Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang (Thích nữ Huệ Khánh)
Học viên Cao học khóa IV, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, Học viện PGVN tại Huế

Mở đầu

Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc cây Bồ đề vào năm 533 trước dương lịch, phong trào tư tưởng Phật giáo hình thành và phát triển từ Ấn Độ sớm lan rộng. Trong quá trình phát triển, Phật giáo đã đến nước ta “vào khoảng năm 1096” [7, tr. 11.] và từ đó hình thành khái niệm về "Phật giáo Việt Nam".

Tuy nhiên, để Phật giáo có thể duy trì và phát triển thì không thể chỉ dựa vào lời dạy của đức Phật. Bởi vì, để đánh giá sự phát triển của một tôn giáo thì ngoài giáo lý còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như: số lượng tăng đoàn, số lượng tín đồ, các công trình kiến trúc chùa chiền…, trong đó, cơ sở thờ tự là một trong những yếu tố then chốt. Thật vậy, “ngôi chùa không những chỉ là không gian tín ngưỡng, mà còn là những bảo tàng Phật giáo thu nhỏ, nơi lưu giữ những nét đặc thù văn hóa của dân tộc”. [1, tr. 196.]

Ở Việt Nam, rất nhiều ngôi chùa được dựng xây với kiến trúc vô cùng độc đáo, đứng vững trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc như chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, chùa Bái Đính… Khi viếng thăm, hay được biết đến từng ngôi chùa qua các phương tiện, mỗi người sẽ ấn tượng với mỗi kiểu kiến trúc khác nhau.

Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.

Để có thể tạo ra ngôi chùa mang dấu ấn khắc sâu trong lòng nhân thế, dù nơi đâu cũng luôn nhớ về, thì không thể thiếu những hình ảnh độc đáo, vừa mang tính sáng tạo vừa thể hiện được nét trang trọng chốn Thiền môn. Trong số đó phải kể đến hình ảnh “tứ linh”.

Bài viết tìm hiểu hình tượng “rùa”, linh vật thứ ba trong bộ tứ linh mà nghệ thuật kiến trúc chùa ở Huế không thể thiếu hình ảnh linh vật này.

1. Đặc tính và ý nghĩa của rùa từ góc nhìn Phật giáo

Kinh Niết bàn, được xem là một trong các bộ kinh Đại thừa của Phật giáo Bắc tông. Những hình ảnh, ví dụ thường được đức Thế tôn dùng để nhắc đến “người có trí nhờ ví dụ mà hiểu”. Vì vậy mà con vật được Ngài đưa ra để ví dụ rất nhiều, trong đó dễ thấy là hình ảnh rùa. Trong kinh dạy:

“Thân người rất khó được

Gặp Phật lại khó hơn

Như rùa mù trong biển

Trăm năm nổi một lần

Đầu lọt vào bọng cây

Lênh đênh trên biển lớn”. [8, tr. 78-79.]

Thí dụ trên dường như muốn truyền tải thông điệp: giữa biển khơi bao la sóng vỗ mà rùa vô tình bắt được gốc cây để mà chui vào cái lỗ của bọng cây nghỉ ngơi thì thật là hiếm thấy”. Ở đây chúng ta thấy rằng, rùa chỉ cho thân người, còn bọng cây nổi giữa biển ví cho giáo pháp của đức Phật, không phải ai sinh ra làm người cũng có được nhân duyên thù thắng như vậy.

Lại nữa, trong một lần thuyết pháp đức Thế Tôn đã dạy rằng:

“Giấu sáu căn như rùa rụt cổ

Giữ tâm như củng cố trường thành

Như bậc trí cùng ma tác chiến

Thắng được thì không sợ hiểm nguy”. [8, tr. 402.]

Hình tượng rùa trong lời dạy của đức Phật không chỉ đơn thuần là một loài vật, mà còn là biểu tượng cho sự tự bảo vệ, thận trọng, bền bỉ và tâm hồn bình an. Qua đó, truyền tải thông điệp sâu sắc về cách sống khôn ngoan và vững vàng trước những thử thách cuộc đời.

Bên cạnh đó, trong kinh Tương Ưng IV đức Phật có dạy: Thuở xưa có một con rùa đi kiếm ăn và từ đằng xa có một con dã can đi tới. Thấy vậy rùa ta thu mình vào mai và nằm bất động. Dã can đi đến và đợi mà không thấy rùa thò chân hay đầu gì cả nên dã can quyết định bỏ đi”. [9, tr. 291.] Ở đây đức Phật ví con rùa như một người biết tu tập, các chi của rùa giống như sáu căn của con người. Cho nên Ngài dạy: “Này các tỳ-kheo, hãy sống hộ trì các căn. Khi nào các ông sống hộ trì các căn, thời ác ma nhàm chán các ông, không nắm giữ được cơ hội, như con dã can đối với con rùa”. [9, tr. 291.]

Mặc khác, bộ kinh Mi Tiên vấn đáp của Phật giáo Theravada cũng đề cập đến năm đặc tính của rùa:

Thứ nhất: Thế giới của rùa ở trong nước, là nơi mát mẻ…

Thứ hai: Rùa ở trong nước, chìm trong nước, thỉnh thoảng ló đầu lên khỏi mặt nước; nếu thấy có gì nguy hiểm thì rùa cảnh giác, lặn xuống ngay…

Thứ ba: Khi rùa lên khỏi mặt nước, nếu thấy không có người hoặc thú thì rùa nằm phơi mình trên bãi một cách an toàn…

Thứ tư: Rùa thường đào lỗ trong bùn, trong đất, hoặc trong các khe đá để ở; là vì chỗ ấy không có ai quấy nhiễu, xâm hại…

Thứ năm: Khi thấy người, thú hoặc dấu hiệu nguy hiểm, rùa thường thu gọn đầu và bốn chân vào trong chiếc vỏ bọc của mình, nằm yên lặng như thế để tự bảo vệ mình được an toàn[5, tr. 703-704.]

Từ dẫn chứng trên, chúng ta nhận thấy, khi còn tại thế, hình ảnh rùa đã được đức Phật sử dụng làm ví dụ để tán thán những đức tính tốt của các vị hành giả trên bước đường tu nhân học Phật, hành theo những công hạnh và đức tính của rùa nhằm quán chiếu nội tâm và ngoại cảnh. Do đó, khi Phật giáo du nhập sang các quốc gia khác, hình ảnh rùa đã được biểu tượng hóa có khi là một vị thần, khi là những câu chuyện dân gian, hay là những truyền thuyết ly kì hết sức thuyết phục và cũng vương vấn những nỗi niềm cảm thương sâu sắc.

2. Biểu tượng rùa trong dân gian

Rùa là loài động vật bò sát, thuộc bộ rùa. Mai rùa có tác dụng để bảo vệ, rùa còn có thể thụt đầu, chân vào trong, tác dụng giống như giáp trụ của võ sĩ, có những con rùa có sự khác biệt giữa mai và lưng có thể đóng chặt. Màu sắc của rùa đa phần màu đen, nâu hoặc xanh, tuy nhiên cũng có màu xanh lục, cam, đỏ hoặc điểm vàng.

Từ xa xưa, trong văn hóa dân gian, rùa thường được là biểu tượng cho sự chậm chạp, đáng thương nhưng lại được tạo hoá ban cho đức tính cần cù, siêng năng. Tuy nhiên, đặc tính của rùa là loài có tuổi thọ tương đối dài, cho nên ở Trung Hoa cũng như Việt Nam đã từ lâu có truyền thống tạc tượng bằng các chất liệu như đá, dưới hình tượng rùa cõng bia ký lịch sử để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu... Bên cạnh đó, các đình làng, các chùa ở Việt Nam thường xuất hiện hình tượng rùa cõng hạc với ý nghĩa trường thọ (tuy nhiên hình ảnh này được dân gian truyền tụng thể hiện lòng cảm thương số phận khổ nhọc của rùa).

“Thương thay thân phận con rùa

Trên đình hạc cưỡi dưới chùa đội bia”. [2, tr. 2386.]

Rùa cõng hạc bằng gỗ tại đình Quả, xã Trung Sơn (Việt Yên, Bắc Giang)
Rùa cõng hạc bằng gỗ tại đình Quả, xã Trung Sơn (Việt Yên, Bắc Giang)
Hình ảnh rùa đội bia trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Hình ảnh rùa đội bia trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Mặc khác, trong những câu chuyện dân gian, người Việt thường xem rùa là biểu tượng của sự linh thiêng, rùa luôn gắn bó với những câu chuyện li kì, hấp dẫn. Ví như câu chuyện thần Kim Quy giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa và trao cho vua chiếc nỏ thần để giúp vua dẹp giặc. Bên cạnh đó, cũng có câu chuyện khi vua Lê Lợi bị giặc Minh đuổi đánh, thần Kim Quy đã cho vua mượn bảo kiếm, khi đất nước hoàn toàn yên bình, vua đi dạo trên thuyền thần Kim Quy ngoi lên đòi lại bảo kiếm. Từ đó có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm cho đến bây giờ.

Trong dân gian, câu chuyện giữa rùa và thỏ, ý nói lên rùa tuy chậm chạp nhưng nhờ đức tính cần cù, siêng năng chịu khó rùa đã về đích trước thỏ. Câu chuyện này, ngụ ý cho chúng ta thấy nếu chúng ta biết cố gắng, kiên trì và sống tràn đầy nghị lực thì không có gì là không thể chiến thắng.

Tuy nhiên, khi hình ảnh thực chuyển sang biểu tượng trang trí nghệ thuật thì hình tượng rùa mang sắc thái rất linh thiêng.

Dù có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa nhưng hình tượng rùa được người Việt tiếp nhận hết sức độc đáo, rùa nằm trong bộ tứ linh là một tập hợp của những biểu tượng đặc sắc nhất trong các nền văn hóa phương Đông.

Hình ảnh tứ linh trong trang trí trên bức bình phong Cơ Mật Viện
Hình ảnh tứ linh trong trang trí trên bức bình phong Cơ Mật Viện
Hình ảnh rùa trong trang trí trên bức bình phong Cơ Mật Viện
Hình ảnh rùa trong trang trí trên bức bình phong Cơ Mật Viện

Nghệ thuật tạo hình trong dòng chảy văn hóa Việt, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, đến đời Nguyễn mới thay đổi, mang lại diện mạo mới, đó là “cung đình hóa”. Từ đây nghệ thuật kiến trúc chùa ở Huế đã hội tụ các giá trị nghệ thuật đặc sắc của các giai đoạn phong kiến dân tộc.

Chùa ở Huế đã mang kiến trúc tạo hình rất riêng, tạo nên những di sản văn hóa vật thể của nhân loại, mà hình ảnh biểu tượng của rùa là không thể thiếu trong nghệ thuật tạo hình.

3. Tổng quan về kiến trúc Phật giáo Huế         

Nhiều nhà văn hóa từng nhận định: “Trong không gian một kinh đô thơ mộng, núi đồi thấp và sông bình lặng, nét đẹp của Huế là nét đẹp tinh tế, không đồ sộ, khoa trương. Ngay cả kiến trúc cung đình so với những nước khác vẫn rất khiêm tốn, thì chùa Huế càng không thể là những chùa đồ sộ. Ở Huế chưa từng có chùa trăm gian như chùa Dâu, hoặc những ngôi chùa mà phu phen phục dịch xây cất hàng vạn người suốt mấy năm trời như chùa Quỳnh Lâm, chùa Sài Nghiêm…, kiến trúc Huế vẫn bình dị, thân thiế gần gũi”. [10, tr. 30.] Nhận định trên cho thấy, từ lâu Huế đã được xem như “vùng đất Phật” và còn được mệnh danh là “xứ sở của những ngôi chùa”. Thật vậy, dường như tạo hóa đã dành sự ưu ái cho vùng đất này, khi ban tặng những hình ảnh rất riêng mà chỉ có nơi đây mới có như sông Hương, núi Ngự.

Những hình ảnh ấy, tuy bình dị và mộc mạc, nhưng đã khắc sâu vào tâm trí của người dân, mang lại niềm thương nhớ cho tất cả những ai đã một lần đặt chân tới đất cố đô.

Đạo Phật, qua hình ảnh ngôi chùa, ngọn tháp là “những biểu trưng sắc thái kiến trúc đặc biệt Việt Nam mang sử tính của mỗi thời đại khác nhau, nhằm hiện đại hóa nếp sinh hoạt đạo Phật trong dân gian, để vừa phụng sự Đạo pháp vừa phục vụ Dân tộc, một cách hữu hiệu hơn”. [3, tr. 6.] Bên cạnh đó, với sự ủng hộ mạnh mẽ của vương triều nhà Nguyễn, nhất là về mặt kiến trúc, nên ngôi chùa là trọng tâm thờ tự và sinh hoạt của Phật giáo từ xa xưa; nay đã dần thay đổi theo lối kiến trúc cung đình Huế, trở thành nét đặc thù khác trong Phật giáo xứ Huế.

Những ngôi chùa ở Huế, thường ẩn mình trong thiên nhiên hay những ngọn núi cao vút, được thiết kế xây dựng với chiều cao khá khiêm tốn, chính vì thế những ngôi chùa truyền thống thường có lối kiến trúc theo kiểu chữ Khẩu, chữ Nhất, chữ Công hay nội Công ngoại Quốc. Tuy nhiên, hình thức chữ Khẩu là khá đặc trưng và phổ biến được trình bày theo mô típ Long - Lân - Quy - Phượng, lợp ngói âm dương có màu hoặc ngói vảy cá.

Bên cạnh việc phối hợp kiểu kiến trúc đó thì vườn chùa ở Huế còn kết hợp với những tiểu cảnh, ví dụ như: tái hiện lại vườn Lâm Tỳ Ni lúc đức Phật Đản sinh, cảnh đức Phật bước ra từ bảy đóa hoa sen, hoặc là trồng những cội cây Bồ đề, dưới gốc cây đặt tôn tượng Phật thành đạo và hình ảnh năm anh em Kiều Trần Như ngồi nghe đức Phật thuyết pháp, vườn Sa La song thọ kết hợp với tượng Phật nhập diệt, hòn non bộ kèm theo các mô hình liên quan đến Phật giáo như ngôi chùa, chú tiểu, chuông hồng chung.

Có chùa thì đào ao trồng sen thả cá vừa là để tô điểm thêm sự tĩnh lặng chốn thiền môn vừa là để cho quý Phật tử có thể thực hành hạnh nguyện từ bi bằng việc phóng sinh thả cá… góp phần tạo nên cảnh sắc thiên nhiên rất hài hòa.

Thủa xưa, hầu hết những ngôi chùa trên mảnh đất này, đều được xây dựng bằng những chất liệu thô sơ như: gỗ, đất trộn lẫn với rơm hoặc là tranh kết hợp với tre nứa... dựa trên những kiểu thiết kế giản đơn. Tuy nhiên, thời tiết nơi đây vô cùng khắc nghiệt, có lúc thì mưa thối đất, có lúc thì lại nóng cháy da, cùng với những trận thiên tai lũ lụt. Dần theo thời gian những chất liệu đó không chống chọi nổi hao mòn khí hậu nên dễ bị hư hoại và xuống cấp nhanh chóng, gây cản trở rất nhiều đến quá trình tu học của tăng chúng.

Vào khoảng đầu thế kỷ XX có rất nhiều ngôi chùa đã trùng tu lại bằng những chất liệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét “rất Huế” và bảo tồn được lối kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Bên cạnh đó, kiến trúc chùa Huế tiếp thu thêm những lối kiến trúc cắt mái hai tầng, tạo dáng cổ lâu, trong không gian cổ lâu đó được chia theo từng ô, ở giữa thường đắp nổi tên bảng chùa hai bên và xung quanh thường đắp nổi lịch sử đức Phật. Có những ngôi chùa đắp nổi những thi kệ của chư Phật hay những bài kệ truyền thừa của chư Tổ, hoặc bài kệ giải thích về tên chùa, cũng có những nơi trang trí phong cảnh thủy mặc hay là tứ thời…

Ngoài ra, có những ngôi chùa giữ nguyên nét truyền thống với tầng mái trên sâu và rộng, không có tiền đường phía trước chính điện. Ở phía trên đỉnh mái thường xây dựng theo kiểu trùng thiềm, đỉnh nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, có khi chầu bánh xe luân hồi, bánh xe pháp có hai con nai chầu hai bên, chầu bình hồ lô với những dòng cách điệu của những dải lụa uốn lượn. Các gác mái thường trang trí theo kiểu tứ linh theo lối kiến trúc của Nho giáo. Đồng thời, cũng có những lối kiến trúc được sắp xếp theo kiểu trùng thiềm - điệp ốc (là một kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Đây là kiểu kiến trúc nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà).

Với những kiểu kiến trúc truyền thống và sự khiêm tốn trong diện tích xây dựng như vậy, nên yếu tố trang trí trong kiến trúc các chùa Huế đều có sự đồng nhất trong tạo hình. Không gian thờ tự cchia ra ba gian rõ rệt. Ở giữa án trên thường thờ tam thế chư Phật, đó là: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc, án dưới ở giữa thờ tượng Bổn sư (trừ chùa Liên Trì thờ Phật A Di Đà) hai bên thường thờ Quan Âm, Thế Chí. Có những nơi hai bên thờ  tôn giả A Nan và Ca Diếp. Sau vách lưng thường là nhà Tổ thì đa phần ở giữa án trên thờ Đạt Ma tổ sư vị tổ Thiền tông cuối cùng của Ấn Độ, án dưới thờ tổ khai sơn hoặc các vị tổ hi sinh vì đạo pháp, hai bên thường thờ chư vị hương linh quá cố và nam nữ cư sĩ Phật tử. Bên cạnh đó, trước cửa chính điện ở giữa thờ đức Phật Di Lặc, hai bên thờ hai ngài Tiêu Diện và Hộ Pháp. Tuy nhiên, mỗi chùa cũng sắp đặt, bài trí khác nhau theo kiến trúc và không gian từng chùa.

Ảnh hưởng từ kiến trúc triều đình nhà Nguyễn, nên hệ thống nghệ thuật trang trí mang đậm nét tam giáo trong kiến trúc chùa Huế. Bên cạnh những ngôi chùa sườn nhà được thiết kế với nhiều cột kèo bằng gỗ thì cũng có không ít những ngôi chùa trang trí theo kiến trúc nhà rường truyền thống và những ngôi chùa Huế thể hiện sự đa dạng kết hợp giữa Nho - Phật - Lão.

4. Ý nghĩa nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa Huế

Quan sát kỹ, ta sẽ thấy các ngôi chùa ở Huế, hình ảnh Long - Lân - Quy – Phượng được các nghệ nhân dùng để trang trí trên mái chùa hoặc trên mái cổng tam quan chùa để tạo điểm nhấn, bốn linh vật này vốn khởi nguồn từ Trung Hoa mà trong sách Lễ kí cũng đã được ghi chép rõ.

 

Hình ảnh Long - Lân - Quy - Phượng trên mái chùa Từ Hiếu - Huế
Hình ảnh Long - Lân - Quy - Phượng trên mái chùa Từ Hiếu - Huế
Hình ảnh Long - Lân - Quy - Phượng trên đỉnh mái cổng tam quan chùa Phước Duyên (Huế).
Hình ảnh Long - Lân - Quy - Phượng trên đỉnh mái cổng tam quan chùa Phước Duyên (Huế).
Hình ảnh Long - Lân - Quy - Phượng trên đỉnh mái cổng tam quan niệm Phật đường Lương Mai (Huế)
Hình ảnh Long - Lân - Quy - Phượng trên đỉnh mái cổng tam quan niệm Phật đường Lương Mai (Huế)

Từ góc nhìn biểu tượng, hình ảnh thì tứ linh được xem là hợp phần của những biểu tượng đặc trưng, là một trong những mô típ biểu tượng có hệ thống, kết cấu chặt chẽ và tính liên kết cao. Nếu so sánh với hình ảnh của rồng, lân hay phượng thì sẽ thấy rằng rùa trong văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam nói chung và nghệ thuật kiến trúc chùa Huế nói riêng mặc dù tần số xuất hiện không nhiều, nhưng lại là loài vật có thật, có thể nhìn thấy bằng mắt, chứ không phải như ba con vật còn lại chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người.

Theo quan niệm dân gian, hình ảnh rùa còn được xem như là biểu tượng của sự trường thọ. Rùa xưa nay được biết đến là một trong những con vật có tuổi thọ tương đối dài so với những con vật khác, mai rùa biểu tượng cho bầu trời rộng lớn, bốn chân biểu tượng cho sự vững chãi. Thông thường, rùa linh thiêng sẽ được các nghệ nhân khắc họa với hình ảnh cách điệu “có chiếc đầu rắn, cổ rồng, có vai rộng và hông lớn”.

Trong số những hình tượng dùng để trang trí thì hình ảnh rùa thường được đặt chung với ba con vật còn lại. Được tạo hình bằng những chất liệu quen thuộc như: gỗ, nề, nề kết hợp với thủy tinh, với đá bi và với bột màu, đá…

Hình ảnh rùa được chạm khắc bằng gỗ ở Tịnh thất Ưu Đàm Lan Nhã (Huế)
Hình ảnh rùa được chạm khắc bằng gỗ ở Tịnh thất Ưu Đàm Lan Nhã (Huế)

Hình ảnh rùa được các nghệ nhân trang trí tỉ mỉ, đặt trên nóc của mái quyết hoặc ở đầu hồi của bình phong trên mái. Hình ảnh rùa trên lưng mang những quyển sách, dưới chân là những hoa văn sóng nước, thể hiện sự chăm chỉ “gian nan rèn luyện mới thành nhân”.

Hình ảnh này thường xuất hiện trên các mái chùa ở Huế, mà mái chùa Tây Thiên là minh chứng rõ nét.

Hình tượng rùa trên mái chùa Tây Thiên (Huế)
Hình tượng rùa trên mái chùa Tây Thiên (Huế)
Hình tượng rùa trên mái chùa Diệu Viên (Huế)
Hình tượng rùa trên mái chùa Diệu Viên (Huế)

Đôi khi, hình tượng rùa trang trí cột trụ trong đại hùng bảo điện đi cùng với ba linh vật còn lại trong bộ tứ linh. Cũng có khi hình tượng rùa mang hình ảnh chân thực hoặc tượng hình cùng đóa sen, miệng ngậm bọt sóng nước hoặc rùa cưỡi sóng phun ra hoa sen...

Hình ảnh rùa cưỡi hạc cũng khá phổ biến trong những ngôi chùa ở Huế.

Hình tượng rùa cưỡi hạc ở trước sân chùa Tịnh Giác (Huế)
Hình tượng rùa cưỡi hạc ở trước sân chùa Tịnh Giác (Huế)

Hình ảnh trên, mang đến sự kết hợp nhịp nhàng, thể hiện quyền uy và tạo nên sự vững bền theo thời gian. Không những thế, hình tượng rùa cưỡi hạc còn được trang trí trong khám thờ, chất liệu tùy theo mỗi ngôi tự viện, nhưng đa phần là được chạm trổ bằng gỗ hoặc được đúc bằng đồng.

Hình ảnh rùa cưỡi hạc thường xuất hiện ở trước sân chùa và chầu lư hương sừng sững trong không gian trang nghiêm, thanh tịnh.

Kiến trúc chùa Huế mang đậm dấu ấn cung đình, có thể nói nghệ thuật tạo hình đã có những bước ngoặt, uyển chuyển, độc đáo và sáng tạo. Chính vì thế, hình ảnh rùa cũng thay đổi tương đối rõ trong nghệ thuật kiến trúc chùa Huế.

Kiến trúc chùa ở chùa Huế, ở những hành lang, hình ảnh rùa hóa sen kết hợp với sóng nước, kèm theo những họa tiết hoa văn đơn giản, tạo nên bức tranh hòa quyện giữa thiên nhiên một cách độc đáo. Hình ảnh giao thoa cùng những tương quan trong tưởng tượng đã làm phong phú thêm kiến trúc chùa Huế.

Bên cạnh nét mềm mại và uyển chuyển từ hình tượng rùa trong kiến trúc, thì hình ảnh rùa mạnh mẽ lại được thể hiện qua những “tác phẩm” hoàn mĩ về hình khối cũng như tỷ lệ. Trong kiến trúc nghệ thuật chùa Huế, rùa là “một trong số ít những loài vật có hình khối cơ thể gần giống với các khối hình học cơ bản”. Cho nên, những tác phẩm nghệ thuật tạo hình này không cần phải cách điệu, không cần phải uyển chuyển mà vẫn giữ nguyên sự uy nghi. Sự mạnh mẽ của rùa và những biểu tượng như thế thường được tạo tác dưới dạng nguyên khối để đội văn bia, chất liệu đa phần là đá nguyên khối hoặc xi măng.

Ở đây, thông thường sẽ mang ý nghĩa trán bia gắn với trời, rùa ở dưới gắn với đất và nước, lòng bia ghi việc thế gian… Ở Huế, hình ảnh tấm bia ở chùa Thiên Mụ được xem là minh chứng rõ nét nhất.

Tượng rùa đội bia ở chùa Thiên Mụ
Tượng rùa đội bia ở chùa Thiên Mụ

Nghệ thuật tạo hình nguyên khối dưới hình tượng rùa cũng thường được dùng để kê các chân án thờ làm tăng thêm vẻ uy nghi cho không gian chính điện.

Hình tượng rùa dùng để kê các chân án thờ
Hình tượng rùa dùng để kê các chân án thờ

Dù được hình tượng hóa mang nhiều chức năng khác nhau, nhưng biểu tượng trang trí trong các công trình kiến trúc chùa Huế đều mang ý nghĩa nhất định. Tuy vậy, hình ảnh rùa trong kiến trúc chùa ở Huế lại có vị trí khá khiêm tốn.

Kết luận

Khác với kiến ​​trúc cung đình, từng ngôi chùa xứ Huế không chỉ đơn giản là một bảo tàng hay là không gian tín ngưỡng. Mỗi ngôi chùa còn là một loại hình di sản sống, nơi hội tụ và tổng hòa tâm thức văn hóa từ tổ tiên phương Bắc giao thoa với nền văn hóa bản địa. Chính điều này đã làm nên câu nói đầy ý nghĩa trong dân gian Việt Nam:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tiên”.

Kiến trúc chùa Huế là sự giao hòa độc lập giữa ba nền tảng văn hóa lớn: Phật - Nho - Lão, kết hợp cùng tín ngưỡng dân gian và lối kiến ​​trúc cung đình. Đặc biệt, sự hòa quyện của văn hóa Chăm pa đã góp phần tô điểm cho các biểu tượng kiến ​​trúc thêm phong phú, đa dạng nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của xứ Huế.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự hỗ trợ nhiệt thành từ các vua quan triều Nguyễn, Huế đã xây dựng một số lượng đền, chùa đáng kể. Điều này lý giải vì sao người Huế từ khi sinh ra đã gắn bó sắc sâu với câu kinh tiếng kệ, tiếng chuông chùa và hình ảnh áo nâu sòng, coi các ngôi chùa như “một thực thể” gắn liền với đời sống tinh thần từng người dân miền đất cố đô...

Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang (Thích nữ Huệ Khánh)

Học viên Cao học khóa IV, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. Thích Hạnh Bình (2014), Đức Phật và những vấn đề thời đại, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
  2. 2. Vũ Dung, Vũ Thuý Anh (sưu tầm và biên soạn) (2003), Ca dao Việt Nam - tập II - Từ M đến Y, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
  3. 3. Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - tập 1, Viện đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
  4. 4. Thích Huệ Năng (2009), Lục tổ Pháp Bảo Đàn kinh, Nxb Thiền tâm học uyển Đài Loan.
  5. 5. Pitakaculābhaya (Thích Giới Nghiêm dịch) (2019), Kinh Mi Tiên vấn đáp, Nxb Hội nhà văn, Tp. Huế.
  6. 6. Robert E.Fisher (Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch) (2002), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Tp. Hồ Chí Minh.
  7. 7. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam - tập 1 - Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, Nxb Thuận Hóa, Tp. Hồ Chí Minh.
  8. 8. Thích Tinh Vân (Thích Vạn Lợi, Thích nữ Đồng Diệu dịch) (2023), Quản lý học Phật giáo từ góc độ kinh điển - tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  9. 9. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (1993), Tương Ưng IV, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
  10. 10. Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách (1993), Danh lam xứ Huế, Nxb Hội nhà văn, Tp. Hồ Chí Minh.