Trang chủ Chuyên đề Kiến trúc chùa thời Lý (1009-1225)

Kiến trúc chùa thời Lý (1009-1225)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

ThS. Lê Tuấn Dũng
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

1. Tính quần thể và độc đáo của các công trình kiến trúc

Đến thời Lý, tính chất quần thể cao đã thể hiện ở hầu hết các thể loại kiến trúc chùa tháp, thành quách, cung điện (đặc biệt là chùa tháp). Kiến trúc chùa tháp ngoài việc quần thể được tạo thành bởi nhiều đơn thể công trình, sắp xếp có trật tự theo trục chính, trục phụ, chủ đề được triển khai dần dần theo các lớp không gian với những nhà nang dãy dọc, các kiến trúc sư thời Lý còn biết lợi dụng địa hình để tôn thêm vẻ trang nghiêm, đa dạng, tính không gian nhiều lớp của kiến trúc. Đơn cử như nền giật cấp của chùa Phật Tích[1], chùa Dạm[2] (Bắc Ninh).

Có trường hợp kiến trúc được nhấn mạnh theo trục chính như chùa Linh Xứng[3], chùa Dạm, chùa Phật Tích, nhưng cũng trường hợp kiến trúc có mặt bằng kiểu tập trung, bốn phía giống nhau như trường hợp chùa Bách Môn[4].

Chúng ta thường thấy, bố cục phổ biến nhất của chùa Việt có dạng chữ công (工). Loại bố cục này phù hợp với phần lớn chùa có quy mô trung bình và lớn. Một số chùa lớn hơn có bố cục hình chữ tam (三) hay nội công ngoại quốc. Các chùa nhỏ thường có bố cục hình chữ đinh (丁). Trong khí đó, chùa Bách Môn thời Lý có bố cục mặt bằng hình vuông chữ điền (田) có 2 trục đối xứng và có hành lang bao quanh 4 phía. Nhận xét về ngôi chùa này, Trần Trọng Kim cho rằng đây “thật là một kiểu chùa ít có ở nước Nam” [5].

Như vậy, những thể chế kiến trúc áp dụng cho từng loại chùa có quy mô nhỏ, trung bình hay lớn đã được hình thành vào thời gian này và dần dần dần trở thành mẫu mực, quy cách cho kiến trúc tôn giáo nhiều thế kỷ sau.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Chua Phat Tich Bac Ninh 1

Chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Ảnh: St

2. Hình thức kiến trúc và trang trí chi tiết, kiến trúc giàu sức biểu hiện, vừa thống nhất hài hòa, biến hóa và phong phú

Tổng quan các ngôi chùa thời Lý với hình tượng kiến trúc “Mái cong như trĩ”, “tòa sen” rất hài hòa, giàu sắc thái, đôi khi lại được xen bởi những tháp cao hay nâng đỡ bởi thiên nhiên giàu màu sắc, cây cối, mặt nước xung quanh, tạo cho kiến trúc đời Lý một vẻ đẹp vừa trang trọng vừa gần gũi. Đó là do mỹ quan đầy tính mỹ học lúc bấy giờ của các kiến trúc sư xây dựng, khi mà họ ngoài nắm chắc được quy luật thẩm mỹ kiến trúc là thống nhất và biến hóa, còn có những hiểu biết nhất định về sinh hoạt và tâm hồn con người Việt Nam.

Những bộ phận, chi tiết kiến trúc và hình thức trang trí kiến trúc như mái, bệ cửa, bậc cấp lối lên, lan can và tượng tròn, phù điêu được xử lý khá tinh tế, cùng với sự thành thạo trong việc sử dụng vật liệu, sắp đặt những vật liệu nặng và kiên cố bên dưới, vật liệu nhẹ ở trên phù hợp với quy luật tĩnh học, cũng đã sản sinh ra những hiệu quả thẩm mỹ rất tốt.

Những hình thức gạch có hoa văn để lát, ốp hình vuông, hình đa giác hoặc tròn khác nhau cũng đã góp phần quan trọng vào nghệ thuật trang trí. Tính chất đa dạng của các loại ngói từ đơn giản đến phức tạp, như ngói bản (ngói chiếu), ngói lòng máng (còn gọi là ngói ống hay ngói uyên ương) và ngói gốm men, cũng là những dẫn chứng sự tìm tòi, phát triển vật liệu xây dựng để phục vụ đắc lực cho việc sáng tạo kiến trúc.

3. Kiến trúc có tính chất dân tộc và tính chất địa phương phong phú, phong cách nhẹ nhàng, khiêm tốn, phù hợp với khí hậu và tập quán con người Việt Nam

Ngoài việc làm cho phù hợp với địa hình. Trong thời Lý, những người thợ nước ta còn biết làm ra những công trình mà kiến trúc phù hợp với khí hậu, biết chú ý đến hướng của công trình, thiết kế hướng để đón gió, chống mưa nắng. Làm mái lớn che lấp một phần không gian công trình để tránh bức xạ nhiệt, thiết kế sân và khoảng không để cải tạo khí hậu.

Kiến trúc các ngôi chùa thời Lý không gây ra cảm giác áp chế con người, cảm giác thần bí như những kiến trúc tôn giáo của nhiều nước khác ở Châu Á và Châu Âu. Nhiều khi, ngắm các ngôi chùa, con người có cảm giác phảng phất sự lãng mạn và thoát tục. Chỉ có điều là không gian các ngôi Chùa nói chung và thời Lý nói riêng hơi thiếu ánh sáng. Có thể có dụng ý gì từ điều này chăng? Có thể nói, xuất phát từ đặc điểm văn hóa và tâm lý dân tộc, các ngôi chùa thời Lý mang tính chất dân tộc đậm đà, phù hợp với cách suy nghĩ của con người Việt Nam.

Chùa thời Lý, sân chùa thường có các cây cổ thụ, cây đại, các loại hoa thường có màu sắc đẹp và hương thơm tinh khiết, hay một vài mặt gương nước của hồ ao, đầm vạc. Những khung cảnh quen thuộc đó đã làm cho bối cảnh bản thân kiến trúc các ngôi chùa một không khí rất đỗi bình dị và thân thuộc. Sự gắn bó của kiến trúc với thiên nhiên còn được ghi lại đậm nét ở chùa Linh Xứng (Thanh Hóa), dấu tích kiến trúc xưa còn được ghi lại qua bia dựng ngày khánh thành chùa tháng ba năm 1126: “Chùa Phật thênh thang ở giữa, phòng chạy rộng rãi hai bên; trang nghiêm chính giữa thì tượng Ngũ Trí Như Lai sắc vàng rực rỡ ngồi trên tòa sen trồi trên mặt nước, quanh thềm lan can, đầy sân hoa cỏ. Trên tường thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực quả mười phương với mọi hình tướng biến hóa muôn hình vạn trạng không thể kể hết”. [6]

Nếu như cung điện là của riêng tầng lớp hoàng gia, thì Chùa tháp về cơ bản là cầu chúc cho vua và hoàng tộc bền thịnh nhưng là thuộc tập thể, ở đấy cá nhân vua hòa trong ý muốn quần chúng, tất cả cùng hướng theo tinh thần từ bi hỉ xả của Phật giáo. Làm nền tảng cho sự thống nhất về mặt tư tưởng và ý chí của dân tộc.

4. Hệ thống công trình kiến trúc đa dạng và vững vàng.

Các ngôi chùa thời Lý có hệ thống kiến trúc đa dạng và vững vàng, đã đạt được bằng biện pháp sử dụng vật liệu và tận dụng tính năng của vật liệu. Đã được dùng để gia cố nền, làm bệ tường và dùng làm cột trong đó gỗ được dùng làm cột và hệ thống kèo, gạch được dùng làm kết cấu bao che hoặc chịu lực v.v… Để làm được mái cong ở các công trình kiến trúc mà chúng ta được thấy, nghệ thuật mộc thời Lý đòi hỏi những người thợ phải có trình độ cao, điêu luyện.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Mot Cot 1

Chùa Một Cột. Ảnh: St

Về tính toán tĩnh công trình, các bậc tiền bối của chúng ta phải rất có kinh nghiệm mới xây dựng được các ngôi chùa có kiến trúc phức tạp. Ví dụ như Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu[7]. Hồi đó, ngôi chùa Một Cột lớn hơn bây giờ nhiều. Và công trình chùa Một cột đời Lý cũng không phải là công trình chùa Một Cột đầu tiên ở nước ta.[8] Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1049, vào mùa đông tháng 10, vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Các bầy tôi cho đó là điềm chẳng lành, nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua dựng chùa như trong giấc mơ. Vua bèn cho xây dựng chùa, dựng cột đá ở giữa ao, trên đầu cột làm tòa sen của Phật, các nhà sư sẽ niệm chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu, vì vậy chùa được đặt tên là Diên Hựu. [9] Cây cột đá dựng chùa Một Cột có tài liệu nói cao tới 10 trượng. Như vậy, độ cao của cây cột đủ chạm bông sen nghìn cánh ở đầu cột, điều này cho thấy tòa điện Phật ở trên đầu cột cũng phải rất to lớn và cân xứng. Tổng thể kiến trúc vươn cao lên vài chụp mét như một cây tháp. Có ý kiến lấy bình đồ của Chùa Một Cột so với tháp Phật giáo Mật Tông, nhận ra nhiều điểm tương đồng và coi chùa Một Cột là kiến trúc tháp Phật giáo. [10]

Chùa Một cột thời Lý được một số nhà nghiên cứu gọi là kiến trúc Việt Nam. Tầm vóc của Chùa Một Cột cho thấy tay nghề của những người thợ mộc nếu không có một trình độ điêu luyện thì không sao mà thực hiện được.

5. Kết luận

Theo nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ thì chùa thời Lý về cơ bản được chia thành ba kiểu:

– Trước hết là kiểu chùa được dựng trên cây cột – trụ, kiểu kiến trúc này phát triển về chiều cao theo kiến trúc tháp.

– Loại thứ hai là chùa kiến trúc được nhấn mạnh theo trục chính như chùa Dạm, Phật Tích. Hai ngôi chùa này đều được xây ở sườn núi, dựa vào thế núi mà trườn lên theo các bậc cấp nền, có 3 hoặc 4 tầng nền, với chiều rộng của bề mặt hơn 60m và chạy sâu vào hơn 100m. Các tầng nền được kè giữ khỏi xô đất xuống bằng những dãy tường đá 2 hoặc 3 lớp xây bậc cấp và hơi ngả vào rất vững chãi. Đây là các chùa rải rác ở các địa phương xa, vừa là nơi thờ Phật để cầu phúc cho hoàng gia, vừa là hành cung để vua nghỉ ngơi mỗi khi vi hành qua đây. Ngoài các ngôi chùa kể trên loại chùa này về kiến trúc còn có các ngôi chùa nổi lên là những cây tháp uy nghi như: Tường Long (Đồ Sơn), Chương Sơn (Nam Định), Đọi (Hà Nam). Kiến trúc chùa Tháp thời Lý to lớn, lại được xây dựng ở những vị trí ngoạn mục, gắn với thiên nhiên tạo thành cả một phong cảnh kiến trúc hoàn chỉnh có núi, có sông, có cây cối, nhà cửa.

– Loại chùa thứ ba, là các ngôi chùa có quy mô nhỏ hơn các chùa tháp, đồng thời là hành cung ở các chùa như Phật Tích và Chùa Dạm. Các chùa này có khi xây trên lưng chừng núi chỉ có một lớp nền như chùa Vĩnh Phúc, Chùa Tĩnh Lự (Bắc Ninh), có khi xây giữa đồng ruộng như chùa Hương Lãng (Hưng Yên). [11]

Thời Lý, những nơi núi cao thì chùa chỉ dựng ở nơi lưng chừng (như các chùa Phật Tích, Dạm); những nơi núi thấp thì có thể xây ở trên đỉnh (Tường Long, Đọi); những nơi không có núi thì xây trên gò bãi (Chùa Hương Lãng). Tuy chùa không xây xát nhà dân, nhưng vẫn gắn với làng mạc và làm chỗ sinh hoạt cho cả một cộng đồng cư dân nông nghiệp. Nó thanh tịnh mà ấm cúng. Lợi dụng đại thế cao của núi đồi hay gò bãi, chùa tháp lại thường gần sông, nếu xa sông thì đào ngòi từ sông dẫn đến cửa chùa, tiện cho giao thông, nhất là những cuộc trẩy hội của triều đình. Cảnh đẹp sơn thủy hữu tình đã được các người thợ tài hoa xây dựng thời Lý khám phá và triệt để lợi dụng để tôn cái đẹp của kiến trúc lên vị trí xứng đáng. [12]

Có lẽ, trong số hàng ngàn chùa dựng thời Lý, ngoài một số chùa lớn được sử sách nhắc đến chắc hẳn còn nhiều chùa nhỏ ẩn khuất trong núi rừng, thôn xóm mà ít được nhắc đến. Qua đây, chúng ta thấy được thời Lý đã có một nền kiến trúc rực rỡ, với những dấu tích hiện còn, kiến trúc thời Lý có giá trị nghệ thuật gồm cả những kiến trúc dành riêng cho triều đình và kiến trúc tôn giáo nhưng nổi trội nhất là kiến trúc chùa tháp. Chùa thời Lý là kiến trúc Phật giáo sớm nhất hiện còn dấu vết trên mặt đất và trong thư tịch. Nó khẳng định một giá trị nghệ thuật dân tộc đặc sắc của Việt Nam và cũng là của thời đại, xứng đáng mở đầu cho nền văn minh Đại Việt, là bằng cứ lao động sáng tạo của một dân tộc có trình độ thẩm mỹ cao.  Tiếc là thời gian trôi qua, chiến tranh đã làm cho phần lớn những công trình kiến trúc bị mai một, hủy hoại, ít để lại dấu vết.

ThS. Lê Tuấn Dũng
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

***

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Gia Tường dịch (1993), Đại Việt sử lược, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
2. Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Nxb Khoa học xã hội.
3. Ngô Văn Doanh và Nguyễn Duy Hinh (1978), chùa Một Cột ban đầu, tạp chí khảo cổ học số 3.
4. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội.
5. Mật Thế (1943), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Tân Việt.
6. Trần Trọng Kim (1940), Phật lục, Nxb. Tân Việt.
7. Nguyễn Tuệ Chân dịch, (2008), Nghệ thuật Phật giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

Chú thích:
[1] Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, được vua Lý Thánh Tông xây vào năm 1057. ). Xây xong chùa, vua sai người  dùng vàng đúc tượng Phạn Vương và Đế Thích để an trí vào chùa. Xem: Đại Việt sử lược (1993). Bản dịch Nguyễn Gia Tường, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.47.
[2] Chùa Dạm còn được gọi là Đại Lãm Thần Quang Tự, được xây vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085) bới Nguyên Phí Ỷ Lan. Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, II, tờ 11b.
[3] Chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn (Thanh Hóa).
[4] Chùa Bách Môn hay còn gọi là chùa Long Khám được khởi dựng từ thời nhà Lý. Ngôi chùa được vua Lý Thần Tôn sắc lập vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) sau khi ông được Minh Không Thiền Sư chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Xem: Mật Thế (1943), Việt Nam Phật giáo sử lược, NXb Tân Việt.
[5] Trần Trọng Kim (1940), Phật lục, Hà Nội, tr.96.
[6] Chu Quang Trứ (2012) Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr 129-130.
[7] Diên Hựu: Kéo dài sự sống.
[8] Trước đời Lý, ở kinh đô Hoa Lư có chùa Nhất Trụ còn để lại một cột đá cao to trong vườn trước của Chùa, có lẽ đây là cột khắc kinh Phật mà truyền thống địa phương muốn coi đó là cây cột đỡ tòa chùa ở trên. Khi rời kinh đô ra Thăng Long, nhà Lý đã cho dựng chùa Một Cột phỏng theo chùa Nhất Trụ.
[9] Đại Việt sử ký toàn thư, II, tờ 37a.
[10] Ngô Văn Doanh và Nguyễn Duy Hinh (1978), chùa Một Cột ban đầu, tạp chí khảo cổ học số 3 năm 1978.
[11] Chu Quang Trứ (2012) Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr 124-130.
[12] Chu Quang Trứ (2012) Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr135-136.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường