Trang chủ Tự viện-Chùa Chùa Phật Tổ – nơi truyền thừa Phật giáo đầu tiên ở Cà Mau

Chùa Phật Tổ – nơi truyền thừa Phật giáo đầu tiên ở Cà Mau

Là một trong những nơi truyền thừa Phật giáo đầu tiên của Cà Mau, chùa Phật Tổ hiện tại là một kiến trúc tôn giáo giữ được nguyên vẹn giá trị nghệ thuật.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Là một trong những nơi truyền thừa Phật giáo đầu tiên của Cà Mau, chùa Phật Tổ hiện tại là một kiến trúc tôn giáo giữ được nguyên vẹn giá trị nghệ thuật.

Tác giả: Trần Phỏng Diều
Trường Cao đẳng Cần Thơ

1. Lịch sử ngôi cổ tự

Nhắc đến chùa xưa miếu cũ ở Cà Mau không thể nào không nói đến Quan Âm cổ tự mà người dân địa phương gọi là chùa Phật Tổ – ngôi chùa đã được triều đình sắc tứ vào năm 1842. Quan Âm cổ tự do ngài Tô Quang Xuân sáng lập. Đây là ngôi chùa xuất hiện từ khá sớm, lúc Cà Mau còn là một vùng đất hoang sơ. Hiện nay, ngôi chùa tọa lạc tại đường Rạch Chùa, khóm 3, phường 4, thành phố Cà Mau.

Tương truyền, vào khoảng năm 1820 có một thanh niên người miền Trung tên là Tô Quang Xuân, vốn con quan, nhưng không muốn ra làm việc cho triều đình mới tìm vào vùng đất hẻo lánh này. Anh đính hôn với một cô gái láng giềng.

Một hôm, vào rừng đốn củi, anh tìm thấy một quyển Kinh Kim Cương ở trong thân cây. Nghĩ mình có duyên với Phật pháp, anh bèn từ hôn và tới vùng đất cù lao lập một cái am để thờ Phật Quan Âm. Nơi đây rất nhiều thú dữ và có một con cọp hay đến gần am nhưng không phá phách gì cả. Càng lâu ngày về sau. Cọp càng lẩn quẩn đến bên thầy Tô Quang Xuân. Khi con cọp chết, thầy cho chôn cất tử tế. Về sau người ta cho xây mộ và lập bia đề SƯ CẬU THÁP.

Thầy tuy đã lập am thờ Phật nhưng vẫn chưa xuống tóc. Giỏi nghề thuốc nên thầy thường đi chữa bệnh cho dân chúng quanh vùng. Nhiều người tin theo, đến tìm thầy và lễ Phật. Các ông lang trong vùng có kẻ ghét ghen, tấu về triều đình, vu cáo cho thầy có hành động tạo phản.

Nhà vua cho quan quân vào bắt, đưa về kinh để xét hỏi. Khi thầy vào bệ kiến, vua cho lệnh ngồi lên chiếc đôn có lót hình tượng Phật, Thầy không ngồi mà lại quỳ bên chiếc đôn. Nhà vua lại ban cho cơm chay của triều đình. Thầy chỉ ăn hai chén. Đến chén thứ ba, thầy không ăn nữa và xin vua tha tội vì có đồ mặn giấu dưới cơm. Tối hôm ấy, thần linh lại mách bảo cho Thầy biết trước ba câu mà nhà vua định hỏi. Sáng hôm sau, ngay khi vào chầu, thầy liền tâu ngay các câu mà nhà vua muốn hỏi.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Phat To truyen thua Phat giao tai Ca Mau 1

Chùa Phật Tổ

Nhà vua lấy làm lạ, mới tin ở tài của thầy và cho về tu ở chùa Kim Chương. Khi nghe hòa thượng chùa này thuyết pháp, thầy mới chịu xuống tóc qui y và lấy pháp danh là Trí Tâm. Nhưng chỉ bảy ngày sau thì thầy qui tịch. Nhục thể của thầy được đưa bằng ghe về chùa ở Cà Mau. Trước khi chôn, người ta cạy quan tài xem, thấy da thịt còn hồng hào. Các tín đồ lấy làm lạ, mới tôn là Phật Tổ.[1]

Chùa được xây dựng lại từ đợt đại trùng tu vào ngày mùng 4 tháng 4 năm 1937. Cho đến nay chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa.

2. Kiến trúc ngôi cổ tự

Cũng như nhiều ngôi cổ tự khác ở Nam bộ, Sắc tứ Quan Âm cổ tự có kết cấu gồm cổng, ngôi chính điện và hậu điện. Đặc biệt cổng chùa Phật Tổ không phải là cổng Tam quan như bao ngôi chùa khác mà là cổng Nhị quan. Cổng bên trái (từ ngoài nhìn vào) có hai tầng mái, các đầu mái đều uốn cong hình thuyền. Trên mỗi đầu mái đều có trang trí hoa văn. Mái cổng lợp ngói hình vảy cá. Chính giữa tầng mái trên có tượng đôi rồng chầu lấy bánh xe pháp luân. Ở hai cột có câu đối chữ Hán:

佛 法 弘 開 渡 衆 生

祖 德 施 恩 深 如 海

Phật pháp hoằng khai độ chúng sinh

Tổ đức thi ân thâm như hải.

Câu đối theo lối chiết tự chữ đầu của câu trên và chữ đầu của câu dưới ghép lại thành tên chùa: Phật Tổ.

Cổng bên phải cũng có kiểu kiến trúc tương tự như cổng bên trái. Ở cổng này cũng có câu đối bằng chữ Hán:

觀 照 慈 心 開 智 惠

音 聲 喚 晴 在 塵 埃

Quan chiếu từ tâm khai trí huệ

Âm thanh hoán tình tại trần ai.

Câu đối này cũng sử dụng lối chiết tự chữ đầu của câu trên và chữ đầu của câu dưới ghép lại thành tên chùa: Quan Âm.

Như vậy hai câu đối ở hai cổng đều có ngụ ý chỉ tên chùa. Một chỉ tên chùa bằng chữ: Quan Âm; Một chỉ tên chùa theo cách gọi của dân gian: Phật Tổ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Phat To truyen thua Phat giao tai Ca Mau 2

Chính điện chùa Phật Tổ

Sau cổng chính là một khoảng sân rộng với tượng Quan Âm Bồ Tát được tôn trí trên tòa sen, tay cầm bình tịnh thủy. Bức tượng cao lớn, được sơn màu xanh da trời, mặt hướng về Rạch Chùa như là sự chở che cho cư dân quanh vùng được bình an. Tiếp nối khoảng sân này là chính điện của ngôi chùa.

Chính giữa vách ngoài ngôi chính điện có tượng của hai vị thần được đắp bằng xi măng, cao gần bằng người thật, đó là tượng của Hộ Pháp và Tiêu Diện. Tượng được đặt trên bệ cao, trước thềm chính điện. Hai bên là hai cửa chùa. Cửa chùa được mở hình bán nguyệt dẫn vào chính điện. Trước hai cửa này phía ngoài sân có hai trụ biểu hai bên.

Mái chùa có hình quả ấn, lợp ngói âm dương, được chia thành hai tầng mái. Mái chính được trang trí nhiều họa tiết được đắp bằng xi măng ốp sứ. Trên nóc mái có tượng lưỡng long tranh châu được cách điệu và phía dưới là các phù điêu, hình ảnh mô tả cảnh thiên nhiên, đó cũng là những mô típ trang trí thuyền thống: mai điểu, tùng lộc.

Các đầu đao của mái chùa được làm cong hình thuyền, trông có vẻ thanh thoát, hướng lên trời cao. Ở các đầu mái này cũng được đắp nổi hình cá hóa long cách điệu. Mặt chính bên trên nóc có đề 6 chữ Hán: 敕 賜 觀 音 古 寺 – Sắc tứ Quan Âm cổ tự. Dưới hàng chữ này chính là mái phụ của ngôi chùa. Mái phụ cũng có kiểu kiên trúc như mái chính nhưng trang trí đơn giản hơn, không có nhiều hoa văn, họa tiết.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Phat To truyen thua Phat giao tai Ca Mau 3

Tượng Ngọc Hoàng

Bên trong chùa được trang trí hài hòa, tôn nghiêm. Bên phải (nhìn từ ngoài vào) là một đại hồng chung đen bóng, càng tôn thêm vẻ uy nghi cho ngôi chùa. Chính điện có diện tích 12m², được lát gạch bông, với hai hàng cột, mỗi bên có ba cây, tạo thành một không gian rộng. Chất liệu cột bằng xi măng, được trang trí hình ảnh diễn tả cảnh long ngư hí thủy. Nơi đây thờ rất nhiều tượng Phật, đặc biệt là ở ngôi Tam bảo.

Ngôi Tam bảo được chia thành ba tầng. “Tầng trên cùng là tượng Thích Ca Mâu Ni, pho tượng được làm bằng xi măng có kích thước lớn. Tầng kế tiếp để tượng Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà. Tấ cả có 9 tượng Phật lớn nhỏ đều được tạo bằng xi măng.

Nét đặc sắc trong đường nét kiến trúc ở ngôi Tam bảo là việc dùng đồ sứ ốp vào các họa tiết có chất liệu bằng xi măng tạo thành một áng thờ có đường nét là hình ảnh các động vật Long – Lân – Quy – Phụng (tứ linh) được gắn lên tạo thành bao lam, bao quanh ngôi chính điện như một chiếc lộng che lấy các tượng Phật.

Bên trên thành áng thờ phía trước chính điện có ghi hàng chữ: Đinh Sửu niên tứ nguyệt sơ tứ nhập thượng lương – ngày mùng 4 tháng 4 năm Đinh Sửu (1937) lên đòn dông chùa. Che trên nóc chính điện là chiếc bửu tán, có nét vẽ hình rồng đang hí trái châu (Tứ long hí liên châu) nét vẽ đẹp, đường nét sắc, sống động. Bên trước áng ngôi Tam bảo phía dưới dòng chữ ghi ngày thượng lương là hình vẽ 4 thầy trò Tam Tạng về phương Tây cầu kinh.

Rủ xuống phía trước ngôi chính điện là các đường nét được làm bằng xi măng có ốp sứ, những đường nét tạo thành hình ở đây là những đường nét thể hiện được nét thẩm mỹ có giá trị nhất trong ngôi chùa với chất liệu được làm bằng xi măng và có sự tô vẽ của nước sơn, không có chất liệu bằng gỗ nhưng các họa tiết trang trí rất cổ điển tạo được nét hài hòa trong các đường nét trang trí nghệ thuật trong ngôi chính điện.

Phía trước áng là hình ảnh chiếc đầu rồng được đắp nổi. Bên dưới một chút là hình ảnh chim phượng đang dang cánh, miệng ngậm quyển sách lẫn trong đó là đầu kỳ lân đạp cỏ trong tư thế hiền từ. Dưới cùng là hình ảnh rùa vàng trên lưng có Hà đồ. Đây có lẽ là cấu trúc đặc sắc nhất trong kiến trúc trang trí của ngôi cổ tự. Hai bên áng thờ cũng tương tự như vậy. Tất cả tạo nên một nét hài hòa và tạo được sự đặc trưng của ngôi Tam bảo trong hệ thống các bệ thờ khác được bố trí xung quanh ngôi Tam bảo.”[2]

Đối diện ngôi Tam bảo là một phù điêu đắp nổi hình đức Thích Ca dưới cội bồ đề có đệ tử quỳ dâng bình bát. Bên phải ngôi Tam bảo (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen. Bên trái là bàn thờ của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Cốt tượng được làm bằng gỗ, khoác áo bào xanh. Tượng Ngọc Hoàng cao lớn được đặt chính giữa. Bên trái là tượng của Bắc Đẩu; Bên phải là tượng của Nam Tào.

Hai tượng này được làm nhỏ hơn tượng Ngọc Hoàng và được đặt ở hai bên. Trước tượng Ngọc Hoàng còn có một tượng nhỏ được làm bằng xi măng, đó là tượng của Thiên Lôi. Cách áng thờ Ngọc Hoàng không xa là áng thờ của Quan Công. Tượng Quan Công cũng được làm bằng xi măng, với tạo hình mặt đỏ, mày tầm mắt phượng và râu 5 chòm uy nghi,…

Nằm phía sau chinh điện, liền vách với ngôi Tam bảo và nhìn ra cửa sau ngôi chính điện là áng thờ của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Tượng được tạc cao to kích thước gần bằng người thật. Tại áng thờ này hiện còn lại câu đối cổ bằng cây dừa dài hơn 4m. Chữ trên câu đối được sơn son thiếp vàng, ốp sát vào hai cột, nét chữ và nội dung câu đối là cả một công trình nghệ thuật điêu khắc xưa:

効 劻 勷 勤 勉 勵 動 劬 勞 君 師 父 一 般 竭 力

志 忠 恕 念 慈 悲 恩 感 應 儒 釋 道 三 教 同 心

Hiệu khuông nhương cần miễn lệ động cù lao Quân Sư Phụ nhất bang kiệt lực,

Chí trung thứ niệm từ bi ân cảm ứng Nho Thích Đạo tam giáo đồng tâm.

“Nội dung câu đối đặc sắc ở chỗ là câu đối chữ, đây là cách chơi chữ độc đáo của người xưa. Đó là việc dùng bộ lực để đối với bộ tâm trong 16 chữ của câu đối lại đều có bộ tâm tạo nên sự ẩn ý của các thiền sư tiền bối.”[3]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Phat To truyen thua Phat giao tai Ca Mau 4

Tranh đắp hình tượng Thích Ca dưới cội Bồ Đề

Bên trái cửa sau ngôi chính điện (nhìn từ trong ra) là áng thờ Quan Âm Bồ Tát; bên phải là áng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Cách ngôi chính điện này vài mét là một cầu thang dẫn lên ngôi chính điện mới. Ngôi chính điện mới được xây cao lớn, lộng lẫy nhưng đầy vẻ trang nghiêm. Vì vậy, phần chính điện phía dưới được gọi là chính điện cũ để phân biệt với chính điện mới xây này.

Phía sau chùa là một khoảng không rộng lớn, gồm nhiều cây cổ thụ xung quanh và một vườn tượng hết sức hoành tráng gồm tượng Phật nằm, vườn Lâm Tỳ Ni, Thích Ca tọa thiền… Đặc biệt, “sau chùa có khu mộ tháp gồm ba ngôi. Tháp của Tổ Trí Tâm húy Tô Quang Xuân (Lâm Tế chính tông, đời thứ 37) mới lập bia năm 1969, tháp của Tổ Thiên Bửu – Khánh Hải (đời thứ 45), mất năm 1988.

Giữa hai tháp Tổ là tháp mộ của ông cọp có tấm bia ghi SƯ CẬU THÁP. Quanh khu tháp mộ này cảnh vẫn còn hoang vu, ta có thể đoán biết được nơi đây, xưa kia cây cỏ chắc chắn phải rậm rạp hơn nhiều. Chí tu hành của thầy Tô Quang Xuân cũng đáng để cho ta suy nghĩ. Chính vì vậy dân chúng mới tôn xưng thầy là Phật Tổ và thêu dệt thành câu chuyện tương truyền kể trên.”[4]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Phat To truyen thua Phat giao tai Ca Mau 5

Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma

Hằng năm, cứ vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Mười, chùa đều tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan và lễ Hạ Ngươn rất trọng thể. Mọi người từ khắp nơi đến viếng chùa, chiêm ngưỡng, thành tâm cúng bái chật ních cả sân. Ai cũng lâm râm khấn nguyện, nguyện cho cuộc sống được thanh bình, được cơm no áo ấm, được phúc lộc bình an.

“Hiện nay nhiều hiện vật như tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, các bức hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ phụng khác vẫn còn được lưu giữ, chứng nhận cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt có những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh – Hoa –  Khmer trên đất phương nam, trải dài đến tận mũi Cà Mau, nơi dừng lại của những bước chân vạn dặm.”[5]

Là một trong những nơi truyền thừa Phật giáo đầu tiên của Cà Mau, chùa Phật Tổ hiện tại là một kiến trúc tôn giáo giữ được nguyên vẹn giá trị nghệ thuật. Do đó, ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 11 năm 2000.

Tác giả: Trần Phỏng Diều
Trường Cao đẳng Cần Thơ

***

[1] Nguyễn Quảng Tuân – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.288-289.

[2] Bảo tàng tỉnh Cà Mau (1998), Lý lịch di tích Sắc tứ Quan Âm cổ tự, tr.4-5.

[3] Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Tlđd, tr.7.

[4] Nguyễn Quảng Tuân – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên, Sđd, tr.291.

[5] Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên) (2006), Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh Niên, tr.134.

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường