Trang chủ Lịch sử - Triết học Tìm hiểu về “bố thí” trong Kinh Tăng Chi Bộ

Tìm hiểu về “bố thí” trong Kinh Tăng Chi Bộ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Huệ Cảnh
Học viên Thạc sĩ khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Đặt vấn đề:
Bố thí là một việc làm phước thiện quan trọng. Vì sao? Vì bố thí có ý nghĩa vô cùng to lớn trên bước đường tu tập. Do đó nên bố thí được xem như nấc thang đầu tiên đưa người lên các cõi lành, sinh về cõi thiện. Là tư lương đưa người tránh xa các cõi nguy hiểm trong vòng sinh tử luân hồi. Ngoài ra, bố thí còn là con đường dẫn đến Niết Bàn. Người cư sĩ, phật tử từ xưa đến nay nhiều người đã làm việc bố thí cúng dường nhưng việc làm này có đúng với lời Phật dạy hay không? Chúng ta làm như thế nào để đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, chúng ta cần tìm hiểu về việc “Bố thí theo Kinh Tăng Chi Bộ”.
Từ khóa: Kinh tăng chi bộ, bố thí, cư sĩ, phật tử, đạo Phật, phước báo,…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 9 Tim hieu ve Bo Thi trong Kinh Tang Chi Bo 1

Giới thiệu sơ lược Kinh Tăng chi bộ

Kinh Tăng Chi Bộ (P. Anguttara Nikāya) là bộ kinh thứ tư trong năm bộ kinh Nikāya (Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng, Tiểu bộ.) thuộc truyền thống Phật giáo Thượng Tọa bộ (Theravāda). Theo Ngài Ấn Thuận, năm bộ kinh bằng tiếng Pāli được bảo tồn một cách hoàn chỉnh do Đồng Diệp bộ (Tāmrasātīyā) lưu truyền. Phái này là một bộ phái của hệ Phân Biệt Thuyết (Vibhajyavāda), thuộc hệ Thượng Tọa bộ (Sthavira)(1). Theo tác phẩm Diệu Pháp Yếu Lược thì Kinh Tăng Chi do Tôn giả Anuruddha và chúng đệ tử của Ngài thực hiện việc truyền tụng và giữ gìn(2).

Kinh Tăng Chi có cấu trúc rất đặc thù giống một bản tóm tắt cô đọng chứa đựng những giáo lí căn bản. Không những thế Kinh Tăng Chi vừa chuyển tải nội dung phong phú, vừa rất mực chi tiết. Theo học giả Maruice Winternitz, Kinh này chứa đựng những bài kinh ngắn nhưng đôi khi cũng có bài kinh rất dài và còn có những đoạn kệ tụng(3). Theo Kanai Lal Hazra, tất cả những bài kinh trong Tăng Chi Bộ được sắp xếp một cách cẩn thận. Còn theo học giả Bimala Churn Law cho rằng, Kinh Tăng Chi được chia nhỏ từ Kinh Trường bộ và Kinh Trung bộ(4). Tất cả những ý kiến trên của các học giả đã tạo nên một niềm hứng thú, từ đó giúp cho học viên nhận thấy Kinh Tăng Chi là bộ kinh vô cùng quan trọng cần được nghiên cứu. Kinh Tăng Chi bộ tiếng Pāli là Anguttara Nikāya, ‘Nikāya’ nghĩa là kinh bộ, từ ‘anga’ nghĩa là chi phần, ‘utara’ là tăng thêm. Kinh Tăng Chi Bộ, có mười một chi phần, tăng từ một đến mười một pháp, tổng cộng có mười một chương(5).

Theo Lời giới thiệu của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (TTTĐPGVN) cho rằng: Nhờ ưu điểm đó mà bộ kinh này dễ dàng được ghi nhớ, có hệ thống sư phạm. Ngoài ra, trong Lời giới thiệu của cuốn này nhận định về bản kinh có một kết cấu đặc thù, góp phần giữ gìn toàn vẹn giáo pháp. Nhờ cách trình bày mang tính vắn tắt, cô đọng nên Kinh Tăng Chi đã chuyển tải được rất nhiều nội dung quan trọng trong giáo lí Phật giáo. Hơn thế nữa, bản kinh này còn đặc biệt chứa đựng nhiều nội dung rất thiết thực, liên quan đến lí tưởng của người cư sĩ trong việc sống có đạo đức, cách làm việc thiện, bố thí cúng dường, sống có bổn phận hộ trì Tam bảo, phụng sự xã hội và nhân sinh. Những điều trên có ý nghĩa vô cùng thực tiễn, có giá trị ứng dụng vượt thời gian và không gian, nhất là trong thời đại ngày nay(6). Từ đó đủ thấy bộ kinh này có giá trị rất cao trong việc nghiên cứu những bài kinh đức Phật dạy cho người cư sĩ về nhiều lĩnh vực của đời sống tại gia. Có thể nói đây cũng chính là điểm đặc thù của bộ Kinh Tăng Chi khác biệt rõ nét đối với các bản kinh khác.

Trong Lời giới thiệu của Kinh Tăng Chi Bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu ghi: “Điều nổi bật trong kinh này là nói lên được trí tuệ vô thượng của đức Phật, những điều Ngài dạy liên hệ đến con người của chúng ta, đến đời sống hằng ngày của con người …”(7). Do đó, người tu tập sau khi nghe pháp, thẩm sát ý nghĩa của pháp, đọc kỹ bản kinh này và đem áp dụng những lời Phật dạy vào đời sống để chúng ta biết làm việc có ý nghĩa, tạo nên phúc báo cho hàng cư sĩ, phât tử.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 9 Tim hieu ve Bo Thi trong Kinh Tang Chi Bo 2

Quan điểm về Bố thí (Dana)

Bố thí tiếng Pāli là Dāna có căn ‘da’ nghĩa là cho, trao cho; Theo cuốn Bách khoa toàn thư về các tôn giáo của Ấn Độ, định nghĩa dāna là danh từ nghĩa là hành động hiến tặng; sự phóng khoáng; sự xả bỏ; đặc biệt là vật phẩm cúng dường đến một vị Tỳ kheo hoặc Tăng đoàn; làm việc phước thiện. Phật giáo cho rằng bố thí không đòi hỏi bất cứ điều gì thì sẽ đưa lại bình an về tinh thần.

Theo Kinh Tăng Chi có hai loại là: “Bố thí tài vật và bố thí pháp”(8). Bố thí tài vật (āmisadāna) gồm có ngoại tài và nội tài. Bố thí ngoại tài như cơm gạo, đồ uống các loại mà không có sai lỗi, y phục, kết bông hoa thành tràng phan, các loại mùi thơm, các loại thoa sức dầu phấn, chỗ ngồi, giường chiếu, gối chưn, nhà mát để nghỉ ngơi, các loại ánh sáng như đèn đuốc,…(9) Nội thí (Ajhattikadāna) là cách làm phước bởi sự chấp nhận xả bỏ các bộ lớn nhỏ và mạng sống của mình để làm việc bố thí(10), … như việc hiến xác cho y học, hay bỏ công sức mình ra để phụng sự cho đạo pháp và nhân sinh(11). Bố thí pháp (dhammadāna) là giảng dạy phương pháp thực hành nhận thức được những phiền não và chuyển hóa khổ đau(12) như thiền định, tứ vô lượng tâm, bát chính đạo,… để người nghe tu tập giác ngộ và giải thoát. Thông thường người cư sĩ lo tạo dựng tài sản và chú trọng bố thí, cúng dường tài vật. Một số ít có tuệ căn thì bố thí pháp nhưng rất ít. Phần lớn người xuất gia có nhiều điều kiện và thời gian học pháp, hành trì pháp nên bố thí pháp người xuất gia thực hiện nhiều hơn. Đây là điểm khác biệt giữa hai chúng xuất gia và tại gia.

Thế nào là bố thí đầy đủ? “Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ bố thí”(13). Bố thí ngoài việc là cho, hay từ thiện đến những người nghèo khổ thiếu thốn, nó còn bao gồm nghĩa cúng dường đến các bậc tu hành Phạm hạnh. Vì những vị tu hành này được ví như thửa ruộng các vị cúng dường thuốc men, y áo, vật thực,… như những hạt giống được gửi vào trong thửa ruộng ấy sẽ được ra hoa kết trái. Hơn nữa, Kinh Các loại hương [A.80] nói về người bố thí không luyến tiếc với tay rộng mở, thích thú từ bỏ, sẵn sàng được yếu cầu, ưa thích chia sẻ đồ bố thí. Người như vậy, được các Sa môn, Bà La Môn,… Chư Thiên và các phi nhân cũng tán thán khắp bốn phương: tại làng ấy, hay tại thị trấn ấy, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng,… ưa thích chia sẻ đồ bố thí(14). Người biết làm việc thiện, ưa thích cúng dường bố thí sẽ có được phước tài sản đủ đầy, thân sắc xinh đẹp, … không chỉ được người đời tán thán mà phi nhân, chư thiên cũng hoan hỷ, tiếng lành ngày càng bay xa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 9 Tim hieu ve Bo Thi trong Kinh Tang Chi Bo 3 scaled

Cách thức bố thí đúng pháp

Kinh Velāma [A.9.20], đức Phật chỉ dạy cách bố thí cúng dường đúng đắn, về hiệu quả tốt nhất của việc tu. Người bố thí các món thô hay tế, nếu bố thí có cẩn thận, bố thí có chú tâm, bố thí tự tay mình (sāhatthikadāna), bố thí những vật không quăng bỏ đi, bố thí có nghĩ đến trong tương lai,… người con, người vợ, người phục vụ, người đưa tin, người làm công, họ có nghe, khéo lóng tai, họ có tâm hiểu biết.

Như vậy là quả dị thục của các nghiệp làm có cẩn thận. Ngược lại là nghiệp nếu làm không có cẩn thận. Có sự bố thí lớn thù diệu dẫu trong khoảnh khắc vắt sữa bò đó là người với tâm tịnh tín quy y Phật, Pháp và Tăng. Ai có tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu, tu tập tâm từ giải thoát, tu tập tưởng vô thường người ấy được quả lớn hơn bố thí cho 100 người có chính kiến, 100 người Nhất lai, Bất lai, A La Hán, Độc Giác Phật, hay một vị Chính Đẳng Giác(15).

Người bố thí, cúng dường (pūjadāna) là cách cho đi vật đến người có đạo đức bậc trưởng thượng bằng cách cung kính (sakkaccadāna). Cách bố thí này nghĩa là cho vật với tâm nhu nhuyến cung kính, không quăng cho hay cho với tâm khinh thường người nhận,… Tự tay mình làm việc bố thí sẽ thù thắng hơn nhiều so với việc mình nhờ người bố thí (ānattikadāna).

Trong Chú giải Kinh Tăng chi (Anguttara atthakathā) có ghi: “Tesam divā ca ratto ca sadā puññam pavaddhati” nghĩa phước chắc chắn tiến hóa cho người có cách bố thí liên tục (niccadāna) và bố thí bền lâu (thāvaradāna)(16).

Có năm loại bố thí này xứng bậc chân nhân. “Bố thí có cung kính, bố thí có suy nghĩ, bố thí tự tay mình, bố thí đồ không quăng bỏ, bố thí có nghĩ đến tương lai”(17). Như vậy, người có lòng tin sâu sắc vào Tam bảo, tự tay mình dâng vật phẩm cúng dường với tâm cung kính, với vật thí cần thiết cho người nhận, bố thí nghĩ đến tương lai chứ không phải do sợ hãi hay ép buộc.

Trong kiếp sống vô thường mong manh người làm việc thiện lành đúng thời điểm, đúng lúc sẽ làm cho cuộc sống ý nghĩa vô cùng. Đó là bố thí đúng thời trong kinh cho đúng thời là: sự bố thí cho người đến, bố thí cho người đi, bố thí cho người đau bệnh, bố thí trong thời đói, phàm có hoa quả mới gì mới gặt hái được, dành chúng đầu tiên để cúng dường các bậc giữ giới(18).

Qua các bài kinh này cung cấp cho người cư sĩ có cơ sở để làm việc bố thí theo lời Phật dạy. Tránh trường hợp bố thí không xứng bậc chân nhân là bố thí với tâm ngạo mạn, không cung kính, bố thí mà nhờ người khác hay sai người ở làm hoặc bố thí những vật quăng bỏ, bố thí không nghĩ đến tương lai sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp được.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 9 Tim hieu ve Bo Thi trong Kinh Tang Chi Bo 4

Lợi ích của việc bố thí

Lợi ích của sự bố thí là hưởng được năm điều vi diệu như sau: “Được nhiều người ái mộ, ưa thích, được bậc Thiên nhân, Chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung, được sinh lên cõi lành, Thiên giới”(19). Kinh Tăng Chi còn đề cập quả báo của việc bố thí với lòng tin. Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn, tướng người khả ái, dễ nhìn, có thành tín và thành tựu dung sắc thù thắng như hoa sen.

Kinh Suppavāsā [A 4.57], đức Phật nói cho người cư sĩ Suppavāsā(20) cùng nội dung này bài Kinh Sudatta [A 4.58], một bài kinh nữa nói về chủ đề này nhưng Thế Tôn nói cho chư vị Tỳ kheo về vấn đề bố thí đồ ăn [A. 4.59, gián tiếp], có bốn điều cho người nhận(21). Thế nào là bốn? Đó là thọ mạng, dung sắc, an lạc, sức mạnh. Với công đức, lại được quả to lớn… Với tâm tư hoan hỷ, nhiếp phục được gốc xan tham, không bị ai chỉ trích, chứng đạt được cõi trời(22). Ngoài ra, trong Kinh Vật thực [5.37], nói đến quả báo thù thắng của người bố thí đem lại thọ mạng, dung sắc, an lạc, sức mạnh và biện tài, sống lâu, danh xưng, tại chỗ được tái sinh(23). Kinh Mallika [4.194], “Này Mallikà, có hạng nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi nóng, không có nổi giận, không nổi sân, không sừng sộ, không gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn. Người này bố thí cho Sa môn, Bà La Môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tính tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sinh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn”(24).

Kinh Bố thí [A.7.52], nói về vấn đề tại sao có người bố thí như vậy không được quả lớn, nhưng có người cũng bố thí như vậy mà lại được quả lớn, lợi ích lớn. Bài kinh này Thế Tôn nói gián tiếp thông qua ngài Xá Lợi Phất cho cư sĩ ở Campā. Có hạng người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm chất chứa, bố thí với tâm trói buộc, với ý nghĩ ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh ở cõi trời Tứ Thiên. Nếu bố thí với tâm không mong cầu, với tâm không trói buộc, vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm, do bố thí như vậy nên khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên cộng trú với Phạm chúng thiên. Khi nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy danh tiếng ấy, uy quyền ấy, được đoạn tận vị ấy trở thành Bất lai, lòng không còn trở lui(25). Kinh Sumanā nói về người rộng lòng bố thí vượt trên hơn người không rộng lòng bố thí, ở năm phương diện “Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng”(26). Kinh Bố thí [6.37], nói về việc bố thí có công đức rất lớn không thể dùng trí phàm phu mà được ví như biển cả không thể nắm lấy số lượng có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, có chừng ấy ngàn thùng nước, … trước bố thí, ý vui, khi bố thí, tâm tín, sau bố thí, hoan hỷ, … Tự tay mình bố thí, tự mình đến đời sau, lễ thí vậy quả lớn, lễ thí vậy bậc trí, với tín tâm giải thoát, không hận thù an lạc, bậc hiền sinh ở đời(27).

Kinh Sīha [A.5.34] đức Phật nói với vị tướng tên Sīha về năm kết quả hiện tại của việc bố thí cúng dường. Các vị A La Hán sẽ có lòng từ mẫn, sẽ thọ lãnh đồ ăn khất thực, sẽ thuyết pháp trước, đi đến hội chúng nào không sợ hãi, không rụt rè, tiếng lành đồn xa, sau khi mạng chung được sinh thiện thú, thiên giới, cõi đời này(28).

Tóm lại, về quan điểm bố thí trong Kinh Tăng Chi Bộ được đức Phật đề cập rất nhiều; tổng cộng có ba mươi sáu bài kinh(29). Bố thí rất quan trọng trong bước đường tu tập. Bố thí đem lại kết quả thù thắng như người bố thí vượt hơn hẳn người không bố thí về mọi mặt dù là ở chư thiên hay cõi người. Một khi người cư sĩ được tiếp cận những lời Phật dạy qua Kinh Tăng Chi Bộ sẽ hiểu được quan điểm bố thí, nếu bố thí đúng pháp thì đem lại rất nhiều lợi lạc cho cộng đồng, niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn của người bố thí.

Thích Nữ Huệ Cảnh
Học viên Thạc sĩ khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Thích Ấn Thuận, Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo nguyên thủy, Thích phước Sơn và nnk (dịch), Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 681.
(2) Indacada, Trương Đình Dũng (dịch), Diệu pháp yếu lược, Nxb. Đà Nẵng, 2011, tr. 19.
(3) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. xxxii. (Xem thêm: Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, vol. 2 (Delhi. Motilal Banarsidass, 1993), p. 59.)
(4) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. xxxiii. (Kanai Lal Hazra, Pali Language and Literature, vol. 1 (New Delhi: D. K. Printword Pvt. Ltd., 1994), p. 250.)
(5) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. xxxii.
(6) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. xxxix.
(7) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. xxiii.
(8) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Hai pháp, Phẩm Bố Thí, Kinh số 142, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 85.
(9) Siêu Thành, Phúc Hành Tông, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 2019, tr. 127. Chánh văn: (P. Annadāna, Pānadāna, Ghāradāna, Vatthadāna, Mālādāna, Gandhadāna, Vilepanadāna, Vilepanadāna, Seyyadāna, āvasathadāna, Padīpeyyadāna.)
(10) Siêu Thành, Phúc Hành Tông, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 98.
(11) Thích Thiện Siêu, Hư Tâm Học Đạo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, tr. 71.
(12) Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 517.
(13) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Bốn pháp, Phẩm Nghiệp công đức, Kinh Bốn Nghiệp Công Đức, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 333.
(14) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Ba pháp, Phẩm Ananda, Kinh Các loại hương, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 204.
(15) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Chín pháp, Phẩm Tiếng rống con Sư Tử, Kinh Velāma, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 329.
(16) Siêu Thành, Phúc Hành Tông, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 90.
(17) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Sumana, Kinh Bố thí không xứng bậc chân nhân, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 629.
(18) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Sumana, Kinh Lợi Ích Và Bố Thí, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 528.
(19) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Sumana, Kinh Lợi Ích Và Bố Thí, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 528.
(20) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Bốn pháp, Phẩm Nguồn Sanh phước, Kinh Suppavāsā, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 330.
(21) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi bộ, Chương Bốn pháp, Phẩm Nguồn Sanh phước, Kinh Sudatta, Kinh Các đồ ăn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 330-31.
(22) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Bốn pháp, Phẩm Nguồn Sanh phước, Kinh Suppavāsā, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 330.
(23) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Sumanā, Kinh Lợi ích của bố thí, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 528.
(24) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Bốn pháp, Phẩm Lớn, Kinh Hoàng hậu Mallikā, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 455.
(25) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Bảy pháp, Phẩm Đại tế đàn, Kinh Quả của bố thí, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 868-70.
(26) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Sumanā, Kinh Sumanā, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 521.
(27) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Sáu pháp, Phẩm Chư Thiên, Kinh Bố thí gồm sáu phần, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 746.
(28) Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng chi bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Sumanā, Kinh Đại tướng Sīha, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 526.
(29) Bố thí: 2.35, 4.39, 4.40, 4.57, 4.58, 4.59, 5.31; nên cúng đúng lúc: 5.36, 2.40, 3.127, 5.147, 5.148; cúng thức ăn, 5.37, 5.44, 5.199, 6.37, 9.20; kết quả của bố thí: 4.197, 5.35, 7.52, 10.177. Theo John Kelly (Tất cả các bài kinh Phật nói cho người tại gia, Lê Kim Kha (dịch) Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015) có 19 bài nhưng tác giả đếm được trong Tam tạng có 36 bài: 1.249, 1.259, 6.59, 7.49, 8.31, 8.32, 8.33, 8.34, 8.35, 8.36, 8.37, 8.75, 8.76, 10.53, 10.74.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường