Tác giả: Thích Giác Nhu Học viện PGVN cơ sở 1 số 750 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM
Khi nhìn đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, có người bảo đấy là tiếng khóc của sự vui mừng vì được làm người; nhưng cũng có người bảo đấy là báo hiệu cho những khổ ải trầm luân đứa trẻ ấy sắp phải trải qua trong cõi ta bà này.
Kì thực, tiếng khóc chào đời của đứa trẻ chỉ là hành động của bản năng để sinh tồn – khóc là nhằm đẩy những huyết dịch trong thanh phế ra để cho dễ thở mà thôi. Do vậy, sự vui sướng hay buồn đau của con người không phải khởi lên từ tiếng khóc, mà là bắt nguồn từ cách mà con người ứng xử với hoàn cảnh sống của mình. Điều này, cũng đã được Nguyễn Du đúc kết trong câu Kiều, cách đây hơn 200 năm: “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”.
Chính vì thế, với những cách ứng xử khác nhau, con người tự tạo cho mình những số phận khác nhau. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó, bởi con người luôn bị cảnh giới u minh che khuất chính kiến, dần dà đi vào con đường ta kiến, rôi mãi u mê mà lầm lạc trong bi đạo. Để rồi, họ thốt lên những lời oán thán, và đổ cho nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Thế nào là nghiệp? Nghiệp do đâu?... Hàng loạt những câu hỏi về nghiệp được nêu lên; đồng thời cũng có vô vàn những câu trả lời được đưa ra, xong những hoài nghi về “nghiệp” thì vẫn còn đó, cho đến khi đức Phật xuất thế. Với những chứng ngộ của mình, Ngài đã giúp cho chúng sinh nhận ra “nghiệp”, và giúp họ thoát khỏi mê đạo để đến với chính đạo.
Một ví dụ điển hình cho điều này, là những ghi chép về lời dạy của Ngài trong kinh Pali khi phân giảng về những hạn chế của Kỳ Na Giáo với cách nhìn về “nghiệp”. Vậy những hạn chế đó là gì?
Đức Phật đã khai sáng tăng chúng như thế nào? Và chủ trương về nghiệp trong của Kỳ na giáo khác với Phật giáo ra sao? Với sở kiến còn nhiều hạn chế, tôi xin được làm rõ những câu hỏi này trong bài luận của mình, với chủ đề “Phê bình chủ trương nghiệp của Kỳ na giáo trong kinh tạng Pali” từ một số bài giảng trong kinh tạng Nikaya.
Nghiệp là giáo lý căn bản của hầu hết các truyết thuyết và tôn giáo ở Ấn Độ. Ta hiểu Nghiệp là hành động hay tạo tác. Các tôn giáo có những quan điểm về nghiệp không giống nhau. Thế thì quan điểm về nghiệp theo Phật giáo và Kỳ Na Giáo giống và khác nhau như thế nào? Đây là quan điểm mà chúng ta cần phải tìm hiểu rõ ràng để tránh khỏi sự nhầm lẫn giữa hai tôn giáo. Các tôn giáo có sự giống nhau về nghiệp thể hiện ở ý thức của hành giả về những nỗi khổ triền miên nó đã tác động vào kiếp sống con người từ đời này qua đời khác, rồi từ đó, nó thôi thúc hành giả phải tìm kiếm các biện pháp để thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau đó.
Sự khác nhau của Phật giáo và Kỳ Na giáo đó là về nhận thức để đưa đến các biện pháp hướng đến giải thoát khác nhau. Thời đức Phật còn tại thế đã xảy ra sự khác nhau rõ ràng về giáo lý Nghiệp.
Trong các kinh điển của Phật giáo thì có sự khảo chứng cụ thể về thời đại. Còn Kỳ Na Giáo không thuộc về thời đại riêng rẽ nào, văn bản của họ không thể tránh khỏi sự thêm bớt tùy tiện về sau. Chính vì thế, những lời dạy tường thuật về giáo lý nghiệp của Kỳ Na giáo được thể hiện rõ ràng quan điểm lúc bấy giờ của họ trong kinh Trung Bộ. Như vậy chủ trương về nghiệp của Kỳ Na giáo là gì? Chủ trương về nghiệp của Kỳ Na giáo được nói đến trong các kinh do các đệ tử của Nigabtha Nataputta trực tiếp tranh luận với Đức Phật cụ thể ở kinh Ưu Ba Ly (Trung bộ kinh số 56), kinh Devadaha (Trung bộ kinh 101), Tiểu Kinh Khổ Uẩn (Trung bộ kinh 14) như sau:
Chủ trương thứ nhất về nghiệp của Kỳ Na Giáo trong kinh Devadaha rằng: “Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt, do nghiệp đoạn diệt khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận?”. Đức Phật đã nói với các Tỳ kheo rằng: Ngài đích thân nghe các vị Nigantha nói ra quan điểm đó. Đức Phật đã phân tích quan điểm đó cho họ hiểu là sai lầm. Chính vì thế bao nhiêu nỗ lực tinh tấn không có đạt kết quả và quan điểm về nghiệp của Nigatha qua kinh Devadaha cũng tương đồng với quan điểm đã được nói trong kinh Tiểu Kinh Khổ Uẩn.
Chủ trương thứ 2 về nghiệp của Kỳ Na giáo trong kinh Tiểu Kinh Khổ Uẩn: “Này các Nigaṇṭha, nếu xưa kia người có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này. Sự không làm ác nghiệp trong tương lai chính do sự hộ trì về thân, sự hộ trì về lời nói, sự hộ trì về ý ngay trong hiện tại, ở tại nơi đây. Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, mà không có sự tiếp tục trong tương lai. Do sự không tiếp tục trong tương lai, các nghiệp được diệt trừ; do nghiệp được diệt trừ, khổ được diệt trừ; do khổ được diệt trừ, cảm thọ được diệt trừ; do cảm thọ được diệt trừ, tất cả khổ đau sẽ được tiêu mòn. Và vì chúng tôi chấp nhận điều ấy, và chúng tôi kham nhẫn điều ấy, nên chúng tôi được hoan hỷ.”
Chủ trương của Kỳ Na giáo cho rằng, lý do con người không được giải thoát vì sự trói buộc của nghiệp; con người muốn được giải thoát giác ngộ, cần phải diệt trừ nghiệp bằng cách tu khổ hạnh ép xác.
Chủ trương thứ ba về nghiệp của Kỳ Na giáo trong kinh Ưu Ba Ly. Đức Phật đã có cuộc nói chuyện với Tapassi về Nigantha Nataputta để làm rõ có bao nhiêu nghiệp để tác thành tạo ra ác nghiệp, để diễn tiến ra ác nghiệp. Tapassi đã nói rằng: “Nigantha Nataputta không có thông lệ chủ trương về “nghiệp nghiệp” mà họ có chủ trương về “phạt phạt””. Như vậy đã có sự khác nhau ngày từ tên gọi. Trong cuộc đàm thoại giữa Thế Tôn và Tapassi, ông đã tự mình xác nhận rằng Kỳ Na Giáo có: “Ba loại phạt để tạo thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp đó là thân phạt, khẩu phạt, ý phạt. Ba loại này mức độ tạo nghiệp khác nhau. Và họ chủ trương thân phạt là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu và ý không bằng được”. Như vậy họ cho rằng thân tội không phải tâm tội.
Còn trong Phật giáo, đức Phật đã bác bỏ chủ trương trên, và chủ trương có ba loại nghiệp để tạo thành các ác nghiệp đó là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Theo Phật giáo thì ý nghiệp là quan trọng nhất vì đức Phật cho rằng ý nghiệp là chủ nhân của tất cả hành động, một hành động không có ý thức không thể thành nghiệp. Tất cả những hành vi sai lầm trong cuộc sống của chúng ta đều do ý thức chỉ đạo, con người muốn sửa sai nhũng hành động của mình, trước tiên phải thay đổi nhận thức sai lầm từ bên trong. Sự sửa đổi sai lầm của nhận thức là điều kiện cơ bản để chúng ta thành tựu con đường giác ngộ.
Như vậy, qua chủ trương thứ nhất về nghiệp của Kỳ Na giáo ta sẽ thấy các Nigantha đã nhìn nhận một chiều hướng lệch lạc, mức độ hiểu biết của Kỳ Na giáo còn quá thấp kém, sai lầm và luôn bảo thủ về quan điểm của mình. Không nên quy kết vào quá khứ, do sự thiếu hiểu biết và đã nhận định sai lầm về một chiều hướng rất buồn cười. Họ tự nhận định tất cả những cảm giác lạc thọ, khổ thọ mà con người đang phải đón nhận ở hiện tại là do nghiệp từ quá khứ, mà trong khi đó một quá khứ xa xôi mơ hồ, không thể nhận định được và biết mình ở đâu? Và làm những gì, tất cả những cái đó định đoạt một cuộc sống làm con người chấp nhận định mệnh an bài. Chúng ta không nên quy kết cả vào quá khứ quan niệm và chủ trương như thế sẽ làm con người bị ảnh hưởng, tác động của nó trong cuộc sống của con người thông qua nhận thức và hành động. Bởi vì trong hiện tại làm sao ta biết đã nhận lãnh hết các quả báo ở trong quá khứ đủ hay chưa đủ. Còn hiện tại làm là đời sau được hưởng, vậy đời sau là ai? Đi về đâu? Đến lại cuộc đời này như thế nào? Muốn cho cuộc sống của đời sau không còn khổ nên đời này tự làm khổ, nhận tất cả khổ cho đời sau hết khổ mà hưởng niềm vui. Nếu mà để đoạn diệt Nghiệp ở trong quá khứ mà hành khổ ngay trong hiện tại, thì nghiệp tự hành khổ trong hiện tại sẽ dẫn con người đi về đâu theo quy luật vận hành của nghiệp. Như chúng ta thấy rằng đạo Phật chủ trương nghiệp là dòng chảy sống động giống như là sức chảy của con sông, nhìn từ bên ngoài chúng ta tưởng như là một khối, phân tích từ vật lý học chúng ta thấy rằng nó là một sự nối kết trôi chảy không dừng, Những hành động dẫn ra tiêu cực đã từng diễn ra trong quá khứ sẽ được thay hình đổi dạng để làm mới nhận thức, làm mới cuộc đời, từ đó an vui và hạnh phúc.
Quan niệm về chủ trương nghiệp của Kỳ Na giáo khác hoàn toàn với Phật giáo, vì họ cho rằng tất cả quả nghiệp dị thục đều do quá khứ, và chấp nhận an bài để thực thực hành khổ hạnh để diệt nghiệp tương lai. Đạo Phật không chấp nhận tất cả mọi thứ an bài như vậy. Đức Phật đã đặt ra các các câu hỏi cho các Nigantha để bác bỏ chủ trương của họ: “Quý vị hãy cho tôi biết trong quá khứ các vị đã từng hiện hữu hay không hiện hữu, các vị đã tạo những ác nghiệp hay không tạo những ác nghiệp, mức độ tạo nghiệp tiêu cực và tích cực như thế nào, khổ và sức chịu khổ ra làm sao, và nó cần được chuyển hóa hay được diệt đi như thế nào, sự thành tựu của các thiện pháp ở trong hiện tại có được thiết lập hay không .” Các vị Nigantha đã không trả lời được.
Với câu trả lời như vậy thì các lý thuyết trước đó của họ có sự mâu thuẫn lớn, nếu như trong quá khứ không hiện hữu thì làm sao tạo ra nghiệp mà lãnh thọ, ... Cho nên quy kết tất cả vào quá khứ là một sai lầm từ nhận thức và chủ trương. Họ luôn tưởng tượng, là hư tưởng, không tưởng, mà không dựa vào cơ sở tự mình thấy biết, chứng nghiệm. Họ đã sai lầm lớn là đã đẳng thức hóa đánh đồng bản chất của hạnh phúc với khổ hạnh ép xác trở về tiến trình thiên nhiên khi con người mới được sinh ra từ bào thai của người mẹ, tu hành ép xác bắt đầu bằng sự trần truồng, họ đã mặc áo không khí để chống trọi lại khí hậu nóng lạnh của Ấn Độ. Những việc làm như vậy là một sự sai lầm, quy kết vào quá khứ không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho ta bị bế tắc, nghiệp do chính chúng ta tạo ra thì chúng ta cũng đón nhận vui vẻ.
Nguyễn Du cũng đã viết trong chuyện Kiều: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Tất cả những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta phải trải qua nó đều có nguyên do, dù vô tình hay ác ý khi có người bắn mũi tên vào mình, thì không chưa vội quy kết nguyên do là ai bắn, mà chúng ta phải chấp nhận và mời bác sĩ tới để điều trị.
Mỗi cảm giác khổ đâu hay hạnh phúc đều có những nguyên nhân của nó, không bao giờ là sự tình cờ hay ngẫu nhiên, không nên quy kết vào mũi tên, ta phải nhổ mũi tên đó ra và điều trị, chứ không ai để cái mũi tên đó ở đó cho đến chết, khi ta “còn nước thì còn tát” - cứu chữa, chứ không ai chịu đầu hàng trước số phận của mình, đây là kết quả chuyển nghiệp mà chúng ta có thể đạt được. Chạy trốn hay bỏ cuộc giữa chừng làm cho mình hèn yếu, tới khi gặp nghịch cảnh thì không thoát khỏi bế tắc, và thất bại là điều tất yếu.
Qua chủ trương thứ hai, ta biết rằng tác hại của ép xác chỉ mang lại khổ đau chứ không phải là kết quả của giác ngộ giải thoát. Các Nigantha ấy nói, Nigantha Nataputta là bậc toàn tri, toàn kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện: “Dầu ta có đi, đứng, có ngủ và thức, tri kiến luôn luôn được tồn tại liên tục ở nơi ta.” Vị ấy nói: “Này các Nigaṇṭha, nếu xưa kia người có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này. Sự không làm ác nghiệp trong tương lai chính do sự hộ trì về thân, sự hộ trì về lời nói, sự hộ trì về ý ngay trong hiện tại, ở tại nơi đây. Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, mà không có sự tiếp tục trong tương lai. Do sự không tiếp tục trong tương lai, các nghiệp được diệt trừ; do nghiệp được diệt trừ, khổ được diệt trừ; do khổ được diệt trừ, cảm thọ được diệt trừ; do cảm thọ được diệt trừ, tất cả khổ đau sẽ được tiêu mòn. Và vì chúng tôi chấp nhận điều ấy, và chúng tôi kham nhẫn điều ấy, nên chúng tôi được hoan hỷ.”
Đức Phật có hỏi các Nigantha về vấn đề đó, tinh tấn với những khổ hạnh vừa nêu thì các ông có cảm giác khổ đau, hay hạnh phúc đang tồn tại ở trong chính mình. Cho nên cần phải suy xét, thẩm định, cân nhắc phân tích một quan điểm trước khi chấp nhận tin tưởng nó. Quy kết tất cả việc trong quá khứ chỉ đúng với điều kiện khi tu khổ hạnh hay không tu khổ hạnh cảm giác khổ đau vẫn như nhau. Tình huống khổ hạnh và không khổ hạnh tác động đến hai cảm giác hạnh phúc, khổ đau hoàn toàn khác nhau, cho nên họ đã tự lừa dối bởi vô minh, vô trí, ngu muội; cho nên đã tự lừa dối mình khi phải chịu khổ đau, để mong được đó là con đường dẫn tới hạnh phúc. Sự vô hiệu quả của việc tu khổ hạnh ép xác của Kỳ Na giáo làm cho mọi người mờ mắt, mê tín, cuồng tín. Từ đó, con đường giải thoát khổ đau trở nên thái cực, thân thể hành xác cùng cực, kết quả thì không còn cảm giác hạnh phúc nào. Trên tiến trình nhân quả diễn ra rất công bằng, khi chúng ta sống toàn bộ nhân là khổ đau thì chúng ta sẽ không bao giờ có được kết quả của hạnh phúc. Sai lầm của Kỳ Na giáo cho rằng nhân khổ đau sẽ tạo ra hạnh phúc, cho nên quan niệm như vậy là sai lầm. Nhân hạnh phúc mới có quả hạnh phúc.
Đức Phật đã thảo luận, vấn những vị Nigantha về bản chất của khổ. Câu hỏi thứ nhất đức Phật đặt ra: “Quý vị nghĩ như thế nào về ước mơ nghiệp trổ quả ở hiện tại, do những tinh tấn khổ hạnh ép xác, khiến cho tiến trình trổ quả của nó được diễn ra ở trong tương lai, điều đó có hay không?”. Các vị ấy trả lời: “dĩ nhiên không thể được”. Đức Phật chỉ cần đặt ra một câu hỏi thì sự trả lời đã rõ đúng sai. Cái khéo của đức Phật không phải là thuyết giảng mà luôn đặt ra câu hỏi để cho người đang bế tắc suy nghĩ bằng nhận thức của mình, để từ đó tìm ra một lối thoát.
Câu hỏi thứ hai đức Phật hỏi tiếp: “Quý vị ước mong nghiệp lãnh quả phúc báo, do tinh tấn bằng cách này cách nọ, lại phải gặp lấy cái hậu quả khổ đau hay không?”. Câu trả lời của các vị Nigantha là “dĩ nhiên không thể được”. Đây là một lời khẳng định rằng là cái hạt giống phước mà chúng ta gieo trồng ở hiện tại, chúng ta phải gặt lấy đó trong tương lai, vấn đề còn lại là thời gian. Những tương tác của những hành động khác nếu có.
Câu hỏi thứ ba: “khi quý vị ước mong một nghiệp đã thuần thục, hoặc là đa sở thọ, hoặc có sở thọ do tinh tấn trở thành không thuần thục, trở thành thiểu sở thọ, hoặc vô sở thọ có được hay không? Trong lúc tinh tấn với khổ hạnh hành ép xác quý vị có cảm nhận được kết quả hạnh phúc và không bị búa rìu của dư luận chỉ trích từ người này hay không?”. Câu trả lời: “Thưa Ngài! Chúng tôi không dám cam đoan như vậy”. Sự trả lời đó là liêm khiết tri thức, trong quá trình họ hành xác, họ hi vọng với một niềm hạnh phúc, họ đã không cảm nhận được hạnh phúc thật sự và không thể tránh khỏi sự phê bình chỉ trích, xét về cái nhìn bên ngoài là đã mất mỹ quan về sự lõa thể, không thể mang lại hạnh phúc vì thời tiết lạnh giá của Ấn Độ có lúc là một độ c mà phải trần mình ra trống trọi với lạnh giá, chúng ta có thể dùng áo quần như loại hình thể hiện văn hóa của từng sắc tộc, mà chúng ta vẫn có thể trở thành một nhà đạo đức, một nhà tâm linh vĩ đại như bao nhiêu nhân vật vĩ đại khác đã đóng góp cho lịch sử nhân loại. Cho nên, để trở thành một nhà đóng góp thì không cần phải khổ hạnh ép xác.
Nếu chúng sinh do nghiệp quá khứ cảm nhận được khổ vui thì những nhà sa môn Nigantha đã tạo các ác nghiệp quá khứ nên mới bị khổ đau ở kiếp này. Nếu chúng ta chấp nhận quy kết quá khứ là một chân lý, thì những khổ hạnh ép xác thực tập sau khi đến với Kỳ Na giáo là một cái kết quả của những hành động xấu đã gây ra trong quá khứ hay không, chắc chắn ko có Kỳ Na giáo nào mà chấp nhận.
Nếu khổ vui do nhân kết hợp các điều kiện thì các Nigantha đã bị ác kết hợp nên mới chịu nhiều cái cảm giác khổ đau, nói ra như vậy để các Nigantha nhận thức được rằng điều họ làm không đúng.
Nếu các loài hữu tình trong đó là cả con người có tinh tấn ở hiện tại mà cụ thể là khổ hạnh ép xác mà được khổ hay là vui, thì các vị Nigantha đã tạo ác nghiệp tinh tấn ở hiện tại. Bản chất của khổ vui nó ở nhận thức hành động, chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi con người, môi trường, điều kiện hay hoàn cảnh chứ không phải do cái gì đã được tạo ra trong quá khứ.
Chủ trương thứ ba về nghiệp của Kỳ Na giáo trong kinh Ưu Ba Ly nói lên phương pháp khác nhau về tu tập. Một đằng thì xem hành động cố ý mới tạo nghiệp lực, một đằng cho rằng dù vô tình hay cố ý vẫn có giá trị thiện ác như nhau. Tín đồ Kỳ Na giáo tin rằng người ta không thể tạo thiện nghiệp và thiện nghiệp vẫn có thể mang lại kết quả xấu. Một chủ trương thật quá sai lầm, họ bảo thủ quan điểm. Cuối cùng quan điểm của họ cũng bị đức Phật nói cho các đệ tử của họ thuyết phục và đi theo. Đức Phật đã làm thỏa mãn gia chủ Upali và cuối cùng Upali cũng thừa nhận rằng “chấp trước ý nên mệnh chung”. Điều đó đã thấy rõ được quan điểm sai lầm của Kỳ Na giáo về nghiệp bởi họ luôn cho rằng thân nghiệp là tối trọng. Cho nên, nghiệp của Kỳ Na giáo là vật chất hay bụi nghiệp, người ta không thể tránh khỏi nghiệp, vì nghiệp được tin là có mặt ở khắp mọi nơi và kết quả xấu bất kể có chủ ý hay không. Đạo Phật cho rằng “Những điều cố ý là nghiệp”. Bởi chính sự cố ý chúng sinh tạo ra nghiệp qua thân, khẩu, ý. Sự cố ý bao gồm động cơ để làm một hành động nào đó, mục đích tức thời của nó, tâm bị thôi thúc phải hành động ngay. Để hành động phát sinh ra nghiệp quả, phải có sự cố Ý. Do đó, dẫm đạp kiến một cách vô tình lúc đi đứng không tạo ra nghiệp quả như quan điểm của Kỳ Na giáo.
Thuyết nghiệp của Phật giáo cũng bác bỏ thuyết định mệnh về nghiệp của Kỳ Na giáo. Phật nhấn mạnh rằng thuyết định mệnh (niyati) và nghiệp hoàn toàn khác nhau. Quan điểm về nghiệp nhấn mạnh hành động của con người có tầm rất quan trọng cùng kết quả của nó: tác nhân phải chịu trách nhiệm về hành động họ tạo ra. Phật dạy con người có quyền tự do lựa chọn; hành động hiện tại của họ không phải là kết quả của những hành động trong đời trước; không phải mọi thứ xảy đến với con người đều được xem là do nghiệp. Những cảm giác không như ý hay bệnh tật mà chúng ta trải nghiệm có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân: từ mật, đờm giải, gió, từ sự thiếu cân bằng của ba tính chất này, từ sự thay đổi thời tiết, từ những hành vi bất cẩn, đến đột ngột (bởi hành động của người khác), từ kết quả của nghiệp (Kinh Tương Ưng, chương 36, phẩm 21). Lời Phật dạy cho chúng ta biết rằng một kết quả nào đó xảy đến có tám nguyên nhân; và chỉ một trong tám nguyên nhân là do nghiệp.
Phật cũng chế định giáo lý về nghiệp dựa trên tính chất nhân quả; theo đó, Phật bác bỏ học thuyết tiền định của Kỳ Na giáo, rằng một hành động chắc chắn sẽ tạo ra một kết quả. Kết quả của hành động hoàn toàn không cùng tính chất như chính hành động. Điều Phật nhấn mạnh là, phụ thuộc vào bản chất của hành động và điều kiện mà hành động được tạo ra, thì sẽ có kết quả hợp lý. Ngài nói trong Kinh Tăng Chi rằng: “Nếu như một người gây ra một hành động, thực sự chịu cái quả của hành động ấy, thì không có cơ hội để phát triển đời sống tâm linh, không có lối thoát khỏi ác nghiệp ở đời trước”. (Kinh Tăng Chi, tập 1, phẩm 248-52).
So sánh hai quan điểm về nghiệp trên ta thấy rằng, chủ trương nghiệp của Kỳ Na giáo cho rằng ác nghiệp tiêu mòn bằng khổ hạnh thống khổ. Nên Kỳ Na giáo chủ trương “bất tổn sinh”, tức là các bậc chiến thắng và các tín đồ của họ không được làm tổn hại đến một ai hay một sinh vật nào cả. Nên họ cho rằng nghiệp chính là do thân làm ác nghiệp xưa trước nên bây giờ cần phải tu hành ép xác khổ hạnh để diệt trừ nghiệp thân tiêu mòn.
Đức Phật xác định rằng khi một người cố ý thực hiện các hành động về thân, khẩu, ý có khả năng đưa đến khổ thọ, người ấy sẽ cảm nhận khổ thọ; khi một người cố ý thực hiện các hành động có khả năng mang lại lạc thọ, người ấy sẽ cảm nhận lạc thọ; còn nếu một người cố ý thực hiện các hành động có khả năng đưa đến cảm thọ không khổ không vui thì người ấy sẽ có được cảm nhận không khổ không vui. Qua đó, đức Phật giải thích về sự sai khác của bốn hạng người: Có người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, có tà kiến (đủ mười nghiệp ác), khi chết sinh vào nẻo ác, cõi dữ, địa ngục. Cũng có người phạm đủ mười tội ác như trên, nhưng khi chết sinh vào cõi tốt lành như cõi người, cõi trời. Có người từ bỏ mười nghiệp ác nói trên, chết sinh vào cõi lành. Nhưng cũng có người đã từ bỏ mười nghiệp ác, nhưng khi chết lại sinh vào cõi dữ, địa ngục. Như vậy, chắc chắn có ác nghiệp và quả báo của ác nghiêp; nhưng không hẳn tất cả những ai thực hiện ác nghiệp cũng nhận quả báo ác nghiệp. Tương tự, chắc chắn có thiện nghiệp và quả báo thiện nghiệp; nhưng không hẳn tất cả những ai thực hiện thiện nghiệp đều nhận được quả báo thiện nghiệp. Vấn đề là người làm ác nghiệp có thể nhận được quả dị thục của một thiện nghiệp đã làm hoặc khi lâm chung khởi lên chính kiến; trong khi người làm thiện nghiệp có thể chịu đựng quả dị thục của một ác nghiệp đã làm hoặc khi lâm chung khởi lên tà kiến.
Phật giáo cho rằng nghiệp là do hành động có tác ý, nên cần phải diệt trừ nghiệp bằng sự tu tập thanh tịnh tâm ý để đoạn tận khổ đau, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chủ trương của đạo Phật là tránh xa hai phạm trù cực đoan, đó là ép xác khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc, và cần nhất là tu hành theo trung đạo, vượt ra ngoài hai phạm trù trên, để giữ gìn chính niệm tỉnh giác, hoặc đoạn trừ năm triền cái, chứng đạt năm thiền chi, bằng con đường tu tập Giới - Định - Tuệ.
Trong kinh tạng Pali, Thế Tôn dạy: Sau khi thành tựu giới uẩn, thành tựu hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chính niệm tỉnh giác, hành giả cần nên: “Lựa chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi khất thực và ăn cơm xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng an trú niệm trước mặt”. Để chuẩn bị hành thiền thì các hành giả cần phải giữ giới, tức là nếp sống trong sạch và lành mạnh mới có thể hành thiền. Nói khác đi, hành thiền chỉ có hiệu quả khi hành giả sống ly dục, ly bất thiện pháp. Một trong những công năng tuyệt diệu của thiền là đưa đến trí tuệ, từ trí tuệ đưa đến giải thoát, giải thoát tri kiến, theo đúng tiến trình giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.
Phật dạy con đường trung đạo đóng góp lớn lao cho người con Phật trong thời hiện đại này. Phật dạy cần phải sống quay về với bên trong hay phản quang tự kỷ để xứng đáng là đệ tử Thế Tôn. Để tạo nên thế giới cực lạc tại thế gian, thân, khẩu, ý nghiệp cần thuần tịnh, không sát hại, không lấy của không cho, không tà hạnh, không ác khẩu, không uống các chất kích thích gây hại. Thực hành tâm từ bi, phát tâm Bồ đề, cứu độ chúng sinh, đưa họ đến đời sống an lạc, thanh thản nhẹ nhàng, luôn hành thiện nghiệp xây dựng đời sống hướng thượng không còn ưu não ở đời.
Kết luận:
Qua lời dạy của đức Phật đã cho ta biết rõ: Nghiệp của Kỳ Na giáo là một định mệnh, mặc dù không thừa nhận thực tế, nhưng cách thức và lý giải về cơ chế của nghiệp làm cho họ khó thể vùng khỏi, và từ đó dẫn đến phương pháp giải phóng nghiệp bằng cách khổ hạnh và ép xác vốn chỉ làm cho thân thể khổ đau, cảm xúc ngày càng bế tắc. Đức Phật đã sớm nhận ra được điều này sau khi nhận được bát sữa của nàng Sujata, từ đó ngài đã phát hiện ra con đường trung đạo trở thành bậc đại giác ngộ.
Bản chất hành động nghiệp của Phật giáo lấy hiện tại làm mấu chốt, tất cả mọi hạnh phúc và khổ đau của con người đều có hệ quy chiếu ở trên hiện tại, dĩ nhiên nó có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp quá khứ và tương lai, biết được điều đó nghiệp chúng ta không nên chấp nhận sự an bài, chấp nhận số phận. Phải nỗ lực hết mình để giải phóng, để làm mới, để thay đổi cuộc đời. Từ những nhận thức về so sánh giữa nghiệp định mệnh và nghiệp chuyển hóa, chúng ta thấy rằng học thuyết nghiệp của đạo Phật là một chủ nghĩa hành động về đạo đức, cho phép ta tin tưởng vào mình có một tương lai tươi sáng đẹp hơn, hạnh phúc hơn, huy hoàng hơn. Áp dụng học thức nghiệp đó trong bối cảnh của Phật giáo Việt Nam, chúng ta không nên ngồi mà nguyền rủa bóng tối mà hãy cùng nỗ lực để thắp lên những ngọn nến của ánh sáng, để chúng ta tìm ra những giải pháp, đây chính là phương pháp luận giải thoát của đạo phật về học thuyết nghiệp mà chúng ta có thể có.
Tác giả: Thích Giác Nhu Học viện PGVN cơ sở 1 số 750 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM
Bình luận (0)