Chùa Nhạ Phúc tọa lạc ở thôn Đồng Ốc, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Trần. Đến nay đã trải hơn 700 năm lịch sử, tuy nhiên câu hỏi ai là người xây dựng, vẫn chưa có lời giải đáp. Về câu hỏi này, từ trước đến nay các nhà nghiên cứu đều nhận định, chùa do vị công chúa triều Trần tên là Thắng Đức xây dựng.

Quá trình khảo cứu tư liệu Hán Nôm tại chùa Nhạ Phúc và xã Lại Yên, chúng tôi được tiếp cận tư liệu Hán Nôm ghi chép có những điểm khác với các nhận định hiện nay.

Trong bài viết, chúng tôi xin đưa ra nguồn tư liệu, cũng như nêu lên quan điểm khác về người xây dựng chùa Nhạ Phúc.

1. Về tên gọi

Trải qua hơn 700 năm, kể từ khi xây dựng đến nay, chùa Nhạ Phúc đã có những lần thay đổi tên gọi. Trong lịch sử và hiện tại, chùa có 5 tên gọi khác nhau, những tên gọi đó vừa song hành cùng nhau, vừa gắn liền với từng thời kỳ lịch sử, từng đặc điểm cụ thể của chùa, bao gồm:

*Áp Nha 押衙 là tên gọi đầu tiên của chùa, tên gọi này xuất phát từ sự kiện ngôi chùa được vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) xây dựng cho con gái mình là công chúa Áp Nha. Người dân mong muốn lưu giữ lại kỷ niệm này, nên lấy tên công chúa đặt tên cho chùa. Ngày nay chưa thấy tư liệu nào ghi lại việc này, nên đây có thể là cái tên trong tâm thức người dân địa phương.

*Chùa Cả 奇, tên gọi này có thể ra đời từ rất sớm, hoặc cùng lúc với sự ra đời của ngôi chùa. Tên gọi chùa Cả là do người dân trong vùng đặt. Trong lịch sử và hiện tại, xã Lại Yên có 4 ngôi chùa, gồm: Nhạ Phúc, Thiên Bảo (Mục Đồng), Đồng Giá, Chùa Nhỏ. Trong đó, riêng thôn Đồng Ốc có 3 ngôi chùa.  Lịch sử truyền lại rằng: Trước khi có chùa Nhạ Phúc, thôn Đồng Ốc đã  có hai ngôi chùa là Mục Đồng và Đồng Giá. Khi chùa Nhạ Phúc xây dựng xong, trở thành ngôi chùa có quy mô lớn nhất và có địa vị lớn nhất trong vùng. Nên người dân địa phương gọi tên chùa theo đặc điểm này. Trong chữ Nôm, từ Cả 奇 có nghĩa là lớn, đứng đầu.

*Phúc Nha 福衙, theo văn bia Công đức Phúc Nha tự bi/ 功德 福衙寺碑 được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 3 (1655) đã ghi rõ về tên gọi của chùa như sau: 越國之南天,晨愛賴安之福地.原 福衙寺古跡名藍今傳靈應[…]. 福衙寺真天下弟一也地. Việt quốc chi Nam thiên, tần ái Lại Yên chi phúc địa. Nguyên Phúc Nha tự cổ tích danh lam kim truyền linh ứng […], Phúc Nha tự chân thiên hạ đệ nhất dã địa (Trời Nam nước  Việt, có  đất phúc Lại Yên. Vốn có ngôi chùa cổ Phúc Nha là chốn danh lam cổ tích, xưa còn truyền lại đến ngày nay vô cùng linh ứng […]. Chùa Phúc Nha thực là nơi đẹp bậc nhất trong thiên hạ vậy).

Văn bia 迓福禪寺碑記/供祀 等節事例Nhạ Phúc thiền tự bi ký, Cúng tự đẳng tiết sự lệ niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) ghi: 蓋自陳朝公主開創本社伽藍,舊 號福衙寺.然日久而弊經有年 于茲矣Cái tự Trần triều Công chúa khai sáng bản xã Già lam, cựu hiệu Phúc Nha tự. (Ngôi chùa bản xã do công chúa triều Trần xây dựng, tên cũ là chùa Phúc Nha).

Hai văn bia trên cho thấy tên gọi Phúc Nha đã có trước thời điểm 1655. Vậy tên gọi Nhạ Phúc có từ bao giờ? Bài minh chung迓福寺鐘  Nhạ Phúc tự chung, niên đại Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) ghi: 莫朝,礼部尚 書改為福衙寺Mạc triều, Lễ bộ Thượng thư cải vi Phúc Nha tự (Đến triều Mạc, quan Thượng thư Lễ bộ cho đổi tên chùa thành Phúc Nha). Như vậy, tên Phúc Nha có từ thời nhà Mạc, là tên gọi chính thức của chùa trong khoảng từ năm 1527 đến khi quan Thị  nội  Giám ty Lễ giám, Tổng thái giám, tước Ký Thọ hầu là Phạm Nguyễn Lập xây dựng lại chùa và đổi tên thành chùa Nhạ Phúc năm 1734.

*Nhạ Phúc 迓福, sau khi quan Thị nội Giám ty Lễ giám, Tổng thái giám, tước Ký Thọ hầu Phạm Nguyễn Lập đứng ra hưng công xây dựng lại chùa năm 1734, từ thời điểm đó đến hiện nay chùa mang tên Nhạ Phúc. Về sự kiện này văn bia 迓福禪寺碑記供祀等節事例 Nhạ Phúc thiền tự bi ký, Cúng tự đẳng tiết sự lệ niên hiệu Long Đức 3 (1734) ghi: 仍分許祭田在 各處,共拾柒畝.而吾侯之父母及 妻等並預後佛.供祀各節一如端 內,既貽祀典.爰立碑文,恭改為 迓福禪寺. Nhưng phân hứa tế điền tại các xứ, cộng thập thất mẫu. Nhi ngô hầu chi phụ mẫu cập thê đẳng tịnh dự Hậu Phật. Cúng tế các tiết nhất như đoan nội, ký di tự điển. Viên lập bi văn, cung cải vi Nhạ Phúc thiền tự (Ông ban cho ruộng thờ ở các nơi, tất cả là 17 mẫu. Cha mẹ cùng vợ của ngài đều được dự vào hàng Hậu Phật, được cúng tế các ngày lễ tiết như trong cam đoan, ghi vào điển thờ. Bèn lập bia văn, kính đổi tên thành Nhạ Phúc thiền tự).

Chuông chùa Nhạ Phúc 迓福寺鐘
Chuông chùa Nhạ Phúc 迓福寺鐘

*Lại Yên, hiện nay dưới cổng chùa có tấm biển lớn đề ba chữ Chùa Lại Yên cùng dòng chữ nhỏ hơn ghi Nhạ Phúc tự/ 迓 福寺,  trong  một  số  tài  liệu, bài nghiên cứu được công bố gần đây cũng gọi chùa với tên gọi này. Như vậy, tên địa danh nơi chùa đang tọa lạc được sử dụng để gọi tên chùa. Cách gọi tên, đặt tên theo tên địa danh làng xã nơi chùa tọa lạc giúp cho ngôi chùa trở nên gần gũi, thân thiết trong đời sống của người dân địa phương và có ý nghĩa rất lớn trong việc phân biệt giữa các ngôi chùa có cùng tên gọi.

Khảo sát tên gọi của chùa, chúng ta nhận thấy rằng, 5 tên gọi của chùa trong lịch sử và hiện tại, bên cạnh tính lịch sử còn biểu đạt nội dung trọn vẹn và ý nghĩa. Quá trình đặt tên, gọi tên chùa Nhạ Phúc xuất phát từ ba góc góc độ ý nghĩa: Gọi theo tên nhân vật; gọi tên theo tên địa danh làng xã và đặt tên theo nguyện vọng, mong ước của nhân dân.

2. Lịch sử di tích

2.1. Sự ra đời của di tích

Chùa Nhạ Phúc ra đời từ bao giờ? Câu hỏi này đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu giải đáp và đều có nhận định chung rằng,  chùa được xây dựng từ thời Trần và cụ thể là xây dựng vào đời vua Trần Anh Tông (1276 - 1320). Xin dẫn ra đây những tư liệu minh chứng cho nhận định này.

  1. Bài minh chuông 迓福寺鐘 Nhạ Phúc tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) ghi: 原 夫本[社]前烈社頼安村,地勢瓏 灵,龍虎秀氣。於陳朝间,有 女侍內宮嬪幸得陸妃位次。後 生女主有菩薩心,出家投佛,諱号勝德比丘尼。起工造作营 家敬為[沺]所禪寺,奉祠公主一 廈边 Nguyên phù bản [xã], Tiền Liệt xã Lại Yên thôn địa thế lung linh, long hổtú khí. ƯTrầngian, hữu nữ Thị nội cung tần hạnh đắc Lục phi vị thứ. Hậu sinh nữ chúa hữu Bồ tát tâm xuất gia đầu Phật, húy hiệu Thắng Đức Tỳ kheo ni. Khởi công tạo tác dinh gia kính vi [điền] sở thiền tự, phụng từ công chúa nhất hạ biên (Nguyên xưa thôn Lại Yên thuộc địa phận xã Tiền Liệt, địa thế sáng láng, có cái khí đẹp long chầu hổ phục. Vào thời nhà Trần có bà Thị nội cung tần,may được [ân sủng] phong đến hàng Phi thứ 6. Về sau bà sinh nữ chúa có lòng Bồ tát, bèn xuất gia theo đạo Phật, tên húy hiệu là Tỳ Kheo ni Thắng Đức. Bà khởi công xây dựng nhà riêng thành chốn cửa thiền, một bên có đền thờ công chúa).
  2. Văn bia 迓福禪寺碑記供寺 等節事例 Nhạ Phúc thiền tự bi ký, Cúng tự đẳng tiết sự lệ Long Đức thứ 3 (1734) ghi rõ: 蓋自陳朝公主開創本社伽藍,舊號福 衙寺 Cái tự Trần triều công chúa khai sáng bản tự Già lam, cựu hiệu Phúc Nha tự (Ngôi chùa do công chúa triều Trần xây dựng, tên cũ là chùa Phúc Nha).
  3. Câu đối ở Hậu điện chùa Nhạ Phúc viết:

特地起臺陳公主經營伊始

一天勝景阮壽侯修葺以來

Đặc địa khởi đài, Trần công chúa kinh dinh y thủy;

Nhất thiên thắng cảnh, Nguyễn Thọ hầu tu tập dĩ lai.

Đất riêng mở chùa, công chúa triều Trần dựng xây từ đầu;

Một vùng thắng cảnh, ông hầu Nguyễn Thọ tu sửa còn tới nay.

  1. Văn bia 古 跡 神 祠 碑 記 Cổ tích thần từ bi ký niên đại năm Hưng Long thứ 20 (1313) do Trương Hán Siêu soạn, hiện được lưu giữ tại Quán Kính Thiên có  đoạn viết: 可加封當境城隍至明大王,上列國祭,及 押衙公主,陸妃娘同配祀 Khả gia phong Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương, thượng liệt quốc tế, cập Áp Nha công chúa, Lục phi nương phối tự (Xứng đáng gia phong là Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương, dự vào hàng thờ cúng quốc gia, cùng Áp Nha công chúa và Lục Phi nương phối thờ.
  2. Bản Lý lịch di tích chùa Lại Yên viết: Theo tấm bia đá "Bản xã tự sự bi ký" dựng năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) và bia Cảnh Thịnh nhị niên (1794) hiện dựng tại chùa cho biết: Chùa Lại Yên - Nhạ Phúc tự được xây dựng từ thời nhà Trần thế kỷ XIII, do công chúa nhà Trần đứng ra cùng dân làng xây dựng”.
  3. Trong bài viết Một góc làng Lại Yên - Đồng Ốc đăng trên báo Doanh nhân giao thương ngày 05/09/2021, PGS.TS Bùi Xuân Đính viết: "Làng Lại Yên hiện còn 4 ngôi chùa, mỗi chùa có lịch sử, vị trí khác nhau trong đời sống tâm linh của dân làng, trong đó, lớn nhất là chùa Nhạ Phúc. Tương truyền,  vào  năm Hưng Long đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), thôn  Đồng Ốc có một người con gái tài ba, nhan sắc được tuyển vào cung. Bà được vua Trần yêu mến lấy làm phi thứ sáu (Áp Nha công chúa). Ở trong cung một thời gian mà vẫn chưa có con nên Áp Nha công chúa cùng vua tới chùa Thầy cầu tự, trên đường đi dừng lại làm lễ ở miếu Kính Thiên Đài ở quê nhà. Sau lần đó, phi thụ thai, sinh được một người con gái đặt tên là công chúa Thắng Đức. Công chúa lớn lên mộ đạo Phậ̂t, không lấy chồng, xin với vua cha cho về tu hành ở quê mẹ. Lúc này ở thôn Đồng Ốc đã có hai chùa là chùa Mục Đồng và chùa Đồng Giá. Vua Trần chiều lòng con gái đã cắt cử các quan về chính Đồng Ốc xây dựng một ngôi chùa lớn, gọi là Áp Nha thiền tự, để công chúa tu hành".

Như vậy, từ những tư liệu thành văn hiện còn tại chùa và quán Kính Thiên, có thể khẳng định rằng chùa Nhạ Phúc được xây dựng vào đời vua Trần Anh Tông và việc xây dựng này hoàn thành trước năm 1312 tức là có trước văn bia Cổ tích thần từ bi ký, đến nay đã trải khoảng 700 năm tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, các tư liệu trên có sự ghi chép không thống nhất với nhau về người xây dựng.

Nhạ Phúc thiền tự bi ký, Long Đức thứ 3 (1734).
Nhạ Phúc thiền tự bi ký, Long Đức thứ 3 (1734).

2.2 Về người xây dựng di tích

Chùa Nhạ Phúc do ai xây dựng? Một số tư liệu Hán Nôm và nghiên cứu trong thời gian gần đây đã đề cập đến câu hỏi này. Xin dẫn ra đây một số tư liệu và bài nghiên cứu về vấn đề này.

  1. Văn bia Nhạ  Phúc  thiền tự bi ký, Cúng tự đẳng tiết sự lệ niên hiệu Long  Đức thứ  3 (1734) viết: “Ngôi chùa do công chúa triều Trần xây dựng, tên cũ là chùa Phúc Nha”.
  2. Câu đối ở Hậu điện chùa Nhạ Phúc viết:

Đặc địa khởi đài, Trần công chúa kinh dinh y thủy;

Nhất thiên thắng cảnh, Nguyễn Thọ hầu tu tập dĩ lai.

Đất riêng mở chùa, công chúa triều Trần dựng xây từ đầu;

Một vùng thắng cảnh, ông hầu Nguyễn Thọ tu sửa còn tới nay.

  1. Sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, tập 7, Nxb. Hà Nội, 2021, do Vũ Văn Quân (Chủ biên) trang 486 ghi: “Chùa Lại Yên (chùa Cả) tương truyền do công chúa nhà Trần đứng ra xây dựng”.
  2. Bản Lý lịch di tích chùa Lại Yên viết: Theo tấm bia đá Bản xã tự sự bi ký dựng năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) và bài Minh chuông chùa Nhạ Phúc niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) cho biết: Chùa Lại Yên - Nhạ Phúc tự được xây dựng từ thời nhà Trần thế kỷ XIII, do công chúa nhà Trần đứng ra cùng dân làng xây dựng”.
  3. Trong bài viết Một góc làng Lại Yên - Đồng Ốc đăng trên báo Doanh nhân giao thương ngày 05/09/2021, PGS.TS Bùi Xuân Đính viết: “Tương truyền, vào năm Hưng Long đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), thôn Đồng Ốc có một người con gái tài ba, nhan sắc được tuyển vào cung. Bà được vua Trần yêu mến lấy làm phi thứ sáu (Áp Nha công chúa). Ở trong cung một  thời  gian  mà  vẫn chưa có con, nên Áp Nha công chúa cùng vua tới chùa Thầy cầu tự, trên đường đi dừng lại làm lễ ở miếu Kính Thiên Đài tại quê nhà. Sau lần đó, phi thụ thai, sinh được một người con gái đặt tên là công chúa Thắng Đức. Công chúa lớn lên mộ đạo Phật, không lấy chồng, xin với vua cha cho về tu hành ở quê mẹ […]. Vua Trần chiều lòng con gái đã cắt cử các quan về chính Đồng Ốc xây dựng một ngôi chùa lớn, gọi là Áp Nha thiền tự, để công chúa tu hành".

Trong quá trình nghiên cứu, biên dịch di văn Hán Nôm tại chùa Nhạ Phúc, chúng tôi được tiếp cận với một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về vấn đề này, trong đó có thông tin khác với những tư liệu đã nêu ở trên. Xin dẫn ra đây để đối chứng.

  1. Bài minh chuông 迓福寺鐘 Nhạ Phúc tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) ghi: 原 夫本[社]前烈社頼安村,地勢瓏 灵,龍虎秀氣。於陳朝间,有 女侍內宮嬪幸得陸妃位次。後 生女主有菩薩心,出家投佛,諱号勝德比丘尼。起工造作营 家敬為[沺]所禪寺,奉祠公主一 廈边 Nguyên phù bản [xã], Tiền Liệt xã Lại Yên thôn địa thế lung linh, long hổtú khí. Ư Trần gian, hữu nữ Thị nội cung tần hạnh đắc Lục phi vị thứ. Hậu sinh nữ chúa hữu Bồ tát tâm xuất gia đầu Phật, húy hiệu Thắng Đức Tỳ kheo ni. Khởi công tạo tác dinh gia kính vi [điền] sở thiền tự, phụng từ công chúa nhất hạ biên (Nguyên xưa thôn Lại Yên thuộc địa phận xã Tiền Liệt, địa thế sáng láng, có cái khí đẹp long chầu hổ phục. Vào thời nhà Trần có bà Thị nội cung tần, may được [ân sủng] phong đến hàng Phi thứ 6. Về sau bà sinh nữ chúa có lòng Bồ tát, bèn xuất gia theo đạo Phật, tên húy hiệu là Tỳ Kheo ni Thắng Đức. Bà khởi công xây dựng nhà riêng thành chốn cửa thiền, một bên có đền thờ công chúa).

Văn bia lại ghi tiếp: 黎太宗 時,覺錄事跡,龍敕褒[映]燭, 号踪昭自在 Lê Thái Tông thời, giác lục sự tích, long sắc bao phong Ánh Chúc, hiệu Tông Chiêu Tự Tại (Trải đến đời vua Lê Thái Tông, truy lục sự tích rõ ràng, bèn ban sắc rồng phong là Ánh Chúc, tên hiệu là Tông Chiêu Tự Tại).

  1. Văn bia 古 跡 神 祠 碑 記 Cổ tích thần từ bi ký niên đại năm Hưng Long thứ 20 (1313) do Trương Hán Siêu soạn, hiện được lưu giữ  tại  Quán  Kính Thiên có đoạn viết: 可加封當境 城隍至明大王,上列國祭,及 押衙公主,陸妃娘同配祀  Khả gia phong Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương, thượng liệt quốc tế, cập Áp Nha công chúa, Lục phi nương phối tự (Xứng đáng gia phong là Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương, dự vào hàng thờ cúng quốc gia, cùng phối thờ Áp Nha công chúa và Lục Phi nương).

Hai văn bia này và các tư liệu nêu ở trên đã không có sự ghi chép thống nhất về người xây dựng chùa, sự không thống nhất thể hiện ở hai vấn đề sau:

1) Nguồn tư liệu thứ nhất cho rằng, công chúa triều Trần tên là Áp Nha, có chỗ ghi là Đức Thắng là người xây dựng chùa.

2) Nguồn tư liệu thứ hai ghi rõ việc bà Lục phi (bà phi hàng thứ 6) là người xây dựng chùa. Sau khi xây dựng xong bà lấy tên hiệu là Đức Thắng.

Từ ghi chép trái ngược nhau của các tư liệu này, chúng ta đặt ra câu hỏi: Bà Lục phi, bà Lục phi Thắng Đức; Áp Nha công chúa và Công chúa Thắng Đức là hai người hay một người? Công chúa Thắng Đức là ai? Bà Lục phi là ai? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, trước hết cần giải đáp câu hỏi: Bà Lục phi Thắng Đức, Áp Nha công chúa và Công chúa Thắng Đức là hai người hay một người?

  1. Văn bia 古 跡 神 祠 碑 記 Cổ tích thần từ bi ký niên đại năm Hưng Long thứ 20 (1313) do Trương Hán Siêu soạn, tại Quán Kính Thiên có đoạn viết: 可加封當境城隍至明大王,上列國祭,及押衙公主,陸妃娘 同配祀 Khả gia phong Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương, thượng liệt quốc tế, cập Áp Nha công chúa, Lục phi nương phối tự (Xứng đáng gia phong là Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương, dự vào hàng thờ cúng quốc gia, cùng phối thờ Áp Nha công chúa và Lục Phi nương.
  2. Bài minh chung 迓福寺鐘 Nhạ Phúc tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) viết: 於 陳朝间,有女侍內宮嬪幸得陸 妃位次。後生女主有菩薩心, 出家投佛,諱号勝德比丘尼。 起工造作营家敬為[沺]所禪寺, 奉祠公主一廈边 Ư Trần  gian, hữu nữ Thị nội cung tần hạnh đắc Lục phi vị thứ. Hậu sinh nữ chúa hữu Bồ tát tâm xuất gia đầu Phật, húy hiệu Thắng Đức Tỳ kheo ni. Khởi công tạo tác dinh gia kính vi [điền] sở thiền tự, phụng từ công chúa nhất hạ biên ( Vào thời nhà Trần có bà Thị nội cung tần, may được [ân sủng] phong đến hàng Phi thứ 6. Về sau bà sinh nữ chúa có lòng Bồ tát, bèn xuất gia theo đạo Phật, tên húy hiệu là Tỳ Kheo ni Thắng Đức. Bà khởi công xây dựng nhà riêng thành chốn cửa thiền, một bên có đền thờ công chúa).
  3. Văn bia 聖誕忌辰碑記 Thánh đản kỵ thời bi ký niên đại năm Đinh  Hợi  (1827) niên hiệu Minh Mệnh viết: 一李得 循供田二高在座村地分,正月 初九日整卞雞,????,芙蒥,金 銀禮忌前陳朝公主 Lý Đắc Tuần cúng ruộng 2 sào tại địa phận thôn Tòa, chính giỗ chính ngày 9 tháng Giêng, sắm lễ gồm: gà, xôi, trầu cau, tiền vàng làm lễ giỗ Công chúa triều Trần (Nhất Lý Đắc Tuần cúng điền nhị cao tại Tòa thôn địa phận, chính nguyệt sơ cửu nhật chỉnh biện kê, tư, phù lưu, kim ngân lễ kỵ tiền Trần triều Công chúa).

Trên đây là tư liệu thành văn sớm nhất ghi chép về vấn đề này. Tư liệu này cũng là minh chứng khá rõ để chứng minh Công chúa Áp Nha và bà Lục phi không phải là một người, mà là hai người khác nhau. Trong bài minh chung có những thông tin vô cùng quý giá để giải đáp vấn  đề  này,  minh  chung  có câu “một bên có đền thờ công chúa”. Vậy, khi bà Lục phi “cải gia vi tự” thì công chúa đã mất. Đồng thời các tư liệu Hán Nôm cũng ghi rất rõ hai danh hiệu “công chúa” và “lục phi”.  Vậy, bà Lục phi là ai? Truyền thuyết tại địa phương và bài viết Một góc làng Lại Yên - Đồng Ốc đăng trên báo Doanh nhân giao thương ngày 05/09/2021 của PGS.TS Bùi Xuân Đính nói khá rõ về điều này: “Tương truyền, vào năm Hưng Long đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), thôn Đồng Ốc có  một người con gái tài ba, nhan sắc được tuyển vào cung. Bà được vua Trần yêu mến lấy làm phi thứ sáu”.

Qua các nguồn tư liệu, chúng ta có thể đưa ra nhận định như sau:

  1. Bà Lục phi và công chúa triều Trần là hai người khác nhau.
  2. Bà Lục phi sau khi xây dựng chùa Phúc Nha, xuất gia tu hành, lấy hiệu là  Tỷ  kheo ni Thắng Đức. Đến  đời  vua Lê Thái Tông được sắc phong là Ánh Chúc, tên hiệu là Tông Chiêu Tự Tại.
  3. Công chúa Áp Nha hay Công chúa triều Trần là con gái của vua Trần Anh Tông và bà Lục phi.
  4. Chùa Phúc Nha do bà Lục phi xây dựng để vừa làm nơi tu hành, vừa làm nơi thờ công chúa. Sau khi bà Lục phi mất, bà và công chúa đều được hưởng thờ cúng theo nghi lễ quốc gia (quốc tế) tại quán Kính Thiên.

3. Kết luận

Khi đến thăm một  ngôi chùa hoặc một di tích, chúng ta thường quan tâm đến cảnh quan, kiến  trúc,  đối  tượng thờ cúng hoặc tín ngưỡng thờ cúng mà ít người quan tâm đến lịch sử di tích, đến sự ra đời của di tích, đến người xây dựng di tích. Thực tiễn từ việc nghiên cứu lịch sử chùa Nhạ Phúc cho thấy, trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, ngôi chùa mang nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Chính vì vậy, nghiên cứu lịch sử của ngôi chùa giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về đối tượng mà chúng ta đang tìm hiểu.

Tác giả: Vũ Ngọc Định - Khoa Khoa học Xã hội - Trường Đại học Hồng Đức

& Nguyễn Huy Khuyến - Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2025

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Thỉnh (2000), Địa chí vùng ven Thăng Long, Nxb. Văn hóa thông tin. Hà Nội.

2. Lý lịch di tích chùa Lại Yên.

3. Ngô Đức Thọ (2003), Đồng Khánh địa dư chí, Nxb. Thế giới. Hà Nội.

4. Nguyễn Thúy Nga (chủ biên, 2007) Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán - Nôm, Nxb. Thế giới. Hà Nội.

5. PGS.TS Bùi Xuân Đính (2021), Một góc làng Lại Yên - Đồng Ốc (đăng trên báo Doanh nhân giao thương).

6. PGS.TS. Phạm Thị Thùy Vinh, Chủ trì tuyển trọn, giới thiệu (2010), Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm - Tủ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Hà Nội,

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học (2007), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa. Huế.

8. Thích Minh Tín (2013), Bia đời Trần do Trương Hán Siêu soạn ở đền Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội (Tạp chí Hán Nôm số 5 -120/2013).

9. Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên - Phillippe Papin (2005), (Ban chỉ đạo chương trình), Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (tập 1), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

10. Trịnh Khắc Mạnh (Chủ biên), Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1 - Nxb. Văn hóa Thông tin, 2007.

11. Vũ Văn Quân (Chủ biên, 2021), Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, tập 7, Nxb Hà Nội. Hà Nội.