ThS.Trịnh Thị Thoa - TS.Vũ Thị Kim Oanh Trường Đại học Khánh Hòa
Tóm tắt Phật giáo lấy sự từ bi làm trọng tâm và quan tâm tới việc hoàn thiện đạo đức ở con người. Phật giáo nhấn mạnh đến yếu tố làm chủ bản thân, biết tự kiềm chế để có một nếp sống thanh bạch, khước từ dục vọng thấp hèn và nhấn mạnh đến thuyết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo như một lẽ công bằng và khách quan của cuộc sống.
Tư tưởng đạo đức Phật giáo để lại cho ngày nay những giá trị như lòng cao thượng, biết thỏa mãn những nhu cầu, sự tĩnh tâm để nhận biết vấn đề.
Những giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm cho giá trị đạo đức cách mạng Việt Nam hiện nay.
Abstract Some buddhist ethical values and meaning for now Buddhism focuses on compassion and self-improvement and self-help in human being. Buddhism stresses on self-control, on self-restraint to have a good life. Buddhism teaches people not to cherish the unworthy desire and emphasizes on the causation theory, reincarnation as a justice and objective to lives. Buddhist ethics is still valuable to study today. It includes living nobly, self-satifaction, spiritual practice. These positive values of Buddhism have enriched the vietnamese revolutionary morals.
1. Dẫn nhập
Giá trị đạo đức của Phật giáo là những nguyên tắc được thể hiện trong giáo lý đạo Phật để khuyến khích và giảng dạy cho mọi người thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nguyên tắc từ bi được xem là giá trị đạo đức cốt lõi của Phật giáo, với ý nghĩa là yêu thương và chia sẻ với mọi loài sống. Từ bi là giá trị cốt lõi của Phật giáo và được coi là một trong những giá trị đạo đức quan trọng nhất. Nhân đức là nguyên tắc hướng đến việc xây dựng tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người. Nguyên tắc này bao gồm cả tình cảm với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đồng loại. Phật giáo khuyến khích mọi người sống giản dị và không tham lam. Đây là một trong những giá trị đạo đức quan trọng của Phật giáo, nhằm giúp cho con người sống đúng với giá trị của cuộc đời và tránh xa các ý đồ tư lợi cá nhân. Các giá trị đạo đức này và nhiều giá trị khác nữa đều được Phật giáo khuyến khích và giảng dạy trong cuộc sống hằng ngày và vì vậy đã để lại cho xã hội nhiều giá trị thiết thực.
2. Nội dung
2.1. Chuẩn mực của đạo đức Phật giáo
Như chúng ta đã biết, nguyên tắc căn bản của đạo đức Phật giáo là lòng từ bi, bình đẳng cho tất cả chúng sinh, tránh làm điều ác, tích cực hành thiện.
Phật giáo đề cao “giới”, xem “giới” là những điều không được vi phạm, cần phải tránh để bảo vệ đạo đức và nhân phẩm của một con người. Xem “giới” là con đường đạo đức dành cho tất cả mọi căn cơ và trình độ. Giới có nhiều loại, tùy theo cấp độ tu hành khác nhau giữa đại thừa và tiểu thừa mà giới được phân thành nhiều loại, tuy vậy chúng ta có thể thấy có năm giới cơ bản sau; (1) không sát sinh; (2) không trộm cướp; (3) không tà dâm; (4) không nói lời không chân thật (giới về miệng); (5) không uống rượu. Năm giới căn bản là điều kiện đạo đức tối thiểu của một người phật tử, cũng là những chuẩn mực đạo đức. Giới của Phật giáo khi hòa mình vào những phong tục tập quán đã góp phần làm sâu sắc thêm tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam.
