Trang chủ Đời sống Quan niệm Phật giáo về vấn đề hòa bình trong xu hướng toàn cầu hóa

Quan niệm Phật giáo về vấn đề hòa bình trong xu hướng toàn cầu hóa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Phước Nghĩa
Học viên Ths Khóa I, Học viện PGVN tại Hà Nội

DẪN NHẬP

Đạo Phật là đạo từ bi, bình đẳng, tôn trọng mạng sống chúng sinh, nêu cao giá trị trí tuệ, luôn dẫn dắt con người đến đời sống an vui hạnh phúc. Vì vậy, suốt những chặng đường hoằng pháp, đức Phật quan tâm đến đời sống hiện tại của con người, Ngài chỉ cho chúng sinh nhận ra nguồn gốc khổ đau và phương pháp diệt trừ nỗi khổ, hướng đến cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Tùy theo căn cơ của mỗi người mà Ngài hóa độ khác nhau, không phân biệt giai cấp. Đức Phật thuyết pháp từ vua quan cho đến thứ dân, ai có duyên sẽ tỏ ngộ. Ngoài những thời pháp chỉ dạy con đường tu tập diệt trừ tham, sân, si, phiền não… Ngài còn hướng dẫn các bậc vua chúa cai trị quốc gia, sống đúng với tư đức của một vị minh quân, cũng như điều kiện để phát triển một đất nước hùng cường, giàu mạnh, đảm bảo cho nền trị an hòa bình của nhân loại.

Ngày nay xã hội phát triển vượt bậc với nền khoa học kỹ thuật tân tiến hiện đại cũng không giúp con người chấm dứt khổ đau, không thể bảo đảm được an ninh chính trị lâu dài. Vì vậy những lời dạy của đức Phật luôn rất mới cho những ai muốn tìm đến với chân lý và hướng đến xây dựng một quốc gia lý tưởng bình an, giàu mạnh.

Xã hội đương đại ngày nay với mạng lưới công nghệ 4.0 đã phát triển đến tầm cao, đưa thế giới đi vào thời đại toàn cầu hóa, mọi thông tin đều nắm bắt một cách nhanh chóng, những liên kết không ngừng mở rộng. Do vậy, nó tác động và chi phối sâu sắc đến các quốc gia và dân tộc trên thế giới ở nhiều lĩnh vực: Văn hóa, đạo đức, môi trường, xã hội, khí hậu… nó còn thay đổi nền kinh tế của mỗi quốc gia dẫn đến thay đổi cả thể chế chính trị và đe dọa đến an ninh con người, tạo ra các mâu thuẫn không ngừng xung đột.

Đứng trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay với những biến đổi không ngừng tác động đến nền kinh tế, chính trị… de dọa an ninh con người và đâu đó tìm ẩn những nguy cơ xảy ra chiến tranh bạo động. Do đó, việc tìm hiểu và áp dụng những lời dạy của đức Phật là điều cần thiết để thiết lập đời sống ổn định – hòa bình, phát triển trong nước và giữa các nước trên thế giới. Vì vậy, người viết chọn nghiên cứu đề tài: “Quan niệm Phật giáo về vấn đề hòa bình trong xu hướng toàn cầu hóa”, nhằm đưa ra quan điểm của đạo Phật về vấn đề thiết lập nền hòa bình cũng như phương pháp giải quyết những mâu thuẫn còn tồn động trong và ngoài nước trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT TOÀN CẦU HÓA

1.1. Khái niệm toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là xu thế phát triển lớn của thế giới ngày này, là thuật ngữ thông dụng được các học giả, các chính trị gia dùng để miêu tả đặc tính của thời đại.
Nói đến vấn đề toàn cầu hóa có rất nhiều ý kiến khác nhau, toàn cầu hóa là một khái niệm không phải dễ dàng định nghĩa, bởi vì nó rất rộng. Toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp thể hiện ra dưới dạng những dòng tư tưởng như: Tư bản, kĩ thuật, hàng hóa quy mô lớn và khuếch trương trên toàn thế giới, gây ra những biến đổi cơ bản trong xã hội của mỗi quốc gia.

Toàn cầu hóa được hiểu như là cách thức diễn đạt một cách ngắn gọn của quá trình mở rộng các mối quan hệ sản xuất, giao tiếp và công nghệ… ra khắp thế giới. Quá trình này làm cho kinh tế, hoạt động văn hóa đang tiếp vào nhau.

Một định nghĩa khác cho rằng: “Toàn cầu hóa như là một quá trình làm biến dạng kết cấu không gian của các quan hệ giao tiếp xã hội. Quá trình này làm nảy sinh các dòng chảy xuyên lục địa, liên khu vực, làm xuất hiện mạng lưới hoạt động tương tác giữa hai cường lực mềm và cứng (cường lực mềm nguy hiểm hơn)” [1].

