, sau đó xuống Gò Công, rồi trở về ở Bà Rịa.

Sau thời gian lưu trú gian khổ, Tổ nhận thấy con đường tham gia cách mạng thất bại và chọn cách trở thành tu sĩ để cứu đời và xa lánh cuộc sống trần tục, đầy phiền não, với phương châm “cứu quốc không xong thôi cứu đời vậy6. Năm 1893, Tổ xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Đồng Đế (tức Thiền sư Hải Hội - Chánh Niệm) ở chùa Long Hòa, tỉnh Bà Rịa. Tổ được Hòa thượng ban pháp danh là Thiện Thức.

Vốn có bản chất thông minh, lại chí tâm tu học tiến bộ rất nhanh, Tổ được gửi đi tham học, tu tập với Hòa thượng Trí Hải ở chùa Thiên Thai - Sơn Thạch ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tổ là người trí tuệ uyên bác, thông suốt cả tam tạng Kinh, Luật, Luận. Sau ba năm tu học, năm 1903, Tổ trở về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí tuệ xứng đáng là người trụ cột Phật Pháp, Tổ được Hòa thượng Đồng Đế cho thọ giới cụ túc với pháp danh Thanh Kế hiệu Huệ Đăng. Năm 30 tuổi (1903), Ngài được cử trụ trì chùa Kiên Linh, sau đổi về trụ trì chùa Phước Linh tỉnh Bà Rịa.

Năm Ất Tỵ 1905, Tổ Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa, Tổ về và tìm nơi rừng núi để ẩn tu ở hang Mai trên núi Dinh, tỉnh Bà Rịa. Ở đây, tĩnh tu thiền định, trì Kinh Pháp hoa. Tổ chọn thạch động để tịnh tu và đặt tên là động Thiên Thai. Đạo hạnh của Tổ vang khắp, đồ chúng và thiện tín quy tụ theo học đạo rất đông. Lúc này, giới cầm quyền Pháp đã nghi ngờ có âm mưu chống Pháp, nên Tổ xuống núi. Năm 1910, Tổ viết hai câu đối chữ Hán:

Tá Thạch vi tường, thục thức lão Tăng cùng đáo đề. Dĩ phong tác phiến, thuỳ tri đại đạo lạc vô cương.

Nghĩa là:

Mượn đá làm tường, ai hiểu lão Tăng nghèo đáo để. Lấy gió làm quạt, ai biết đại đạo vui vô cùng.

Sau thời gian chuyên trì tụng Kinh Pháp Hoa, lễ lạy sám hối, trì chú và tu thiền nghiêm mật, đạo phong càng thấm sâu, Tổ thấy đã đủ duyên để hóa độ nên bắt đầu xây dựng chùa Thiên Thai. Với tâm nguyện của Tổ và sự hộ trì của đàn na tín thí, chùa Thiên Thai đã được xây dựng hoàn thành. Tiếp tục con đường tạo tự và truyền bá mạng mạch phật pháp. Năm 1929, Hòa thượng Huệ Đăng trùng tu chùa Long Hòa và xây lại tháp Tổ khang trang.

Năm 1933, do thỉnh cầu của đồ chúng, Tổ cho xây dựng Thiên Bửu Tháp (còn gọi là Cửu Liên Đài) ở phía đối diện chùa Thiên Thai. Tháp Thiên Bửu kiến trúc theo ý nghĩa “Cửu phẩm Liên Hoa” (9 phẩm liên hoa sen) trong Kinh A Di Đà.

Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa đã khởi xướng vận động thành lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học tại chùa Linh Sơn, Cầu Muối để truyền bá chánh pháp. Trước phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, đặc biệt ở Nam kỳ nói riêng. Năm 1935, Tổ Huệ Đăng cho thành lập “Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội”, thường được gọi tắt là “Thiên Thai Thiền giáo tông” trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai. Đồng thời, Tổ cho Hội này xuất bản tạp chí “Bát Nhã Âm” để hoằng truyền Phật pháp, vận động phong trào chấn hưng Phật giáo, tòa soạn đặt tại Tháp Thiên Bửu. Trường gia giáo cũng được khai giảng tại chùa Long Hòa, Tổ quan niệm và thường dạy đồ chúng: “Duy trì Phật pháp chính là ở chỗ mở rộng việc hoằng hóa lợi sanh, giáo dục thiện tín, gieo trồng duyên lành, cội phước”. Với uy đức và đạo hạnh của ngài quy tụ đệ tử xuất gia và tại gia về tu học ngày càng đông.

Năm 1941, Tổ trở về Bình Định. Quan huyện Bình Khê và một số đông nhân sĩ tri thức trong huyện ngưỡng mộ danh đức, đạo hạnh của Hòa thượng, đến thọ giáo và thỉnh cầu Tổ ở lại hoằng hóa tại quê nhà. Tổ đã lập chùa Thiên Tôn ở ngọn núi Ông Đốc ở xã Bình Tường, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

Năm 1943, Tông môn trong Nam ra thỉnh Tổ trở lại chùa Thiên Thai. Tổ luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu hành, cố gắng giữ gìn chính pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh.

Năm 1944, Tổ trở về lại chùa Thiên Tôn (Bình Định). Nhận thấy duyên đại sự viên mãn, trong tư thế kiết già, Tổ đã thị tịch ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953). Bảo tháp ngài được an trí bên cạnh Chùa trên sườn núi Ông Đốc.

Hình tượng Tổ Huệ Đăng với Tổ đình Thiên Thai là tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo. Hành trạng của ngài vang khắp nơi nhất là miền Nam và miền Trung. Với tinh thần yêu nước phụng đạo, ngài được sử sách lưu danh. Hậu thế mãi ca tụng tài đức của tổ huệ đăng qua bốn câu thơ sau:

“Huệ Đăng đấng tổ Thiên Thai Văn chương võ nghệ muôn đời còn ghi Luật kinh luận phú kim chi Thánh tăng xuất thế Nam kỳ chúng tôn”.7

2.2. Thành lập và hoạt động của Hội

Vào cuối thời Nguyễn, Thiền Lâm Tế của tổ Liễu quán được truyền vào Đàng trong ở vùng đất Đồng Nai, Gia Định. Để phân biệt các thiền phái khác như thiền Lâm Tế Chánh Tông và Lâm Tế Gia Phổ nên chi phái này được gọi là thiền Tế Thượng Chánh Tông.8 Tổ Hải Hội - Chánh Niệm là vị tổ đời 40 thuộc thiền phái Lâm Tế Chánh Tông. Tổ Hải Hội xuất gia và là bổn sư của Tổ Huệ Đăng. Tổ Huệ Đăng, đời thứ 41, thuộc phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán. Tổ truyền thừa tông phái và đã lập Chùa Th n Thai (1922) ở Bà Rịa. Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội được thống đốc Nam kỳ phê y và cấp phép ngày 19 /10/1934, số hiệu 2954. Trụ sở của hội quán tại chùa Thiên Thai, làng Tam Phước, Tổng Phước, Hưng Thượng, Bà Rịa. Tại đây, Tổ đã cho xuất bản tạp chí Bát Nhã Âm (1935). Hội thành lập với chủ trương đoàn kết, hòa hợp và phát huy Phật giáo. Đề cao sự truyền thừa hoằng pháp độ sanh đưa mọi người đến con đường an lạc như Tổ đã dạy “vi thiện tối lạc”. Bên cạnh đó, Hội lập các cơ sở Phật giáo, trường đào tạo Tăng lữ và Phật tử.

Sau Tổ Huệ Đăng, các Trưởng lão Hòa thượng trong sơn môn Thiên Thai Thiền giáo tông duy trì và phát triển dòng truyền thừa này cho đến nay. Hiện Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chứng minh đạo sư cho thiền phái. Hòa thượng Thích Thiện Xuân, trưởng Ban Thừa kế Thiên Thai Thiền giáo tông. Quý Ngài đã tiếp nối vẻ vang sự nghiệp của tổ Huệ Đăng, có nhiều cống hiến cho Phật giáo và sự nghiệp giữ nước của dân tộc. Tông thiên Thai tuy được tách thành một nhánh mới nhưng Tổ vẫn giữ dòng kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán theo bài kệ sau:

Hội được thành lập và cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có hệ thống, có đường lối, chủ trương và mục đích rõ ràng. Cơ cấu tổ chức liên kết từ hội quán trung ương và 5 Hội Tịnh độ. Tổ chức được phủ khắp vùng miền Nam bộ. Hội được sự hưởng ứng từ các Sơn môn thiền đức, cũng như nhân sĩ trí thức thời bấy giờ tạo thành thể thống nhất, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong Phật giáo.

