Thích nữ Nhật Diệu
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
DẪN NHẬP
Trong lịch sử Việt Nam, ba tôn giáo Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo xuất hiện sớm và chi phối tới đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của dân tộc. Mặc dù ba tôn giáo này được truyền bá vào Việt Nam ở những thời điểm khác nhau, bắt nguồn từ các quốc gia khác nhau nhưng chúng vẫn cùng tồn tại, phát triển, chung sống hòa bình với nhau và với các tín ngưỡng bản địa vốn có, tạo nên tinh thần “tam giáo đồng nguyên” trên đất nước.
Các tôn giáo phát triển thịnh vượng bắt đầu từ triều Lý đến vương triều Trần. Phật giáo thời kì này đã tạo ra tư tưởng của một xã hội khoan dung, hòa đồng, nhân ái trong nội trị và ngoại giao, đồng thời cũng tạo ra sức mạnh cho dân tộc ta ba lần đánh thắng giặc Mông - Nguyên. Những điều này làm cho Phật giáo đứng ở trung tâm của hoạt động chı́nh trị, văn hóa, xã hội giai đoạn Lý – Trần. Bên cạnh đó, Nho giáo và Đạo giáo cũng không ngừng phát triển, dần khẳng định vị thế của mình, song hành cùng Phật giáo.
Nửa sau thế kỉ XIV, Phật giáo không còn nhận được sự ủng hộ của thế lực chính trị, Phật giáo dần lui về chốn dân gian, Nho giáo lúc này phát triển vượt trội. Nhưng dù vậy, tinh thần hòa hợp Tam giáo mãi là một trong những trang sử đậm nét trong tiến trình phát triển tư duy tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam.
NỘI DUNG
1. Khái lược về Nho - Phật - Đạo thời Trần
1.1 Nho giáo
Nhà Trần được nhận định là triều đại hưng thịnh trong lịch sử dân tộc Việt Nam với sự phát triển toàn diện trên mọi phương diện, nhất là về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tâm linh. Đạo Phật là tôn giáo giữ vai trò chủ đạo, nhưng bên cạnh đó, Nho giáo cũng có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân với học thuyết chính trị và đạo đức.
Nho giáo bắt đầu được tiếp nhận chính thức tại Đại Việt từ năm 1070, khi nhà Lý lập Văn miếu để thờ Chu Công và Khổng Tử, nhưng thời kỳ này vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ. Sang thời Trần thì Nho giáo phát triển hơn vào cả chính trị, vì nhu cầu trị nước lúc này, chính vì vậy chiếm ưu thế trong triều đình. Năm 1236, Trần Thái Tông lập Quốc tử viện dạy ngũ kinh, chọn các nho sĩ đã thi đỗ vào chầu. Năm 1253, thành lập Quốc học viện, cho nho sĩ tới học, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh, vẽ tranh 72 người hiền để thờ[1]. Giáo dục Nho giáo bấy giờ có thể nói là giữ vị trí chủ đạo, các tầng lớp Nho sĩ vì vậy mà dần đóng nhiều vai trò quan trọng trong bộ máy chính trị của triều đình.
Nho giáo triều Trần ngày càng phát triển, về số lượng và việc lan tỏa tư tưởng đến hầu hết các tầng lớp xã hội. Mặc dù chưa trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước nhưng do yêu cầu củng cố chế độ phong kiến và giáo dục thi cử, Nho giáo đã dần khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Cuối thời Trần, Nho giáo phát triển vượt bậc, vượt cả Phật giáo, và tạo nên nhiều thay đổi trong đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của người dân.
1.2 Phật giáo
Vào triều Trần, đây là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh nhất. Phật giáo đã phát triển nhiều khuynh hướng mới và được sự ủng hộ của triều đình cũng như nhân dân. Phật giáo đóng vai trò trung tâm trong đời sống tư tưởng của xã hội. Sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái mang đậm bản sắc dân tộc qua việc hợp nhất các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường tạo nên một “Phật giáo Nhất tông, tức là thời đại của một phái Phật giáo duy nhất”[2]. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã thiết lập được mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông vào đời Trần, với tôn chỉ hoạt động là thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động phục vụ cho Đạo pháp - Dân tộc.  Tổ chức Giáo hội Trúc Lâm đã khẳng định tinh thần của Đại Việt, mang đậm bản sắc dân tộc.
Với mô hình tổ chức Phật giáo mới, thời Trần, chùa chiền mọc lên khắp nơi. Những ngôi chùa bấy giờ đã trở thành không gian thiêng liêng mà rất gần gũi với mỗi người dân Đại Việt, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Đất thì đất của vua, nhưng mọi hoạt động đều dưới sự coi sóc của các vị sư trong chùa. Tính nhập thế được các tăng sĩ Phật giáo vận dụng tích cực trong đời sống đạo nhằm tạo ra một đời sống hạnh phúc cho dân chúng, xây dựng đất nước hưng thịnh. Nhiều vị vua quan trong triều đình là phật tử, tiêu biểu là Trần Nhân Tông, xuất gia theo đạo Phật.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: St
Phật giáo bấy giờ phát triển sinh động và là nguồn lực có nhiều đóng góp to lớn với dân tộc trên nhiều lĩnh vực. Phật giáo trở thành bộ phận của văn hóa dân tộc, ảnh hưởng, tác động đến sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ nền độc lập dân tộc; trong việc xây dựng đời sống văn hóa; trong văn học, kiến trúc nghệ thuật; và nhất là đời sống tinh thần của người dân Đại Việt.
1.3 Đạo giáo
Đạo giáo còn được gọi là đạo Lão, du nhập vào nước ta ở cuối thế kỷ thứ II, khi người phương Bắc xuống phương Nam lánh nạn chiến tranh. Cũng như Nho giáo, thời Lý – Trần là giai đoạn phát triển cực thịnh của Đạo giáo ở nước ta. Từ thời nhà Lý đã mở khoa thi tam giáo, cho thấy Đạo giáo đã từng bước thâm nhập vào triều chính, quan chức. Thời Trần, Đạo giáo không phát triển mạnh như ở thời Lý, nhưng vẫn tồn tại và có các hoạt động nhất định. Các nhân vật tiêu biểu của Đạo giáo thời kỳ này có thể kể đến: Hoàn Nguyên, Nguyễn Bổ, Hứa Tông Đạo, Huyền Vân...[3]
Vào năm 1302, trên đất nước ta đã thịnh hành các nghi lễ  đàn chay, cúng tế. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép: “Năm 1302, bấy giờ có người đạo sĩ phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hoa. Phép phù thủy đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó.”[4].  Các đạo sĩ cũng dần được triều đình để ý. Vào thời hoàng đế Trần Dụ Tông, năm 1368: “cho mời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Ban cho động của đạo sĩ tên là Huyền Thiên động”[5]. Cuối thời Trần, Quý Ly sai đạo sĩ Nguyễn Khánh vào cung, thuyết phục vua nhường ngôi cho thái tử: “Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần, Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên. Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ, nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung để giữ khí hư hòa”[6]. Đây là sự kiện minh chứng Đạo giáo thâm nhập vào chính trị nhà Trần và cũng có tầm ảnh hưởng đáng kể. Như vậy, có thể nói về lực lượng Đạo giáo không thể so sánh với Phật giáo và Nho giáo, nhưng về cơ bản các đạo sĩ đã có những đóng góp nhất định trong các hoạt động cung đình, từ đó tạo ra sự cân bằng trong các hoạt động của Đạo giáo ở Đại Việt.
Về cơ sở thờ tự, thời Trần có một quán của Đạo giáo tên là Bảo Thanh quán, nằm trên núi Đại Lai (Thanh Hóa). Năm 1398, Hồ Quý Ly lập mưu cướp ngôi nhà Trần đã ép vua Trần Thuận Tông thoái vị, về tu tiên ở quán này[7]. Bên cạnh đó, thì cũng có các cung quán, đền, miếu do tự các đạo sĩ xây dựng ở các địa phương. Đạo giáo tuy không phát triển mạnh bằng Nho giáo và Phật giáo nhưng cũng đã có ảnh hưởng tới một số tầng lớp nhất định, và cũng được người dân tin theo rất đông.
2. Biểu hiện sự dung hợp Tam giáo thời Trần
2.1 Hướng con người đến đời sống thiện
Dung hợp Tam giáo là khái niệm xuất hiện ở Trung Hoa, nhưng đối với bối cảnh xã hội Đại Việt thời bấy giờ, các nhà tư tưởng đã vận dụng tinh tế dung hợp những yếu tố đặc sắc trong Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo để tạo nên hiện tượng Tam giáo đồng nguyên. Đây cũng là biểu hiện của tinh thần khoan dung, hòa hợp văn hóa của dân tộc Việt.
Xuất hiện tại Việt Nam, ba tôn giáo với ba hệ thống tư tưởng, giáo lý khác nhau nhưng mục đích thì đều nhằm hướng con người có đời sống thiện. Nho – Phật hay Đạo đều bắt nguồn từ nhu cầu tâm linh, và dù là tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành, tránh dữ, hướng cuộc sống con người đạt đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Và đây được xem là “chất keo gắn kết các tôn giáo này lại gần nhau và quyện hòa thành một thể tâm linh thống nhất trên nền sống dân tộc – một dân tộc dày dặn những trải nghiệm của tinh thần khoan hòa văn hóa từ xa xưa.”[8] Nếu Nho giáo dạy con người về nhân nghĩa, thì Đạo giáo giáo dục con người biết quý trọng và sống hài hòa với tự nhiên, đạo Phật dạy người ta về từ bi, hỷ xả vô ngã vị tha, gạt bỏ tham, sân, si. Tất cả đều mong muốn hướng con người đến đời sống thiện.
Phật giáo với tinh thần từ bi, hòa hợp, chủ trương chung sống hòa bình cùng Nho giáo và Đạo giáo. Trong lịch sử dân tộc, Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, là cái nôi của văn hóa dân tộc Việt Nam, các học thuyết của các tôn giáo này khác nhau nhưng đều có mục đích hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp. Theo Trần Trọng Kim nhận định: “Tam giáo tuy có khác nhau ở chỗ lập giáo và hành đạo, nhưng lên đến chỗ cùng tột tuyệt đối thì cùng gặp nhau ở chỗ lý tưởng, cho nên vẫn dung nạp được nhau”[9]. Đây là một điều đặc biệt ta có thể nhận thấy ở triều đại Lý – Trần.
2.2 Đời sống tâm linh
Khi Phật giáo được nhà Trần coi trọng, Nho giáo đóng vai trò thứ yếu. Phật giáo với tinh thần khoan dung và tự do đã cùng Nho giáo và Lão giáo tự do phát triển và còn mở rộng Nho giáo. Các chùa chiền ngoài việc in ấn kinh sách, thuyết pháp, còn dạy cả chữ Hán, dạy các tri thức Nho học. Như vậy các thiền sư có vai trò quan trọng trong việc truyền bá tư tưởng Nho học đến mọi người. Sự dung hợp được thể hiện qua sự phát triển đời sống tâm linh lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong quá trình xây dựng đời sống tinh thần cho dân tộc.
Những điểm tương đồng giữa giáo lý giúp tam giáo nối kết với nhau, chi phối đời sống tâm linh của dân tộc. Đây là điều cốt lõi của mỗi tôn giáo, và chính điều này tạo nên những nét chung giữa Nho – Phật – Đạo là xuất phát từ nhu cầu tâm linh. Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông đã đưa ra phương pháp sám hối của nhà Phật chẳng khác nào phép tự tu tự tỉnh của Nho gia: “Mỗi ngày ta phải tự xét mình ba lần” (Nhất nhật tam tỉnh ngộ thân) mà Khổng Tử đã dạy trong thiên Học Nhi, sách Luận Ngữ[10].
Trong Phổ khuyến phát bồ đề tâm, Thái Tông cho rằng Khổng, Phật, Lão với tư tưởng, hoạt động đều như nhau, vì đạo chỉ một mà thôi: “Tuy ngôn thân mệnh chi chí trọng, do vị túc trọng ư chí đạo dã. Cố Khổng Tử viết: Triệu văn đạo, tịch tử khả hỷ. Lão Tử viết: Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Thế Tôn cầu đạo xả thân cứu hổ. Khởi phi tam thánh nhân khinh thân nhi trọng đạo giả tai”[11]. (Tuy nhiên nói thân mệnh là đáng trọng nhưng cũng chưa trọng bằng cái đạo tối cao. Khổng Tử nói: Sớm nghe đạo, chiều có thể chết được rồi. Lão Tử nói: ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân. Đức Thế Tôn cầu đạo, quên mình cứu hổ. Há chẳng phải ba bậc thánh nhân khinh thân mình mà trọng đạo đó sao?). Thái Tông đã trình bày cái triết lý phối hợp Tam giáo trong Khóa hư lục và dành cả đời sống để thực hiện hệ thống tư tưởng vừa nhập thế vừa xuất thế của mình.
Trong lịch sử Trung Quốc, tinh thần Tam giáo xuất hiện và sự dung hợp phát triển đời sống tâm linh giữa ba tôn giáo rất rõ ràng: “Đạo giáo thì nhận lý thuyết “Không” trong Bát Nhã Kinh cũng giống như thuyết “Hư Vô” của Lão Tử; Phật giáo cũng dùng tư tưởng của Đạo giáo để lý giải Phật giáo”[12]. Và cũng trên tinh thần ấy, dung hợp tam giáo ở nước ta thời Trần cũng có sự biểu hiện như vậy. Với tinh thần cởi mở, phóng khoáng, Nho - Phật – Đạo đã dung hợp lẫn nhau, tiếp thu có chọn lọc để phát triển đời sống tâm linh của mình, tạo nên nét độc đáo của tôn giáo ở thời đại nhà Trần.
Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: St
2.3 Kiến trúc
Sự dung hợp tam giáo còn được biểu hiện qua các công trình kiến trúc, điêu khắc, các không gian sinh hoạt văn hóa. Chùa chiền là nơi sinh hoạt, tu tập của chư Tăng, là nơi chư Tăng dùng để giáo hóa dân chúng. Chùa cũng là nơi tiêu dao, du ngoạn của các đạo sĩ Nho giáo và Đạo giáo. Trong Cư Trần Lạc Đạo phú của Trần Nhân Tông, chúng ta có thể thấy rõ điều này, ở hội thứ 8 “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại tướng trang nghiêm, sự tướng hãy tu”, hay hội thứ 10 “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao/ Chiền am thanh vắng, chỉn thực cảnh đạo nhân du hí”[13]. Sự giao tiếp chan hòa, không câu nệ giữa Nho – Phật – Đạo được thấy rõ.
Các chùa thời Trần có kiến trúc độc đáo, trong hầu hết ngôi chùa Phật giáo, Phật điện thường có thêm gian thờ Mẫu, có ban hoặc điện Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; có chùa thờ các danh nhân văn hóa, lịch sử, người có công với cộng đồng, dân tộc, hoặc những người có công xây cất, tôn tạo ngôi chùa... Điển hình như chùa Quỳnh Lâm, một trung tâm Phật giáo lớn của đất nước, có nơi thờ thêm Khổng Tử. Ở các đền, am, miếu ta cũng bắt gặp sự dung hợp này. Tại chùa, Đức Phật Thích Ca ngồi ở vị trí cao nhất, tại đền miếu, Khổng Tử được thờ ở giữa, tại điện phủ dành cho Thánh Thượng Lão Quân hoặc Đức Bà Liễu Hạnh… Theo Trần Văn Giàu nhận xét: “Phật giáo và Đạo giáo “chung sống hòa bình” lắm! Ít có chùa hoàn toàn chỉ có tượng Phật; ít có quán hoàn toàn chỉ có tượng Thánh. Lắm khi, dưới một mái nhà, có vừa bàn thờ Phật giáo vừa bàn thờ Đạo giáo, hai thần điện gần nhau; khi khác thì Phật và Thánh ngồi lẫn lộn một cách khá là huynh đệ! Đến mức có nơi tại chính điện trình bày tượng Phật ở giữa, Lão và Khổng ở hai bên.”[14]
Như vậy, sự dung hợp được biểu hiện qua các công trình kiến trúc, phong cách thờ phụng đã nói lên được tinh thần khoan hòa, dung chứa lẫn nhau của các tôn giáo, tạo nên sự đặc sắc trong quá trình phát triển văn hóa của dân tộc.
3. Đóng góp của sự dung hợp
3.1 Phát huy đời sống tinh thần
Thời đại nhà Trần là thời đại đất nước bước vào thời kỳ củng cố, xây dựng Đại Việt hùng mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa nhằm nối kết sức mạnh đoàn kết dân tộc chống lại xâm lăng của Mông - Nguyên. Dưới bối cảnh ấy, đòi hỏi phải có sự thống nhất về vật chất và tinh thần, tư tưởng, có sự dung hợp giữa các yếu tố văn hóa. Sự dung hợp, tính khoan dung giữa các tôn giáo là nhân tố quan trọng góp phần làm đời sống tinh thần của con người được nâng cao.
Trong Thiền Tông chỉ nam, Trần Thái Tông nói: “Thị dĩ dụ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kính giả, ngã Phật chi đại giáo dã”. (Vì vậy, phương tiện dẫn dụ người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật)[15]. Theo vua Thái Tông, đạo Thánh là “Nhiệm thuỳ thế chi quyền hành, tác tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh chi trọng trách dã” (Đặt mực thước cho hậu thế. Làm khuôn khổ cho tương lai, ấy là trách nhiệm của bậc tiên thánh)[16]. Như vậy, sự kết hợp giữa Nho và Phật đã tạo nên sức mạnh phát triển đời sống tâm linh của con người với nhiều phương diện, mục đích khác nhau.
Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ và truyền vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên hoặc cũng có tài liệu dẫn chứng Phật giáo vào Việt Nam trước công nguyên khoảng 200 năm.
Đến cuối thế kỷ XIII xuất hiện dòng thiền riêng của Việt Nam, “Trúc Lâm Yên Tử”. Dòng thiền đi theo con đường giác ngộ của đạo Phật, nhưng lại không xa rời với cuộc sống thế gian, không tách rời đời sống tinh thần của con người, hạnh phúc của con người. Các nhà trí thức, các nho sĩ, đạo sĩ cũng như vậy, dù chủ trương nhập thế hay xuất thế, có các giải thích về cuộc đời khác nhau nhưng đều có một mục đích là xây dựng đời sống tinh thần cho con người, xây dựng xã hội hạnh phúc.
Sự dung hợp giữa Nho – Phật – Lão còn được thể hiện qua thơ văn của các thiền sư bấy giờ như Tuệ Trung, với các bài thơ: Phóng Cuồng Ngông, Phỏng Tăng Điền đại sư, Tự Tại, Phúc đường cảnh vật, xuất trần[17]... Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... Các nhà Nho cũng mang đậm phong thái thiền sư, đạo sĩ, tiêu biểu như Chu Văn An. Như vậy, sự dung hợp này mang lại ảnh hưởng rất nhiều tầng lớp, qua đó góp phần tác động đến đời sống tinh thần của con người.
3.2 Phát huy tinh thần nhân văn
Với truyền thống từ bi, nhân văn, người Việt đã có những chọn lọc tinh hoa văn hóa ngoại nhập để làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của dân tộc và biến thành tam giáo Việt Nam[18]. Tinh thần nhân văn ấy được thể hiện rất rõ ở sự dung hợp Tam giáo.
Thời nhà Trần không có một tôn giáo nào chiếm vị trí độc tôn, loại bỏ hệ tư tưởng khác. Nhìn về lịch sử, ta thấy Nho giáo và Đạo giáo dần được chú trọng về lĩnh vực chính trị xã hội, Phật giáo phát triển và được triều đình ủng hộ từ thời Lý và đến thời Trần vẫn có sức ảnh hưởng mạnh. Trong Thơ văn Lý – Trần, có ghi lại lời nói của Trần Thái Tông về ảnh hưởng của tam giáo: “Nho điển thi nhân bố đức, Đạo kinh ái vật hiếu sinh, Phật duy giới sát thị trì” (Sách Nho dạy làm điều nhân đức, kinh Lão dạy thương yêu người và vật, Phật chủ trương hãy giữ gìn giới cấm sát sinh)[19]. Trần Thái Tông cũng viết: “Vị minh nhân vọng phân Tam giáo, Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm” (Lúc chưa sáng tỏ thì người đời vẫn lầm lẫn phân biệt Tam giáo, đến khi đạt chỗ gốc rễ rồi thì cùng ngộ một tâm)[20]. Từ những lời nói của vị vua đầu tiên của nhà Trần, đã bộc lộ rõ tinh thần nhân văn của Tam giáo, của dân tộc, của triều đại.
Hiện tượng Tam giáo dung hợp còn là tiền đề góp phần làm nền giáo dục thời Trần phát triển, Nguyễn Lang viết: “Nền giáo dục hồi đó còn mang tính chất tổng hợp tam giáo và không có tính cách từ chương...Trong không khí học tập tự do và cởi mở ấy, triều đình đã đãi ngộ nhân tài và sĩ phu rất kính cẩn, cho nên người giỏi xuất hiện rất nhiều và sự học phát triển rất rộng.”[21] Hoạt động giáo dục Phật giáo thời Trần trước hết nhằm tôn vinh Phật giáo nhưng không độc tôn, không đối lập và càng không bài bác, loại trừ Nho giáo, Đạo giáo. Sự kết hợp giữa Nho và Phật khiến Phật giáo trở thành “một tôn giáo mở cửa độc nhất trong các tôn giáo thế giới, không tự khẳng định mình là thật mà phủ định cả Ngã và Pháp, siệu việt cả có lẫn không, mới có thể cống hiến cho dân tộc Việt Nam đất Giao Chỉ cái nhựa sống thiết yếu để hợp nhất các khuynh hướng tư tưởng, tín ngưỡng giao lưu xung khắc thành cái ý thức hệ khai phóng của địa lý đòi hỏi”[22]. Sự dung hợp Tam giáo tạo nên một nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt, của văn hóa Việt.
Bên cạnh tư tưởng độc lập dân tộc, thì tư tưởng “Nhân nghĩa” của Nho giáo, “từ bi” của đạo Phật luôn xuyên suốt trong đời sống của dân tộc. Những tư tưởng đạo đức, nhân văn ấy được thể hiện qua tấm lòng nhân ái, sự khoan dung, độ lượng, vị tha của vua quan đối với nhân dân: miễn tô, thuế, thả tù nhân, giảm hình phạt, cấp áo quần, lương thực cho tù nhân,… Thời vua Trần Nhân Tông đã triển khai xây dựng đạo đức Phật giáo làm nền tảng cho xây dựng đạo đức xã hội Việt Nam. Trong Tam tổ thực lục ghi rằng, Trần Nhân Tông “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện”[23]. Trần Nhân Tông và hai vị tổ tiếp theo của Trúc Lâm là Pháp Loa và Huyền Quang chủ trương nhập thế, xây dựng và phát triển đất nước bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức Phật giáo, kết hợp nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão gia.[24]
Tinh thần dung hợp Tam giáo giáo góp phần điều chỉnh các hành vi xã hội theo chuẩn mực của đạo đức truyền thống, phát huy tinh thần nhân văn của dân tộc. Ảnh hưởng của dung hợp Tam giáo đối với văn hóa đạo đức các vương triều Lý - Trần là một bằng chứng ghi nhận vai trò to lớn của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.
KẾT LUẬN
Xuất hiện tại Việt Nam, ba tôn giáo Nho – Phật – Đạo đã đồng hành với con người trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nên đã trở thành một phần tài sản văn hoá của dân tộc Đại Việt. Trong quá trình du nhập và phát triển, các tôn giáo không những chuyển tải niềm tin của con người, mà còn có vai trò, hoà nhập văn hoá và văn minh, góp phần duy trì đạo đức, xây dựng xã hội. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của con người.
Qua những biểu hiện của dung hợp Tam giáo trên phương diện đời sống tâm linh, hướng con người đến cuộc sống chân - thiện - mỹ. Có thể thấy, Phật giáo – Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội. Chính sự dung hợp này tạo nên nét đặc sắc cho xã hội triều Trần và là một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển, hưng thịnh của Đại Việt.
Thích nữ Nhật Diệu
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Phước Đạt - TS. Thích Hạnh Tuệ - TS. TN. Thanh Quế, Thiền học Việt Nam. Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2022.
2. Thích Phước Đạt -Thích Hạnh Tuệ -TN. Thanh Quế - Đinh Văn Viễn, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022.
3. Thích Phước Đạt - Thích Hạnh Tuệ - TN. Thanh Quế - Lương Quý Ngọc, Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2022.
4. Nguyễn Thị Thanh Hảo, Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa đạo đức các vương triều Lý Trần, Đại học văn hóa, Hà Nội, 2017.
5. Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển V.
6. Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
7. Trần Trọng Kim, Phật giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb Dân Trí, 2020.
9. Nguyễn Lang, Việt Nam phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.
10. Nguyễn Công Lý, Tinh thần dung hợp tư tưởng Phật – Lão – Nho trong văn học Phật giáo thời Lý – Trần, Tạp chí Hán Nôm, số 2/ 2002.
11. Vũ Hồng Vận, Đạo giáo thời Lý-Trần, Nghiên cứu tôn giáo số 5, 2018.
12. Ban Giáo dục Tăng Ni TW, Hội thảo Khoa học: Giáo dục Phật giáo - Định hướng & phát triển, Giáo dục Phật giáo thời Lý - Trần đồng hành cùng dân tộc, 2012.
13. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiện tượng tam giáo đồng nguyên thời Trần – nhìn từ nguồn gốc và những phương diện biểu hiện, tr. 28. Tại: https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/283173/CVv472S72018025.pdf.
14. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tinh thần tam giáo đồng nguyên trong văn học Phật giáo thời Lý – Trần, Tạp chí văn hóa Phật giáo, số 366. Truy cập tại: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9357.
Chú thích:
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển V,  tr. 164-171.
[2] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 205.
[3] Vũ Hồng Vận, Đạo giáo thời Lý-Trần, Nghiên cứu tôn giáo số 5, 2018, tr. 85.
[4] Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển V, tr. 216.
[5] Lê Văn Hưu,  Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển V, tr. 259.
[6] Sđd, tr. 292.
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển V, tr. 292.
[8] Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiện tượng tam giáo đồng nguyên thời Trần – nhìn từ nguồn gốc và những phương diện biểu hiện, tr. 28. Truy cập ngày 11/08/2022, tại: https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/283173/CVv472S72018025.pdf.
[9] Trần Trọng Kim, Phật giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 8.
[10] Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tinh thần tam giáo đồng nguyên trong văn học Phật giáo thời Lý – Trần, Tạp chí văn hóa Phật giáo, số 366. Truy cập tại: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9357. Ngày 10/08/2022.
[11] Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 61.
[12] Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb Dân Trí, 2020, tr. 73.
[13] Thích Phước Đạt - Thích Hạnh Tuệ - TN. Thanh Quế - Lương Quý Ngọc, Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2022, tr. 96.
[14] Vũ Hồng Vận, Đạo giáo thời Lý-Trần, Nghiên cứu tôn giáo số 5, 2018, tr. 92.
[15] Viện văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học xã hội, 1989, tr. 26.
[16] Sđd, tr. 27.
[17] Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tinh thần tam giáo đồng nguyên trong văn học Phật giáo thời Lý – Trần, Tạp chí văn hóa Phật giáo, số 366. Truy cập tại: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9357. Ngày 10/08/2022.
[18] Thích Phước Đạt -Thích Hạnh Tuệ -TN. Thanh Quế - Đinh Văn Viễn, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022, tr. 25.
[19] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 93.
[20] Sđd, tr.60.
[21] Ban Giáo dục Tăng Ni TW, Hội thảo Khoa học: Giáo dục Phật giáo - Định hướng & phát triển, Giáo dục Phật giáo thời Lý - Trần đồng hành cùng dân tộc, 2012, tr. 488.
[22] Nguyễn Công Lý, Tinh thần dung hợp tư tưởng Phật – Lão – Nho trong văn học Phật giáo thời Lý – Trần, Tạp chí Hán Nôm, số 2/ 2002, tr. 11.
[23] TS. Thích Phước Đạt - TS. Thích Hạnh Tuệ - TS. TN. Thanh Quế, Thiền học Việt Nam, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2022, tr. 198.
[24] Nguyễn Thị Thanh Hảo, Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa đạo đức các vương triều Lý Trần, Đại học văn hóa, Hà Nội, 2017, tr. 79.