Việc thực hành năm giới này, không chỉ hoàn thiện tư cách đạo đức cá nhân mà còn làm cho xã hội được yên bình, hạnh phúc. Vì vậy, năm giới là năm điều kiện sống không thể thiếu của một con người, là điều kiện cần và đủ để trở thành người có đạo đức. Để hướng đến hoàn thiện, con người cần phải có môi trường và xã hội tốt đẹp. Những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo đòi hỏi cá nhân mỗi người phải tu luyện đạo đức. Khi tất cả những cá nhân trong xã hội rèn luyện và thực hành điều thiện tránh làm điều ác thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Ngoài việc xây dựng đạo đức cá nhân, Phật giáo còn cho rằng, phải xây dựng một chuẩn mực đạo đức xã hội. Mục đích của Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc dạy đạo đức cho số ít người mà Phật giáo còn muốn trang bị đạo đức cho toàn xã hội. Để thực hiện điều đó Phật giáo chủ trương phải thực hành theo sáu pháp Hòa kính, gồm: (1) “Thân hòa cùng ở”. Là cùng nhau ở dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, giúp đỡ nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng hành. (2) “Khẩu hòa vô tranh”. Phật giáo chủ trương, mọi người không đánh đập nhau, không đối chọi nhau, khi ở bên cạnh nhau. Muốn làm được điều đó, thì lời nói phải giữ được ôn hòa nhã nhặn. Có người thân hòa mà khẩu không hòa, ăn thua nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai, châm chọc, hạch hỏi nhau từng tiếng một, dễ sinh ra mâu thuẫn. (3) “Ý hòa đồng duyệt”. Ý là quan trọng nhất, vì đây sẽ dẫn đến khẩu và thân. Cho nên, trong một gia đình, một đoàn thể, mỗi người cần giữ gìn ý cho trong sạch. Nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói sẽ giữ được hòa khí. Nếu không thì ngược lại. (4) “Giới hòa đồng tu”. Trong một tổ chức, đoàn thể cần có trật tự, kỉ luật qui định rõ ràng. Trong đạo Phật, mỗi phật tử, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Như vậy, trong một đoàn thể, dù đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỉ luật, quy tắc, thì chúng ta không sống chung với nhau được. Phật tử, muốn hòa hợp cùng nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải gìn giữ giới luật như nhau. (5) “Kiến hòa đồng giải”. Sống chung, mỗi người hiểu biết, khám phá được điều gì thì phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu. Như thế trình độ hiểu biết mới không chênh lệch, sự tu học mới tiến đều về tinh thần bình đẳng, mới dễ giữ vững giữa những người cùng ở một đoàn thể. (6) “Lợi hòa đồng quân”. Về tài lợi, vật thực, đồ dùng phải phân chia cho cân nhau hay cùng nhau thọ dụng, không được chiếm làm của riêng, hay giành phần nhiều về mình.
Với quan điểm này của Phật giáo đã góp phần làm phong phú cho đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định rằng chỉ có đoàn kết mới làm cho cách mạng thành công, do vậy đạo đức của người cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Như vậy, chứng tỏ rằng tinh thần từ bi, vô ngã, hòa hợp, đoàn kết vẫn có giá trị đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.
Phật giáo cho rằng, trong xã hội sở dĩ có sự xung đột, phân chia giai cấp, cũng do vì thiếu sự "lợi hòa đồng quân" dẫn đến phân biệt giàu nghèo. Do đó, không thể có hòa bình được vì con người luôn tìm cách tranh dành lẫn nhau. Muốn cho xã hội trở nên công bằng thì con người phải cư xửa với nhau có đạo đức.
Phật giáo cho rằng, cần phải thiết lập trật tự xã hội bằng sự công bằng. Chính vì thế, trong kinh phật còn dạy cách xử sự với nhau trong cuộc sống thường nhật như đạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận với kẻ ăn, người ở. Những lời dạy trong kinh phật về cách cư xử trong gia đình là khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội. Điều này được thể hiện trong kinh Trường A hàm thông qua lời giảng của Phật với Thiện Sinh, gồm những nội dung sau:
(1) Con đối với cha mẹ, có bổn phận phụng dưỡng và cung cấp đầy đủ vật dụng cho cha mẹ. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. Không trái việc cha mẹ làm. Không trái điều cha mẹ dạy. Không ngăn đón việc làm lành của cha mẹ: “Ở đời được kính dưỡng mẹ hiền là vui, kính dưỡng thân phụ là vui, kính dưỡng Sa-môn là vui, kính dưỡng Thánh nhân là vui” [6, 69]
(2) Cha mẹ phải biết thương con; bậc làm cha mẹ, phải biết khuyên và ngăn cản, không để cho con làm điều ác. Nhắc nhở và dẫn dắt con đi trên đường thiện. Tạo cho con nghề sống chính đáng. Khi con khôn lớn, dựng vợ, gả chồng một cách xứng đáng. Kịp thời chia lại cho con phần tài sản của mình.
(3) Học trò đối với thầy có bổn phận; luôn luôn tỏ ra cung kính, trông nom săn sóc thầy. Chăm chỉ nghe lời thầy dạy. Khi thầy cần đến, hết lòng giúp đỡ. Kính cẩn nhận lời thầy dạy bảo.
(4) Thầy phải biết thương trò và có bổn phận; người thầy phải dạy dỗ trò biết tôn trọng kỷ luật, làm cho trò lĩnh hội được lời dạy. Dạy những môn kỹ thuật và khoa học thích hợp. Tiến dẫn trò vào giới thân cận của mình để trò giao thiệp với bạn bè thân thuộc mình. Đào tạo trò cho ra người hoàn hảo trên mọi phương diện.
(5) Chồng đối với vợ, có bổn phận; luôn luôn hòa nhã, ân cần. Không khi nào tỏ ý khinh rẻ. Luôn luôn chung thủy với vợ. Giao quyền hành cho vợ. Mua sắm cho vợ các đồ trang sức.
(6) Vợ phải biết thương chồng và có bổn phận; làm tròn phận sự trong nhà.Vui vẻ tử tế với quyến thuộc của chồng. Luôn luôn trung thành với chồng. Giữ gìn cẩn thận những đồ trang sức, thận trọng coi sóc của cải trong nhà. Luôn luôn siêng năng không khi nào thoái thác công việc.
(7) Đối với bạn bè thân thuộc có bổn phận; Quảng đại, khoan hồng. Ăn nói nhã nhặn, thanh tao. Sẵn sàng làm việc phải cho bạn bè thân thuộc. Thấy ai hữu sự liền ra tay giúp đỡ, không đợi cầu khẩn. Có tinh thần bình đẳng. Luôn luôn thành thật.
(8) Người bạn được đối xử như vậy, có bổn phận; bảo vệ bạn trong lúc cô đơn, cứu vớt bạn trong cơn sa ngã. Khi tài sản bạn không ai trông nom, hết lòng bảo vệ, không để cho bạn bị tổn hao. Nếu bạn lâm vào tình trạng khủng hoảng thì hết lòng đùm bọc và làm cho mình trở nên nơi nương tựa của bạn. Không nên bỏ bạn trong lúc nguy biến. Đối với gia đình bạn luôn luôn nhã nhặn, khiêm tốn.
(9) Đối với kẻ ăn người ở trong nhà, có bổn phận; không nên giao phó công việc làm quá sức, thù lao và cơm nuôi đầy đủ, không bắt làm quá giờ.
(10) Người làm công phải thương chủ và có bổn phận; thức dậy trước chủ. Ngủ sau chủ. Chỉ lấy hoặc dùng những vật chi của chủ cho. Tận tình làm công việc trong nhà được vẹn toàn. Giữ gìn danh giá cho gia chủ, làm cho danh thơm của gia chủ được truyền ra xa rộng.
Những quan niệm trên đã khái quát những mối quan hệ cơ bản nhất từ trong gia đình đến ngoài xã hội, Phật giáo chủ trương xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp nên có giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa chồng và vợ, giữa bạn bè với nhau, giữa gia chủ và người làm, giữa tu sĩ và dân chúng. Chuẩn mực lý tưởng trong quan hệ xã hội được đức Phật khái quát có giá trị vượt thời gian, dù hoàn cảnh của mỗi quốc gia có khác nhau nhưng được sống bình đẳng, nhân ái giữa người với người vẫn là khát vọng, dù hoàn cảnh xã hội có thay đổi, các mối quan hệ xã hội có thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh mới nhưng tinh thần bình đẳng, nhân ái và giá trị đạo đức vẫn còn tồn tại. Trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta biết khoan dung, có lòng vị tha thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp.
2.2. Ý nghĩa của đạo đức Phật giáo đối với xã hội ngày nay
Việc nghiên cứu về Phật giáo nói chung và những chuẩn mực của đạo đức Phật giáo nói riêng là một việc làm vô cùng quan trọng đối với cuộc sống ngày nay. Đạo đức Phật giáo khuyến khích con ngưới hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, có lòng từ bi, không gây hại cho người khác và cuộc sống xung quanh. Phật giáo đề cao việc tôn trọng sự sống của tất cả chúng sinh, quan điểm này thể hiện tính biện chứng một cách sâu sắc. Đạo đức Phật giáo khuyến khích con người tồn tại trong sự thấu hiểu, tôn trọng, cảm thông, vị tha đối với người khác và đối với chính bản thân mình. Trong xã hội ngày nay, mối quan hệ giữa con người đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, và điều này đòi hỏi chúng ta phải cố gắng để hiểu và tôn trọng quan điểm của người khác. Ngày nay, con người đang sống trong một thế giới mà ở đó sự tiện lợi và thoải mái trở thành ưu tiên thì Phật giáo sẽ mang đến cho chúng ta một cuộc sống đơn giản và bình an. Trong bài viết này chúng tôi nêu lên một số giá trị tích cực sau:
Một là, đạo đức Phật giáo đặt con người làm chủ thể để giáo hóa đạo đức.
