Phật pháp và khoa học có cầu nối huyền diệu, đó là chân lý. Và điều làm nên phẩm giá của Phật pháp là chân lý trường tồn trong đời sống nhân loại. Bởi lẽ Phật giáo không những không giống như lý luận của các tôn giáo khác không chịu nổi với sự khảo nghiệm của khoa học mà phải phá sản, ngược lại, những phát hiện của khoa học đã trở thành chú giải có sức mạnh của phật pháp.
Tác giả: Trọng Nguyên - Nguyễn Trọng Đồng
Vũ trụ nhân sinh là một phạm trù vô cùng rộng lớn và phức tạp, chứa đựng nhiều bí ẩn lớn mà nhân loại cơ hồ chưa tiệm cận được. Trước thiên nhiên vũ trụ, con người cảm thấy thật nhỏ bé như hạt cát giữa biển khơi. Nhưng nhân loại chưa bao giờ cô đơn trong vũ trụ nhân sinh của mình.
Ngày nay, khoa học phát triển mạnh mẽ, lượng tri thức khổng lồ, công cụ máy móc ngày càng tinh vi hiện đại, tạo điều kiện cho con người ngày càng nhận thức sáng tỏ hơn hay đã vén màn những bí ẩn, góc khuất của vũ trụ.
Trong khi đó, đời sống tinh thần và tâm linh của con người cũng vô cùng phong phú và phức tạp. Nhiều hệ tư tưởng và tôn giáo được hình thành và phát triển với những quan niệm, quan điểm và nhận thức khác biệt về vũ trụ nhân sinh... Nhưng triết lý thù thắng và tiệm cận chân lý cuộc sống vẫn luôn là khát vọng và mục đích sống của nhân loại.
Trong lịch sử, có nhiều hệ tư tưởng và tôn giáo hình thành và tồn tại, nhân loại vẫn đang ngày càng am hiểu hơn về bản chất của sự sống và cái chết, về vũ trụ quan cũng như đời sống tâm linh - dù còn những góc khuất mà khoa học chưa thể một sớm một chiều lý giải. Nhưng nếu ta cố công tìm hiểu về phật pháp và những lĩnh vực khoa học chuyên sâu thì có thể nói, sẽ cho ta những hiểu biết quý giá, những cảm nhận thú vị về những điều con người hằng mong muốn khám phá giải mã. Đó cũng là đôi điều người viết tâm đắc và sẽ được đề cập trong bài viết này.
Sự tương hợp giữa phật pháp và khoa học
Có thể nói, giữa phật pháp và khoa học có những điểm tương đồng, những "chỗ gặp nhau" mà các tôn giáo khác không có được. Nói cách khác, giữa phật pháp và khoa học có cầu nối huyền diệu, đó là chân lý. Điều làm nên phẩm giá của phật pháp là chân lý trường tồn trong đời sống nhân loại. Bởi lẽ "Phật giáo không những không giống như lý luận của các tôn giáo khác không chịu nổi với sự khảo nghiệm của khoa học mà phải phá sản, ngược lại, những phát hiện của khoa học đã trở thành chú giải có sức mạnh của Phật pháp, chứng thực sự vĩ đại và tính chính xác của Phật pháp" (Trích dẫn : Phật pháp tại thời đại nguyên tử - La Vô Hư cư sỹ - tác giả, Phật pháp và Khoa học). Tìm hiểu về Phật pháp và Khoa học sẽ giúp ta càng sáng tỏ hơn chân tướng của vũ trụ và chân lý của cuộc sống.
Trước hết phải thừa nhận rằng đạo Phật cũng như Phật pháp là một phạm trù tư tưởng, một lĩnh vực tinh thần vô cùng lớn lao và sâu sắc; trong khi đó, hiểu biết nhận thức của cá nhân tôi thì còn rất ít ỏi, không đáng kể so với hàng chục bộ Kinh điển hay kho tri thức khổng lồ của Phật pháp. Nhưng tôi có cái may mắn và lợi thế của người "đến sau" khi tìm hiểu về Phật pháp và đạo Phật nói chung.
Ấy là tôi được tiếp cận cuốn sách "Phật pháp và Khoa học". Cuốn sách dày gần 400 trang do dịch giả Nguyễn Trọng Tường dịch - 2013, tập hợp nhiều bài nghiên cứu của các nhà khoa học hay những tác giả chuyên tâm nghiên cứu về đạo Phật. Cuốn sách đã cho tôi hiểu hơn về thế giới quan, nhân sinh quan vũ trụ với nhiều cảm xúc và những kiến thức thật bổ ích và ý vị. Và trong những cảm thức ấy, phải chăng điều làm tôi tri ân và tâm đắc nhất là trí tuệ siêu phàm với những kiến giải sâu sắc của đức Phật Thích Ca Mâu Ni về thế giới tự nhiên và luật nhân quả của vũ trụ nhân sinh.
Bởi lẽ, từ hơn 2.500 năm trước, khi khoa học chưa phát triển hay còn sơ khai, đức Phật đã có năng lực phi thường khi tri ngộ được vũ trụ này là vô cùng tận; cũng là khi "Phật giáo lấy tam Thiên đại Thiên thế giới làm một Phật quốc độ, bao quát cả 1000 Thái Dương hệ, tương đương một tinh vân (ngân hà) ở trong Thiên văn học" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà Khoa học - Cửu Trí Biểu cư sỹ).
Ngài đã nhìn thấu trời xanh (bằng thiên nhãn) hay các thiên hà trong vũ trụ mênh mông từng vận động, tồn tại theo quy luật của sự biến dị của hiện tượng vật lý: thành, trụ, hoại, không. Cũng như sự cống hiến của Phật pháp đối với Khoa học tự nhiên nói chung, toán học nói riêng là thật to lớn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật đáng được vinh danh là có cống hiến trọng đại cho toán học thế giới, khi ta được biết "Điều này là có căn cứ, là có viết trên Kinh Hoa Nghiêm, quyển thứ 80, quyển 65 trang 11 đến trang 12..." (Trích : Phật pháp và khoa học - Trí Hành). Điều làm ta kinh ngạc về trí lực siêu phàm của đức Phật, khi biết rằng "Phật đã giảng số mũ cho chúng ta, giảng vô hạn số mũ. Phật còn giảng đại số cho chúng ta (...). Điều này, đối với ngày nay chỉ là chuyện nhỏ, học sinh trung học, thậm chí học sinh tiểu học cũng biết. Nhưng lùi về 2.500 năm trước, thì đây là chuyện hết sức phi thường. Đây là sự cống hiến lớn lao cho sự phát triển tiến bộ của toán học thế giới"(Trích : Phật pháp và khoa học - Trí Hành).
Tìm hiểu về vũ trụ quan của Phật giáo, chúng ta được hiểu "Thực sự có khả năng mô tả tổ chức vĩ đại và quá trình phát triển của vũ trụ một cách rõ ràng, tương đồng với khoa học hiện đại chỉ có Phật giáo mà thôi" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà Khoa học - Cửu Trí Biểu). Điều đó đã từng được ngành Thiên văn học ngày càng chứng minh và làm sáng tỏ hơn.
Điều dĩ nhiên, trái đất - địa cầu của chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ như giáo hội Công giáo từng quan niệm. Không những thế, họ còn kết tội và thiêu sống nhà khoa học Bruno, cách nay hơn 500 năm trước, khi đề xuất thuyết Thái dương trung tâm. Và cho rằng Mặt Trời mới là trung tâm, và mặt trăng, trái đất cùng các ngôi sao trên trời đều quay xung quanh Mặt Trời... Như vậy có thể nói, chỉ riêng về thuyết vũ trụ quan thì đức Phật đã đi trước khoa học hàng nghìn năm rồi.
Điều đó được đề cập cụ thể trong bài "Vũ trụ quan trong Kinh Hoa Nghiêm và khoa học" (Khuyết danh), khi nói rằng "Ngày nay đã bước vào thế kỷ 21 rồi, các nhà khoa học, giới thiên văn học sử dụng nhiều loại kính viễn vọng Thiên văn tiên tiến như vậy mới nhìn thấy không gian vũ trụ, mà Phật Như Lai chúng ta cách đây hơn 2.500 năm trước đã nhìn thấy, mà lại nhìn thấu xa rộng hơn nhiều, đồng thời nói được cụ thể, rõ ràng như vậy. Chẳng nhẽ đây là phong kiến mê tín hay sao? Điều này dùng hai chữ "tôn giáo" có thể nói rõ được hay sao?" (Trích: Vũ trụ quan trong Kinh Hoa Nghiêm và Khoa học - khuyết danh).
Một điều đáng nói về sự tương đồng trong mối quan hệ giữa phật pháp và khoa học là khi Phật pháp giác ngộ cái bản ngã, năng lực phá trừ cái ngã chấp của cái "Ta", còn khoa học là sự khám phá sức mạnh của nguyên tử. Nói cách khác, "... khoa học nguyên tử với phật pháp nhìn từ bên ngoài, tựa hồ là hai chuyện khác nhau, song thực tại họ hoàn toàn đang giải quyết một vấn đề - năng lượng và giải phóng năng lượng. Bắn phá các trạng thái năng lượng cực kỳ đậm đặc này, ở trong khoa học gọi là "nguyên tử", ở trong phật pháp gọi là "Ta". Còn nữa, phương hướng của họ là như nhau - là hướng nội..." (Lược trích: Nguyên tử và vô ngã - La Vô).
Nguyên tử và thời đại nguyên tử cũng như vô ngã, bản ngã hay ngã chấp trong phật pháp là những vấn đề thuộc tầm vĩ mô, không thể vài ba dòng, thậm chí vài ba quyển sách lại có thể khái quát được, thể hiện được. Nhưng sự tương hợp giữa phật pháp và khoa học, khi tìm hiểu về nguồn gốc của vật chất vạn vật trong vũ trụ, có thể giúp ta hiểu được nhiều điều lớn lao qua sự phát hiện của khoa học. Điều đó đã được đề cập đến "Hiện nay đã phát hiện giữa Prton và hạt hạ nguyên tử có hơn 200 loại hạt khối lượng tĩnh tại và tự vận động khác nhau tồn tại, và giữa Lepton và Prton cũng có nhiều loại hạt Meson tồn tại, những hạt khác nhau này ở trong Phật giáo nhìn nhận, chính là "sắc biến tế tướng", hàm chứa phân lượng tính chất hư không đồng nhất hợp thành, trong Kinh Lăng Nghiêm, Bản Sư chưa liệt kê các loại hạt hạ nguyên tử (...), cơ hồ hai bên có tính nhất trí, đều thuyết minh đặc tính của vật chất với hư không.
Khoa học gia hiện nay vẫn chưa biết nguồn gốc của Quarks và Proton v.v... sinh ra từ đâu, song Bản Sư (đức Phật - người viết) sớm đã nói với chúng ta, chúng đến từ hư không, hết thảy sắc tướng đều sinh ra từ hư không và Phật càng tiến thêm một bước chỉ ra, hư không sinh ra từ tự tính. Tự tính là không cách nào dùng khoa học để nhận biết..." (Lược trích: Một nhà vật lý học nhận thức về Phật giáo - Tử Hư).
Như vậy, có thể nói một cách khái luận về nguồn gốc của vật chất vạn vật trong vũ trụ vốn được tạo hóa, sinh ra từ hư không và "hết thảy sắc tướng đều sinh ra từ hư không". Do đó có cấu tạo vật chất là "do phân tử tạo thành, phân tử do nguyên tử tạo thành, nguyên tử do Prton, Neutron, Eleetron hợp thành,..." (Lược trích: Một nhà vật lý học nhận thức về Phật giáo - Tử Hư).
Điều đáng nói, giữa khoa học và Phật giáo có sự khác biệt so với các tôn giáo khác chính là vốn có sự chứng minh, khảo nghiệm cái bản chất và kết quả của chân tướng vũ trụ, chân lý nhân sinh mà không phải chỉ có Kinh sách hay thuyết giảng. Với một số tôn giáo (ngoại trừ Phật giáo) từng cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do Thượng đế (hay Đức Chúa trời) sáng tạo ra, thậm chí còn cho rằng "...Thượng đế trong vòng 6 ngày sáng tạo ra Nhật Nguyệt Tinh Tú Địa Cầu, điều này chỉ có thể nói rõ cái chính sách ngu dân của tôn giáo" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà khoa học). Với những cống hiến vĩ đại của khoa học, nhất là khoa học của thời đại nguyên tử, chân tướng vũ trụ hay những bí ẩn của vũ trụ xưa nay đã dần được làm sáng tỏ, cho con người cái "Vũ trụ quan", "Thế giới quan" tích cực. Điều có ý nghĩa ấy như ý kiến của một nhà khoa học khi cho rằng "Việc phân tích được nguyên tử và các phát hiện mới của khoa học, đối với một số tôn giáo mà nói, chẳng khác gì bị một quả bom nguyên tử ném xuống vậy, lay động tận gốc cái nền móng lý luận Thượng Đế tạo vạn vật của những tôn giáo đó. Một ngoại lệ duy nhất, đó chính là Phật giáo..." (Trích: Phật pháp tại thời đại nguyên tử - La Vô Hư).
Tựu trung, Phật giáo là một tôn giáo có tính khoa học chính thống và có hệ tư tưởng bác học. Nếu ai còn nghi ngờ điều ấy thì hãy đọc lại nhận xét sau của một nhà khoa học "Phật pháp là trí tín, không phải là mê tín. Phật pháp là sản vật lý tri khách quan nhất bài trừ ngã chấp (chủ quan), là phá trừ ngu muội, áo giác và mê tín cho nhân loại! Có một số người nói Phật giáo là mê tín, đó chỉ là nhìn từ bên ngoài mà có sự ngộ nhận, phật pháp trải qua một thời gian dài lưu truyền, không tránh khỏi pha tạp vào những nghi thức tín ngưỡng Quỷ Thần và một tôn giáo nào đó của bản địa..." (Trích: Phật pháp tại thời đại nguyên tử - La Vô Hư).
Nội hàm cơ bản của phật pháp
Một điều đáng nói khác của Phật pháp là luật NHÂN QUẢ. Phật còn đề xướng thuyết nhân duyên hòa hợp khi nói tất cả sự vật của tinh thần vật chất đều là nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Chẳng hạn về phương diện vật chất mà nói "người nông phu lấy một hạt lúa trồng vào trong ruộng, được quang hợp ánh nắng Mặt Trời, đất nước, phân bón, nhân công chăm sóc, rồi mọc lên một cây lúa. Đây là sản xuất của nông dân, lúa không phải là từ không mà có, đó là lấy hạt lúa làm nhân (trong Kinh Phật nói là thân nhân duyên), lấy ánh nắng Mặt Trời, đất nước, phân bón, nhân công làm duyên mà từ từ sinh trưởng" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà khoa học - Cửu Trí Biểu).
Ý nghĩa của thuyết nhân duyên hòa hợp đã được thực tiễn đón nhận và khoa học chứng nghiệm. Nói cách khác, nó đã được thừa nhận bởi thực tiễn, cho ta hiểu " Thuyết nhân duyên hòa hợp đã phá vỡ tất cả những tà kiến Thượng Đế tạo vật, thần quyền vạn năng, và khoa học gia cổ điển lấy nguyên tử làm đơn vị nguyên thủy không thể phân chia (...). Từ thuyết nhân duyên hòa hợp này hình thành nên luật nhân quả mà mọi người đều biết, chính là câu "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu,". Suy ra trong cuộc sống nhân sinh, chính là học thuyết tạo nhân thiện được quả thiện, tạo nhân ác được quả ác" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà khoa học - Cửu Trí Biểu). Cần nói rõ, luật nhân quả là quy luật của tự nhiên khách quan, vốn tồn tại nguyên thủy trong vũ trụ nhân sinh. Và nó "... ăn sâu vào lòng người này của Phật giáo, là phù hợp với luận điểm khoa học hiện đại, không còn nói đó là sự mê tín của ngu phu ngu phụ nữa" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà khoa học - Cửu Trí Biểu). Nó tồn tại, hiển thị vĩnh hằng trong vũ trụ nhân sinh, không chịu tác động chi phối bởi bất kỳ cá nhân hay tôn giáo nào. Điều muốn nói là chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ hàng nghìn năm trước đã tri ngộ và đề xướng luật nhân quả trong thuyết giảng của Ngài.
Chính Đức Thế Tôn cũng nói "Thiên Đường, Địa Ngục, Nhân Gian, Ngạ Quỷ, Súc Sinh đều do tâm tạo, hết thảy thiện ác tội phúc đều là do chúng sinh tự làm tự chịu không phải là Thượng Đế có thể thưởng phạt" (Trích: Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà khoa học - Cửu Trí Biểu).
Đời sống nhân loại từ hàng nghìn năm nay vẫn sinh tồn, phát triển và vận động theo luật nhân quả. Có thể nói, vạn vật của vũ trụ nhân sinh vẫn luôn quay quanh "trục nhân quả" với điều thiện điều ác luôn tồn vong và phát sinh. Thực tiễn cuộc sống và thời gian đã là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất cho luật nhân quả của vũ trụ nhân sinh. Có thể kể ra nhiều, rất nhiều ví dụ hay trường hợp là hiện thân của luật nhân quả. Có lẽ cha ông tổ tiên ta từng hiểu và vận dụng luật nhân quả trong đời sống, khi quan niệm "Ác giả ác báo", "Gieo gió gặt bão" hay "Ở hiền gặp lành", "Báo ân báo oán",... Ngày nay khi kinh tế thị trường phát triển, mặt trái của nó đã tác động nhiều đến đời sống con người. Chẳng phải người ta từng coi trọng, thậm chí coi trọng thái quá đời sống vật chất, coi vật chất là thước đo giá trị cuộc sống; đành rằng cuộc sống vật chất luôn đồng hành và gắn liền với đời sống hiện thực. Nhưng trái lại, nhiều người lại coi trọng quá mức, cực đoan hóa đời sống tâm linh. Việc ma chay hủ tục, buôn thần bán thánh, chữa bệnh không dùng thuốc (mà chỉ bằng câu thần chú)... là những biểu hiện của hành vi cực đoan hóa đời sống tâm linh.
Trong khi đó, khoa học đã phát triển mạnh mẽ với lượng trí thức vô cùng phong phú và những phát minh, khám phá có giá trị và ý nghĩa to lớn (trong đó đáng kể có học thuyết nguyên tử, lượng tử liên quan vật lý vũ trụ và thuyết tương đối của nhà bác học thiên tài Einstein). Nhưng do nhiều nguyên nhân mà không thể tiếp cận hay "phủ sóng" đến mọi tầng lớp nhân dân. Vã lại, điểm tựa tinh thần trong đời sống tâm linh, vì nhiều nguyên do mà còn bấp bênh, không vững vàng trước phong ba cuộc sống đương đại. Do đó mà nhân loại, phần vì thiếu tri thức hiểu biết, phần vì thiếu niềm tin vào đạo Phật, thậm chí còn xa lánh, nên không tiếp cận được luật nhân quả, nói gì đến việc am hiểu và vận dụng được nó với luận thuyết nhân duyên hòa hợp của Phật pháp...
Tìm hiểu, nghiên cứu Phật pháp hay đạo Phật nói chung còn cho ta nhiều tri thức quý giá, thú vị về vũ trụ nhân sinh nói chung và đời sống tâm linh nói riêng. Trong khi đó, thực tế còn có rất nhiều người không theo đạo Phật, càng không hiểu Phật pháp lại cho là vớ vẩn mê tín. Tôi từng nghe những người không phải là Phật tử (mặc dù họ không tôn sùng các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo chẳng hạn nhưng cũng chưa thật tin tưởng vào khoa học), phân vân rằng khoa học sao vẫn chưa giải thích được các hiện tượng tự nhiên từng "tồn tại" trong đời sống mà thật khó hiểu, bí ẩn như linh hồn, địa ngục, ngạ quỷ... Những điều ấy, trước hết phải hiểu rằng nó không tồn tại trong không gian ba chiều nên không nhìn thấy, không thể cắt nghĩa theo quan điểm khoa học cũng như theo logic vật lý học một cách thông thường. Mà đó là những hiện tượng "siêu tâm lý". Và chỉ có thể cắt nghĩa (nhận thức) theo quan điểm tâm lý của Phật pháp. Nhưng không có nghĩa, đó là "duy tâm" (nhưng không theo quan niệm của Phật pháp) với những gì do Thượng Đế tạo ra. Điều đó, quả như một nhà khoa học từng nhận xét "Trong khoa học hiện nay vẫn không thể giải thích những hiện tượng "siêu tâm lý" đã biết, như hiện tượng khí công, linh hồn, siêu năng lực v.v... Những vấn đề này, Nhà Phật sớm đã hoàn toàn biết rõ rồi" (Trích: Một nhà vật lý học nhận thức về Phật giáo - Tử Hư). Chúng ta hiểu rằng, những gì "Nhà Phật sớm đã hoàn toàn biết rõ rồi" thì không phải là bí ẩn như không thể hiểu, không truy được nguồn gốc của vũ trụ nhân sinh...
Có thể nói, với đời sống vật chất thì người ta nỗ lực tìm kiếm thành công hoặc cố giành giật, còn với đời sống tinh thần tâm linh thì nhiều khi chưa được quan tâm đúng cách và đúng mức. Có lẽ thế mà xã hội nước ta, dù đời sống kinh tế ngày càng phát triển mà cuộc sống còn ít nhiều bất an khi đạo đức xã hội xuống cấp, thậm chí có những giá trị đạo đức truyền thống mai một đến mức báo động khi anh em, cha con chỉ vì vài mét đất ở, dăm ba trăm nghìn tiền lẻ mà chém giết không thương tiếc,... Hiện trạng ấy đều có nguyên nhân khách quan và cả chủ quan nhất định. Hậu quả của nó thì không chỉ mất mát về vật chất. Nhưng điều đáng nói là người ta không sớm nhận ra hậu họa như luật nhân quả vẫn nhỡn tiền. Vả lại, các cặp phạm trù (nhân - quả), có khi không song trùng biểu hiện trong không gian, thời gian nhất định hay trong từng trường hợp cụ thể. Thực tế có những trường hợp, việc "người ta" làm điều ác hôm nay thì chưa hẳn ngày mai kia đã lãnh hậu quả xấu, bởi có lẽ họ còn có phúc báo của kiếp trước mà nghiệp chướng (quả báo) của đời này thì chưa tới. Có thể đó cũng là lý do để còn nhiều người không tin vào luật nhân quả trong đạo Phật. Nhưng dù tin hay không thì nó vẫn tồn tại, vận động như một quy luật bất biến của tự nhiên.
Còn ở mặt tích cực. Trước hết ta hiểu rằng, cái tốt, cái đẹp vẫn luôn là mẫu số của những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Ở đời ai chẳng yêu chuộng cái tốt, cái đẹp? Những cái ấy chẳng phải ở đâu xa như không thể thấy, không tiếp cận được. Nó ở ngay trong chính cái TÂM của mỗi người ấy như đức Phật từng nói "...đều do tâm tạo..."!. Như vậy, ta muốn tốt đẹp thì phải có suy nghĩ, hành động đẹp. Và một khi có ý nghĩ, hàng động thái độ đẹp (cái "nhân") thì cuộc đời sẽ trả lại cho ta những cái tương ứng (cái "quả"). Đó là luật nhân quả. Cho nên, để cuộc đời ta có được "quả đẹp", nhất định ta phải có cái TÂM trong sáng và những hành động, lời nói đẹp đẽ, cả những hành vi đời thường như sự cảm thông, chia sẽ, giúp đỡ với những cảnh đời cơ cực khổ đau...
Mặt khác, phải luôn từ bi bác ái và làm những điều thiện nguyện. Hãy yêu thương, từ bi, làm nhiều điều thiện nguyện trước theo quan niệm "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình". Có lẽ trong cuộc sống thường hằng, nhiều người đã hiểu được ý nghĩa của việc làm từ thiện, cái đẹp của "từ bi bác ái" mà đã có những hành động, thái độ sống rất nhân văn, đáng khen ngợi như sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khó, yêu thương chăm lo với người không phải là ruột thịt máu mủ của mình... Và những điều ấy, ta từng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi cũng từng cảm kích trước tấm lòng và thái độ hành vi sống đẹp của bác sĩ Linh ở làng phong Di Linh (Lâm Đồng) được một tờ báo Đảng phản ánh gần đây trên mục "Điểm báo" của Đài Truyền hình Việt Nam. Hoặc đó là hành động dũng cảm của em Trần Văn Nam, học sinh lớp 10 ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình chính là "chàng trai dũng cảm cứu người dưới đáy sông" được phản ánh gần đây trên báo Tuổi Trẻ. Đây chưa hẳn là những dẫn chứng tiêu biểu cho những hành vi nghĩa hiệp tạo nhân quả đẹp trong đời sống của nhân dân ta. Những điều ấy vẫn có nhiều trong đời sống và ít nhiều đã có sự lan tỏa, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn...
Tìm hiểu về Phật pháp và khoa học quả có nhiều điều thú vị và bổ ích. Bởi nó hẳn cho ta nhận thức và cái cảm quan về vũ trụ quan và nhân sinh quan theo quan điểm triết học của khoa học biện chứng. Mặt khác, có thể coi tri thức về vũ trụ quan, nhân sinh quan và luật nhân quả ấy là điểm tựa tinh thần trong đời sống tâm linh vốn rất phức tạp và có phần nhiễu nhương trong cuộc sống đương đại; để từ đó cho ta tiếp bước trên đường đời, dù lắm chông gai mà không dễ vấp ngã, chí ít cũng vững tin vào cuộc sống mà không bi lụy, mơ hồ trước vũ trụ nhân sinh.
Tác giả: Nguyễn Trọng Đồng Địa chỉ: Nam Hồng, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.
Bình luận (0)