Phật giáo cho rằng nghèo và giàu vốn không có khoảng cách gì đối với danh dự của một nhân cách. Nói sâu hơn một chút, rằng nếu trong tâm sẵn có tam thiên đại thiên thế giới, vậy thì, dù cho thân nghèo khổ không có mảnh đất cắm dùi, nhưng vẫn cảm thấy đầy đủ, sung túc.
TS Nguyễn Tiến Dũng -Ths Hoàng Thị Hải Yến Học viện Cảnh sát nhân dân Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Tóm tắt: Danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, không chỉ có vai trò tạo sự uy tín đối với xã hội mà còn là một phẩm chất quan trọng để khẳng định giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp của chính bản thân mình.
Trong bài viết này trình bày quan điểm của Phật giáo về vấn đề giàu nghèo, cho rằng nghèo và giàu vốn không có khoảng cách gì đối với danh dự của một nhân cách. Có người mặc dù chỉ cơm canh đạm bạc nhưng không thể nào chôn vùi niềm vui bên trong của họ; có người giàu có một phương, nhưng vẫn cứ ưu sầu, phiền muộn. Nói sâu hơn một chút, rằng nếu trong tâm sẵn có tam thiên đại thiên thế giới, vậy thì, dù cho thân nghèo khổ không có mảnh đất cắm dùi, nhưng vẫn cảm thấy đầy đủ, sung túc.
1. Nhận định nghèo khổ, giàu có theo quan điểm của Phật giáo
Nghèo khó và thịnh vượng là hai điều kiện khác nhau trong số những sự thực của cuộc sống. Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay phương diện tinh thần. Rõ ràng hai cụm từ này, “nghèo khó” và “thịnh vượng”, có những ngữ nghĩa khác nhau.
Sự nghèo khó: Là điều kiện hoàn cảnh mà ở đấy nghèo nàn về phương diện tiền bạc, hàng hóa, hoặc các phương tiện vật chất; sự bần cùng; sự túng thiếu hoặc thiếu một vài thứ cụ thể nào đó; như là nghèo về ý tưởng, túng thiếu về những yếu tố hoặc những phẩm chất cần thiết; hay như là sự nghèo nàn của đất…
Sự giàu có: Là trạng thái thịnh vượng; sự thành công trong bất kỳ sự nghiệp nào đó; vận may. Thịnh vượng hay còn gọi là có triển vọng, may mắn là điều kiện hoàn cảnh mà ở đấy diễn tả bởi sự thành công; hưng thịnh hoặc phát đạt, giàu có…
Theo quan điểm của Phật giáo, thì nghèo khổ hay giàu có thể được hiểu theo giáo lý duyên khởi, nhân quả và thuyết nghiệp báo của cá nhân mỗi người chiêu cảm, tạo ra.
Nghiệp báo được hiểu là một quy luật của tự nhiên, với quy luật này, chắc chắn mỗi người sẽ nhận lãnh những quả báo do chính các hành động mà họ đã làm, và bởi vì sự giàu có, tốt đẹp, là phần thưởng xứng đáng cho những hành động nhân đức, nên thịnh vượng là bằng chứng của sự đức hạnh. Và tất nhiên, hành vi được thúc đẩy bởi những động cơ hiền thiện thì cuối cùng sẽ được đáp thưởng bằng sự thịnh vượng.
Người học Phật còn tin rằng, luật nghiệp báo đảm bảo rằng những hành động vị tha chắc chắn sẽ được đền đáp và tất cả đều sẽ được đáp trả xứng đáng. Hơn nữa, theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy, luật nghiệp báo là một quy luật kiến tạo hiện thực cuộc sống, cho nên những việc làm đúng theo lời Phật dạy và những việc làm trái với lời Phật dạy luôn có kết quả có thể dự đoán được về vị thế trong tương lai của một người ở trong thứ bậc của xã hội, nó tiếp nối hiện thực luân hồi sinh tử bình thường.
Bên cạnh việc tin rằng nghiệp báo là một quy luật tự nhiên, chúng ta có thể giải thích rằng, phần thưởng hay sự trách phạt của chúng ta được dựa trên khái niệm Duyên khởi. Đây là một giáo lý của đạo Phật nói về sự cộng sinh và phụ thuộc lẫn nhau, nó khẳng định rằng chất lượng cuộc sống của một xã hội là kết quả của đức hạnh bởi những thành viên trong xã hội ấy, và khi mỗi cá nhân tạo sự ảnh hưởng tốt hay xấu đến những người khác thì người tạo ra đó sẽ gặt hái những kết quả từ chính tất cả những ảnh hưởng ấy.
Cuối cùng, khái niệm nghèo khó và thịnh vượng trong Phật giáo được hiểu như là kết quả của những nghiệp nhân đã tạo ra. Sự nghèo khó và thịnh vượng cũng không thể đến một cách ngẫu nhiên. Những gì chúng ta có thể có hoặc không thể có thì có thể được hiểu theo giáo lý duyên khởi, nhân quả và thuyết nghiệp báo. Rõ ràng đời này chúng ta nghèo là bởi vì chúng ta đã không bố thí, cúng dường trong kiếp trước. Ngược lại, đời này chúng ta giàu là bởi vì chúng ta đã bố thí, cúng dường trong kiếp trước. Nếu chúng ta tiếp tục thực hành bố thí, cúng dường trong đời này bằng cách cúng dường đến chư Tăng và giúp đỡ những người nghèo khó thì trong kiếp sau chúng ta lại được giàu có.
2. Các tiêu chuẩn cần rèn luyện để trở thành con người có nhân cách tốt đẹp
Theo quan điểm của Phật giáo cái nhân cách tốt đẹp nhất là cái nhân cách vô ngã. Nhân cách càng gần với vô ngã thì càng tạo hạnh phúc cho cá nhân mang nhân cách ấy và góp phần tạo hạnh phúc cho những người xung quanh. Phật giáo cũng cho rằng con người cần phát triển trí tuệ để thấy rõ ngũ uẩn là không, là vô ngã. Phật giáo đề cao 6 ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bốn đức của ba la mật là khổ, không, vô thường và vô ngã. Chính việc thực hành lục ba la mật là một phương pháp rèn luyện nhân cách tuyệt vời mà các nhà phân tích nhân cách hiện đại đã khẳng định.
Không chỉ đức Phật, về thời thế sau, chúng ta có thể hiểu thêm về rèn luyện nhân cách con người qua lời dạy của bậc trí nhân đời trước như đức Mạnh Tử dạy chúng ta 3 tiêu chuẩn để rèn luyện nhân cách, Ngài nói: “Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Oai vũ bất năng khuất”, tức là: Lúc giàu có, phú quý thì phải giữ quy củ, không được dâm loạn; Lúc nghèo hèn thì đừng thay đổi chí khí tức là không bị hoàn cảnh làm thay đổi chí hướng; Lúc mình bị thế lực chèn ép khuất phục, thì không đầu hàng, tức là không bị lợi lộc, vật chất làm cho mất hết danh tiết.
3. Nghèo và giàu vốn không có khoảng cách gì đối với danh dự của một nhân cách
Phật giáo cho rằng nghèo và giàu vốn không có khoảng cách gì đối với danh dự của một nhân cách. Nói sâu hơn một chút, rằng nếu trong tâm sẵn có tam thiên đại thiên thế giới, vậy thì, dù cho thân nghèo khổ không có mảnh đất cắm dùi, nhưng vẫn cảm thấy đầy đủ, sung túc.
Theo Phật giáo con người cần rèn luyện cách tu dưỡng thân tâm thật tốt. Muốn vậy con người không phải dựa vào một thế lực bên ngoài mà bản thân mình phải tự thực hiện lấy, như lời Phật dạy: Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự mình tạo cho mình chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào ai ngoài bản thân mình.
Cuộc sống của đức Phật có thể được coi là một minh chứng sống động và chuẩn xác nhất. Bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, Ngài đều mặc một bộ áo phấn tảo (pamsukulika), vẫn cảm thấy thong dong tự tại. Đủ thấy, trái tim của đức Phật đối với giàu sang nghèo hèn, khốn cùng hanh thông, hưng suy thành bại, đẹp xấu thiện ác vốn không vương vấn, bận lòng, cũng không theo đuổi dục trần của thế gian, chỉ là tùy duyên thích ứng với hoàn cảnh, môi trường! Đây chính là sự giàu có lớn lao nhất của đức Phật. Đủ thấy, trái tim của đức Phật đối với giàu sang nghèo hèn, khốn cùng hanh thông, hưng suy thành bại, đẹp xấu thiện ác vốn không vương vấn, bận lòng, cũng không theo đuổi dục trần của thế gian, chỉ là tùy duyên thích ứng với hoàn cảnh, môi trường! Đây chính là sự giàu có lớn lao nhất của đức Phật.
Như vây, qua phân tích trên đây đều nói rõ nghèo giàu không thể lấy việc có hay không có tiền của để đo lường. Con người có thể nghèo, nhưng nội tâm không thể nghèo được. Nguồn năng lượng bên trong là nhiều vô cùng tận, lấy không bao giờ hết, dùng chẳng bao giờ vơi, điều quan trọng nhất chính là bạn có chịu khai thác, đào xới nó lên hay không? Nếu bạn chịu khai thác nguồn năng lượng bên trong, bạn mới là người giàu có thật sự.
TS Nguyễn Tiến Dũng -Ths Hoàng Thị Hải Yến Học viện Cảnh sát nhân dân Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Bình luận (0)