Hội quán trung ương - Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội, Bà Rịa.

• Hội Tịnh độ - Chùa Châu Viên, Châu Đốc. • Hội Tịnh độ - Chùa Bửu Long, Mỹ Tho. • Hội Tịnh độ - Chùa Vạn Linh, Cần Thơ. • Hội Tịnh độ - Chùa Giác Hoàng, Cần Thơ. • Hội Tịnh độ - Chùa Phước Hậu, Long Xuyên.

Trong bản điều lệ hội, điều 1 có ghi mục đích của hội: “Hiệp lập phật giáo tương tế hội”9. Tổ và các hội viên đề cao và nhấn mạnh tính đoàn kết tôn giáo, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử để bảo trợ nhau vì sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Quý hội viên kết nối không chỉ trong phạm vi của tỉnh mà còn liên kết nhau giữa các tỉnh, thành khác.

Đối với công tác tổ chức cơ sở tôn giáo, đào tạo Tăng tài, Phật tử, Tổ đã tạo điều kiện cho các hội viên học kinh, luật, luận như lập Thích Học Đường, Pháp Bảo Phường, diễn thuyết phật pháp. Tại trụ sở chùa Thiên Thai, Hội thường xuyên mở các lớp gia giáo cho thanh thiếu niên Phật tử, mở trường hạ cho chư Tăng Ni hàng năm an cư kiết hạ. Năm 1931 - 1939, Tổ mở trường và cung thỉnh các pháp huynh đệ của Tổ an trú và truyền pháp tại tổ đình Thiên Thai.10 Với uy đức của Tổ Huệ Đăng, đại chúng Tăng và Phật tử các nơi quy hướng về ngày một đông hơn từ các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ. Hội thỉnh mời chư tôn trưởng lão giảng dạy giáo lý, tư trưởng và kinh điển Phật giáo cho thính chúng. Các hội viên cũng được khuyến khích, động viên chia sẻ Phật pháp đến với các bạn đạo, hội viên mới tham gia vào để hiểu biết, tin sâu lời Phật dạy.

Chùa Long Hòa, Bà Rịa, là nơi Hội mở trường Phật học đầu tiên ở vùng đất này, Hội đã thỉnh Tổ làm hiệu trưởng đầu tiên. Đây được xem là công lao và đóng góp vào giáo dục Phật giáo to lớn của Hội. Ở các tỉnh, thành, Tổ thành lập các Hội Tịnh độ, như liệt kê ở trên, mỗi Hội quán mở các lớp giáo lý cơ bản cho quần chúng nhân dân dễ dàng tiếp cận và tu học Phật pháp. Mỗi người trong Hội xem đây là công việc vĩ đại, là nhiệm vụ và bổn phận chung tay lo cho căn nhà Phật pháp. Giáo dục Phật giáo phải được đặt ưu tiên hàng đầu của Hội và giáo dục đạo đức Phật giáo được đưa vào trọng tâm nhất là thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Các học viên được yêu cầu hoàn thiện cả tri thức và đạo đức dựa trên nền tảng giáo dục về nội điển: giới, định và tuệ.

Ở góc độ nhân sinh, Hội đề cao vai trò cứu giúp những người khó khăn, cơ nhỡ, cùng khổ. Mỗi người có hoàn cảnh và cuộc sống mưu sinh khác nhau. Các hội viên đóng góp, tương trợ cả vật chất lẫn tinh thần để mọi người cùng vượt qua khó khăn, gian khổ, hỗ trợ hội viên trong việc hoan hôn, tang tế. Hội viên xem các bạn đạo là một phần tử không thể tách rời trong cơ thể, để hòa hợp và trưởng dưỡng đạo tâm.

Tổ và các hội viên không chỉ là người lãnh đạo, truyền thừa, truyền trao chánh pháp đến mọi người, khơi dậy tinh thần hộ quốc an dân mà còn chèo lái con thuyền chấn hưng Phật giáo đi đúng với phương châm và mục đích của Hội đối với công cuộc phát triển đất nước.

2.3. Xuất bản tạp chí Bát Nhã Âm

Tạp chí Bát Nhã Âm là Cơ quan truyền bá phật pháp của Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội, xuất bản vào ngày 30.12.1935, tòa soạn đặt tại tháp Thiên Bửu, làng Hắt Lăng, tỉnh Bà Rịa, do ông Đỗ Phước Tâm, tự Minh Chánh làm chủ nhiệm, dưới sự chứng minh của Tổ Huệ Đăng11, nằm trong khuôn viên chùa Thiên Thai. Tạp chí được phát hành miễn phí cho hội viên.

Nội dung chủ yếu của Bát Nhã Âm giới thiệu những bài thuyết giảng, thơ đạo, đi vào các yếu tố của Thiền và Tịnh độ, cũng như xây dựng một nhân sinh quan Phật giáo mới, tư tưởng chấn hưng Phật giáo. Tập “Bát Nhã Âm” bảo đảm tính diễn giảng đáp ứng nhu cầu tu tập, cho mọi người có thể học và tự học, cũng như có thể tự đứng lên lúc khó khăn và đau khổ cuộc đời. Nhờ tiếng bát nhã là trí huệ sáng, tỉnh mê đánh tan phiền não, ảo huyền. Tiếng bát nhã đưa chúng ta đến chỗ hoàn toàn giác ngộ, hay đưa đến chỗ chân thường.12

Duy trì và truyền bá giáo lý Phật pháp là vấn đề cốt lõi của việc lập Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội và tạp chí Bát Nhã Âm. Tạp chí ra đời, hướng mọi người đi đến tiến bộ tri thức, giáo dục và đạo đức thông qua lời dạy của Phật và chư Tổ. Các bài viết đề cao tính văn minh cả tinh thần lẫn vật chất trong thế giới đương đại, dân đức hết thảy cao thượng, dân công hết thảy thuần mỹ. Hội đóng vai trò đưa xã hội phát triển và làm cho phật giáo phát triển ổn định và đi vào lòng dân tộc, giúp dân tộc định hướng và phát triển tốt cuộc sống, cùng với tiến bộ của các nước văn minh trên thế giới.

Tạp chí ra đời nhằm kêu gọi và động viên mỗi người đều có thể tu tập, học tập và sống an lành, tìm sự an lạc trong hiện tại, không ảo tưởng ở người khác, hay mong chờ ở xã hội. Giải quyết nỗi khổ não hiện tại cũng là phương thức chấn hưng Phật giáo. Bởi cốt lõi, Phật giáo giúp chúng ta có thể trừ mọi khổ đau. Đó là mối tương quan của con người với thế giới quan Phật giáo. Chúng ta không nên sống trong mê tín, cần phải thích hợp với tiến bộ xã hội. Ông Bénard Shaw nói rằng “toàn thế giới ngày nay muốn quay lại buổi đời chơn thật thuần phát, phải cần Phật giáo”.13

Tạp chí còn đề cập đến bản ngã của mỗi cá nhân, vì tham cầu vui thích, dục vọng, danh vọng. Có bài trừ được bản ngã, lòng tự ái thì chiến tranh và hận thù mới mong chấm dứt. Tất cả do duyên sanh và duyên diệt nên từ bỏ chấp thủ của ta, thì thế giới tự do và bình đẳng, nhân dân được tự do và hạnh phúc. Bởi do vọng chấp, không thấy được đạo chân thật thuần túy, luôn nhìn cái hư ảo của cuộc đời dẫn đến nỗi khổ niềm đau bằng căn trần. Đó là nguyên nhân dẫn đến diệt vong, đạo đức và nhân cách suy đồi, xã hội dần đi xuống.

Chấn hưng Phật giáo tuy có nhiều phương diện khác nhau nhưng giữ thường trụ chơn tâm là chủ đạo. Mặc dù thời gian, không gian luôn thay đổi, xã hội cũng thay đổi theo xu hướng mới và phù hợp với thay đổi đó. Bản thể con người, văn hóa chúng ta vẫn duy trì theo hướng tích cực và vững mạnh. Bát Nhã Âm là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mê mờ, sống trong truỵ lạc. Một số người kém hiểu biết hay thiếu duyên lành với đạo Phật nên chưa nhận ra được giá trị của đạo Phật. Khi công nghệ phát triển, kỹ nghệ và mỹ nghệ ngày một mở mang, tinh xão tiến bộ, nhận thức con người thời bấy giờ cũng cần thay đổi và tiến bộ theo. Để làm được điều đó, tôn giáo góp phần vào sự phát triển đó. Nhất là tính đạo đức và nhân văn, đẩy lùi thảm họa chiến tranh tàn khóc, hết sức thảm bại thời bấy giờ.

Xuất bản Bát Nhã Âm kêu gọi nhận thức, trí tuệ trước nghịch cảnh, dõng mãnh tinh tấn đi lên thì ngày chấn hưng Phật giáo rạng rỡ hơn. Tiếng nói của Hội kêu gọi khai mở Phật học đường, đào tạo Tăng Ni, Phật tử làm cho phật pháp được hưng thịnh. Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ thiết thực hoàn toàn, là vô thuợng của người con Phật, hay cụ thể hơn là nhiệm vụ của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông.14

Nhìn chung, Tạp chí Bát Nhã Âm đóng góp vào công cuộc đổi mới, chấn hưng Phật giáo, cũng như xây dựng xã hội Nam bộ, đất nước được hòa bình, nhân dân ấm no, tiến bộ với văn minh nhân loại. Tự giác và tự thân thức tỉnh khỏi mê lầm, mê tín hay ảo tưởng trong cuộc sống hàng ngày.

2.4. Phiên dịch kinh điển và trước tác

Xiển dương chánh pháp Phật giáo là một phần quan trọng của mục đích thành lập Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội. Hội hoạt động qua nhiều hình thức khác nhau như mở trường lớp đào tạo Tăng Ni, mở các đạo tràng giảng dạy cho thính chúng Phật tử, đưa con đường hoằng pháp độ sanh bằng việc thuyết pháp. Phiên dịch và trước tác là vấn đề thiết yếu của Hội, giúp tầng lớp trí thức khác nhau dễ dàng tiếp thu giáo lý đạo Phật. Hơn thế nữa, Tổ Huệ Đăng và ban dịch thuật đề cập dịch một số bản kinh chữ Hán sang Nôm, hay chuyển ngữ diễn Nôm. Với điều kiện thực tiễn của đất nước ta từ thế kỷ XIX trở về trước, số người đọc được thông thạo chữ Nôm rất ít. Đây là công việc khó khăn và tương đối bất cập đối với Hội. Việc học và tiếp cận lời dạy của Phật qua kinh chữ Hán đối với những thế hệ sau là điều hết sức khó khăn, hay nói cách khác, khả năng này có được một thiểu số hiếm hoi. Vì thế, nhu cầu chuyển dịch kinh sang tiếng Việt là điều cấp thiết. Lúc đó, ở Việt Nam, vẫn chưa tổ chức phiên dịch kinh điển sang tiếng Việt hoàn thiện các bộ kinh, luật, luận.

Trong việc trước tác và dịch thuật các kinh sách, tác giả Đỗ Phước Tâm tự Minh Chánh đóng góp to lớn vào công việc cúng dường chánh pháp. Ông được Tổ tín tâm và cho lấy danh nghĩa của Tổ và của Hội ấn tống. Hoạt động dịch thuật của hội thành tựu nhiều thơ văn Nôm. Cho đến nay các kinh điển và bản dịch được lưu truyền, phổ biến rộng rãi ở các Tự viện hiện nay như:

• Kinh Di Đà (diễn nghĩa). • Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn (diễn nghĩa). • Kinh Phật Thuyết Báo Phụ Mẫu Ân (diễn nghĩa). • Kinh Hồng Danh Bửu Sám. • Bát Nhã Tâm Kinh (diễn nghĩa). • Tịnh Độ Chánh Tông(diễn nghĩa Nôm). • Sách Tịnh Độ Chánh Tông (trước tác và biên soạn diễn nôm) • Sám Di Đà (diễn nghĩa) • Bài Sám Thái Bình Thập Nguyện (trước tác bằng chữ nôm) • Bài Sám Thảo Lư (diễn nghĩa). -

Không chỉ các tự viện trong tông môn Thiên Thai Thiền giáo tông đọc tụng qua các thời khóa nghi thức Phật giáo hằng ngày. Các tập kinh điển này còn được các hội và các tự viện ở Việt Nam dùng trì niệm và giảng dạy cho phật tử khắp nơi, đặc biệt là kinh Phật thuyết Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Phật Thuyết Báo Phụ Mẫu Ân được truyền thừa ra hải ngoại. Theo mục đích và tôn chỉ, hội đã truyền và dạy Phật tử, tín thí hiểu biết Phật pháp, nâng cao giá trị nhân văn, đạo đức của mỗi người.

Nội dung hai bài kinh trên đã dắt dẫn chúng ta học và thực hành lời Phật dạy bằng sự hiếu kính và tri ân đến các bậc sanh thành và dưỡng dục ở hiện tiền cũng như người đã quá vãng. Không dừng ở ý nghĩa đó, bài kinh cho chúng ta thấy được bản chất tham lam và nhìn lại bản thân qua từng cử chỉ, hành động tạo nên tội và phước. Hiểu công ơn hai đấng sinh thành ví như biển cả, chúng ta phải nghĩ tưởng hiếu sinh công sinh dưỡng. Đạo đức và lòng hiếu thảo theo kinh dạy đời sống đạo đức của bản thân, thấy được song thân ân trọng, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng, dù khốn đốn khó khăn, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ bền vững không lay động.

Trong Kinh Báo ân, sự báo hiếu được khởi qua tinh thần tri ân và cầu nguyện cửu huyền thất tổ. Giá trị giáo dục ngụ ý của hai kinh này rất cao. Bậc Thánh nhân và Phật còn hiếu thảo với cha mẹ như vậy thì huống hồ là người phàm phu chúng ta mà không lo báo đáp15. Điều đó còn nói lên vai trò của Hội đề cao đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Tính đạo đức của con người đã bị phá vỡ nếu thiếu đi sự hiếu kính, hiếu thảo. Đó là bước khởi đầu cho nhân cách và đạo lý làm người. Đạo hiếu được xem là đạo làm người và làm thánh. Người bất hiếu, thiếu phẩm chất dạo đức, không phải là người đúng nghĩa về sự phát triển ý thức và đạo đức.

Việc dịch thuật không chỉ dừng lại ở chỗ dịch văn xuôi, mà còn được Hội chuyển thành các thể thơ lục bát. Đối với thể thơ lục bát dễ chuyển tải thông tin và cảm xúc với người đọc, thể hiện tâm tư và tinh thần của người muốn chuyển tải. Đối với chủ trương của Hội, thể thơ này đóng vai trò quan trọng và tất yếu trong việc dịch và giải nghĩa kinh điển. Nó tác động vào tư duy, tình cảm nên dễ đọc dễ nhớ và đi vào lòng người. Đây cũng là nét đặc trưng của Phật giáo vùng Nam bộ bởi nó đa dạng, cùng với tính dung hợp của nó và văn hoá vùng miền, đã thể hiện được tính thực tiễn và có vai trò đóng góp đáng kể trong công cuộc phục hưng đổi mới và xây dựng văn hóa, xã hội, tạo ảnh hưởng tích cực các hội đoàn, tổ chức khác trong nước.

KẾT LUẬN

Sau khi Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam thành thuộc địa, nước ta mất dần quyền tự chủ. Xã hội gặp nhiều khó khăn và vấn nạn. Triều đình bị Pháp gây sức ép về quân sự và cai trị đất nước. Chúng ta gần như bị lệ thuộc hoàn toàn vào người Pháp trên phương diện ngoại giao và quân sự. Tôn giáo cũng không ngoại lệ, mất dần đi tính ảnh hưởng tín ngưỡng, niềm tin. Vốn nó gắn liền với truyền thống dân tộc từ thuở xưa. Đặc biệt, Phật giáo được xem như là quốc giáo thời Lý - Trần. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị, văn hoá và xã hội thời đó. Thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Nho giáo và Công giáo dần dần thay thế Phật giáo ở các vùng miền đất nước.

Trước hoàn cảnh đó, các phong trào Cần Vương, Đông Kinh, Nghĩa Thục tập hợp quần chúng đứng lên chống chế độ áp bức của thực dân Pháp. Các sĩ tử, cư sĩ Phật tử cũng là lực lượng nòng cốt trong các phong trào chống giặc cứu quốc. Tuy nhiều các cuộc khởi nghĩa nhiều lần thất bại, nhưng tính ảnh hưởng lan rộng khắp cả nước. Tinh thần ấy như là ngọn đuốc, lan truyền và soi sáng con đường cách mạng để giải phóng dân tộc.

Phong trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ ở các tỉnh thành trong cả nước, tiếp nối với phong trào giải phóng dân tộc trên phương diện tinh thần và an sinh xã hội. Điển hình, ở miền Nam Việt Nam, nhiều phong trào được tổ chức bởi các vị chức sắc tôn giáo lãnh đạo phong trào. Tùy cơ duyên và điều kiện các phong trào chấn hưng, cứu quốc được thành lập. Các Hội dần dần hình thành từ miền Bắc đến Nam hưởng ứng lời kêu gọi phục hưng Phật giáo. Trong đó, Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội, cùng với tạp chí Bát Nhã Âm được Tổ Huệ Đăng thành lập tại Bà Rịa. Hội đáp ứng nguyện vọng, chủ trương của Tổ và của dân tộc về các vấn đề giáo dục, an sinh, đạo đức, xây dựng và phát triển Phật giáo trên nền tảng giáo lý Phật đà và chư Tổ tiền bối. Bát Nhã Âm là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của hội nhằm đôn đúc, kêu gọi quần chúng hộ trì chánh pháp, mở cơ sở giáo dục Tăng, Ni và nam nữ thanh thiếu niên, cư sĩ Phật tử. Thiên Thai Thiền giáo tông xây dựng và duy trì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái khía cạnh cuộc sống, tâm linh của quần chúng Phật tử. Định hướng và mục đích của Hội là nhân dân ấm no, nhà nhà được hạnh phúc trong thế giới văn minh và bình đẳng.

TS.Thích Thiện Lâm Giảng viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Tiến sĩ Triết học, ĐH Allahabad, Ấn Độ. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM *** CHÚ THÍCH

1 Dương Thanh Mừng (2015), “Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 143, tr. 45 2 Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo - tập I, Viện Hóa Đạo, Sài Gòn, tr. 431. 3 Dương Thanh Mừng (2015), “Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 143, tr. 54 4 Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr. 567. 5 Như trên, tr. 568. 6 Thích Đồng Bổn (1997), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 228. 7 Trần Hồng Liên, (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 69. 8 Thích Đức Trường, Dòng thiền Phật giáo Đàn Trong. 9 Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội (1935), Điều lệ và quy điều nộ trị, Imp,de I’Union Nguyễn văn Của, Sài Gòn, tr. 3. 10 Hội Đồng Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh (2007), Tưởng niệm lần thứ 10 đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, tr. 6. 11 Tạp chí Bát Nhã Âm, xuất bản 30.12.1935, tòa soạn tháp Thiên Bửu, tr.2. 12 Như trên, tr.15. 13 Tạp chí Bát Nhã Âm, xuất bản vào ngày 30.12.1935, tòa soạn tháp Thiên Bửu, tr.11 14 Tạp chí Bát Nhã Âm, xuất bản vào ngày 30.12.1935, tòa soạn Tháp Thiên Bửu, tr.17. 15 Hòa thượng Huệ Đăng dịch (1998), Kinh Báo hiếu - Vu lan, Nxb Tp.Hồ Chí Minh, tr. 28-29.

TÀI LIỆU THAM KHẢO Chùa Xá Lợi, Tổ đình Thiên Thai và Hòa thượng Huệ Đăng. Dương Thanh Mừng (2015), “Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 143. Hòa thượng Huệ Đăng dịch (1998), Kinh Báo hiếu - Vu lan, Nxb Tp.Hồ Chí Minh. Hội Đồng Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh (2007), Tưởng niệm lần thứ 10 đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào. http://chuaxaloi.vn/thong-tin/to-dinh-thien-thai-va-hoa-thuong- hue-dang-18731953/1852.html Lê Tâm Đắc - Nguyễn Đại Đồng (2013), Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX nhân vật và sự kiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tạp chí Bát Nhã Âm, xuất bản vào ngày 30.12.1935, tòa soạn tháp Thiên Bửu, làng Hắt Lăng, tỉnh Bà Rịa. Thích Đồng Bổn (1997), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, nxb Tôn giáo, Hà Nội. Thích Đức Trường, Dòng Thiền Phật giáo Đàn Trong. http://phatgiaobaclieu.com/dong-thien-phat-giao-dang-trong- thich-duc-tuong/ Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo - tập I, Viện Hóa Đạo, Sài Gòn. Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội (1935), Điều lệ và quy điều nộ trị, Imp,de I’Union Nguyễn văn Của, Sài Gòn. Tổ Huệ Đăng (1967), Kinh Tam bảo, Nhà in Sài Gòn. Trần Hồng Liên, (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt Ở Nam bộ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.