Tóm tắt: Xã hội phát triển vô tình kéo theo vô số những hệ lụy. Mâu thuẫn, xung đột là vấn đề không thể tránh khỏi và hậu quả để lại rất nhiều những thiệt hại vật chất cũng như đau khổ tinh thần cho con người. Giải quyết mâu thuẫn và xung đột xã hội là vấn đề đang được các tôn giáo và các nền chính trị quan tâm đầu tiên. Với hệ thống tư tưởng nhân bản và sâu sắc, nghệ thuật Thơ Thiền đã góp phần an bình nội tâm con người từ đó cải tạo một xã hội phồn vinh, một đất nước thịnh vượng, một thế giới hòa bình. Đặc biệt và đáng chú ý hơn hết là tinh thần phá chấp một cách triệt đễ trong tác phẩm Phàm Thánh Bất Dị của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Tác phẩm Phàm Thánh Bất Dị của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) truyền tải một tinh thần cởi mở, phóng khoáng, không biến con người trở thành nô lệ của mọi khái niệm; đây cũng chính là trình độ thượng thừa của triết lý Thiền tông.
Tuệ Trung đã đề cao sự giác ngộ của tâm thức nhằm giúp con người chuyển hóa được khổ đau và đem lại hạnh phúc cho mọi người, hạn chế được mọi mâu thuẫn và xung đột giữa con người với con người và giữa con người với xã hội.
Từ khóa: Tuệ Trung Thượng Sĩ, Mâu thuẫn và xung đột, Thơ thiền Tuệ Trung, Tư tưởng bất nhị, đập vỡ khái niệm.
Dẫn nhập
Kể từ xa xưa, hòa bình luôn là kỳ vọng hướng đến của con người, tâm niệm này được xây dựng trên cơ sở của đạo đức. Nếu con người sống thiếu đạo đức thì xung đột xã hội sẽ phát sinh gây ra nhiều đau thương và bất hạnh.
Nghệ thuật Thơ Thiền đã và đang đồng hành cùng xã hội làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ các giá trị về đạo đức con người, cũng như giúp con người định hướng được suy nghĩ và tự điều chỉnh hành vi của mình, từ đó thống nhất đời sống cộng đồng, xã hội, hướng đến sự hòa ái, bình đẳng.

Một trong những nhà tư tưởng Thiền có tầm ảnh hưởng và vang dội cho đến ngày nay là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tư tưởng nổi bật nhất của ông là sự minh tâm, kiến tính, phá vỡ mọi khái niệm và đặc biệt nhất là quan niệm bất nhị. Trong tư tưởng của ông thấm nhuần triết lý tu tập của Phật giáo, ông giác ngộ được bản tính của các pháp là hư huyễn, không thật có và càng không thể trường tồn nên những tác phẩm của ông luôn toát lên được sự ung dung tự tại, không bị mắc kẹt bởi thường tình thế gian, không bám víu vào thuật ngữ khái niệm mà luôn dung hòa uyển chuyển, lấy sự giác ngộ của tâm thức làm đầu. Một trong những tác phẩm thơ Thiền làm toát lên tư tưởng cốt lõi của Tuệ Trung đó là tác phẩm “Phàm Thánh Bất Dị”.
1. Đôi nét về Tuệ Trung Thượng Sĩ
Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung (hay còn gọi là Trần Quốc Tung), ông sinh năm 1230. Xuất thân trong gia đình quý tộc, là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh vợ vua Trần Thánh Tông. Nguyên quán là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là Nam Định, Việt Nam). Ông có tước hiệu là Hưng Ninh Vương và từng cầm quân đánh bại Mông - Nguyên trong 2 lần mang quân xâm lược (năm 1285 và năm 1287).
Vua Trần Nhân Tông viết về Tuệ Trung như sau: “Thượng Sĩ là con trai đầu lòng của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương và là anh của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu(1). Khi Thái Vương mất, Hoàng đế Trần Thánh Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương(2)”.
Từ lúc còn trẻ Ông nổi tiếng với phẩm chất cao sáng, thuần hậu, Tuệ Trung vừa làm quan trong triều và vừa tự mình nghiên cứu giáo lý để tìm cho mình phương pháp tu tập giữa nơi triều chính mà ngộ Đạo.
“…đương thời các bậc đạo cao đức trọng, đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng sĩ là người tin sâu biết rõ, ngược xuôi thật khó mà lường được….”(3)
Vì am hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc nên Tuệ Trung đã kiến tạo Dưỡng Chân Trang Thất - đây là nơi mà Ông ưa thích với đời sống thanh tịnh, an dưỡng để học Phật, tu hành Thiền định và hoằng dương phật pháp. Những năm cuối đời ông sống an nhàn tự tại, hòa lẫn trong thế tục, vui trong thiền duyệt, hết lòng dìu dắt những người muốn tu hành theo đạo Phật. Ngày 1 tháng 4 năm 1291 Tuệ Trung an nhiên thị tịch.
2. Sơ lược tác phẩm “Phàm Thánh Bất Dị”
Tuệ Trung Thượng Sĩ nổi bật với rất nhiều bài thơ cũng như những tác phẩm về Thiền học. Những tác phẩm của Ông giảng giải rất cặn kẽ, sâu sắc những giá trị về mặt đạo đức, nhân sinh và con đường tu hành. Theo Ông, Phật giáo không chỉ là một Tôn giáo, là lý thuyết mà còn là một phương thức sống, một hành trình thực tế để đạt đến con đường giác ngộ.
Trong số những tác phẩm của Tuệ Trung thì bài thơ “Phàm Thánh Bất Dị” đã nói lên được quan niệm bất nhị. Bằng trí tuệ sắc sảo của mình, Tuệ Trung đã có những kiến giải táo bạo về vấn đề nhân sinh, thể hiện rõ quan điểm rằng Thánh nhân không phải là những người khác biệt so với người phàm mà là những vị đã giác ngộ, hiểu được bản chất của tất cả mọi sự. Những gì phàm phu chưa nhận thức được thì Thánh đã thấu triệt.
Tác phẩm này đã nhấn sâu vào tư tưởng Thiền học, không có sự phân biệt giữa “phàm” và “thánh”. Con đường tu hành không phải là sự thay đổi về hình thức bên ngoài mà là sự thay đổi hoàn toàn bên trong tâm thức của mỗi chúng sinh. Cả “phàm” và “thánh” đều là con người nhưng cách nhìn nhận thì khác nhau. Bởi vì, người phàm chưa hiểu hết được bản chất sâu xa của cuộc đời, còn thánh thì qua sự giác ngộ đã thấu tỏ, nhận thấy sự thật tuyệt đối, hiểu được bản chất vô thường của tất cả. Tuệ Trung nhấn mạnh sự giác ngộ không phải là điều gì quá xa vời hay chỉ có thể đạt được bởi những con người đặc biệt, đó chính là hành trình giải thoát mà tất cả chúng ta, bất kì ai cũng có thể trải qua được, chỉ cần nhận thức được bản chất của mình và thực hành theo đúng giáo lý.
Những tư tưởng này của Tuệ Trung được Trần Nhân Tông ghi nhận và tán thán, tôn kính Thượng Sĩ làm bậc thầy. Đối với Tuệ Trung đập vỡ khái niệm, phá bỏ chấp trước không đồng nghĩa với việc đi trái giới luật nhà Phật, mà Phá chấp là để giác ngộ được cốt lõi của vạn pháp, giúp người tu tập không bám chấp vào giả tạo thế gian pháp. Trần Nhân Tông viết: “Từ không hiện có, có không thông, có có, không không, rốt cuộc chung. Phiền não, bồ đề nguyên chẳng khác, chân như, vọng niệm thảy đều không”(4).
3. Phân tích nội dung cốt lõi của tác phẩm “Phàm Thánh Bất Dị”
3.1 Chữ “Không” trong tác phẩm Mở đầu bài thơ Tuệ Trung viết:
“Thân tòng vô tướng bản lai không”
(Thân từ vô tướng vốn là không)
Không là một tư tưởng nổi bật của Phật giáo, được Tuệ Trung thấm nhuần một cách triệt để. “Không” mang một ý nghĩa vô cùng thâm thúy và sâu sắc, tất cả sự vật hiện tượng xuất hiện trên thế gian này đều tuân theo một quy luật đó là: thành - trụ - hoại - không. Chỉ cho bản chất của mọi sự vật hiện tượng là không thật có, ngắn ngủi và vô thường, sinh rồi diệt, hợp rồi tan. Tuệ Trung đã thể hiện sự liễu ngộ ý nghĩa này một cách toàn diện qua việc dùng từ “Vô tướng”.
Bản chất con người cũng như bản chất vạn pháp là mong manh tạm bợ, con người nhầm tưởng là thật có và trường tồn nên sinh tâm bám víu từ đó mà khổ đau. Đức Phật cũng từng lấy hình ảnh về bọt nước làm ví dụ cho chúng đệ tử liễu tri được các pháp đang có mặt khác nào bọt nước trên sông, tồn tại một cách ngắn ngủi, phút trước còn nhìn thấy mà giây sau đã tan biến, có trở thành không một cách chóng vánh và giả tạm.
“Ví như, này các Tỳ kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Người có mắt nhìn đống bọt nước ấy chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện ra là trống không, hiện rõ ra là không có lõi cứng…”(5)
Tuệ Trung đã làm nổi bật tư tưởng Thiền mang đậm tính không của nhà Phật bằng việc sử dụng một số từ ngữ diễn đạt sự tồn tại của các pháp một cách rõ ràng giúp người đọc dễ dàng nhận ra sự vô thường trong vạn pháp như:
“Ta và người như móc cũng như sương,
Phàm và Thánh như sấm cũng như chớp,
Công danh và giàu sang đều như mây nổi,
Thân thế và tháng năm tựa mũi tên bay”
Trạng thái cuả móc, sương, sấm, chớp, mây nổi, tên bay đều chỉ cho sự vô thường, tạm bợ, mong manh… đại diện cho sự trống rỗng, không thật của vạn pháp. Nhưng đại đa số con người luôn nhầm tưởng là thật, tồn tại mãi theo thời gian. Để rồi, sinh tâm chấp tướng, bám víu rồi đi tìm thứ hạnh phúc tạm bợ, giả huyễn để rồi tự chuốc lấy khổ đau.
“Bỗng hoa mắt mà nảy sinh tình yêu ghét,
Giống như tìm bánh bao mà bỏ bột”
Đức Phật cũng từng dạy trong kinh điển Nguyên Thủy rằng: “Do chấp thủ nên đắm trước, không chấp thủ thì không đắm trước”(6) hay “Muôn vật hễ có sinh tất có diệt”(7).
Thấm nhuần tư tưởng “Không” của nhà Phật một cách sâu sắc, Tuệ Trung đã tự mình tháo gỡ được những nút thắc, dạo bước cõi thế một cách an lạc thảnh thơi, không bị mắc kẹt vào giả huyễn tướng hay tự ngã của bản thân.
“Lông mày ngang, lỗ mũi dọc
Phật và chúng sinh đều một bộ mặt mà thôi”
Toàn bộ tác phẩm để lại cho đời một tư tưởng về bản thể của tính không. Đây cũng chính là thật tướng của các pháp, là vô thường, là tính không. Một “cái không” của tự tính không mắc kẹt, không vướng mắc, vượt ra ngoài mọi khái niệm thường tình của thế gian.
3.2 Tư tưởng phá chấp, đập vỡ mọi khái niệm của Tuệ Trung Thượng sĩ

Trần Nhân Tông đã từng nói:
“Ta biết môn phong của thượng sĩ thật là siêu việt. Một ngày ta hỏi về cái gốc của tôn chỉ thiền, Thượng sĩ ứng đáp: hãy quay lại nhìn gốc của mình, chứ không tìm đâu khác được. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy”(8).
Mặc dù bản thân không mang hình tướng xuất gia, ông chỉ là một cư sĩ tại gia nhưng tư tưởng của Tuệ Trung đã thấm nhuần giáo nghĩa đỉnh cao của Thiền học. Tuệ Trung luôn chú trọng đến tâm thức, sự giác ngộ nơi tâm, bằng cái tâm giác ngộ thì thấy phàm và thánh là như nhau, tâm là Phật, còn bằng cái tâm vọng niệm thì mọi phiền não khổ đau đều từ đây mà ra. Nói cách khác, tâm chính là nguồn cơn của vạn pháp. Tuệ Trung phá vỡ bức tường về nhị kiến giữa phàm và thánh, mê và ngộ. Theo Tuệ Trung thì phàm thánh tuy hai mà một, khi mê thì là phàm, ngộ rồi thì là thánh:
“Ai là phàm, ai là thánh?
Tìm tòi trong quảng kiếp cũng không thấy căn tính”
Tuệ Trung gạt bỏ sự đối lập giữa người Phàm và bậc Thánh, giữa Phật và chúng sinh, giữa phải và trái, giữa chính và tà, giữa ta và người… ông viết:
“Vì huyễn hóa mà chia biệt thành nhị kiến”
Tuệ Trung không thừa nhận có sự đối lập giữa các khái niệm, những phạm trù mà từ xưa đến nay người đời thường đặt nó ở vị trí đối lập nhau. Quan niệm “vong nhị kiến” này còn được ông nhắc đến trong những tác phẩm khác mà đặc biệt là Mê Ngộ Bất Dị (mê lầm và giác ngộ không khác nhau) ông viết:
“Đãn năng vong nhị kiến/ pháp giới tận bao dung” (chỉ cần bỏ đi cái nhìn nhị kiến/ là bao hàm được hết trong pháp giới)(9). Tuệ Trung: “không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn”(10).
Tuệ Trung Thượng sỹ đã xây dựng quan niệm này dựa trên nền tảng triết lý đại thừa về Tính Không của Phật giáo. Tức là tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, không có tự tính thực tại. Con người vì chưa thông hiểu được chân lý này nên luôn sống trong chấp thủ, chấp tứ đại là thân thể, là trường tồn nên mãi chìm đắm trong phiền não khổ đau, bậc giác ngộ hiểu rõ vì chấp chước khái niệm, hình tướng là khổ nên xả bỏ. Với thái độ sống này, Tuệ Trung tự tại giữa khổ đau và sống chết, không quá câu nệ hình thức mà quên đi nội dung, một lối sống phóng khoáng nhưng không vượt phạm vi luân lý. Tuệ Trung nhận định các pháp hữu vi, những danh từ quy ước như: Thiên đường, địa ngục, phiền não, bồ đề… đều do tâm phân biệt mà hiện khởi. Chúng đều trong tự tính Như Lai Tạng. Tuệ Trung đập vỡ mọi khái niệm một cách dứt khoác, chắc chắn và mạnh mẽ bằng cách sử dụng từ ngữ mang đậm hơi hưởng Phật giáo như: “Phi tâm”, “Vô kiến”. Tuệ Trung còn đưa những điển tích điển cố để khẳng định một lần nữa mọi khái niệm, thuật ngữ chỉ là cái nhận định thông thường của thế gian, chứ thật ra không có phân biệt nhị kiến.
“Đồ tể Quảng nghạch thành nguyện vương,
Tỳ Kheo Khánh Hỷ công đức thánh”.
Không chỉ người gần Phật mới chứng thánh quả mà nếu tên đồ tể khéo tu cũng giải thoát như thường. Vậy thì ai phàm ai thánh? Với cái nhìn của bậc giác ngộ thì không phân biệt phàm thánh. Chính nhờ nhận thức này mà Tuệ Trung luôn sống trong an nhàn, dù cho công việc và trách nhiệm nặng nề nhưng ông vẫn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ hộ quốc an dân của mình.
