Tác giả: Thích Nữ Thanh Thảo Chùa Xuân Lư, Quế Sơn, Quảng Nam

Dẫn nhập

Mỗi con người sinh ra trong đời, đều với mục đích mưu cầu hạnh phúc. Điều kiện để được hạnh phúc theo thế gian tức phải giàu có về tài sản, sức khỏe, chuẩn mực đạo đức làm người, gia đình ấm no hạnh phúc, bạn bè thân hữu kính mến….đó là điều kiện cơ bản để được hạnh phúc. Nhưng mấy ai được như ý muốn, người thì sinh ra trong gia đình nghèo, lại nhiều bệnh tật, cũng có người sinh ra được giàu có, học giỏi, được người yêu mến, có người thì hiếu thảo với cha mẹ, nhưng cũng có người bất hiếu ngổ nghịch, tất cả những hình sắc trên theo đạo Phật đều bắt nguồn từ nghiệp nhân quá khứ. Sự suy đồi đạo đức trong gia đình và xã hội, là từ nghiệp xấu trong quá khứ và môi trường sống không tốt xung quanh, nên từ nhân xấu gặp duyên xấu sẽ dẫn đến quả xấu của hiện tại.

Theo lời Phật dạy, từ nhân đến quả phải có đầy đủ duyên mới có kết quả. Cũng vậy, dù quả báo sinh ra không được tốt, nhưng biết tin nhân quả nghiệp báo, tạo duyên lành thì nhân xấu trong quá khứ cũng không đủ duyên để kết thành quả báo xấu, nếu chúng ta biết áp dụng pháp "Tứ chính cần" tức các ác pháp phát sinh tinh tấn ngăn chặn, các ác pháp chưa sinh (phát sinh).

Các thiện pháp đã sinh thì tinh tấn tăng trưởng, các thiện pháp chưa sinh thì tinh tấn tạo duyên cho nó phát sinh, thì dù quả hiện tại có xấu nhưng biết tu để chuyển nghiệp thì tương lai sẽ cho ra quả lành. Đi vào thực tế, sự suy đồi đạo đức đang diễn ra ở mức báo động trong giới trẻ, nó lan tràn từ trong gia đình ra ngoài xã hội, với tinh thần giáo dục đạo đức của đạo Phật, đem giáo lý làm phương thuốc trị liệu tâm bệnh cho chúng sinh.

1. Các vấn nạn đạo đức xã hội:

Tâm trạng của những người già thời nay thường chia sẻ “mong kinh tế như hôm nay, còn đạo đức trở lại như ngày xưa”. Đó là điều mong ước thực tế hiện nay, mà nhiều vị cao niên thường tâm sự. Nói ngắn gọn là đạo đức xã hội đang xuống cấp - sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay được xuất hiện trên một số trí giả phát biểu: “đạo đức xuống cấp ở mức đáng báo động!”, “thực trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội đã ở mức độ nguy hiểm”.

Trong vòng một vài năm nay, các phương tiện truyền thông đã nêu lên khá nhiều biểu hiện “chưa từng có” so với trước đây ở xã hội chúng ta - về sự xuống cấp đạo đức, với chiều hướng ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Sự suy thoái về đạo đức nó được thể hiện qua nhiều lĩnh vực xã hội như:

a) Về kinh tế:

Trước tiên là lĩnh vực kinh tế. Nhờ vận động theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ bao năm nay, nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế và an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể so với trước, nhưng sự xuống cấp về đạo đức thể hiện rất rõ trong lĩnh vực này qua những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế mà nhiều người chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Trong nền kinh tế thị trường, mọi người đều tìm cách kiếm được nhiều tiền, điều này là chính đáng, tuy nhiên một số người đã tôn sùng đồng tiền một cách mù quáng, coi “tiền là trên hết” và tìm mọi thủ đoạn để có nhiều tiền, tạo mọi điều kiện để mặt trái của đồng tiền phát huy. Khi đồng tiền lên ngôi cũng chính là lúc đạo đức xuống cấp.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ung Dung Giao Ly Dao Phat Hoa Giai Cac Van Nan Xa Hoi 1

b) Về bạo lực gia đình, học đường, tình yêu…

Đạo đức xã hội xuống cấp còn thể hiện ở những hành vi bạo lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường... đến bạo lực nơi công cộng. Có những người vì lòng sân hận mà sẵn sàng dùng vũ khí để giải quyết các mâu thuẫn trong mọi quan hệ giữa cha mẹ và con cái, anh chị em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng, bạn bè, hay trong tình yêu đôi lứa,…các sự việc nhan nhản trên trang báo về nhiều vụ án, thật rung rợn và đau lòng. Có những trường hợp dẫn đến kết cục thật thương tâm, hay những vụ bắt cóc trẻ em, vụ đổ xăng dọa đốt chết người, dần dần xã hội loài người mà toàn lòng lang dạ sói, thật rất khủng khiếp, thói tham lam, ích kỷ, thói vô cảm lan rộng gây nhiều tác hại cho cộng đồng, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Nguyên nhân dẫn đến suy đồi đạo đức xã hội

Tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, người ta thường cho đó là do mặt trái của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, có phải mọi sai lầm, sự xuống cấp đạo đức xã hội đều do “mặt trái” của kinh tế thị trường?

Hay còn có những nguyên nhân khác bắt nguồn sâu xa từ nền tảng văn hóa đã và đang bị lung lay. Hậu quả của chính sách giáo dục xem nhẹ đạo đức; các văn hóa ứng xử truyền thống đã không được coi trọng và tiếp nối trong một thời gian dài; xã hội chưa tạo ra được một nền tảng đạo đức văn hóa vững vàng, cân bằng với sự phát triển kinh tế, dẫn đến một đời sống hưởng thụ, ích kỷ; kỷ cương và giáo dục gia đình không được chú trọng; ảnh hưởng sâu nặng lối sống tiêu thụ và cá nhân ích kỷ.

3. Giải pháp xây dựng con người đạo đức theo thế tục

Khi chúng ta xác định: Phải bắt đầu từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội, thì cũng có thể hiểu: Văn hóa, đạo đức trước tiên là xây dựng con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Người cũng nói: “Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức thì không thành người”. Vì vậy, con người mà chúng ta xây dựng là con người chính trị và đạo đức. Đồng thời, không thể không xem trọng những yếu tố khác góp phần tạo nên con người cụ thể như cá tính, sở thích, ước muốn… của họ. Đạo đức của con người phải là lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, lao động sáng tạo, ham thích học tập, có trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật…Phải gạt bỏ những tập tục không còn phù hợp, đồng thời trân trọng những giá trị tốt đẹp ngàn xưa đã trở thành truyền thống đạo đức, bản sắc dân tộc.

Các chủ thể gia đình, trường học, xã hội đều có trách nhiệm và có khả năng đóng góp vào việc củng cố đạo đức. Mỗi người trước tiên phải là một thành viên tốt trong gia đình và nhà trường, thì sau đó mới trở thành thành viên tốt của xã hội.

4. Đạo đức Phật giáo giải quyết các vấn nạn xã hội hiện nay

Đức Phật được xem là một nhà giáo dục đạo đức tinh thần. Phương pháp của đức Phật để lại, áp dụng trong việc xây dựng đạo đức con người với những bài Kinh từ lời giảng dạy của đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ, trong thời đại nào nó cũng là chiếc phao cứu vớt con người thoát khỏi bể khổ trầm luôn.

Trước tình hình đáng báo động về sự suy đồi đạo đức ở thời đại hiện nay, với chí nguyện cứu đời qua tinh thần nhập thế của đạo Phật, luôn soi chiếu đến những đối tượng đang đau khổ, quán chiếu và tìm ra nguyên nhân của sự khổ, đưa ra những giải pháp diệt khổ, đem lại một đời sống an lạc hạnh phúc trong tương lai.

Về khía cạnh suy đồi đạo đức trong tình cảm tâm lý quan hệ gia đình, người viết tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ anh chị em với nhau, quan hệ giữa vợ và chồng, hay quan hệ trong lục thân quyến thuộc. Tại sao lại dẫn đến sự xung đột gây gắt đến mứt cha con từ nhau, hay con đánh cha, chồng đánh đập vợ, vợ lại giết chồng, hay loạn luân trong huyết thống, là nguyên nhân vì đâu?

a) Nguyên nhân suy đồi đạo đức trong quan hệ gia đình

Nhìn từ Phật giáo, vấn đề suy đồi đạo đức hiện nay có thể tập trung vào những nguyên nhân sau: Con người đang dần đánh mất tính hổ thẹn, không tin nhân quả, thiếu lòng từ bi, thiếu đức nhẫn nhục, chấp ngã quá sâu nặng, và thiếu chính kiến, chính niệm…. Những yếu tố này thường đan xen với nhau, và khi cùng nhau sinh khởi thì đưa đến một sự suy thoái đạo đức mang tính tổng thể. Nói một cách khái quát theo nhãn quan của Phật giáo, nguyên nhân sinh ra suy đồi đạo đức là do vô minh, tham, sân, si, chấp thủ che lấp, không có chính kiến, không thấy được Tứ đế, không tin nghiệp báo nhân quả luôn hồi, nên con người thời nay dù có văn minh hiện đại, giàu có về vật chất, nhưng đạo đức thì nghèo thiếu và suy đồi.

b) Giải pháp của Phật giáo đối với vấn đề suy đồi đạo đức trong gia đình Phật giáo có những nguyên tắc đạo đức có thể giúp chuyển đổi con người và xã hội. Năm giới căn bản, mười điều thiện, tám con đường chân chính,… là những chuẩn mực sống, những nguyên tắc có thể được áp dụng cho cá nhân và cộng đồng, để chuyển đổi cá nhân và cộng đồng theo chiều hướng tốt. Nhưng ở đây, người viết không đi vào thảo luận về những nguyên tắc tu tập này, mà chỉ đề cập đến một vài khía cạnh Phật học khác có thể được xem như là một giải pháp để ứng dụng cho việc giải quyết sự xuống dốc đạo đức của xã hội hiện nay.

+ Giải pháp cho sự xung đột giữa cha mẹ và con cái

Việc trẻ em hư hỏng, suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính đến từ phía gia đình nên mới có câu nói “Con hư lỗi cả mẹ cha, cháu hư là lỗi cả bà lẫn ông”. Hiện nay có nhiều gia đình đã làm hư hỏng con cái bằng cách đáp ứng mọi nhu cầu của con, chiều chuộng con một cách thái quá, dẫn đến chúng sống một cách ích kỷ, xem mình là vua của cả nhà, ai cũng phải cung phụng, phục vụ, sống một cách buông thả, vô cảm. Rất nhiều cha mẹ ông bà đã cho rằng đó là tình yêu thương với con cháu, nhưng thật ra đó lại là một nhận thức sai lầm. Tình yêu đối với con cái rất cần thiết cũng giống như thuốc an thần để chửa bệnh mất ngủ, nhưng sử dụng quá liều lượng sẽ gây chết người. Tình yêu thái quá của bố mẹ đối với con cái làm sinh ra tính ngông cuồng, ngã mạng, tính tham lam, ích kỷ và những thói xấu khác. Khi tâm ích kỷ tham lam có mặt, thì sự sung đột, bất hòa có mặt, nên không có chỗ cho tâm từ bi hỷ xả sinh khởi.

Mặt khác, một số gia đình lại quan niệm rằng “thương cho roi cho vọt” nên trong quá trình giáo dục thường xuyên sử dụng đòn roi, nhận thức này cũng rất sai lầm. Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý cho thấy: “Từ những đứa trẻ bị đánh đập và cấm đoán nhiều sẽ sinh ra những con người bạc nhược vô tích sự hoặc độc đoán, suốt đời sẽ trả thù cho tuổi thơ bị dồn nén của mình”.

Con người thời nay không còn đề cao chữ "hiếu nghĩa vi tiên", mà suy nghĩ của tuổi trẻ bây giờ là: "cha mẹ sinh ta ra thì phải có trách nhiệm nuôi ta lớn", hay còn có những câu nói xấc xược từ miệng của những đứa con hư đón "Ai bảo bà đẻ tôi ra chi?" với những tư tưởng vô minh trên, cho thấy một bộ phận lớp trẻ bây giờ không được tiếp cận những lời Phật dạy. Vậy giải pháp của đạo Phật trong mối quan hệ cha mẹ với con cái, phải làm sao chuyển tải được lời dạy của đức Phật trong kinh "Giáo Thọ Thi Ca La Việt" về năm bổn phận mà con cái cần phải thực hiện đối với cha mẹ của mình như: "Nuôi dưỡng cha mẹ; thay thế cha mẹ gánh vát công việc; giữ gìn truyền thống gia phong; bảo vệ tài sản thừa tự; khuyến hóa cha mẹ hướng thiện và làm các thiện sự khi cha mẹ mãn phần". Cha mẹ cũng có những bổn phận đối với con cái như: "Sinh con, nuôi lớn; dạy con nên người; lập gia thất và cho con thừa tự; hướng con về nẻo thiện lành".

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết. Ảnh: St

+ Giải pháp cho sự suy đồi đạo đức trong hôn nhân

Nguyên nhân:

Quá trình phát triển kinh tế, dẫn đến những thay đổi về tính chất trong mối quan hệ vợ chồng. Khi các giá trị vật chất, tham vọng về địa vị, quyền lực tác động đến gia đình, cùng với lối sống đề cao nhu cầu hưởng lạc, đã làm những giá trị tốt đẹp của gia đình bị bào mòn. Khi hôn nhân tác động bởi quan hệ kinh tế, đề cao lợi ích vật chất thì tính chất hôn nhân trở nên rạch ròi, các giá trị đạo đức thủy chung, tình nghĩa cũng đặt trên bàn cân của sự tính toán lạnh lùng.

Việc chạy theo thỏa mãn về vật chất bằng mọi cách, hoặc sự tồn tại của thói ích kỷ cá nhân, thái độ gia trưởng, sự lười nhác, lạt lẽo, thói vô trách nhiệm…của vợ hoặc chồng đều làm cho hôn nhân thiếu đi tình yêu thương, sự thủy chung, tình nghĩa ngày càng phai nhạt.

Đặc biệt trong xã hội hiện đại, phụ nữ có vai trò, trách nhiệm ngày càng tăng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Trong khi lao động nội trợ của họ không được nhận thức thỏa đáng từ phía nam giới, đã dẫn tới những bất bình đẳng và hệ quả tiêu cực trong quan hệ vợ chồng. Họ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ, sự bao dung từ người chồng, cùng với tình trạng bạo lực của người chồng đối với vợ về thể chất, tinh thần.

Có thể nói, những tác nhân của xã hội hiện đại; những tàn dư của xã hội cũ như thói gia trưởng, bạo lực, nạn ngoại tình là những nguyên nhân khiến giá trị đạo đức, tình nghĩa, thủy chung trong gia đình suy giảm mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng ly hôn của vợ chồng trẻ hiện nay tăng nhanh.

Giải pháp:

Từ những nguyên nhân trên cho thấy, trong mối quan hệ vợ chồng dù trong xã hội truyền thống hay xã hội hiện đại, nếu xa rời đạo lý thủy chung, tình nghĩa thì gia đình sẽ đứng trước nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ, ly tán. Đặc biệt, trước những biến đổi phức tạp, đa chiều của xã hội hiện đại, tính bền vững của gia đình hiện đại đứng trước nhiều nguy cơ thách thức hơn bao giờ hết. Vì vậy, giá trị đạo đức thủy chung, tình nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng cần được giữ gìn, vun đắp trong bối cảnh hiện nay. Cần phát triển năm đặc tính: Biết hổ thẹn, tin nhân quả, lòng từ bi, tâm vô ngã và chính niệm ở nơi mỗi người và trong cộng đồng. Mỗi người và cộng đồng cần được khuyến khích thực hành những điều này. Nền tảng của hôn nhân bền vững theo đức Phật phải có ít nhất một sự tương đồng về nhiều mặt giữa hai đối tượng, cũng như sự chu toàn về vai trò và trách nhiệm của mỗi người liên quan.

Trong kinh Tăng Chi muốn có một hôn nhân bền vững thì ít nhất phải có 4 sự tương đồng. Tương đồng về nhận thức, niềm tin, chuẩn mực đạo đức và thí xả, vị tha. Phải có bổn phận với nhau, như bổn phận của người chồng thời xưa là trụ cột trong gia đình, phải có trách nhiệm tạo dựng tài sản để nuôi sống gia đình.

Ngày nay thì trách nhiệm tạo ra tài sản kinh tế của cả vợ và chồng, đó là dấu hiệu sung mãn hơn xưa của một gia đình, thứ nữa là trách nhiệm nuôi dạy con, ngoài ra muốn giữ vững hạnh phúc gia đình, thì người nam phải "không la cà đình đám kỹ viện, đam mê các loại rượu, du hành đường phố phi thời, đam mê cờ bạc, giao du ác hữu, quen thói lười biếng". Đây chỉ là 6 trong 36 thói xấu cơ bản mà một người đàn ông dễ mắc phải trong đời.

Người vợ cũng có các bổn phận như: Biết sở hành vừa ý chồng, vì đó là biết vận dụng tính dịu dàng của người phụ nữ, nhằm tạo nên sự hòa diệu, ấm êm, trong gia đình, như người chồng đang nóng tính thì người vợ phải biết cách lựa lời khuyên can, hay người chồng đam mê rượu chè cờ bạc, thì vợ phải biết lựa lúc, lựa lời khéo léo dễ thương cho đẹp lòng, ông bà ta có câu: "chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê", một trong những bổn phận quan trọng của người phụ nữ là phải giữ gìn tài sản gia đình, phải khéo léo trong giao tiếp, một chuẩn mực đạo đức căn bản của người vợ là phải chính hạnh, phải biết chăm sóc chồng con và cùng chồng dạy dỗ con nên người, một trách vụ quan trọng nữa của người vợ là phải mang thai, sinh con, để nối dõi dòng giống gia đình chồng. Nếu một người phụ nữ có đầy đủ những phẩm hạnh bổn phận trên thì gia đình luôn được hạnh phúc bền lâu.

Về phương pháp giúp cho hạnh phúc gia đình được bền lâu, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra phương pháp "tưới hoa", phương pháp "tưới tẩm hạt giống tốt" để giúp cho các mối quan hệ trong gia đình ngày càng vun đắp hạnh phúc hơn). Phương pháp lắng nghe để có thể hiểu được những khó khăn, khổ đau, bức xúc của người đối diện, có thời giờ nhìn lại để chấp nhận và thương yêu: "Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương". Phương pháp này có thể giúp mình tái lập lại truyền thông, hòa giải giữa hai người với nhau, đem lại hạnh phúc không chỉ cho riêng mình.

Mục đích của Phật ra đời là muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ đến bờ giải thoát an vui, muốn làm được nhiệm vụ cao cả đó, thì trước hết chúng ta phải tự giác ngộ cho mình, rồi sao mới có thể giúp người khác giác ngộ, vì năng lượng an lạc nơi chính mình mới có công năng chuyển hóa người khác, nếu năng lượng an lạc của chính mình yếu kém, thì không đủ khả năng để giáo hóa người.

Nếu sự chấp ngã còn quá sâu nặng, lòng từ bi thật sự khó được phát triển, và có lòng từ bi thật sự, chúng ta mới không có những việc làm hại mình hại người, trong đời sống thực tế, để có được từ bi và thái độ sống vô ngã rất cần đến yếu tố chính niệm, có chính niệm, chúng ta mới sáng suốt nhìn rõ những gì đang xảy ra trong tâm mình và xung quanh mình.

Lời kết

Giáo lý đạo Phật luôn phù hợp trong mỗi bối cảnh thời đại xã hội, luôn là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp chúng sinh bớt khổ được vui. Thời đức Phật còn tại thế với xã hội giai cấp rối ren của Ấn Độ, đức Phật cũng dùng chân lý tối diệu để lật đổ những tư tưởng tà ác đem lại an bình cho chúng sinh, hay thời nay dù khoa học tiên tiến phát triển đến đâu, nhưng giáo lý đạo Phật luôn là điểm mốc cho những nhà nghiên cứu khoa học hướng tới. Phật giáo luôn là phương thuốc để chữa bệnh suy đồi đạo đức, xung đột bất hòa trong gia đình thời nay, giáo lý của Phật luôn là phương thuốc để điều trị tâm bịnh cho chúng sinh, nhưng quan trọng mỗi người chúng ta có chịu uống thuốc hay nói khác hơn là có chịu thực hành tu tập hay không, vì đau khổ hay hạnh phúc đều do ta làm chủ, do quan niệm tư tưởng của mỗi một con người.

Nên đức Phật có dạy rằng: "Chúng sinh là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là nhân tố phán xét”. Cũng vậy, khi chưa biết giáo lý của đạo Phật, thì con người thường cho rằng tất cả khổ đau hay hạnh phúc đều là định mệnh duyên số không thể cải đổi, nhưng khi biết đến chân lý của đạo Phật là mở ra một con đường mới, chuyển hóa được nổi khổ niềm đau, từ bờ mê đến bến giác, chuyển đổi từ những hành động bất thiện về thân trở thành hành động thiện lành, chuyển đổi lời nói không dễ thương thành lời nói ái ngữ dễ thương, chuyển những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực, thì nội thân an tịnh dẫn đến ngoại thân an tịnh, gia đình an lạc hạnh phúc, xã hội đất nước sẽ ngày một hưng thịnh.

Tác giả: Thích Nữ Thanh Thảo Chùa Xuân Lư, Quế Sơn, Quảng Nam ***

Tài liệu tham khảo Vài vấn đề về Phật Giáo và Nhân sinh, tác giả Thích Chúc Phú, NXB Hồng Đức, 2013. ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, Tập 2, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, NXB TP.HCM, 1991. ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, tập 4, Chuyện Tiền Thân Sammodamàna, NXB, TP.HCM, 2001.