Dù trong bất cứ xã hội nào hay thời đại nào, tinh thần hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và khích lệ. Đặc biệt, đối với Phật giáo, hiếu đạo chính là chuẩn mực đạo đức của đời sống phạm hạnh.
Tác giả: Thích nữ Niệm Huệ
Tóm tắt
Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa là một trong những tác phẩm Hán Nôm của Hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1939) – một trong những nhân vật tiên phong và có công rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Ngoài phần diễn nghĩa tác phẩm Hán văn Khuyến phát Bồ đề tâm văn của Đại sư Tỉnh Am, Hòa thượng Từ Phong còn ghi lại lời cảnh tỉnh khuyên tu của chư vị tiền bối, đặc biệt Hòa thượng còn biên soạn một số bài văn nói lên quan điểm của mình nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo, chỉnh đốn Tăng-già, hoàn thiện nhân cách đạo đức cho hàng tăng ni và phật tử.
Trong đó, đáng chú ý nhất là tinh thần hiếu đạo của người xuất gia được Hòa thượng trình bày khá chi tiết, không chỉ hiếu kính đối với cha mẹ hiện đời mà cả cha mẹ nhiều đời, các bậc Sư trưởng thế gian và xuất thế gian.
Từ khóa: Hòa thượng Từ Phong, tinh thần hiếu đạo, người xuất gia, Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa
Dẫn nhập
Nói về đạo hiếu của người con đối với cha mẹ, ca dao Việt Nam có câu:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con!
Đó là bài học đạo lý có giá trị vĩnh viễn muôn đời của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là chỉ sáu chữ “một lòng thờ mẹ kính cha” khá cô đọng và hơi mang tính trừu tượng thì chúng ta có thể hiểu và thực hành thế nào “cho tròn chữ hiếu” đúng với “đạo con”? Đặc biệt, đối với một người con đã đi xuất gia thì thế nào mới gọi là “tròn chữ hiếu”?
Thông qua tác phẩm Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa, Hòa thượng Thích Từ Phong sẽ cho chúng ta thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia cần phải làm những gì “cho tròn chữ hiếu” của người xuất gia.
1. Hiếu kính với cha mẹ hiện đời
Bàn về tư tưởng hiếu đạo, giới nghiên cứu thường thảo luận theo hai hướng tiếp cận từ Nho giáo và Phật giáo. Nói đến hiếu đạo của Nho giáo, không thể không nhắc đến Hiếu kinh của Khổng Tử.
Trong chương “Khai tông minh nghĩa” thuộc Hiếu Kinh, Khổng Tử nói rằng: Hiếu là gốc của đức, mọi sự giáo hóa đều bắt đầu từ hiếu. Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ không dám hủy thương, đó là chỗ bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, lưu danh ở đời để cho cha mẹ được vẻ vang, đó là yêu cầu tối cao của hiếu. Hiếu bắt đầu ở chỗ phụng dưỡng song thân, rồi đến trung với vua, cuối cùng là lập thân(1).
Đối với Phật giáo thì không hẳn như vậy, hiếu đạo theo tinh thần Phật giáo bao hàm cả hai phương diện hẹp và rộng. Trong phạm vi hẹp, hiếu đạo là phụng dưỡng cha mẹ, cung kính cha mẹ hiện đời thể hiện qua cả hai phương diện vật chất và tinh thần.
Theo lời Phật dạy trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, để đền đáp thâm ân của cha mẹ không gì hơn là người con phải thực thi 5 điều: 1. Cung kính và vâng lời cha mẹ, 2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, 3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình, 4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại, 5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời(2). Nếu ai thực hiện đủ những điều ấy đã được xem là một người con có hiếu, tuy vậy, Hòa thượng Từ Phong vẫn nhắc nhở chúng ta rằng:
“Cha mẹ là trời đất của con, mỗi người sinh trong trần thế đây, … nhờ cha mẹ thụ tạo thân này, mượn các duyên kia, đất nước lửa gió, mà làm nên căn mạng này, sinh đặng thân ra đây, ân nghĩa nặng như non cao, tình mẹ sâu như biển thẳm ... Mười tháng cưu mang, đức sánh trời, ba năm bồng ẵm, ân tề đất, dời con lại chỗ khô, mẹ tránh qua chỗ ướt, gắng ăn cay nuốt đắng, có sữa ngọt cho con nó bú” (3).
Ý đoạn văn trên muốn nói công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cao sâu vời vợi, ân đức ấy ví như trời cao đất rộng, sự đền ân đáp nghĩa của người con không thể nào trùm khắp được.
Đối với ân tình sâu nặng ấy, trong Kinh Vu lan và Báo hiếu, Đức Phật dạy rằng: Dù cho người con hai vai cõng cha mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu di, hoặc gặp cơn đói rét mà dâng hết thân này để nuôi cha mẹ, hay khoét thủng song ngươi để đền đáp công ơn cha mẹ cũng không thể nào sánh đủ(4). Vậy làm sao có thể đền đáp một cách đầy đủ đối với thâm ân của cha mẹ? Trong Kinh Tăng chi bộ, đức Phật dạy rằng:
“Này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích hướng dẫn, an trú vào trí huệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha” (5).
Ngoài ra, trong Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, đức Phật cũng có dạy cho hàng phật tử sáu phương thức báo ân cha mẹ như sau:
Truyền bá chính pháp để báo ân cha mẹ.
Vì cha mẹ, chuyên tâm đọc tụng và học hỏi kinh điển.
Vì cha mẹ, sám hối, tránh giết hại sinh vật.
Vì cha mẹ, cố gắng thực hiện việc ăn chay.
Vì cha mẹ, cúng dường Tam Bảo những vật nhu yế
Vì cha mẹ, thường bố thí, làm các việc phước thiện(6).
Qua lời Phật dạy trong hai bài kinh trên, chúng ta thấy quan điểm hiếu đạo của Phật giáo không đặt nặng vấn đề cung phụng vật chất mà chú trọng về phương diện hướng dẫn tâm linh để giúp cha mẹ tu tập giải thoát. Bởi vì trong Kinh Phật thuyết hiếu tử, Đức Phật dạy rằng: Người con dù cho dùng thức ăn ngon và y phục tốt đẹp để phụng dưỡng cha mẹ, nhưng nếu “không thể hướng dẫn cha mẹ đến với Tam Bảo thì tuy có hiếu dưỡng cũng giống như bất hiếu”(7).
Theo lời Phật dạy, người con Phật muốn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách tốt đẹp, không những phải hết lòng chăm lo cho cuộc sống hiện tại của cha mẹ một cách đầy đủ, tận tâm tận lực, mà còn phải biết tự mình tu tập, thể hiện một đời sống có chính kiến, có giới đức, có từ tâm, có trí huệ để khuyến khích, giúp cho cha mẹ nhận ra lợi ích của nếp sống chân chính hiền thiện để nỗ lực tu hành.
Người con chí hiếu phải biết dùng phương tiện thiện xảo để khuyên cha mẹ kính tin Tam Bảo, ăn chay niệm Phật, làm lành lánh dữ, nguyện cầu sinh về cảnh giới an vui. Sau khi cha mẹ qua đời, phải tụng kinh bái sám, bố thí cúng dường, thay thế cha mẹ tu tạo công đức, hồi hướng cho cha mẹ thoát khỏi tam đồ bát nạn, không bị trầm luân trong vòng luân hồi sinh tử khổ đau.
Đó là phương pháp báo hiếu hoàn hảo nhất mà đức Phật đã dạy chung cho tất cả những ai muốn thực hành đạo hiếu một cách trọn vẹn theo tinh thần Phật giáo. Riêng đối với hàng xuất gia đệ tử Phật, nếu ai không thực hành hiếu đạo theo đúng lời Phật dạy như thế sẽ bị Hòa thượng Từ Phong quở trách rằng:
“Ngày nay chúng ta khôn lớn rồi, cha mẹ cho xuất gia tu hành, xưng là Phật tử, đứng trong bậc Sa-môn, cha mẹ không cúng miếng ngon vật tốt chi ... Sô sa lụa thêu không có một tấc che cho cảnh thân hình cha mẹ. Đến ngày đối cuộc tử hậu rồi, không hiểu làm kế chi để thần hồn cha mẹ cõi thượng giới, đấng làm đạo nhân tử cớ gì bạc đãi cha mẹ như thế. … Ở thế tình niệm không rồi, xuất gia đạo niệm không toàn, hai đường đều thất hết, tội trọng này thật khó trốn đặng”(8).
Qua đó cho thấy, người xuất gia tu hành chỉ sống nhờ sự ủng hộ vật chất của đàn na tín thí, không thể cung cấp cho cha mẹ miếng ngon vật tốt, sơn trân hải vị, cao lương thượng thực, sô sa lụa thêu. Đã như thế, đến ngày cha mẹ qua đời, nếu chúng ta không biết cách nào để giúp cho thần hồn cha mẹ được tiêu dao tự tại ở cõi thượng giới, vậy là chúng ta đã phạm lỗi “bạc đãi cha mẹ”, là “tội trọng” khó trốn thoát.
Hòa thượng Từ Phong khuyên “mấy trang xuất gia tu hành, phải cho hiểu chủ nghĩa tông chỉ xuất trần đó. Không xuất gia đặng thời thôi, không ai ép đặng. Nay làm một người chính sứ của Đức Như Lai, thay mặt truyền hiền kinh sử, bày nói chính pháp khuyên dạy đời, lo đền ân đức cho Phật, mới gọi quân ân thần khả báo, phụ nghiệp tử năng thừa”(9). Nếu hàng xuất gia đệ tử Phật quên phần trách nhiệm đó, không những làm người con bất hiếu với cha mẹ mà còn trở thành người đệ tử bất hiếu với đức Phật.
2. Hiếu kính với cha mẹ nhiều đời
Trên đây là phần trình bày về tinh thần hiếu đạo được thể hiện trong phạm vi hẹp đối với cha mẹ hiện đời, còn xét về phạm vi rộng, trong Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa dạy rằng: “Mười phương ba cõi, người đời cùng các loài cứu độ hết, chẳng những cha mẹ một đời đây, đa sinh phụ mẫu đều phải tế độ hết; chẳng phải cha mẹ một người kia, cả hoàn cầu cha mẹ của mỗi người, phần linh hồn cứu độ đặng siêu thăng, như vậy mới gọi phát tâm làm Phật”(10).
Theo tinh thần Bồ-tát đạo, người thực hành hiếu hạnh không những hiếu thuận với cha mẹ mình mà còn hiếu thuận với cha mẹ mọi người trong thiên hạ; không những hiếu thảo với cha mẹ đời này mà còn hiếu thảo với cha mẹ trong ba đời, bảy đời, nhiều đời trong quá khứ.
Người xuất gia lìa xa cha mẹ, không lập gia đình, sống đời phạm hạnh, cạo bỏ râu tóc, không xem trọng hình thức, chỉ chú trọng tu tâm dưỡng tính, bồi công lập đức, hướng đến mục tiêu giác ngộ giải thoát cho mình và mọi người, trong đó có cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp.
Cách báo hiếu của người xuất gia không chú trọng việc cung phụng vật chất cho cha mẹ mà quan trọng là phải làm sao để “phần linh hồn cứu độ đặng siêu thăng”. Đó chính là lý do tại sao xưa kia Thiền sư Động Sơn Lương Giới đã gởi thư cho mẹ nói lên lòng quyết chí xuất gia của mình với lời văn hết sức dứt khoát mạnh mẽ rằng:
“Tuy ơn bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm, nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng thì trọn khó đáp đền. … Muốn đền ân sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông ái sinh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ ngàn đời, đền ân từ thân muôn kiếp. Bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp. Kinh nói một người xuất gia đắc đạo chín họ đều được sinh lên cõi trời. Con nguyện bỏ thân mạng đời này thệ chẳng trở về nhà … hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau”(11).
Quả là ý chí xuất trần quá mạnh! Ngài Động Sơn biết rất rõ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ vô cùng sâu nặng, dù cho hết lòng phụng dưỡng cha mẹ về phương diện vật chất một cách hoàn hảo nhất vẫn không thể nào đáp đền cho cân xứng. Do đó, muốn đền ân sâu dày của cha mẹ thì không gì hơn việc xuất gia tu hành, bởi xuất gia là cái nhân để cắt đứt vòng sinh tử luân hồi đau khổ triền miên. Nhờ công năng của Giới - Định - Huệ mà người xuất gia có thể vượt qua biển khổ, thoát dòng sông mê, quay về bến giác.
Người xuất gia chẳng phải quên ơn dưỡng dục của cha mẹ, mà chỉ sợ vô thường chẳng hẹn cùng ai, năm tháng trôi qua luống uổng một kiếp người, chỉ nỗ lực công phu tu tập để có đủ đạo hạnh, đủ công đức hầu mong có thể đáp ân cha mẹ ngàn đời, đền ân từ thân muôn kiếp, nói rộng hơn là bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp. Đây là phương pháp báo hiếu của người xuất gia đối với cha mẹ một cách đầy đủ và có ý nghĩa nhất.
3. Hiếu kính với các bậc Sư trưởng
Theo Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa, hiếu đạo không chỉ trong phạm vi người con đối với cha mẹ, mà còn thể hiện qua lòng tri ân và báo ân của người đệ tử, người học trò đối với các bậc Sư trưởng. Sư trưởng ở đây bao gồm cả Sư trưởng xuất thế và Sư trưởng thế gian, nói một cách cụ thể đó là chỉ chung cho các bậc Thầy Tổ thế độ xuất gia, truyền giới, truyền giáo và chư vị Tôn túc Giáo thọ sư truyền trao kiến thức cho chúng ta.
Sở dĩ chúng ta phải biết ơn và đền ân Sư trưởng bởi vì: “Sinh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả sư hữu”, nghĩa là: Sinh ra thân ta là cha mẹ, tác thành cho ta là thầy bạn. Tuy chúng ta có được thân hình này từ cha mẹ, nhưng chúng ta có được kiến thức, hiểu biết và trở thành người hữu dụng lại chính nhờ thầy bạn. Thế nên nói:
“Cha mẹ đẻ nuôi thân ta đặng, nếu như trong thế gian đây không có vị Sư trưởng đó, đâu biết đặng luân lý tam cương, ngũ thường. Như không có vị Sư trưởng xuất thế, chúng ta đây đâu có hiểu đặng Phật pháp, kinh luật. …
Nay chúng ta biết đặng chút ít luân thường lễ nghĩa, trong Phật pháp cũng hiểu đặng một hai phần; lại đặng cái y ca sa đắp vào trong mình đây, thêm có đặng giới luật sửa mình; truyền cho ngọn gươm trí huệ sáng ngời như ngọc, mang vào trong mình cắt đoạn lưới trần lao … Sinh đẻ giới thân huệ mạng, trau dồi nên khí tượng Phật, như thế ân đức này từ vị Sư trưởng đó mà đặng” (12).
Ở đây, vị Sư trưởng xuất thế hay nói một cách gần gũi dễ hiểu hơn đó chính là Sư phụ của chúng ta, là người Thầy mà Hòa thượng Từ Phong đã đề cập trong bài “Cúng dường Tôn sư tế văn”: “Thầy lại thiên đường, ai để hạnh lành bày trước mặt; Thầy về Cực Lạc, ai xui lời đạo thấu vào tai”(13).
Đó chính là nói lên công hạnh của bậc Thầy toàn diện cả về thân giáo và khẩu giáo, tài đức vẹn toàn. Sở dĩ chúng ta tôn xưng Thầy của mình là Sư phụ (師父), bởi vì Ngài vừa đóng vai trò của một vị Sư (師: thầy), vừa đóng vai trò của một người Phụ (父: cha). Sư phụ là người cha trong ngôi nhà Phật pháp đã sinh ra giới thân huệ mạng cho chúng ta; đồng thời, Sư phụ cũng là người thầy truyền giới, truyền giáo, truyền trao kiến thức, giáo dục đạo đức cho chúng ta. Ân đức cao vời của Sư phụ làm sao chúng ta có thể quên được! Thật là:
Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền.
Xét trong phạm vi rộng hơn, Sư trưởng còn là những bậc Giáo thọ sư truyền trao kiến thức cho chúng ta cả về phương diện Phật học lẫn thế học. Nhờ các bậc Giáo thọ này chúng ta mới có thể hiểu biết luân thường đạo lý, mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ học vấn, hầu mai sau có thể trở thành người hữu dụng cho đạo pháp - dân tộc, làm lợi ích cho nhân quần xã hội. Do đó, chúng ta phải ghi nhớ công ơn của chư vị Tôn túc Giáo thọ sư, quý Thầy Cô đã giảng dạy, dìu dắt chúng ta từ thuở ấu thơ cho đến ngày hôm nay.
Để đền đáp thâm ân của quý ngài, trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật có dạy 5 điều mà một người đệ tử hay một người học trò cần thực hiện để tỏ lòng hiếu kính đối với các bậc Sư trưởng đó là: “Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp”(14).
Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta phải luôn tỏ lòng tôn kính hiếu thuận, phụng sự các bậc Sư trưởng, nỗ lực tu học cho thật tốt, chú tâm học hỏi tường tận những điều hay lẽ phải mà các ngài đã truyền trao chỉ dạy, hầu mai sau có thể hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, đồng thời phát nguyện như Hòa thượng Từ Phong đã dạy: “Như mình tu hành cầu tiểu quả, tưởng lại độ mình mà thôi, nay tu tới bậc Đại thừa, nguyện độ hết thảy Sư trưởng xuất thế, Sư trưởng thế gian, hai vị Sư trưởng đó đều đặng lợi ích”(15).
Đó là thể hiện lòng tri ân và báo ân của người con Phật đối với các bậc Sư trưởng.
Kết luận
Qua phần trình bày trên chúng ta có thể thấy được quan điểm hiếu đạo của Phật giáo hết sức sâu rộng. Đặc biệt, theo tinh thần Đại thừa, hiếu đạo được thể hiện chẳng những đối với cha mẹ hiện đời mà còn đối với cha mẹ nhiều đời, chẳng phải cha mẹ của một người mà “cả hoàn cầu cha mẹ của mỗi người”.
Hơn thế nữa, hiếu đạo không chỉ là sự đền ân đáp nghĩa của người con đối với cha mẹ, mà còn được thể hiện qua lòng tri ân báo ân của người đệ tử, người học trò đối với các bậc Sư trưởng thế gian và xuất thế gian. Đây chính là nét đặc thù trong tinh thần hiếu đạo của Phật giáo.
Như vậy, có thể nói hiếu đạo là nền tảng đạo đức của xã hội cũng như của Phật giáo. Trong xã hội, nếu người con bất hiếu thì không thể nào gìn giữ gia phong truyền thống gia đình, không thể kế thừa và phát triển sự nghiệp cha ông để lại. Trong Phật giáo cũng vậy, người đệ tử hay người học trò bất hiếu thì không thể nào làm cho “tông phong vĩnh chấn, Tổ ấn trùng quang”, không thể nào “kế vãng khai lai, hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh”.
Dù trong bất cứ xã hội nào hay thời đại nào, tinh thần hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và khích lệ. Đặc biệt, đối với Phật giáo, hiếu đạo chính là chuẩn mực đạo đức của đời sống phạm hạnh. Hiếu là ‘tâm của Phật’ và ‘hạnh của Phật’, nên mỗi người con Phật cần phải học tập, thực hành trên tinh thần tự lợi và lợi tha viên mãn. Hay nói cách khác, theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, chúng ta hãy “thực hiện hiếu đạo bằng cách phát tâm Bồ đề, hướng dẫn những người thân cùng phát tâm Bồ đề”(16).
Nói tóm lại, thông qua tác phẩm Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa của Hòa thượng Thích Từ Phong, chúng ta có thể thấy tư tưởng hiếu đạo là nền tảng căn bản để giáo dục, hoàn thiện nhân cách cho con người và thiết lập nền đạo đức cho xã hội. Xét về phương diện luân lý đạo đức xã hội Việt Nam, người có nhân cách đạo đức tốt trước hết phải là người con có hiếu, bởi hiếu đạo là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
Nếu người con bất hiếu với cha mẹ, học trò không cung kính thầy cô thì chắc chắn không thể được xem là một người công dân tốt trong xã hội. Còn về phương diện đạo đức Phật giáo, một người cư sĩ tại gia hay một vị tu sĩ xuất gia, nếu không làm tròn đạo hiếu với cha mẹ theo tinh thần Phật dạy thì không xứng đáng là một người Phật tử; một người đệ tử không hiếu kính, không tỏ lòng tri ân và báo ân đối với các bậc Sư trưởng thì chưa hoàn thiện tư cách đạo đức, phẩm hạnh của một người xuất gia đệ tử Phật.
Tác giả: Thích nữ Niệm Huệ ***
CHÚ THÍCH
(1) Nguyên tác: 「夫孝,德之本也,教之所由生也。身體髮膚,受之父母,不敢毀傷,孝之始也。立身行道,揚名於後世,以顯父母,孝之終也。夫孝,始於事親,中於事君,終於立身」 (Xem 孝經: https://baike.baidu.hk/item/%E5%AD%9D%E7%B6%93/779810).
(2) Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 628.
(3) Thích Từ Phong (1939), 《發菩提心文演義》 (Phát Bồ-đề tâm văn diễn nghĩa), Chùa Thiền Lâm, Tây Ninh, tr. 10b.
(4) Thích Huệ Đăng dịch (2008), Kinh Vu lan và Báo hiếu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 42-43.
(5) Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 119.
(6) Dẫn theo: Thích Phước Sơn (2006), Giải trình ý nghĩa Vu Lan, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr. 124-125.
(7) 《佛說孝子經》卷1:「若不能以三尊之至化其親者,雖為孝養猶為不孝」 (CBETA, T16, no. 687, p. 780, c7-11).
(8) Thích Từ Phong (1939), Sđd, tr. 11a-b.
(9) Thích Từ Phong (1939), Sđd, tr. 11b.
(10) Thích Từ Phong (1939), Sđd, tr. 11b.
(11) Thích Nhật Quang (2000), Hạnh hiếu trong đạo Phật, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 114-115.
(12) Thích Từ Phong (1939), Sđd, tr. 12a-b.
(13) Thích Từ Phong (1939), Sđd, tr. 40b.
(14) Thích Minh Châu dịch (2013), Sđd, tr. 628.
(15) Thích Từ Phong (1939), Sđd, tr. 12b.
(16) Thích Nhật Quang (2000), Sđd, tr. 205.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Từ Phong (1939), 《發菩提心文演義》 (Phát Bồ-đề tâm văn diễn nghĩa), Chùa Thiền Lâm, Tây Ninh.
2. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
3. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Thích Huệ Đăng dịch (2008), Kinh Vu lan và Báo hiếu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Nhiều tác giả, Thích Nhuận Đạt tuyển dịch (2012), Tư tưởng Hiếu đạo trong Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TPHCM.
6. Thích Nhật Quang (2000), Hạnh hiếu trong đạo Phật, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Thích Phước Sơn (2006), Giải trình ý nghĩa Vu Lan, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
8. 《佛說孝子經》 (Phật thuyết hiếu tử kinh): CBETA, T16, no. 687, p. 780, b3 - p. 781, a5.
9. 孝經(Hiếu kinh): https://baike.baidu.hk/item/%E5%AD%9D%E7%B6%93/779810, truy cập ngày 24/06/2024.
Bình luận (0)