3.3 Đề cao tinh thần tự lực, tự mình là hải đảo cho bản thân mình
Chính vì những nhận thức sai lầm mà chúng sinh chạy theo ngoại cảnh để rồi bỏ quên chủ nhân của chính mình. Giờ là thời điểm thích hợp nhất để đi tìm lại bản lai diện mục, tìm lại pháp thân thanh tịnh, nguồn tâm vắng lặng của mình. Trong tác phẩm, Tuệ Trung khẳng định người mất trước, kẻ mất sau tuy hai thân nhưng chỉ một dòng sinh mạng, mọi dấy niệm được mất đều không thật, chỉ là nghiệp dẫn dắt chúng ta đi lệch hướng, tất cả rồi cũng chi phối bởi tâm. Đúng vậy, tinh thần tự lực là một yếu tố vô cùng quan trọng trong hành trình tìm kiếm sự tự do và giác ngộ. Con người thường bị cuốn theo những yếu tố bên ngoài như danh lợi, tiền tài, tình cảm, và các tác động xã hội mà quên đi bản chất thật của chính mình. Chúng ta đánh mất chính mình trong những lớp vỏ bọc của ảo giác, mà không nhận ra rằng chỉ có khi nào chúng ta trở về với bản thể trong sáng và thanh tịnh, chúng ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa cuộc sống. Tất cả những sự việc diễn ra trong cuộc đời này chỉ là sự chi phối của nghiệp lực, và nó không thể thay đổi được bản chất vĩnh hằng của tâm. Vì vậy, thay vì bị cuốn vào những sự kiện bên ngoài, chúng ta cần quay lại với chính mình, tìm lại sự vắng lặng, thanh tịnh trong tâm hồn.
Trong hành trình này, mỗi người cần tự mình trở thành “hải đảo” cho chính bản thân mình. Không có ai có thể thay chúng ta thực hiện công việc tự giác, không ai có thể thay chúng ta tìm lại chính mình ngoài chính chúng ta. Tự lực không có nghĩa là sống cô độc hay không cần sự giúp đỡ, mà là biết cách tìm kiếm sự chỉ dẫn từ bên trong, từ tâm hồn của chính mình, từ sự chân thành và tỉnh thức. Khi chúng ta nhận ra sự vô thường của mọi thứ, chúng ta sẽ thấy rằng mọi dấy niệm, dù là về thành công hay thất bại, chỉ là một phần của dòng chảy vô tận của vũ trụ. Chính vì vậy, hành động tự lực chính là việc đi tìm lại sự bình an và hạnh phúc từ chính bản thân, mà không phụ thuộc vào ngoại cảnh.
Tư tưởng này cũng thể hiện lòng tin và sự uyên thâm của Tuệ Trung vào Phật giáo, bởi đức Phật trước khi nhập Niết Bàn đã dạy chúng đệ tử rằng: “… Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác…”(11).
4. Đóng góp của tư tưởng Thơ Thiền cho xã hội đương đại
4.1 Thơ Thiền như một thông điệp đạo đức
Tư tưởng và triết lý được truyền tải trong những tác phẩm Thơ Thiền cổ trung đại nói chung và trong những tác phẩm của Tuệ Trung Thượng Sĩ nói riêng đã cung cấp nhiều giá trị đạo đức cho con người và xã hội đương đại. Cụ thể:
- Đối với cá nhân
Thấm nhuần và giác ngộ tư tưởng triết lý Thiền trong thơ của Tuệ Trung giúp mỗi người tự hoàn thiện bản thân mình. Khi một cá nhân sống trong an lạc, tỉnh thức sẽ có cái nhìn đúng đắn và xác thật những hiện tượng đang diễn ra xung quanh họ. Từ đó giúp họ xử lý mọi công việc một cách sáng suốt, tự trau dồi bản thân để trở thành nhân tố có ích cho xã hội, có đầy đủ đạo đức và năng lực để xây dựng đất nước. Sở dĩ một người nào đó luôn mang lại tiêu cực và nhiễu loạn cho cộng đồng là vì họ ghánh quá nhiều phiền não trong tâm thức, nên phát sinh những tà kiến để rồi có những suy nghĩ, hành động và lời nói gây tổn hại đến mình, đến người và là nguyên nhân của mọi mâu thuẫn. Nhưng nếu người ấy giác ngộ được tính không và phá vỡ mọi phân biệt về chấp chước các khái niệm thì phiền não trong tâm người ấy tự khắc cũng được dẹp trừ, tâm người ấy trở nên vắng lặng, không còn bị phiền não khuấy động, tà kiến nhiễu loạn. Chắc chắn người ấy sẽ không còn đem đến những nguồn năng lượng gây tổn hại cho xã hội nữa. Ngược lại, lúc đó người ấy luôn sống trong trạng thái vô cùng hạnh phúc, yêu đời nên những việc người ấy làm cũng lan tỏa thông điệp yêu thương đem lại nhiều ích lợi cho xã hội.
- Đối với gia đình
Tư tưởng Thơ Thiền góp phần vun đắp hạnh phúc hôn nhân gia đình bền chặt hơn. Nếu mỗi người trong gia đình đều thực tập sống tỉnh thức, không mắc kẹt vào thế thái nhân tình và họ đều có được an lạc và hạnh phúc thì sẽ tạo thành một gia đình rộn rã tiếng cười, chồng vợ tương kính nhau, con cái hiếu thảo, anh em thuận hòa. Khi một người trong gia đình không may có những lỗi lầm thì được các thành viên khác dùng sự tỉnh thức để soi sáng và thứ tha thì mọi hiểu lầm cũng như mọi nội kết đều có thể giải quyết ổn thỏa mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, không tồn tại cảnh gây gỗ trong gia đình. Như vậy, dưới sự soi sáng của tư tưởng Thiền thì mọi mâu thuẫn trong gia đình đều hóa giải được, hạnh phúc và bình an sẽ luôn hiện hữu trong gia đình đó.
4.2 Thơ Thiền góp phần xây dựng đoàn kết và ổn định xã hội
Những triết lý đạo đức được các thiền sư truyền tải qua những bài Thơ Thiền đã góp phần kiến tạo nên một xã hội văn minh, không còn xuất hiện những tệ nạn như: Trộm cắp, ma túy, tham ô… người người no ấm, xã hội ổn định. Sở dĩ một xã hội có quá nhiều những tệ nạn là do những con người trong xã hội đó còn mê mờ, tà kiến và vọng niệm, không tu tập nghiệp lành, không thấu lý nhân quả, không nhìn thấu cuộc đời. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đưa tư tưởng giác ngộ của Phật giáo vào trong hồn thơ của mình nhằm giúp con người xây dựng một nền tảng đạo đức tốt. Chính vì vậy mà Thơ Thiền là biểu trưng cho sự gắn kết giữa tâm linh, văn hóa và chính trị.
Như vậy, triết lý và nghệ thuật Thơ Thiền đóng góp một phần lớn trong công cuộc xây dựng xã hội an lành, hạn chế một cách tối đa những tệ nạn trong xã hội. Từ đó con người được ấm no và hạnh phúc, không còn tồn tại xung đột hay mâu thuẫn.
Xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển, nội dung chủ yếu của Thơ Thiền chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống triết lý Phật giáo. Thơ Thiền hướng con người đến liễu tri giác ngộ, hướng đến tu tập tâm linh đồng thời giải thích về sự hiện hữu của con người theo triết lý Phật giáo. Những tư tưởng này giúp con người có thái độ bình thản, an nhiên trước cảnh thành bại, sống chết hay sự tàn phai biến đổi của cuộc đời. Từ đó Thơ Thiền gián tiếp giúp bảo vệ hòa bình cho tổ quốc, xây dựng một thế giới hữu nghị và giàu tình thương. Chiến tranh, bạo động, xung đột xã hội để lại biết bao tổn thương về tinh thần và thiệt hại về vật chất cho con người. Xung đột xã hội tạo nên chiến tranh làm biết bao sinh mạng phải chết một cách oan ức, làm hoang phí biết bao của cải của đất nước. Là một công dân sống trong đất nước thì ai cũng mong đất nước thịnh vượng, thế giới hòa bình. Nhưng trên thực tế vẫn luôn tồn tại những mâu thuẫn không ai mong muốn. Vì sao như vậy? Đó là do con người đều bị chi phối bởi Vô minh, phiền não, bị điều khiển bởi vọng niệm nên không nhìn được việc mình gây tổn thương cho xã hội, bất hòa cho đất nước chính là đang gây tổn thương cho chính bản thân mình cũng như các thế hệ tương lai.
Bên cạnh việc góp phần đem lại hòa bình cho đất nước, thì tư tưởng Thơ Thiền còn góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, giàu mạnh hơn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi khi con người sống trong tỉnh thức thì có khả năng thực hiện mọi công việc một cách tốt nhất đem đến những kết quả tốt nhất.
4.3 Thơ Thiền Tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam
Tác phẩm “Phàm Thánh Bất Dị” nói riêng và những tác phẩm khác của Tuệ Trung Thượng Sĩ nói chung được xem như những kiệt tác văn học, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của văn học cổ trung đại Việt Nam. Ngôn ngữ giàu tính nghệ thuật mà nội dung lại giàu tư tưởng Thiền tông. Truyền tải triết lý sống đầy nhân văn và minh triết, dung hòa giữa thế tục và tâm linh, giữa phàm và thánh, mê và ngộ, phiền não và bồ đề giúp con người áp dụng vào thực tiễn đời sống chứ không chỉ trên phạm vi lý thuyết.
Trong bối cảnh đất nước thời bấy giờ đang tồn tại nhiều những hệ lụy xã hội, luôn phải đối mặt nguy cơ chiến tranh xâm lược, cạnh tranh nội bộ khốc liệt. Những tư tưởng sống của Tuệ Trung giúp con người trở về chân tâm, sống phóng khoáng nhẹ nhàng mà không vượt ngoài quy chuẩn đạo đức. Phá vỡ những quan niệm nhị kiến, những khái niệm thế gian mà sống một cách bình thản góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giảm thiểu những xung đột xã hội không đáng tồn tại.
Việc giữ gìn và phát huy những giá trị sống của Thơ Thiền trở thành nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong việc giữ gìn văn hóa tâm linh của dân tộc. Cũng cần có nhiều hơn nữa những triển lãm, những hoạt động tôn vinh nghệ thuật Thơ Thiền. Lồng ghép tư tưởng nội dung Thơ Thiền vào chương trình giáo dục là phương pháp vô cùng hiệu quả trong việc truyền tải và giữ gìn di sản này đến các thế hệ mai sau. Ngoài ra cần nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu những tác phẩm Thơ Thiền đến với đông đảo quần chúng.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là sự mai một của ngôn ngữ cổ và thiếu nguồn lực bảo tồn. Để vượt qua cần có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và cộng đồng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như số hóa tài liệu sẽ góp phần bảo vệ tác phẩm trường tồn với thời gian.
Tóm lại, những tác phẩm thơ Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong đó có Phàm Thánh Bất Dị không chỉ là một di sản văn hóa quý báu mà còn là nguồn cảm hứng vô tận, giúp định hướng giá trị sống và phát triển bền vững trong xã hội hiện đại. Sự bảo tồn và phát huy nội dung tác phẩm này không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, giảm thiểu những xung đột xã hội.
Kết luận
Xã hội đương đại mà chúng ta đang sống luôn chứa đựng nhiều sự khác biệt, bản chất của con người là Vô minh và Tham ái thì xung đột là vấn đề khó tránh khỏi. Việc giải quyết xung đột vì thế trở thành nhu cầu cấp thiết để bảo tồn năng lượng an bình cho xã hội. Để thực hiện được điều đó, việc đầu tiên là phải thiết lập một xã hội bình đẳng, hòa ái, cảm thông và chia sẻ, nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần không bị khủng bố. Tất cả những nhu cầu trên đều được Thơ Thiền đáp ứng đầy đủ thông qua những thông điệp đạo đức mà các tác giả đã truyền tải trong mỗi ngôn từ. Mỗi tác phẩm Thơ là một sản phẩm trí tuệ của các bậc giác ngộ, thấu đạo hiểu đời, được sáng tác dưới cái nhìn minh triết, mang đậm tư tưởng triết lý hòa bình, sâu sắc và uyên áo của Phật giáo. Mỗi bài thơ là sự diễn đạt chi tiết và rõ ràng về cái nhìn giác ngộ của các thiền sư, thể hiện rõ tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân.
Trong giai đoạn khủng hoảng của thế giới hôm nay, giai đoạn mà tính người trong mỗi con người đang dần dần bị biến dạng, giai đoạn mà đời sống tinh thần đang ngày một xuống cấp, giai đoạn mà bao nhiêu tư tưởng lệch lạc đang làm rối loạn tâm trí con người thì giáo lý nhà Phật chính là nguồn sinh lực thiết thực nhất đem đến bình an cho cuộc sống và cho xã hội. Ngài K.Si Dhammananda đã nhận định:
“Trong giáo thuyết của đức Phật, ta thấy một đạo đức toàn diện và một lý thuyết siêu hình siêu việt bao gồm một tâm lý cao thượng, thích hợp cho mọi tầng lớp, với những người bình thường, cung cấp một quy tắc luân lý một sự thờ phụng đẹp đẽ và một niềm hy vọng, một cuộc sống tại thiên đường. Với những người nhiệt tình sùng đạo, là một hệ thống tư tưởng trong sạch, một triết lý cao thượng và những lời giáo huấn về đạo đức đưa đến giác ngộ và giải thoát khổ đau”(12).
Tuệ Trung Thượng Sỹ, một nhà thơ, một Thiền sư nỗi tiếng thời Trần, ông đã đi đến tận cùng và chắt lọc những tinh hoa của Nho-Phật-Lão. Những tác phẩm của ông mang đậm tính nhập thế một cách thực tiễn của Nho giáo, mang hơi hưởng phóng khoáng của Lão giáo và chứa đựng triết lý tự tại, siêu thoát, phá chấp một cách triệt để của Phật giáo. Mang đến những giá trị đạo đức thiết thực, thu hút đại đa số những người yêu thơ và đặc biệt là thơ Thiền. Quan niệm về con người thông đạo, con người giải thoát, con người vô ngã, tự do phá chấp, tùy duyên bất biến, một con người nhập thế nhưng không bị trần thế làm nhiễm ô… đã mang đến nhiều giá trị và cái nhìn giải thoát cho con người cũng như ngăn chặn, giải quyết nhiều những mâu thuẫn, xung đột xã hội đã và đang tồn tại. Với những cống hiến to lớn đó, Tuệ Trung Thượng Sĩ xứng đáng được xưng danh là nhà tư tưởng, nhà triết học Thiền, người góp phần xây dựng nền văn hiến dân tộc.
Tác giả: Đại đức Thích Thiền Như - Đại đức Thích Minh Đạo
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
***
CHÚ THÍCH:
(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập 2 (1998), Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, Tr.24
(2) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1998), Thơ Văn Lý Trần tập 2, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, Tr.544.
(3) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1998), Thơ Văn Lý Trần tập 2, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, Tr.547.
(4) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1998), Thơ Văn Lý Trần tập 2, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, Tr.249.
(5) Thích Minh Châu dịch (1993), Kinh Tương Ưng tập 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, tr.252.
(6) Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Tạp A Hàm tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam, tr.96.
(7) Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Tạp A Hàm tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam, tr.193.
(8) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1980), Thơ văn Lý Trần tập 2, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, Tr 546.
(9) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1998), Thơ văn Lý Trần tập 2, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, tr 288.
(10) Thích Thông Phương (2004), Kinh Kim Cang giảng lục, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr 54.
(11) Thích Minh Châu (1998), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Mà Đi, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.8.
(12) K. Sri Dhammananda (1995) - Thích Tâm Quang (dịch), Đạo Phật và đời sống hiện đại, Tủ sách Phật học song ngữ Anh Việt, Tr. 98.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Thích Minh Châu dịch (1993), Kinh Tương Ưng tập 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành.
[2]. Thích Minh Châu (1998), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Mà Đi, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[3]. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1998), Thơ Văn Lý Trần tập 2, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội.
[4]. Ngô sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập 2 (1998), Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội.
[5]. Thích Thông Phương (2004), Kinh Kim Cang giảng lục, Nxb Tôn giáo Hà Nội.
[6]. Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Tạp A Hàm tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam.
[7]. K. Sri Dhammananda (1995) - Thích Tâm Quang (dịch), Đạo Phật và đời sống hiện đại, Tủ sách Phật học song ngữ Anh Việt.
Bình luận (0)