Trang chủ Văn hóa Giá trị hình tượng hoa và trăng trong tác phẩm Điểu Minh Giản của Vương Duy

Giá trị hình tượng hoa và trăng trong tác phẩm Điểu Minh Giản của Vương Duy

Bài thơ Điểu Minh Giản gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giữa cuộc sống, giữa thiên nhiên vừa ung dung giản dị vừa tinh tế nhạy cảm, vượt lên tất cả, hòa nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Bài thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu lắng mang đậm nội tâm của Thiền.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Bài thơ Điểu Minh Giản gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giữa cuộc sống, giữa thiên nhiên vừa ung dung giản dị vừa tinh tế nhạy cảm, vượt lên tất cả, hòa nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Bài thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu lắng mang đậm nội tâm của Thiền.

Tác giả: Thích nữ Thông Diệu (Tôn Nữ Thị Tường Vy)
Học viên Cao học Khóa II chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện PGVN tại Huế

Lời nói đầu

Trung Quốc vào thời nhà Đường, tư tưởng Phật giáo thấm sâu vào đời sống của nhân dân. Các nhà thơ Trung Quốc cũng chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, nhất là Phật giáo Thiền tông, điều này thể hiện khá rõ trong các tác phẩm của họ, những tác phẩm thấm đẫm chất Thiền. Thơ Thiền, có thể là do những nhà tu hành làm ra hoặc là do những người chỉ chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo làm ra.

Vương Duy thuộc loại thứ hai, dù không phải là nhà sư nhưng ông sống theo lối sống của một đệ tử nhà thiền: tâm xuất gia, thân không xuất gia. Do đó thơ ông đẫm chất triết lý Thiền và được gọi là thơ thiền.

Nhờ đó, thiền sư – thi nhân có thể là bạn tri âm của nhau và cũng có thể là song trùng một bản ngã duy nhất. Tính triết lý của thiền và tính trữ tình của thơ hài hoà và có sự dung hợp tuyệt diệu.

Nguyễn Hiếu Vấn đời Nam Tống đã lý giải sự dung hợp kỳ diệu này bằng một hình tượng sống động đầy chất thơ, mà sự lý giải ấy đã được hầu hết các thi hào, thi bá đời sau tán thành: “Thi vi thiền khách y hoa cẩm, Thiền thị thi gia thiết ngọc đao”. (Thơ là chiếc áo thêu hoa của Thiền khách, Thiền là con dao gọt ngọc của nhà thơ.)[1]

Lại nữa, hình tượng nghệ thuật là một phương tiện đặc thù của nghệ thuật để phản ánh hiện thực dưới một hình thức cụ thể – khái quát; cá biệt – phổ biến để con người cảm thụ; đánh giá; sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Cuộc sống là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi tới của văn chương. Văn học lấy nguyên liệu từ cuộc đời để xây dựng lên hình tượng điển hình có sức khái quát lớn lao và vẻ độc đáo riêng biệt.

Hình tượng nghệ thuật là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng, triết lí nhân sinh quan điểm của mình về cuộc đời. Chính vì vậy, hơn bất cứ một tác phẩm nào, hình tượng hoa và trăng trong bài thơ Điểu minh giản của Vương Duy khơi lên cảm xúc dạt dào cho nhà thơ.

Nội dung

1. Tác giả Vương Duy

Vương Duy (chữ Hán: 王维; 701 – 761), biểu tự Ma Cật (摩诘), hiệu Ma Cật cư sĩ (摩诘居士), người huyện Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Trung Quốc. Xuất thân trong gia tộc rất danh giá thời Đường là Thái Nguyên Vương thị – “truy ngược lên năm đời, thấy: Cao, Tằng, Tổ, Khảo ông đều làm quan, bốn em Vương Duy cũng đều có quan chức.”[2]. Cha ông là Vương Xử Liêm (王处廉), mẹ là Thôi thị, trong nhà ông là trưởng, sau đó tới Vương Tấn (王缙), cùng 2 em trai và một em gái.

Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), thời Đường Huyền Tông đỗ tiến sĩ, nhận chức quan Đại nhạc thừa. Năm Khai Nguyên thứ 14 (726), nhận chức Hữu thập di, thăng tới Giám sát ngự sử. Năm 40 tuổi, được thăng lên Điện trung truyền ngự sử.

Năm Thiên Bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn chiếm Trường An. Vương Duy bị An Lộc Sơn bức bách ra làm quan, nhưng sau không được như ý, ông đã lui về ở tại biệt thự Lam Điền, sáng tác thơ ca để biểu đạt lòng mình. Sau khi An Lộc Sơn thất bại, Vương Duy được phong chức Thái tử trung doãn, sau thăng tới Thượng thư hữu thừa, vì thế người đời còn gọi ông là Vương hữu thừa (王右丞).

Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhạc sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Thịnh Đường. Tinh thông về Phật học và theo trường phái Thiền tông, đặc biệt là vào những năm cuối đời, ông chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo và thi ca của ông có phản ánh tính Phật, vì vậy mới gọi ông là Thi Phật (詩佛).

Ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã. Thơ ông được rất nhiều thi sĩ Việt Nam như Tản Đà, Trần Trọng San, Phụng Hà, … dịch lại với nhiều thể lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh tuong Hoa va Trang trong tac pham Dieu Minh Gian cua Vuong Duy 4

2. Tác phẩm Điểu minh giản

Trong văn học Trung Quốc từ đời Đường cho cuối đời Thanh, có một nguồn thơ Thiền đặc sắc, trong đó sáng tác của thi Phật Vương Duy là một đỉnh cao. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đậm chất Thiền của ông chính là thi phẩm Điểu minh giản (Khe chim kêu). Với cảnh vật thiên nhiên vô cùng yên tĩnh, thơ giàu chất hoạ, âm thanh lại rất sinh động. Bài thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên trong sáng nhưng gợi buồn:

Phiên âm

Nhân nhàn hoa quế lạc,

Dạ tĩnh xuân sơn không.

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời minh tại giản trung.

Dịch nghĩa:

Người nhàn, hoa quế rụng,

Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không.

Trăng lên làm chim núi giật mình,

Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi.[3]

Dịch thơ:

Bản dịch thứ nhất: Ngô Tất Tố dịch

Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,

Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.

Trăng lên, chim núi giật mình,

Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.

Bản dịch thứ hai: Tương Như dịch

Người nhàn hoa quế rụng,

Đêm xuân núi vắng teo.

Trăng lên chim núi hãi,

Dưới khe chốc chốc kêu.

3. Khái niệm về hình tượng

Khái niệm hình tượng có những cội nguồn khác nhau. Trong tiếng la tinh, imago có nghĩa là chân dung, hình ảnh. Trong tiếng Nga, obraz có nghĩa là sự là sự lột tả theo mẫu nào đó. Trong tiếng Hán, tượng có nghĩa là hình vẽ để biểu đạt. Kinh Dịch, thiên Hệ từ truyện có câu: Thánh nhân lập tượng để tận ý (nghĩa là thánh nhân làm ra hình tượng để nói hết ý mình). Trong lí luận văn học cổ Trung Quốc, hình tượng thường được gọi là ý tượng hoặc đơn giản là tượng.

Theo L. I. Timôphêép, hình tượng “là bức tranh về đời sống con người vừa cụ thể vừa khái quát, được sáng tạo bằng hư cấu và giàu ý nghĩa thẩm mĩ”[4]. Đây là định nghĩa quen thuộc và phổ biến nhất.

Khi mang ý nghĩa biểu vật cho chính nó thì đó là hình ảnh còn mang những ý nghĩa khác ngoài nó, những ý nghĩa mới, kết tinh, chứa đựng tư tưởng tình cảm của con người, tức những ý nghĩa nhân sinh, khi đó hình ảnh mới trở thành hình tượng. Ví nhứ, cây tre trong bài thơ Tre Việt Nam (Nguyễn Duy) là hình tượng bởi ngoài nghĩa cụ thể, nó còn mang ý nghĩa khái quát về con người Việt Nam bất khuất, kiên cường, bền bỉ trong khó khăn, vất vả, đói nghèo.

Bên cạnh đó, văn học chuyển những cảm thụ và nhận thức đời sống không chỉ bằng những lời lẽ đơn thuần mà chủ yếu bằng những đối tượng cảm tính. Theo Lưu Hi Tái: “Tinh thần của núi không bút nào tả được, phải lấy sương khói mà tả, tinh thần của mùa xuân không tả được, lấy cây cỏ mà tả”[5]. Đó chính là việc phải dùng tới những hình thức đời sống như hình ảnh thiên nhiên, đồ vật, con người… để chuyển tải tư tưởng và cảm xúc.

Mọi hình thức của đời sống khi đã chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh mới mẻ, giàu tính thẩm mĩ, chứa đựng tư tưởng và tình cảm của con người sẽ trở thành hình tượng. Như vậy, có thể hiểu, hình tượng là phương thức phản ánh thế giới đặc thù của văn học bằng những hình thức đời sống, được sáng tạo bằng hư cấu và tưởng tượng, vừa cụ thể vừa khái quát, mang tính điển hình, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện tư tưởng và tình cảm con người.

4. Hình tượng hoa và trăng trong tác phẩm Điểu Minh Giản

Hình tượng “hoa”

Sinh thời, Victor Hugo từng nói: “Nếu thượng đế sáng tạo ra phụ nữ trước thì người đã thôi không sinh ra các loài hoa”. Vẻ đẹp của hoa trong mối tương quan với phụ nữ cũng như cái đẹp tự thân của nó đã làm tốn không biết bao nhiêu bút mực văn chương từ Đông sang Tây, từ kim chí cổ. Phải chăng đây cũng chính là lý do cho sự xuất hiện hình tượng hoa ngay ở câu đầu của bài thơ:

“Người nhàn, hoa quế rụng”

Đây là câu kể, kể lại một trạng thái của bản thân: nhàn. Nhàn trong văn cảnh này có nghĩa là tịch mịch, yên tĩnh. Trước hết nó có nghĩa là rất vắng lặng, tuyệt không có người qua lại, một sự yên lặng có tính vật chất, cái mà hai anh em – hai nhà Trung Quốc học Mĩ nổi tiếng là Uy-lic Ban-xtôn (Willis Barnstone) và Tô-ni Ban-xtôn (Tony Bamstone) gọi là “sự im lặng của thế giới bên ngoài”, mặt khác, nó cũng chỉ trạng thái thanh nhàn yên tĩnh về mặt tinh thần, cái gọi là “sự im lặng của tâm trí”[6] đã thanh lọc hết những hiện tượng gây phiền nhiễu.

Bên cạnh đó là tiếng rơi của hoa quế, hoa của một loại cây “có lá rậm và dày, hoa rất nhỏ”,[7]mảnh mai, màu trắng, có hương thơm, thường được trồng làm cảnh ở chốn thiền viên, khi rụng rơi rất khẽ, những bông hoa li ti nhẹ rơi trong đêm thật không dễ gì phát hiện. Vậy mà con người cũng nghe được.

Câu hỏi đặt ra là không biết tác giả đã phát hiện và cảm nhận bằng giác quan nào ? Người đọc có thể liên tưởng bằng nhiều cách khác nhau, có thể bằng xúc giác: cánh hoa rơi xuống đầu, mặt, tay, vạt áo,…; có thể bằng khứu giác, nhuỵ của những làn hoa rơi toả hương thơm; đặc biệt có thể bằng thính giác, cảnh tĩnh, tâm tĩnh nên có thể phát hiện được tiếng động cực nhỏ.

Cũng nhờ “người nhàn” nên được cảm nhận và miêu tả. Tiếng rơi không phá tan sự yên tĩnh của đất trời. Và sự yên tĩnh ấy được khắc họa, miêu tả không phải bằng màu sắc mà bằng chính tiếng động. Tác giả đã dùng động để tả tĩnh.

Ta nhận thấy tâm hồn thi nhân nhạy cảm vô cùng! Lắng nghe được âm thanh đó không phải chỉ vì cảnh đêm mùa xuân nơi núi non yên tĩnh mà còn vì tâm hồn nhà thơ cũng đang tĩnh lặng! Và đó là lý do tại sao mà “một mình trong cảnh cô đơn, giữa chốn rừng sâu, các bậc vĩ nhân thường chứng ngộ những chân lý cao sâu thâm diệu và giải quyết được những vấn đề phức tạp, khó khăn.”[8]

Dường như cảnh vật đã hàm chứa sự quán chiếu của Vương Duy về các vấn đề vô thường, vô ngã! Nó diễn tả cái quan niệm sắc sắc không không của đạo Phật. Như Ngài Thông Biện Quốc sư có bài kệ về biện chứng trực giác:

“Có là không, không tức có.

Không là có, có tức không.

Có không đều vượt khỏi.

Mới nhập được chân không.”[9]

Có cũng không đã thuộc về nhân duyên, cho nên nó không có tự tính. Cái “có” đã không tự tính, thì cái “có” đó chẳng phải là có, chẳng phải có là “có”. Còn cái “không” cũng không tự tính, thì không mà không phải “không”, không phải không mà “không”. Thế nên biết cái “có”, không khác cái “không”, “không” cũng không khác gì cái “có”. “Có” tức là “không”, không tức là “có”. Cùng cái “có” tức là “không” nghĩa là “chân không”.

Vậy là “cuộc đời, nói chung là những yếu tố cấu tạo nên con người và vạn vật như bốn đại và năm uẩn đều là trống rỗng; là sinh diệt và thay đổi không ngừng; là đầy dẫy khổ đau; là hư ngụy và không có thực thể”[10]

Thật vậy, những cánh hoa không chỉ làm say đắm lòng người khi chúng còn đang khoe sắc mà ngay cả khi đã lìa cành, hoa vẫn lay động bao trái tim. Có lẽ vì thế mà tác giả đã rung động trước “hoa quế rụng”. Trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, nhìn một cánh hoa rơi đã thấy lòng man mác. Điều ấy cũng là dễ hiểu bởi một đóa hoa lìa cành cũng giống như một vẻ đẹp tạ từ cõi thế, phải nói lời tạm biệt với người đang yêu mến chúng.

Vốn dĩ không gì có thể thoát ra khỏi cái vòng luân hồi của tạo hóa. Quy luật cuộc sống là như thế, vốn thế! Phải chăng tác giả đã “… nhìn thấy tính không thật, mong manh của con người và thế giới để rời khỏi lòng tham ái, chấp thủ.”[11] Vâng, đó là “… tiếng nói Duyên sinh Vô ngã, là tiếng nói của giác ngộ, giải thoát khổ đau.”[12]

Nó thể hiện quy luật vô thường của vạn vật, tồn tại của thiên nhiên và sự vận động của thời gian. Cũng như cuộc đời của con người, trước mắt chúng ta vạn vật cứ đến rồi đi, cứ hợp rồi tan theo cái trục luân hồi sinh tử mãi mãi. Đó là quy luật thường tình của vạn vật, nhưng cái sự khác biệt về vô thường của con người và vạn vật ở chỗ, khi chúng ta trải qua các sự việc ở trên đời, biết rõ đúng sai, hay dở,… thì lúc đó cái còn lại của chúng ta là cái già yếu, sinh tử.

Vậy nên, khi thời gian qua đi thì cái còn lại là những hiểu biết, những kinh nghiệm sống, những tri thức. Do vậy nếu ta không tu luyện, không giác ngộ thì bản thân mỗi người sẽ cứ trôi lăn vô định như cánh hoa quế kia mà thôi, không biết đâu là bến bờ. Dư vị của hình tượng hoa như một lời nhắc khẽ: hãy làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời và biết làm chủ bản thân mình, để yêu đời, yêu sống, để lao động và học tập say mê.

Cũng vì lẽ ấy nên trong trật tự mà con người có khả năng bị đày đọa hoặc được giải thoát đó, đức Phật đã gởi đi một thông điệp: “chúng sinh có thể thành Phật (người thức tỉnh viên mãn) khi nhận diện sâu sắc sự khổ, tu luyện để thoát khổ.”[13]

Hình tượng “trăng”

Dường như có sự chuyển dịch từ không gian tĩnh và tối sang động, sáng rõ hơn: “Trăng lên làm chim núi giật mình”. Đó là sự xuất hiện của ánh sáng: trăng lên và âm thanh: chim núi cất tiếng kêu. Trăng lên không tạo ra tiếng động vậy mà chim cũng giật mình. Phải chăng là vì, cho dù có ánh trăng thì cảnh vật vẫn lặng như tờ. Tưởng như cảnh sáng hơn và động hơn nhưng thực ra ánh sáng và âm thanh chỉ đủ sức làm nổi bật hơn sự tĩnh lặng của đêm trên núi vắng.

Chim núi giật mình bởi ánh trăng hay giật mình bởi màn đêm quá tĩnh lặng? Tĩnh từ tâm hồn thi nhân lan đến cảnh. Động xuất phát từ tĩnh, nhờ động mà càng thấy tĩnh. Tất cả vạn vật đều cảm ứng với nhau, có mối liên hệ mật thiết với nhau một cách vô hình; đặc biệt cảnh vật vào thời điểm đêm xuân càng dễ khơi gợi nhiều nỗi niềm bâng khuâng, nhiều xúc cảm vô định trong lòng người.

Một bức tranh sơn thủy hữu tình, yên tĩnh nhưng không quá buồn, trăng lên và tiếng chim kêu được miêu tả thật sinh động, giàu sức gợi. Chả trách Lưu Trọng Lư đã từng nói: “một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Nhà thơ đã dùng ánh sáng để miêu tả đêm tối, dùng âm thanh để miêu tả cái tĩnh lặng. Đây cũng là một thủ pháp nghệ thuật khá quen thuộc của thơ ca đời Đường.

Đó không phải đơn thuần là sự bừng sáng của ánh trăng chiếu ứng lên cảnh vật, tác động đến trạng thái của chim núi mà còn là sự thảng thốt, bừng ngộ trong tâm hồn thi nhân. Ý thơ và tình thơ thật tinh tế! Khung cảnh thiên nhiên như thoát tục, gợi đến một cuộc sống thanh thản và nhàn nhã chốn điền viên sơn dã. Nổi bật trong bức tranh sơn thủy hữu tình, giàu sức gợi, nên thơ và tĩnh lặng đó là hình ảnh một tao nhân mặc khách – một ẩn sĩ muốn thoát khỏi mọi hệ lụy của chốn bụi trần để “tịnh tâm”.

Như trong sách Thiền và phân tâm học tác giả Suzuki có nói rằng “thiền là sự chuyển hóa đời sống thường nhật của chúng ta thành một thứ nghệ thuật. Chân lý Thiền là cái biến cuộc sống vô vị của ta, một kiếp sống toàn những cái thường tình buồn tẻ, chán nản, thành một nghệ thuật, đầy sáng tạo tính nội tâm chân chính.”[14] Mà hơn ai hết Vương Duy chịu ảnh hưởng Thiền học rất sâu đậm, “tịch tĩnh” là cảnh giới ông ra sức để đạt được ở trong thơ. Đó cũng chính là sự “bừng ngộ” trong tâm hồn ông.

Dẫu biết trên bình diện tục đế, ngôn ngữ là phương tiện thiện xảo để diễn đạt cảm xúc và tư duy. Nhưng đối với thơ văn Phật giáo nói chung, thơ thiền nói riêng đòi hỏi người đọc phải đi đến lớp nghĩa thư hai của câu từ mới hi vọng cảm nhận sâu sắc về tác phẩm. Như câu nói đạm nhiên của Heidegger: “Không bao giờ và bất kỳ trong ngôn ngữ nào, cái điều phát biểu ra lời là cái điều được nói đến”. (Cái được phát ngôn, không phải là cái Sở ngôn).[15] Hoặc thơ mộng của Bùi Giáng:

“Thưa em ngôn ngữ quặt què,

Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên.”

Để rồi, khi quay lại với tác phẩm, chúng ta cảm nhận được tác giả dường như đã ngộ ra bên cạnh cái vô thường luôn có cái thường hằng bất biến, có cái bản lai chân thật nằm ngoài vô thường, nó không đến, không đi, không sinh, không diệt, đó là nơi an lạc bình yên. Tức là đang sống, đang tồn tại với Phật tính vĩnh cửu chân như của chính mình. Tìm kiếm Phật ở bên ngoài thì cũng giống như cá chép tranh nhau vượt Vũ Môn, muôn đời làm sao hóa rồng được?!

Điều mà chúng ta cảm nhận được qua hình tượng trăng là vũ trụ vốn có những quy luật, con người và sự vật luôn luôn phải tuân theo, đó là: “tất cả các pháp đều từ nhân duyên mà sinh ra, hay nói cách khác hơn nhân duyên sinh ra các pháp, vốn không có tự tính, tức là vô tính.”[16] Vả lại, “những pháp hữu vi cũng như chiêm bao, lúc chiêm bao thì có, khi thức dậy thì không, cũng như những sự vật của nhà huyễn thuật hóa ra, sự vật ấy là huyễn hiện giả dối, thật không có gì cả.”[17]

Thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra, vượt ra ngoài cái khuôn khổ bình thường có quy luật của vũ trụ. Dưới mắt người đạt đạo, có một điều thoát ra ngoài quy luật sinh diệt của thời gian, đó là “chân tâm bất diệt”.

Cái chân tâm ấy chính là đích đến của bậc tu hành, như “khát nghĩ đến nước mát, như đói nghĩ đến cơm ngon, như bệnh nghĩ đến thuốc hay, như bầy ong bu theo mật, chúng con cũng như vậy, xin nghe pháp cam lồ. Ong hút nhụy trăm hoa để thành mật, còn người thì tập hợp muôn hạnh để chứng chân. Ong hoàn thành mật rồi, sống nhờ vào mật, người chân rồi thì trụ nơi chân”.[18]

Thật vậy, cái chân ấy tuy vô hình, trừu tượng là vậy nhưng lại có sức mạnh siêu năng lực dẫn chúng sinh đi đến cõi niết bàn tịch tịnh. Dù trăng lúc ẩn lúc hiện hay khi tròn, khi khuyết đi chăng nữa thì trăng vẫn mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian, luôn tồn tại ở đó mặc cho ta có nhìn thấy hay không. Thế mới nói trăng hiện là trạng thái, là cảnh giới của những người đã giác ngộ, đã nếm được vị giải thoát và đang sống trong niềm hạnh phúc vô biên, là sự vĩnh hằng bất diệt vượt ra khỏi ý niệm về không gian và thời gian.

Lặng lẽ nhìn thế cuộc trôi qua trăng lên, trăng tàn… bao biến dịch, đổi thay vùn vụt ngay trước mắt. Thi nhân đã thấu rõ một cách triệt để hơn về tính cách bất biến vô sinh của chân tâm, thấy được bản thể mình vốn tịch nhiên, vắng lặng và bất sinh bất diệt. Trong tâm thái an nhiên đó, nhà thơ không băn khoăn về sự còn, mất, thăng trầm của bản thân, của vạn hữu vì chính trong sự biến thiên ấy, tác giả đã trực ngộ cái trường cửu bất diệt, không phải một thế giới hay một cái gì bất diệt ở ngoài đời, mà chính ngay trong cuộc đời này.

Kết luận

Mỗi loại hình nghệ thuật đều được tạo nên bởi những chất liệu khác nhau. Nếu như hội hoạ được tạo nên bởi những đường nét, màu sắc; âm nhạc được tạo nên bằng âm thanh, điêu khắc được tạo nên bởi những mảng, khối,…thì văn học được tạo nên bởi hình tượng.

Văn học cần tới hình tượng để tiếp thêm sức sống cho tác phẩm mình. Nói như Bie-lin-xki “Các nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận. Nhà thơ nói bằng hình tượng và bức tranh”. Có thể nói hoa và trăng vốn là những hình tượng quen thuộc trong thơ ca phương Đông nhưng ở đây lại có sức ám gợi lạ thường, sâu xa.

Bởi vậy bài thơ tạo cảm giác tĩnh lặng, thanh nhã, bình đạm. Thế giới nghệ thuật của nó là một phức hợp cộng hưởng, giao hòa giữa: người và cảnh, âm thanh và ánh sáng, thính giác – thị giác – khứu giác và xúc giác, không gian và thời gian. Nói như Nguyễn Văn Hạnh: “Tính biểu tượng của thiên nhiên trong bài thơ không phải ở những hình ảnh đơn lẻ mà ở sự tương tác hài hòa giữa chúng (…). Màu thiền của bài thơ nằm khuất lấp giữa các dòng thơ, ẩn mình đằng sau cảnh sắc, trong cái tĩnh lặng của hồn người”[19].

Trong bài thơ triết lý của Thiền học giống như cục nam châm tạo nên tâm điểm hút dính các câu thơ lại thành một chỉnh thể, một cấu trúc ẩn, một hàm ý siêu thoát! Cái hay của bài thơ thể hiện ở tính độc đáo trong cách diễn tả sự chứng ngộ Phật tính trong tâm linh của Ma Cật: an nhiên, tĩnh tại, hòa nhập với thế giới sắc không (lớp nghĩa tư tưởng) và ở thế giới hình tượng thơ tương giao, hòa quyện, gắn kết tạo nên ý nghĩa thẩm mỹ mới lạ (lớp nghĩa nghệ thuật).

Nghĩa tư tưởng và nghĩa nghệ thuật của tứ thơ có sự chuyển hóa, dung hợp, đan quyện, giao hòa đem đến cho người đọc những mỹ cảm, nhận thức khác.

Bài thơ gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giữa cuộc sống, giữa thiên nhiên vừa ung dung giản dị vừa tinh tế nhạy cảm, vượt lên tất cả, hòa nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Bài thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu lắng mang đậm nội tâm của Thiền.

Tác giả: Thích nữ Thông Diệu (Tôn Nữ Thị Tường Vy)
Học viên Cao học Khóa II chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện PGVN tại Huế

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh tuong Hoa va Trang trong tac pham Dieu Minh Gian cua Vuong Duy 1 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh tuong Hoa va Trang trong tac pham Dieu Minh Gian cua Vuong Duy 2 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh tuong Hoa va Trang trong tac pham Dieu Minh Gian cua Vuong Duy 3

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường