Tác giả: ĐĐ.Thích Thái Minh - Chùa Già Lê, Hà Nội

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

1. Vài nét về chùa Già Lê

Chùa Già Lê tọa lạc tại làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội, (xưa kia thuộc thôn Nội, xã Bá Dương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây) là ngôi cổ tự có lịch sử lâu đời.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến thiên của tạo hóa, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Qua nhiều văn bia còn lưu tại chùa cho biết, có nhiều gia đình dòng họ, thiện nam, tín nữ đã phát tâm bồ đề, góp tịnh tài công sức để cùng với chức sắc trong địa phương đứng ra hưng công tu tạo.

Vào năm 1707, dân làng Bá Dương Nội tiến hành xây lầu Thiên Đài; năm 1727 sửa chùa và tô tượng; năm 1744; 1769; 1772; 1789 tiếp tục tu sửa chùa; năm 1791 tu tạo hành lang chùa. Năm 1848 tu sửa tam quan chùa; 1852; 1935 tu sửa chùa và đại bái… Qua nhiều ghi chép của văn bia, những năm tu sửa các hạng mục trong chùa đều được nhân dân phát tâm cung tiến xây dựng.

Trải  qua  thời  gian  từ  thời Nguyễn về sau chùa đều có tu tạo. Năm 2010 được sự  đồng thuận của các cấp chính quyền địa phương (nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội), nhà chùa cùng nhân dân tín đồ phật tử đã tổ chức trùng tu tôn tạo tổng thể các hạng mục công trình chùa. Và đến cuối năm 2011 đã khánh thành Tòa Tam Bảo, Nhà Thờ Tổ và Nhà Thờ Mẫu.

Hiện  tại  chùa  còn  bảo quản được hệ thống bia đá có niên đại từ triều Lê đến triều Nguyễn. Cụ thể như sau:

2. Giới thiệu văn bia Kiến mưu phục viễn lập bi chi đồ

Trong rất nhiều văn bia hiện lưu tại chùa, chúng tôi xin giới thiệu văn bia có niên đại xưa nhất trong số các văn bia. Hơn nữa đây là văn bia có ghi chép lại vị trí và hình thế của chùa. Căn cứ vào nội dung văn bia, có thể xác định thêm vị sư trụ trì chùa lúc này là Đinh Tuấn Dị, tự Đạo Nguyễn, hiệu Huyền Tín, cùng nhân dân góp tiền hưng công dựng chùa. Ngày hoàn thành khắc bia để truyền mãi muôn đời sau.

Chùa Già Lê, Hà Nội. Ảnh: Tác giả
Chùa Già Lê, Hà Nội. Ảnh: Tác giả

Nguyên văn chữ Hán:

建謀福遠立碑之圖

國威府, 慈亷縣, 霸陽社, 內村 官員社村長范進朝, 黃曰明, 阮 能安, 范有臨, 夏富貴, 阮曰儒,阮 氏恒,范千春, 夏富栗, 阮名福, 阮 有名, 范文表,夏富永,黃文 , 阮 能得, 范有領, 阮伯其,黃登相, 阮 公朝, 范廷淺, 阮文伴,黃曰進, 阮 登[], 范文望, 阮世簿, 黃維紀, 阮 有德, 范得送,丁曰寜,黃文無, 阮 登山, 范登魁, 陳有名,全村上下 巨小等為保後佛事. 源本村有古 跡闍梨寺,稔有靈應, 巳有構作 事佛.今適見內本村人黃文律妻 阮氏[]等有功德所[]錢財修造[] 寺再許本村田陸高, 一所本廚蓬

處壹高, 樹 處壹高捌尺[][] 高, 以為礼忌萬代求之, 仍立碑文。 嘗謂:  位乎上者天.

天之居有

紫微之宮, 清虛之府, 所以為群 仙朝會, 衆星共之所焉. 居乎中 惟聖, 聖之御有九重之門, 九級 之陛, 所以為有官朝會萬國歸之 所也, 為能靈與天[配] 法與之同 者於今見之. 茲有闍梨之勝也, 靈鍾地氣, 樓接天臺, 玄武後垂 盖矣. 黃河之帶繞, 朱雀前拱屹 然. 傘嶺之朝宗, 庭翁十章碧 , 門閭四照紅華, 嵯峨景立, 真為 氣之藏[踪], 感應孔彰, 愈起人心 之敬慕.是迺黃華菩提作性彌勒 本心, 發家財與鄉村用力功造[] 寺鳩工完成因立碑刋之以留來 者.銘曰

壯哉霸景。 爽庭寺間。 即形[][]。 雄厲堪誇。 竹梅蔚茂。 松栢耙嵯 稔灵應現。 慶善河沙。 展心信敬。 布施恒河。 綠[][][]

拯出財多。 伏願諸佛。 錫福全家。

黾疇歲[] 麟趾宗华。 一碑屹立。 千載不磨 計

寄與祖考字福壽,  祖妣號慈 貴, 顯考字福心,顯妣號慈祥, 顯 考福信, 顯妣慈在.

外顯考字福順,妣號慈绿 正和貳拾貳年嵗次辛巳孟夏

月穀日。

生徒與社正阮公朝并本村上 下共記

本村杜正兼守文阮曰儒撰并

住持本寺丁俊異字道忨號玄

Phiên âm:

Quốc Oai phủ, Từ Liêm huyện, Bá Dương xã, Nội thôn quan viên xã thôn trưởng Phạm Tiến Triều, Hoàng Viết Minh, Nguyễn Năng An, Phạm Hữu Lâm, Hạ Phú Quý, Nguyễn Tiến Nho, Nguyễn Mậu Thắng, Phạm Thiên Quyến, Hạ Phú Túc, Nguyễn Danh Phúc, Nguyễn Hữu Danh, Phạm Văn Biểu, Hạ Phú Vĩnh, Hoàng Văn Đàn, Nguyễn Năng Đắc, Phạm Hữu Lĩnh, Nguyễn Bá Kì, Hoàng Đăng  Tương, Nguyễn Công Triều, Phạm Đình Thiển,

Nguyễn Văn Bạn, Hoàng Viết Tiến, Nguyễn Đăng [], Phạm Văn Vọng, Nguyễn Thế Bạ, Hoàng Duy Kỷ, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Đắc Tống, Đinh Viết Ninh, Hoàng Văn Vô, Nguyễn Đăng Sơn, Phạm Đăng Khôi, Trần Hữu Danh toàn thôn thượng hạ cư tiếu đẳng, vi bảo hậu Phật Phật sự.

Nguyên bản thôn hữu cổ tích, Già Lê tự, nẫm hữu linh ứng dĩ hữu cấu tác sự Phật. Kim thích kiến Nội thôn Hoàng Văn Luật, thê Nguyễn Thị Sương đẳng tâm hữu công đức, sở xuất tiền tài tu tạo Phật tự. Tái hứa bản thôn điền lục cao: nhất sở tại cửa Chùa Bồng, xứ nhất cao bát xích. Xây xứ nhị cao, Tay Áo xứ nhất cao bát xích, Đọi xứ nhất cao, dĩ vi lễ kỵ, vạn đại vĩnh vĩnh, nhưng lập bi văn.

Thường vị.

Vị hồ thượng giả thiên. Thiên chi cư hữu Tử Vi chi cung, Thanh Hư chi phủ, sở dĩ vi quần tiên triều hội, chúng tinh củng chi sở  yên. Cư hồ trung duy Thánh. Thánh chi ngự hữu cửu trùng chi môn, cửu cấp chi bệ, sở dĩ vi bách quan triều hội, vạn quốc quy chi sở dã. Vi năng linh dữ chi phối pháp dữ chi, đồng giả ư kim kiến tri. Tư hữu Già Lê tự chi thắng dã, linh chung địa khí, lâm tiếp thiên đài. Huyền vũ hậu thùy cái hĩ, Hoàng hà chi đái nhiễu; chu tước tiền củng ngật nhiên. Tản lĩnh chi triều tông. Đình hấp thập chương bích thụ, môn khai tứ bích hồng hoa. Ta nga cảnh lập, chân vi  địa  khí chi tàng tông; cảm ứng khổng chương, dã khởi nhân tâm chi kính mộ. Thị nãi hoàng hoa Bồ đề tác tính, Di lặc bản tâm, phát gia tài dữ hương thôn, dụng lực công tạo Phật tự, cưu công hoàn thành, nhân lập bi san chi dữ chiêu lai giả.

Minh viết:

Tráng tai Bá

cảnh Mỹ hĩ tự Xà

Thế hinh thắng hảo

Hùng lệ kham khoa.

Trúc mai vất mậu

Tùng bách bà ta.

Nẫm linh ứng hiện

Khánh thiện hà sa.

Triển tâm tín kính

Bố thí hằng hà.

Duyên [][][]

Tư xuất tài đa.

Phục nguyện chư Phật

Tích phúc toàn gia

Quy trừ tuế hưởng

Lân chỉ tông hoa.

Nhật bi ngật lật,

Thiên tải bất ma.

Kê:

Ký dữ tổ khảo tự Phúc Thọ, tổ  tỷ  hiệu  Từ  Quý,  hiển  khảo tự Phúc Tâm, hiển tỷ hiệu Tư Tường, hiển khảo Phúc Tín, hiển tỷ Từ Tại. Ngoại hiển khảo tự Phúc Thuận, tỷ hiện Từ Duyên.

Chính Hòa nhị thập nhị niên tuế thứ Tân Tỵ mạnh hạ cốc nhật.

Sinh đồ kiêm xã chính Nguyễn Công Triều dữ bản thôn thượng hạ đẳng ký.

Bản thôn xã chính kiêm thư văn Nguyễn Viết  Nho  soạn tính tả.

Trụ trì bản tự Đinh Tuấn Dị, tự Đạo Nguyễn, hiệu Huyền Tín.

Bản dịch:

Ý ĐỒ DỰNG BIA ĐỂ PHÚC LÂU DÀI

Quan viên xã thôn trưởng thôn Nội, xã Bá Dương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai là Phạm  Tiến  Triều,   Hoàng Viết Minh, Nguyễn Năng An, Phạm Hữu Lâm, Hạ Phú Quý, Nguyễn Viết Nho, Nguyễn Mậu Thắng, Phạm Thiên Quyến, Hạ Phú Túc, Nguyễn Danh Phúc, Nguyễn Hữu Danh, Phạm Văn Biểu, Hạ Phú Vĩnh, Hoàng Văn Đàn, Nguyễn Năng Đắc, Phạm Hữu Lĩnh, Nguyễn Bá Kì, Hoàng Đăng Tương, Nguyễn Công Triều, Phạm Đình Thiển, Nguyễn Văn Bạn, Hoàng Viết Tiến, Nguyễn Đăng [], Phạm Văn Vọng, Nguyễn Thế Bạ, Hoàng Duy Kỷ, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Đắc Tống, Đinh Viết Ninh, Hoàng Văn Vô, Nguyễn Đăng Sơn, Phạm Đăng Khôi, Trần Hữu Danh, cùng toàn thể mọi người trên dưới cùng nhau tôn bầu Hậu Phật.

Nguyên bản thôn có ngôi chùa Già Lê, vốn là nơi danh lam cổ tích, thật là linh ứng, trước đây đã xây dựng nơi phụng thờ đức Phật. Nay có người bản thôn  là  Hoàng Văn Luật và vợ là Nguyễn Thị Sương đã phát tâm công đức tự bỏ tiền của ra tu tạo chùa Phật. Sau đó lại cúng cho bản thôn 6 sào ruộng ở các xứ:

- Xứ cửa chùa Bồng 1 sào 8 thước.

- Xứ Xây 2 sào.

- Xứ Tay Áo 1 sào 8 thước.

- Xứ Đọi 1 sào.

Để dùng làm ruộng cúng giỗ, muôn đời chẳng đổi, bèn cho dựng bia ghi lại.

Từng nghe nói:

Ở ngôi cao nhất là trời. Nơi trời ở có cung Tử Vi, có phủ Thanh Hư, dùng làm nơi cho quần tiên tụ hội, tinh tú chầu về. Ở giữa chính trung là Thánh. Nơi Thánh ngự có cửa chín trùng, có thềm chín bậc, dùng làm  nơi cho trăm quan triều hội, muôn nước hướng về. Vậy tiên linh thiêng phối hợp, pháp độ giống nhau giờ vẫn còn thế. Nay có ngôi chùa Già  Lê  là  nơi  thắng  địa,  khí thiêng  hội  tụ,  lầu  tiếp  thiên đài. Phía sau có dòng Nhị Hà uốn quanh bao bọc, phía trước cửa đỉnh Tản lĩnh sừng sững chắn ngang. Sân tre mười hàng cây biếc, cửa mở bốn dây hoa hồng. Ngạo nghễ cảnh xây thật quả đất thiêng náu bóng; cảm ứng linh thiêng, càng khiến lòng người kính mộ. Đích thực là bản tính Bồ đề, chân tâm Di Lặc. Phân phát gia tài cho xóm thôn, dựng tâm gắng sức xây chùa Phật. Công việc hoàn tất, bèn cho dựng bia ghi lại để cho đời sau biết đến.

Bia chùa Già Lê, Hà Nội. Ảnh: Tác giả
Bia chùa Già Lê, Hà Nội. Ảnh: Tác giả

Bài minh rằng:

Đẹp thay cảnh Bá

Tốt thay chùa Xà

Thế hình thật đẹp,

Hùng vĩ dáng khoe.

Trúc mai xanh tốt,

Tùng bách rườm rà

Linh ứng hiển hiện

Phúc khánh hà sa

Mở lòng tín kính

Bố thí hằng hà

Duyên …

Tiền của bỏ ra

Cúi xin chư Phật

Ban cho cả nhà

Phúc thọ được hưởng

Con cháu sung túc

Bia cao sừng sững

Muôn thuở chẳng nhòa.

Kê:

Gửi giỗ cho:

- Tổ khảo tự là Phúc Thọ; tổ tỷ hiệu là Từ Quý.

- Hiển khảo tự là Phúc Tâm; hiển tỷ hiệu là Từ Tường.

- Hiển khảo tự là Phúc Tín; hiển tỷ hiệu là Từ Tại.

- Ngoại hiển khảo tự là Phúc Thiện; tỷ hiệu là Từ Duyên.

Ngày tốt tháng tư năm Tân Tỵ niên hiệu Chính Hòa thứ 22 (1701) Sinh đồ kiêm xã chính Nguyễn Công Triều và mọi người trên dưới trong thôn cùng ký.

Bản thôn xã chính kiêm thư văn Nguyễn Viết Nho soạn văn và viết chữ.

Sư trụ trì ở chùa là Đinh Tuấn Dị, tự Đạo Nguyễn, hiệu là Huyền Tín.

Tác giả: ĐĐ.Thích Thái Minh - Chùa Già Lê, Hà Nội.

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025