Lại có một định nghĩa của các học giả cho rằng: “Toàn cầu hóa là quá trình không thể đảo ngược, và là sự hợp nhất giữa các khuynh hướng như: Quá trình quốc tế hóa toàn bộ đời sống xã hội, sự phụ thuộc lẫn nhau xuyên quốc gia của các công ty, sự phối hợp hàng đầu các tổ chức quốc tế khác nhau, theo đó là quá trình đồng hóa các hình thức giao dịch kinh tế rất đa dạng, được toàn cầu hóa mở ra các tin mới của quá trình lưu chuyển: Nguồn tài chính, con người, vật chất xuyên biên giới. Nó tác động thay đổi nền kinh tế của mỗi quốc gia dẫn đến thay đổi cả thể chế chính trị” [2].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Toan Cau Hoa 1

Toàn cầu hóa còn được cho là quá trình phương Tây hóa, nó hủy diệt các nền văn hóa, những thể chế tự trị, để thay vào đó cấu trúc xã hội nhất dạng.

Cũng có định nghĩa nói rằng: “Toàn cầu quá là quá trình phân hóa lãnh thổ nhà nước, để tạo ra không gian siêu lãnh thổ” [3]. Toàn cầu hóa làm cho nền văn hóa dần mất đi. Ví dụ: Áo dài Việt Nam dần dần bị mất đi thay vào đó là áo đầm, váy… thời trang của phương Tây, nhằm đánh vào tâm lý giới trẻ. Siêu lãnh thổ đang cơ cấu lại không gian xác độ, mà trước đó dựa vào địa lí, bây giời không cần dựa vào địa lí nữa và tính địa phương tính dân tộc sẽ bị mất đi. Riêng định nghĩa này lại thiên về mặt chính trị hơn. Toàn cầu hóa còn được xem là một quá trình thu nhỏ địa lí và không gian, trở thành không có biên giới.

Về mặt thương mại, toàn cầu hóa có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chính trị. Từ góc độ chính trị, thương mại, kinh tế, toàn cầu hóa hình thành nên các thị trường tài chính của cấp độ toàn thế giới hay làm nền kinh tế toàn thế giới thành phẳng ngang. Khái niệm toàn cầu hóa bao trùm tất cả mọi lĩnh vực.

1.2. Đặc trưng của toàn cầu hóa

Xã hội đương đại ngày nay với mạng lưới công nghệ 4.0 phát triển vượt bậc, đã đưa thế giới đi vào thời đại toàn cầu hóa, mọi thông tin đều nắm bắt rất nhanh. Toàn cầu hóa không chỉ thể hiện qua các khái niệm mà các học giả đã nghiên cứu, nó còn biểu hiện qua những đặc trưng như sau:

1. Công nghệ mới, cuộc cách mạng công nghệ hiện nay và thời đại 4.0 giúp con người rút ngắn thời gian, khoảng cách đáng kể trên bình diện xã hội. Như vậy từ thành tựu đó dẫn đến những chuyển biến về chất trong quan niệm về không gian, thời gian xã hội và không gian thời gian của nhân cách.

2. Toàn cầu hóa tạo nên một thời đại thông tin, làm cho thông tin lưu chuyển trên khắp bề mặt địa cầu và tất nhiên là hiệu quả kinh tế rất cao, chi phí liên lạc không ngừng phát triển kinh tế.

3. Làm chuẩn hóa, chuẩn mực các tiêu chí, các bộ phận hoán đổi cho nhau và các biểu tượng giống nhau tăng lên trong điều kiện toàn cầu hóa và thực tế chúng ta có những đồng tiền chung, các thủ tục chung, các trang bị thiết kế chung.

4. Nó gia tăng sự hội nhập xuyên quốc gia bằng cách mở rộng giao tiếp giữa các nước, các địa phương và các hoạt động xã hội khắp thế giới. Vì vậy, dẫn đến một xã hội đa văn hóa đã được mở rộng không gian xuyên quốc gia và dẫn đến hình thành về khái niệm ngôn ngữ chung, có tiếng nói chung, những quy ước chung, bất chấp khoảng cách, địa lý, môi trường xã hội dân tộc.

5. Toàn cầu hóa dễ làm tổn thương lẫn nhau do sự tùy thuộc vào nhau tăng lên. Bởi vì nó mang tính chất phụ thuộc lẫn nhau, hiện tại những sự kiện diễn ra nơi đây có ý nghĩa lớn lao, nhưng mà chỗ khác không có ý nghĩa. Những phát triển từ thiên nhiên mang tính địa phương gây ra hậu quả mang tính toàn cầu. Hệ quả là tính kết cấu của xã hội trong lòng nhà nước, dân tộc ngày càng trở nên bình ổn cũng bị mất đi, dẫn đến sự khủng hoảng một cách toàn diện, con người sẽ chịu ảnh hưởng tương tác với tất cả các tác nhân từ xã hội, chính trị, thể chế văn hóa trong xu hướng toàn cầu hóa.

6. Toàn cầu hóa đe dọa an ninh con người [4].

Tóm lại, có thể xem toàn cầu hóa như những liên kết không ngừng mở rộng, một mặt nó gia tăng tốc độ, mặt khác nó gây áp lực ở cấp độ toàn thế giới. Trong quá trình tương tác toàn cầu hóa, thực chất các tác nhân tham dự vào cũng bị thay đổi, điều đó lý giải cho việc vì sao các mô hình nhà nước, các tổ chức xã hội, cụ thể là các công ty phải chuyển dịch theo phương thức hoàn mỹ và phải có phương thức quản trị phù hợp.

