Mở bài
Khi đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, kiến trúc Phật giáo bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên với những hình thái thô sơ, mộc mạc. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, khi Phật giáo lan tỏa khắp nhiều quốc gia, nó không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn tạo ra những dấu ấn sâu sắc trong văn hóa và nghệ thuật.
Ở Việt Nam, kiến trúc Phật giáo trở thành một bức tranh đa sắc màu, phản ánh sự phong phú của văn hóa, phong tục, tập quán và địa lý đặc trưng của từng vùng miền. Phật giáo đã tạo nên một cuộc cách mạng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân bản địa. Sự hòa quyện này đã hình thành nên một nền văn hóa Phật giáo Việt Nam độc đáo, với nghệ thuật kiến trúc mang đậm dấu ấn riêng biệt. Những ngôi chùa, cung điện không chỉ là nơi thờ tự mà còn là những tác phẩm nghệ thuật sống động, vừa thể hiện tinh thần Phật giáo, vừa mang đậm bản sắc dân tộc.
Trải qua các triều đại như Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… kiến trúc Phật giáo đã phát triển rực rỡ, trong đó hình ảnh con rồng nổi bật lên như một biểu tượng không thể thiếu.
Rồng, một sinh vật huyền thoại, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong nhiều nền văn hóa và ở Việt Nam, nó mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Theo các nhà nghiên cứu, rồng Việt có nguồn gốc từ những loài động vật sông nước, như cá sấu, với những bằng chứng được tìm thấy từ thời Đông Sơn. Ngoài ra, rồng còn gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí, như câu chuyện về nhà vua gặp rồng vàng bay lên trong hành trình dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên Thăng Long với mục đích là “đóng đô nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu - 以其圖大宅中,為億萬世子孫之計 - Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế’’. [3, tr. 105.]
Trong bối cảnh tiếp xúc với các nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc, hình tượng rồng đã hấp thụ những yếu tố ngoại lai, tạo nên những nét đặc trưng riêng cho từng giai đoạn lịch sử. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, rồng không chỉ là một hình tượng nghệ thuật phổ biến mà còn gắn bó chặt chẽ với ý thức và lý tưởng của thời đại. Đặc biệt, vào thời Lý, khi Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao, hình tượng con rồng đã trở thành biểu tượng của mỹ thuật Phật giáo, được khẳng định qua những di vật khảo cổ quý giá.
Hình tượng con rồng không chỉ là yếu tố trang trí trong hoàng cung, chùa chiền mà còn mang giá trị nghệ thuật sâu sắc. Mỗi triều đại đều để lại những dấu ấn phong cách riêng, làm cho hình tượng rồng trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh rộng lớn của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Hãy cùng khám phá hành trình kỳ diệu của hình tượng con rồng trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý, từ những huyền thoại xa xưa đến hiện thực sống động hôm nay.
Hình tượng rồng trong mỹ thuật dân gian Việt Nam
Trong kho tàng mỹ thuật dân gian Việt Nam, hình tượng bốn con vật thiêng - tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng - đã trở thành những biểu tượng không thể thiếu, trong đó rồng nổi bật hơn cả. Từ lâu, hình ảnh rồng đã in sâu vào tiềm thức người Việt, không chỉ là một sinh vật huyền bí mà còn là biểu tượng của nguồn gốc và văn hóa dân tộc. Hơn thế nữa, “dân tộc nào cũng hăng hái chứng minh đất nước mình là quê hương của rồng, hay cho rằng dân tộc mình là con cháu của rồng” [5, tr. 175.].
Rồng gắn liền với truyền thuyết cha Rồng Lạc Long Quân và mẹ Tiên Âu Cơ. Bởi vậy, đã tạo nên một sự kết nối thiêng liêng giữa con người và đất trời. Những địa danh mang tên rồng như Hà Nội - thủ đô có tên gọi đầu tiên là Thăng Long (rồng bay), Hạ Long (rồng hạ) ở vùng Đông Bắc, hay dòng sông Cửu Long (chín rồng) ở đồng bằng Nam Bộ đều thể hiện sự tôn kính và tự hào về hình tượng này. Những cái tên này không chỉ đơn thuần là địa danh mà còn chứa đựng tâm tư, tình cảm và niềm tự hào của người Việt về nguồn cội của mình.
Rồng không chỉ là biểu tượng của sự cao quý mà còn là hình ảnh của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ. Chính vì vậy, hình tượng rồng xuất hiện nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa và trang phục của vua chúa. Rồng thể hiện quyền lực tối cao, là biểu tượng của vương quyền và là hình ảnh không thể thiếu trong các nghi lễ trang trọng. Qua từng triều đại, từ thời Lý, Trần, Lê đến Nguyễn, hình ảnh rồng được thể hiện với những đặc điểm riêng biệt, phản ánh sự phát triển của mỹ thuật và văn hóa qua các thời kỳ.
Trước thời phong kiến, rồng được coi là biểu tượng của nước - một yếu tố sống còn trong tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam. Sự hiện diện của rồng trong các lễ hội, phong tục tập quán đã thể hiện sự tôn kính đối với nước, nguồn sống của con người. Khi bước vào thời phong kiến, rồng dần trở thành biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh của các vị vua, thể hiện quyền uy và sức mạnh của triều đại.
Hình tượng rồng trong mỹ thuật dân gian Việt Nam không chỉ đơn thuần là một biểu tượng nghệ thuật mà còn là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Qua từng thời kỳ, rồng đã chuyển mình, phản ánh những giá trị tinh thần và lịch sử của người Việt. Việc nghiên cứu hình tượng rồng không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nghệ thuật mà còn kết nối với những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc của dân tộc. Hình ảnh rồng, với sự uy nghi và linh thiêng, sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho thế hệ mai sau, khẳng định vị trí không thể thay thế trong lòng người Việt
-
Nguồn gốc con rồng
Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc con rồng, cụ thể: Theo ông Văn Tân thì nguồn gốc của rồng Việt có thể được sinh ra từ cá sấu cụ thể trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử có viết :
Đầu tiên Tô-tem của người Việt có thể là một giống rắn nào đó - một giống bò sát nào đó. Giống rắn này có thể lớn và có mào, lại có thể có cả chân, ít nhiều điểm giống con rồng. Người Việt Nam xưa vẫn cho là một giống rắn thần thân dài, mào đỏ chót. Nhiều làng ở Việt Nam xưa đã thờ giống rắn thần đó (Kim Hoàng, Hậu Ái...).
Ông Văn Tân lại tiếp tục chứng minh nguồn gốc con rồng từ cá sấu “Ngờ rằng con Giao Long mà người Việt xưa xăm vào mình có lẽ là con cá sấu’’. Cùng quan điểm với ông Văn Tân thì có giáo sư Phạm Huy Thông, giáo sư Hà Văn Tấn “Như vậy theo chúng tôi, hình hai con cá sấu được cách điệu hài hào giao nhau trên búa đồng Đông Sơn là hình của con Giao Long. Phải chăng đây là hình tượng con rồng đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam”.
Tuy nhiên các quan điểm thể hiện ở những mức độ khác nhau giáo sư Phạm Huy Thông viết “Chúng ta chưa khẳng định mười mươi rằng con rồng có tiền thân từ con cá sấu Đông Nam Á. Nhất là động vật học chưa xác định sự tồn tại của cá sấu ở vùng biển Bắc bộ”.
Chu Quang Trứ dựa vào hình thuyền trên trống và thạp đồng (nhất là thạp Đào Thịnh) có dáng dấp hình con rắn và con cá sấu để giải thích về nguồn gốc con rồng: “Phải chăng những loại trùng và hình thuyền trên (trên trống và thạp - LVT) đã gợi lên bóng dáng đầu tiên của con rồng Việt Nam, mà thiên thần thoại Lạc Long Quân nhắc đến dưới cái tên Giao Long’’.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên có quan điểm cho rằng con rồng có truyền thống lâu đời cụ thể truyền thuyết con rồng cháu tiên quan niệm rằng Lạc Long Quân là dòng dõi nhà rồng “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau, khó lòng đoàn tụ’’. [2, tr. 45.] Vì vậy họ đã chia nhau 50 con theo cha về Nam Hải, 50 con về với mẹ. Còn tác giả Hoàng Lương lại ý kiến cho rằng con Giao Long không phải xuất phát từ loài cá sấu “Cho nên chúng tôi ngờ rằng con Giao Long của người Việt xưa kia thờ không phải là con cá sấu mà là một loài chăn nước cổ đại (python) có rất nhiều ở các sông ngòi Việt Nam xưa kia”. Tác giả Lê Thanh Tịnh lại cho rằng con rồng thực chất là một loài rắn mà thôi “Theo chúng tôi, có thể rồng cũng chỉ là rắn được cách điệu và thần thánh hóa mà thôi. Gần đây, theo ý kiến của một số nhà khoa học trên thế giới thì con rồng chỉ là một thứ rắn biển đã dần dần bị tiêu diệt và quá xa lạ đối với chúng ta ngày nay”.
Còn tác giả Phạm Huỳnh Hương Trang thì khẳng định cá sấu là Lạc Long Quân và rồng thành các loại sau: “rồng cá sấu, rồng sấu rắn, rồng rắn với đầu cá sấu, rồng mèo, dựa trên một mảnh sành ở Bắc Ninh hình dáng rồng Đại Việt, rồng thời Ngô, dựa vào hình trên một viên gạch phát hiện ở Cổ Loa, rồng đầu sư tử, dựa vào đồng tiền Cảnh Thịnh, Rồng thời Nguyễn’’.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Hoàng Văn Khoán thì ở trên tác giả Hương Trang đã không thống nhất về cách phân loại, một số thì theo hình dáng, một số lại theo triều đại. Tư liệu đưa ra không căn cứ như: Miếng sành có con rồng mèo lấy ở di chỉ nào, niên đại ra sao? Rồng Ngô trên viên gạch Cổ Loa nhưng địa bàn Cổ Loa rất rộng, có nhiều địa điểm với niên địa khác nhau, vậy viên gạch đó thuộc thời kỳ nào... Tác giả đã bỏ sót nhiều tư liệu cơ bản. Vì vậy độ tin cậy thấp.
Theo Nguyễn Văn Hiệu thì rồng là vật tổ của dân tộc:“Vật tổ của dân tộc ta là con cá sấu. Lạc Long Quân là cha rồng của dân tộc ta”. Tuy nhiên, quan điểm trên này khó có thể trả lời được câu hỏi: Nếu rồng Việt xuất hiện từ thời Lạc Long Quân vậy tại sao trong suốt thời kỳ Bắc thuộc lại không thấy xuất hiện bóng dáng con rồng?
Ông đồng ý với quan điểm của phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Văn Khoán rằng con rồng có từ thời Lý và gắn với truyền thuyết về việc nhà vua gặp rồng vàng bay lên trong khi đang dời đô từ Hoa Lư ra Đại La: “Con rồng xuất hiện sớm nhất là con rồng thời Lý. Lý Công Uẩn lên làm vua, thấy Hoa Lư chật hẹp bèn quyết định dời đô về Đại La. Trên đường đi, Lý Thái Tổ thấy một đám mây vàng bay lơ lửng, nhà vua cho là điềm tốt, bèn đặt tên cho thủ đô mới là Thăng Long”. Chẳng những vậy, Thăng Long còn được xem là ‘‘...nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi... Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời - 宅天地區域之中, 得龍蟠虎踞之勢。。。 遍覽越邦, 斯為勝地, 誠四方輻輳之要會。。。 - Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế... Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chỉ yếu hội, vi vạn thế đế vương chỉ thương đô)’’. [9, tr. 229.]
-
Đặc điểm rồng thời Lý
Trên các hiện vật điêu khắc đá và gốm còn truyền cho đến nay, các nhà khoa học chỉ thấy rồng tạc dưới dạng phù điêu, không thấy chạm chìm và chạm tròn. Đó là những con rồng thân tròn lẳn, khá dài và không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, rất nhẹ nhàng và thanh thoát.
Các nhà nghiên cứu gọi đây là rồng hình giun hay hình dây. Con rồng thời này mang hình dạng của một con rắn.
Con rồng thời Lý có những nét đặc trưng riêng có thể phân biệt được với con rồng của các thời khác, cụ thể là mào, mũi và bờm là những bộ phận được cấu tạo rất sinh động bằng những đường nét rất tự nhiên. Mào chùm lấy toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh xoán hình đám mây bồng bềnh đang bay. Bờm tỏa ra từ sau gáy hướng về phía sau lưng trong tư thế phấp phới như có gió thổi. Túm râu con rồng mềm mại như làn sóng hướng về phía trước thu nhỏ lại. Mũi rồng là những đường cong xếp chồng nhau tạo ấn tượng về nguồn nước. Miệng thường nhe ra để lộ hai hàm răng đang ngậm hoặc vờn ngọc. Râu và mào rồng hướng về phía trước tạo nên một hình ảnh giống chiếc lá bồ đề.
Thân rồng thời Lý có nét nổi bật không thời nào có được, đó là thân rồng hình tròn lẳn, da trơn, to từ cổ nhỏ dần đến đuôi, không có vảy. Thân rồng thường có 11 đến 13 khúc, các khúc có cung độ đều nhau và uốn lượn hình thắt miệng túi đáy tròn, miệng thắt nhỏ hơn. Thân rồng trong tư thế mềm mại tự nhiên như đang bay, có lẽ do nguồn gốc xuất thân đã quy định đến đặc điểm này của con rồng.
Rồng có 4 chân. Chân rồng thời Lý có 2 loại là loại có 3 móng vuốt và loại có 5 móng vuốt. Dù loại có 3 móng vuốt hay có 5 móng vuốt cũng đều nhỏ nhắn, có 3 đốt và có móng vuốt sắc như móng chim. Ở khuỷu chân có một cụm lông hình chỏm mây bay về phía sau mềm mại.
-
Yếu tố mỹ thuật Phật giáo trong hình tượng rồng thời Lý
Có một điều rất đỗi thú vị chính là con vật chưa ai từng nhìn thấy đó lại được thể hiện nhiều nhất trong văn hóa nghệ thuật phương Ðông. Trong truyện cổ Phật giáo có câu chuyện rằng:
Vị trụ trì của một tự viện Thiền nọ muốn trang hoàng trần của Pháp đường bằng một con rồng. Họ mời một họa sĩ danh tiếng đến vẽ. Họa sĩ nhận lời, nhưng than phiền rằng ông chưa từng thấy một con rồng thật, nếu quả thực có rồng. Vị trụ trì nói: Đừng lo là ông chưa từng thấy rồng. Ông trở thành một con rồng, ông biến thành một con rồng sống, và vẽ nó. Đừng cố theo cái mẫu mực chung. [6, tr. 34.]
Bốn quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều dành hình ảnh con rồng có một vị trí xứng đáng trong nền văn hoá nghệ thuật của mình. Như truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của người Việt. Không những thế, người Trung Hoa còn xuất bản cuốn sách Trung Quốc đích long (Rồng Trung Quốc), để bàn luận về con rồng trên quê hương của đất nước họ, từ thời kỳ tiền - sơ sử cho đến nay.
Trong mỹ thuật nói chung và mỹ thuật Phật giáo nói riêng, hình tượng con rồng không còn xa lạ, mang dấu ấn, nét đẹp riêng, tạo nên sự huyền bí, thiêng liêng đối với mỗi thời đại. Thăng Long nơi rồng vàng xuất hiện, cũng là nơi vương triều Lý (1010-1125) xây dựng nhiều công trình kiến trúc hoàng thành, chùa, tháp mở đầu cho độc lập tự chủ của Đại Việt và đã đưa đạo Phật làm Quốc giáo. Đơn cử như việc xây chùa cũng xuất hiện hình ảnh con rồng, cụ thể là ở trong một câu thơ của Không Lộ (?-1119), nhà sư thời Lý: “Tuyển đắc long xà địa khả cư’’, nghĩa là “Chọn được thể đất rồng rắn, có thể ở yên’’. [7, tr. 2.]
Không những vậy, còn duy trì gìn giữ những biểu tượng rồng truyền thống vốn có lâu đời của dân tộc, các nghệ nhân thời Lý đã sáng tạo hình tượng rồng, đưa thêm những ý nghĩa mới. Hình tượng rồng chỉ thực sự phát triển từ triều Lý, trở thành biểu tượng cao quý, quyền uy của vương quyền và linh thiêng của thần quyền. Nó thể hiện trong các hợp thể nghệ thuật đường nét uyển chuyển, tinh tế, bố cục hoàn chỉnh, phong cách độc đáo. Hình tượng rồng có kiểu dáng nhất quán, được nghệ nhân tuân thủ triệt để. Bất kỳ hình rồng ở di tích nào dù ở cách xa nhau, dù làm vào những năm khác nhau, dù là kiến trúc vương quyền hay kiến trúc thần quyền, thì hình tượng con rồng Lý đều có kiểu dáng và cấu trúc chung. Những hình tượng rồng không chỉ đơn thuần là mô típ trang trí chau chuốt, tinh tế, thanh mảnh mà còn là hình tượng sinh động. Nội dung mang tính tư tưởng thẩm mỹ, bộc lộ ý nghĩa tín ngưỡng dân gian cổ của cư dân nông nghiệp, tâm hồn khoáng đạt thanh cao, hàm chứa trí tuệ uyên bác.
Thứ nhất: Rồng gắn với đạo Phật
Thái tử Tất Đạt Đa sinh vào khoảng 565 - 485 TCN, theo Phật giáo Nam truyền thì Ngài sinh khoảng 624 - 544 TCN hoặc khoảng 623 - 543 TCN. Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra Phật giáo. Vốn tên gọi là Tất Đạt Đa, họ Kiều Đạt Ma, thuộc dòng họ Sát Đế Lợi. Đức Phật có mối quan hệ gần gũi với con rồng, ngay từ khi đức Phật Đản sinh.
Sự Đản sinh của đức Phật đã làm chấn động khắp các cõi giới bởi đó là sự đản sinh mang đến lợi ích vô cùng to lớn cho chư thiên, loài người và hạnh phúc cho muôn loài chúng sinh. Tuy Ngài giáng hạ và thị hiện thân tướng giống như người phàm nhưng ngay từ khi đản sinh, Ngài đã cho chúng ta thấy những điều vô cùng đặc biệt, hy hữu, chỉ xuất hiện ở các bậc thánh nhân.
Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại Vườn Lâm Tỳ Ni (thuộc Nepal ngày nay), khắp chúng chư Thiên đều hân hoan đón mừng. Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp có ghi rằng: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này Ānanda, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau đó mới đến loài Người”.[1, tr 452-453.]. Bên cạnh đó, trong kinh Phổ Diệu có nói rằng: “Trên hư không có chín con rồng phun nước tắm cho Thái tử hay còn gọi là cửu long phun nước tắm cho Thái tử”. Từ những kinh điển trong Phật giáo, chúng ta biết rằng sự kiện nước tắm lên thân khi thái tử đản sinh là có thật, nhiệm màu, hy hữu, chỉ xuất hiện ở những bậc vĩ nhân, bậc thánh nhân khi xuất thế.
Thứ hai: Rồng gắn với hoa sen
Về hoa sen thì đại đức Na-tiên nói có ba đức tính: ‘‘Từ trong bùn sinh trưởng, lớn lên mà không hôi mùi bùn; lên khỏi nước mới nở hoa, và khi gió thồi thì lay động nhẹ!’’. [4, tr. 711.] Ngoài ra, hoa sen có những đặc tính cơ bản nên nó được xem là loài hoa của Phật giáo nói riêng và là quốc hoa của Ấn Độ, Ai Cập, Srilanka trong đó có cả Việt Nam.
Hoa sen, loài hoa nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam, thường mọc ở những vùng ẩm ướt như sông, ao, hồ, và vũng nước. Thật kỳ diệu, dù sống trong môi trường đầy bùn lầy, nhưng thân hoa sen luôn giữ được sự trong sạch, không bị vướng bẩn bởi những thứ dơ bẩn xung quanh. Hoa sen không chỉ đẹp mà còn quyến rũ với hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng. Điều đặc biệt là không một loài côn trùng nào dám lại gần nó. Trong nhị hoa sen chứa chất thanh trùng, khiến cho mọi loài động vật đều phải giữ khoảng cách.
Mặc dù hoa sen có thể tàn lụi vào mùa đông, nhưng vào mùa xuân, nó lại vươn lên mạnh mẽ, thể hiện sức sống bền bỉ. Những hạt sen và củ sen có thể bị chôn vùi dưới đất trong điều kiện yếm khí, nhưng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm. Khi được khơi ra, sen lại vươn lên kiêu hãnh, minh chứng cho sức sống dẻo dai và trường tồn của loài hoa này.
Một điều thú vị nữa là hoa sen khi mới nở đã có gương, có hạt. Điều này thể hiện quy luật nhân quả trong Phật giáo: Gieo nhân nào gặp quả nấy. Sự hiện hữu của nhân và quả là một thông điệp sâu sắc mà hoa sen truyền tải. Hoa sen không chỉ là một loài hoa, mà còn là biểu tượng của sự thanh khiết, sức sống mãnh liệt và triết lý nhân sinh. Với vẻ đẹp tuyệt mỹ và ý nghĩa sâu sắc, hoa sen đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người Việt, là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống.
Vì những đặc tính tốt đẹp trên mà loài hoa này được dùng làm biểu tượng của Phật giáo như: Liên hoan ấn, liên hoa bộ tâm quỳ, liên hoa diện kinh, liên hoa đạc, liên đài, liên đăng hội yếu, liên hoa bộ tam muội da ấn, liên hoa hợp chưởng, liên hoa lạc, liên hoa lậu…Đó cũng chính là lý do tại sao mà hình tượng con rồng thường được trang trí cùng hoa sen như rồng dâng sen lên Phật, rồng trên bệ đá hình hoa sen, rồng trong lá sen và đặc biệt là sen hóa rồng… Vì vậy có thể nói rằng con rồng thời Lý có mối quan hệ với Phật giáo.
Thứ ba: Rồng gắn với lá bồ-đề
Cây bồ-đề dịch âm tiếng Phạn là bodhidruma hoặc bodhivrksa hay còn dịch là giác thụ, đạo thụ. Tương truyền đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đến gốc cây tất bát la ngồi kết già phu tọa và xây dựng nên các giáo lý chủ yếu của Phật giáo là Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên… Tín đồ Phật giáo coi cây bồ đề là cây tốt lành.
Trong mỹ thuật thời Lý hình ảnh con rồng gắn với lá đề rất phổ biến, điều này càng chứng minh rồng thời Lý có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng Phật giáo.
Thứ tư: Rồng gắn với chùa chiền
Lịch sử đã ghi nhận rằng, những công trình kiến trúc, điêu khắc chùa tháp của thời Lý mọc lên khắp nơi đều được xây dựng theo kiểu dáng độc đáo, luôn được gắn liền ‘‘với thiên nhiên và con người với những hoa tiết như sông nước, mây mưa, cỏ cây, hoa lá (hoa sen, hoa cúc) cách điệu và hình các con vật như rồng, voi, sư tử, cá sấu v.v... hoặc miêu tả con người trong những hình nhạc công vũ nữ ca múa’’. [8, tr. 312] Đó là lý do tại sao mà ở trong các ngôi chùa hình tượng con rồng rất phổ biến, nó xuất hiện ở nhiều nơi như trên nóc, trên kèo cột, trên cầu thang… mỗi thời hình tượng rồng lại có một phong cách khác nhau. Một trong những ngôi chùa điển hình của Việt Nam là chùa Diên Hựu, được xây từ thời vua Lý Thánh Tông gắn với giấc mộng gặp Quán Âm ngồi trên tòa sen đến dẫn vua lên đài. Ngôi chùa được xây theo hình một bông sen nở nghìn cánh làm tòa sen của Quán Âm.
Trên nóc ngôi chùa bao giờ con rồng cũng mang đặc điểm của triều đại đó và chùa Một Cột cũng vậy. Nhưng sau nhiều lần tu sửa hiện nay ta thấy trên nóc ngôi chùa là con rồng thời Nguyễn với kiểu “song long triều nguyệt”.
Kết luận
Trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam, hình tượng con rồng đã khẳng định vị trí đặc biệt của mình như một biểu tượng nghệ thuật phổ biến, luôn gắn bó với ý thức và lý tưởng của từng thời đại. Đặc biệt, trong thời kỳ Lý, khi Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao, hình ảnh con rồng không chỉ đơn thuần là một sinh vật huyền thoại mà còn mang những biểu hiện sâu sắc của mỹ thuật Phật giáo. Những di vật khảo cổ và tài liệu lịch sử đã chứng minh rõ nét điều này, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật và văn hóa trong giai đoạn này.
Hình ảnh rồng trong thời Lý không chỉ phong phú về hình dáng và truyền thuyết, mà còn thể hiện sự kết nối chặt chẽ với những giá trị tâm linh và văn hóa.
Truyền thuyết về việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ, khiến hình tượng con rồng trở thành biểu tượng của quyền lực và sự thịnh vượng. Hình ảnh rồng không chỉ đơn thuần là một biểu tượng của vua chúa mà còn là biểu tượng cho sự bảo vệ, che chở cho dân tộc và đất nước, thể hiện ước vọng về một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng.
Đặc biệt, rồng thời Lý mang những nét khác biệt so với các thời kỳ sau, thể hiện qua cấu trúc đầu, thân và chân. Những đặc điểm này không chỉ phản ánh sự sáng tạo và tư duy nghệ thuật độc đáo của thời đại mà còn cho thấy sự giao thoa giữa các nền văn hóa.
Rồng thời Lý thường được khắc họa với hình dáng uyển chuyển, thanh thoát, thể hiện sự linh hoạt và sức mạnh. Điều này không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp nghệ thuật mà còn thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Hơn nữa, rồng thời Lý còn có mối quan hệ sâu sắc với Phật giáo, gắn liền với các hình tượng như đức Phật, hoa sen, lá đề và chùa chiền. Những biểu tượng này không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với Phật giáo mà còn khẳng định hệ tư tưởng của thời Lý, một thời đại coi Phật giáo là quốc đạo. Sự hòa quyện giữa hình tượng rồng và các biểu tượng Phật giáo đã tạo nên một không gian nghệ thuật phong phú, nơi mà con người có thể tìm thấy sự bình yên và giác ngộ.
Ngoài ra, hình tượng rồng còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh tường và phù điêu, thể hiện sự sáng tạo vô hạn của các nghệ nhân. Những tác phẩm này không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về tinh thần và văn hóa dân tộc. Qua các tác phẩm nghệ thuật, hình tượng con rồng truyền tải những giá trị văn hóa, giáo lý Phật giáo và ước vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tóm lại, hình tượng rồng trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật mà còn là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Qua việc nghiên cứu và khám phá hình ảnh rồng, chúng ta không chỉ hiểu rõ hơn về giá trị nghệ thuật mà còn nhận diện được những giá trị tinh thần, văn hóa và lịch sử mà nó mang lại.
Hành trình tìm hiểu về rồng không chỉ giúp chúng ta kết nối với quá khứ mà còn mở ra những góc nhìn mới về văn hóa và tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật liên quan đến hình tượng rồng trong mỹ thuật Phật giáo cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta gìn giữ di sản văn hóa quý giá mà còn tạo điều kiện cho các thế hệ mai sau hiểu biết và trân trọng những giá trị truyền thống.
Hình ảnh rồng, với những câu chuyện và ý nghĩa sâu sắc của nó, sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, phản ánh tâm hồn và bản sắc của một dân tộc luôn hướng về cái đẹp và sự bình an.
Tài liệu tham khảo
- Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung Bộ - tập II, Nxb Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh.
- Ngô Sĩ Liên (2013), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, Hà Nội.
- Nguyễn Công Lý (2017), Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: Diện mạo và đặc điểm , Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
- Pitakaculābhaya (Thích Giới Nghiêm dịch) (2019), Mi Tiên vấn đáp, Nxb Hội nhà văn, TP. Huế.
- Trần Đức Anh Sơn (2008), Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn, Nxb Văn hoá Thông tin, Đà Nẵng.
- Suzuki (Như Hạnh dịch) (2011), Thiền và phân tâm học, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, TP. Hồ Chí Minh.
- Trần Thị Vinh (Chủ biên) (2013), Lịch sử Việt Nam - Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý - Trần - Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang (Thích nữ Huệ Khánh)
Học viên Cao học khóa IV, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Bình luận (0)