Tác giả: Võ Đào Phương Trâm

Hằng năm, cứ bước sang tháng Bảy âm lịch, người ta lại nhớ đến mùa Lễ Vu Lan, mùa của tình thương, sự hiếu hạnh và cũng là dịp để tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất. Đây vốn được xem là nét đẹp văn hóa mang giá trị tâm linh tín ngưỡng và giàu tinh thần nhân văn, hướng thiện của dân tộc Việt Nam.

Mùa Vu Lan về, tôi vẫn có thói quen đến Chùa như một phong tục thường niên, ngôi Chùa thân quen tọa lạc trong một con hẻm ở quận Gò Vấp, đây là nơi tôi vẫn thường lui đến. Hôm nay, ngôi Chùa được trang trí nhiều dãy cờ rực rỡ, những khóm hoa tươi, những tấm băng rôn mừng Lễ Vu Lan được treo trước cổng Chùa, làm cho những ai khi bước chân vào nơi đây đều cảm nhận một không gian thiền môn ấm cúng và đầy an lạc. Những dòng chữ viết về ngày Lễ Vu Lan đã khơi dậy một cảm xúc ấm áp và thiêng liêng về tình mẫu tử, tình thương của gia đình, đôi khi vì sự tất bật, vội vã, đã bị lãng quên.

Ảnh: St
Ảnh: St

Khi bước vào cổng Chùa, lòng tôi thanh thản bởi không gian xanh mát của những tàng cây, những mỏi mệt, ngổn ngang đường trần như không còn vướng bận trong tâm những người bước vào nơi cửa Phật, tôi lặng lẽ đi đến từng nơi đảnh lễ và dâng nén hương cầu nguyện bình an cho mình và cho những người thân quyến.

Việt Nam ta là đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính cha mẹ từ ngàn xưa. Lễ Vu Lan được xem là ngày Lễ thiêng liêng của những người con đối với bậc sinh thành, đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng tình mẫu tử, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của đấng sinh thành mà làm những việc hiếu nghĩa. Lễ Vu Lan tiếng Anh là “Parents' Day” hoặc “Yulan Festival”, diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, trùng với Tết Trung nguyên và ngày lễ Xá tội vong nhân. Đây là ngày lễ quan trọng của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và trong phong tục, văn hóa Á Đông. Lễ Vu Lan 2024 năm nay rơi vào Chủ nhật, ngày 18 tháng 8 dương lịch. 

Theo Kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời đức Phật, Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong mười vị đệ tử xuất chúng của đức Phật.

Với ý nghĩa giải thoát, cúng giỗ vong hồn, Lễ Vu Lan còn được xem là ngày cầu siêu cho vong linh trong đạo Phật, hồi hướng công đức cho người đã mất. Vì vậy nhân mùa Lễ này, một số gia đình sẽ đến chùa cầu siêu cho người đã khuất.

Ngày Lễ Vu Lan để mỗi người con nhớ đến sự hy sinh, tình thương bao la và công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, trong ngày này, khi đến chùa, người ta sẽ được cài hoa hồng đỏ khi còn mẹ, hoa hồng trắng cho người không còn mẹ, đó như một lời nhắc nhở mỗi người con phải biết tôn kính, quý trọng và yêu thương cha mẹ trong những ngày người còn sống hay đã khuất.

Nghi thức bông hồng cài áo là một nghi thức cao quý trong dịp Lễ Vu Lan, bắt nguồn bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh. 

Trước năm 1962, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thực hành thiền tại Nhật Bản, trong một ngày khi ông đến một nhà sách nhân ngày Ngày của Mẹ (Mother’s Day - ngày lễ truyền thống được kỷ niệm ở nhiều nước Âu, Mỹ), ông được một cô gái cài hoa hồng trắng lên ngực áo, sau khi hỏi về ý nghĩa, ông mới biết rằng đó là nghi thức để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với đấng sinh thành.

Chính vì ý nghĩa thiêng liêng mang hàm ý tri ân, khơi dậy đạo lý kính trọng đối với ông bà tổ tiên, cha mẹ. Ngày Lễ Vu Lan còn được xem là ngày để mỗi người nhớ về công ơn và sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ, của những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã dành cả đời cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, dù phải đối mặt với những mất mát lớn lao.

Vì ý nghĩa nhân văn cao đẹp nên trong ngày Lễ Vu Lan, người ta thường ăn chay, niệm Phật, nói với nhau bằng những lời ái ngữ, phát nguyện làm những điều lành như bố thí, cúng dường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, phát cơm từ thiện, nhiều nơi tổ chức những chuyến hành hương cho người dân, phật tử đến viếng chùa và làm công đức ở những vùng sâu, vùng xa như xây cầu, làm đường, sửa chữa nhà…Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa cũng được một số tỉnh thành phối hợp cùng với các tự viện tổ chức cùng nhiều hoạt động tri ân khác.

Lễ Vu Lan ngày nay không chỉ gói gọn trong phạm vi Phật giáo mà đã lan tỏa và trở thành hoạt động mang tính văn hóa dân tộc, đề cao tình thương và sự gắn kết với gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, gìn giữ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Dù trải qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu vẫn luôn là một trong những ngày lễ quan trọng của dân gian và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống tinh thần của đa số người dân Việt. Ngày Lễ nhắc nhở chúng ta dù có đi đâu, dù có làm gì cũng vẫn nhớ về cha mẹ bởi trong mắt cha mẹ, chúng ta vẫn luôn là những người con còn nhỏ, và tình thương cha mẹ dành cho chúng ta chưa bao giờ vì năm tháng mà vơi đi. Mỗi người con dù có tất bật thế nào, dù đã khôn lớn ra sao nhưng hãy nhớ về cha mẹ, hãy thương yêu, quan tâm và phụng dưỡng cho đấng sinh thành bằng tình thương sâu sắc nhất. “Hãy trân trọng đóa hoa hồng đỏ khi còn cha mẹ”, hãy luôn nhớ đến cội nguồn, đó mãi là thông điệp ý nghĩa giàu tính nhân văn về tình cảm gia đình mà ai cũng mong được duy trì và gìn giữ.

Mùa Vu Lan về, mong những tấm lòng thiện nguyện sẽ chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời khó khăn, cùng tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ, tình thương và lòng từ bi của mỗi người sẽ mãi lan tỏa tâm lành để mang điều ấm áp đến cho người với người, để mùa Vu Lan luôn đong đầy tình thương yêu và lòng hiếu đạo.

 

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm