Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy có 4 tướng: “Ngã – Nhân – Chúng sinh – Thọ giả”. Khi còn phàm phu, chấp thân này là thật là bền vững, sinh ra “ngã”, liền sinh phân biệt, nên có “nhân”, rồi chẳng cần giải thoát, trôi lăn theo nghiệp trong lục đạo luân hồi, từ đó thành “chúng sinh” và bị tâm, cảnh, ý thức dẫn dắt, cho nên “thọ giả”. Khi không có “ngã”, thì không có “nhân”, sẽ không có “chúng sinh” và “thọ giả”. Như vậy, khi có 4 tướng là phàm phu, khi không còn 4 tướng là Bồ Tát. “Ngã” là nguyên nhân đầu tiên!

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có dạy: “Nếu một người tu mà trải qua năm tháng hành đạo, không thấy mình tầm thường hơn, giản dị hơn và khiêm tốn hơn thời gian ban đầu, thì có lẽ là Ta đã đi lạc đường rồi!” hay “Càng tu lâu chừng nào, càng thấy mình không là gì cả, đấy mới chính thực là tu”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, nhưng lúc nào Ngài cũng khiêm cung, nói là người bình thường, Ngài chỉ là “hành giả” và truyền bá Pháp Phật mà thôi, nên Ngài mới bảo toàn phước đức để hoằng Pháp được lâu bền và lợi ích rất nhiều, cho số đông.

Hãy thường quán chiếu và luôn nhớ rằng: “Chân không, diệu hữu”. Bầu trời đang yên ổn, bỗng nhiên mưa bão tơi bời, hay trời trong, biển lặng, sóng yên, rồi “sóng thần” hay “vòi rồng” nổi lên, làm cho bao nhiêu cây cối, nhà cửa, thuyền bè, xe cộ, vạn vật phải nghiêng ngả, bay bổng, sụp đổ tàn tành. Đừng tưởng không là không có gì, mà “sắc tức là không, không tức là sắc”, vậy! “Có thời có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không…tâm an vạn sự an”. Cho nên đừng sợ Tu rồi sẽ thành “không là gì cả”, mà trong “chân không” sẽ là “diệu hữu”, tức là Niết bàn vô cùng vi diệu.

“Ngã” là cái duyên hợp giả có, không trường tồn, nhưng vì “chấp ngã” nên có thể biến thành năng lượng, là “nguyên tử” nếu ta biết vận dụng năng lượng ấy, để phụng sự cho nhân sinh, như đức Phật đã từng vận dụng, thì lợi ích cho chúng sinh, vô cùng vô tận. Mấy ngàn năm rồi, mà hạnh nguyện, lời dạy và các Pháp môn tu của Ngài vẫn vang mãi, lan tỏa khắp nơi, mang lợi ích, an bình cho nhân loại.

Nhưng nếu “năng lượng nguyên tử” ấy rơi vào tay kẻ “lớn bản ngã, có máu lạnh, háo chiến” vận dụng năng lượng ấy phục vụ cho “lòng tham” cho sự “sinh tồn, chiếm hữu, hưởng thụ” cho lòng cuồng tín, của những kẻ khủng bố, thì thật nguy hiểm vô cùng. Chiến tranh thế giới, thứ nhất, thứ nhì và có thể Thánh chiến hay chiến tranh hạt nhân thứ ba xảy ra, cũng từ nơi “ngã”, muốn chứng tỏ mình là nhất, mình là hơn hết, mình là bá chủ, không ai có thể hơn mình được, nếu ai muốn hơn là tìm cách tiêu diệt, hoặc trù dập ngay. Nhưng rồi hầu hết những nhà lãnh đạo độc tài, tàn ác trên thế giới, muốn chứng tỏ “bản ngã” đều phải trả quả và chết một cách thê thảm, điển hình gần đây nhất là: Saddam Hussein Tổng thống của Iraq cũng bị treo cổ chết, hay Gaddafi Tổng thống của Libya phải chạy trốn trong ống cống, rồi cũng bị dân quân của mình bắn chết!… Vì đã khiến cho biết bao nhiêu người dân phải chịu cảnh lầm than, khốn khổ, đất nước của họ phải chịu cảnh điêu linh, tan tác.

Cha mẹ nuông chiều con, trưởng dưỡng “bản ngã” cho con, khi lớn lên, nếu không biết tu để thuần hóa lại “đây là mối nguy cho xã hội, ở gia đình ngỗ nghịch bất trị, vào trường học hung hãn, phá phách xóm làng, gây bất hòa nơi cơ quan, làm loạn xã hội…tất cả cũng đều từ “ngã” mà ra.

…Khi tâm trí còn bị cái bóng tối “chấp ngã” trong ba đời che lấp, thì mọi sự xây dựng cuộc đời, toàn là bấp bênh, nhỏ hẹp và xấu xa, đau khổ. Hễ “ngã chấp” càng to, càng sâu, thì mọi xây dựng từ nó, sẽ càng xấu xa, đau khổ. Hễ “ngã chấp” càng nhỏ, càng mỏng, thì mọi xây dựng từ nó sẽ bớt xấu xa đau khổ. Quá khứ xây dựng trên “ngã chấp” thì chỉ là cái quá khứ xấu xa. Hiện tại xây dựng trên “ngã chấp” thì chỉ là cái hiện tại hẹp hòi. Tương lai xây dựng trên “ngã chấp” thì chỉ là cái tương lai tăm tối...

Nên Kinh Kim Cang có dạy rằng: “Hãy làm mọi điều lành, tu tập mọi công đức, với tâm thật trong sạch, không “chấp ngã” không “chấp nhân” không “chấp chúng sinh” không “chấp thọ giả”ắt chứng được Vô thượng Bồ đề”. (Trích trong Vô Ngã là Niết Bàn của Hòa thượng Thích Thiện Siêu).

Muốn được giải thoát, giác ngộ, để cứu độ chúng sinh, thì phải trở thành “vô ngã”, như đức Phật, từ địa vị Thái tử, tương lai là Vua, mà Ngài còn buông bỏ hết, vào rừng tu. Khi chứng Đạo rồi, hằng ngày dẫn đệ tử lội bộ đi xin ăn khắp cả, mới chan hòa, sát cạnh mà giáo hóa được chúng sinh!

Luôn nhớ rằng tu là diệt vô minh, vì vô minh là nguồn gốc của mọi tội lỗi, nhưng vô minh là từ “chấp ngã” và “chấp Pháp” mà thành. Muốn không còn “chấp Pháp” và “chấp ngã” nữa, thì ta phải thường “quán chiếu nội tâm” tự hạ mình xuống, khiêm cung lắng nghe mọi điều hay lẽ phải, hằng lạy Phật sám hối và xem mọi thành tựu đều nhờ ở nhiều duyên hợp lại, chứ không phải ở sự tài giỏi của riêng ta. Chư Tổ hiểu được ý Phật và tâm chúng sinh, nên dạy: ai đến chùa cũng phải bỏ giày dép và mọi đồ đạc ngoài cửa, rồi cúi đầu lạy Phật, chứ không có ghế để ngồi, không cung phụng tấm thân tứ đại này, cho được tiện nghi sung sướng, mục đích cũng để dẹp trừ “bản ngã”.

Cho nên là người tu, phải thường xuyên nhắc nhở nhau: Tu sao cho hạ “bản ngã” xuống, đấy là bổn phận và trách nhiệm, chứ đừng mỗi ngày, mỗi chứng tỏ, ta đây tài giỏi, không cần ai hết, ta hơn người, ta tu lâu, ta tu nhiều…để trở thành người cao ngạo, mà xa rời đường đạo, mọi người xa lánh, tổn phước đức.

Ngay cả khi sống ở thế gian, cũng phải thường quán chiếu lại “bản ngã” của mình, nếu muốn thành công và lợi ích cho nhân quần xã hội. “…Cho con biết khiêm hạ, biết tôn trọng mọi người, tự thấy mình nhỏ tôi, việc tu còn kém cỏi…” thì mới có được công đức và cố gắng tu học để tiến lên, mới chịu khó lắng nghe, để hiểu và thương cuộc đời, từ đó mới hài hòa được với tất cả, “chiêu cảm” được những người tốt, việc tốt, để giúp ích chúng sinh, một cách cụ thể, đắc lực, hữu hiệu, chính xác hơn.

Khi mới vừa sinh ra đời, đức Phật cũng đã truyền đi thông điệp “Thiên thượng Thiên hạ Duy ngã độc tôn” rồi, suốt trong 49 năm hoằng đạo, Ngài giảng dạy, trong suốt các giáo lý, đều hướng dẫn cách hạ ngã và cụ thể nhất là dẫn đệ tử lội bộ, khất thực qua từng nhà, cũng không ngoài mục đích, muốn cho đệ tử diệt trừ “bản ngã” để có công đức, đủ năng lực và gieo duyên hóa độ chúng sinh.

“Ngã” rất quan trọng, hướng lên để được thăng hoa, Thánh thiện nhiều lợi ích cho đời, hay phải bị đọa lạc xuống, để phải chịu nhiều khổ đau, cũng do “ngã” này. Cho nên trên đường tu, phải luôn quán chiếu về “ngã”, nếu thấy “tăng thượng mạn”, là tu sai rồi, hãy mau điều chỉnh, để càng tu càng thấy mình khiêm tốn hơn, được mọi người tôn kính, thương quý hơn, thì mới bảo toàn công đức, kẻo không sẽ trôi lăn mãi, trong vòng lục đạo luân hồi, mà đắm chìm trong khổ lụy.

“Tâm khiêm cung, phụng sự” tu đúng Pháp “Tâm kiêu ngạo, hưởng thụ” bản ngã tăng Điều hiếu nghĩa phải thực hiện thường hằng “Không chấp ngã” mới bảo toàn phước đức”.

Pháp Hoa – Nam Úc, Quý Xuân – Mậu Tuất (2018)

Tác giả: Thích Viên Thành

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018