Tác giả: Thích Nữ Chơn Nhàn Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

1. Mở đầu

Bồ Tát một trong Tam Thừa của Phật giáo: Thanh văn (聲聞), Duyên giác (緣覺), Bồ tát (菩薩). Trong đó Thanh văn (Pāli: Sāvaka) chỉ những người nghe âm thanh thuyết pháp của Phật, quán xét lý Tứ Đế mà chứng quả A La Hán, nhập vào Niết Bàn. Duyên giác (Pāli: Pacceka-Budhha) cũng gọi là Độc giác, tức là một mình ngộ đạo, ưa sự vắng lặng, không thích thuyết pháp độ sinh. Bồ Tát (Pāli: Bodhisatta) hay còn gọi là Phật thừa, chỉ cho người tu các hạnh Ba-la-mật, dùng pháp môn Lục độ bi và trí làm phương tiện đưa chúng sinh từ bơ mê đến bờ giác ngộ Vô Thượng Bồ Đề.

Trong Tam Thừa, Bồ Tát được xem là giai đoạn cuối cùng và lý tưởng nhất để bước vào cõi Phật và trở thành Phật. Tuy nhiên, kết quả nào cũng đi qua một quá trình, quá trình thực hành Bồ Tát hạnh chính là ccon đường đi từ việc bố thí đạt đến trí tuệ. Tất cả các công hạnh phải dựa trên nền tảng Trí tuệ bát Nhã Ba-la-mật mới đạt đến rốt ráo. Thế nhưng, hình ảnh các vị Bồ Tát giữa đời thường thật gần gũi và bao dung chứ không phải cao siêu hay thần bí như một số người lầm tưởng. Chính vì thế, khái niệm Bồ Tát cần phải tìm hiểu rõ ràng mới có thể giúp con người nhận ra lý tưởng sống của mình, từ đó tùy theo khả năng và sự phát tâm của mình để thực hành Bồ Tát hạnh một cách đúng nghĩa, ngõ hầu đem lại lợi ích cho tự thân và lợi lạc cho tha nhân.

Bồ Tát là khái niệm phổ biến trong các kinh điển Đại thừa như: Kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Già…Nhưng thật ra khái niệm Bồ Tát có nguồn gốc từ kinh tạng Pāli (truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy), chỉ cho con đường tu tập của một chúng sinh đang tha thiết tìm cầu quả vị Phật, những hạnh nguyện, mục tiêu đặt ra và cả những khó khăn thử thách mà một hành giả phát tâm tu hạnh Bồ Tát không thể không vượt qua để chứng đạt quả vị Chính Đẳng Chính Giác.

Ngoài ra, một vị Bồ Tát còn cần phải hoàn thành đức hạnh (Cariyā) của một vị Phật (Buddhi-cariyā), nghĩa là hạnh tích cực làm việc thiện-cho đến chỗ hoàn thiện, với trí tuệ sáng suốt. Hạnh tích cực hoạt động để đem đến lợi ích (attha) cho quyến thuộc (nāti), nghĩa là tạo ra an lành hạnh phúc cho gia đình và thân nhân quyến thuộc (Nāti-attha-cariyā). Hạnh tận lực phục vụ đem đến lợi ích (attha) cho thế gian (loka), nghĩa là cảm hóa, cải thiện thế gian, giáo hóa chúng sinh tu tập con đường diệt khổ (Loka-attha-cariya). Đệ tử Phật ngoài việc chuyên tâm tu học, sống đời phạm hạnh “tự lợi” đạt đến trí tuệ sáng suốt, thì việc đi sâu vào các công tác xã hội trên năm phương diện Ngũ Minh (nội minh; nhân minh; thanh mình; công xảo minh; y phương minh) là những việc làm cấp thiết của một hành giả hoằng pháp cần phải hiểu biết để thực hành đúng với tinh thần của Bồ Tát hạnh chính là “lợi tha”. Việc làm lợi ích cho chúng sinh qua những khía cạnh của các nhà giáo dục, nhà ngôn ngữ học, thầy thuốc, từ thiện, …tất cả đều được lưu xuất từ tâm đại bi-đại trí của các vị Bồ Tát, nhằm dẫn dắt chúng sinh trên bước đường tìm về bản thể thanh tịnh của mỗi người. Tất cả những hành động đem đến lợi ích cho người khác đều là thiện hạnh, thế nhưng khi phát khởi tâm từ đối với tha nhân cũng đồng nghĩa với việc tăng tiến tâm thiện cho mình. Lợi tha và tự lợi là hai việc bổ sung cho nhau trong tinh thần thực hành Bồ Tát hạnh vậy.

2. Khái niệm Bồ Tát và Bồ tát hạnh

2.1. Bồ tát

Bồ Tát (菩薩), Phạn ngữ: Bodhisattva; Pāli: Bodhisatta. Trung hoa dịch là Bồ-đề-tát-đỏa, do hai từ ngữ “Bodhi: bồ đề” và “Sattva: tát đỏa” ghép lại gọi là Bồ Tát, được dịch là giác hữu tình, chúng sinh giác ngộ, một chúng sinh đem đạo giác ngộ vào đời. Theo Phật Quang Đại Từ Điển, “Bồ Tát là chỉ cho người tu hành trên cầu Vô thượng Bồ-đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tu các hạnh Ba-la-mật và trong vị lai sẽ thành tựu quả Phật. Cũng tức là người dũng mãnh cầu Bồ đề, tròn đủ hai hạnh lợi mình và lợi người”[1]. Theo Bộ Bách Khoa Tôn Giáo nói rằng: “Bồ Tát Bodhisattva đề cập đến hoặc một người đang mưu cầu giác ngộ (Bodhi) hoặc “một chúng sinh giác ngộ (Bodhi being), nghĩa là chúng sinh ấy chắc chắn sẽ chứng đắc quả vị Phật. Sự giải thích khác về nó như “một chúng sinh mà tâm của người ấy đã trở nên vững chắc ở sự giác ngộ, cũng được truyền thống công nhận”[2].

Danh từ Bồ Tát chỉ cho chúng sinh  tiến về quả vị Phật, bằng con đường phụng sự chúng sinh không thối chí, cho dù thời gian dài ngắn bao nhiêu cũng không chán nản. Bồ Tát là nói về một nhân cách đại diện cho những con người cao siêu và lý tưởng tuyệt vời trong Phật giáo. Con người cao siêu này không nằm trong phương diện của người xuất gia hay tại gia, mà nó nằm trong tất cả hình tướng của chúng sinh. Vì vậy, giữa cuộc đời này có vô số các vị Bồ Tát ẩn hiện trong vô vàn hình ảnh khác nhau tình nguyện làm lợi ích cho chúng sinh. Hình ảnh Bồ Tát trong vai trò là những con người bình thường, nhưng có khả năng phi thường dám từ bỏ lợi ích cá nhân để sống đạo đức, vì hạnh phúc và an vui cho người khác. Đây là mẫu người lý tưởng, là hình tượng Bồ Tát nhập thế cứu đời mà “Lục độ tập kinh” đã xây dựng với sức mạnh tâm linh tiềm tàng trong những hóa thân Bồ Tát là tiền thân của đức Phật, mong muốn để hoằng dương chính pháp làm lợi ích cho chúng sinh.

2.2. “Bồ Tát Hạnh” trong Phật giáo

Bồ Tát lấy lợi ích cho chúng sinh làm đầu, chấp nhận hy sinh để thực hiện Bồ Tát hạnh. Hình thức là mang thân ngũ uẩn như các chúng sinh khác, nhưng khác nhau ở sứ mạng “thượng cầu Phật đạo” và hạnh nguyện “hạ hóa chúng sinh”. Bồ Tát luôn thực hiện những việc vì nhu cầu, vì mong muốn của tất cả chúng sinh. Bồ Tát sẳn sàng làm và làm với bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, Lục Độ vạn hạnh là sáu pháp Ba-la-mật dành cho các vị Bồ Tát, trong sáu pháp này nói lên hạnh nguyện của Bồ Tát làm việc độ sinh. Ba-la-mật có nghĩa là làm việc rốt ráo, làm việc để đạt đến quả vị Vô thượng Bồ đề. “Bồ Tát hạnh chỉ cho các hạnh sáu độ (sáu Ba la mật) mà hành giả tu để cầu thành Phật. như đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật, trước khi thành đạo, đã từng đến nơi các vị tiên tu khổ hạnh; và ở các kiếp trước hiện các loại thân tu những hạnh như bố thí, trì giới, nhẫn nhục…đều gọi là Bồ Tát hạnh. Nội dung kinh bản sinh là kể lại những hạnh Bồ Tát mà đức Phật đã tu trong năm trăm thân đời trước.”[3] Người con Phật thực hành Bồ Tát hạnh lấy việc phụng sự chúng sinh trong đời là trách nhiệm thiêng liêng.

Phật Quang Đại Từ Điển chép rằng: “Hạnh chỉ cho đức hạnh, nết na còn ở trong tâm là đức, đã thực hành ra ngoài là hạnh, như độc hạnh là hạnh hơn người.”[4] Quan điểm Lục độ tập kinh về chữ “Hạnh” đây là lối sống, là cách cư xử, là cung cách thể hiện tính người, thể hiện ý chí riêng của từng người, từng dân tộc trong việc đối phó với tự nhiên và xã hội, đối phó với nhu cầu cá nhân và đòi hỏi tập thể mà mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người đều có. Trong quá trình truyền bá Phật pháp, để giáo lý Phật giáo dễ dàng tiếp cận với người dân bản xứ, đòi hỏi những vị truyền giáo phải dùng phương tiện thiện xảo, khế lý khế cơ tùy căn cơ, quốc độ mà chuyển tải nội dung, tư tưởng của kinh điển đến với người dân một cách gần gũi, thân thiện, dễ tiếp cận nhất. Do hoàn cảnh đất nước ta đang rơi vào tay ngoại ban, đời sống người dân loạn lạc, chịu nhiều áp bức của bọn tham tàn. Nguyên nhân mất nước được ghi rõ trong những mẫu chuyện 10, chuyện 11.., tìm được nguyên nhân sẽ có cách giải quyết. Chỉ có cách duy nhất là bản gốc của Jataka Khương Tăng Hội mới cải biên những mẫu chuyện, những tình huống, thêm thắc những khía cạnh sao cho cốt truyện phù hợp bối cảnh lúc đó để đánh thức tình đoàn kết, hướng thiện, mới mong dành lại đất nước thương yêu của chúng ta. Chính vì thế Lục độ tập kinh là bộ kinh của người Việt, chuyển tải nội dung tư tưởng mang đậm chất văn hóa, truyền thống người Việt “dù mất nước chứ không mất hạnh”. Hạnh do thế là một dạng hạnh nguyện. Cho nên, đánh mất hạnh là đánh mất văn hóa, đánh mất ý chí tự tồn, đánh mất hạnh nguyện, biến cá nhân ấy, cộng đồng ấy thành một cá nhân mới, một cộng đồng mới, sống theo một lối sống mới, một cung cách hành xử mới của một cộng đồng mới. Cho nên dân tộc ta lúc nào cũng nối tiếp nhau để kiên trì xây dựng một "hạnh" mới, một lối sống mới, một nền văn hóa điển huấn mới. Nỗ lực kiên trì xây dựng này, đến thời Mâu Tử đã tỏ ra thành công hoàn toàn.

Trước khi đạo Phật ra đời, người dân Ấn Độ đa số tin theo tín đồ Bà-la-môn giáo, tôn thờ đấng Phạm Thiên tối cao, thế nhưng ngoài đấng Phạm Thiên còn có bậc vĩ nhân phải khiến Phạm Thiên cúi đầu đảnh lễ: “Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sinh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chính pháp. Nếu được nghe những vị này có thể thâm hiểu Chính pháp”[5]. Hình ảnh trên phần nào làm đổ ngã tín ngưỡng đạo Bà-la-môn, một bậc tối cao mà người dân Ấn Độ phụng thờ phải cúi mình đảnh lễ trước đức Phật. Đây là nhân duyên khai mở tính chấp thủ vào đấng Phạm thiên, để tiếp nhận đạo giải thoát của bậc giác ngộ, do đức Phật chiêm nghiệm dưới cội cây Bồ-đề. Đạo Phật ra đời đã xóa bỏ sự phân chia giai cấp của xã hội Ấn Độ, tôn trọng và bảo vệ quyền làm người của giai cấp Thủ-đà-la, trước cảnh sống cơ cực, lam lũ, nghèo đói của họ thời bấy giờ. Từ góc nhìn đó cho chúng ta liên tưởng đến bức tranh Phật giáo thời Lục độ tập kinh. Trước bối cảnh đời sống người dân Đại Việt bị giặc phương Bắc đô hộ và đồng hóa, những vấn đề cấp thiết cần có cách lý giải phù hợp với thực tiễn, gắn kết sức mạnh dân tộc nhằm bảo vệ và giải phóng con người ra khỏi những đau thương mất mác, trả lại cuộc sống bình yên cho nước nhà.

Tác phẩm Lục độ tập kinh là một niềm tự hào dân tộc, trải qua hơn 2000 năm vẫn ẩn chứa trong mình những tinh hoa, văn hóa, phong tục tập quán của ông cha ta ngày xưa đã lập ra, để bảo tồn bản sắc của dân tộc ta. Giáo lý  mà đức Phật chứng ngộ quá cao siêu trong khi khả năng tiếp thu của chúng sinh thì thấp cạn, nhưng không vì thế mà Đức Thế Tôn nhập Niết bàn, bỏ mặc chúng sinh mãi chìm đắm trong đêm dài tối tăm của vô minh đau khổ. “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[6].  Vâng lời dạy của Đức Thế Tôn , các nhà truyền giáo với tinh thần “khế lý-khế cơ”, dùng phương tiện “quyền biến” uốn mình vào nếp sống văn hóa, phong tục tập quán của các nước mà Phật giáo du nhập để dễ dàng hóa độ. Cho nên, tác phẩm Lục độ tập kinh là một minh chứng rõ ràng của tinh thần nhập thế tích cực khi Phật giáo truyền vào nước ta. Đó là việc làm của Bồ Tát, mang hạnh nguyện dấn thân vào đời để bổ túc cho công phu tu tập của mình, không gì hơn là con đường thực hành con đường Bồ Tát hạnh.

Con người vốn có tính giác thanh tịnh, nhưng vì vô minh mới buông xuôi theo dòng tham ái, chấp thủ mà trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Trước nỗi khổ trầm luân đó, Đức Thế Tôn đã thị hiện giữa cõi đời để cứu khổ độ sinh, đặc biệt là hướng đến con người làm đối tượng giáo hóa, và chỉ có con người mới có trí tuệ chứng nghiệm vạn pháp là Vô thường-Vô ngã-Duyên sinh. Chỉ có con người mới có khả năng xây dựng đời sống trên nền tảng của đạo đức, xây dựng các mối quan hệ không thể tách rời giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân và xã hội. Đạo Phật dựa vào những tính chất và các mối quan hệ đó của con người để giáo hóa, chỉ ra những nguyên nhân đưa đến khổ não, cách giải quyết khổ và hướng con người đến nếp sống lành mạnh, góp phần xây dựng xã hội Chân, Thiện, Mỹ.

Có nhiều hoàn cảnh đưa con người đến với Phật pháp, hoặc do thất bại trên con đường danh vọng, hoặc vì một nỗi đau nào đó, hay muốn tìm hiểu chân lý cuộc đời, … nhưng bất kể nguyên nhân nào đi nữa, thì con đường thực hành Phật pháp cũng được bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tâm từ bi và kết thúc bằng trí tuệ. Nói đến tâm từ bi là nói đến bản tính lương thiện có sẵn trong mỗi người “nhân chi sơ tính bổn thiện” chính vì thế chúng ta cần phải nuôi dưỡng và phát triển “Từ và bi không phải thiên tính trời phú cho sẵn, mặc dù trong tự tính thanh tịnh mọi chúng sinh đều hàm chứa đức từ bi, nhưng nếu không tu tập, không phát triển, nó không bao giờ lớn thêm, rộng thêm”[7].  Như vậy, nuôi dưỡng tâm từ bi ngày một phát triển và trở nên rộng lớn không gì hơn chính là thực hành Bồ Tát đạo (S.bodhisattva-caryā). “Bồ Tát đạo là con đường tu hành sáu độ muôn hạnh, lợi mình lợi người để thành tựu quả Phật. Bởi thế, đạo Bồ Tát là nhân chính yếu để thành Phật, và thành Phật là kết quả của đạo Bồ Tát”.[8] Lục độ là sáu hạnh tu của Bồ Tát, là sáu phương tiện đưa người từ bờ mê qua bờ giác. Bằng sức tinh cần, các vị Bồ Tát tu tập rốt ráo đạt đến thành tựu quả vị Phật nên gọi là Lục Ba-la-mật (ṣaṭ-pāramitā). Vì Bồ Tát không chỉ an trú tại bờ giác, mà mục đích tu hành của Bồ Tát là giác ngộ về nỗi khổ của chúng sinh, rồi phát khởi lòng từ cứu độ qua việc thực hành con đường cứu khổ (Bồ Tát hạnh), hòa nhập với cuộc đời để xoa dịu nỗi khổ đau cho chúng sinh.

3. Bồ Tát trong kinh điển Phật giáo

Sứ mạng của một vị Phật là chỉ dạy cho chúng sinh con đường cứu mình ra khỏi khổ đau của vòng luân hồi sinh tử. Giáo pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng có công năng chỉ cho chúng sinh nương vào chính mình mới có thể chấm dứt khổ đau “Các ngươi hãy trở về nương nương tựa chính mình và nương tựa Chính pháp. Chính pháp là con đường đi ra khỏi khổ đau và đi vào hạnh phúc” [1, tr.199] đức Phật là vị Thầy chỉ đường, chúng sinh nương vào đường hướng đó để nỗ lực đi ra khỏi khổ đau đạt đến an vui. Con đường tươi đẹp dù mở ra trước mắt nhưng tự thân mỗi người không đủ dũng khí, ý chí để tiến về phía trước thì hoài công vô ích. Chính vì thế, nương vào chính mình là việc làm quan trọng nhất trong tiến trình giải thoát khổ đau.

Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, giáo pháp của Ngài vẫn được các đệ tử lưu truyền khắp thế gian. Sự lớn mạnh và phát triển của giáo đoàn được thể hiện trong việc hình thành Tam Tạng Kinh điển để giữ gìn tính thống nhất những lời Phật dạy, tránh sự chống phá của ngoại đạo. Đồng thời để thích ứng với từng điều kiện hoàn cảnh môi trường, và sự dung hòa của Phật giáo theo từng giai đoạn mà đạo Phật có các hệ phái Nguyên thủy hay Đại thừa. Dù phân chia các hệ phái khác nhau để thích hợp với từng giai đoạn, làm cho vườn hoa Phật giáo ngày càng phong phú đa dạng, nhưng tinh thần chung của giáo lý Phật giáo là không phân biệt, vô ngã, vô chấp, không nằm ngoài mục đích giải thoát khổ đau cho tự thân và tha nhân. “Những ai hành trì Phật pháp vì mong cầu an lạc và lợi ích cho vô số chúng sinh khác, trong hiện tại và trong tương lai vô tận, đều được gọi là Bồ Tát” [9]

3.1. Bồ Tát trong Kinh Nguyên Thủy

Một số bài kinh trong kinh tạng Pāli của Phật giáo Nguyên thủy, miêu tả hình ảnh Bồ Tát mang ý nghĩa là một con người đang tìm cầu quả vị Vô Thượng Bồ Đề, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi chưa giác ngộ gọi là Bồ Tát. Với lời kinh mộc mạc, thấm đượm tuệ giác quán chiếu về một tiến trình vun đắp quả vị giác ngộ. Việc nhìn nhận lại hành động của chính mình trong cuộc sống được thể hiện qua đoạn Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanā Sutta) như sau: “Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chính Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sinh lại tìm cầu cái bị sinh, […] sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách, Niết Bàn”[10]. Ngài nhận biết những tìm cầu, ràng buộc, chấp thủ về ngã và ngã sở trong cuộc sống khiến trôi lăn trong sinh tử. Từ đó Ngài thực tập chuyển hóa bản thân bằng con đường xả ly những gì thuộc về thế gian, xả ly những nhân tố tái sinh để hướng đến cái không ô nhiễm, Niết Bàn. Ngoài ra trong Kinh Vương Tử Bồ Đề (Bodhirājakumāra Sutta) đề cập đến việc nhận diện được trạng thái lạc như sau: “Này Vương tử, trước khi giác ngộ, thành bậc Chính Ðẳng Giác, khi còn là vị Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: "Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ. Và Ta, này Vương tử, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình” [11].  Còn chấp vào trạng thái khổ và lạc tức còn phân biệt đối đãi, căn cứ trên sự thọ nhận của các giác quan, khi bản ngã được thỏa mãn, thọ nhận ngũ dục lạc thì cho đó là lạc, còn ngược lại là khổ đau. Thế nhưng đức Phật đã chỉ ra trạng thái hỷ và lạc là do ly dục sinh, chứ không phải từ dục lạc thế gian mang lại.

Cụm từ “trước khi Giác Ngộ” chỉ cho tiền thân đức Phật khi còn là Bồ Tát đang trong quá trình tu tập chuyển hóa tâm thức từ phàm phu lên bậc Thánh. Ngoài ra, danh xưng Bồ Tát trong Jātaka, với 547 câu chuyện mang đậm tính dân gian, giản dị mà sâu lắng, thể hiện 547 kiếp sống khác nhau của đức Phật. Trong quá khứ Ngài đã từng làm người với thân phận giàu nghèo khác nhau, để thực hiện con đường Bồ Tát hạnh. Có những kiếp Ngài làm Vua, làm Hoàng tử, làm Chư Thiên, ... có lúc Ngài trong hình tướng những loài động vật như: thiên nga, công, voi,… Dù ở hình tướng, trạng thái nào đi nữa thì Bồ Tát (tiền thân Phật) luôn nuôi dưỡng tâm thiện lành, ấp ủ hạt giống Bồ-đề, nguyện đem an vui đến cho mọi người, dù có hy sinh tính mạng vẫn cam lòng. Đến kiếp cuối cùng duyên thành quả mãn, phước đức châu viên Ngài đản sinh xuống cõi Ta-bà làm thái tử Tất-đạt-đa, và tiếp tục công phu thiền định tu chứng thành bậc Chính Đẳng Chính Giác với danh hiệu đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Như vậy khái niệm Bồ Tát (Bodhisatta) trong kinh tạng Nguyên Thủy (Pāli), chỉ cho kiếp trước của đức Phật. Ngài từ một con người chân thật mà phát tâm Bồ-đề, cầu giác ngộ giải thoát cho tự thân bằng cách nhiều kiếp thực hành Bồ Tát hạnh. “Các hạnh tu của Bồ Tát chỉ là công hạnh của Phật quá khứ và hiện tại”[12]. Con đường thành Phật điều quan trọng nhất là phát tâm Bồ-đề, tinh tấn trên con đường thực hành Bồ Tát hạnh như tấm gương mà đức Phật trải qua.

Tuy nhiên, để có thể tồn tại và phát triển, mọi tôn giáo cần phải có những bước chuyển tiếp tư tưởng nhằm đáp ứng phù hợp nhu cầu đổi mới của nhân loại, thì giáo lý Bồ Tát cũng có sự thay đổi để phù hợp với căn cơ và nhu cầu của từng thời điểm lịch sử cụ thể. “Vì Phật giáo là một tôn giáo, và vì mọi tôn giáo đều phải có khía cạnh thực tiễn và xã hội mà nếu không có nó, tôn giáo sẽ mất lý do tồn tại của mình”[13].

3.2. Bồ Tát trong Kinh Đại Thừa

Khái niệm Bồ Tát trong kinh Nguyên Thủy chỉ cho đức Phật trước khi giác ngộ, trải qua không gian, thời gian vô tận làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nhưng trong đời sống quá khứ, Đức Thế Tôn cũng từ một chúng sinh như bao chúng sinh khác mà thực hành các công hạnh độ tha, đạt đến Đẳng Chính Giác. Điều này nói lên rằng, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật thông qua con đường cứu khổ độ sinh. Trên cơ sở đó, kinh điển Đại Thừa đề cập đến Bồ Tát là danh từ chỉ cho chúng sinh mang công hạnh tích cực nhập thế cứu khổ độ sinh, được trình bày trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Lục độ tập,.... Đây là những Kinh đề cao tinh thần Bồ Tát trên bước đường tìm cầu tuệ giác, các Ngài không quên cứu độ chúng sinh, với lòng từ bi Bồ Tát nguyện lăn xả vào đời, vừa tu tập vừa độ sinh. Như nguyện của Bồ Tát Quán Âm trong kinh Pháp Hoa với 32 ứng hóa thân vào đời để cứu khổ mà không bị đời cuốn trôi; Hạnh nguyện của Trì Địa Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa được kể là một vị “Trì Địa Bồ Tát có hạnh nguyện suốt đời làm công việc sửa chữa đường xá. Bất kỳ ở đâu có con đường nguy hiểm, không thuận lợi cho người bộ hành, Ngài liền phát tâm đến dọn, sửa chữa lại con đường ấy trở nên tốt đẹp và thuận lợi cho người đi đường”[14]. Như hình ảnh Lục Tổ Huệ Năng cũng là Bồ Tát ẩn mình trong đám thợ săn, dùng phương tiện để giúp họ trở về con đường thiện lành, … Điều đó cho thấy hình ảnh Bồ Tát trong kinh điển Phật giáo Phát Triển rất đa dạng, được đề cập dưới nhiều hình tướng khác nhau, các Ngài sẵn sàng dùng cuộc đời của mình, lăn xả vào đời cứu khổ chúng sinh.

Như vậy theo kinh điển Đại thừa, Bồ Tát là danh từ chỉ cho bất cứ ai mang hạnh nguyện dấn thân vào hồng trần để cứu độ chúng sinh, bổ túc cho pháp tu và công hạnh của mình. Biểu thị cho tinh thần Bồ Tát nhập thế không giới hạn về hình thức xuất gia hay tại gia, cũng như không giới hạn cả giới tính. Trong hình nào cũng có thể phát khởi tâm Bồ-đề thực hành Bồ Tát hạnh, lấy chúng sinh hữu tình làm bạn lữ, trợ duyên cho Bồ Tát hoàn thành Phật quả. Chính vì thế, danh xưng các vị Bồ Tát trong hình tướng xuất gia như Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Thường Bất Khinh, Bồ Tát Dược Vương, …hình thức tại gia như: Thắng Man Phu Nhân, Duy Ma Cật,…danh từ Bồ Tát chỉ cho những người sống trọn cuộc đời vì lợi ích cho vô lượng chúng sinh, không chỉ trong đời này mà vô số đời sống khác, với mục đích duy nhất thành tựu quả vị Vô Thượng Bồ-đề.

Để công hạnh Bồ Tát trở thành bậc giác ngộ thì vai trò của Ba-la-mật là giai đoạn đả phá chấp ngã và ngã sở, từ một chúng sinh thành một vị Bồ Tát hoàn toàn giác ngộ. Chính Ba-la-mật sẽ giúp Bồ Tát có được sự tự tại trong mỗi hành động của mình.

3.3. Ba-la-mật-đa hay Độ vô cực (Pāramitā):

Với lòng từ bi và trí tuệ, Bồ Tát dấn thân vào đời làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh nhưng không khởi tâm mong cầu thành quả. Đây chính là Ba-la-mật. Bởi vì, phát khởi lòng từ vì mục đích nào đó cho bản thân thì đó chưa phải là rốt ráo, mà chỉ dừng lại ngay thời điểm mong cầu, đổi chác chứ chưa rốt ráo. Còn ở bờ tham vọng, mong cầu. Ví dụ, bố thí cúng dường là hành động cao đẹp, đem vật chất, trí tuệ của mình giúp đỡ cho những ai cần đến. Nhưng khi thực hành bố thí với mục đích vụ lợi, tạo danh tiếng tốt cho bản thân, hoặc mong sự thi ơn của đối tượng nhận thí, … là bố thí có kèm theo điều kiện, vụ lợi và chỉ hưởng phước báo hữu lậu. Vì thế, các vị Bồ Tát tinh tấn làm lợi ích cho chúng sinh bằng những hành động xả ly, vô cầu, vô sở đắc. Xuất phát từ tâm thiện lành này cũng đồng nghĩa với Ba-la-mật, là đang tiến về bờ bên kia (bờ giác ngộ).“Ba-la-mật (波羅密), tiếng Phạm: Pāramitā, Pāli: pāramī hoặc pāramitā. Tức là từ bờ sống chết cõi mê bờ này mà đến bờ Niết bàn giải thoát bên kia. Còn gọi là Ba-la-mật đa, Ba la nhĩ đa. Dịch ý là Đáo bỉ ngạn; Độ vô cực; Độ; Sự cứu cánh...”[15]

Bờ bên này chỉ cho tâm ích kỷ, thực dụng, xuất phát từ tâm tham ái, chấp thủ vào ta và những vật sở hữu của ta. Chính bờ tham chấp tạo ra những sợi dây trói buộc chúng ta neo lại trong sinh tử luân hồi. vì vậy, khi thực hành Ba-la-mật đạt đến bờ bên kia, bờ của thảnh thơi không có điều kiện, không có gì là của riêng mình, có chăng chỉ là mối nhân duyên hợp tan vô thường của các pháp.

“Thuật ngữ “Pāramitā” (Ba La Mật Đa hay Độ) được T.W Rhys Davids và W.Stede dịch là sự hoàn thiện, sự hoàn toàn, trạng thái cao nhất, và họ cho rằng từ này có nguồn gốc từ chữ Parama (mà không phải từ chữ Para với căn gốc i) theo ý kiến của học giả Har Dayal, ngang qua sự giải thích của họ từ việc kết hợp hai chữ param, có ý nghĩa là bờ bên kia, bờ xa hơn, và ita từ căn gốc ‘i’ có nghĩa là vượt qua, đi tới”[16]

“Ba La Mật波羅密: Pāramitā (Thuật ngữ). Còn gọi là Ba-la-mật-đa. Bá-la-nhĩ-đa. Dịch là cứu cánh, Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực. Còn gọi tắt là Độ, để chỉ đại hạnh của Bồ Tát. Đại hạnh đó có thể tự tu hành và giáo hóa người khác một cách rốt ráo, nên gọi là sự cứu cánh, có thể từ bờ sinh tử sang bờ Niết-bàn, nên gọi là Đáo bỉ ngạn.”[17]

Từ nhiều góc độ định nghĩa Ba-la-mật khác nhau, chúng ta có thể khẳng định rằng Ba-la-mật có công năng đối trị những pháp hữu lậu (tham, sân, si) làm trở ngại chúng ta trên con đường dứt trừ phiền não (bờ bên này) để đạt đến vô lậu cứu cánh (bờ bên kia). Thành tựu Ba-la-mật chính là thành tựu con đường đi vào thật tướng các pháp. Chỉ có thành tựu các Ba-la-mật Bồ Tát mới có thể thong dong trong việc độ sinh. Trong đó, Lục độ là hạnh tu của Bồ Tát, là sáu phương tiện đưa chúng sinh từ bờ mê sang bờ giác ngộ. Muốn đầy đủ phương tiện và năng lực để tự độ và độ tha thì không thể xem nhẹ một pháp môn nào cả. Bởi vì “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Trong tác phẩm Lục Độ tập kinh đã trình bày rõ Sáu pháp Ba-la-mật mà một vị Bồ Tát trên đường hướng đến đạo quả giải thoát, phải thực hành để viên mãn quả vị Chính đẳng Chính giác thông qua 91 mẩu chuyện tiền thân của đức Phật. Lục độ Ba-la-mật là một pháp tu của hàng Bồ Tát, được hiểu một cách khái quát là sáu phương tiện đưa người qua bờ bên kia, tức bờ mê qua bờ giác. Như nước trăm sông cuối cùng cũng đổ về biển cả cũng như trăm nghìn quyển kinh cuối cùng cũng hướng chúng sinh đến bến bờ giải thoát.

Với tinh thần khế lý khế cơ, Phật giáo đã nhanh chóng hội nhập vào đời sống người dân địa phương và tạo nên những nét văn hóa Phật giáo riêng biệt. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi chung của đạo Phật thì vẫn duy trì cho đến ngày nay, nhất là đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn trong lối sống, hành vi của mỗi phật tử. Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo có nhiều bộ kinh đề cập đến tinh thần nhập thế và sự đóng góp của đạo Phật vào sự bình ổn xã hội, hướng đến xây dựng đời sống an lành, ấm no hạnh phúc. Với tinh thần này, bản Lục độ tập kinh thuộc kinh điển Đại thừa, xiển dương tinh thần Bồ Tát hạnh,  mang đậm màu sắc văn học dân gian và có sức lôi cuốn mạnh mẽ mà chúng ta sẽ tiếp tục khảo cứu ở chương hai.

4. Kết luận

Mang hình thức Phật giáo Nguyên Thủy là những câu truyện kể về đời sống quá khứ của đức Phật. Lúc đó, Bồ Tát hiện thân làm Vua (Trường Thọ), làm Thái tử (Tu Đại Noa), làm người lái buôn, làm chim Oanh Vũ, hay làm Đạo sĩ … nhưng với tâm nguyện rộng lớn hơn người, Bồ Tát thực hành những việc mà người đương thời không ai làm được. Khi có người cần vợ con, Ngài hoan hỷ bố thí, hoặc có người cần con mắt, Ngài sẵn sàng hiến tặng, đôi lúc Ngài hy sinh cả mạng sống để cứu bầy cọp sắp chết đói,…Tất cả hành động của Ngài được sắp xếp thành độ vô cực hay còn gọi Ba-la-mật, tư tưởng Ba-la-mật, hay trí tuệ Bát Nhã là giáo lý nòng cốt của Phật giáo Đại Thừa.

Quan niệm về Bồ Tát của Phật giáo Phát Triển có vẻ phóng khoáng hơn, không  nghiên nặng về giới xuất gia, mà phần lớn Bồ Tát chỉ cho hàng cư sĩ. Như trong 91 câu truyện chỉ có 4 câu truyện (số 4, 26, 64, 75)  Bồ Tát làm Tỳ kheo. Còn lại là làm người thế tục trong vai trò là Vua, Thái tử, lái buôn, nhà triệu phú, hay vua của các loại Nai, Ngựa, Voi, … không câu nệ hình thức, các vị Bồ Tát cư sĩ với sự thấu hiểu cuộc đời Vô thường, một lòng học tập và hành trì pháp của Phật, đã thể hiện sự nhập thế và vượt ra hình thức. Dù trong hình thức nào, các chúng đệ tử Phật có thể hành trì và lưu truyền ánh sánh Phật pháp đến với tất cả mọi người, nhằm xây dựng một xã hội lý tưởng trên con đường phụng sự giúp đời.

Tác giả: Thích Nữ Chơn Nhàn Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

[1] Thích Quảng Độ dịch (1999), Phật Quang Đại Từ Điển tập I, Sđd, Tr.765. [2] Mircea Eliade (1987), The Encyclopaedia of Religion,  Collier Macmillan Publishers, New York, tập II, Tr. 265. [3] Thích Quảng Độ dịch (1999), Phật Quang Đại Từ Điển tập I, Sđd, Tr.779. [5] Chương sáu, tương ưng phạm thiên [6] Chương bốn, tương ưng ác ma [7] Tuệ Sĩ (2015), Du-Già Bồ Tát Giới, Nxb. Phương Đông, tr. 7 [8] Phật Quang Đại Từ Điển, tr.769 [9] Tuệ Sĩ, Sđd, tr. 19 [10] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (2019), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo, tr.191. [11] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (2019), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo, tr.640. [12] Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (), Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, tr.234. [13] D.T.Suzuki, H T. Thích Chơn Thiện và cư sĩ Trần Tuấn Mẫn dịch từ nguyên tác Anh ngữ (1999), Nghiên Cứu  Kinh Lăng Già, Nxb. Thuận hóa, [14] Thích Nguyên Đạt, 2020 Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [15] Thích Quảng Độ dịch, (1999), Phật Quang Đại Từ Điển tập I, Nxb. Phương Đông, Tr.280. [16] Thích Viên Trí (2002), Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm (Lý Thuyết Và Thực Hành), Nxb. Tôn Giáo, tr.96. [17] Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Từ ĐiểnPhật Học Hán Việt, Nxb. Khoa Học Xã Hội, tr.63.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (2019), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo, tr.191. 2. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (2019), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo, tr.640. 3. Thích Quảng Độ dịch (1999), Phật Quang Đại Từ Điển tập I, Sđd, Tr.765. 4. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (1969), Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, tr.234. 5. Thích Nguyên Đạt ( 2020) Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu Đương đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 6. Mircea Eliade (1987), The Encyclopaedia of Religion, Collier Macmillan Publishers, New York, tập II, Tr. 265. 7. Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học (1992), Từ Điển Phật Học Hán Việt, Nxb. Khoa Học Xã Hội, tr.63. 8. Tuệ Sĩ (2015), Du-Già Bồ Tát Giới, Nxb. Phương Đông, tr. 7. 9. D.T.Suzuki, H T. Thích Chơn Thiện và cư sĩ Trần Tuấn Mẫn dịch từ nguyên tác Anh ngữ (1999), Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, Nxb. Thuận Hóa. 10. Thích Viên Trí (2002), Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm (Lý Thuyết Và Thực Hành), Nxb. Tôn Giáo, tr.96.