Như vậy, toàn cầu hóa tác động vào xã hội đương đại như thế nào trên mọi phương diện đời sống của nhân loại?

1.3. Tác động của xu thế toàn cầu hóa đến xã hội đương đại

Toàn cầu hóa (globalization) là một thuật ngữ đã trở thành một trong những xu hướng chủ đạo và tất yếu của thế kỷ 21. Hiện nay, toàn cầu hóa đang tác động và chi phối sâu sắc đến các quốc gia và dân tộc trên thế giới trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường, xã hội, đạo đức, hòa bình, khí hậu… Vì vậy, như một hệ quả tất yếu, toàn cầu hóa làm cho biên giới giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng mờ đi trong thế giới hiện đại, chúng ta ngày càng gần với nhau hơn, đi đến việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Vì thế, mối tương tác giữa con người, giữa các quốc gia, dân tộc ngày một sâu sắc hơn, phụ thuộc lẫn nhau hết sức chặt chẽ.

Chúng ta thấy rõ thời đại 4.0 là thời đại của toàn cầu hóa, nó không chỉ xảy ra ở các lĩnh vực nói trên mà ngay cả trong các tôn giáo cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, các tôn giáo đều chịu sự tác động của toàn cầu hóa.

Ngày nay toàn cầu hóa thế giới được biểu hiện một cách rõ rệt bằng nhiều hội nghị về tôn giáo. Qua đó, người ta thấy điểm chung của tôn giáo theo vấn đề toàn cầu hóa, theo nguyên lý sự hình thành của mỗi tôn giáo.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa, sự kết nối giữa con người với con người, với từng quốc gia, lãnh thổ đã trở nên rất gần gũi. Tất cả mọi vấn đề của cuộc sống đều được chia sẻ phổ biến một cách nhanh chóng. Đó là cơ hội cũng là sự thách thức đối với Phật giáo trong việc góp phần ảnh hưởng tích cực đến toàn thể nhân loại. Phật giáo được xem như là phương thuốc hữu hiệu nhất trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu hóa hiện nay.

CHƯƠNG 2. TÌM HIỂU VỀ HÒA BÌNH

2.1. Khái niệm hòa bình

Hòa bình, tiếng Anh là Peace, tiếng Pháp là Paix, gốc từ tiếng Latin hay Hy Lạp: Pax. Ý nghĩa chung là: Một trạng thái tĩnh lặng, an toàn, không bị áp bức, bất an trong ý nghĩ, hài hòa trong các liên hệ cá nhân; một hiệp ước một giai đoạn có sự đồng ý giữa các chính phủ; một hiệp ước thỏa thuận chấm dứt sự đối kháng giữa những người đang chiến tranh hay đang có thái độ thù nghịch; một yêu cầu yên tĩnh, sự chào đón hân hoan (Từ điển Webster). Ý nghĩa nổi bật nhất của hòa bình ở đây là sự tĩnh lặng, yên ổn.

Theo từ điển Wikipedia thì hòa bình là trạng thái hài hòa, được định tính bởi sự vắng mặt những tranh chấp, thù nghịch. Hòa bình cũng hàm ý sự hiện hữu của những quan hệ lành mạnh hoặc được chữa cho lành mạnh giữa liên hệ cá nhân và liên hệ quốc tế; sự thịnh vượng về phúc lợi xã hội hay kinh tế, xây dựng công bằng, công chính; tình trạng chính trị vận hành phục vụ những lợi ích thực sự của mọi quan hệ quốc tế. Gọi là thời bình không chỉ là không có tranh chấp hay chiến tranh mà còn là sự bao dung trong các quan hệ quốc tế để thực hiện hòa bình thực sự.

Wikipedia còn đưa ra, Hòa bình, theo tiếng La-Hy Pax còn có nghĩa là không có sự hỗn độn về dân sự, và từ Peace của tiếng Anh dùng để dịch từ Shalom của tiếng Hebrew, liên hệ với từ Salaam của Ả rập có rất nhiều nghĩa: An toàn, an ninh, hạnh phúc, thịnh vượng, vận may, tình huynh đệ, và là một lối sống bất bạo động diễn tả mối quan hệ giữa những người có sự tôn trọng, công chính và thiện chí.

Từ hòa bình là do người Nhật dịch từ phương Tây vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Từ điển Hán trước đó không có dùng từ này. Từ điển Từ Hải có ghi Hòa là thuận; không cương không nhu là Hòa. Hòa là bình, ngang bằng, phẳng, bình đẳng. Hòa là trộn lẫn nhau, âm thanh, thơ kệ tương ứng gọi là Hòa (còn đọc là Họa). Bình là bằng phẳng, là trị an, là hòa hảo, ngang bằng nhau[5].

Những năm gần đây các hội nghị, hội thảo quốc tế về hòa bình được tổ chức khá nhiều, thường là để tạm thời ngưng chiến tranh, ngăn chặn xung đột. Thế nhưng ý nghĩa về hòa bình, nguyên nhân sự phá vỡ hòa bình chưa được phân tích sâu sắc. Thiếu sót này được bổ sung, được giải quyết qua giáo lý của đức Phật và qua sự thực hành, áp dụng giáo lý ấy.

2.2. Nguồn gốc dẫn đến xung đột

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới có nguy cơ xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào, các nhà lãnh đạo ra sức củng cố lực lượng quân sự, sản xuất các loại vũ khí tối tân nhằm phục vụ cho chiến tranh như: Tên lửa, bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học… làm cho nhân loại sống trong sự lo âu trước nguy cơ chiến tranh bùng phát. Ngoài ra, những cuộc chiến tranh diễn ra hằng ngày không phải bằng bạo lực mà chuyển sang chiến tranh kinh tế. Đây cũng là nỗi lo của sự phá hủy, nó mang tính chất 4.0, nó dẫn đến sự khủng hoảng giữa quan điểm chính trị và kinh tế, là hai lĩnh vực luôn luôn có mối quan hệ hết sức khăng khít. Vậy, quan điểm của Phật giáo về vấn đề xung đột như thế nào?

Theo xu hướng toàn cầu hóa hiện nay Phật giáo đã thể nhập khắp cả năm Châu bốn bể. Quan niệm Phật giáo nhìn nhận, nguyên nhân gây ra tất cả các hành động bất thiện (xung đột) đều xuất phát từ tham, sân, si là gốc rễ gây nên nhiều cuộc xung đột. Xung đột thường xuất phát từ sự dính mắc về biên cương lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa dẫn đến nhiều cuộc xung đột [6].

Đạo Phật cho rằng nguyên nhân bên ngoài của bạo động và xung đột là hậu quả, là định luật chung của tất cả chúng sinh. Sự bạo lực của con người khởi đầu bằng sự ham muốn nắm giữ, con người muốn nắm giữ tất cả và chỉ muốn chiếm hữu tất cả. Vì thế, nguồn gốc dẫn đến sự xung đột xuất phát từ lòng tham của con người, được biểu thị qua sự tà kiến, từ tà kiến dẫn đến xu hướng định kiến. Do đó, nhìn sự vật xung quanh không đúng sự thật. Đứng trước những biến động của thế giới Phật giáo có phương pháp nào để giải quyết những vấn đề xung đột, mang lại nền hòa bình cho nhân loại? Đó chính là một trong những nỗi lo lớn nhất của nhân loại ngày nay.

CHƯƠNG 3. QUAN NIỆM PHẬT GIÁO VỀ HÒA BÌNH TRONG XU THẾ TOÀN CẦU HÓA

3.1. Ứng dụng giáo lý hòa bình của đạo Phật trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay

Trong suốt hàng ngàn năm du nhập và tiếp biến, Phật giáo đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam trên nhiều phương diện như: Tham gia vào sự hình thành, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, giữ gìn nền văn hoá, đạo đức, kinh tế, chính trị lối sống truyền thống của con người; làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và tạo nên sự phong phú đa dạng trong bản sắc văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, Phật giáo không tránh khỏi những tác động mạnh mẽ từ xu thế toàn cầu hoá và cơ chế thị trường. Ngày nay, để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực, Phật giáo luôn hòa nhập và đồng hành cùng nhân loại tiến tới một thời đại mới.

Đứng trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay với những biến đổi không ngừng tác động lên mọi lĩnh vực trong đời sống con người, vấn đề hòa bình là mối quan tâm lớn nhất của nhiều nhà nghiên cứu xã hội cũng như các nhà lãnh đạo thế giới. Như vậy, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay Phật giáo có những đóng góp gì cho vấn đề giữ gìn nền hòa bình cho toàn thế giới?

Hiện nay thế giới đang đối mặt với nạn khủng bố, xung đột sắc tộc và những tình huống gây hấn chính trị. Dù vậy, Phật giáo vẫn đứng vững, vì Phật giáo luôn đề cao tinh thần hòa hợp và hòa bình. Nền giáo lý cơ bản của Phật giáo vẫn là chung sống với nhau hòa bình, xuất phát từ nền tảng giáo lý Tứ Diệu Đế. Để chấm dứt những xung đột về chính trị đức Phật thường dạy về lòng từ, sự lân mẫn như một thông điệp để chấm dứt chiến tranh, xung đột.

Đầu tiên Phật giáo nhìn nhận hòa bình là một khái niệm an định nội tâm, nội tâm thanh tịnh thì hòa bình mới được diễn ra. Trong bài Kinh Sāma thuộc Trung Bộ Kinh giới thiệu về Tăng đoàn Phật giáo trong thời kỳ đầu xảy ra xung đột, đó là “bảy diệt tránh pháp” để giải quyết các xung đột cá nhân với nhóm hợp. Nguyên nhân ra đời bài kinh do những Ni kiền tử xảy ra xung đột sau cái chết của Nigaṇṭha Nātaputta: “Lúc bấy giờ, Nigaṇṭha Nātaputta vừa mới tạ thế ở Pāvā. Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigaṇṭha chia ra làm hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí miệng lưỡi. “Ông không biết pháp luật này, ta biết pháp luật này. Sao ông có thể biết pháp luật này? Ông theo tà hạnh, ta theo chính hạnh. Lời nói ta tương ưng, lời nói ông không tương ưng. Điều đáng nói trước, ông nói sau; điều đáng nói sau, ông nói trước. Điều ông quan niệm, trình bày, đã bị đảo lộn. Quan điểm của ông đã bị thách đố. Ông đã bị thuyết bại. Hãy đi giải tỏa quan điểm của ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu ông có thể làm được!”” [7]. Bên cạnh đó, Tỳ kheo không chịu tuân thủ các giới đức Phật đã dạy, dẫn đến xung đột. Để bảo hộ tinh thần tu học của Tăng đoàn không rơi vào tình trạng tương tự. Tôn giả A Nan bạch Phật: “Cần làm thế nào để giải quyết những việc xung đột như thế?”.

Đức Phật dạy rằng: “Tranh luận về sinh hoạt, về các quy tắc kỷ luật thì thường không đáng kể, nhưng tranh luận về phát sinh trong Tăng đoàn về con đường tu hành, sự tranh luận đó đưa đến nỗi bất an cho đa số, và thiệt hại gây ra bất hạnh cho đa số, cho sự mất mát, thiệt hại, đau khổ cho Trời và người” [8]. Sau đó đức Phật trình bày chi tiết nguồn gốc của xung đột và các việc cần làm để giải quyết chúng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao voi kinh te xa hoi toan cau hoa 1

Và cũng trong bài Kinh Làng Sāma đức Phật chỉ ra 6 nguyên nhân căn bản đẫn đến sự tranh chấp như sau: 1. Người sống phẫn nộ là gốc rễ của sự xung đột.

2. Người sống không cung kính, không tôn trọng bậc Đạo Sư cũng là gốc rễ của tranh chấp.

3. Người sống không cung kính, không tôn trọng pháp cũng là gốc rễ của tranh chấp.

4. Người sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng là gốc rễ của tranh chấp.

5. Người sống không viên mãn sự học tập cũng là gốc rễ của sự tranh chấp.

6. Người sống khởi lên sự tranh chấp giữa Tăng chúng cũng là gốc rễ của tranh chấp [9].

Đó là sáu pháp bất hòa trong đời sống Tăng đoàn, cho nên đức Phật dạy tiếp:

1. Tránh sự khởi lên do tranh luận

2. Tránh sự khởi lên do sự tri thức

3. Tránh sự khởi lên do phạm giới tội

4. Tránh sự khởi lên do trách nhiệm [10].

Như vậy, tinh thần bất bạo động và hòa bình được xuất phát từ giáo lý Nguyên thủy của Phật giáo nhằm giải quyết những vấn đề tranh luận, chỉ trích, phạm giới và trách nhiệm. Điều này cho thấy đức Phật không chủ trương bạo động mà ngài còn dạy con người đi tìm sự bình an của nội tâm.

Theo quan điểm của Phật giáo lấy không giận để thắng giận, lấy thiền để thắng không thiền, lấy thí để thắng xan tham và lấy chân để thắng ngụy. Trong nhiều bài kinh đức Phật dẫn dụ và khuyến cáo mọi người không nên hận thù, không đã thương nhau, không thù địch, không ác ý ….. Con người phải yêu thương sống trong hòa thuận. Đó là quan điểm của đức Phật.

Đức Phật còn dạy chúng ta đi từ hòa bình nội tâm và hoà bình ngoại thân. Hòa bình nội tâm thường được gọi là tâm bình an. Tâm bình an là trạng thái tinh thần tự tại, không chi phối bởi xúc cảm, không nặng trĩu lo âu. Bình an là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bên ngoài, trong đó bao gồm những mối quan hệ cá nhân. Một người được cho là có hòa bình thì bên ngoài họ sống hài hòa với đồng loại của mình. Hòa bình bên ngoài bao gồm hòa bình của toàn cầu, của từng cộng đồng và tự nhiên. Phật giáo tin rằng hòa bình liên quan đến những cá nhân với nhau. Như vậy, ta thấy có hòa bình bên ngoài và hòa bình nội tâm sẽ tạo ra sự bình an giúp cho chúng ta kết nối với những mối quan hệ bên ngoài. Hòa bình còn là cấp độ biểu hiện không còn sự xung đột.

Đức Phật còn dạy: “Hòa bình không chỉ quay về hiện diện nơi con người mà còn có những người xung quanh, kể cả động vật và môi trường tự nhiên cũng được ứng xử trong thái độ hòa bình. Vì thế, không còn sự mâu thuẫn giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với môi trường sống” [11].

Ngày nay người ta đúc kết lại gồm 3 mối quan hệ lớn, đó là mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với con người xã hội và cá nhân với môi trường sống.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh nói rằng, tham lam, sân si, si mê là ba bản chất, ba bản năng khiến cho con người tạo ra ảo giác quyền lực. Trong Kinh ví dụ con rắn thuộc Trung Bộ Kinh cho rằng: “Do sự ham muốn dẫn đến các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều và nguy hiểm càng nhiều hơn” [12]. Như vậy, cấp độ ham muốn càng cao bao nhiêu thì sự nguy hiểm càng nhiều bấy nhiêu.

Ví như câu chuyện của Ngài Angulimala (Ương Quật Ma La) từng là một kẻ sát nhân. Nguyên nhân là vì: Người thầy mà ông theo học bảo ông trong một thời gian ngắn phải có đủ 1000 ngón tay người, xâu thành vòng chuỗi dâng lên để được chứng đạo. Vì nguyên nhân ấy, mà ông lại thành kẻ giết người hung bạo [13]. Chúng ta nên nhớ rằng con đường giác ngộ thành Phật bao giờ cũng đòi hỏi cả một quá trình tu tập chuyển hóa nội tâm. Nói theo ngôn ngữ hiện đại đó là quá trình giáo dục đạo đức lâu dài và phải mang tính hệ thống. Nếu có niềm tin thôi chưa đủ, cần có sự thực hành niềm tin bằng sự kỷ luật, bằng sự giáo dục của đạo đức và thành tựu.

Đức Phật còn dạy các vị Tỳ kheo rằng: Theo giáo lý của ta trong thế giới của chư Thiên, ma vương và Phạm Thiên với đám đông của những ẩn sĩ và Bà la môn, các vị, thân con người sẽ không có gì tranh cãi với bất cứ ai trên thế giới. Cho nên đức Thế Tôn nói: “Ta không tranh cãi với đời, chỉ có đời tranh cãi với ta.” Vì sao? Vì Như Lai đã cắt đứt nguồn gốc của sự tranh loạn. Những gì là nguồn gốc của sự tranh loạn? Đó là thành thực tin vào sự dối trá này” [14].

Chúng ta muốn có cuộc sống an bình, chấm dứt khổ đau, xung đột thì mỗi người cần thực hành theo bốn pháp đức Phật thường nhắc nhở, đó chính là “Tứ vô lượng tâm, tức: từ, bi, hỷ, xả, người thực hành Tứ vô lượng tâm dứt trừ ái dục, không còn sân hận, không có nhiễm tâm và được tự tại” [15]. Từ, bi, hỷ, xả là cội nguồn để phát triển năng lượng yêu thương, bao dung và tha thứ, tạo ra sự hòa bình cho tự thân cũng như hòa bình lan tỏa bên ngoài. Hòa bình trong Phật giáo còn mang ý nghĩa là các vấn đề hạnh phúc, tự do và an ninh. Niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất được đức Phật đề cập đến chính là Niết – bàn, một trạng thái hòa bình đối với mọi người, hòa bình tối thượng đưa đến con đường giải thoát an vui.

Giải thoát ở đây không phải là giải thoát cả xiềng xích nô lệ, sự bức bách của vấn đề sinh tồn, tức là cơm, áo, gạo tiền nuôi sống con người. Mà giải thoát ở đây được hiểu là giải thoát toàn bộ nội tâm trước vấn đề sinh, lão, bệnh, tử. Giải thoát là một khái niệm trong đạo Phật không chỉ giải thoát khỏi xiềng xích bị nô lệ áp bức, không chỉ giải thoát vấn đề tồn tại mà giải thoát Phật giáo rốt ráo còn giải quyết những xung đột, những vấn đề để đi đến chấm dứt sinh, lão, bệnh, tử.

Như vậy, giải thoát Phật giáo có 3 vế, giải thoát khỏi xiềng xích nô lệ từ thực tế đức Phật thấy bốn giai cấp ở xã hộ Ấn Độ cổ Đại (giai cấp Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá, Thủ đà la). Cho nên đức Phật đã giải thoát khỏi xiềng xích nô lệ, quan trọng hơn là giải thoát nỗi lo, sự sợ hãi vấn nạn về sinh, lão, bệnh tử.

Ngài Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh đời Trần có nói: “Ai trói buộc mình mà đi tìm cầu giải thoát”. Giải là cởi trói hoặc là thoát ra, thế thì ai trói buộc mình mà đi tìm cầu giải thoát, ai làm mình bất an mà đi lên chùa lễ Phật, làm lễ xin cầu an. Do mình tự trói buộc mình. Còn Trần Thái Tông đưa ra khái niệm con người khổ bởi sáu căn dính mắc vào sáu trần rồi tâm ô nhiễm, điều này thể hiện rõ trong tác phẩm Khóa hư lục.

Theo Khóa hư lục của Trần Thái Tông sự xung đột, khổ đau của con người bắt đầu từ khách trần phiền não. Vậy, Khách trần phiền não là gì? đó là sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp, gọi là sáu trần biến cả ra. Hằng ngày sáu căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra sáu thức phân biệt, làm cho tâm mình nhiễm ô. Theo cơ chế logic của Trần Thái Tông chỉ dạy, chúng ta thấy sắc đẹp đem vô tâm, thấy người đẹp khác giới là dính mắc rồi nhớ thương, muốn chiếm hữu, chiếm không được sinh tâm sân hận, ghét bỏ, khổ đau, trách móc v.v… hoặc nghe âm thanh mỹ miều cũng đưa vào tâm… đó gọi là khách trần phiền não làm cho tâm rối loạn, có sự phân biệt đối đãi, xấu, đẹp v.v… Như vậy, do chúng ta tự đưa khách trần vào làm cho tâm ô nhiễm. Do đó, Trần Thái Tông dùng phương pháp hành thiền để loại bỏ các khách trần phiền não ra khỏi tâm thức.

Phương pháp của Trần Thái Tông một là tọa thiền, hai là công án thiền. Trong tọa thiền, nguyên tắc của thiền là dán chặt tâm trên một đối tượng, ông cho rằng tâm thức của con người hằng ngày cùng một lúc nghĩ về nhiều đối tượng. Trần Thái Tông chủ trương hành thiền, niệm Phật, sám hối để gội rửa tâm ý cho sạch, đưa tâm trở về với hiện tại, sống trong sự bình an nội tại. Đó cũng là phương thức giải quyết sự xung đột một thiết thực nhất.

Tinh thần hòa bình còn được thể hiện rất nhiều trong nền tảng giáo lý Phật giáo như trong kinh Pháp Cú có dạy:

“Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận, diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu” [16].

Đó là lời khuyên của đức Phật cho những ai tuyên thuyết một học thuyết về sự đối kháng, sân si và cho những ai dẫn dắt nhân loại vào chiến tranh và phản loạn chống lại nhau. Nhiều người cho rằng lời khuyên của đức Phật hãy chuyển ác thành thiện là một lời khuyên không thiết thực. Trên thực tế đó là một phương pháp đúng đắn duy nhất để giải quyết vấn đề. Phương pháp này được một bậc đạo Sư vĩ đại giới thiệu thông qua sự chứng nghiệm của Ngài.

Để thiết lập hòa bình và hài hòa giữa nhân loại, mỗi một người trước tiên phải học tập phương pháp thực hành nhằm đưa đến sự chấm dứt của tham lam, sân giận và si mê, nguồn gốc của tất cả các quyền lực đầy tội lỗi. Nếu nhân loại có thể diệt tận tất cả những thế lực xấu thì khoan dung và hòa bình sẽ xuất hiện nơi thế giới bất an này.

Hòa bình có thể luôn luôn đạt được, nhưng phương pháp để đạt được hòa bình không chỉ bằng cách cầu nguyện và lễ nghi. Hòa bình là kết quả của sự hài hòa giữa con người với chúng sinh đồng loại và môi trường sống xung quanh. Nền hòa bình mà chúng ta cố đưa ra giới thiệu bằng bạo lực thì không phải là một nền hòa bình vĩnh viễn lâu dài. Đó là một khoảng trung gian giữa những cuộc xung đột của tham lam, ích kỷ và những điều kiện thế gian.

Hòa bình không thể tồn tại trên thế giới này nếu con người không thực hành đức tính khoan dung. Để có lòng khoan dung độ lượng chúng ta không cho phép trạng thái sân hận, ganh tỵ ngự trị trong tâm chúng ta. Như kinh Pháp cú số 42 dạy:

“Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân” [17].

Đạo Phật luôn đề cao nỗ lực của con người, hướng tới mục tiêu tạo ra một bầu không khí thông cảm lẫn nhau, tin tưởng và kính trọng lẫn nhau, loại bỏ mọi thành kiến, như tự ti mặc cảm, tự cao tự đại, tổn hại đến nhân phẩm và giá trị con người.

3.2. Nhận xét

Mặc dù xã hội đang tiến đến thiên niên kỷ mới với công nghệ 4.0 toàn cầu hóa làm cho các quốc gia kết nối gần nhau hơn, thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng nhanh chóng. Nó tác động rất lớn đến nền kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức… Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn xảy ra nhiều xung đột tạo thành mối đe dọa lớn cho nền trị an của thế giới.

Đức Phật nhìn nhận nguồn gốc dẫn đến khổ đau, xung đột là do tham lam, sân giận, si mê. Giáo lý của đạo Phật luôn hướng con người đến cuộc sống an lạc, thoát khỏi khổ đau. Do vậy, để chấm dứt chiến tranh xung đột, bạo động thì mỗi cá nhân cần nhìn nhận lại, phát huy hòa bình nội tâm và hòa bình ngoại thân, sống biết tha thứ cho nhau, xóa bỏ những oán thù.

Như vậy, để giải quyết vấn đề toàn cầu hóa, Phật giáo đã có vai trò đóng góp tích cực trong việc thực hành dân chủ và đạo đức. Giáo lý nhà Phật có đầy đủ tố chất để giải quyết các vấn đề trong phạm vi toàn cầu. Muốn xây dựng hòa bình bên ngoài, hãy xây dựng hòa bình trong nội tâm của mỗi người. Giáo lý Phật giáo có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người, Phật giáo có thể đem lại hạnh phúc cho con người, giảm thiểu khổ đau trong đời sống.

KẾT LUẬN

Như vậy thời đại công nghệ 4.0 giúp con người kết nối gần nhau hơn, mọi thông tin được nắm bắt một cách nhanh nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí… Tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực trong đời sống của con người, làm cho biến đổi khí hậu, tác động đến nền kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, môi trường … Sự thay đổi ấy còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn của bất bạo động, xung đột sắc tộc, đó luôn là nỗi lo chung của toàn nhân loại, nếu không hóa giải triệt để dễ dẫn đến nguy cơ chiến tranh bùng nổ. Do vậy, con người muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đất nước phồn vinh thì tất cả phải thiết lập trên nền hòa bình thịnh trị. Đó là điều mà ai ai cũng khao khát, hòa bình mang đến cho nhân loại cuộc sống tươi đẹp hơn.

Hiện nay, trên thế giới đâu đó còn xảy ra những cuộc bạo động do lòng tham và oán thù, con người đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh, khổ đau, chết chóc. Vì vậy, giáo lý nhà Phật cần được các nhà lãnh đạo vận dụng kịp thời vào việc quản lí đất nước, sẽ chấm dứt nội loạn và ngoại thù, ngăn chặn được chiến tranh cũng như trị an được cho tổ quốc và toàn cầu, thiết lập nền hòa bình hữu nghị giữa các nước.

Qua những minh chứng trên cho thấy đức Phật đã trình bày quan điểm của mình về nguyên nhân dẫn đến xung đột và phương pháp chấm dứt xung đột, bạo động, bảo vệ hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại, đó là những điểm then chốt để đất nước được hòa bình thịnh trị, nhân dân an lạc, quốc gia cường thịnh. Dù bất kỳ một thể chế nào nếu thực hiện đúng như lời Phật dạy như trên thì không bao giờ xảy ra chiến tranh xung đột.

Tuy đức Phật không chủ trương về chính trị nhưng lời dạy của Ngài vô cùng sâu sắc, mang lại giá trị thực tiễn cho đời. Mặc dù đã trải qua nhiều thập kỷ, thế nhưng lời dạy ấy vẫn luôn đúng với mọi thời đại.

Tóm lại, giáo pháp của đức Phật không chỉ dạy cho người xuất gia tìm cầu giác ngộ giải thoát mà còn hướng dẫn cho người tại gia thoát khỏi khổ đau. Lịch sử đã chứng minh qua các thời kỳ, khi giáo pháp của đức Phật được ứng dụng đúng mức trong xã hội đều đem lại hạnh phúc, an lạc và hòa bình cho con người sống trong xã hội đó. Vì vậy, muốn duy trì hạnh phúc, hòa bình lâu dài mỗi cá nhân phải thực hành đúng theo lời Phật dạy. Chúng ta tin rằng với việc đưa tinh thần giáo pháp của nhà Phật vào trong đời sống cộng đồng sẽ là một biện pháp đúng đắn không chỉ đem lại hòa hợp, hạnh phúc cho con người mà còn có thể duy trì nền hòa bình cho nhân loại.

Tác giả: Thích Nữ Phước Nghĩa
Học viên Ths Khóa I, Học viện PGVN tại Hà Nội

***

Chú thích
[1] Thích Phước Đạt, 2021, Bài giảng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội.
[2] Thích Phước Đạt, 2021, Bài giảng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội.
[3] Thích Phước Đạt, 2021, Bài giảng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội.
[4] Thích Phước Đạt, 2021, Bài giảng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội.
[5] Thích Giác Toàn, 2011, Phật giáo ứng dụng, Học Viện PGVN tại TP. HCM, Lớp bồi dưỡng sau Đại học, tr. 1-2.
[6] Thích Phước Đạt, 2021, Bài giảng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội.
[7] Thích Minh Châu dịch, 2012, Kinh Trung Bộ 2, 104. Kinh Làng Sāma, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 301.
[8] Thích Minh Châu dịch, 2012, Kinh Trung Bộ 2, 104. Kinh Làng Sāma, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 303-304.
[9] Thích Minh Châu dịch,2012, Kinh Trung Bộ 2, 104. Kinh Làng Sāma, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 303.
[10] Thích Minh Châu dịch, 2012, Kinh Trung Bộ 2, 104. Kinh Làng Sāma, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 304.
[11] Thích Phước Đạt, 2021, Bài giảng Tôn giáo và cấc vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội.
[12] Thích Minh Châu dịch, 2012, Kinh Trung Bộ 1, Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.173-187.
[13] Thích Thiện Siêu, 2003, Hư tâm học đạo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 79-91.
[14] Thích Tịnh Hạnh, 2000, Đại Tập 55 – Bộ Kinh Tập II – Số 441 -> 467, Kinh Văn-Thù-Sư-Lợi Hiện Bảo Tạng – Quyển Hạ, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, tr. 935.
[15] Thích Minh Châu, 2011, Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ, 13. Kinh số 13 – Kinh Tam Minh, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 389.
[16] Thích Minh Châu, 1998, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Đạo Phật Và Nền Trật Tự Đạo Đức Mới, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 201.
[17Thích Minh Châu (dịch), 1999, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp cú số 42, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 40.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Minh Châu (2011), Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
3. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung Bộ 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
4. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung Bộ 2, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
5. Thích Quảng Bảo (2012), Phật giáo trong thời đại tân tiến, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
6. Nhiều tác giả (2012), Đạo pháp và dân tộc – chủ nghĩa xã hội và hòa bình, Nxb Tổng hợp TP. HCM.
7. Thích Minh Châu (1998), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
8. Thích Phước Đạt (2021), Bài giảng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu, Học Viện PGVN tại Hà Nội
9. Thích Thiện Siêu (2003), Hư tâm học đạo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
10. Thích Giác Toàn (2011), Phật giáo ứng dụng, Học Viện PGVN tại TP. HCM, lớp bồi dưỡng sau Đại học.
11. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 55 – Bộ Kinh Tập II – Số 441 -> 467, Kinh Văn-Thù-Sư-Lợi Hiện Bảo Tạng – Quyển Hạ, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường