Tổng hợp: Minh Khang

1. Giới thiệu chùa Hòe Nhai

Chùa Hòe Nhai nằm tại số 19 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội. Nhiều tài liệu cho rằng chùa được xây dựng từ thời nhà Lý (1010 - 1225). Chùa nằm trong quần thể di tích các chùa quận Ba Đình, mang giá trị nổi bật về một giai đoạn lịch sử. Nơi này còn là chốn Tổ đình của Phật giáo miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung kể từ thế kỷ XVII. Vào ngày 21/1/1989, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. 

Theo văn bia năm Chính Hòa thứ 24 (1703), đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), chùa được thành lập nhiều năm nên có chỗ đã đổ nát, đến thời Lê Trung Hưng, thiền sư Thủy Nguyệt đến đây trụ trì và xây dựng lại. Trải qua nhiều đổi thay, chùa đã hai lần đại trùng tu vào năm 1687 và 1899. Chùa còn lưu giữ nhiều tấm bia đá, trong đó có một tấm bia cho biết lần mở rộng quy mô năm 1698 do một Ưu-bà-di từng làm bảo mẫu trong cung với thế danh Nguyễn Thị Phán, pháp hiệu Từ Dụ đứng ra quyên góp công đức thập phương. Mặt sau tấm bia có bài minh “Phúc Diễn Vô Cương” 福 衍 無 彊 dài 160 câu ca ngợi bà cụ.

Đây cũng là ngôi chùa xuất thân của hai vị Quốc sư, năm vị Tăng thống và Pháp chủ. Chùa Hòe Nhai gắn liền với tên tuổi thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt và sự truyền thừa thiền phái Tào Động ở nước ta vào thế kỷ XVIII. Ngài được tôn là Tổ khai sáng Hồng Phúc tự (tức chùa Hòe Nhai). Đệ tử được Ngài truyền pháp là Chân Dung Tông Diễn.

Với tông chỉ của dòng thiền Tào Động là vô sở đắc, vô sở ngộ, chân tâm nhất như, tu chứng nhất như, dòng thiền này sản sinh nhiều vị thiền sư đóng góp cho việc phát triển Phật giáo thời bấy giờ. Chùa Hòe Nhai còn là nơi ghi dấu của đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận.

Bức tượng Vua cõng Phật tại chùa Hoè Nhai
Bức tượng Vua cõng Phật tại chùa Hoè Nhai

2. Nét độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật

Chùa Hoè Nhai được xây dựng trên mảnh đất vuông, diện tích khoảng 3.000m2, cửa nhìn ra hướng Tây, ngoài cùng là Tam quan kiểu hoa biểu bốn trụ, đây là điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Chùa Hòe Nhai thiết kế theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, phía trước là tòa tiền đường, chính diện gồm 3 gian, 5 dọc và 3 gian nằm ngang phía sau là nhà tổ, tất thảy gồm 9 gian tạo thành khối kiến trúc Phật giáo thống nhất.

Hệ thống thiết kế góc mái cong được đắp nổi hình linh thú, tạo cảm giác như đôi cánh nâng ngôi chùa bay lên. Có lẽ đây cũng là ý tưởng kiến trúc của tư tưởng đương thời muốn đề cao Phật pháp, một yếu tố thoát tục. Hai bên chùa là dãy nhà bao lấy Chính điện ở phía trước, tạo thành vòng tròn khép kín là nhà mẫu và thờ Ngài Địa Tạng.

Phía sau là nhà Tổ và Tăng phòng, còn lại xung quanh bao bọc bởi hành lang, đặc biệt ở sân chùa trước tòa Tam bảo có ba ngọn tháp. Trong đó có tòa tháp Ấn Quang, xây dựng ngày 20/7/1963 để tưởng niệm sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Nếu nhìn tổng thể, chúng ta sẽ nhận thấy kiểu thiết kế mang biểu tượng Mandala. Thượng điện ngày nay còn lưu lại những bức chạm hình tứ linh cùng các cửa võng sơn son thếp vàng. Tòa tiền đường của chùa còn thiết kế với 2 tầng 8 mái, kiến trúc trang trí hầu như đều đặt vào các “y môn” của Phật điện và gian thờ phụ. Ngoài ra, trong chùa còn có tạo tác hình Phật tọa thiền trên tòa sen làm tăng thêm chất tĩnh lặng của thiền môn. Các tượng pháp được sắp xếp mang ý nghĩa nhân quả, hạnh tu sâu sắc. Chùa có 68 bức tượng thuần hậu được làm từ nhiều chất liệu như gỗ quý, đất nện, đồng hun.

Chùa còn lưu giữ những bức hoành phi từ thời trung đại như bức hoành phi bốn chữ “Thiên Long Hiến Thụy” nghĩa là trời rồng cúng dàng, hiện điềm tốt. Trên bàn thờ đức Ông có điểm đặc biệt khác hơn so với các chùa thông thường là đặt ở vị trí bên phải, ở đây cũng có bức hoành phi “Công mạc trắc”, nghĩa là công đức không thể đo lường.

Phía hậu cung bên phải là bàn thờ tự đức Quán Âm Tống tử, đứng hai bên có hai vị Thiên Vương được tạo hình thái là vua chúa Việt Nam, phản ánh ý nghĩa của thời đại và hoàn toàn mang nét văn hóa người Việt. Phía trên có bức hoành phi với chữ “Quần sinh phổ lợi”, tức là có lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hai bên hậu cung điện Phật có thờ Thập điện Diêm Vương, mượn hình tượng ẩn dụ cảnh tượng cõi địa ngục nhằm răn đe người ác, cảnh tỉnh mọi người không làm điều ác để tránh rơi vào địa ngục.

Trong chùa còn có 28 văn bia, cổ nhất là tấm bia có niên đại từ năm 1703. Nội dung trong tấm bia nhắc tới vị trí chùa Hòe Nhai ngày trước, giúp các nhà khảo cổ xác định được địa điểm chiến thắng của nhà Trần trước quân Nguyên, giải phóng kinh thành. (Nguồn: vnexpress.net)
Trong chùa còn có 28 văn bia, cổ nhất là tấm bia có niên đại từ năm 1703. Nội dung trong tấm bia nhắc tới vị trí chùa Hòe Nhai ngày trước, giúp các nhà khảo cổ xác định được địa điểm chiến thắng của nhà Trần trước quân Nguyên, giải phóng kinh thành. (Nguồn: vnexpress.net)

3. Cổ vật: bức tượng "Vua cõng Phật" độc - lạ tại chùa Hòe Nhai

Chùa Hòe Nhai hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Các di vật cổ quý hiếm như: khánh đồng cao 1m, rộng 1.5m được đúc từ năm Long Đức thứ 3 (1734) đời vua Lê Thuần Tông, trống đồng đúc vào thời vua Tự Đức (1848-1883) nhà Nguyễn.

Trong chùa còn có 28 tấm bia, cổ nhất là tấm bia dựng vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703) đã nêu. Trong chùa còn có nhiều bức tượng cổ, nhất là tượng Cửu Long, một bộ khác là bộ tượng Dược Sư Tam Tôn bao gồm Phật Dược Sư, Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát cổ nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra có bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh. Những tượng này đều có điểm đặc biệt là tạo hình không tóc như một nhà sư chứ không có tóc xoắn ốc. Có thể nói, tuy hình tướng bên ngoài có khác nhau, nhưng cái tâm cầu tu tập học Phật giác ngộ thì không có sự phân biệt, những hạnh tu, quả chứng bằng phương pháp độ sinh đại biểu cho thời kỳ nhập thế.

Nét độc đáo của bức tượng "Vua cõng Phật"

Tượng “Vua cõng Phật” là tác phẩm độc đáo trong chùa Hòe Nhai nói riêng và văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung. Có nhiều cách lý giải khác nhau về tác phẩm này. Song theo vị sư trụ trì cùng tư liệu của chùa Hòe Nhai và dựa theo tài liệu của Ban quản lý di tích – danh thắng Hà Nội cho biết, bức tượng xuất phát từ đời vua Lê Hy Tông (1662-1716).

Vào thời kỳ này, tình hình xã hội Đàng Ngoài tương đối yên ổn. Phật giáo từ sau khi nhà Trần suy vi đã dần lui về trong đời sống dân gian, ít ảnh hưởng đến triều chính. Mặt khác, Nho giáo phát triển mạnh và phê phán, bài xích Phật giáo. Trong bối cảnh đó, khi vua Lê Hy Tông nhận được sớ các quan tâu lên vua về những điều sai phạm, phá giới của một số Tăng lữ đã ra quyết sách hạn chế Phật giáo, “Phế bỏ Tăng lữ”.

Vua hạ lệnh đuổi chư Tăng, bắt phải hoàn tục hoặc lên rừng núi. Bảo tàng lịch sử Quốc gia ghi nhận rằng: “Theo Đại đức Tâm Hoan thì đời vua Lê Hy Tông, Ngài đã ban một sắc lệnh hà khắc là đuổi hết các nhà sư lên rừng. Điều này khiến cho cảnh chùa chiền thời đó bị bỏ hoang, nền Phật giáo nước nhà rơi vào thảm cảnh cùng cực nhất. Vì thế, đã có rất nhiều tăng, ni ở các chùa phải hoàn tục”.

Thời điểm này, tại các ngôi chùa hầu như thiếu vắng bóng dáng tu sĩ, chùa chiền hoang phế, Phật giáo rơi vào giai đoạn khủng hoảng, có thể nói đây cũng là pháp nạn trong Phật giáo Việt Nam.

Trước sự kiện xảy ra bất công này, ngài Chân Dung Tông Diễn (còn gọi là Tổ Cua) vốn là một danh tăng có tiếng tại Thăng Long, vì không muốn nền đạo pháp lâu đời trên đất Việt bị hủy hoại nên đã tìm cách dùng lý lẽ phải trái phân định cho vua hiểu đúng vai trò của Phật giáo và các Tăng sĩ. Nhân biết giai đoạn này chư Tăng không được ưu thế, nên Hòa thượng Tông Diễn cải trang làm người dân thường đến dâng ngọc cho vua. Sau này người đời thường gọi “Ngọc khai hóa”, nhưng thực chất bên trong là tờ sớ nhằm giải bày cho vua Lê Hy Tông hiểu đúng giá trị những gì mà Phật giáo đem lại.

Sư Tông Diễn giải bày: “Phật giáo tuy không phải ngọc, nhưng từ xưa đã được nghe, Phật giáo lấy trí đức làm đầu không gì sánh bằng, nên có câu, trí cao trời người trọng, đức lớn quỷ thần kinh. Nước ta, từ đời Lý, Trần các vua hết sức coi trọng Phật giáo, vì thế mà người theo đạo Phật dốc lòng phò vua giúp nước, nên quốc gia hưng thịnh. Đạo Phật với lối sống lục hòa, chính tín và nhân quả, khiến người người biết thương yêu, kính trọng nhau, bỏ điều xấu làm việc tốt, xem ra đạo Phật nếu biết dùng thì có lợi cho quốc gia còn hơn cả ngọc quý. Vậy tại sao nay đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã tắc”

Sau khi nghe xong lời tấu trình cảm nhận sự hợp lý, từ đó nhà vua chuyển ý thay đổi thái độ với Phật giáo, vua Lê Hy Tông đã rút lại quyết định mà trước kia đã từng ban hành lệnh đối với Tăng sĩ. Đồng thời để tỏ lòng ăn năn, sám hối vì những hành động trước kia, vua đã đề nghị tổ Tông Diễn cho tạo hình bức tượng “vua sám hối” bằng hình ảnh vua quỳ xuống cõng trên lưng vị Phật Thích Ca Mâu Ni, thể hiện sự quy phục và quy y Tam bảo.

Bức tượng này còn được gọi là “Dị tượng”, tức là tượng lạ vì chưa từng có bức tượng nào mang ý nghĩa thế này. Hoặc một tên gọi khác là “Dĩ thân vi thân sàng”, tức là lấy thân làm sàng ngồi, để nói lên tấm lòng của vị vua Lê Hy Tông đối với Phật giáo.

Về tổng thể, bức tượng cao hơn 3m, được đặt phía bên trái của chính điện. Bộ tượng này được tạo có sự cân đối giữa chiều cao cũng như bề rộng của tượng Phật ngồi trên và tượng vua quỳ phía dưới. Hình tượng Phật ngồi trên được khắc họa với vẻ mặt từ bi, tay bắt ấn trang nghiêm, bên dưới là hình tượng vua quỳ xuống, hai tay ngửa lên thể hiện sự tôn kính, quy phục, ăn năn hối lỗi.

Với những nét chạm trổ đơn giản tạo nên thần thái cho cả hai bức tượng, toàn bộ tượng đều được sơn son thếp vàng, chỉ có vài chỗ vì trải qua thời gian có phần bong tróc, tuy nhiên nước sơn tượng vẫn giữ được màu sắc khá đẹp, đây là bức tượng có phong cách Đại Việt cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII.

Giá trị, ý nghĩa của bức tượng “Vua cõng Phật

Bức tượng này mang ý nghĩa về sự sám hối của vua Lê Hy Tông. Chữ sám hối theo Phật giáo là phải cải đổi, chừa bỏ không tái phạm, điều này được ví như khi thấy bao rác thì điều cần thiết là phải dọn rác chứ không phải chỉ thấy rồi để đó. Cũng vậy, biết sai mà nhận diện rồi chuyển hóa hành vi, đây là đúng theo nghĩa chữ sám hối, là một điều tích cực chúng ta cần phải làm trong cuộc sống, không chỉ ở nghi thức mà cần có sự thay đổi cho tốt hơn.

Học giả Cung Khắc Lược nhận định về việc này: “Trong triết học nhà Phật, nghĩa gốc của chữ tu là sửa, con người hàng ngày thế nào rồi cũng đụng chạm đến đời sống của chúng sinh hoặc làm những điều bị ngăn cấm." Vua Lê Hy Tông đã vi phạm một điều rất lớn là phá đạo, trong khi đạo Phật luôn chủ trương đường lối không dùng sự thủ tiêu và tàn nhẫn, đó là một cách “cai trị” mà không cần vũ trang.

Bức tượng Vua cõng Phật được bày trí chính giữa, phía hai bên là vua Đế Thích, hai vị vua của thiên giới đã phát nguyện hộ trì Phật pháp tại nhân gian. Đức Phật tọa thiền phía trên với hình tướng một vị Tăng, ý nghĩa của biểu tượng này nhằm răn dạy hậu thế về tính đạo đức khiêm cung, cái đáng quý ở con người là biết nhận ra cái sai để sửa đổi tốt hơn. Đây còn là bài học khuyên chúng ta ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội thì điều kiện cần thiết là tự biết nhận ra lỗi lầm của bản thân và thật tâm sửa đổi là điều đáng quý.

Một thông điệp với ý nghĩa đầy tính nhân văn và cũng là bài học về sự giáo dục đạo làm người, biết sai và sửa sai để đời sống tốt đẹp hơn. Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận lễ Phật đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng “Vua cõng Phật” ở chùa Hòe Nhai. Tượng cũng được ghi vào sách kỷ lục Guinness quốc tế trong lĩnh vực Phật giáo.

4. Kết luận

Chùa Hòe Nhai đã trải qua bao thăng trầm lịch sử giữa Hà Nội tất bật, nhưng khi đặt chân tới ngôi chùa này, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên trong từng hơi thở lịch sử còn đọng lại trong các pho tượng cổ, trên tấm văn bia, bức hoành phi, câu đối. Điều đó khẳng định ngôi chùa cổ Hòe Nhai vẫn tiếp nối, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc dù trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đồng thời là nơi chốn tổ khởi nguồn một thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam.

Tổng hợp: Minh Khang

***

Tham khảo:

Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_H%C3%B2e_Nhai

Tạp chí Văn hoá Phật giáo: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13577

Báo Dân Việt: https://danviet.vn/ngoi-chua-co-gan-lien-voi-su-tich-vua-cong-phat-o-ha-noi-20221208105221201.htm