Tác giả: Vũ Ngọc Định

Khoa Khoa học Xã hội - Trường Đại học Hồng Đức

Nguyễn Huy Khuyến

Khoa Nhân học và Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

1. Dẫn nhập:

Chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) tọa lạc ở ngõ 12, đường Đặng Thai Mai, phố Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Theo sử sách, chùa được xây dựng từ thời Lý, ban đầu là một am nhỏ có tên là Báo Ân, do vị tăng Ngộ Ấn lập nên. Đến năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, công chúa Ngọc Tú con gái trưởng của chúa Nguyễn Hoàng và là vợ chúa Trịnh Tráng cho xây dựng lại, gọi là chùa Long Ân. Đến đời vua Thiệu Trị thứ 4 (1844), đổi gọi là chùa Sùng Ân. Chùa ở vị trí đắc địa, phía trước là Tây hồ mênh mông lộng gió, xung quanh là vườn quất, hoa đào tươi đẹp. Bởi vậy, từ thời Lê đến thời Nguyễn, chùa là nơi ngự giá, thăm viếng của nhiều bậc vua chúa và thi nhân, mặc khách.

Ảnh: Sưu tầm
Ảnh: Sưu tầm

Xét thấy, hệ thống văn bia chùa Quảng Bá chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử và giá trị khoa học thực tiễn. Việc nghiên cứu và giới thiệu văn bia chùa Quảng Bá là cần thiết, khái quát ở đây những văn bia Hán Nôm tiêu biểu của ngôi chùa này.

2. Văn bia

2.1. Thông tin tư liệu

Hiện nay chùa còn lưu giữ được 31 văn bia Hán Nôm(1), văn bia có niên đại sớm nhất là 后佛 碑記 Hậu Phật bi ký có niên đại năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) và văn bia có niên đại muộn nhất là 石忌碑 Thạch kỵ bi có niên đại năm Bảo Đại thứ 17 (1941). Trong số 31 văn bia này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ 21 thác bản; Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã tiến hành sao đập, lưu trữ toàn bộ thác bản văn bia của chùa. Có 30/31 văn bia có niên đại thời Nguyễn và 29/31 văn bia là văn bia có nội dung gửi Hậu, gửi giỗ. Đa số các văn bia được bảo quản tốt, chữ còn rõ và tương đối dễ đọc, chỉ có 01 văn bia 弘恩寺什方碑記 Hoằng Ân tự thập phương bi ký chữ nhỏ, mờ gần hết.

2.2. Lược thuật văn bia chùa Quảng Bá

Như đã trình bày ở trên, có 21/31 văn bia mang nội dung bầu Hậu, gửi giỗ, tuy nhiên bên cạnh đó, nội dung văn bia lại chứa đựng thông tin bổ ích về lịch sử, về quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa,… trong quá khứ. Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt nội dung các văn bia tiêu biểu chùa Quảng Bá (theo thứ tự thời gian).

2.2.1. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 37 x 54cm, gồm 15 dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 330 chữ, khắc năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793). Nội dung ghi: Mùa hè năm Quý Sửu (1793), phường Quảng Bố A Di Đà, Thích Ca và các pho tượng khác,  tốn  nhiều  kinh   phí. Bà Lưu Thị Huyền và chồng Nguyễn Đăng Tiến là người trong phường, cúng mười xâu tiền và bốn sào ruộng để góp chi phí làm tượng và lo việc hương hỏa. Bản phường bầu cha mẹ bà làm hậu Phật.

2.2.2. Hậu Phật bi

Bia một mặt, khổ 37 x 56cm, gồm 12 dòng chữ Hán, toàn văn 310 chữ, khắc năm Ất Hợi triều vua Gia Long (1815). Nội dung ghi: Quan viên hương lão và nhà sư chùa Long Ân chấp thuận tôn bầu vợ chồng bà Nguyễn Thị Vui người thôn Nghĩa Lập, huyện Thọ Xương làm hậu Phật. Bà đã cúng cho chùa bốn mươi quan tiền để chi dùng vào việc đèn hương và một mẫu ruộng để gửi giỗ. Dân làng lập bia ghi lại sự việc, cam kết cúng giỗ cho hai vợ chồng bà.

2.2.3. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 26 x 48cm, gồm 10 dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 290 chữ,  khắc năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Nội dung ghi: Năm Canh Thìn, chùa xây cổng Nghi môn, bản phường kêu gọi thập phương công đức. Bà Nguyễn Thị Chuẩn đã cúng mười lăm quan tiền để làm cổng chùa và bốn sào ruộng để dùng cho việc đèn hương. Quan viên hương lão phường Quảng Bố tôn bầu bà và cha mẹ của bà là hậu Phật.

2.2.4. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 44 x 75cm, gồm mười sáu dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 450 chữ, không có hoa văn. Bia không ghi niên đại, dựa vào  thông tin “tháng 3 nhuận năm Nhâm Ngọ”, chúng tôi nhận định đây là năm 1822, đời vua Minh Mạng. Nội dung ghi: Năm Nhâm Ngọ, bản phường và tăng chùa tu sửa Tiền đường và Nghi môn, vợ chồng ông Lưu Nguyễn Viết và bà Lưu Thị Bống cúng bốn mươi lăm quan thanh tiền và ba mẫu ruộng. Vì vậy quan viên, hương lão tôn bầu hai vợ chồng cùng cha mẹ nội ngoại của bà làm hậu Phật. Số tiền xã dùng vào việc công, còn ruộng giao cho nhà chùa cày cấy, hàng năm chi dùng cho việc đèn hương. Ghi tên tuổi, ngày giỗ của các vị hậu Phật.

2.2.5. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 38 x 45cm, gồm mười hai dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 270 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Minh Mệnh thứ 9 (1828). Nội dung ghi: Ông Lý Danh Lâm người xã Đại Cát, huyện Từ Liêm nhà ở giáp Đông Thượng,  phường Đồng Lạc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long cùng với vợ là Lý Thị Viên cúng cho bản chùa sáu mươi quan cổ tiền để tu sửa gác chuông và xin cho ba người trong họ nhà vợ được làm hậu Phật trong chùa.

2.2.6. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 33 x 78cm, gồm mười bốn dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 500 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Nội dung ghi: Chùa Sùng Ân trùng tu, bà Đào Thị Viết ở phường Thạch Khối thuộc bản tổng, cúng hai mươi quan thanh tiền và hai sào ruộng tốt để tu sửa chùa và xin gửi giỗ. Quan viên hương lão và dân làng chấp thuận cho hai vợ chồng bà cùng cha mẹ hai bên được gửi giỗ Hậu tại chùa.

Hàng năm đến ngày tết Trung nguyên, nhà sư sẽ ghi tên 6 người vào sớ và cúng trước bia. Ghi tên húy, hiệu người được gửi giỗ Hậu.

2.2.7. Hoằng Ân tự bi văn

Bia một mặt, khổ 53 x 90cm, gồm mười bốn dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 200 chữ, trán bia trang trí lưỡng long chầu nhật, diềm bia trang trí hoa lá, điểm những bông cúc to, không có chữ húy, khắc năm  Thiệu Trị thứ 2 (1842). Nội dung ghi: Chùa Hoằng Ân nằm ở Hồ Tây, phía tây bắc tỉnh thành, do công chúa Ngọc Tú triều Lê dựng năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), đặt tên là chùa Long Ân. Vua Minh Mệnh ban biển ngạch, ban hai tăm lạng bạc và cho đổi lại tên là Sùng Ân. Nay, vua Thiệu Trị cho đổi làm Hoằng Ân. Sai các quan ở viện Hàn Lâm ghi lại việc này vào bia để lưu truyền đời sau.

2.2.8. Ký kỵ bi ký

Bia một mặt, khổ 37 x 62cm, gồm mười ba dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 370 chữ, không hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thiệu Trị thứ 2 (1842). Nội dung ghi: Nghĩ đến công sinh thành của cha mẹ, bà Trịnh Thị Thuyên người xã Hữu Cước, tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm đã cúng cho chùa sáu mươi quan tiền để đèn hương cúng Phật và sáu sào ruộng tốt xin được gửi giỗ cho hai vợ chồng cùng cha mẹ của bà. Có ghi rõ địa phận ruộng cùng tên húy, ngày giỗ của những người được gửi giỗ.

2.2.9. Ký kỵ bi ký

Bia một mặt, khổ 27 x 42cm, gồm mười bốn dòng chữ Hán, toàn   văn   khoảng   320   chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc  năm Thiệu Trị  thứ 4 (1844). Nội dung ghi: Nhân dịp quan Đốc bộ họ Mai khởi xướng trùng tu, tô tượng Phật chùa Hoằng Ân, bà Tân Thị Khang là vợ lẽ của Lãnh binh họ Nguyễn đã góp công, góp của cúng năm mươi quan tiền kẽm và hai sào ruộng để gửi giỗ cho cha mẹ và bản thân bà tại chùa. Ghi ngày giỗ của từng người, vị trí số ruộng cúng.

2.2.10. Ký kỵ bi ký

Bia một mặt, khổ 34 x 53cm, gồm mười chín dòng  chữ Hán, toàn văn khoảng 310 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nội dung ghi: Nhân dịp quan Đốc bộ họ Mai cho  tu sửa hành lang chùa Hoằng Ân, bà Lương Thị  Si đã cúng  hai mươi lăm quan tiền và hai sào ruộng vào chùa để làm chi phí công thợ. Bản chùa chấp thuận cho cha mẹ bà được gửi giỗ tại chùa. Ghi ngày giỗ của từng người, vị trí số ruộng cúng.

2.2.11. Vô đề

Bia một mặt, khổ 60 x 82cm, gồm mười tám dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 310 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nội dung ghi: Chùa Hoằng Ân do công chúa thời Lê lập ra năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628). Chùa nguyên tên là Long Ân, Thánh tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mệnh) ngự giá đến đây đã cho đổi tên là Sùng Ân. Năm Thiệu Trị 2 (1842), vua đến xem phong cảnh ban cho tên là Hoằng Ân. Chùa là đệ nhất thắng cảnh của Kinh đô. Tổng đốc Mai Công Ngôn khi về nhậm chức đến thăm chùa, đã cảm khái trước cổ tự nên đã bỏ tiền đúc tượng, xây tòa hành lang tả hữu và nhà tụng kinh. Nay ghi vào bia để lưu truyền về sau.

2.2.12. Vô đề

Bia một mặt, khổ 48 x 72cm, gồm mười bảy dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 300 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nội dung ghi: Chùa Hoằng Ân được công chúa triều Lê xây dựng vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628). Nhân dịp quan Tổng đốc Mai Công Ngôn đúc tượng Phật Di Đà cho chùa, đông đảo thiện tín hưởng ứng góp tiền của xây dựng hành lang và nhà tụng kinh. Nay dựng bia ghi tên những người đã đóng góp công đức trong lần trùng tu này.

2.2.13. Ký kỵ bi ký

Bia một mặt, khổ 33 x  50 cm, gồm mười lăm dòng chữ Hán, toàn văn khoảng  320 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm  Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nội dung ghi: Nhờ có Quan Đốc bộ Mai Tướng công đề xướng việc tu sửa chùa, nên vào năm Giáp Thìn đã khởi công xây dựng hành lang chùa. Người bản phường là bà Nguyễn Thị Đô đã quyên góp mười quan tiền và hai sào ruộng để chi phí công thợ và xin gửi giỗ cho vợ chồng bà. Dân làng lập bia ghi lại sự việc và ngày giỗ, vị trí và ranh giới ruộng gửi giỗ.

2.2.14. Ký kỵ bi ký

Bia một mặt, khổ 25 x 34cm, gồm mười một dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 280 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Nội dung ghi: Bà Ngô Thị Na người bản phường, cúng cho chùa Hoằng Ân hai mươi lăm quan tiền và hai sào ruộng để làm chi phí công thợ làm đồ thờ và xin được gửi giỗ cho cha mẹ và hai vợ chồng bà tại chùa. Ghi ngày giỗ, vị trí ruộng gửi giỗ.

2.2.15. Hoằng Ân tự hậu bi ký

Bia một mặt, khổ 30 x 50cm, gồm mười bốn dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 290 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thành Thái thứ 2 (1890). Nội dung ghi: Ông Vũ Văn Úc ở phố Thuận, Hộ thứ nhất, tỉnh Hà Nội cùng hai con gái là Vũ Thị Đỉnh và Vũ Thị Bình cúng cho bản phường ba sào ruộng và hai mươi đồng hoa tiền, để gửi giỗ cho vợ chồng ông và con gái, con rể tại chùa. Ghi ngày giỗ của từng người cùng vị trí, diện tích số ruộng cúng.

2.2.16. Hoằng Ân tự kỵ hậu bi

Bia một mặt, khổ 34 x 50cm, gồm dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 270 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Thành Thái thứ 7 (1895). Nội dung ghi: Năm Ất Mùi (1895) các chức sắc của bản phường cùng với sư trụ trì chùa Hoằng Ân tổ chức trùng tu Tiền đường và Hậu đường chùa. Bà Nguyễn Thị Nhiễu là người trong phường đã bỏ ra một trăm quan tiền kẽm cúng cho chùa chi dùng. Theo nguyện vọng của bà, bản phường đã cho hai vợ chồng bà và người con trai đã mất của bà được gửi giỗ tại chùa.

2.2.17. Hoằng Ân tự kỵ Hậu bi

Bia một mặt, khổ 29 x  60 cm, gồm mười một dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 320 chữ, không  có  hoa  văn,  không  có chữ húy, khắc năm Thành Thái thứ 8 (1896). Nội dung ghi: Tháng 3 năm Thành Thái thứ 8, dân trong phường cùng sư trụ trì trùng tu chùa Hoằng Ân. Bà Trần Thị Nộn đã cúng mười lăm đồng bạc để sửa sang chùa và một sào rưỡi ruộng để xin gửi giỗ cho cha mẹ. Ghi ngày giỗ từng người.

2.2.18. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 25 x 40cm, gồm mười dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 180 chữ,  không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Canh Tuất (1910). Nội dung ghi: Năm Canh Tuất, sư trụ trì đứng ra tu sửa nhà Hậu đường, bà Nguyễn Thị Giàu đã cúng bảy quan tiền và hai sào ruộng để góp phần tu sửa và lo việc cúng giỗ sau này. Vì vậy dân phường chấp thuận cho bà được làm hậu Phật.

2.2.19. Hậu Phật bi ký

Bia một mặt, khổ 40 x 68cm, gồm mười sáu dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 470 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy, khắc năm Quý Sửu (1913). Nội dung ghi: Tháng 4 năm Quý Sửu, phường tu sửa Hậu đường và tượng Phật. Vợ chồng ông Nguyễn Trọng Đăng đã cúng cho chùa mười tám quan tiền cổ và tám sào ruộng. Bản phường tôn bầu ông bà và cha mẹ nội ngoại là hậu Phật. Số tiền này được dùng vào việc công, còn ruộng nhà chùa cày cấy hàng năm đèn hương. Quy định ai chiếm đoạt hoặc bán ruộng sẽ bị trừng phạt.

2.2.20. Hoằng Ân tự bi ký

Bia một mặt,  bia mười hai dòng, toàn văn khoảng 270 chữ, không có chữ húy, hoa văn trang trí đơn giản, khắc năm Duy Tân thứ 7 (1913). Nội dung ghi: Năm Quý Sửu niên hiệu vua Duy Tân toàn thể kì dịch, chức sắc trên dưới phường Quảng Bố, tổng Thượng, huyện Hoàn Long cùng với sư trụ trì trùng tu Tiền đường, Hậu điện. Có các bà Nguyễn Thị Ương, Nguyễn Thị Ngân người thôn Ngọc Mai, xã Chiêm Trạch bỏ tiền nhà năm mươi đồng bạc giúp nhà chùa chi phí tu sửa và xin gửi giỗ cho gia tiên và bản thân.

2.2.21. Tập phúc bi ký

Bia một mặt, khổ 43 x 71cm, gồm hai mươi sáu  dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 900 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy. Nội dung ghi: Sư trụ trì thấy ban thờ ở bên trái hành lang bị hư hỏng, nên đã kêu gọi những người có tấm lòng thiện để trợ giúp kinh phí, cộng tất cả được ba mươi quan tiền. Số tiền này, một phần dùng để tu sửa chùa, một phần dùng mua ruộng làm chi dùng cho hai kỳ cúng lễ chung cho các hương hồn của người đã mất vào ngày 9 tháng giêng và 13 tháng 7 hàng năm. Ghi tên người đóng góp và những hương hồn người thân được thờ cúng.

3. Giá trị tư liệu

3.1. Người xây dựng và tên chùa qua các thời kỳ lịch sử

Văn bia Hoằng Ân tự bi văn, niên đại Thiệu Trị thứ 2 (1842) ghi: “Xưa kia chùa có tên là chùa Long Ân, do công chúa tiền triều ta tên húy là Ngọc Tú xây dựng năm Mậu Thìn (1628), niên hiệu Vinh Tộ triều Lê”.

Văn bia Vô đề niên đại Thiệu Trị thứ 4 (1844) ghi: “Chùa Hoằng Ân ở phường Quảng Bố, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận,   phủ   Hoài   Đức   của bản tỉnh, chùa do công chúa tiền triều xây dựng năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628)”.

Đặc biệt trong bản tấu của bộ Lễ trình vua Thiệu Trị năm 1841 và đã được Châu phê duyệt có đoạn viết: “Xưa kia chùa có tên là chùa Long Ân, do công chúa tiền triều ta tên húy là Ngọc Tú xây dựng năm Mậu Thìn (1628) niên hiệu Vĩnh Tộ triều Lê. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thánh tổ Nhân hoàng đế triều ta vì việc bang giao ngự giá ra Bắc Thành, đi thăm thú dân chúng, nhân đó du lãm quanh thành, xe vua ghé thăm chùa, ban cho lập bia có hai chữ “Long Ân”.

Như vậy, với những  thông tin trong văn bia có thể thấy rằng, chùa Quảng Bá (Hoằng Ân) được xây dựng lại năm Mậu Thìn (1628), niên  hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời vua Lê Thần Tông và người xây dựng là Công chúa Ngọc Tú. Về việc này, sách Đại Nam thực lục (Đệ nhị Kỷ - Quyển XXIV, Thực lục về Thánh tổ Nhân Hoàng đế) có ghi: “Thái trưởng công chúa là Ngọc Tú chết [1823]. Chúa là con gái cả Hưng tổ Hiếu khang hoàng đế, lấy chồng là Cai cơ Lê Phước Điển, trong chiến dịch Điệp Thạch dữ [hòn đá chồng] năm Quý Mão, Điển bị giặc bắt, chửi giặc mà chết. Chúa còn trẻ, nhưng vì nghĩa không lấy chồng khác. Từng nói rằng “Điển làm tôi còn biết tử tiết, ta là vợ người sao dám có chí khác. Bao giờ lấy lại Kinh đô cũ, ta nên xuất gia thờ Phật thôi”. Như vậy, mục đích mà công chúa Ngọc Tú xây dựng chùa là làm nơi tu hành cho mình sau này.

Văn bia cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin liên quan đến việc thay đổi tên chùa.

Văn bia Vô đề niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844) cho biết: Năm Minh Mệnh thứ hai (1821), nhà vua ra Bắc cho rằng: Chùa này khi xưa có bà Tổ cô là Từ Thiện phu nhân (tên là Ngọc Tú, phu nhân của Trịnh Tráng) xuất gia tu ở đấy, mới cho đổi tên là chùa Sùng Ân và cúng tiền bạc vào chùa. Văn bia Vô đề niên đại Thiệu Trị thứ 4 (1844) ghi: “Chùa vốn tên là chùa Long Ân, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thánh  tổ  Nhân Hoàng đế ngự giá Bắc tuần, nhân một lần đến đây, lệnh cho đổi tên là chùa Sùng Ân”. Văn bia Hoằng Ân tự bi văn cho biết:  Năm đầu niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua dựng điện ấy gọi là điện Sùng Ân(2) trong cung tẩm Hiếu Lăng, vì tên chùa phạm huý nên ban chỉ đổi tên chùa là Hoằng Ân.

Như vậy trong giai đoạn đầu thời Nguyễn, chùa vẫn dùng tên gọi Long Ân, tên gọi này tồn tại từ thời Lê Trung Hưng. Đến năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), vua ban cho đổi tên là chùa Sùng Ân. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vì tên gọi chùa trùng tên với điện Sùng Ân trong Hiếu Lăng nên ban chỉ đổi tên chùa là Hoằng Ân.

3.2. Quá trình xây dựng, trùng tu tôn tạo chùa

Trong số 31 văn bia hiện còn lưu giữ tại chùa thì có 10 tấm bia có ghi chép liên quan đến công việc xây dựng chùa. Căn cứ vào những ghi chép này, chúng ta biết được chùa Hoằng Ân được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, cụ thể như sau:

Năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), chính phi của Thanh Đô vương Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Tú (? - 1631) đề xướng và xuất tiền xây dựng lại chùa. Bà vốn là con gái của Thái tổ Gia Dụ hoàng đế  Nguyễn  Hoàng và là cháu nội của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn  Kim. Bà cho xây dựng lại chùa làm nơi cúng lễ cha và ông nội, ý muốn lưu danh tiền nhân đã mở mang bờ cõi về phía Nam (Nguyễn Hoàng) và người đã có công giúp nhà Lê phục hưng (Nguyễn Kim), đồng thời làm nơi tu hành cho mình về sau.

Đến tháng 4 năm Quý Sửu, niên  hiệu  Cảnh  Thịnh  thứ  1 (1793), nhà chùa và bản phường tu sửa tượng A Di Đà, Thích Ca và các tượng Phật khác, công sức rất lớn và chi phí rất nhiều.

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), vua ngự giá ra Bắc Thành, đi thăm thú dân chúng, nhân đó du lãm quanh thành, xe vua ghé thăm chùa, ban cho  lập bia có hai chữ “Long ân”. Đặc biệt ban cho hai trăm lạng bạc trong ngân khố, cấp cho hai người phụ chùa, để lo riêng việc hương hỏa trong chùa, lại thưởng cho biển tên, cho đổi tên là chùa Sùng Ân (3).

Tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), tăng chùa Sùng Ân là Khoan Nhân và toàn thể trên dưới trong bản phường cùng nhau tu tạo Tiền đường và Nghi môn chùa. Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) sửa chùa chính và trùng tu gác chuông. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1839) tăng trụ trì chùa Sùng Ân, tên tự là Chiếu Huân trùng tu.

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) sửa các tòa tượng Phật. Năm Thành Thái thứ 7 (1896) mua gỗ lim, gạch đá để trùng tu lại Tiền  đường,  Hậu  điện.  Năm Duy thứ 7 (1913) sửa chùa trước điện sau.  Năm  Bảo  Đại  thứ 3 (1939) trùng tu nhà Tổ, xây thêm điện Thánh.

Có thể thấy rằng, công tác xây mới, trùng tu, tôn tạo tại chùa Quảng Bá trong giai đoạn nhà Nguyễn, là công tác thường xuyên, cứ khoảng 20 - 30 năm lại tiến hành xây  dựng  hoặc tu sửa lớn. Lúc thì tạo thêm tượng mới, tạo thêm đồ tế khí, khi thì tu sửa Tiền đường, Hậu cung, cổng Nghi môn,...

3.3. Lịch đại tổ sư của chùa

Tổ Khoan Nhân Phổ Tế Thiền sư

Văn bia Hậu Phật bi niên đại tháng 5 năm Ất Hợi (1815) triều vua Gia Long ghi: Tăng chùa là Khoan Nhân Phổ Đạt cùng mọi người bản phường đồng ý bầu hai ông bà Văn Quý Công, tên tự Đình Đạt, tên hiệu Xuân Mai, tên thụy Mẫn, Trực phủ quân và bà Nguyễn Thị Vui tên hiệu Thuận Nghĩa, nhụ nhân làm hậu Phật. Văn bia Hậu Phật bi ký ghi: Vào tháng 3 nhuận năm Nhâm Ngọ (1822, đời vua Minh Mạng), toàn thể trên dưới trong bản phường và tăng tên tự là Khoan Nhân cùng nhau tu tạo Tiền đường và Nghi môn chùa. Bên cạnh đó, bài minh chuông niên đại năm Quý Hợi (1803) ghi: “Ngày 4 tháng 2 năm Quý Sửu đúc chuông. Thích tử tên tự Khoan Nhân cùng thập phương trong hội cúng tiến”.

Theo hệ phả chùa Hòe Nhai, tổ Khoan Nhân Phổ Tế thuộc thế hệ thứ 5 tông Tào Động, tổ đình Hòe Nhai. Thiền sư là người đầu tiên truyền thiền phái Tào Động đến chùa Quảng Bá, Ngài trở thành tổ thứ nhất chùa  Quảng  Bá  tính  theo  hệ phái  Tào Động.  Theo văn  bia Sùng tu Hồng Phúc tự bi niên đại năm Gia Long thứ 10 (1811) sư  Khoan  Nhân  sang  trụ  trì chùa Quảng Bá trước năm 1811.

Tổ Đạo Huân Vô Tướng Thiền sư

Văn bia Ký kỵ bi ký niên đại Thiệu Trị thứ 4 (1844) ghi việc năm Giáp Thìn trụ trì Đạo Huân cùng với quan Đốc bộ đường Mai tướng công và các vị đàn na, thiện tín, cư sĩ, Ưu bà di và chúng tăng trong phường cùng nhau đóng góp kinh phí khởi công tu sửa hành lang  cùng các việc công đức khác. Văn bia Ký kỵ bi ký lập năm Ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845) ghi: “Bà Ngô Thị Na tên hiệu Diệu Nương cùng nhà chùa chế tác thêm đồ tế khí”. Cuối bia có dòng chữ ghi: “Sư trụ trì chùa phường Quảng Bố? tên tự là Đạo Huân và Lý mục của bản phường chứng kiến”. Văn  bia Lập bi ký kỵ ghi: Đến tháng 9 năm Nhâm Dần (1902) sư Đạo Huân và nhân dân phường Quảng Bá cùng đồng ý cho bà Nguyễn Thị Phức tên hiệu là Diệu Úc được gửi giỗ trong chùa”.

Tổ Chính Nhượng Thiền sư

Chưa rõ hành trạng Ngài, chỉ thấy văn bia Hoằng Ân tự kỵ hậu bi niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895) ghi: “Vào năm Ất Mùi đời vua Thành Thái, sư trụ trì cùng với các vị chức sắc, kỳ lão trong phường trùng tu các tòa Tiền đường và Hậu điện. Có bà Nguyễn Thị Nhiễu là người phẩm hạnh như bách, dáng vẻ như tùng, tiết tháo kiên trinh, quy y Phật pháp, khởi phát lòng lành tự bỏ tiền nhà một trăm quan tiền chì, để giúp kinh phí tu sửa mở mang chùa”. Cuối bia ghi: “Sư trụ trì Chính Nhượng đã ký”.

Văn bia không ghi chép nhiều về tổ sư các đời của chùa, nhưng thông qua tên hiệu của các tổ và niên đại của văn bia cũng phần nào giúp chúng ta biết được sự truyền thừa của chùa qua các thời kỳ.

4. Kết luận

Văn bia chùa Quảng Bá có số lượng tương đối nhiều và hàm chứa những thông tin quý giá, xác thực về lịch sử ngôi chùa, về quá trình hình thành, quá trình xây dựng cũng như thông tin các vị tổ sư dòng Thiền Tào Động. Bên cạnh đó, hoạt động cung tiến, bầu Hậu, gửi giỗ tại chùa đã phần nào phản ánh hoạt động tôn giáo tương đối sôi động qua các giai đoạn lịch sử tại ngôi chùa này. Thiết nghĩ, văn bia chùa Quảng Bá nếu được tổ chức phiên dịch ra tiếng Việt, sẽ là tư liệu vô cùng quý giá trong việc nghiên cứu Phật giáo Thăng Long - Hà Nội nói chung, nghiên cứu về tông Tào Động và chùa Quảng Bá nói riêng.

Tác giả: Vũ Ngọc Định

Khoa Khoa học Xã hội - Trường Đại học Hồng Đức

Nguyễn Huy Khuyến

Khoa Nhân học và Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

CHÚ THÍCH:

(1) Không tính văn bia mộ tháp.

(2) Năm 1841, tức là chỉ sau hai tháng lên ngôi, vua Thiệu Trị tiếp tục cho xây dựng Hiếu lăng thờ vua cha Minh Mạng. Vua cho dựng bia Thánh đức thần công viết về tiểu sử, công đức của vua cha Minh Mạng và dựng điện Sùng Ân ở phía sau Hiển Đức môn.

(3) Nhân sự kiện lần này, vua đi chơi chùa Trấn Quốc, cấp tiền cho một số chùa để duy tu, đổi tên là chùa Trấn Bắc, cấp cho tiền 200 quan. Hai chùa Hoằng Ân (Hà Nội), Phật Tích (Sơn Tây) cũng cấp cho tiền bằng số ấy. [Quốc sử quán, 2007, tr 311].