Tác giả: Quế Lâm

1. Dẫn nhập

Sau ngàn năm Bắc thuộc, lịch sử dân tộc chuyển sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự chủ. Giai đoạn này, Lý - Trần là hai triều đại hào hùng oanh liệt, rực rỡ và đẹp đẽ nhất trong thời đại phong kiến Việt Nam, cũng là thời kì hưng thịnh và vượt trội về nhiều phương diện. Có thể nói đây là dấu ấn vàng son rực rỡ trong ngàn năm gấm hoa văn hiến. Cùng với sự phát triển chung, những giá trị văn hoá bắt đầu được tiếp nhận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, góp phần kiến tạo nền móng cho một giai đoạn thăng hoa trí thức dân tộc. 

Xuôi theo dòng chảy thời cuộc, các tư tưởng mới bắt đầu xuất hiện và thay thế những triết lí bảo thủ mà sự thay đổi về nhận thức hệ trong tinh thần hiếu đạo của nhân dân ta trong đoạn thời gian đó là minh chứng cho sự chuyển mình và phát triểu của một dân tộc tự lập, tách biệt khỏi ngoại tộc phương Bắc.

Ảnh: St
Ảnh: St

Bài viết xin sơ lược vài nét khắc hoạ sự thay đổi trong nhận thức dân tộc về tinh thần hiếu đạo so sánh giữa hai thời kì: giai đoạn Bắc thuộc và giai đoạn độc lập (lấy thời Lý - Trần làm tiêu biểu).

2. Giai đoạn Bắc thuộc (tính tới năm 938)

Bối cảnh xã hội

Suốt giai đoạn đàn áp phương Nam, nội bộ Bắc triều cũng trải qua những thăng trầm, thay đổi và tiếp nối của các triều đại. Tuy nhiên các vương triều này đều bảo trợ Nho giáo trong giáo dục và triều chính. Lí do vì các tư tưởng và triết lí của nó tạo ra hệ thống tôn ti, trật tự, lễ giáo, phục vụ cho quyền lực và sự thống trị của chế độ phong kiến mà vị trí của vua là độc tôn. Nói cách khác, giai cấp thống trị chính thống hoá quyền lực của mình dựa vào Nho gia, cũng sử dụng học thuyết này như công cụ để chèn ép, cai trị và đàn áp những người tầng lớp dưới. 

Nhà nước phương Bắc cũng dùng chính sách này trong quá trình thu phục các nước nhỏ hòng sát nhập vào lãnh thổ của chúng. Suốt thời gian lệ thuộc, văn hoá Trung Hoa đã xâm nhập Việt Nam bằng nhiều con đường, có mềm mại bằng thương mại cưới gả, có cứng rắn bằng quan lệnh của tầng lớp cai trị. Vì thế, nhân dân chịu ảnh hưởng sâu sắc và bị động những yếu tố Hán trên các phương diện đời sống.

Tinh thần hiếu đạo giai đoạn Bắc thuộc: Rập khuôn tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc

Dưới bối cảnh đó cùng với sự quyết liệt của chính sách đồng hoá, dân ta bị động cưỡng ép phải tiếp nhận những tư tưởng, phong tục, ngôn ngữ, triết lí, tôn giáo… trong đó quan trọng và không thể thiếu nhất chính là học thuyết Nho giáo.

Không khó hiểu nên thời kỳ này, tinh thần hiếu đạo mang nặng tư tưởng Nho.

Quan điểm cối lõi của Nho gia xoay quanh Tam Cương – Ngũ Thường – Tam Tòng – Tứ Đức. Hệ thống triết lý về nghĩa vụ và trách nhiệm của kẻ dưới dành cho bề trên, của quân – thần; đề cao tôn ti trật tự trong xã hội mà quyền lực và quyền lợi của tầng lớp trên được bảo vệ tối đa; được xem như khuôn khổ đạo đức và tiêu chí đánh giá nhân phẩm, đã thành công kìm hãm tư tưởng và đè nén phản kháng của dân chúng thời kỳ này, trong đó có quan niệm và cách thể hiện lòng hiếu.

Hình vẽ trong Hiếu Kinh, bản vẽ thời nhà Tống
Hình vẽ trong Hiếu kinh, bản vẽ thời nhà Tống

Hiếu kinh viết: “ …Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân.”

Mạnh Tử cho rằng: “Bất hiếu có ba, không người nối dõi là tội lớn nhất.”
Trong Luận ngữ, Khổng Tử bình luận: “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm với cấp trên là rất hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm phản loạn là không có.”

Từ những lập luận đậm tính đàn áp này cho thấy dã tâm triệt tiêu từ trong trứng nước những tư tưởng phóng khoáng tự do, thể hiện chính kiến cá nhân mà cổ suý sự phục tùng, vâng lời. Đề cao việc hy sinh cá nhân để tận tuỵ với giai cấp thống trị - được đánh tráo khái niệm là “trung với nước, làm rạng danh tổ tông”. Lòng hiếu giai đoạn này cũng tước đoạt quyền lợi và cảm xúc cá nhân khi mà nam nữ không được tự định thân mà buộc phải “nghe lời cha mẹ, theo ý sắp xếp của trưởng bối”.

Cho dù cuộc hôn nhân có không hòa hợp thì vợ chồng cũng tối kỵ việc li hôn vì sẽ làm mất mặt gia đình. Trách nhiệm lớn nhất của người phụ nữ trong cuộc hôn nhân là sinh hạ con trai cho nhà chồng. Không làm được điều này, bị gọi là bất hiếu, bị gia đình khinh nhục, xã hội coi thường. Ngoài ra, nuôi dạy con cái, hầu hạ cung phụng nhà chồng cũng là áp lực đè nặng lên vai người phụ nữ Việt Nam thời kì phương Bắc đô hộ. 

Tóm lại, dưới ảnh hưởng của tình hình chính trị đương thời, hình thái xã hội và quy chuẩn đạo đức hoàn toàn bị rập khuôn thể chế Bắc triều. Theo đó, tinh thần hiếu đạo thời kỳ này dẫu cũng có vài giá trị nhân văn đáng học hỏi, nhưng lại mang nặng tính giáo điều, dễ biến thành công cụ cho giai cấp trên thao túng và kiểm soát tầng lớp thấp hơn, tiềm ẩn mối nguy hiểm kìm hãm sự phát triển của dân trí và xã hội. 

3. Giai đoạn Lý – Trần (1010 – 1400)

Bối cảnh xã hội

Xét về thời gian, dân tộc đã thoát khỏi ách thống trị phương Bắc, ở vào thời thái bình thịnh thế. Tuy nhiên việc bị cai trị và đồng hoá trong ngàn năm để lại hậu quả và di chứng kéo dài. Vấn đề này khó lòng giải quyết trong một thời gian, thực tế, cả hai vương triều Lý – Trần đều thực hiện chính sách ngoại giao vừa mềm dẻo vừa cương quyết với Bắc địa. Điều này dẫn đến tình trạng đất nước chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa văn hoá của Trung Quốc đồng thời nỗ lực vận động phát triển theo hướng dân tộc hoá. 

Tiếp nối tiền triều, thời Lý – Trần mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc. Từ đây tập trung vào việc xây dựng đất nước về kinh tế chính trị xã hội và phục hưng các giá trị dân tộc. Đây là giai đoạn cho thấy sự chuyển mình của dòng chảy tư tưởng từ phụ thuộc vào văn hoá Trung Hoa sang tự sáng tạo và phát triển những tư tưởng và văn hoá nội tại. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của tinh thần phương Nam. 

Tinh thần hiếu đạo thời kỳ này cũng bắt đầu ghi nhận những sự thay đổi đầu tiên.

Tinh thần hiếu đạo giai đoạn Lý – Trần: Vận động phát triển theo hướng dân tộc hoá

Cùng với sự bùng nổ và thăng hoa của dân tộc về các mặt đời sống, nhu cầu thể hiện sự độc lập chủ quyền đất nước, tự cường văn hoá là nền tảng và động lực để tư tưởng dân tộc phát triển tách khỏi văn hoá Hán. Sự vận động này thể hiện ở các yếu tố: 

  1. A. Sự du nhập và phát triển Phật giáo

Đạo Phật du nhập vào nước ta khá lâu trước khi dân tộc thoát khỏi Bắc thuộc (thời kì đầu Tây lịch). Tuy chưa phát triển nổi bật nhưng đã nhen nhóm và tác động vào tầng lớp nhân dân những niềm tin và tư tưởng lạc quan, khiến đông đảo dân chúng tin rằng thời kỳ đô hộ không thể nào kéo dài mãi, rằng người Việt sẽ có ngày được độc lập, tự do. Trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại tộc xâm nhập và bị đàn áp tư tưởng bằng thuyết Nho học, việc chấp nhận và ủng hộ Phật giáo là thái độ phản ứng lại giai cấp thống trị ngoại lai và chuẩn bị cho khởi nghĩa và lật đổ ách đô hộ. 

Tới thời kì tự chủ, đạo Phật càng nêu bật tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân. Hình thái xã hội thời kỳ này là nguyên nhân khách quan khiến Phật giáo thời Lý – Trần mang tinh thần dung hợp và nhập thế cao.

B. Sự hội nhập văn hoá

Dưới quan điểm chính trị cởi mở của nhà nước Lý – Trần, Đại Việt vẫn giữ quan hệ với Bắc triều theo tinh thần linh hoạt cương nhu kết hợp, đồng thời mở rộng và giao hảo với vương quốc phía Nam (Chămpa). Chính đường lối ngoại giao phong phú và cởi mở nay giúp các luồng tư tưởng khác nhau có cơ hội được va chạm và hoà trộn. Do đó, những triết lí nặng nề và đậm tính kìm kẹp của Nho gia được nhân dân dung hoà với tinh thần từ bi của đạo Phật và tính quân bình, thuận theo tự nhiên của đạo giáo cùng với các tín ngưỡng và tập tục địa phương.

  1. C. Tư tưởng giáo dục

Trên cơ sở muốn phát triển một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và tách khỏi sự ảnh hưởng phong kiến phương Bắc, Lý – Trần triều tiếp thu và chọn lọc những tinh hoa tiền triều, sáng tạo và cải cách tổ chức giáo dục, làm nền tảng cho cải cách tư tưởng cho các thế hệ sau. Chú trọng thúc đẩy mô hình tam giáo đồng nguyên nhằm tạo ra một tầng lớp trí thức có suy nghĩ linh hoạt, có thể ứng phó với mọi tình thế thời cuộc mà không chịu vây hãm bởi những khuôn phép bảo thủ của Nho học.

Do những yếu tố trên kết hợp, cùng thời đại thái bình, nhân dân ta đã dần rũ bỏ sự cam chịu, thể hiện bản ngã nội tại tách biệt với văn hoá phương Bắc. Phong thổ dưỡng nhân, người Nam ta từ xưa vốn thiện lương thuần hậu. Tính cách chân phương hào sảng, phóng khoáng cởi mở. Bản tính này vốn phù hợp với tinh thần Phật giáo, sau ngàn năm đàn áp, ngoại tộc vẫn không thể triệt tiêu bản chất của dân tộc ta mà được nhân dân ẩn giấu, âm ỉ như lửa vùi trong tro tàn, triều Lý – Trần là giai đoạn chín muồi nhất để ngọn lửa bùng cháy mà tinh thần hiếu đạo là một trong những ngọn lửa cháy mạnh mẽ nhất. 

Cùng là chữ hiếu, đức Phật dạy rằng cách hành xử căn bản của con người là việc biết ơn và đền ơn. Kinh Tăng Chi I viết người biết ơn là một trong ba hạng người hi hữu trên thế gian. Bốn ơn căn bản mà người Phật tử phải ghi nhớ và đền đáp là ơn Cha Mẹ; ơn Tam bảo, ơn Quốc gia, ơn chúng sinh. Trong đó, ơn Cha Mẹ là căn bản và phổ biến nhất.

So với Nho gia, đức Phật dạy cách đền đáp đúng đắn và ý nghĩa nhất của người con đối với cha mẹ ngoài việc báo ân cha mẹ theo năm cách như kinh Thiện Sinh (nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn mọi bổn phận người con, giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời - Trường Bộ kinh IV) còn phải khuyến khích cha mẹ phát tâm hướng thiện và sống đời sống chính kiến thanh tịnh. 

Chữ hiếu của đạo Phật và hệ thống triết lí của tôn giáo này va chạm rất mạnh với những quan điểm Nho học và gây ra xung đột rất kịch liệt. Các nhà Nho quyết liệt công kích và áp đặt rất nặng nề rằng những người tu học theo Phật giáo là bất hiếu(*) – giáng một đòn mang tính huỷ diệt về thanh danh và tương lai của họ. Phải biết rằng trong thời đại trọng hiếu nghĩa đến mức cực đoan, những người mang danh bất hiếu bị xem như đóng cửa với quan lộ và tương lai, thậm chí có thể đối diện với những án phạt. Nhưng dưới sự bảo hộ của triều đình, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển và dẫn dắt tâm thức của nhân dân ta tách khỏi những thiên kiến sai lầm của Nho gia. 

Với Nho gia, chữ hiếu dù mang nặng hình thức nhưng cũng chỉ là hiếu trong thế gian, là sự bao biện đẹp đẽ để che mắt người thế tục và vỗ về cái tôi kiêu mạn của con người. Trong khi đó, chữ hiếu trên tinh thần Phật giáo bao gồm cả hiếu đạo xuất thế, là sự cứu độ nhân gian và các cõi tâm linh, là hiếu đạo trọn vẹn rốt ráo nhất.

Các vị vua Lý- Trần cũng nhận thấy tinh thần siêu việt của đạo hiếu trong nhà Phật , nên đã tích cực bảo trợ cho sự phát triển Phật giáo thời kỳ này. Chữ hiếu theo tinh thần Phật giáo nhờ vậy gieo vào lòng dân tộc ta như một hạt mầm tương thích với thổ nhưỡng, trỗi dậy quật cường và lan truyền đầy sức sống. 

Ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, lễ Vu Lan lần đầu được nhắc đến vào năm 1118 (triều Lý Nhân Tông): “Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên, bách quan dâng biểu mừng vì là gặp ngày lễ Vu Lan bồn của Linh Nhân hoàng thái hậu.”

Kể từ năm 1128, các triều đại đều tổ chức lễ Vu Lan như một quốc lễ truyền thống. 

Không dừng lại ở đó, Phật giáo không chỉ cứu độ cha mẹ mà còn giáo hoá cả những hữu tình khác. Ngài Pháp Lâm đời Đường viết: “Kinh nói rằng: nghiệp thức luân hồi, chúng sinh trong sáu nẻo đâu chẳng phải là cha mẹ, sinh tử chập chùng, trong ba cõi làm sao phân biệt được kẻ oán người thân. Lại nữa trong kinh cũng nói: vô minh che lấp mắt tuệ, đến đi trong sinh tử, gây tạo nhiều hạnh nghiệp, nên cha con đổi vị cho nhau, oan gia trở thành bằng hữu, bằng hữu trở thành oan gia, do vậy bậc sa-môn bỏ tục theo chân… xem chúng sinh như cha mẹ của mình.” Gia nhập Tăng đoàn, đối với mỗi vị xuất gia phần thì tu trì để hồi hướng phước báu cho cha mẹ, phần thì khuyến hóa cha mẹ tu tập theo chính pháp hầu thoát khỏi sinh tử luân hồi đây mới là cách báo hiếu ý nghĩa nhất.

Vương Minh Quảng, một bậc trí thức Phật giáo ở Bắc triều nhận định: “Về hiếu đạo của bậc sa-môn, trên thuận với chư Phật, kế đến là đền đáp bốn ân, dưới cứu độ hàm thức, khi ba điều này được thực hiện một cách nhiệt tâm thì đó chính là đại hiếu.”

Tổng kết

Khởi nguyên từ buổi đầu dựng nước, tư tưởng và hồn cốt dân tộc luôn vận động và lưu chuyển để không ngừng để đưa đất nước tiến lên cao hơn trong bậc thang văn minh. Những yếu tố hình thành tính cách và tư tưởng dần được thay đổi để phù hợp với mục tiêu bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền cũng như bản sắc dân tộc. Sự khác biệt về khái niệm chữ hiếu trong đoạn thời gian Bắc thuộc tới thời Lý-Trần là một đoạn nhỏ nhưng nhiều sự tương phản để dễ dàng nhận ra tinh thần hiếu đạo đã thay đổi từ bị động tiếp nhận sang tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa, từ tư tưởng Nho giáo phương Bắc sang hướng về tinh thần hiếu thuận mang ảnh hưởng Phật giáo, từ duy trì khuôn mẫu sang chuyển hoá và phát triển, dần tách ra khỏi giáo điều hình thức.

Sự thay đổi này không thể trong một hai năm có thể nhận thấy khác biệt, mà là hành trình từng ngày dung hòa và chuyển hóa để ngàn năm sau hậu thế nhìn lại, để thấy mỗi hành động nhỏ trong quá khứ đều mang tầm vóc thời cuộc và gánh ý nghĩa thay đổi lịch sử.

Càng trân trọng nỗ lực của muôn triệu tiền nhân không tên, không có họ, có thể sự thấu hiểu và cảm nhận về tinh thần hiếu đạo của dân tộc ta sẽ không được trọn vẹn hoặc sẽ gặp nhiều biến cố, trúc trắc hơn.

Tác giả: Quế Lâm

--

Tham khảo

1. Nguyễn Công Lý, Mấy đặc điểm văn học Lý – Trần, Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, H, số 2, 2001

2. Hoàng Thu Trang, Quan niệm của Nho giáo về “Hiếu” & ảnh hưởng của quan điểm đó trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay, 2013, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.

3. Thích Đồng Thành, Chữ Hiếu trong Nho giáo và Phật giáo, Tập san Pháp Luân 17, 2017

4. Nguyễn Huệ Chi, Hiện tượng hội nhập văn hoá dưới thời Lý - Trần nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu, 2014

5. Vũ Đăng Minh, Phật giáo thời Lý – Trần với tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân, 2024 

6. Ng. Phan Thị Thuỳ Dung, Tư tưởng giáo dục thời Lý – Trần & bài học lịch sử của nó đ/v sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay, 2019, luận văn tiến sĩ, Trường ĐH KHXH&NV HCM.

7. Nguyễn Văn Thành, Suy nghĩ về tiếp biến văn hoá Phật giáo thời Lý – Trần, Nguyệt san Giác Ngộ, 2018

8. Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, kỷ nhà Lý, quyển II.