Tám vạn bốn ngàn pháp môn của phật pháp, chính là điều thuốc tốt chuyên trị căn bệnh phiền não. Người mắc chứng phiền não tham sân si có thể dùng giới - định - tuệ để điều trị, kém mắc chứng keo kiệt thì lấy Bố thí điều trị, người hùng bạo thì lấy từ bi điều trị, người thất bại, thối chí thì lấy nhân duyên điều trị, hoặc là dùng pháp môn lục độ, bát chính đạo, tham thiền, lạy Phật, niệm Phật…không những có thể chữa trị được phiền não, mà còn là liều thuốc kỳ diệu để giải thoát.
Tác giả: Thượng toạ Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Phật Pháp, có mối quan hệ mật thiết, không thể chia cắt với cuộc sống thường nhật, bởi vì trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, không thể thiếu đi tôn giáo, mà cuộc sống cần phải dùng phật pháp để dẫn đường chỉ lối. Phật pháp không chỉ là trụ cột của Phật giáo, mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người trên con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, và sự thanh thản trong nội tâm. Như nước trăm sông đổ về biển cả; tất cả chỉ có cùng một vị, đó là vị mặn.
Cũng vậy, trong tất cả giáo pháp của đức Phật chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Nhưng tại sao chúng ta không được vị giải thoát ấy? Bởi vì chúng ta đến với giáo lý của đức Phật chỉ thuần bằng lời nói suông mà không có sự thực hành, nghĩa là chỉ có lý mà không có sự.
Trong kinh từ bi Thủy sám Pháp có nói rằng: Chúng ta đang sống trong không gian, thân khẩu ý, luôn đang tạo nên nghiệp, những cử chỉ hành động của cơ thể có thiện có ác, lời nói thốt ra từ miệng có thiện có ác, ý nghĩ trong lòng cũng có thiện có ác. Thường thì thiện nghiệp rất ít, còn đa phần là ác nghiệp, vì vậy chúng ta phải thường xuyên chí thành sám hối.
Cho nên trên con đường trải nghiệm tín ngưỡng thì việc hòa hợp Phật pháp vào cuộc sống là một điều rất quan trọng. Một người sống trong dòng chảy lớn của xã hội, nếu có thể không trôi nổi theo thế tục, cố nhiên là điều khó có, nhưng nếu hòa cùng với trần thế mà không dính bụi trần mới càng đáng quý.
Vì thế mới nói rằng “bậc đại ẩn, ẩn ở chốn náo nhiệt”, “lập đạo tràng giữa nơi náo nhiệt”. Hiểu rõ tính hư vọng của không gian hữu tướng, Không còn sinh lòng chấp trước với mọi điều trên thế gian, như thế mới có thể sống trong cuộc đời vô trụ. Như cư sĩ Duy Ma Cật: “Tuy sống trong nhà thế tục, nhưng không ràng buộc với tam giới; mặc dù có vợ con, nhưng là người chuyên tu phạm hạnh”, Hòa thượng Nhất Hưu “ lưng cõng nữ nhân, lòng chẳng ngại ngùng”.
Một người nếu có thể, thể nghiệm được không gian vô trụ, thì nơi đâu cũng có thể tiêu dao tự tại. Cho nên cái gọi là “băng ngang rừng trăm hoa, chẳng cánh hoa dính thân”. Người sống trong hồng trần, không bị lây nhiễm sự mịt mờ đó mới chính là sự thoát tục tuyệt vời.
Như hoa sen trong ao, sở dĩ được mọi người ca ngợi, chính là vì nó sinh ra từ bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Điều này muốn nói với chúng ta rằng: Con người sống trong danh lợi tiền tài, thì phải tu dưỡng đến mức như con bù nhìn vậy, cho dù đối mặt với thế giới phù hoa rối rắm thì trong lòng cũng không được giao động.
Thế nên, Phật giáo cho rằng rời xa ngoại cảnh, ẩn cư trốn sơn lâm để tu hành, thì không phải là bậc thượng thừa, mà sống giữa chốn thành thị náo nhiệt, nhưng vẫn có thể không lung lay bởi ngoại cảnh mới là bậc thượng thừa. Cho nên, trong kinh Kim Cương có nói rằng: “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”. Vậy, người học Phật pháp cần phải thế nghiệm một cách sâu sắc trong cuộc sống này.
Tất cả mọi sự vật trên thế gian này, chẳng qua chỉ là sự hòa hợp của nhân duyên và tồn tại có điều kiện. Nếu chúng ta có duyên tiếp nhận Phật pháp, Hiểu được đạo lý này thì sẽ có thể thoát ra khỏi không gian hư vọng hữu tướng đó, nếu không thì chúng ta theo đuổi đủ kiểu hưởng lạc thú cuộc đời, chính tiền, tài, vật chất khiến chúng ta đánh mất đi bản tính lương thiện, tình yêu khiến chúng ta điên đảo thần hồn, danh lợi địa vị khiến chúng ta quên đi sự an nguy mà lao đầu vào chỗ nguy hiểm.
Chúng ta bị thế giới sặc sỡ loè loẹt mê hoặc, không biết đó là điều giả tạo, không có thật, Khiến chúng ta u mê không chịu tỉnh ngộ. Chúng ta sống trong thế giới này, phải luôn tự suy ngẫm rằng: bản thân ta có công đức, phúc báo gì? mới có thể sinh tồn trong thế gian này, nhận được nhiều thứ nên không hề thiếu thốn.
Vì vậy, mỗi người đều phải có tấm lòng tri ân và báo ân, nhớ đến những thứ nhận được từ thế gian. Nếu chúng ta luôn nhìn thế gian này, với tấm lòng biết tri ân và báo ân, thì sẽ có cảm nhận được thế gian này thật đáng quý trọng nhường nào, và bản thân cũng rất giầu có.
Cho nên, trong phật pháp dạy cho chúng ta biết rằng, phải báo đáp tứ trọng ân: Một là, nhớ ân đức Phật nhiếp thọ chính Pháp; Hai là, nhớ ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; Ba là, nhớ ân sư trưởng dạy dỗ ta, dẫn dắt ta đến với chân lý; Bốn là, nhớ ân thí chủ đã cúng dàng để nuôi dưỡng thân sắc ta.
Các bậc cổ đức từ xưa đến nay, chứng ngộ Phật pháp là biết trân trọng bốn ân. Nhờ Phật mở đạo, mà ta rõ thấu được Kinh, Luật, Luận và dễ bề tu học. Nhờ Pháp của Phật, mà ta có thể tu trì giới định huệ và chứng ngộ. Nhờ chư Tăng tiếp nối hoằng đạo, soi sáng cái đạo lý chân thật của Đức Từ Phụ, mà ta mới có cơ hội biết đến đạo lý.
Bởi vậy, được sinh vào thời này, khi Phật pháp vẫn được lưu truyền, chúng sinh vẫn biết đến Tam Bảo, vẫn có cơ hội hạnh ngộ Minh sư, dìu dắt chúng ta trên con đường tâm linh, trao truyền cho chúng ta giáo pháp chân chính, đưa đến giải thoát giác ngộ.
Chúng ta, thật là vô cùng may mắn tri ân, vì có đủ phúc duyên và điều kiện thực hành giáo pháp chân chính. Cho nên, đối với giáo pháp của đức Phật, nếu chúng ta muốn đạt được mục đích giải thoát an lạc, thì không có gì ngoài việc, nỗ lực tu tập để trau dồi trí tuệ, thấy biết như thật về thực tướng của các pháp, chứng ngộ Tuệ giác tối thượng. Vì thế, Đạo Phật được gọi là đạo của trí tuệ, của giải thoát.
Vậy, cốt lõi của Phật giáo chứa ba điểm chính: đạo đức, thiền định và trí tuệ (giới - định - tuệ). Do đó, giáo lý của đức Phật, nhằm mục đích chỉ cho chúng ta cách mở rộng trái tim của chính mình với phép màu của nhận thức, bằng cách suy nghĩ làm thế nào để giải quyết các vấn đề và ngăn chặn sự đau khổ (sinh, già, bệnh, chết) của con người. Chúng ta phải biết đem các giáo lý Kinh điển mà Phật dạy để thực hành làm sống động các giá trị đó. Những pháp môn tu tập có thể chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tự thân và ngoài xã hội.
Phật pháp, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề tâm linh mà còn áp dụng rộng rãi vào cuộc sống hàng ngày, và chỉ cho chúng ta thấy những hạt giống nghiệp lực, gieo trồng vào trong tâm thức của chúng ta, thông qua những hành động thiết thực bằng thân (cơ thể) khẩu (lời nói) ý (suy nghĩ), tạo ra những hạt giống nghiệp thiện hoặc bất thiện.
Trong mỗi chúng ta đều có hiện thân của Ma Vương và của Phật. Ma Vương chính là tham lam, giận dữ, si mê (còn gọi là hạt giống ba độc). Đây chính là gốc rễ khiến ta bị cảm xúc chi phối. Phật chính là trí tuệ, đạo đức, nghị lực (còn gọi là hạt giống thiện lành), là gốc rễ giúp ta không chạy theo cảm xúc, điềm tĩnh và nhìn nhận sáng suốt, giúp ta vun bồi những phẩm chất Phật, thoát khỏi sự không chế của Ma Vương.
Vì vậy trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn sống trong tỉnh thức , một cách tỉnh táo, quan sát được những gì diễn ra bên trong và bên ngoài nội tâm của chính mình. Bởi vì, Thân và Tâm có tên là Ý như bóng với hình, tuy là hai cái riêng biệt nhưng ở trong một người. Tâm là cái ta không nhìn thấy được, không sờ chạm được, nhưng cái tác động lên thân (ví dụ: Trong lòng đang tức giận, thì thân thể có cảm giác nóng, tim đập nhanh, hơi thở gấp gáp, mắt mở to, giọng nói cao the thế…)
Như vậy, cảm xúc vui buồn đều do tâm của chúng ta quyết định. Khi các giác quan ghi nhận thông tin bên ngoài. Khi vào tâm-ý, các thông tin sẽ được xử lý thành những khái niệm và những tư tưởng tình cảm theo tiến trình “xúc, thọ, ái” (tiếp xúc- cảm giác- tình cảm). Khi cảm xúc mạnh lên thì lại có mong muốn đuọc gặp gỡ đối tượng (tiếp xúc) và cứ thế tiến trình lặp lại…lớn dần lên.
Nếu môi trường tiếp xúc (thức ăn cho tâm) không tốt, sẽ dẫn đến các suy nghĩ, cảm xúc lệch lạc trong tâm khởi sinh và tiếp theo là những hành động xấu được bộc lộ. Lúc đó hạt giống tâm ba độc mạnh hơn (nội lực yếu hơn bên ngoài) thì ta sẽ phụ thuộc ngoại cảnh, nảy sinh thái độ thích (dính mắc) hoặc ghét (chối bỏ). Khi đó, hạt giống cảm xúc 3 độc sẽ mộc lên (lớn lên) và theo thời gian sẽ trổ quả xấu ác, tổn thương…cho chính mình và những người xung quanh.
Khi tâm dao động, trong ta đầy rãy bất an. Ta càng cố chối bỏ những điều trái ý, nghịch lòng, cường độ khó chịu càng tăng cao. Bởi vì chúng ta không chấp nhận sự đổi thay, nên cứ trượt dài trong khổ đau. Để rồi chúng ta phải mang vác thêm nhiều lớp mặt nạ, với nhiều vai diễn khác nhau trong cuộc đời, càng nhiều mặt nạ càng mệt mỏi, càng khổ đau.
Vì vậy, chúng ta hãy buông bớt mặt nạ (cái tôi, cái của tôi) là bớt khổ đau, buông bớt đòi hỏi là bớt khổ đau, tập sống thật với chính mình là bớt khổ đau, để đến được bình an và hạnh phúc. Những hạt giống thiện và bất thiện tồn tại sẵn trong chính mỗi người chúng ta. Chúng không cố định mà luôn thay đổi, do đó ta có thể rèn luyện để chuyển hoá 3 độc giảm dần, để cho hạt giống thiện tăng dần, khi ấy ta không bị cảm xúc lôi kéo, lặp tức lắng dịu và có thái độ bình tĩnh, hòa thuận, sáng suốt hơn.
Như Thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật Thích Ca) đã thấu hiểu được bản chất của Ma Vương, ngài quan sát lại chính mình một cách thận trọng, ngài thấy mình định tĩnh và bình an. Toàn thân ngài toả ra ánh hào quang, khi sao mai vừa mộc, ngài trở thành bậc tỉnh thức trọn vẹn, với từ bi, và trí tuệ tuyết đối, hết hoàn toàn tham, sân, si. Từ đó ngài thực hiện sứ mệnh giúp mọi người thoát khỏi tham lam, giận dữ, si mê, tìm về hạnh phúc chân thật nơi chính mỗi người.
Vậy, chúng ta muốn chuyển hoá cảm xúc, thì cần đi vào bên trong mình để nhận diện từng cảm xúc khác nhau dựa trên hạt giống thiên hay bất thiện trong tâm. Khi tâm được vận hành bởi hạt giống thiện, thì ta ở trạng thái quân bình và làm chủ được cảm xúc. Cho nên, chúng ta tu học, am hiểu, và thực hành hàng ngày để nhổ tận gốc hạt giống bất thiện đầy cảm xúc trong ta, không có cơ hội phát triển. Để cho hạt giống thiện.
Thế nên, Phật pháp ở trong thế gian, Phật đạo ở trong mỗi người. Ví như ánh sáng của một ngọn nến, nếu chia nó ra thành nhiều ngọn nến, mỗi một ngọn nến đều được thắp sáng, thì không những không giảm đi ánh sáng, mà ngược lại còn tăng thêm độ sáng cho không gian. Vậy, hạnh phúc và niềm vui của cuộc đời cũng như thế, niềm vui của một người được xây dựng dựa trên niềm vui chung của mọi người.
Sống trên đời tuy chỉ mấy mươi mùa mưa nắng, nhưng vì sự nghiệp, vì gia đình, nên khó tránh được lúc buồn ba vất vả, thậm chí tranh giành với người khác, nên không biết tạo ra bao nhiêu Thiện nghiệp và ác nghiệp của thân, khẩu, ý. Nếu có thể kịp thời phản tỉnh sám hối, thì Thiện nghiệp sẽ được tăng trưởng, ác nghiệp sẽ diệt trừ, vì thế trong kinh Phật có nói rằng: “không sợ vô minh khởi, chỉ sợ giác chiếu chậm”.
Vô minh phiền não sinh ra và hoạt động, nhưng chỉ cần kịp thời giác ngộ sám hối, thì vẫn là một người thanh tịnh lương thiện. Điều đáng sợ nhất, đối với một người phạm lỗi nhưng không biết hối cải. Như rơi vào trong bùn lầy sai lầm, nếu có thể kịp thời quay đầu lại, thì vẫn có thể được cứu vớt. Nếu vẫn khư khư cố chấp, tự thấy ăn năn, chìm đắm trong sai lầm không chịu thoát ra, thì sẽ ngày càng lún sâu hơn, và cuối cùng sẽ chịu tai họa ngập đầu.
Chúng ta phúc mỏng nghiệp dầy, sinh nhằm thời mạt pháp, khó lòng gia nhập giáo đoàn, khó lòng mà thấy được kim thân Đức Phật. May mà còn gặp được Thánh tượng. May mà đời trước có trồng căn lành, nên đời nầy nghe được Phật Pháp. Nếu như không nghe được chính pháp, đâu biết mình đã thọ Phật Ân. Ân đức này biển thẳm không cùng, non cao khó sánh. Nếu ta không phát tâm Bồ Đề, giữ vững chính pháp, cứu độ chúng sinh, thì dù cho thịt nát xương tan cũng không đền đáp được.
Ngày nay, chúng ta có được thân người này rất là quý giá, thoát khỏi nỗi đói khát, si mê cùng cực của quỷ ác, địa ngục và súc sinh, nhưng chúng ta vẫn dửng dung và quên lãng đi sự thật hiển nhiên đó. Vì vậy, chúng ta hãy suy niệm rằng phúc duyên may mắn, đã không phải sinh vào những cảnh khổ, mà được làm người với đầy đủ khả năng thực hành phật pháp.
Do đó, trong kinh đã nói thân người khó được, là luôn nhắc chúng ta rằng hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có, đừng vùi quên, đừng lãng phí nó. Thân người quý giá, bởi vì cõi Người không quá khổ đau như Tam ác đạo (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh), cũng không quá sung sướng đến nỗi chìm đắm, và không nhận thức được sự cần thiết thực hành phật pháp như cõi Trời.
Cõi Người là nơi khổ đau và hạnh phúc xen kẽ một cách vừa phải, đủ để làm động lực cho chúng ta tinh tiến thực hành phật pháp. Vì vậy, có thể nói rằng thân người là con thuyền thù thắng nhất, chở chúng ta vượt đại dương sinh tử đầy ắp hiểm nguy và đau khổ. Có thân người là có tất cả. Chỉ có thân người, thì chúng ta mới có đủ điều kiện thuận lợi nhất, để thực hành phật pháp, đạt được giác ngộ.
Trong cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay, con người đang bị thiêu đốt bởi lửa tham, lửa sân và lửa si mà không tự hay biết, không nhận thức được sự nguy hại của chúng, nên gây ra không biết bao nhiêu điều đau khổ cho chính mình và mọi người, là do chúng ta đã tạo vô số nghiệp ác, chỉ sảy một đường tơ kẽ tóc là có thể đọa vào địa ngục, khổ đau sẽ còn triền miên khi tinh thần thiết thực hiện tại ngay trong cuộc đời, vẫn không được khám phá triệt để.
Tinh thần thiết thực hiện tại này, cần phải được triển khai để giáo dục con người, nhất là con người trong thời đại chúng ta. Thân người chúng ta có được đời này, không hề dễ dàng, mà phải do công phu tu tập tích lũy thiện căn phúc đức, đặc biệt là giữ đầy đủ toàn vẹn năm giới trong vô số kiếp trong quá khứ. Để có được thân người, chúng ta phải vượt qua vô vàn khó khăn, cạm bẫy trên hành trình sinh tử. Bởi vậy chúng ta phải tận dụng từng giây, từng phút của kiếp người này, để tu học Phật pháp ứng dụng trong cuộc sống thường nhật.
Đặc biệt trong xã hội hiện đại này, có được bao nhiêu người dành thời gian cho sự thực hành tâm linh, trưởng dưỡng niềm tin nơi Phật pháp? Ngược lại, có bao nhiêu người chỉ chạy theo cuộc sống vật chất tiện nghi, hưởng thụ, có bao nhiêu người mê tín, lạc lối theo tà thuyết, hay đến chùa để cầu tài cầu lộc nhằm mưu lợi thế gian? Bởi vậy, chúng ta thật may mắn vì có tín tâm với giáo pháp. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà do những thiện căn, những hạt giống chính pháp thiện lành, đã được chúng ta gieo trồng và vun bồi trong các kiếp quá khứ.
Vậy, trong quá trình tu học phật pháp, được chia làm ba giai đoạn là; Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo. Kiến đạo là địa vị ban đầu, dùng trí tuệ ung dung tự tại, không vướng phiền não mà nhận thức chân lý. Khi đã nhận thức rõ ràng về giáo lý, về những phương pháp tu tập rồi mới có thể lựa chọn được pháp môn thích hợp với căn cơ, hoàn cảnh của mình để vận dụng vào thực hành để đi đến giải thoát.
Vì vậy người học Phật nên lấy Bát chính đạo làm mực thước của cuộc sống, hơn nữa trong Bát chính đạo lại xem “Chính kiến” làm đầu, có được sự kiến giải tư tưởng chính xác, mới có được cuộc sống tinh thần phong phú thật sự. “Chính kiến”, giống như một chiếc máy ảnh, nếu điều chỉnh “tiêu cự” không chuẩn thì ảnh rửa ra sẽ bị biến dạng. Cũng như thế, chúng ta nhìn nhận con người, sự việc trên thế gian và các đạo lý trong cuộc đời, nếu điều chỉnh “tiêu cự” không chuẩn, thì mọi sự vật trên thế gian sẽ biến chất.
Vì vậy, kiến giải của mỗi một người đều có lúc sai lệch, duy chỉ có kiến giải của đức Phật mới chính xác. Vì vậy đức Phật dạy cho chúng ta có bốn thứ Chính kiến: Một là có Thiện có ác; Hai là, có nghiệp, có báo; Ba là, có kiếp trước, có kiếp sau; Bốn là, có thánh nhân, có phàm phu. Bốn chính kiến đó là như thật lý, như thực giải, như thực kiến, như thực chứng. Chúng ta không hoài nghi Đức Phật, có nhận thức khẳng định về ý nghĩa nhân quả, đó chính là chính kiến của chúng ta.
Tuy nhiên, Cơ thể của con người là sự giả hợp của tứ đại , chứ không phải cái tôi thực sự, chúng ta muốn tu hành thì phải mượn sắc thân giả hợp đó, một khi đánh mất đi cơ thể, thì chẳng còn sự tu hành nào đáng nói. Vì thế, tuy là cơ thể giả hợp, nhưng vẫn phải nuôi dưỡng nó, tức cái gọi là “mượn giả tu thật”.
Bởi vậy, người học Phật không cần phải xem trọng áo quần để làm trang sức bên ngoài thân, không còn tính toán chuyện tốt xấu về ăn uống, “lấy thực phẩm làm lương dược, để trị bệnh khô gầy của thân”. Ngược lại chúng ta hãy chú trọng đến sự tu trì nội tâm, dùng khí chất cao thượng và sự tu dưỡng đạo đức để trang nghiêm bản thân.
Vì vậy, người học Phật trước hết phải mở rộng tấm lòng của bản thân, vận dụng Phật pháp vào trong cuộc sống, bất luận sống ở nơi đâu, mỗi một canh giờ, mỗi một nơi, đều cảm thấy hài lòng và vui vẻ. Trong chuyến hành trình cuộc đời, điều khiến chúng ta bối rối nhất chính là phiền não, nó luôn là hòn đã ngăn cản chúng ta thành công. Phiền não đến từ xã hội, Gia đình, tình cảm, cũng như kinh tế, thậm chí là sự sinh- lão- bệnh- tử của cơ thế, hãy tham - sân - si trong lòng.
Phiền não giống như bệnh tật, tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật pháp, chính là điều thuốc tốt chuyên trị căn bệnh phiền não. Người mắc chứng phiền não tham sân si có thể dùng giới - định - tuệ để điều trị, kém mắc chứng keo kiệt thì lấy Bố thí điều trị, người hùng bạo thì lấy từ bi điều trị, người thất bại, thối chí thì lấy nhân duyên điều trị, hoặc là dùng pháp môn lục độ, bát chính đạo, tham thiền, lạy Phật, niệm Phật…không những có thể chữa trị được phiền não, mà còn là liều thuốc kỳ diệu để giải thoát.
Cho nên chúng ta phải có niềm tin tuyệt đối với Phật pháp, giống như người bệnh tin vào sự chữa trị của bác sĩ, như thế mới có thể yên lòng uống thuốc để chữa trị bệnh tật.
Từ sơ phát tâm chờ đến thành tựu Phật quả, phải trải qua bao nhiêu kiếp số, phải chịu đựng biết bao khổ nạn, cái gọi là “nan hành năng hành, nan nhẫn năng nhẫn”, (việc không dễ làm phải tìm cách để làm, việc khó nhẫn nhịn thì phải tìm cách nhẫn nhịn) thì phải “tu cả phúc lẫn tuệ”, phải “chú trọng cả hành lẫn giải”. Nếu sợ hải phiền phức, thiếu lòng kiên nhẫn, thì như hạt giống đã gieo nhưng lười bón phân, tưới nước, cuối cùng chẳng thể nãy mầm, và làm có được khai hoa kết quả.
Cho nên, từ phát tâm cho đến hoàn thành, chính là con đường thành Phật, nếu phát tâm, kiên trì tới cùng thì việc thành Phật là đều không khó. Trong Kinh hoa nghiêm nói rằng: “Tín là nguồn của đạo, là mẹ của công đức; và nuôi dưỡng tất cả mọi căn lành”. Vậy, niềm tin, là Gốc rễ sản sinh ra công đức vô lượng. Dựa vào cái gốc của lòng tin có thể khiến chúng ta tu phúc và tu tuệ, đặt nền móng cuộc đời và đạt đến cảnh giới liễu sinh thoát tử. Ngược lại, người không có niềm tin, chẳng khác nào như cây bị khô héo, chẳng thể khai hoa kết quả.
Trong Đại Trí Độ Luận nói rằng: “Phật pháp như biển lớn, chỉ có niềm tin mới vào được”. Vì vậy, người mới đến Phật pháp, thì niềm tin còn quan trọng hơn cả Bố thí và trì giới. Trong biển lớn Phật pháp, nếu không nắm vững tay chèo niềm tin, thì chẳng thể nào đi sâu vào được long cung để tìm thấy ngọc. Chúng ta phải vững niềm tin chèo lái mới có thể tìm thấy kho báu phật pháp giữa biển lớn phật pháp.
Đó chính là sự phát tâm vững chắc của chính mình, để điều khiển tâm đưa Phật pháp vào trong cuộc sống thường nhật, thì cuộc sống đó mới hạnh phúc và hoan hỷ nhất. Cho nên, Phật pháp đồng hành cùng với cuộc sống, là để đề xướng không phải là thứ đạo lý sâu sa huyền bí, mà chính là những điều thiết thực, mọi người đều có thể làm được trong cuộc sống. Ví như công đức Bố thí, Ái ngữ, nhẫn nhục, trì giới, thực hành sáu phép hoà kính…đó là tiêu chuẩn tối cao trong cách hành xử, không ra khỏi quỹ đạo ấy.
Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người luôn hòa thuận, đoàn kết hợp tác thì mới có thể phát huy được sức mạnh của toàn thể Phật giáo, mới là chìa khóa then chốt cho sự phục hưng của Phật giáo hiện nay. Vậy, trong quá trình học Phật pháp, phát khởi lòng tinh đúng đắn đối với Phật pháp, mới có thể đạt được lợi ích từ phật pháp. Lòng tin phật pháp giống như chiếc gậy chống, nó có thể mang lại chỗ dựa dẫm cho con người.
Sống trên đời này, đôi khi cảm thấy đường đời mù mịt không nơi nương tựa, thậm chí lúc bước đến đường cùng không còn sự trợ giúp nào. Có lòng tin làm chỗ dựa, thì trên hành trình cuộc đời nghiên ngã, sẽ có thể dựa vào chiếc gậy đó mà đi đến con đường bằng phẳng. Nếu chúng ta có được Phật pháp, giống như đôi tay có được chiếc gậy chống, từ đó có được cảm giác an toàn trong lòng. Đời người còn có chỗ dựa, lòng tin Phật bồ tát có thể giúp chúng ta xây dựng được nơi nương tựa yên ổn trên thế giới hư ảo này.
Tuy nhiên, nếu không có lòng tin với phật pháp, thì sẽ chẳng thể có được lợi ích từ chiếc gậy phật pháp đó. Cho nên, phật pháp và cuộc sống, có mối liên quan chặt chẽ với chúng ta, phật pháp cũng có khắp nơi trong cuộc sống. Bất luận là tình cảm, kinh tế, đối nhân xử thế hay đạo đức, nếu có thể đưa Phật pháp dung hoà vò trong cuộc sống mới chính là “ đời sống hoá Phật giáo” và “Phật giáo hoá đời sống” một cách thật sự.
Tác giả: Thượng toạ Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Bình luận (0)