Đạo Phật đã tạo ra những nguyên mẫu cá nhân có mục tiêu rất khác nhau. Ví dụ, một bậc Thánh Thanh Văn (Sāvaka), là bậc được nghe lời giáo huấn của đức Phật, thực hành theo pháp hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân, gọi là bậc Thánh Thanh văn đệ tử của đức Phật.

Hoạt động tâm linh của bậc Thánh là tu tập và hóa giải những nỗi khổ niềm đau, biến tam độc: tham lam, sân hận, si mê thành tam vô lậu học: Giới, Định, Tuệ, thoát khỏi luân hồi lục đạo.

Giới là quy tắc giúp chúng ta ngăn ngừa tội lỗi, bí quyết của tu đạo là định lực. Có định lực thì mới sinh ra trí tuệ và tiến thêm một bước trên con đường ngộ đạo, thành Phật.

Ngược lại, Bồ tát là người đang tìm kiếm sự giác ngộ cho tất cả chúng sinh (quên mình vì người). Động lực thực sự của hành trình của hạnh Bồ tát là đánh thức chúng sinh đến sự tự do cao nhất, hay Niết bàn. Hai nguyên mẫu cá nhân này được thảo luận rộng rãi trong các kinh điển Phật giáo Đại thừa, trong đó có một hệ thống phân cấp cụ thể.

Động cơ của một bậc Thánh Thanh Văn (Sāvaka), nhìn nhận Ngã (ta) với thế giới vạn vật đều là thật có, là người chủ quan duy vật luận, chỉ hướng ngoại quan sát, tất cả đều lấy cảnh ngoài làm đối tượng để quan sát, cho nên phương pháp của họ cũng là lấy vật làm đối tượng. Họ cho rằng muốn giải thoát sự mâu thuẫn và khổ não của sinh tử duy có phủ định tự ngã, muốn phủ định tự ngã duy có đoạn diệt lục căn vì tất cả khổ não đều do lục căn huân tập.

Hai chữ Thanh Văn (Văn Phật Thanh Giáo): nghe pháp âm vi diệu từ đức Phật dạy mà ngộ đạo gọi là Thanh Văn), cũng có ý nghĩa duy vật tức là vật (âm thanh) từ bên ngoài vào trong.

Phương pháp dứt lục căn tức là đóng bít cánh cửa tư tưởng cảm giác khiến trong tâm thanh thanh tịnh tịnh chẳng bị ảnh hưởng bên ngoài. Hiện tượng bên ngoài là mâu thuẫn xung đột, đã chẳng vào được tức là không có “Thọ”, đồng thời đem ý căn ngưng lại thì không có “Tưởng”. Lúc này trong tâm chỉ còn nhất niệm thanh tịnh, nhất niệm này tức là nhất niệm vô minh, nó dù tạm thời ngưng lại nhưng vẫn chẳng thoát khỏi tác dụng của cơ thể, phải chịu hạn chế của thời gian.

Người nhập định dù trải qua bao nhiêu thời gian đi nữa cũng chẳng thể duy trì mãi, cần phải xuất định, huống là khi đóng bít các cửa lục căn vẫn cần phải có một niệm thanh thanh tịnh tịnh để duy trì nó cũng là việc cần phải ra sức thực hiện.

Họ dạy rằng mọi người, bao gồm cả bậc Thánh Thanh Văn (Sāvaka), sớm muộn gì cũng phải tiến hóa thành một vị Bồ tát để trở thành một vị Phật hoàn toàn giác ngộ, hay mục tiêu của con đường bồ tát của Đại thừa là Samyaksambuddha (Chính đẳng giác) nhằm mục đích để người ta có thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh bằng cách dạy cho họ con đường chấm dứt khổ đau. 

Ảnh minh họa (sưu tầm)
Ảnh minh họa

Bồ tát không phải là người chỉ phấn đấu vì một loại thành tựu giác ngộ vĩ đại nào đó cho tất cả chúng sinh, mà còn tham gia vào thế giới để cố gắng giảm bớt mọi hình thức đau khổ, bao gồm bệnh tật, nghèo đói và bất công, để mang lại hạnh phúc trần thế và siêu việt cho người khác.

Đạo đức của Bồ tát được thể hiện tuyệt đẹp trong câu thơ này của Bồ tát Tịch Thiên (Shantideva), một luận sư Phật giáo kiêm thi hào Ấn Độ sống vào khoảng thế kỉ thứ VII-VIII Tây lịch:

" Nguyện tôi là người bảo vệ cho những người không có người bảo hộ.
Người hướng dẫn cho những người đang đi trên đường;
Với những người muốn băng qua dòng sông,
Nguyện tôi là một con thuyền, một chiếc bè, một cây cầu

Nguyện tôi là một hòn đảo cho những người mong mỏi cập bến,
Một ngọn đèn cho những ai mong ngóng ánh sáng;
Là một cái giường cho những ai cần chỗ ngơi nghỉ
Nguyện tôi là một nô lệ cho tất cả những ai cần tôi tớ.

Nguyện tôi là viên ngọc như ý, một cái bình sung túc,
Một lời thần chú, và món thuốc tối cao.
Nguyện tôi là những cây đầy phép lạ,
Và với tất cả chúng sinh, là con bò không cạn nguồn sung mãn.

Cũng như đất đai và những nguyên tố khác,
Tồn tại như bản thân hư không tồn tại,
Cho vô số vô biên chúng sinh đang sống,
Nguyện tôi là nền đất và phương tiện cho đời sống của họ.

Như thế, đối với mỗi chỉ một vật gì đang sống,
Trong con số như vô biên cây số của bầu trời
Nguyện tôi là sự nuôi sống và chất bổ dưỡng của họ,
Cho đến khi tất cả họ vượt qua khỏi những biên giới của khổ đau."

Ở đây, Ngài mô tả động lực vô ngã của một vị Bồ tát, người sẵn sàng dấn thân vào thế giới và làm bất cứ điều gì có thể để giải thoát người khác thoát khỏi đau khổ. Câu thơ này cũng mời chúng ta tưởng tượng một vị Bồ tát không phải là một loại thánh nhân hay thiền giả vĩ đại sống trong một môi trường tuyệt đẹp, chẳng hạn như một nơi ẩn dật trên núi hay ẩn mình trong thiền thất, đắm mình trong niềm hạnh phúc nội tại của sự giác ngộ. Thay vào đó, một vị Bồ tát là người đang sống trong thế giới, tham gia vào những hành động rất cụ thể để giúp đỡ đồng loại. Câu thơ này cũng ám chỉ rằng một vị Bồ tát không phải lúc nào cũng là người thực hiện những việc làm vĩ đại được xã hội ca ngợi. Bồ tát là là người luôn sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai mà Bồ tát gặp phải bất kể họ đang phải đối mặt với khó khăn nào tại thời điểm đó.

Điều này cũng cho chúng ta biết rằng chúng ta không cần phải trở thành một linh hồn vĩ đại nào đó có ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể là chính mình và vẫn là một vị Bồ tát. Cuộc sống có thể mang đến cho chúng ta mỗi ngày một cơ hội để hiện thân cho tinh thần Bồ tát trong thời gian thực.

Khái niệm về Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism) rất phù hợp với đạo đức của một vị Bồ tát. Đây là một phong trào đã thu hút sự quan tâm của công chúng trong một thời gian, bắt đầu từ tiểu lục địa Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác, và cuối cùng lan sang phương Tây. Trở thành một phần của phong trào Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism) này không phải là lựa chọn cá nhân nếu chúng ta thực sự muốn giác ngộ.

Các bạn không thể chỉ nói “Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism) không dành cho cá nhân tôi”.

Điều này giống như nói “giác ngộ không dành cá nhân cho tôi”. Tôi tin rằng hầu hết các phật tử đang tìm kiếm Niết bàn. Miễn là chúng ta tin vào trí tuệ sâu sắc của kinh điển Phật giáo Đại thừa, thì việc trở thành một phần của Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism)  là một con đường mà chúng ta không thể dễ dàng làm hết cách này đến cách khác để giải quyết cho được khó khăn, hoặc để có cho được cái cần có (xoay xở).

Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với vô số thách thức trong lĩnh vực xã hội, môi trường và kinh tế. Những vấn đề này quá lớn đến nỗi chúng ta có thể dễ dàng tin vào một giọng nói rất thuyết phục rằng, “Tôi không thể làm gì được. Tôi chỉ là một con người.” Nhưng chúng ta không nên tin vào giọng nói này. Thay vào đó, chúng ta có thể coi đó là câu chuyện về Māra (Ác ma), một nhân vật nguyên mẫu khác có công việc toàn thời gian là làm băng hoại và làm Bồ tát tâm trạng chán nản. Vào những lúc khác, câu chuyện về Māra (Ác ma) có thể mang tính khích lệ một cách quyến rũ, nói rằng, “Ồ, tôi đang thực hành thiền định và có tất cả những trải nghiệm tuyệt vời như sự bình yên nội tâm và sự giác ngộ. Vì vậy, không cần phải nghĩ về tất cả những vấn đề trần tục trên thế giới.

Có những lúc chúng ta không tìm thấy bất kỳ tình huống thực tế nào mà chúng ta có thể giúp đỡ ai đó. Vào những lúc này, chúng ta nên giữ tâm hồn của một vị Bồ tát. Sớm hay muộn, thế giới sẽ yêu cầu các bạn trở thành một vị Bồ tát. Một yêu cầu như vậy có thể không phải là một dự án lớn. Nó có thể đơn giản như khi ai đó đang vật lộn và chỉ cần một lời tử tế từ các bạn. Lời tử tế của các bạn có thể có sức mạnh nâng cao tinh thần của họ vào lúc đó. Ở đây, nếu các bạn xuất phát từ một ý định trong sáng, các bạn đang làm công việc của một vị Bồ tát.

Hiện tại, có hai lực lượng đang chuyển động trong nhiều xã hội. Một lực lượng là mong muốn và phong trào làm giảm bớt những đau khổ của xã hội càng nhiều càng tốt và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người mà không có ngoại lệ. Một lực lượng khác bị mắc kẹt trong bản ngã muốn phục vụ bản thân, bất chấp cái giá phải trả cho người khác. Chúng ta thấy hai lực lượng này đấu tranh ngay cả trong chính trường. Mặc dù các sự kiện thế giới có thể thường khiến chúng ta chán nản, chúng ta phải tin rằng sức mạnh của từ bi tâm và lòng vị tha cuối cùng sẽ chiến thắng. Đây là nguyện vọng chân chính của Bồ tát mà chúng ta nên nuôi dưỡng và vun đắp trong tâm hồn mình.

Tác giả: Anam Thubten Rinpoche
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: www.buddhistdoor.net