Tác giả: ThS. Nguyễn Đắc Tùng

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Nam Á và Châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tóm tắt

Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người Việt điều tôn sùng Phật giáo, đặc biệt là vào thời Lý (1009-1225)… Đây là thời kỳ “hoàng kim” trong quá trình phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Bài viết phân tích về vai trò của Phật giáo thời Lý trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang.

Từ khóa: Phật giáo, thời Lý, chính trị, tôn giáo, đoàn kết chống ngoại bang.

Mở đầu

Phật giáo là một trào lưu tư tưởng tôn giáo triết học lớn xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, ở biên giới Nepal - Ấn Độ, do Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất Đạt Đa sáng lập. Sau đó Phật giáo du nhập trực tiếp từ Ấn Độ đến Việt Nam vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên một cách hòa bình. Trong giai đoạn du nhập, Phật giáo Việt Nam đã bước đầu tự hình thành nên tư tưởng thiền định đầu tiên.

Cùng với sự thâm nhập của Phật giáo phương Bắc sau đó, các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang màu sắc Ấn Độ vào nước ta vào năm 580[1] và Vô thiền phái Ngôn Thông mang màu sắc Trung Hoa vào nước ta vào năm 820[2] đã phát triển mạnh mẽ. Sau khi đất nước thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc vào đầu thế kỷ thứ X sau Công Nguyên, Phật giáo gần như chiếm vị trí độc tôn ở các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê và có lúc được coi như là một quốc giáo. Chính những cái này đã làm cho Phật giáo phát triển mạnh mẽ hơn ở vào thời  Lý và giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang.

Về chính trị

Vào thời nhà Lý, Phật giáo đã nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình đường lối trị nước. Ngay điểm khởi đầu, tức là việc lập nên triều đại này, Phật giáo đã đóng vai trò quyết định nhiều nhà sư đã tham gia vào việc triều chính.

Tuy đã giúp nhà Tiền Lê, nhưng trước tình trạng tệ lậu của quốc gia dưới sự cai trị của vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) vì vị vua này ăn chơi trác táng, hoang dâm vô độ, suốt ngày chỉ lo hưởng những dục lạc trong cung mà không lo đến đời sống dân chúng, cho nên khi vua Lê Ngoạ Triều qua đời, thiền sư Vạn Hạnh đã không ngần ngại ủng hộ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi. Thiền sư Vạn Hạnh - Ngài vì dân vì nước, muốn cứu nước khỏi lâm nguy nên đã làm một cuộc đảo chính năm 1009, phế Lê lập Lý mở ra một trang sử mới cho triều đại nhà Lý.

Thiền Sư Vạn Hạnh - thời Lý
Thiền Sư Vạn Hạnh 

Hoàng Xuân Hãn đã từng nhận xét, triều đại nhà Lý vững chắc và thịnh vượng ngự trị 216 năm thực thi nhờ tinh thần Phật giáo: “Sau các đời vua hung hãn họ Đinh - Tiền Lê, ta thấy xuất hiện ra những người cầm quyền có lòng độ lượng khoan dung, những cận thần đức độ trung thành. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”[3].

Với việc Lý Công Uẩn xuất thân là một môn sinh của nhà chùa, được sự giáo dục của Thiền Sư Vạn Hạnh và vai trò của thiền sư Vạn Hạnh, sẽ không ngoa khi nói rằng bước đầu dựng lên nhà Lý công đầu thuộc về Phật giáo. Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người được tin rằng đã thuyết phục Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) năm 1010 với ý nguyện bảo vệ lâu dài nền độc lập dân tộc.

Dưới thời Lý, một loạt nhà sư được ban hiệu Quốc sư như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ, Thảo Đường. Vai trò chủ yếu của các Quốc sư thời Lý là những cố vấn đắc lực giúp vua hiểu biết về giáo lý đạo Phật, ngoài ra khi cần, các Quốc sư còn cố vấn cho vua những vấn đề về chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa... Vua và thái hậu thường mời các vị sư có tiếng vào trụ trì trong thành nội để giảng kinh như Viên Chiếu, Mãn Giác, Huệ Sinh, Chân Không, Giác Hải, Thông Biện, Không Lộ… Không chỉ giảng đạo, họ còn có khả năng chữa bệnh như Không Lộ, Đạo Tuệ, Nguyệt Học… Họ được vua, hoàng tộc và các quan văn võ xem trọng như bậc thầy[4].

Các tăng sư Phật giáo cũng trực tiếp tham dự chính sự qua việc trực tiếp thiết lập các kế hoạch, thảo văn thư, tiếp sứ thần, bàn luận cả những vấn đề về quân sự. Tuy can dự vào chính sự nhưng tăng sư Phật giáo không hề chủ trương tham gia chính quyền, nên sau đó, khi triều đình đã vững mạnh hơn, có thể tự mình gánh vác tất cả, thì họ lại tự nhiên lui về với chức năng vốn có của mình, là hướng dẫn tinh thần và đạo đức, lui về với việc tu đạo của mình khi nhiệm vụ đối với quốc gia, với quảng đại quần chúng đã hoàn thành[5].

Tượng đài Vua Ký Thái Tổ
Tượng đài Vua Ký Thái Tổ

Lực lượng Phật giáo rất lớn, càng về sau càng phát triển, Phật giáo đã đông người lại có ruộng đất riêng.

Ngay khi mới lên ngôi, vua Lý Thái Tổ độ cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng[6]. Sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý biểu hiện rõ nhất ở tổ chức tăng đoàn. Không chỉ có số lượng Phật tử đông đảo (hầu như trên cả nước từ vua, quan đến dân đều theo Phật giáo) mà tăng đoàn còn có nguồn ruộng đất và tài sản riêng rất lớn. Do sự phát triển của Phật giáo nên các chùa thời này đều có cơ sở vật chất rất lớn, bao gồm rất nhiều ruộng đất và tài sản. Một điều đáng quý là nguồn tài sản của các chùa hầu hết dùng để cứu cấp dân nghèo vào những năm mất mùa. 

Luật pháp thời Lý thuần hậu hơn so với trước

Các vua Đinh - Tiền Lê ưa dùng hình phạt nặng, cực hình tàn nhẫn, sang thời Lý các vua dùng pháp luật khoan dung hơn. Ví dụ như vua Lý Thái Tông tha những người em từng có ý định tranh ngôi và thủ lĩnh người Tày Nùng Trí Cao, vua Lý Thánh Tông tha vua Chiêm Thành là Chế Củ và quan tâm cả tới tù nhân bị đói rét… Những việc làm đó không bị xem là sự giả dối về chính trị mà được coi là biểu hiện của lòng từ bi do ảnh hưởng từ Phật giáo[7].

So sánh ảnh hưởng của Phật giáo tới chính trị thời Lý với các thời kỳ mới giành lại độc lập như Ngô - Đinh - Tiền Lê, Hoàng Xuân Hãn cho rằng có sự khác biệt. Trước thời Lý, các vua xuất thân đều từ võ biền, ít kiến thức nên phải nhờ nhiều vào vai trò của các nhà sư trong mưu lược chính trị, điển hình như thiền sư Khuông Việt nhà Đinh hay thiền sư Vạn Hạnh nhà Tiền Lê. Sang thời Lý, các vua có học vấn cao hơn và triều thần cũng có nhiều người uyên bác hơn[8].

Lý Thường Kiệt
Lý Thường Kiệt

Về tôn giáo

Phật giáo trở thành quốc giáo.

Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ hết lòng sùng kính Phật giáo. Năm Thuận Thiên thứ 15 (1024) nhà vua Lý Thái Tổ tổ chức giảng dạy Phật pháp ngay trong nội thành để tiện việc cho dân chúng lui tới nghe pháp và vua đã thỉnh Thiền Sư Vạn Hạnh làm Quốc sư, suy tôn Phật giáo là quốc giáo. Cũng trong giai đoạn này các Thiền Sư thuộc hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang màu sắc Ấn Độ và Vô Ngôn Thông mang màu sắc Trung Hoa đã thực sự dấn thân vào các lĩnh vực như kinh tế, chính trị… đế góp phần xây dựng đất nước ngày một phát triển[9].

Thiền phái Thảo Đường đã ra đời.

Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc, thì trong số những tù nhân bắt được trong chiến cuộc ấy, có một thiền sư Thảo Đường người Trung Hoa, nhưng chẳng ai biết đó là thiền sư. Qua trao đổi, vua Lý Thánh Tông thấy thiền sư Thảo Đường là người “có đức hạnh, lại tinh thông Phật điển, bèn bái làm thầy” và phong làm Quốc sư (1069), mời đến trụ trì tại chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc ngày nay) tại kinh thành Thăng Long[10].

Bởi thiền học của Quốc sư có những nét mới lạ so với hai thiền phái đương thời là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, nên một thiền phái nữa được thành lập, lấy tên là thiền phái Thảo Đường. Theo tài liệu thì thiền sư Thảo Đường là đệ tử của thiền sư Trùng Hiển (980-1052, thuộc về thế hệ thứ 4 của thiền phái Vân Môn, sau được vua Tống ban hiệu là Minh Giác đại sư) ở núi Tuyết Đậu (Chiết Giang, Trung Quốc). Mà Vân Môn và Tuyết Đậu (hiệu Minh Giác đại sư) đều là thiền sư bác học và có khuynh hướng văn học[11]. Thiền phái Thảo Đường do thiền sư Thảo Đường sáng lập truyền thừa được 5 đời, từ năm 1069 - 1205, vua Lý Thánh Tông là đệ tử đầu tiên của thiền phái Thảo Đường[12]. 

Do du nhập vào Đại Việt qua những con đường khác nhau và do sự tiếp nhận của nhân dân đương thời, Phật giáo không có một dòng duy nhất.

Có dòng hòa với tín ngưỡng dân gian cổ truyền (các chùa Pháp Vân, chùa Pháp Vũ, chùa Pháp Lôi, chùa Pháp Điện, chùa Diên Hựu - Một Cột…), có dòng thiên về Mật Tông (với những nhà sư giỏi về pháp thuật và chữa bệnh), có dòng thoát tục, có dòng tu tại gia lấy “cái tâm” làm gốc… Trong trào lưu đó, giai cấp thống trị mong muốn tìm ra một tôn giáo làm nền cho sinh hoạt tinh thần và tâm tính người Việt, thoát khỏi hệ tư tưởng Nho giáo của phương Bắc. Dần dần hình thành sự hòa hợp giữa Phật giáo và Nho giáo[13].

Từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138), các vua thường qua đời sớm, vua lên thay còn nhỏ, thái hậu buông rèm nhiếp chính. Sự sùng bái Phật giáo từ lúc này bị xem là trở thành mối dị đoan, bắt nhịp với đạo Giáo và tín ngưỡng cổ truyền[14]. Tuy những mối dị đoan không làm ảnh hưởng tới chính trị, nhưng đủ làm bằng chứng về nhân tâm rối loạn, nhà chức trách bỏ phí thời gian vào việc hão huyền, việc thưởng phạt trong triều đình căn cứ vào những điều không chính đáng[15].

Về đoàn kết chống ngoại bang

Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc tăng cường khối đoàn kết toàn dân chống ngoại bang.

Trong suốt chiều dài lịch sử, tinh thần độc lập tự chủ hình thành gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam; là ngọn đuốc soi đường giúp người dân nước Việt vượt qua mọi khó khăn, tăng cường khối đoàn kết toàn dân chống ngoại bang. Ngay từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta đã đem theo tư tưởng bình đẳng và từ bi rất thích hợp với khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo Sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm 1038, vua Lý Thái Tông ngự ra bố hải khẩu (Thái Bình) cày ruộng tịch điền. Vua Lý Thái Tông sai hữu ti quét đất lập đàn, thân tế thần nông, sau đó cầm cày toan làm lễ cày ruộng. Tả hữu can rằng, đó là việc của bọn nông phu, bệ hạ làm việc ấy làm gì? Vua Lý Thái Tông nói: "trẫm không tự cày thì lấy xôi đâu mà tế, lại lấy gì nêu gương cho thiên hạ. Vua đẩy cày ba lần rồi ngừng. Nhà vua tự thân cày tịch điền đầu năm, là để làm kiểu mẫu cho dân của nhà Lý”[16].

Chính tinh thần dân chủ và tinh thần đoàn kết toàn dân do ảnh hưởng hệ tư tưởng Phật giáo đã giúp Đại Việt giành được kỳ tích trong trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là sự kiện Lý Thường Kiệt đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn của hàng chục vạn quân Tống vào năm 1076-1077[17].

Một số đánh giá

Có thể thấy, sự tham gia của các nhà sư vào công việc triều chính rất tích cực và hiệu quả. Các nhà sư đã đóng góp những ý kiến xác đáng và quan trọng trong chính trị, quân sự và các việc khác của triều đình. Tuy nhiên, sự tham gia này đã có những hạn chế. Họ chỉ đưa ra rất nhiều tư tưởng củng cố nhà nước phong kiến. Vì thực hành Phật giáo, nhà sư không thể đảm nhận các chức vụ trong triều đình cũng như trong vùng; họ đã không phải là những người chỉ huy quân đội của nhà Lý dù họ là những người có tài.

Nếu như các nhà sư được bổ nhiệm làm Tăng thống hoặc Tăng lục họ chỉ là quan chức quản lý tăng ni Phật tử, tín đồ và mọi hoạt động của chùa. Khi các nhà sư thảo luận và đưa ra quan điểm của mình về chính trị, họ không sử dụng giáo lý và nguyên tắc Phật giáo trong kinh điển Phật giáo, nhưng họ đã sử dụng các nguyên tắc và quan niệm của học thuyết Nho giáo. Ví dụ như khi khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi, thiền sư Vạn Hạnh đã sử dụng quan niệm Nho giáo về nhân và thứ. Khi bàn về nguồn gốc hưng thịnh và suy tàn của đất nước, thiền sư Niên Thông đã dùng quan niệm về người đáng kính và kẻ tiểu nhân; những quan niệm này đã được Khổng Tử và Mạnh Tử sử dụng.

Dưới Triều Lý, Phật giáo đã nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình đường lối trị nước. Phật giáo đã ngày càng phát triển và trở thành quốc giáo. Phật giáo có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang. Tinh thần đoàn kết chống ngoại bang tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, mà Phật giáo là chất keo gắn kết các thành phần tộc người và tôn giáo khác nhau tạo thành một xã hội đa tộc người và đa tôn giáo, nhưng đoàn kết vững mạnh.

Sự hiện diện của Phật giáo trong bộ máy chính quyền thời Lý là tinh thần nhập thế trách nhiệm của tôn giáo này đối với vận mệnh dân tộc. Các vị vua, quan và dân thời Lý hầu hết là những Phật tử thuần thành đều đến chùa quy y, tụng kinh sống một đời sống có giới luật cho nên nhân dân thời đại này được coi là thời đại thái bình nhất. Tất cả đều thể hiện được tinh thần bình đẳng, tương thân tương ái[18].

Kết luận

Có thể nói, Phật giáo thời Lý đã làm nên một trang sử vẻ vang, huy hoàng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo thời này có sức sống mãnh liệt bằng tinh thần vô ngã vị tha; thể hiện sức sống tự lực tự cường với tinh thần độc lập dân tộc. Vai trò của Phật giáo thời Lý trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang rất quan trọng.

Sự phát triển của Phật giáo vào thời Lý với tinh thần nhập thế thể hiện ở những mức độ khác nhau, không hề đứng trên tư tưởng thống trị, quyền lực và quyền lợi, Phật giáo đã thực thi một tinh thần khoan dung, bình đẳng. Người Việt không kể xuất gia hay tại gia, từ vua quan đến thường dân đã cùng nhau đoàn kết chống ngoại bang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc... góp phần tạo nên bản sắc chính trị của dân tộc ta trong thời kỳ nhà Lý.

Tác giả: ThS. Nguyễn Đắc Tùng

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Nam Á và Châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

***

Tài liệu tham khảo

Hoàng Xuân Hãn (1997), Lý Thường Kiệt, Ban Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn Hành, tr. 29.
Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 418-423.
Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tập II, tr. 597-599.
Lê Tuấn Huy (2010), Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta và ảnh hưởng của nó trong các thế kỷ 10 -14, https://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/4667-su-du-nhap-cua-phat-giao-vao-nuoc-ta-va-anh-huong-cua-no-trong-cac-the-ky-10-14.html, ngày truy cập 5/8/2024.
Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển III, Bản in Nội Các Quan Bản Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr. 110-111.
Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr. 134.
Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nhà xuất bản Văn học, tr. 91-122.
Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr. 259.
Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat-giao-trong-thoi-ly-tran.html, ngày truy cập 15/8/2024.
Thích Minh Tuệ (1993), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 202-205.

Chú thích

[1] Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nhà xuất bản Văn học, tr. 91.

[2] Nguyễn Lang Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nhà xuất bản Văn học, tr. 122.

[3] Hoàng Xuân Hãn (1997), Lý Thường Kiệt, Ban Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn Hành, tr. 29.

[4] Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 418-419.

[5] Lê Tuấn Huy (2010), Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta và ảnh hưởng của nó trong các thế kỷ 10 -14, https://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/4667-su-du-nhap-cua-phat-giao-vao-nuoc-ta-va-anh-huong-cua-no-trong-cac-the-ky-10-14.html, ngày truy cập 5/8/2024.

[6] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tập II, tr. 597-599.

[7] Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 423.

[8] Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 418.

[9] Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat-giao-trong-thoi-ly-tran.html, ngày truy cập 15/8/2024.

[10] Thích Minh Tuệ (1993), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 202.

[11] Thích Minh Tuệ (1993), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 205.

[12] Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr. 134.

[13] Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr. 259.

[14] Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 420.

[15] Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 421.

[16] Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 256.

[17] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển III, Bản in Nội Các Quan Bản Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr. 110-111.

[18] Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat-giao-trong-thoi-ly-tran.html, ngày truy cập 15/8/2024.