Tác giả: Trương Kiếm Nghiên cứu sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội
MỞ ĐẦU
Giáo lý Phật Đà giống như chiếc thuyền chở chúng sinh từ bờ mê sang bến giác để thấy rõ bản lai diện mục của chính mình. Giáo lý nghiệp qua 12 chi phần duyên khởi giống như bản đồ giúp chúng sinh vượt thoát khỏi nỗi khổ sinh tử chập chùng này. Những ai muốn ngồi trên chiếc thuyền tỉnh thức đó cần phải hiểu và thực hành pháp của đức Như Lai. Để liễu ngộ pháp của Như Lai cần phải hiểu rõ bản đồ nghiệp.
Sự thị hiện của đức Thế Tôn trong cuộc đời này như tiếng chuông cảnh tỉnh làm chấn động mạnh mẽ tâm thức của người Ấn Độ nói riêng và cả nhân loại nói chung. Ngài đã dạy rằng, thế giới này được thiết lập do tập hợp của các điều kiện, hay chính là nhân duyên sinh và sự có mặt của con người trong cuộc đời này là do nghiệp báo.
Kinh Trung Bộ đã dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu” [1]. Khi nói đến những bất an, lo lắng, sợ hãi,… của nhân quần trong xã hội hiện nay, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã có nhận định như sau: “Chừng nào nhân loại còn khổ đau, lời Phật dạy vẫn còn giá trị đối với con người, con người còn kiên nhẫn lắng nghe từng bài pháp để thấy rõ con đường đi ra khỏi khổ đau và thực hiện con đường ấy”[2].
Dưới cái nhìn tương tức, tương nhập của giáo lý nghiệp, hạnh phúc của một cá nhân góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc cho gia đình và xã hội, bởi vì chúng đều có mối tương quan tương duyên với nhau trong vũ trụ nhân sinh này.
KHÁI NIỆM NGHIỆP
Đại Từ điển Phật Quang, định nghĩa về nghiệp như sau: Nghiệp (S. Karma, P. Kamma) nghĩa là “sự tạo tác, tức chỉ cho sự vận hành của thân tâm như hành vi, hành động, tạo tác hoặc chỉ cho những hoạt động của thân tâm do ý chí gây ra. Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành bởi những hành vi từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và tương lai.” [3]
Trong tác phẩm “Phật dạy những gì”, đã trích dẫn lời dạy của đức Phật về nghiệp, đó là hành động có tác ý, xuất phát từ ý chí, từ tư tâm sở (cetayitvā). “Này các Tỷ-kheo, chính tư tâm sở hay ý muốn (cetanā) Ta gọi là nghiệp. Khi đã muốn người ta liền thực hành bằng thân, miệng, ý”[4].
Kinh Tăng Chi bộ, đức Thế Tôn đã dạy về nghiệp: “Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý” [5]. Với ý nghĩa trên, nghiệp được phân định thành ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong đó, ý nghiệp là quan trọng nhất.
Nghiệp là hành động tạo tác được biểu hiện qua thân, khẩu, ý dưới sự thúc đẩy của ý chí con người. Chúng được diễn đạt theo nhiều sắc thái từ ngữ khác nhau như tư tâm sở, hành, hữu hay tư niệm thực. Khổ đau hay hạnh phúc của con người đều phụ thuộc vào những hành động tạo tác mà họ tạo ra. Chính vì vậy đức Thế Tôn đã dạy các đệ tử của Ngài phải thường xuyên quán sát về nghiệp: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” [6].
Vậy điều kiện nào để nghiệp khởi sinh? Đức Phật dạy: “Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp? Thế nào là ba? Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp”[7]. Đức Phật lại dạy có ba nguyên nhân khác làm khởi lên các nghiệp. “Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp? Thế nào là ba? Không tham là nguyên nhân khởi nên các nghiệp. Không sân là nguyên nhân khởi nên các nghiệp. Không si là nguyên nhân khởi nên các nghiệp” [8].
Nghiệp rất quan trọng trong giáo lý đạo Phật, bởi sự vận hành của nó quyết định sự đau khổ hay bình an. Trong kinh Trung Bộ III, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, đức Phật có dạy rằng: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc”[9]. Nghiệp không phải tự nó sinh ra mà đó chính là dòng chảy của một quá trình duyên sinh. Hạnh phúc hay khổ đau trong đời sống đều bắt nguồn từ “Hành động tạo tác” của mỗi người. Như vậy, để thấy rõ mọi nhân duyên hiện hữu của chính mình và vũ trụ xung quanh thì chúng ta phải hiểu rõ sự vận hành của nghiệp qua 12 chi phần duyên khởi. Khi thấy rõ được như vậy thì những bước đi tiếp theo sẽ bình an và tiến trình giải thoát sẽ không còn mê mờ đau khổ.
NGHIỆP QUA 12 CHI PHẦN DUYÊN KHỞI
Mười hai chi phần duyên khởi bao gồm "Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi" [10] .
Trong 12 chi phần này chúng ta sẽ tập trung ở chi hữu, bởi đây chính là duyên khởi của nghiệp. Hữu là sự hiện hữu, trong 12 chi phần nó thuộc chi thứ 10, nhưng nếu là căn duyên tạo nghiệp và vận hành thì nó lại đứng đầu tiên. Vì có hữu thì có thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, lão, tử, vô minh và hành. Qua đó để chúng ta thấy rằng hữu là chi phần quan trọng trong tiến trình tu tập. Chúng ta thường hay cho rằng vì vô minh mà trầm luân đau khổ, nhưng không thấy được rằng hiện tại trong giây phút này khổ đau hay bình an là do chính mình sinh khởi. Nếu hiện tại thân khẩu ý chính niệm thì tương lai sẽ không còn bất an. Chúng ta phải ý thức rõ mình là chủ nhân của nghiệp và đừng có đổ lỗi do vô minh.
Ví dụ khi chúng ta hiện hữu làm nghề đồ tể, hằng ngày với hành động giết mổ của mình, khi đó nhãn căn sẽ tiếp xúc với máu, nhĩ căn tiếp xúc với tiếng kêu la thảm thiết, và cứ đều đặn từ ngày này sang ngày khác, nó tạo thành tập khí lắng đọng ở phần đáy trong thức uẩn và khi nó đầy đủ nhân duyên, tập khí sẽ đẩy thần thức đi đầu thai tương ưng vào khổ cảnh tranh đấu, giết hại. Cho nên không phải chết rồi vô minh và hành mới hình thành, mà khi sống nó đã bắt đầu sinh khởi. Để nói rõ hơn chúng ta hãy quan sát chi hữu hiện tại, ví dụ chúng ta sinh ra vào năm 1990, thì chi hữu năm 1989 sẽ đẩy thần thức làm nhân của vô minh và hành. Như vậy vô minh và hành là cột mốc thứ nhất, nhưng nó thuộc về quá khứ hay còn gọi là tiền tế (trước đó), từ khi đầu thai đến lúc sinh ra và cho đến khi chết tạo thành 1 nhóm trung tế (nhóm nằm ở giữa) nó bao gồm: chi thứ ba đến chi thứ mười. Nhóm cuối cùng là hậu tế: đó là chi hữu, nếu bậc giác ngộ thì sẽ không còn tạo nghiệp và đi đến giải thoát, còn chúng sinh thì theo nghiệp mà luân hồi.
Mười hai chi phần này không phải luôn luôn tiếp nối nhau, đôi khi nó phải đi qua các chi phần khác. Nhiều người cho rằng sống là hiện hữu và chết là hết, nhưng thực chất chết là đang hữu. Bởi lẽ nếu chưa giải thoát ra khỏi luân hồi thì vẫn đang còn trong tam giới (tam hữu: dục giới, sắc giới, vô sắc giới) thì đó đều là hữu cả. Dù sống hay chết thì năm uẩn vẫn tồn tại và nó sẽ tạo thành dòng tâm. Khi đang hữu thì nó còn nguyên khối và khi tử thì nó bắt đầu tan rã các phần thô. Trong Câu xá gọi đó là vô biểu sắc, bởi nó cũng là vật chất nhưng nó vi tế và toàn bộ vẫn tiếp tục đi tiếp, từ thời điểm chết đến khi dòng tâm tìm được thai mẹ (trung hữu), khi bắt đầu hình thành trong thai mẹ danh sắc sẽ được hình thành. Và cũng từ đây giúp cho chúng ta lý giải được sự hình thành của một con người, nó không phải do thượng đế hay một đấng tối cao nào tạo ra, mà đó chính là dòng chảy của nghiệp duyên, hay là sự thừa tự của nghiệp. Đây là điều cốt lõi của giáo lý đạo Phật về việc giáo dục nhân quả nghiệp báo, làm cho mỗi người phải ý thức được rằng mỗi hành động mỗi suy nghĩ đều để lại kết quả an lạc hay khổ đau tuỳ theo nhân thiện hay bất thiện.
Thấy rõ sự vận hành của nghiệp trong các chi phần, giúp chúng ta hiểu sâu và từ đó ứng dụng thực tập ngay trong đời sống hàng ngày. Chính sự thực tập đó sẽ mở ra cái nhìn rõ nhất về nghiệp. Khi biết được cội nguồn của đau khổ, chúng ta sẽ biết cách để chuyển hoá, khi biết được mầm móng của bình an thì chúng ta sẽ thực tập cách nuôi dưỡng. Qua tiến trình duyên khởi của mười hai chi phần, chúng ta nhận ra rằng, nếu tâm chúng ta không có luyến ái, thì sẽ không nắm bắt và khi không còn nắm bắt thì hữu sẽ không có mà khi đã không còn hiện hữu thì chắc chắn không tạo nghiệp, mà khi đã không còn nghiệp thì sẽ chấm dứt tái sinh, và đi đến giải thoát. "Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; ...; do sinh diệt nên lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt".[11]
Hiện tại, chúng ta hãy cố gắng hành trì thực tập tâm, quan sát cho kỹ để thấy rõ sự vận hành của mười hai chi phần trong hành động sống hằng ngày. Ví dụ, khi chúng ta nhìn thấy một cái bình trà đẹp có giá trị, với thú vui uống trà chắc chắn tâm chúng ta sẽ sinh ái, mong muốn chiếm hữu được bình trà đó. Nếu không bị vô minh che lấp thì chúng ta chỉ biết đẹp và thấy nó có giá trị mà thôi, nhưng nếu không đủ trí tuệ thì tâm tham chắc chắn sẽ sinh khởi, khi đó ái sẽ dẫn dắt, tìm mọi cách để chiếm đoạt. Nếu vi tế thì xin cho bằng được, hoặc tìm mọi cách kiếm tiền để mua. Nhưng nếu không có tiền thì chắc chắn dẫn đến hành vi trộm cắp. Như vậy vì tâm ái, thích thú đam mê bình trà đẹp có giá trị, mà làm cho tâm chúng ta bất an, dẫn đến ý thức luôn luôn muốn chiếm hữu, rồi tìm mọi cách để chiếm hữu. Như vậy dù vi tế hay thô thì nó đều là nhân khổ, và nếu chúng ta không thực tập quán chiếu nhìn sâu thì tâm vẫn bị dung túng một cách dễ dàng.
KẾT LUẬN
Mọi sự trong cuộc đời này đều bị sinh – diệt bởi thời gian vô cùng và tan biến trong không gian vô tận. Nếu có sự tồn tại thì đó là những chân lý, đem lại ánh sáng, chiếu soi cho nhân loại thoát khỏi những tư duy thấp hèn để vươn lên những ý niệm, lời nói và hành động cao thượng. Tôn giáo ra đời nhằm đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho nhân loại. Đạo Phật ra đời cũng không ngoài mục đích đó.
Giáo lý mười hai chi phần duyên khởi cho chúng ta cái nhìn sâu rõ về sự vận hành của vũ trụ, thấy rõ sự vận hành của mỗi chúng sinh. Qua đó thấy rằng nghiệp không phải tự nó sinh ra và con người không phải là ngẫu nhiên mà có. Mọi hành động của chúng sinh đều để lại kết quả và người nào hiểu rõ nguồn gốc của nghiệp sẽ làm chủ được bản thân. Là người xuất gia học Phật mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi lời nói đều là pháp, đều là nhân duyên và đều là duyên khởi, vì vậy vận hành nó thiện hay bất thiện là quyết định của mỗi hành giả.
Tác giả: Trương Kiếm Nghiên cứu sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội
***
Chú thích: [1] Thích Minh Châu (dịch) (2020), Kinh Trung bộ, tr.1033, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. [2] Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, Nxb Tổng Hợp, Thành phố Hồ Chí Minh. [3] Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Đại Từ điển Phật Quang tập 3, tr.3688-3689, Nxb Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. [4] W. Rahula (Thích Nữ Trí Hải dịch) (2019), Phật dạy những gì, Nxb Hồng Đức, Hà Nội [5] Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh Tăng Chi bộ, tr.803, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. [6] Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh Tăng Chi bộ,tr.554, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. [7] Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh Tăng Chi bộ, tr122, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. [8] Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh Tăng Chi bộ, tr.123, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. [9] Thích Minh Châu (dịch) (2020), Kinh Trung bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. [10] Thích Minh Châu (dịch) (2020), Kinh Tương Ưng bộ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. [11] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng, Nxb , Hồng Đức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Đại Từ điển Phật Quang tập 3, Nxb Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Thích Minh Châu (dịch) (2020), Kinh Trung bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 3. Thích Minh Châu (dịch) (2020), Kinh Tương Ưng bộ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. 4. Thích Nhất Hạnh (2014), Đập vỡ võ hồ đào, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 5. Thích Thiện Hoa (2002), Phật học phổ thông, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 6. Tuệ Sỹ (2015), A-tỳ-đạt-ma Câu xá, NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh
Bình luận (0)