Tác giả: NNC Phan Anh Dũng
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Tóm tắt:

Bài này tiếp tục giới thiệu về bản Đạt Na thái tử hạnh tương truyền do thiền sư Chân Nguyên viết, nằm trong hệ thống các tác phẩm văn học Phật giáo chữ Nôm giai đoạn Lê Trung Hưng thế kỷ 17 - 18.

Từ khóa: Hòe Nhai, Hồng Phúc, Đạt Na thái tử, Chân Nguyên Tuệ Đăng, Giác Lâm.

1. Giới thiệu:

Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự ở số 19 phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời nhà Lý, là chốn tổ đình của phái Tào Động miền Bắc nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung từ thế kỷ 17. Có đến 2 vị quốc sư, 3 vị Tăng Thống, 2 Pháp chủ xuất thân và trụ trì ở đây.

Tại chùa hiện còn bảo tồn được nhiều di vật quý, ngoài tượng, bia đá, tháp cổ còn có khánh đồng, trống đồng đặc biệt là kho mộc bản tuy hiện chỉ còn 419 ván và không có các bộ kinh lớn nhưng nếu tính theo số đầu sách (tên bộ sách) còn thấy trên ván thì lại khá nhiều, cho thấy nơi đây từng là nơi ấn tống kinh sách lớn ở miền Bắc.

Trong số mộc bản hiện tàng bản ở chùa Hòe Nhai mà Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã tiến hành số hóa có một số tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm thuộc loại rất sớm khoảng cuối TK17 đầu TK18 như Đạt Na thái tử hạnh, Hồng Mông tạo hóa chư duyên bản hạnh, Lý sự dung thông, Giới thần bản hạnh (sách này thiếu nhiều ván nên chưa thấy nguồn nào đề cập).

Bản Lý sự dung thông đã được chúng tôi giới thiệu trên tạp chí Nghiên cứu Phật học số 11/2023 (xem link), bài này xin giới thiệu tiếp bản Đạt Na thái tử hạnh.

Sách “Đạt Na Thái Tử Hạnh” là tập thơ chữ Nôm gồm 934 câu thơ lục bát, kể lại sự tích của Thái tử Đạt Na. Sách do Thiền sư Giác Lâm trụ trì chùa Hòe Nhai đứng in vào năm 1838, khổ 15 x 25 cm, gồm 23 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng có 18 chữ.

Bộ mộc bản Đạt Na Thái Tử Hạnh ở chùa Hòe Nhai hiện còn đủ 23 tờ gồm 12 ván, ván khắc 2 mặt nên dư ra 1 mặt dùng khắc tờ 4 của sách Lý sự dung thông, xin xem bản thống kê sau:

Do bản Đạt Na thái tử hạnh đã được Giáo sư Lê Mạnh Thát khảo cứu kỹ lưỡng trong sách Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng nên trong phạm vi bài này chúng tôi không dẫn lại các ý mà Giáo sư đã viết, chỉ bổ sung thông tin về người đứng in sách và lật lại vấn đề ai là tác giả của Đạt Na thái tử hạnh.

2. Về người đứng in sách:

Cuối bản in có mấy dòng thông tin như sau “Kim thì Hoàng triều Minh mạng thập cửu niên tuế Mậu Tuất (1838) hạ thiên cốc nhật. Án Nhân vương kinh giải quốc ngữ bản hạnh. Hoài Đức phủ Vĩnh Thuận huyện, Hòe Nhai phường, Hồng Phúc tự trụ trì tăng tự Giác Lâm đốc san lưu bản dĩ hiểu hậu ấn.”  Tức bộ mộc bản được khắc năm Minh Mạng 19 - 1838, do sư trụ trì chùa Hòe Nhai khi đó là Thiền sư Giác Lâm đứng ra khắc in.  

Thiền sư Giác Lâm Lục Hòa, hay Sa môn Minh Liễu, hiện chưa rõ năm sinh năm tịch và hành trạng chỉ biết Thiền sư tịch vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, Thiền sư vốn thuộc phái thiền Tào Động ở Việt Nam, thế hệ 42, trụ trì chùa Hồng Phúc (Hà Nội), xuất gia thọ giáo với Tăng thống Viên Thông (hay Thiền sư Hải Điện Mật Đa). Thiền sư Giác Lâm Minh Liễu là sư đệ của Thiền sư Minh Chính Thanh Đàm (hay là Giác Đạo Tuân), sau khi Thiền sư Thanh Đàm viên tịch, Thiền sư Giác Lâm Minh Liễu kế thế trụ trì chùa Hồng Phúc (Hà Nội). Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thiền sư Giác Lâm Minh Liễu đứng ra in lại sách “Đạt Na Thái Tử Hạnh” của Thiền sư Chân Nguyên. Trong khoảng niên hiệu Minh Mạng (1820 - 1840), Thiền sư Giác Lâm cũng đứng ra lo khắc in lại sách “Hồng Mông Hành”, “Lý sự dung thông”...

Chú ý theo sơ đồ truyền thừa của tông Tào Động tại Việt Nam của Giáo sư Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng thì lại đặt Giác Lâm lên trước Đạo Tuân, cụ thể như sau: Thủy Nguyệt Thông Nam → Tôn Diễn Chân Dung → Từ Sơn Tịnh Giác → Tính Chúc Đạo Chu → Hải Điện Mật Đa → Khoan Dực Đạo Nguyên → Giác Lâm Minh Liễu → Đạo Tuân Minh Chính → Sanh Lịch Minh Đạt.

3. Về tác giả Đạt Na Thái Tử Hạnh:

Giáo sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra nhiều luận cứ để xác minh Đạt Na Thái Tử Hạnh là tác phẩm của Chân Nguyên Tuệ Đăng, luận cứ mạnh nhất là có nhiều câu chữ giống với bản Nam Hải Quan âm bản hạnh mà bản này thì có ghi rõ tên tác giả là Trúc Lâm Tuệ Đăng Hòa Thượng Chính Giác Chân Nguyên (cụ thể là ghi ở cuối bản Nam Hải Quan âm bản hạnh in năm Tự Đức 3 (1850) có ký hiệu AB. 550 ở kho sách Viện Hán Nôm).

Ý kiến của Giáo sư Lê Mạnh Thát đã được chấp nhận rộng rãi, gần như không có ai thắc mắc, tuy nhiên chúng tôi thấy vẫn có 2 điểm lấn cấn:

Thứ nhất là các tác phẩm của Chân Nguyên Tuệ Đăng thường có tên tác giả lồng ngay trong các câu thơ, như bản Nam Hải Quan âm bản hạnh ở trang 42b có câu tác giả tự nói về mình: “Hòa thượng Chính Giác hiền kinh”, Chính Giác cũng là một tên hiệu của Chân Nguyên Tuệ Đăng… Tuy nhiên bản Đạt Na Thái Tử Hạnh thì không thấy ghi tên kiểu đó.

Thứ hai là trong bản Đạt Na Thái Tử Hạnh có từ cổ bà ngựa (con ngựa) ở câu 497 “Già xin bà ngựa vậy là”, từ cổ này có trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi TK15, nhưng không còn thấy trong Từ Điển Việt Bồ La của A.D. Rhodes in năm 1651, mà có lẽ bản thảo từ điển đó có từ sớm trước đó nữa, trước năm sinh của Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647). Tất nhiên vẫn có thể lập luận rằng vì ngôn ngữ dùng trong chùa của các sư tăng bảo lưu được nhiều từ cổ hơn ngoài đời, nên vẫn còn giữ được từ bà ngựa, nhưng dầu sao thì cứ liệu này cũng khiến ý kiến cho Đạt Na Thái Tử Hạnh là tác phẩm của Chân Nguyên Tuệ Đăng bớt phần chắc chắn.  

Chúng tôi chưa dám khẳng định hay phủ định gì cả gì cả, chỉ tạm nêu vài nghi vấn như vây.

Tờ 10 của Đạt Na thái tử hạnh in rập lại từ mộc bản chùa Hòe Nhai.
Tờ 10 của Đạt Na thái tử hạnh in rập lại từ mộc bản chùa Hòe Nhai.

4. Bản phiên âm Đạt Na Thái Tử Hạnh

Sau đây là bản phiên âm “Đạt Na Thái Tử Hạnh” do chúng tôi phiên trực tiếp từ bản rập lại ván chùa Hòe Nhai, chú ý là có một số chỗ phiên khác so với bản của Giáo sư Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng.

THÁI TỬ ĐẠT NA THỊ QUANG MINH VƯƠNG CỔ PHẬT XUẤT THẾ

Trước bày thuở đời Túc vương
Trị nước Xá vệ[1] bốn phương thuận hòa
Sáu mươi trung quốc gần xa
Năm trăm nước mọn đều là làm tôi
Vua ra đức chính hôm mai
Trên thuận lòng trời dưới đẹp lòng dân
Gió hòa mưa móc đượm nhuần
Ngũ cốc mậu thịnh hưng long vui đời
Triều thần văn vũ trong ngoài

Rập[2] phò xã tắc đòi nơi vững vàng
Trực trung thấu đến thiên hoàng
Xuống cho bạch tượng chống đường quốc gia
Mọi phương dẹp hết can qua
Lang sơn ngạc hải đều là bặt hơi
Dân nhờ phúc ấm vui chơi
Lễ nhạc ca hát đòi nơi duềnh duềnh
Vua trị thiên hạ thái bình
Ngoại quốc phụng cống dân đinh thuận bày [1b]
Mừng sinh thái tử tốt thay
Lòng vua yêu dấu chẳng khuây[3] đâu là
Mới đặt tên húy Đạt na
Vua phong thái tử ở tòa đông cung
Tuy rằng mình ở cửu trùng
Lời ăn nết thốt chẳng vòng sai ngoa
Một tuổi một cả thay là
Vua cha định liệu hợp hòa phu thê
Mới lấy công chúa Châu Thì
Vợ chồng kết nghì giữ đạo chân chuyên
Sau hòa sinh được hai con
Chắt chiu hơn nữa ngọc côn đâu tày
Thái tử thốt lời rằng bây
Âu là ta rày đã được ân vua
No ăn đủ mặc thừa lưa[4]
Phúc ấm bây giờ đến nhẫn trăm thu
Lo sau lẽ ấy sự dù
Phúc tận tội đến ta hồ làm sao
Âu là phải toan chước nào
Tìm nơi thanh vắng non cao tu hành
Đêm ngày rèn tánh [2a] cho minh
Mới sạch nghiệp mình kẻo lụy thân sau
Toan đương nói hết lẽ mầu
Thoắt thôi thái tử bước du ra ngoài
Đến gần bên lộ đứng chơi
Xảy thấy những người pho[5] chúng bần nhi
Quì lạy thái tử một khi
Chúng tôi đói rách vậy thì đã lâu
Cơ hàn thảm thiết cực âu
Đêm ngày khốn khổ ai hầu cho ăn
Biết lòng thái tử có nhân
Chúng tôi phải đến tâu thân lời này
Ân người cứu lấy cho rày
Phước ấy xem tày trời đất núi non
Thái tử thấy chúng van lơn
Ruột đau như cắt bàng hoàng xót xa[6]
Đôi hàng nước mắt nhỏ sa
Vái trời sao chẳng phân ra cho tày
Hay là bởi lòng chúng bay
Duyên vì tiền kiếp hay rày hậu thân
Dầu chẳng tích đức tu nhân
Hay chẳng [2b] kính Bụt phải thân khốn dài
Lại thêm muội[7] tánh Như Lai
Luân hồi muôn kiếp rạc rài càng thương
Tao tuy làm con đế vương
Song le châu báu bạc vàng còn không
Mai tao vào tâu cửu trùng
Đắp xây nền phước, vun trồng nguồn nhân
Ngỏ bày trước mặt thánh quân
Xin vua rộng thí bần dân lý nào
Chúng bần thấy thốt mừng sao
Cùng nhau than thở ai hầu chẳng ân
Thái tử trở vào lo toan
Thương người đói rách nào an dạ này
Cơm ăn chẳng được, mình gầy
Công chúa mới hỏi anh nay cớ nào[8]
Ra ngoài bên lộ làm sao
Mà có phiền não thấp cao nói bày
Thái tử nước mắt chảy ngay
Thốt rằng sự này thảm thiết càng thương[9]
Từ anh ra chơi ngoài đường
Bần nhân kêu khóc dậy đường [3a] van lơn
Anh xem thấy nó khốn nàn
Trần truồng khỏa lộ cơ hàn thiết thay
Cơm thời chẳng có ăn rày
Áo thời thuở này chẳng có che thân
Cùng là gầy guộc tay chân
Tối đui[10] què quặt muôn phần xót xa
Có người chốc lịch[11] càng gia
Nằm lăn hòa khóc ở ca[12] bên đường
Đêm ngày dãi nắng dầu sương
Ốm đau yếu đuối mình bằng óng[13] tơ
Cơm cháo chẳng có ai cho
Lấy chi ăn uống mà hồ sống nay
Lòng anh thấy vậy thương thay
Cho nên phiền não sầu tây những là
Thân người cũng bẵng[14] thân ta
Bởi nhân kiếp trước nết na chẳng lành
Giàu khó báo lại đành rành
Có ai biết được sửa mình tu nhân
Mụ lòng độc dữ làm ngăn[15]
Cho nên kiếp phải trầm luân khốn đời
Công chúa [3b] thấy thốt thương ôi
Cảm lòng cốc tánh mọi lời trình qua
Tôi nay sinh làm đàn bà
Ở những cung cấm nào ra đến ngoài
Dữ lành biết sự ai ai
Song le một tánh thương người khác chi
Lòng tôi cảm đức từ bi
Thấy người đói rách tôi thì càng thương
Đã sinh làm con đế vương
Song le châu báu bạc vàng còn không
Lấy chi tín thí bần cùng
Mặc anh lo liệu toan dùng làm sao
Thái tử rằng chẳng lệ[16] nào
Mai anh sẽ vào tâu dóng[17] vua cha
Kim ngân châu báu lụa là
Anh xin một phận đem ra thí bần
Sáng ngày bạch đán giờ dần
Thái tử vào đến chưng sân đảnh[18] chầu
Vua thấy mặt ủ mày chau
Phán hỏi thái tử có âu việc gì
Thái tử đặt gối bèn quì [4a]
Kể bày mọi nỗi tức thì tâu qua
Tôi sinh làm con vua cha
Đêm ngày luyện tập nghiệp nhà chửa nguôi
Hôm qua tôi bước ra chơi
Đến ngoài bên lộ thấy người bần nhi
Khó khăn đói rách nhiều bề
Cùng đến kêu khóc tôi thì thương thay
Nghĩ là thiên hạ no say
Chẳng ngờ cơ khát nước rày bao an
Thương này cảm đến thiên nhan
Cho trời xuống phước nước an thái bình
Nhà no người đủ vui mừng
Cửa ngõ chẳng đóng lộ trình chẳng qua
Ấy mới an lòng người ta
Tự nhiên lân quốc gần xa về đầu
Thiên hạ thái bình đâu đâu
Xưng rằng lạc nghiệp mới hầu kẻo lo
Bằng cha tích của đầy kho
Vạn dân không yết[19] lẽ hồ làm sao
Cho nên thiên thảm địa sầu
Lòng dân hờn oán [4b] ở hầu bao an
Lạy cha nghe lời tôi toan
Cất của ra thí nước an thái bình
Một là tế độ chúng sinh
Hai là trồng[20] được một thanh bồ đề
Tích lấy tài bảo làm chi
Cho hay của ấy thật thì của chung
Có phước thì nó ở cùng
Dù chẳng có phước tan không một giờ
Ân vua xá mở lòng từ
Trước là bố thí sau là độ thân
Lệnh ra giãn việc cho dân
An vui ngơi nghỉ kẻo chưng nhọc nhằn
Túc vương thấy con có nhân
Thông minh trí tuệ mười phân lạ dường
Nết na cách điệu khác thường
Ra lòng hỷ xả mọi dường từ bi
Cơm ăn dưa muối chẳng nề
Áo mặc bô bả[21] nài chi tốt lành
Chẳng còn ngã nhĩ tương tranh
Vua cha mới lại đinh ninh khen hiền [5a]
Con tao có phước có duyên
Vàng bạc lụa tiền của này cất ra
Cùng thì vải vóc gấm là
Con đã có đức cha cho của này
Thái tử thấy thốt mừng thay
Xin vua hẹn ngày bố thí bần nhân
Của cải đem ra cho cần
Rao khắp xa gần thiên hạ đông tây
Chư bang mọi nước biết hay
Vua cùng thái tử thí nay bạc vàng
Đâu đâu khắp hết bốn phương
Đều đến hưởng phước quốc vương muôn trùng
Năm ngàn kho thí sạch không
Khắp hòa thiên hạ no lòng an vui
Đâu đâu trở về làm tôi
Phong điều vũ thuận mọi nơi khỏe chầy
Ân vua thái tử trọng thay
Nam canh nữ giá[22] dân nay thái bình
Thời vừa hải hán hà thanh
Lòng vua có đức an lành đòi nơi
Khắp hòa thiên hạ [5b] ai ai
Đều tức tiến cống hôm mai hằng lề
Đồn rằng thái tử từ bi
Có lòng bố thí chẳng thì tiếc đâu
Kiêu vương nước ấy khấu đầu
Quì lạy thái tử trước sau trình rằng
Nước tôi có ba tháng đường
Thấy những sông núi thậm càng gian nan
Đi thời lặn suối trèo non
Bước những là đá chân mòn đến xương
Thái tử làm con đế vương
Rằng có bạch tượng thiên hoàng xuống cho
Chúng tôi trở hiểm lộ đồ
Dám xin thái tử có cho chăng là
Thái tử rằng voi vua cha
Hôm mai chầu chực ở ca sân đền
Chân đi nở có hoa sen
Châu ngọc muôn nghìn dễ tạo được vay
Man di tiểu quốc nước mày
Đường đi lặn lội xa thay khốn nàn
Cho bay lệ phải vạ quan[23]
Chẳng cho [6a] mất đức nào an dạ này
Thái tử lo lắng đêm ngày
Âu toan cùng vợ cho hay những là
Khiến người gọi công chúa ra
Bảo rằng anh thí voi cha thuở này
Công chúa ngăn lời rằng bây
Thí voi ắt phải vạ rày chẳng âu
Thái tử rười rượi mặt sầu
Thấy lời vợ thốt giờ lâu bảo rằng
Vạ quan thì ở mình chàng
Hề chi đến nàng mà có ngăn nay
Nó đi lặn lội khổ thay
Ta thí cho nó phước này mất đâu
Thái tử mới bảo trước sau
Voi tao nguyện thí bay hầu lãnh ra
Kiêu vương lòng mừng thay là
Bước vào lạy tạ lãnh ra làm kỳ
Đem về bổn quốc một khi
Cho voi chầu chực ở thì gác lâu
Ngày sau văn vũ vào chầu
Bách quan vọng bái quì tâu [6b] điện đường
Đức vua trị vì gia bang
Rằng voi bạch tượng thiên hoàng xuống cho
Ấy là phúc cả hồng đồ
Bát man lân quốc cửu châu về đầu
Vạn dân chẳng còn lo âu
Trời cho bạch tượng phép mầu càng cao
Thái tử rày toan chước nào
Đem voi ra thí cất trao cho người
Túc vương thấy thốt hỡi ôi
Hồn hoa bặt bặt một hồi nào an
Con sao cả lòng cả gan
Chẳng còn lo đến giang san nghiệp nhà
Sinh con mong trị quốc gia
Chẳng ngờ con lại ở ra dường này
Phán bắt thái tử chớ chầy
Đem vào tao hỏi sao mày chẳng lo
Voi tao giá vạn bảo châu
Ấy nó là của trời cho bấy chầy
Đời nào có bạch tượng này
Hoài voi mà thí cho bầy man di
Chẳng hay [7a] mày cầu phúc chi
Nước nhà mông bổ[24] mày thì làm sao
Thái tử đặt gối điện cao
Kể bày mọi nỗi tâu vào lạy cha
Dầu là vua giết chẳng tha
Lòng tôi đã ước xuất gia tu trì
Dốc nguyền hai chữ từ bi
Ái nhân lợi vật lòng thì tiếc sao
Đêm ngày luống những ước ao
Bao giờ cho được tiêu dao thanh nhàn
Nào tôi có muốn làm quan
Tuy rằng ăn ở chửa an một hào
Ví bằng sen mọc giữa ao
Ngoi lên mặt nước bén nào chút nhơ
Dầu tham phú quý bây giờ
Dường bằng mây nổi được hòa bao lâu
Chẳng tu phúc để thân sau
Muốn những vinh hiển vui âu muôn dường
Một mai hạn[25] đến vô thường
Trăm chiều bỏ hết ra đường không tay
Dầu là của cải nhiều thay [7b]
Khôn chở đi được cắp một mình không[26]
Tích thiện thì thiện theo cùng
Dầu là tích ác, ác tòng Diêm la
Cả lòng tâu dóng vua cha
Thí voi bạch tượng tội đà đã cam
Lòng tôi chẳng muốn bắc nam
Lấy làm bốn bể anh tam một nhà
Thu về hội[27] họp quốc gia
Địa lợi nhân hòa lẽ ấy càng hơn
Đức vua thấy tâu thêm hờn
Phán bắt thái tử vợ con ngay rày
Công chúa thì đem đi đày
Nhược[28] chàng thái tử tội nay quyết hình[29]3
Công chúa mất vía hồn kinh
Vồ chồng hòa khóc tâm tình thương thay
Tôi đã ngăn anh bấy chầy
Bởi anh lấy sức cho rày phải thương
Đã sinh làm con đế vương
Cớ sao cho phải rạc ràng sửu danh[30]
Làm lành lại chẳng được lành
Vì thương người khó [8a] cho mình phải thương
Mấy lời nguyền trước[31] tơ vương
Nhục thân chịu vậy lòng cường chẳng phai
Tôi đã nguyện cùng Như Lai
Đồng sinh đồng tử muôn đời chẳng khây[32]
Thái tử thốt lời rằng bây
Phô[33] loài úy tử những bầy phàm ngu
Đời này hễ kẻ trượng phu
Bất úy sinh tử mựa lo nhọc lòng
Ta đà nguyện làm vợ chồng
Song le ân ái gìn cong[34] mấy thì
Chữ rằng tội hữu sở qui[35]
Giết thời anh chịu hề chi đến nàng
Chưng khi giữ đạo tào khang
Ngõ mai được thoát kẻo đường trầm luân
Hãy tu tích đức cho cần
Duyên lành hằng giữ muôn xuân chẳng dời
Chớ còn phiền não hôm mai
Khuyên nàng hãy chớ thửa nơi tam tòng
Nuôi lấy hai con ở cùng
Ngõ mai nối được cho lòng kẻo thương
[8b] Công chúa nước mắt đượm nương
Thấy lời chồng thốt đoạn trường đòi khi
Chẳng sống thân này làm chi
Lòng tôi đã dốc thác đi cùng chàng
Sinh thì đồng chẩm đồng sàng
Tử đồng quan quách cho chàng được[36] hay
Đôi con còn dại thơ ngây
Phó mặc hoàng hậu đêm ngày dưỡng nuôi
Triều đình tả hữu ai ai
Cùng sa nước mắt nào người chẳng thương
Vợ chồng thái tử lạ dường
Có lòng nhân đức cao cương hiền hòa
Bần nhân cũng được ân sa
Tám phương bốn bể đều là ngóng trông
Thái tử phải tội cửu trùng
Thí voi chẳng có tâu cùng vua cha
Đức vua lòng giận thay là
Ai hầu dám gián tâu qua ngày rày
Xá toan hoàng hậu cho hay
Gián vua nguôi giận phen này thì an
Sáng mai họp mặt bá [9a] quan
Cùng nhau mới dám tâu van[37] điện đường
Quần thần đến sớm một dường
Tâu bày hoàng đế lòng cường[38] dung xa
Thái tử có đức thay là
Tánh hằng rộng dãi ở ra lòng từ
Ái dân hiếu sĩ có dư
Ắt là quốc tộ hồng đồ càng lâu
Nguyện vua nạp lời tôi tâu
Xá tội thái tử kẻo sầu lòng dân
Bề trên cảm đến thiên ân
Bề dưới hòa thuần mới được an ninh[39]
Vị chi voi là súc sinh
Ấy nó vật tạm chầu kinh một thì
Vua có thái tử hoàng nhi
Sớm khuya chầu chực chẳng lìa chiêu đăm
Chữ rằng phụ tử tình thâm
Xưa nay nghĩa nặng cổ kim hằng lề
Ai từng ái vật ố nhi[40]
Vua sao chẳng nghị mà thì hoại con
Chưng sau lân quốc nó đồn
Muôn đời sửu [9b] đấy hãy còn tạc bia
Túc vương mới phán một khi
Triều đình bay thì toan liệu làm sao[41]
Hoàng hậu tâu gián thấp cao
Công tôi dưỡng dục cù lao nhọc nhằn
Sinh con mong khắp nên thân
Để hòa trông cậy nhiều phần kẻo lo
Tuổi vua đến nhẫn muôn thu
Ai hầu sửa trị đế đô những là
Vua sao chẳng có lo xa
Khiến hoại thái tử phép gia trọng hình
Há con ngỗ nghịch nhiễu hành
Bất trung bất hiếu tội tình cho cam
Có lòng lân mẫn chúng sinh
Ái nhân lợi vật nào mình tiếc chi
Vốn chưng tánh ở từ bi
Gìn lòng muôn kiếp chẳng thì có khuây
Xin vua tha thái tử nay
Vì chưng đã trót lỗi rày lòng vua
No mặt văn vũ bấy giờ
Cùng thì vọng bái tâu thưa lời [10a] này
Thái tử trót nhầm lỗi nay
Xin vua đừng giết đi đày Nham sơn
Đấy đã cách trở nhân gian
Kẻo còn thiên hạ bàng hoàng sầu tây
Vua bảo triều đình rằng bây
Con trẫm ngày rày lòng nào chẳng thương
Vì chưng làm sự trái ngang
Đem voi ra thí chư bang nó cười
Thái tử lỗi lòng làm nơi
Bắt lấy bốn người cả vợ liền con
Mà đem đi đày Nham sơn
Đường xa cách trở kẻo còn nói chi
Vua đã chỉ phán một khi
Ai hầu dám gián lời gì thương thay
Triều đình văn vũ khi này
Cùng sa nước mắt sầu tây đoạn trường
Phi tần cô bác hành lang
Lòng thương thái tử khóc vang dậy trời
Vợ chồng con cái bốn người
Đem nhau ra ngoài tìm đường mà đi
Hoàng hậu lăn khóc [10b] một khi
Con tôi tội gì cho phải sầu tây
Khác nào như vượn lìa cây
Mẹ con cách biệt thương này cực âu
Con ôi làm cho mẹ sầu
Chẳng hay nguồn ấy về đâu những là
Này lời thái tử thốt ra
Lòng tôi cảm đức mẹ cha sinh thành
Đêm ngày dốc chí làm lành
Báo ân cha mẹ đành rành chẳng sai
Tôi nguyền học đạo Như Lai
Để hòa cứu độ phô loài quần mê
Há rằng tôi có tội chi
Hổ mặc thiên địa đều thì cũng hay
Lòng tôi đã lo đêm ngày
Đỗ cùng[42] trần thế thuở này làm sao
Phượng hoàng ở vắng chốn cao
Bỏ loài địch ác[43] lộn vào mà phen[44]
Khuyên mẹ cất dẽ[45] lòng phiền
Chớ còn thương nhớ mà nên mình gầy
Đạo trời xui khiến dầu vầy
Chúng tôi [11a] đã vậy lòng rày an vui
Hoàng hậu nước mắt nhuộm thôi
Duyên sao phân[46] rẽ con tôi làm vầy
Hai cháu còn dại thơ ngây
Đem đi chốn ấy ở rày làm sao
Biển trời chân ngất non cao
Hổ lang ác thú hùng hào ghê thay
Bắt người ăn thịt bấy chầy
Con đi ở đấy lòng rày bao đang
Thái tử rằng chúng hổ lang
Tuy là cầm thú tánh càng thảo ngay
Hộ người có đức ai tày
Cũng hay mến đạo đến rày nghe kinh
Có lòng cải dữ về lành
Cũng nên tánh Phật bao đành khác đâu
Hoàng hậu mặt ủ mày chau
Thấy lời con thốt giờ lâu bảo rằng
Gia tài còn có chi chăng
Thái tử bảo rằng sự ấy chẳng lo
Thế gian tham ái bảo châu
Tôi xin bỏ hết phong lưu [11b] thanh nhàn
Dầu lòng du thủy du san
Bữa rau bữa cháo chẳng toan đâu là
Người tham phú quý vinh hoa
Tôi tham thanh tịnh xuất gia tu hành
Trước là độ lấy chưng mình
Sau cứu tổ nể[47] siêu sinh bảo đài
Hoàng hậu lo lắng hôm mai
Sắm sửa gia tài mà dành đưa con
Muôn sầu chất để bằng non
Phen nào cho thấy mặt con thương này
Trời ôi đất hỡi có hay
Con đi mẹ lại lòng rày bao an
Thái tử nước mắt hòa chan
Giã lạy mẹ ở tôi nguyền ra đi
Giã hết triều đình một khi
Cùng là tần bá cô dì đòi[48] nơi
Giã hết binh sĩ ai ai
Tôi tớ trong ngoài hầu hạ tôn nhi
Giã thôi mới bước chân đi
Bảy ngày vậy thì đến ải Đồng quan
Thiên hạ [12a] ai nấy hỏi han
Lòng thương thái tử tân toan cực sầu
Trên trời nghe khóc đâu đâu
Cho hay thiên thảm địa sầu càng thương
Mười ngày khỏi ải biên cương
Đến nơi nước ấy Thắng Vương giữa đường
Ai ai thấy lạ hỏi rằng
Phải chàng thái tử Túc vương chăng là
Tiếng đồn dậy khắp gần xa
Rằng chàng thái tử hiền hòa ghê thay
Chúng tôi đói rách đã chầy
Rày gặp thái tử mừng nay ca lòng
Chữ rằng nhất nhật tương phùng
Có phúc lại gặp tịnh cùng nhân duyên
Thái tử thấy chúng càng phiền
Dừng chân ngựa lại một bên hỏi rằng
Nào của ta đi ăn đường
Ắt dầu còn có chi chăng những là
Công chúa mới cất lấy ra
Thưa rằng này của vua bà cho đi
Thái tử liền thí tức thì [12b]
Đoạn thôi lên ngựa một khi băng ngàn
Đường đi những nước cùng non
Qua một tháng tròn đến chốn lâm khê
Nhọc mà ngồi nghỉ một khi
Vợ con yếu đuối thấy thì thương thay
Há những một ta dầu vầy
Hai con khóc lóc cha rày đi đâu
Bỏ dãi đài rồng phượng lâu
Hòa[49] cha chẳng ở đi đâu chốn này
Thái tử mới thốt rằng bây
Có thân có khổ khóc làm chi con
Vì đạo cho phải trèo non
Chớ van thất đức sau nên lý gì
Thốt thôi lại bước chân đi
Xảy thấy người thì đầu bạc phơ phơ
Bước đến quì lạy trình thưa
Phải chàng thái tử Đạt na chăng này
Đồn rằng có nhân đức thay
Bố thí bấy chày dậy khắp bốn phương
Già nọ khó khăn đã phiền
Rày gặp thái tử mới [13a] nguyền trình qua
Có của chi thí chăng là
Thái tử mới bảo thí đà không tay
Vật chi mà thí cho rày
Lão ông mới lại trình bày thốt ra
Già xin bà ngựa[50] vậy là
Dầu chàng thái tử lòng hòa cho chăng
Thái tử mỉm cười thốt rằng
Thân còn chẳng đoái ngựa hằng tiếc sao
Từ bi há có yêu nào
Hai con thấy thốt khóc kêu van rằng
Của đà thí hết lâng lâng
Còn một bà ngựa để phòng đỡ chân
Cha sao hay khéo làm ân
Chẳng toan ngơi nghỉ cầu duyên phúc nào
Thấy con năn nỉ thương sao
Đôi hàng nước mắt nhuốm câu chan hòa
Con ôi chửa biết lòng cha
Há rằng còn muốn vinh hoa sang giàu
Màng chi phú quý viễn cầu
Dập dìu xe ngựa công hầu hôm mai
Dầu [13b] là sang trọng một đời
Vô thường kíp đến luân hồi cực âu
Con tao chớ còn lo sầu
Miễn là an phận khổ dầu hãy vui
Bảo con khắp hết mọi lời
Vợ chồng bốn người bèn lại bước đi
Trèo non lặn suối đã ghê
Công chúa khổ nhọc dám hề van đâu
Tử sinh đã nguyện cùng nhau
Tìm đi cho đến chốn bầu cõi tiên
Trước khổ sau ắt mới nên
Lòng tin khăn khắn cho bền mựa[51] âu
Đường đi sương tuyết dãi dầu
Ngày sau mới hầu gặp một nữ nhi
Thấy nó mặt ủ sầu bi
Khỏa lộ thân thể nhiều bề hở hang
Thái tử thấy vậy càng thương
Cổi áo ra thí cho nàng bần nhân
Công chúa xem thấy tần ngần
Chàng còn một áo che thân khỏa lồ
Tôi sẽ cởi áo này [14a] cho
Thái tử mới bảo nhỏ to lời này
Nàng lệ anh khổ dầu vầy
Áo anh cho nó anh nay còn quần
Thương nàng yếu đuối muôn phần
Để áo nàng mặc che thân kẻo dầu
Đường đi cách trở còn lâu
Phòng khi sương tuyết ai hầu che cho
Nẻo xưa ân ái chửa no
Rày ta lại nguyện lẽ hồ khi nay
Nhân duyên há rằng một ngày
Khuyên nàng hãy chớ cho thay ca lòng
Chớ thấy khốn khổ mà vong
Tham nơi danh lợi vui chưng một thì
Mai sau phải chịu sầu bi
Ra loài lục súc ngu mê khổ đồ
Tuy rằng hoạn nạn bây giờ
Nhịn đói nhẫn rách ta hồ hãy vui
Lòng bền dạ vững chớ sai
Có ngày ắt được bảo đài kim thân
Thuở ấy đã mạt mùa xuân[52]
Vợ chồng con [14b] cái dừng chân giữa ngàn
Đường đi quanh quất nước non
Từng xây la đá[53] chan chan biển trời
Hai con thở chẳng ra hơi
Nào còn có dám một lời kêu van
Thái tử lòng thương bàng hoàng
560. Thấy con đã nhọc mới toan đỗ ngồi
Công chúa rằng con mệt thôi
Hay là ta xá nghỉ ngơi chốn này
Thái tử mới bảo rằng bây
Nàng toan lời ấy chẳng ngay đạo trời
Khổ nhọc hãy tìm đến nơi
Mới hầu phải đạo làm người cho tin
Lời ấy cảm đến hoàng thiên
Trời liền xảy hóa trái tiên bên đường
Sự lạ ai xem mà đương
570. Trên cây thấy những trái vàng tốt thay
Thái tử bẻ lấy cong tay
Chia nhau ăn uống đoạn rày lại đi
Đường trường lặn lội sơn khê
Trùng trùng điệp điệp tư bề rừng [15a] hoang
Chim kêu vượn hót dậy vang
Công chúa mới hỏi còn đường bao xa
Thái tử bèn lại thốt ra
Còn mười ngày nữa vậy hòa đến nơi
Tử sinh đã phó mặc trời
580. Tìm đi cho đến hôm mai làm kỳ
Nàng còn hỏi nữa làm chi
Quản bao khó nhọc ngại gì xa xôi
Quyết lòng kim thạch[54] chẳng sai
Nào lo hiểm trở mà nài tân toan
Chí bền hơn nữa thái sơn
Có bằng chẳng có, đại ngàn qua nay
Lại đi kể được chín ngày
Mới đến rừng hiểm ghê thay những là
Xảy thấy trăm hùm chạy ra
Xăm xăm chân bước nhặt hòa hỏi nay
Quân tử đi đâu chốn này
Công chúa coi thấy chân tay rụng rời
Thiêm thiếp thở chẳng ra hơi
Hai con kinh khủng một hồi ngã lăn
Trăm hùm đến trước quì [15b] thân
Rày gặp quân tử dời chân ra mừng
Chúng tôi cầm thú ở rừng
Cũng hay cốc[55] tánh về chưng đạo lành
Thái tử mới chúc đinh ninh
Nguyện cho cầm thú tu hành gặp duyên
Trăm hùm cốc tánh tự nhiên
Ngộ được nên Bụt chẳng quên đâu là
Trăm hùm quì lạy trở ra
Thái tử lại bước vào ca non sài
Trông thấy nham thạch cao thay
Giữa trời chất ngất xem tày đẩu tinh
Chữ vàng chói chói phân minh
Thất bát nham thạch đã đành nơi đây
Thái tử mới bảo rằng bây
Ví bằng trần tục cõi này khác xa
Đã nên chốn thiền định gia
Đêm thì luyện tánh, ngày hòa tu thân
Lại thêm dưỡng khí điều thân
Song le giao kết nghĩa nhân càng mầu
Ta rày chẳng còn lo âu
Thanh nhàn thong [16a] thả mặc dầu sớm khuya
Mạt xuân đã trở sang hè
Tử quy dắng dỏi[56] tiếng ve trên cành
Suối đàn nước chảy rung rinh
Nhạn hàng đá ngọc vây quanh tư bề
Trăm hoa đua nở kỳ di[57]
Nhìn xem thế giới khác gì bồng lai
Ở đây ngày tháng hôm mai
Duyên trần rũ hết trong ngoài đã minh
Lại thuyết sự ngươi Lưu Tinh
Ở nước Châu Việt bán mình làm tôi
Ở cùng trưởng giả họ Mai
Một ngày trưởng giả bảo lời rằng bây
Mảng[58] tiếng thái tử thảo thay
Có lòng bố thí ai rày phen đương
Mày đi đến đấy một dường
Tới Nham Sơn Thạch hỏi trình rằng bây
Xin con thái tử được rày
Tao gả con gái cho mày một khi
Lưu Tinh quì lạy ra đi
Đường ba tháng lẻ vậy thì đến nơi
[16b] Lưu Tinh quì lạy trình lời
Thân tôi đói rách mồ côi thương này
Bán mình lấy của làm chay
Trả ân cha mẹ bõ ngày cù lao
Ở cùng trưởng giả hôm dao[59]
Đêm ngày khổ nhọc việc nào hầu nguôi
Một ngày trưởng giả bảo tôi
Nghe rằng thái tử ở nơi chốn này
Xin được hai con về rày
Người gả thiếu nữ thuở này cho tôi
Lưu Tinh trình hết khúc nôi
Thái tử thấy thốt mỉm cười nói ra
Sinh con nuôi nấng nhật dà[60]
Dạy dỗ để nối nghiệp nhà hôm mai
Ta đà chịu giáo Như Lai
Dốc lòng khổ hạnh chẳng nài đói no
Vậy hòa vợ con phải lo
Thiếu cơm thiếu áo ai cho ai vì
Khó khăn bức đến thê nhi
Rày bay đã hỏi xin, thì cho bay
Hay trời thác khiến [17a] vậy vay
Được nơi phú quý ăn mày kẻo thương
Gọi hai con bảo tỏ tường
Rày cha đã trọng một phương nhà thiền
Thương con còn trẻ thiếu niên
Vì cha cho phải lo phiền khó khăn
Tình cờ xảy gặp khách nhân
Xin con nuôi lấy kẻo thân cơ hàn
Chốn này vắng vẻ lâm san
Chúng con đói rách gian nan thương sầu
Hai con thấy thốt càng âu
Rày cha dạy vậy tôi hầu[61] làm sao
Mẹ tôi còn ở phương nao
Chờ mẹ tôi về sự nào sẽ hay
Thái tử lại bảo rằng bây
Con tao ngày rày xá lãnh[62] nghe cha
Hãy đi cùng khách đường xa
Mẹ bay kiếm quả vậy hòa còn lâu
Hai con rười rượi mặt sầu
Xuýt[63] hòa chẳng [17b] được lại hầu thốt thăng[64]
Bỏ cha nên lỗi đạo chăng
Một mai sinh tử sự hằng làm sao
Mẹ cha cúc dục cù lao
Ân ấy báo bổ lẽ nào được nay
Ba năm nuôi nấng khổ thay
Công ấy xem tày trời đất núi non
Chúng tôi vả đạo làm con
Dầu là no đói báo ân cha rày
Hai con nước mắt chảy ngay
Quì lạy trình bày chẳng bỏ nghĩa đâu
Mẹ tôi kiếm quả hái rau
Nuôi chúng tôi hầu bỏ nghĩa làm sao
Thái tử bảo con thấp cao
Gìn lòng trung hiếu lẽ nào chẳng nên
Tuy con đi ở bắc nam
Cong lòng hãy nhớ bao hàm chớ vong
Đôi con mắt nước ròng ròng
Lạy cha thôi đã cong lòng bước đi
Thuyết sự công chúa hồi qui
Hỏi [18a] con chẳng thấy vậy thì chạy ra
Hỏi rằng đi đâu những là
Thái tử mới thốt lời hòa rằng bây
Nãy có người khách đến đây
Xưng mình thuở này ở nước Việt Châu
Làm tôi trưởng giả bấy lâu
Trưởng giả khiến nó xin hầu con ta
Anh đã cả lòng thay là
Cho con đi ở chưng nhà nó nay
Ngẫu hòa phú quý ăn mày
Được nơi an ổn kẻo rày càng thương
Công chúa thấy thốt đoạn trường
Gieo mình hòa khóc lòng càng thiết chi
Con ôi mẹ chịu sầu bi
Công lênh nuôi nấng sớm khuya những là
Con đi cách mặt mẹ cha
Chẳng hay con hỡi ở ca phương nào
Vái trời trời mấy trượng cao
Lại vái đất nọ đất bao nhiêu dày
Thương này hầu thuở nào khuây
Làm cho phiền não ruột [18b] rày héo don[65]
Công mẹ lặn suối trèo non
Hái rau nuôi nấng gầy mòn hết lưng
Tôi đi lấy quả ở rừng
Hòa chàng chẳng đợi tôi cùng chàng ơi
Để tôi sầu thảm tả tơi
Nghĩ nào luống những hôm mai ruột tằm
Thái tử rằng anh đã nhầm
Nàng sao chẳng chớ cổ kim lời thề
Nào điều nguyện thí xưa kia
Bây giờ lại tiếc làm chi là nàng
Trong kinh lời thuyết tỏ tường
Mến con mến cháu ấy đường oan gia
Ai từng ta lại buộc ta
Ân ái chẳng bỏ sau đà ắt khôn
Nàng dầu chẳng thấy nguồn cơn
Xưa kia bồ tát lòng[66] càng từ bi
Hoành thân hoại thể một khi
Thí cho hùm đói nào thì tiếc đâu
Bây giờ đến nỗi cơ cầu
Người xin chẳng thí tiếc hầu sao nên
Khuyên [19a] nàng hãy giữ lòng thiền
Sự thì đã vậy chớ phiền làm chi
Công chúa nghe biết một khi
Dái[67] chồng chẳng dám lời gì thốt ra
Lại đi lấy quả đường xa
Thương con thì khóc về nhà làm khuây
Này đoạn lại thốt rằng bây
Có vua Đế Thích ở nay trên trời
Nghe rằng thái tử lạ đời
Hết lòng bố thí mọi nơi xa gần
Ta thử hóa làm lão nhân
Xin vợ thái tử ân cần cho chăng
Thoắt thôi biến làm lão tăng
750. Chân tay chốc trỉ[68] đi chăng được rày
Khua khua chống một con gầy[69]
Lom khom bước đến khi nay trình rằng
Già nay tuổi đã niên tăng7
Chín mươi có lẻ 8 mình hằng mồ côi
Vợ con chẳng có ai nuôi
Nâng niu[70] cơm nước hôm mai thường lề
Già phải đến đây một [19b] khi
Xin vợ thái tử vậy thì cho chăng
Đem về ngày tháng sự hằng
Thuốc thang cơm cháo già cùng được ân
Thái tử bảo vợ nguồn cơn
Ông già yếu đuối anh càng thương thay
Người xin lấy nàng về rày
Nàng thì chịu khổ đi nay[71] cùng người
Công chúa thấy thốt hỡi ôi
Nằm lăn hòa khóc dậy trời hư không
Chàng sao hay khéo phụ lòng
Hai con đã bỏ lại vong nghĩa này
Của cải thí hết bấy chầy
Còn một tôi rày phó thác đi đâu
Thái tử rằng nàng chớ âu
Dầu anh có lỗi trên đầu biết hay
Bổn nguyền muôn kiếp đã chầy
Hoàng thiên chứng độ ngày rày làm nơi
Lòng anh chỉ thật thương người
Già nọ yếu đuối có ai thửa vì
Há rằng anh ở bất nghì
Một lòng nhân đức [20a] toan bề thiệt hơn
Ưa người há ở nguồn cơn
Ví dầu vàng đá biến duyên chút hào
Khuyên nàng hãy giữ hôm dao
Lấy người được phước sự nào mất đâu
Công chúa rười rượi mặt sầu
Thấy lời chồng thốt nửa hầu chẳng nghe
Trình anh tôi đi sao lìa
Ai hầu lấy quả sớm khuya cúng dường
Thái tử rằng giã ân nàng
Chớ còn nói nữa những đường vân vi
Người xin thì nàng xá đi
Nào anh có lệ toan bề đói no
Công chúa thấy thốt duyên do
Lạy chồng thôi đã trở ra theo người
Ròng ròng nước mắt nhuốm thôi
Đi vừa một dặm đến nơi giữa rừng
Đế Thích hóa lên hư không
Trên mây bảo xuống tỏ lòng cho hay
Công chúa này tao bảo mày
Vợ chồng có đức thấu nay đến trời
[20b] Tao là Đế Thích thử chơi
Thái tử chẳng có tiếc nơi đâu là
Cho hay đạo đức cao xa
Ắt mà chứng được ngôi tòa Như Lai
Thốt thôi Đế Thích lên trời
Hào quang sáng thấu mọi nơi xa gần
Công chúa xem thấy tần ngần
Cúi đầu lạy tạ lui chân trở về
Thái tử hỏi lời một khi
Chẳng hay nàng lại hồi qui cớ nào
Công chúa trình hết thấp cao
Ấy là Đế Thích hôm dao bấy chầy
Chẳng phải người phàm thế nay
Bảo cho chàng biết ngẫm hay sự tình
Thái tử thấy thốt phân minh
Rằng vua Đế Thích hiện hình thử ta

Này đoạn thuyết sự vua cha
Chiêm bao thấy Phật Thích ca bảo rày
Vua đã đày con bấy chầy
Tội ấy thuở này dường bằng núi non
Vua phải tìm cho [21a] thấy con

Tội trọng muôn vàn thì lại thoát đi
Vua nằm nghe biết một khi
Rùng mình sực thức lòng thì lo thay
Phán bảo văn vũ cho hay
Chiêm bao mộng hiện điềm này chỉn ghê
Trẫm phải tìm con một khi
Cho được thấy mặt kẻo thì lòng thương
Vua lại phán bảo tỏ tường
Phi tần hoàng hậu liền cùng triều nghi
Lệnh ra khắp hết kinh kỳ
Rày xá thiên hạ trẫm thì đi tu
Bao nhiêu quý thuế tuần đò[72]
Truyền tha cho hết khắp hòa vạn dân
Phó mặc văn vũ triều thần
Phò tôn lên trị cầm quyền gia bang
Trẫm rày phát nguyện du phương
Qui y tam bảo lòng càng kỉnh tin
Bao nhiêu của cải vô biên
Đem ra bố thí đúc chuông làm chùa
Lòng trẫm chẳng quản đói no
Nhẫn nhục [21b] bây giờ luyện tánh từ bi
Gìn lòng trai giới sớm khuya
Vua lại phán bảo hậu phi lời này
Sắm sửa hành lý cho thay
Trẫm ra đi rày lên tới Nham sơn
Vua cùng hoàng hậu hành lang
Đi ba tháng đường đến chốn Nham khê
Nhìn xem thế giới đã ghê
Non xanh nước biếc tứ bề quạnh hiu
Đường đi quanh quất những chiều
Chim kêu vượn hót đăm chiêu lạ lùng
Muôn dường lan huệ trúc thông
Khoe nhau đua nở tây đông hòa ngàn
Đức vua đến đấy một dường
Dứt trừ phiền não lòng càng kính tin
Một nguyền thấu đến thượng thiên
Ngọc Hoàng sai chúng thần tiên xuống rày
Túc vương xem thấy mừng thay
Bước đến mới hỏi trình bày sự duyên
Nàng nào tốt lạ vô biên
Đi đâu non nước xảy nên [22a] một mình
Thần tiên tâu lời phân minh
Rằng tôi chầu chực thánh nhân Thạch bàn[73]
Nào tôi phải đấng phàm gian
Vốn là tiên nữ trên ngàn xuống đây
Túc vương thấy thốt ngẫm hay
Âu hẳn chốn này đích thật chẳng sai
Thái tử ở đấy hôm mai
Ta đi theo người hỏi tìm thấy chăng
Bỗng liền nghe tiếng thốt thăng[74]
Vua mới bước đến đứng chừng mà xem
Xảy có trăm nàng thần tiên
Khoan khoan chân bước đến liền quì tâu
Chúng tôi họp mặt bấy lâu
Trời sai xuống chầu thái tử tu đây
Hiến hoa cùng quả đòi ngày
Cho thái tử rày dưỡng tánh tu thân
Túc vương thấy thốt ân cần
Đôi hàng châu lệ đượm nhuần nhỏ sa
Đến cùng thái tử những là
Tỏ lòng sự thật trẫm đà lỗi thay
Ngu si [22b] đem con đi đày
Muôn tội ngày rày thì lại xin tha
Thoắt[75] thôi có Bụt Thích ca
Trao cho thái tử một hoa ưu đàm
Thái tử chịu lấy một dường
Chứng được nên Bụt ngôi càng cao thay
Vì chưng lòng có thảo ngay
Kỉnh cung tam bảo lại hay cứu bần
Bố thí khắp hết xa gần
Thấu lên thiên thượng đượm nhuần bốn phương
Bụt lại thốt bảo tỏ tường
Có vua Xá vệ lòng càng tin thay
Phát đại thệ nguyện đêm ngày
Qui y tam bảo tội rày khỏi thương
Ai ngờ đức cả đế vương
Nhờ con mến đạo kíp phương tu hành
Ắt là trời Bụt chứng minh
Cha con lại hợp sự tình nhân duyên
Bụt thấy Túc vương lòng tin
Sai ông tôn giả giảng thiên kinh vàng
Chữ nào nghĩa ấy lạ dường [23a]
Túc vương ngộ được lòng càng từ bi
Bụt lại thốt bảo một khi
Cung tần hoàng hậu bay thì được hay
Làm người ở thế gian này
Định liệu đêm ngày cốc tánh tu thân
Chữ rằng lo trả bốn ân
Trai giới nghiêm sạch mới nên đấng người
Phô bay chớ lấy làm chơi
Chẳng kỉnh Bụt trời dể kẻ tăng nhân
Chưng sau quả báo mất thân
Đọa tam đồ khổ trầm luân khốn đời
Phước nay đã được làm người
Ở cho có đức thương loài khó khăn
Kính thượng niệm hạ ân cần
Chớ tham tài vật hại nhân ích mình
Tin lòng giữ đạo đinh ninh
Chưng sau lại gặp phước lành chẳng sai
Bảo cho biết được mọi lời
Phô bay giữ lấy hôm mai thật thì
Lại thuyết sự ông Đạt na
Kiếp xưa ngài là [23b] quá khứ Như Lai
Quang Minh Vương Phật chẳng sai
Thác xuống chưng đời cứu độ vạn dân
Sinh vào làm con quốc quân
Chẳng tham danh lợi lập thân tu hành
Cứu được cha mẹ làm ngăn
Vợ cùng phi tần lên ngồi tòa sen
Ấy là thuở trước nhân hiền
Một người tu thiền độ được toàn gia
Tiêu dao khoái lạc vinh hoa
Bất sinh bất diệt bảo tòa Tây thiên
Hạnh này cổ tích thánh hiền
Đệ tử xem thấy bút nghiên chép làm.

Kim thì Hoàng triều Minh mạng thập cửu niên tuế Mậu Tuất (1838) hạ thiên cốc nhật.

Án Nhân vương kinh giải quốc ngữ bản hạnh. Hoài Đức phủ Vĩnh Thuận huyện, Hòe Nhai phường, Hồng Phúc tự trụ trì tăng tự Giác Lâm dốc san lưu bản dĩ hiểu hậu ấn.  (Nay triều Minh mạng năm thứ 9 Mậu Tuất (1838) vào ngày tốt mùa hạ. Chép theo bản Nhân vương kinh giải quốc ngữ bản hạnh. Trụ trì tăng Giác Lâm chùa Hồng Phúc ở phường Hòe Nhai huyện Vĩnh Thuận phủ Hoài Đức đứng san khắc, lưu bản để đời sau in.

5. Về từ cổ và chữ húy trong tác phẩm Đạt Na thái tử hạnh:

Để thuận tiện cho công việc khảo cứu và hệ thống hóa các các tác phẩm văn học Phật giáo chữ Nôm giai đoạn Lê Trung Hưng thế kỷ 17 - 18, chúng tôi xin kê riêng ra ở đây các từ cổ, hay cách nói cổ có trong bản Đạt Na thái tử hạnh:

Khuây: quên bẵng đi/  Thừa lưa: dư còn/  Pho: lũ, bọn/  Muội: mờ/  Ca: ở nơi, ở trên/ Lệ: sợ/  Cong: là một dạng cổ âm của trong/  Phen: so bì/  Dẽ hay ghẽ: tách ra, bỏ ra/ Hòa: mà/  Bà ngựa: con ngựa/  Mạt mùa xuân: cuối mùa xuân (cách nói cổ)/  La đá: đá/ Cốc: biết/  Mảng: nghe/  Hôm dao: hôm mai, hôm sớm/  Hầu: thì/  Xuýt: van xin (theo LMT)/  Dái: sợ

Tác giả: NNC Phan Anh Dũng
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

***

Tài liệu tham khảo:

Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng. Lê Mạnh Thát. NXB Hồng Đức, 2018.
Bản rập mộc bản chùa Hòe Nhai của Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam.
https://phapluan.vn/tap-san/1410-bo-sung-doan-cuoi-nam-hai-quan-am-ban-hanh-trong-chan-nguyen-thien-su-toan-tap.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/van-ban-nom-ly-su-dung-thong-trong-bo-moc-ban-chua-hoe-nhai.html

Chú thích:

[1] Xá-vệ: (Śrāvasti) một kinh thành lớn ở Ấn-độ thời đức Phật

[2] Rập như trong từ giúp rập, bản LMT phiên âm khác là “Rắp”

[3] Khuây: quên bẵng đi (nghĩa cổ)

[4] Thừa lưa: dư còn (từ cổ).

[5] Pho: lũ, bọn (từ cổ).

[6] Nguyên bản nôm xa ghi bằng chữ xoa, “xót xoa” có lẽ là 1 âm địa phương của xót xa.

[7] Muội: mờ (từ cổ).

[8] Cớ nào: vì nguyên do gì.

[9] Chú ý câu này gieo vần chữ thứ 4 chứ không phải thứ 6, là dấu vết thơ lục bát thời đầu.

[10] Bản LMT: Tối thui .

[11] Chốc lịch: ghẻ lở.

[12] Ca : (từ cổ) ở nơi, ở trên.

[13] Nguyên bản Nôm viết chữ ông 翁 thêm nháy cá nên đọc là óng chứ không phải là cọng như bản LMT phiên. Óng tơ có thể hiểu một lọn tơ, một nhúm tơ. Thơ Nguyễn Bính có câu “Tua óng tơ vàng tha thướt gió. Vàng vàng lá lụa nắng tươi xinh”.

[14] Nguyên bản viết chữ bằng 朋  nhưng lại thêm nháy cá, báo hiệu phải đọc chệch âm, nên xin phiên ra bẵng, là một biến âm của bằng.

[15] Mụ lòng: lòng mờ mịt, tiếng Việt có từ “mụ mẫm”, “mê mụ” là ý đó. Làm ngăn: chất chứa để dành (theo LMT).

[16] Lệ: (từ cổ) nghĩa là sợ.

[17] Nguyên bản viết 哃 , bản LMT phiên là “tấu động”.

[18] Nguyên bản Nôm viết chữ đỉnh 頂, bản LMT phiên đứng. Phiên đảnh nghĩa là đảnh lễ cũng có nghĩa.

[19] Nguyên vản viết chữ yết 歇 đọc nôm là hết, nhưng nghĩa có vẻ không thông, có lẽ vì vậy bản LMT sửa là biết. Chúng tôi tạm để nguyên âm yết.

[20] Chữ trồng này dùng chữ Hán chủng 種  là chữ húy đời Nguyễn (tên vua Gia Long). Mộc bản này khắc in năm 1838 thời Minh Mạng nhưng lại không kiêng húy chữ chủng (theo quy định viết văn phải đổi dùng chữ thực 植 đồng nghĩa, còn với sách vở đã có chữ chủng từ trước thì phải viết dạng tỵ húy). 

[21] Bô bả: vải thô xấu.

[22] Nam canh nữ giá: Trai cày bừa, gái gieo hạt.

[23] Vạ quan: phải tội với quan.

[24] Mông bổ: nghiêng ngửa.

[25] Hạn tức vận hạn, bản LMT phiên hẹn đúng âm nôm nhưng không hợp nghĩa.

[26] Câu này bị mất vần nên nghi là mộc bản 1838 có sửa chữa so với nguyên tác của Chân Nguyên một thế kỷ trước, tiếc là chưa tìm được bản in thời Lê để hiệu khảo.  

[27] Nguyên bản nôm đồng hợp, bản LMT phiên hội họp, có vẻ rõ nghĩa hơi nên để vậy.

[28] Nhược ở đây có nghĩa là còn như. Bản LMT phiên luôn ra còn rõ nghĩa hơn.

[29] Quyết hình: hình phạt quyết liệt nhất (xử tử)

[30] Sửu: xấu, sửu danh: tiếng xấu

[31] Bản LMT sửa ra ước hay hơn, nhưng không đúng nguyên tác.

[32] Bản LMT phiên khuy.

[33] Phô: Xét hai vế tiểu đối “Phô loài úy tử”<>” những bày phàm ngu” thì phô đối với những vậy phô có ý nghĩa tương đương như những (chỉ số nhiều).

[34] Cong là một dạng cổ âm của trong, bản LMT phiên là trông . Gìn trông tức trông coi giữ gìn cũng có nghĩa.

[35] Tội hữu sở qui: tội có chỗ qui kết, người khác vô can.

[36] Bản LMT : thì.

[37] Van: Bản LMT sửa là lên.

[38] Bản LMT sửa là lại càng.

[39] Câu này gieo vần chữ thứ 4

[40] Ái vật ố nhi: thương vật ghét con

[41] Câu này gieo vần chữ thứ 4

[42] Đỗ cùng: chịu đựng, cùng với.

[43] Địch ác: cú quạ.

[44] Phen: so bì (từ cổ).

[45] Dẽ hay ghẽ là tách ra, bỏ ra. Bản LMT phiên dải (giải) cũng là nghĩa đó.

[46] Bản LMT: phận rẽ ?!

[47] Tổ nể: ông cha.

[48] Bản LMT: đôi.

[49] Hòa: (từ cổ) mà.

[50] Bà ngựa: (từ cổ) con ngựa.

[51] Mựa: chớ, đừng. Âu: lo

[52] Mạt mùa xuân: cuối mùa xuân.

[53] La đá: (từ cổ) khoảng thời Nguyễn Trãi TK15 chữ đá có âm kép “la-đá”. Có thể đến thời Chân Nguyên Tuệ Đăng TK17 thì âm đơn “đá” đã thành phổ biến, còn la-đá đã biến nghĩa ra “nhiều đá” theo từ điển Việt Bồ La của A.D.Rhodes.

[54] Nguyên bản viết kim thạch, bản LMT phiên là vàng đá cũng đúng và nôm na hơn, vì nguyên tắc đọc chữ nôm cho phép đôi khi được đọc theo nghĩa.

[55] Cốc: (từ cổ) biết.

[56] Dắng dỏi là từ tượng thanh. Bản LMT phiên đặng dõi. Tử quy là chim cuốc.

[57] Là kì dị, nhưng đọc ra kì di cho xuôi vần.

[58] Mảng: (từ cổ) nghe.

[59] Hôm dao: (từ cổ) hôm mai, hôm sớm.

[60] Nhật dạ là ngày đêm, đọc ra nhật dà cho xuôi vần.

[61] Hầu: thì (từ cổ).

[62] Xá lãnh: hãy nghe lời.

[63] Xuýt: một từ xưa, có nghĩa là van xin (theo LMT).

[64] Thốt thăng = nói năng. Bản LMT phiên ra thốt toan, không khớp vần ăng ở câu sau lắm.

[65] Bản LMT : héo hon.

[66] Bản LMT : ấy .

[67] Dái: (từ cổ) sợ

[68] Chốc trỉ: ghẻ lở mụn nhọt

[69] Gầy: gậy; vì luật bằng trắc nên đọc là “gầy”.

[70] Nguyên bản khắc không rõ nét, chúng tôi cho là chữ “市” thêm nháy cá nên đọc là niu. Bản LMT phiên là khăn (cân : 巾).

[71] Bản LMT : ngay.

[72] Quý thuế: Quý: tiền đóng cho cá nhân; thuế: tiền đóng vào ruộng đất; tuần: thuế tuần ty, đánh vào các người ở cửa biển, cửa sông; đò: thuế đò, đánh vào các bến đò.

[73] Thánh nhân Thạch bàn: là vị thánh nơi bàn đá, ý chỉ thái tử.

[74] Bản LMT : toan.

[75] Bản LMT  phiên Thốt.