Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Tinh thần bố thí trong Lục Độ Tập Kinh

Tinh thần bố thí trong Lục Độ Tập Kinh

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Trần Thị Thanh
Thành phố Huế

1. MỞ ĐẦU

Đạo Phật là đạo Từ bi, đạo của tình thương và hiểu biết. Cũng bởi lòng từ rộng lớn nên đức Thế Tôn đã thị hiện trên cõi đời tùy thuận chúng sinh để giáo hóa. Trong kinh Pháp Hoa phẩm “Tựa” có ghi lại rằng: “Phật vì người cầu đạo Thanh Văn nói pháp Tứ Đế thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết cứu cánh Niết Bàn. Vì hạng cầu quả Duyên Giác nói pháp mười hai Nhân Duyên. Vì hạng Bồ Tát nói Sáu pháp Ba-la-mật, làm cho chứng đặng Chính Đẳng Cháng Giác, thành bậc Nhất Thiết Chủng Trí”[1].

Đoạn kinh trên đã cho ta thấy được công năng và tầm quan trọng của Lục độ trên con đường đưa chúng sinh từ bờ mê về bến giác an vui. Như mở lòng dâng tặng vật chất  đến người khốn khổ và động viên tinh thần giúp người khác có thêm dũng khí,… đạt đến cứu cánh viên mãn (Bố thí Ba La Mật).

2. NỘI DUNG

2.1. Bố thí Ba-la-mật ( Dāna-pāramitā)

Để vun bồi phước đức thì cõi Ta bà là mảnh đất màu mỡ cho hàng Bồ Tát gieo trồng thiện căn bằng cách thực hành Bố thí (Dāna). Vì cõi này chúng sinh cang cường khó bảo, sống theo nghiệp lực thích hưởng thụ ngũ dục lạc “đam mê chấp trước năm cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, hoặc ham muốn về của cải, sắc đẹp, ăn uống, danh vọng, ngủ nghỉ.”[2] Mấy ai ý thức rằng: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”[3], nghĩa là một phen mất thân người, vạn kiếp cũng không thể có lại được nữa. Thế nhưng cũng từ cõi kham nhẫn này, người có trí (Bồ Tát)  biết tận dụng tấm thân này để thực hành bố thí, chia sẻ với người khác những của cải vật chất lẫn tinh thần trong khả năng của mình nhằm tịnh hóa thân tâm. Về sau, pháp Bố thí trở thành một hạnh nguyện đặc trưng của hàng xuất gia cũng như tại gia sớm thăng hoa trên con đường tự độ và độ tha.

Bố thí (布施), có nguồn gốc từ Phạn ngữ là Dāna (Đàn-na), Bố (布) là cùng khắp, thí (施) là cho, trao tặng, “bố thí” là cho cùng khắp. Theo nghĩa thông thường, bố thí là nghĩa cử cao đẹp, cách tích lũy nhiều phước đức cho người thí. Có công năng tiêu trừ những tư tưởng ích kỷ, bám víu và phát triển tư tưởng vị tha, trong sạch nhằm tạo ra niềm vui, hạnh phúc đến với mọi người. Cấp độ bố thí Ba-la-mật hay bố thí vượt bờ, nghĩa là trong khi bố thí có sự dẫn dắt của trí tuệ Bát-nhã. Vạn pháp dưới góc nhìn của ánh sánh Bát-nhã sẽ thấy được bản chất là “sắc tức thị không-không tức thị sắc”, là vô tướng, hay còn gọi “Tính Không” của vạn pháp, không có tự ngã, mà tùy thuộc vào nhân duyên để sinh khởi. Chính vì mọi thứ do nhân duyên tạo thành, nên các vị Bồ Tát thực hành con đường Bồ Tát hạnh để soi sáng phật tính trong mỗi chúng sinh. Thực hành hạnh nguyện cứu độ chúng sinh bằng những việc làm thiết thực, những tấm gương âm thầm lặng lẽ dâng hiến cuộc đời giúp người bớt khổ. Các vị Bồ Tát hiện diện giữa đời thường trong nhiều hình tướng khác nhau, sống lặng lẽ như bao người dân bình thường nhưng lại có những hành động, việc làm phi thường mà tầm nhìn của phàm phu chúng ta không dễ gì nhận ra.

Bố thí Ba-la-mật thuộc quyển thứ 1-3 trong Lục độ tập kinh, được ngài Khương Tăng Hội trình bày dưới nhan đề “Bố thí vượt bờ”. Nội dung quyển 1-3 gồm một bài giới thiệu và 26 truyện (từ truyện 1 đến truyện 26).

Trong bài giới thiệu Bố thí vượt bờ,  ngài Khương Tăng Hội đã định nghĩa: “Là yêu nuôi người vật, thương xót lũ tà, vui hiền, giúp người độ lượng, cứu giúp chúng sinh, vượt cả đất trời, thấm khắp biển sông, bố thí chúng sinh, người đói cho ăn, người khát cho uống, lạnh cho mặc, nóng cho mát, người bệnh cho thuốc, xe ngựa thuyền bè, các vật trân báu, vợ con, đất nước…ai xin liền cho. Như thái tử Tu Đại Noa, bố thí người nghèo thiếu, như cha mẹ nuôi con, vua cha đuổi đi, vẫn thương không oán.[4]

Từ định nghĩa về Bố thí của Lục độ tập kinh, phần nào thể hiện lý tưởng Bồ Tát trong thời kỳ đầu của Phật giáo ở nước ta rất cần những con người có lòng thương rộng lớn đối với tất cả người vật (Bố thí). San sẻ của cải vật chất đến người nghèo thiếu (ngoại thí), không tiếc một phần thân thể hay mạng sống của mình giúp đỡ người trong lúc khó khăn (nội thí). Chỉ bày những việc làm thiện lành, giảng giải cho người khác nghe những điều hay lẽ phải để cải tạo đời sống của mình ngày một tốt hơn, mà giải thích theo ngôn ngữ của Lục độ tập kinh là “thương xót lũ tà” (pháp thí). Một người có đời sống thanh cao, dẫn dắt người khác trở về con đường thiện lành sẽ truyền tải năng lượng tích cực giúp người khác an tâm khi tiếp cận, đồng thời cũng giúp cuộc sống của những người xung quanh trở nên an vui, hạnh phúc (vô úy thí). Một vị Bồ Tát thực hành trọn vẹn bố thí Ba-la-mật phải hội đủ: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Than Bo Thi Trong Luc Do Tap Kinh 1

2.1.1. Tài thí

Tài thí (財施, là bố thí về tiền tài, vật chất), “nghĩa là đem tiền tài, vật chất thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác. Những tài sản đó bao gồm tiền bạc của cải vật chất, vợ con…kể cả thân mạng của mình”[5]. Đối với những tài sản, của cải vật chất chúng ta đem ban tặng người khác với tâm thanh tịnh, đó là cách để thanh lọc tâm tham trở nên vô tham. Như câu truyện số 2 nêu lên lòng thương giúp của Bồ Tát làm vua hiệu Tát Ba Đạt, “bố thí chúng sinh, xin gì đều cho, thương giúp người nạn, lòng thương xót xa”[6]. Tài thí được phân làm hai loại: Nội tài và ngoại tài.

Nội tài là cách ban tặng những vật sở hữu phi vật chất, như thân thể, mạng sống của chúng ta. Đây là hành động buông xả lớn của Bồ Tát thể hiện tính chất Vô ngã-vị tha. Như tấm gương Bồ Tát làm vua hiệu Thiên Duyệt (truyện số 5) “…tôi chỉ muốn đầu vua, vua chưa từng trái ý, liền tự bước xuống điện, lấy tóc cột vào cây nói: “ta lấy đầu cho ngươi đây”[7]. Hay Bồ Tát trong hình tướng là “Thiên Nga mẹ, rỉa thịt dưới nách để cứu mạng con”[8], hoặc Bồ Tát trong hình tướng tu sĩ, trên đường đi tìm trái, thấy mẹ con cọp đói khát sắp chết. Bồ Tát liền khởi lòng thương xót muốn “dùng thân mình làm thức ăn cho cọp được no đủ, bèn tự đưa đầu mình vào miệng cọp. Đem đầu cho cọp là muốn mau chết để không cảm thấy đau, cọp mẹ cọp con đều được toàn mạng”[9]. Từ những công hạnh của Bồ Tát trong các câu truyện cho chúng ta thấy rằng, việc dùng nội tài bố thí là một nghĩa cử cao đẹp, giàu lòng nhân ái và xả ly được những chấp thủ thuộc về thân, xả ly những ngã sở trói buộc ta trong luân hồi sinh tử. Hiện nay, những hành động cứu giúp người khác bằng nội thí được thể hiện trong các phong trào hiến máu nhân đạo, hiến tặng bộ phận nào đó trên cơ thể của chúng ta cho người bệnh được sống như hiến thận, hiến tim, cấy ghép tủy, hoặc hiến xác cho khoa học, …tất cả đều lưu xuất từ tinh thần nội thí này.