Sự ra đời của Phật giáo trong bối cảnh Balamôn thống trị xã hội và thực hiện chế độ phân biệt đẳng cấp vô cùng khắc nghiệt ở Ấn Độ. Phật giáo đã kêu gọi sự bình đẳng và lên tiếng phản đối về sự phân biệt đó. Chính vì thế, đạo đức Phật giáo được xem là tuyên ngôn về quyền con người, là tiếng nói của bộ phận người chống lại sự bất công của xã hội lúc bấy giờ.
Đạo đức Phật giáo khẳng định con người có khả năng đoạn trừ khổ não, làm chủ cuộc đời của mình và thực hiện điều đó bằng ý chí, nỗ lực của bản thân, con người là chủ của “nghiệp” chứ không phải là “nô lệ của nghiệp”.
Nếu văn hóa là những gì còn sót lại sau sự sàng lọc sòng phẳng của thời gian và thời gian chính là thước đo chân lý thì hơn 2.500 năm qua Phật giáo đã khẳng định được vị thế của mình đồng hành cùng nhân loại. Chúng ta thấy rằng những mục tiêu tối thượng trong đạo đức Phật giáo “tất cả vì hạnh phúc con người” sẽ có những điểm tương đồng với định hướng xây dựng nền đạo đức xã hội cho người Việt Nam trong tình hình mới.
Hai là, đạo đức Phật giáo kêu gọi con người hành thiện, tránh ác, từ bi, hỷ xả mang tình thương đến với con người.
Lòng từ bi, nhân ái của Phật giáo thể hiện rõ qua cuộc đời của đức Phật Thích ca. Ngài đã cảm nhận và đau xót trước nỗi khổ của chúng sinh, đã hoà mình vào trong nỗi đau ấy và chan hoà tình thương cho vạn vật được ví như nước đại dương mà mỗi làn sóng vang dội đến tận đáy lòng.
Đức phật dạy rằng: “Phải lấy từ bi làm gốc, cây bồ đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành lấy từ bi, lợi lạc hữu tình làm lẽ sống” [1, 64].
Đức phật quan niệm, tất cả chúng sinh đều tiềm ẩn một khả năng phi thường như nhau đó là khả năng thành phật, nhưng tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi loài nhanh hay chậm để đạt tới cõi Niết bàn. Đây được xem như nền tảng để hình thành tính bình đẳng trong đạo đức Phật giáo. Giá trị đạo đức của Phật giáo, giúp con người xác định đúng những nhu cầu chính đáng, biết giới hạn và biết đấu tranh chống những tư tưởng bất chính, kêu gọi mọi người biết yêu người và yêu mình, san sẻ tình thương cho người khác “lợi hòa đồng quân”, hành thiện tránh ác “không sát sinh”, có tinh thần cầu tiến: “chính tinh tấn”, vượt qua khó khăn để đến với thành công. Tinh thần vô ngã, vị tha của Phật giáo là hệ quả được rút ra từ Vô thường, Vô ngã làm cho thân tâm được bình an, rộng rãi, có tấm lòng khoan dung rộng lớn. Điều đó phù hợp với mục tiêu đạo đức con người hướng tới trong xã hội vì thế đã tạo nên sức sống cho đạo đức Phật giáo đến ngày nay.
Ba là, đạo đức Phật giáo đề cao rèn luyện trí tuệ của con người để phục vụ nhận thức. Đức phật thường khuyên các đệ tử, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình, nương tựa với chính pháp, đừng nương tựa với một Pháp nào khác”. Tinh thần tự lực mang tính triệt để nhân bản đã nói lên một đặc điểm hết sức quan trọng của đạo đức Phật giáo.
Nội dung đạo đức Phật giáo đã dạy con người thực hành một nếp sống tự chủ, biết vươn tới một nếp sống thanh bạch – khước từ, nhàm chán tất cả những dục vọng thấp hèn. Đây là một nền đạo đức hướng vào nội tâm của con người – hướng về cái tâm, cái mênh mông, sâu thẳm trong chính mỗi con người, nó giữ gìn, bảo vệ chăm sóc sao cho tỉnh trước mọi dao động, cám dỗ của cuộc sống.
Vai trò của trí tuệ đưa đến giải thoát và giác ngộ, chính trí tuệ bằng sự thiền định để diệt trừ ác nghiệp, nhận rõ đúng sai, biết lắng nghe, chia sẻ, hoài nghi để sống tốt hơn. Cho nên, trong Tam học “giới – định – tuệ” thì trí tuệ đóng vai trò quan trọng là con đường đưa đến diệt khổ. Nhờ có trí tuệ con người biết nhàm chán, do nhàm chán nên ly tham, do ly tham đưa đến diệt khổ đưa đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Trí tuệ giúp con người phân biệt đâu là thiện, đâu là bất thiện, đâu là thanh tịnh, đâu là u uế, đâu là chính pháp, đâu là tà pháp để diệt trừ pháp ác thực hành pháp lành. Những phương pháp mà Ngài đưa ra đòi hỏi con người cần trí tuệ, thiền định, chiêm nghiệm, thực hành để đạt được mục tiêu tối thượng là giải thoát. Sự giải thoát chỉ đạt được trong sự giác ngộ hoàn toàn với lòng từ bi vô lượng. Nếu giác ngộ mà không có từ bi là sự ích kỷ, sự giác ngộ được trọn vẹn khi có sự kết hợp giữa từ bi và trí tuệ.
Như vậy, đạo đức Phật giáo là sự song hành giữa từ bi (tình thương) và trí tuệ (sự hiểu biết). Hai tiêu chuẩn này như đôi chân của con người, chúng ta sẽ không đứng vững, trở nên què quặt nếu chỉ có một chân, từ bi mà thiếu trí tuệ chỉ là sự thương vay vác mướn, trí tuệ thiếu từ bi chỉ là những kiến thức khô khan, vô nhân. Sự giải thoát đạt được khi con người biết đặt tình thương cho người khác và sự hiểu biết của mình, đối xử mọi người, mọi loài bằng tâm bình đẳng với tất cả tình yêu thương không phân biệt.
Bốn là, không chỉ dừng lại ở việc giáo dục mang tính cụ thể mà đạo đức Phật giáo còn hướng tới việc xây dựng đạo đức trong tinh thần ở mỗi con người, con người cần nhận ra rằng còn quá nhiều khoảng trống trong giáo dục đạo đức, trước sự khủng hoảng về đạo đức của xã hội. Những vấn đề về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội, những bổn phận trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ cha mẹ với con; thầy với trò; vợ chồng, bạn bè…cần có tiêu chuẩn để xác định đúng. Đạo đức Phật giáo có vai trò bù đắp những thiếu hụt trong đời sống tinh thần, giúp con người cảm thấy tâm bình an, sống thanh thản khi hiểu giá trị của cuộc sống, nó là sự bình an, niềm hạnh phúc của con người nếu sống và thực hành đạo đức Phật giáo.
3. Kết luận
Như vậy, Phật giáo ra đời do con người, vì con người nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của con người. Phật giáo xem con người là tâm điểm, là đối tượng thể hiện sự từ bi, diệt khổ. Mặc dù cuộc sống luôn biến đổi theo dòng chảy của thời gian, trong sự mong manh ấy vẫn tìm thấy những giá trị đầy ý nghĩa trong đạo đức Phật giáo mang lại. Đó là một nền đạo đức đại từ, đại bi lấy tình thương đối với muôn loài, đối với con người làm trọng, làm vơi bớt nỗi đau của con người. Đạo đức của Phật giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng đạo đức cách mạng. Quá trình dung hợp của đạo đức Phật giáo với truyền thống đạo đức con người Việt Nam đã làm cho đạo đức truyền thống ngày một phát triển.
ThS.Trịnh Thị Thoa - TS.Vũ Thị Kim Oanh Trường Đại học Khánh Hòa ***Tài liệu tham khảo 1. Thích Minh Châu (giới thiệu) nhiều tác giả (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học. 2. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. Doãn Chính (1997), Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Kinh trường A Hàm (2003), (Hòa thượng Thích Trí Đức tuyển dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 5. Kinh trung bộ (1992), (Thích Minh Châu dịch), Viện nghiên cứu Phật học thành phố Hồ Chí Minh. 6. Kinh pháp cú (1993), (Thích Thiện Siêu dịch), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. 7. Kinh tăng chi bộ (1994), (Thích Thiện Siêu dịch), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Bình luận (0)