Tác giả: Nguyễn Thị Hải - Đại học Văn hóa

Tết Thanh minh năm nay tôi trở về quê nhà như bao người con đi xa tìm về nấm mồ tổ tiên. Thế nhưng, giữa khói hương nghi ngút nơi nghĩa trang xã, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nơi đây giờ chẳng khác gì… một công trường xây dựng.

Những phần mộ được dựng lên cao to, nguy nga như những biệt phủ thu nhỏ: nào đá ốp granite, nào mái vòm, cổng rào, thậm chí có mộ dùng cả vật liệu đá hiếm để “trang điểm”. Giữa bức tranh ấy, mộ phần gia tộc tôi từng được xem là khang trang chỉ vài năm trước nay bỗng trở nên “lạc hậu”, nhỏ bé và kém phần nổi bật.

Anh trưởng nói với tôi: "Đấy cô thấy không, nghĩa trang của xã mình bây giờ xây dựng hoành tráng như vầy, khi mồ mả nhà nào cũng cao to, đẹp đẽ như vậy... Nhìn khu mộ tổ ông bà của dòng họ nhà mình thấp bé lè tè anh thấy ái ngại và không đành lòng chút nào. Nhân năm nay cô về quê ăn Tết, anh định bàn với cô cuối sang năm sẽ họp gia đình và tiến hành xây mộ cho các cụ..."

Nghe anh trai nói và đề cập tới kế hoạch xây mộ, trong tôi đã ngay lập tức suy nghĩ không đồng tình, bởi mới chỉ cách đây chừng 6 năm thôi, dòng họ nhà tôi đã tân trang xây dựng lại khu mộ phần.

Sau một phút trầm ngâm, tôi bảo: "Sao lại phải xây mộ khi mà khu mộ phần dòng họ nhà mình mới tân trang lại chưa đầy chục năm, nó vẫn còn chắc chắn, không có dấu hiệu gì là xuống cấp cả".

Chưa kịp để tôi nói hết, anh tôi đã tiếp lời: "Thế cô không thấy các khu mộ xung quanh con cháu người ta đều xây to cao, hoành tráng và vượt hết cả khu mộ nhà mình sao. Cũng giống như người sống, khi các gia đình hàng xóm có nhà cao cửa rộng, bề thế, mình nhà tranh vách đất, nhà thấp bé thì sẽ không đành lòng, mà phải cố lên mà xây dựng cho ngang bằng hàng xóm... Vì thế khi các cụ yên nghỉ ở đây, anh em dòng họ mình cũng sẽ bùi ngùi thấy thua kém hàng xóm khi để mộ phần thấp bé..., vì vậy không thể khác được, sang năm kiểu gì cũng phải xây dựng lại khu mộ cho cao to hơn hẳn hàng xóm..."

Vì anh tôi là trưởng, lại đã quyết như vậy nên tôi cũng đành im, mặc dù như đã nói tôi không hề muốn lao vào trào lưu chạy đua xây mồ mà như hiện tại, bởi ngày khu mộ dòng họ nhà tôi xây lại cũng được xem là hoành tráng, cao to, vậy mà sau mấy năm nó lại thành thấp bé. Rồi tôi tự hỏi, nếu sang năm mình xây mộ tổ to cao hơn hàng xóm, thì liệu các gia đình hàng xóm có chịu, và nếu cứ giữ thói ganh đua thì cuộc chạy đua xây mồ mả sẽ không bao giờ có điểm dừng...?

Sau khi hạ lễ và hóa vàng mã xong, trên đường về nhà, tôi nói với anh trai: "Việc xây mộ là em chỉ góp ý vậy thôi, chứ gì thì gì cũng là do anh cũng như các chú quyết, bởi em là phận gái đâu dám trái lệnh!"

Trong những ngày ở quê, có dịp đi quanh huyện, tôi nhận thấy không chỉ riêng nghĩa trang của xã tôi, mà đại đa số các khu nghĩa trang của nhiều xã khác trong vùng cũng luôn ở trong tình trạng người dân đều ganh đua nhau xây mồ mà cho người chết! Thực ra thì công việc tu sửa xây mộ phần cho người quá cố khang trang, chắc chắn... không có gì đáng nói, thậm chí nó còn được khuyến khích khi mà đó là tấm lòng, sự quan tâm chăm sóc của người sống đối với các thế hệ cha ông.

Tuy nhiên, trào lưu chạy đua xây dựng mồ mả đã kéo theo các gia đình, dẫu mộ phần nhà họ đã vững chãi khang trang rồi, vậy mà chỉ là mộ bé, mộ thấp hơn hàng xóm, nên họ lại phải lao vào xây lại cho ngang bằng, hoặc to cao hơn hàng xóm mới thỏa lòng. Cuộc chạy đua xây mồ mà như vậy sẽ không bao giờ có điểm dừng khi mọi nhà, mọi người sống đều giữ thói hiềm khích, ganh đua theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Tôi nhớ đến lời ông cha xưa: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.” Đất lành là để người sống trồng trọt, cày cấy, nuôi dưỡng sự sống, không phải để trở thành nơi ganh đua hình thức, dù đó là dành cho người đã khuất. Việc tu sửa mồ mả là điều đáng trân trọng, thể hiện tấm lòng hiếu kính, nhưng nếu biến nó thành cuộc thi khoe mẽ, liệu còn giữ được tinh thần hiếu đạo?

Hình ảnh mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

Xây mồ mả: Giữa tín ngưỡng dân gian và tinh thần Phật giáo

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, việc xây mồ mả không chỉ đơn thuần là một hành vi chăm sóc phần mộ, mà còn là biểu hiện của đạo hiếu và niềm tin tâm linh về mối liên hệ giữa người sống và người đã khuất.

Quan niệm “âm phần thịnh thì dương thế vượng” khiến nhiều gia đình tin rằng mộ phần tổ tiên càng khang trang thì con cháu càng phát đạt, bình an. Từ đó hình thành nên tập tục xây mồ mả lớn, đẹp, nhất là trong các dịp như Tết Thanh minh hay cuối năm.

Tuy nhiên, chính vì gắn với yếu tố “tâm linh – phong thủy”, tập tục này cũng dễ bị biến tướng, trở thành cuộc chạy đua hình thức. Việc xây dựng mồ mả vì sĩ diện, vì không muốn “thua kém hàng xóm”, thậm chí vay mượn để xây mộ tổ cho thật bề thế… là biểu hiện lệch hướng của lòng hiếu, khi niềm tin bị dẫn dắt bởi cái "bản ngã" thay vì lòng thành.

Trong khi đó, theo Duy thức học của Phật giáo nhìn nhận sự sống và cái chết theo nguyên lý vô thường và nhân quả. Người mất không thể “an nghỉ” nhờ phần mộ cao to, mà nhờ tâm thức được dẫn dắt bởi thiện nghiệp khi còn sống và bởi sự tu tập, tưởng niệm đúng pháp của người thân sau khi họ mất.

Phật giáo dạy: “Nếu người sống tưởng niệm người chết bằng cách làm điều thiện, hồi hướng công đức, thì đó là sự hiếu kính chân thật.” (Kinh Tăng Chi Bộ, AN 10.177)

Điều này cũng tương đồng với nét đẹp trong dân gian khi người Việt tin rằng con cháu “ăn ở có đức” mới là cách giữ gìn phúc phần tổ tiên. Như vậy, tín ngưỡng dân gian và Phật giáo có thể gặp nhau ở điểm: lấy tâm làm gốc. Nhưng khác nhau ở chỗ, Phật giáo nhấn mạnh vào nội lực chuyển hóa, không cổ vũ cho biểu hiện phô trương vật chất.

Thực hành hiếu kính là chăm sóc phần mộ với lòng thành kính vừa đủ, sạch sẽ, vững chắc và quan trọng hơn là thực hành các thiện hạnh như bố thí, tụng kinh, phóng sinh, hồi hướng phước lành cho người đã khuất.

Một nấm mồ nhỏ nhưng lòng người lớn – ấy là hiếu.

Một ngôi mộ cao nhưng trái tim trống rỗng – chỉ là hình thức.

Hiếu kính không nằm ở độ cao của nấm mồ

Trong Kinh Thi Ca La Việt (Sigālovāda Sutta) – bản kinh căn bản về đạo đức trong gia đình – chỉ dạy: “Người con có hiếu là người biết giữ gìn tài sản, tiếp nối sự nghiệp và làm rạng danh tổ tiên bằng chính đời sống đạo đức của mình.” Lòng hiếu, vì thế, không ở sự bề thế của phần mộ, mà ở sự tiếp nối những giá trị sống tốt đẹp, bằng nghĩa tình, bằng sự chính niệm trong từng hành xử thường ngày.

Xây mộ cho tổ tiên là một nghĩa cử đáng quý nếu xuất phát từ tâm kính trọng và tri ân. Nhưng khi việc ấy bị cuốn vào vòng xoáy ganh đua hình thức, thì lòng hiếu bị khoác lên một chiếc áo xa hoa nhưng rỗng tuếch.

Ở không ít làng quê, đã có những gia đình phải vay mượn, bán đất, thậm chí tranh chấp nội bộ chỉ để dựng nên một ngôi mộ “không thua ai”. Hậu quả là người sống thì nghèo thêm, bất an hơn, còn phần mộ kia dù hoành tráng cũng không làm ấm lòng người đã khuất.

Phật giáo dạy rằng: “Hiếu thuận là nền tảng của mọi thiện pháp.” Nhưng thiện pháp không sinh khởi từ sự hơn thua, mà từ tâm khiêm cung và biết đủ. Một nấm mồ vừa vặn, một bàn thờ có hương khói và một đời sống tử tế của con cháu đó mới chính là sự báo hiếu chân thật.

Hiếu không cần ồn ào. Hiếu là sự lặng lẽ quay về chăm sóc đời sống tinh thần cho chính mình và người thân. Là khi ta sống ngay thẳng, làm việc lương thiện, giữ gìn danh dự gia tộc bằng cách không làm điều xấu, không buông theo dòng đời ganh đua.

Giữ lòng hiếu kính bằng trái tim tỉnh thức

Trong Kinh Tăng Chi Bộ (AN 1.57) có dạy: “Có hai điều khiến người sống được tán thán và chư thiên hoan hỷ: hiếu dưỡng cha mẹ và kính thờ tổ tiên đúng pháp.”

Đúng pháp – không phải là lễ lạy hình thức hay những phần mộ to lớn, xa hoa. Mà là những việc làm phát xuất từ tâm kính trọng thật sự, không phô trương, không tô vẽ, không vì danh vọng hay sĩ diện. Đó là khi lòng hiếu được đặt trên nền tảng của chính niệm và tỉnh thức – biết đâu là đủ, biết đâu là đạo, biết dừng lại trước ranh giới của phù phiếm.

Một nén hương thắp lên với tất cả sự chân thành, một bát cơm cúng giỗ không cần cao lương mỹ vị, nhưng đầy ắp tình nghĩa, có khi lại khiến người đã khuất cảm động hơn cả một nấm mồ dát đá đắt tiền. Mỗi hành động thiện lành nơi cõi trần – sống có nghĩa, biết yêu thương, không làm điều xấu – chính là hình thức báo hiếu cao nhất.

Trước khi quyết định xây lại phần mộ tổ tiên cho “bằng chị bằng em”, hãy tự hỏi: “Mình đang làm điều này vì lòng hiếu thật sự, hay vì sợ bị đánh giá thấp trước người đời?

Một ngôi mộ vững chãi, gọn gàng, có người hương khói đều đặn – ấy đã là viên ngọc sáng giữa lòng đất mẹ, là biểu hiện đủ đầy của lòng tưởng nhớ và tri ân sâu sắc.

Hiếu không cần phải gào to. Hiếu là hành động thầm lặng, nhưng lay động được lòng người. Là sống mỗi ngày sao cho xứng đáng với công đức tiền nhân, để khi nhìn lại, ta không thấy ân hận, và khi nhắm mắt, cha mẹ ông bà cũng có thể mỉm cười nơi chốn an lành.

Tác giả: Nguyễn Thị Hải - Đại học Văn hóa