Ngoại tài là những vật thường dùng của mình như thức ăn, đồ mặc, tiền bạc mình kiếm được một cách lương thiện, để chia sẻ với người khác. Điển hình như trưởng giả Cấp Cô Độc đã dùng vô số đồng tiền vàng phủ kín khu vườn của thái tử Kỳ Đà với mục đích cúng dường đức Phật và chúng Tăng.

Cả hai hình thức nội thí và ngoại thí đều xuất phát từ tấm lòng bi mẫn của Bồ Tát hướng đến cứu khổ chúng sinh. Khi thực hành tài thí, Bồ Tát dùng những vật sở hữu trong thân (nội thí) hay ngoài thân (ngoại thí) để cứu giúp chúng sinh cần có sự dẫn dắt của Trí tuệ mới đạt đến cứu cánh. Nếu không có trí tuệ con người dễ rơi vào mơ hồ, mù quáng trong việc cung cấp tiền tài cho kẻ nghiện ngập, hút chích thì vô tình đưa họ vào hố thẳm sớm hơn. Con người ai cũng có nhu cầu về ngũ dục, vì năm yếu tố đó giúp nuôi thân, duy trì mạng sống để tu tập. Vì lý do sức khỏe, thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều người rơi vào tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, sống tạm bợ qua ngày. Trước những vấn đề nhân sinh, việc bố thí tài vật rất quan trọng nhưng pháp thí còn quan trọng hơn nhiều. Bởi vì tài thí chỉ giúp giải quyết khó khăn trong thời gian ngắn, còn pháp thí thì cứu khổ nhiều đời.

2.1.2. Pháp thí

Pháp Thí (法施), bố thí lời dạy, giáo lý để tu tập và đạt được chân lý. Vật thí của loại bố thí này được tạo bởi trí tuệ và thái độ sống của người thí. Khi một người không thiếu về vật chất nhưng tinh thần bấn loạn, trước mặt họ là khung trời đen tối, họ bước đi trong vô vọng có khi sa hầm, lọt hố đến mất mạng. Lúc này, Bồ Tát đem trí tuệ thuyết pháp giúp cho người khác có được hiểu biết cần thiết để vượt qua đau khổ. Ánh sáng trí tuệ đó là những bài pháp hay những trải nghiệm của tự thân, sẵn sàng chia sẻ với những ai đang còn mắc kẹt trong khổ đau. Đức Phật là một đại lương y, chẩn bệnh và bốc thuốc cứu chúng sinh ra khỏi cơn bệnh trầm kha, Pháp của Phật được ví như liều thuốc chữa bệnh sân si, phiền não cho chúng sinh. Tùy theo căn bệnh mà dùng thuốc điều trị, chúng sinh đang bệnh nhờ uống đúng thuốc mới lành bệnh, có tinh thần lành mạnh.  Xã hội có nhiều người khỏe về tinh thần, lành mạnh về lối sống góp phần lan tỏa sự lành mạnh trong xã hội, nhờ đó những thành phần xấu ác trong xã hội cũng được giảm thiểu và ngày càng trở nên lành mạnh, an vui.

Câu chuyện số 7 trong Lục độ tập kinh đề cập tấm gương thực hành pháp thí như sau: “Xưa có Bồ Tát làm đại quốc vương, lấy điều ngay thẳng trị dân, một hôm vua kiểm kê tài sản, lấy để nuôi quân. Có nhà giàu khai báo ít của riêng, vua tức giận liền tra hỏi, nhà giàu thưa: “lòng nhớ công Phật. Miệng nói lời Phật dạy. Thân làm việc Phật, thờ kính hiền thánh, cúng dường áo cơm, thương nuôi các loài bò bay máy cựa. việc gì lòng không ưa thì không đem đến cho kẻ khác. Cái phúc đức này theo ta như bóng theo hình, nên gọi là của riêng…thân đi của quý trong nhà bỏ lại cho đời, một mình ra đi, cửa họa phước chưa biết tới đâu, thấy đời như huyễn, nên không dám có”.(…) Vua trở về thơ phòng, lắng tâm tinh tấn suy nghĩ, liền tĩnh ngộ rằng: “thân này còn không giữ được, huống gì đất nước, vợ con, những thứ ấy có thể được lâu dài sao?” Bèn soạn chép kinh Phật, đọc văn giải nghĩa, lòng dơ theo đó gột sạch, tiến quan trung trinh, nhận lời can gián,… phàm người không thấy nghĩa mầu và giới trọng của kinh Phật thì kẻ ấy là đuôi điếc. Người nhà giàu kia thì giàu, chỉ có ta là nghèo”[10].

Người nhà giàu đã dùng lời hay lẽ phải giúp vua hiểu rằng của cải tùy thuộc vào phước đức gieo trồng từ trước, nên kiếp này được thọ hưởng. Nhưng chúng ta đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng thì chết cũng ra đi với hai bàn tay trắng thì sao chúng ta không dùng của cải tiền tài danh vọng địa vị có được trong đời này để giúp người bớt khổ. Nếu còn bám víu vào con ta, tài sản ta, quyền uy, chức vụ trói buộc cả đời này lẫn đời sau. Từ đó nhất dạ cầu học Phật pháp ngõ hầu tiến bước trên con đường giải thoát.

Người thực hành tài thí là giúp người được bố thí giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, người thí được tăng trưởng lòng từ bi, chế ngự tâm tham ái, keo kiệt. Pháp thí là hai cách giúp người tăng trưởng trí tuệ, dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sự đen tối của vô minh. Từ những tính chất vượt trội của Pháp thí, thì công đức của tài thí không sánh bằng pháp thí. Cho nên, mỗi người con Phật chúng ta phải luôn tinh tấn thâm nhập Phật pháp để quán chiếu tự thân ra khỏi những ràng buộc trong đời sống thế tục. Sau đó mới có thể đem trí tuệ của mình ra giúp ích cho người khác. Từ bi và trí tuệ là đôi cánh không thể thiếu của con chim. Trên bước đường thực hành Bồ Tát hạnh, không thể thiếu sức dõng mãnh, kiên định, bố thí sự bình tĩnh, sáng suốt cho mọi người, mọi loài hay còn gọi là Vô úy thí.

2.1.3. Vô uý thí

Vô Úy Thí (無畏施), nghĩa là bố thí cái không sợ hãi, làm cho người khác vững tâm, không còn lo sợ trước những nguy nan, hoạn nạn đang xảy ra. Đây cũng là hạnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Con người biết rung động trước cái khổ của người khác; có đủ lý trí để hành động đúng đắn và dẫn dắt người khác giải thoát khổ đau; có nghị lực ý chí lớn lao để vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời. Hạnh Vô úy thí đòi hỏi người thí phải thực vững chải, thấy mình và người không khác, có chính kiến trước những mời gọi của dục vọng thế gian. Từ đó mới thong dong đưa cánh tay Vô úy cứu giúp người khác một cách trọn vẹn. Đây là thềm thang tiến lên bậc thánh rồi mới làm Phật.

Tóm lại, để thực hành Bố thí theo đúng nghĩa Ba-la-mật thì căn cứ vào những tấm gương, những công hạnh của Bồ Tát đã làm trong 26 câu chuyện ghi chép trong Lục độ tập kinh, cơ sở để hiểu hơn giáo lý Bố thí của Phật giáo. Bồ Tát hành bố thí là một con đường đi từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ bến mê sang bờ giác, từ phàm phu đến bậc thánh và đạt được quả vị vô thượng Chính đẳng Chính giác. Việc đem của cải vật chất và tinh thần san sẻ rộng khắp cho mọi người mọi loài là nghĩa cử cao đẹp, góp phần gắn kết con người lại gần nhau, dẹp bỏ những ân oán đố kỵ, tham lam, tranh giành lẫn nhau. Đạo Phật như cơn gió mát giữa trưa hè oi bức, là cơn mưa làm dịu cái nóng trưa hè, là bóng cây giữa sa mạc mênh mông hay con thuyền đưa chúng sinh cập bến bờ an vui giải thoát, tránh xa những tăm tối cuộc đời, xóa đi những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh đầy mệt mỏi. Chính vì thế, tu tập lòng từ bi thực hành hạnh bố thí là thể hiện chân thật của tinh thần Bất bạo động.

Con người phát khởi được lòng thương đến với người khác, làm việc thiện lành với tâm thái vô cầu, vô ngã, vị tha là đã nói lên tinh thần yêu hòa bình, bất bạo động. Chỉ khi nào con người sống với tâm ích kỷ, mong cầu nhưng không được thỏa mãn từ đó mới nảy sinh những mâu thuẫn nội tại. Đó là nguyên nhân dẫn đến những cuộc ẩu đả, tranh chấp thậm chí chiến tranh cho nhân loại. Đạo Phật là đạo Từ Bi, đạo của hòa bình. Chất liệu từ bi được biểu hiện trong đời sống hàng ngày như tình yêu thương, sự khoan dung, độ lượng giữa con người với con người, làm cơ sở cho tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, dân tộc ta luôn đề cao và coi trọng việc giữ tình hoà hiếu với các nước, tận dụng mọi cơ hội có thể để giải quyết hòa bình các xung đột, cho dù nguyên nhân từ phía kẻ thù. “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[11]. Phần lớn xung đột chiến tranh là do lòng tham, xuất phát từ cái tôi ích kỷ và muốn dùng bạo lực ép bức người khác phải phục tùng theo những điều phi lý của con người. Nhìn lại quá trình hơn hai nghìn năm từ khi Phật giáo du nhập đến nay, đóng góp của giáo lý Từ Bi và Trí Tuệ được kết tinh dưới một hình thức và được thể hiện rõ nét trong đấu tranh để bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền làm người qua “tinh thần bất bạo động”. Tinh thần đó được Lục độ tập kinh chuyển tải đến người dân Việt Nam thông qua những truyện số 10, truyện 11, truyện 46. Những truyện này có chung một mô típ khá phổ biến, đó là các vị vua (tiền thân Phật) sẵn sàng từ bỏ vương vị, mạng sống của mình để đổi lấy cuộc sống bình yên cho người dân vô tội. Đồng thời, các câu truyện còn làm nổi bật thuyết nhân quả của Phật giáo, làm lành được quả báo lành, làm ác tất sẽ bị trừng trị. Trong khi đó những ông vua gian tà luôn có kết cục không mấy tốt đẹp.

Câu chuyện số 10 trong Lục độ tập kinh kể về vị vua nhân từ tên Trường Thọ (tiền thân Phật) và thái tử tên Trường Sinh (tiền thân A nan); khi vua tham của một tiểu vương nước láng giềng muốn khởi binh xâm chiếm, vì sợ người dân vô tội phải chịu cảnh máu chảy đầu rơi và tiêu hao tài sản, và không muốn “để toàn thân mình mà hại dân chúng thì bậc hiền không làm”. Vua cùng thái tử từ bỏ ngai vàng, vượt thành đến chỗ núi sâu đồng vắng để thiền định. Do vậy vua tham mới vào được nước ấy. Treo thưởng cao cho những ai bắt được vua cũ. Sau vua Trường Thọ bị bắt, trước khi lâm hình, đã dặn con không được trả thù. Người con cuối cùng có cơ hội để giết tiểu vương, nhớ lại lời cha và muốn giữ tròn hiếu hạnh nên đã không giết. Vua tham đã bị tấm lòng từ bi của vua Trường thọ và sự chí hiếu của thái tử Trường Sinh cảm hóa. Nhận ra tính cách gian tà của mình thật đáng sợ bèn trả nước lại cho Trường Sinh rồi trở về nước cũ của mình.

Truyện số 11 nhấn mạnh “tinh thần bất bạo động” qua việc làm của Ba Da (tiền thân Phật) không muốn “vì thân ta một người mà giết thân triệu dân; vì yêu mạng ta  quần áo, thì còn tranh giành gì với ai, mà bỏ đức của trời xuân, giữ sói tàn của lang sói ư ?. Ta thà bỏ mạng sống một đời, chứ không bỏ chí lớn, quên mình để yên ổn quần sinh, đó là lòng nhân bao trùm đất trời vậy”. Vua bỏ ngai vàng, vượt thành trốn vào trong núi, vì muốn giúp cho phạm chí có một khoản tiền thưởng, vua đã phát thệ rằng: “quần sinh ai nguy ta sẽ làm cho an ổn, ai bỏ chân theo tà, ta sẽ khiến quy mạng tam bảo. Nay tôi lấy đầu này để cứu ông hết nghèo, khiến ông vô tội”. Liền rút kiếm tự hủy mình để cứu mạng cho kẻ kia. Việc làm của vua Ba Da khiến dân chúng, quan lại vũ sĩ lớn nhỏ đều nghẹn ngào. Vua nước lân cận than rằng: ta thật vô đạo, tàn hại một bậc nhân từ như trời! Liền bèn lấy thi hài và đầu của vua nhân từ gắn liền lại. Sau lập con của vua nhân từ ấy lên ngôi. Vua nhân từ chết rồi liền sinh lên trời.

Hai câu chuyện nêu lên hình ảnh vị vua khi có giặc xâm lăng đều chọn cách vượt thành trốn đi. Hành động bỏ thành trốn vào rừng của những vị vua nhân từ không phải vì hèn nhát, đó là hành động của một người dũng cảm, dám hy sinh thân mình để bảo vệ đời sống ấm no, thanh bình cho đất nước. “Trong thời đại ngày nay, đã thành một chân lý hiển nhiên không thể chối cãi là phương thức đấu tranh không chỉ là bạo động và thuần túy giới hạn vào bạo động, nghĩa là công khai sử dụng bạo lực, để đối chọi lại với bạo lực, mà còn có một phương thức khác hữu hiệu không kém, đó là phương thức đấu tranh bất bạo động, huy động những biện pháp đề kháng chống lại kẻ thù, mà không cần đổ máu”[12].

Chiến tranh là thứ gì đó rất khủng khiếp, nó làm tan nát trái tim người mẹ già đang trông con về, làm khô dòng lệ của người thiếu phụ chờ chồng và làm tắt lịm nụ cười trẻ thơ. Còn đâu tiếng dế kêu rả rích vào những buổi xế chiều, những bữa cơm yên bình của cả nhà đoàn tụ với nhau, những lời răn đe, dặn dò con cái lo học hành, những lo âu của mẹ khi thấy con cảm sốt, tiếng hàng xóm kêu nhau đi xem nghe hài kịch, tiếng chào hỏi của trẻ nít khi gặp người lớn…trước cái đẹp của vùng quê yên bình,  bất cứ ai có lòng nhân từ, độ lượng cũng có thể hy sinh thân mình để bảo vệ sự bình yên đó.

Kinh Pháp Cú đức Phật dạy:

“Mọi người sợ hình phạt,

Mọi người sợ tử vong,

Lấy mình làm ví dụ,

Không giết, không bảo giết.

Mọi người sợ hình phạt,

Mọi người thích sống còn,

Lấy mình làm ví dụ,

Không giết, không bảo giết.”[13]

Ẩn sâu bên trong người lính dù phe địch hay phe ta đều có trái tim bằng xương bằng thịt, là con người có cha mẹ sinh ra, biết rung động trước cái đẹp và biết đau khi thấy nước mắt của trẻ thơ khóc lên khi lạc mẹ. Chính vì thế, hãy xét lòng mình để nghĩ tới lòng người. Ai cũng sợ gươm đao, nếu sợ gươm đao thì không nên dùng gươm đao để hại người khác. Ai cũng sợ chết, nếu mình muốn sống thì không nên giết hại người khác. Trên tinh thần đó, Kinh pháp cú 5 nhấn mạnh cách chấm dứt hận thù chỉ có thực hành từ bi :

“Hận thù diệt hận thù,

đời này không thể có.

Từ bi diệt hận thù,

là định luật ngàn thu.”

Dùng Từ bi đối diện với những kẻ thù là cách tốt nhất để hóa giải những oan khiên, vay trả. Khi đó chúng ta nhận lại là sự thanh thản trong cuộc sống, gieo nhân thiện lành trong tâm thức chúng ta, đời sau được hưởng quả báo thiện. Nếu dùng tâm hận thù hoặc những phương thức tàn bạo để đáp trả, thì việc trước tiên chúng ta nhận lại chỉ là tâm lý bất an, lo lắng và mất đi những giây phút an nhiên, bình thản trong tâm hồn. Do đó, vua Trường Thọ đã dùng phương pháp “bất bạo động” hình thức hóa giải chiến tranh, biết áp dụng lời dạy của đức Phật vào việc trị nước “lấy lòng từ bi để diệt đi sự bạo tàn của vua tham” mà không gây tổn hại về tính mạng con người, cuối cùng chính tấm lòng nhân hậu đó đã chinh phục được vua tham. Qua hành động vượt thành trốn đi của vị vua trong các câu truyện thể hiện tinh thần yêu hòa bình của Phật giáo. Tinh thần đó được xây dựng trên cơ sở của tình thương xóa bỏ hận thù. Khẳng định phương pháp bất bạo động không phải là sợ hãi, mà chính là biểu hiện sự dũng cảm của một tâm hồn thấm nhuần triết lý từ bi và trí tuệ của Đạo Phật mới có thể hy sinh bản thân, thậm chí cả mạng sống của mình, đổi lấy hòa bình cho đất nước. Đây chính là lòng từ bi được biểu hiện qua tinh thần bất bạo động và yêu chuộng hòa bình.

3. KẾT LUẬN

Giáo lý Từ bi của Đạo Phật phá bỏ tâm niệm tham lam, nhỏ hẹp của mỗi người để có thể mở rộng tâm tư tình cảm của mình đến với nhiều người xung quanh. Giúp con người nhận ra “sống là cho chứ đâu phải nhận, mà cho đi là đã nhận rất nhiều” nhận lại sự thanh thản, rộng lớn bao dung tất cả. cõi lòng thênh thang thì nghiệp thiện sẽ tìm đến bảo vệ họ trước những hiểm nguy đời thường. Khi hành thiện tuy rằng quả báo thiện chưa đến nhưng những tai họa đã tránh xa. Con người sống có tình thương thật sự mới có thể đem an vui đến cho người khác. Đây cũng là truyền thống nhân đạo “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam, yếu tố quan trọng để phát huy đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết rộng rãi và lâu dài, đó là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Trong Lục độ, hạnh bố thí được đặt lên hàng đầu thế nhưng thực hành bố thí sao cho đúng Chính pháp, không đi sai đường cần phải có hàng rào bảo vệ trước những hố sâu vực thẳm. Vậy hàng rào bảo vệ chúng ta trước những hiểm nguy không gì hơn là nghiêm túc chấp trì giới và luật của đức Phật đã dạy.

Tác giả: Trần Thị Thanh
Thành phố Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Cảnh chủ biên (2002), Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập II, Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr.1125.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.66.
3. Thích Quang Nhuận chủ biên (2005), Phật Học Khái Lược tập II, Nxb. Tôn Giáo, tr.75.
4. HT.Thích Thanh Từ dịch giảng (2003), Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, tr.92.
5. Lê Mạnh Thát (1999), Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam I, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.543-544.
6. HT Thích Trí Tịnh dịch (2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Tr.38-39
7. Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập I, Nxb. Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, tr.299.

[1] HT Thích Trí Tịnh dịch (2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Tr.38-39
[2] Minh Cảnh chủ biên (2002), Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập II, Nxb. Tổng Hợp tp. Hồ Chí Minh, tr.1125.
[3] HT.Thích Thanh Từ dịch giảng (2003),Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, tr.92.
[4] Lê Mạnh Thát (1999), Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam I, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.543-544.
[5] Thích Quang Nhuận chủ biên (2005), Phật Học Khái Lược tập II, Nxb. Tôn Giáo, tr.75.
[6] Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội Sđd, tr.287.
[7] Sđd, tr.294-295
[8] Sđd, tr.350
[9] Sđd, tr.293
[10] Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập I, Nxb. Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, tr.299.
[11]  Đảng Cộng sản Việt Nam (2011),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội,  tr.66.
[12] Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội Toàn Tập, tập 1, Nxb. Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, tr. 262.
[13] Pháp Cú 129-130.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường