Lý sự dung thông của thiền sư Minh Châu Hương Hải có thể coi là một trong những tác phẩm mở đầu loạt sách diễn Nôm các giáo lý cơ bản của Phật giáo do các thiền sư Minh Châu Hương Hải, Chân Nguyên Tuệ Đăng và Như Trừng Lân Giác biên soạn khoảng cuối TK 17 đầu TK 18.
Tác giả: NNC Phan Anh Dũng, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
Tóm tắt: Chùa Hòe Nhai(1) là một chùa cổ, tổ đình của thiền phái Tào Động ở Việt Nam, trong kho mộc bản của chùa còn lưu giữ tư liệu cổ là bộ ván khắc tác phẩm chữ Nôm “Lý sự dung thông” của thiền sư Minh Châu Hương Hải do sư Giác Lâm trụ trì chùa Hòe Nhai khắc lại khoảng năm 1838 đời Minh Mạng. Trung tâm Tư liệu phật giáo Việt Nam đã thực hiện công tác số hóa kho mộc bản này nhằm bảo tồn, và phát huy giá trị di sản, nhận thấy đây là một tư liệu quý hiếm nên chúng tôi đã tiến hành khảo chú lý lịch của bộ ván khắc, đồng thời xin giới thiệu cả toàn văn tác phẩm này. Từ khóa: Mộc bản, Lý sự viên thông, Minh Châu Hương Hải, Giác Lâm, Hòe Nhai, Hồng Phúc. |
1. Giới thiệu văn bản và mộc bản:
Lý sự dung thông là tác phẩm văn học chữ Nôm của Thiền sư Minh Châu Hương Hải(2) (1628-1715), được soạn theo thể song thất lục bát, gồm 162 câu, diễn giải những tư tưởng Phật giáo rất cơ bản như quan niệm hòa đồng tam giáo, quan niệm về lối sống của Phật tử Việt Nam mà GS Lê Mạnh Thát đã bàn: “Một lối sống trượng phu trung hiếu” và “một thời kỳ mà cuộc sống đạo và đời hòa quyện chặt vào nhau, đúng như yêu cầu Cư trần lạc đạo mà Trần Nhân Tông đã đề ra”. Người phật tử phải hiểu đạo, thông suốt cả sự và lý để nắm bắt và uyển chuyển trong cuộc sống.
Văn bản được công bố đầu tiên trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải của GS Lê Mạnh Thát, có ghi rõ là theo bản chữ Nôm trong bộ Việt Nam Phật điển trùng san, quyển thứ tư do Hội Phật Giáo Bắc Kỳ đứng in năm 1943. Bản này vốn in lại bản Nôm trong cuốn Nhất thời lễ tụng nhật dụng hành trì tập yếu chư nghi tàng bản ở chùa Yên Ninh (Trăm Gian) Hải Dương, vốn được chư tăng miền Bắc sử dụng nhiều, ký hiệu nhóm bản này là bản A. Ở thời điểm công bố GS Lê Mạnh Thát cho biết chỉ có một bản A nên đã không thể mở ra công việc đối chiếu dị bản để tìm một văn bản gần với nguyên tác.
Sau đó có bài của tác giả Thích Đồng Dưỡng cho biết đã sưu tầm thêm được 3 bản chữ Nôm từ kho sách của Viện Hán Nôm(3): “Tại thư viện có ba bản đề Lý sự dung thông, nằm trong các kí hiệu AB 177, AB 322, AB 374. Hầu hết đều được đóng chung với các văn bản khác. Bản AB 177 được đóng với các văn bản nôm Phật Giáo như Phật thuyết Nhân quả bản hạnh, Tây phương tịnh độ ca, Ni bát kính pháp phương ngôn, Đạt Na thái tử hạnh, Giới thần bản hạnh. Các bản in có niên đại từ Cảnh Thịnh cho đến Minh Mệnh. Bản AB 322, AB 374 đóng chung với hai sách khác là Đạt Na thái tử hạnh và Hồng Mông tạo hóa chư duyên bản hạnh (gọi tắt là Hồng mông hạnh). Hai sách trên được sư Giác Lâm chùa Hồng Phúc (tức chùa Hòe Nhai) khắc in vào năm Minh Mệnh, riêng bản Đạt Na thái tử hạnh được khắc ván năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Bản AB 322 và bản AB 374 giống nhau từ văn bản cho đến cách sắp xếp các tác phẩm được đóng lại với nhau. Chúng tôi cho đối chiếu Lý sự dung thông trong ba tập văn bản này thì thấy rằng chúng có cùng một ván in.”, để tiện đề cập trong bài, tạm ký hiệu nhóm 3 bản trên (AB 177, AB 322, AB 374) là bản B. Ba bản nhóm B này có nhiều chữ khác với hai bản nhóm A, ngay cả tiêu đề cũng khác, ở nhóm B là Lý sự dung thông còn nhóm A đổi là Sự lý dung thông.
Tiếp đó lại phát hiện thêm được bộ ván Sự lý dung thông ở chùa Bổ Đà, đã được in rập và số hóa, qua đối chiếu thì bộ ván này khác với cả hai nhóm A, B ở trên, vậy xin ký hiệu là bản C.
Gần đây, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam, khi thực hiện công tác số hóa tư liệu ở chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc) đã phát hiện ra ván của các tác phẩm Nôm mà tác giả Thích Đồng Dưỡng đề cập ở trên, cho đến hiện tại (năm 2023) vẫn còn là Đạt Na thái tử hạnh, Hồng Mông tạo hóa chư duyên bản hạnh (còn đủ bộ), Lý sự dung thông (thiếu tờ 1) , Giới thần bản hạnh (thiếu nhiều). Sau khi thực hiện in rập và sao chụp số hóa chúng tôi đã có thêm một bản in Lý sự dung thông, khi đối chiếu tự dạng với bản thầy Thích Đồng Dưỡng có nhã ý cung cấp, thì xác nhận nhóm truyền bản B ở trên chính là in từ bộ ván này (chẳng hạn tờ 4b có một chữ khá đặc biệt là chữ đảm 担 kỵ húy bằng cách thêm bộ xuyên trên đầu, khi so từng nét đều trùng khớp).
Về niên đại bản Nôm và ván in, do bản Nôm Lý sự dung thông không có thông tin về năm khắc và nơi tàng bản nên tác giả Thích Đồng Dưỡng dựa vào việc nó được đóng chung với các bản Hồng Mông Hạnh, Đạt Na Thái Tử Hạnh đều ghi niên đại Minh Mạng nên nhận định bản Lý sự dung thông cũng có niên đại đời Minh Mạng. Nhưng xét ra thì đó vẫn chỉ là ý kiến phỏng đoán, chúng tôi làm việc trực tiếp với bộ ván in chùa Hòe Nhai nên đã tìm ra chứng cứ chắc chắn hơn, đó là : tờ 9 của Đạt Na Thái tử hạnh và tờ 4 của Lý sự dung thông được khắc trên hai mặt của cùng một tấm ván, và mặt ván cuối của Đạt Na Thái tử hạnh là tờ 23 có khắc rõ niên đại là năm Minh Mạng thứ 19 (1838), do sư trụ trì chùa Hòe Nhai là Giác Lâm đứng ra san khắc. Vì vậy niên đại của mộc bản Lý sự dung thông cũng là năm 1838 (gần như chính xác, trừ phi có lý do hãn hữu bất ngờ nào khác).
Với hệ thống 3 truyền bản A, B, C như vậy đã tạm đủ để thực hiện đối chiếu dị bản nhằm tìm một văn bản gần với nguyên tác nhất, và qua đó còn có thể tìm hiểu thêm phần nào về ngữ âm lịch sử tiếng Việt và quá trình diễn biến của chữ Nôm, đó chính là nội dung của bài viết này.
2. Phiên chú toàn văn và đối chiếu dị bản:
LÝ SỰ DUNG THÔNG(4) [1a] Bể làu làu trời thanh nguyệt rạng Hội muôn lành(5) một áng đoàn viên Tỏ lòng đông thổ tây thiên Gần xa đầm ấm hương thiền nức xông Rỡ(6) vừng hồng hoa khai bát nhã Trồng(7) bồ đề kết quả tự nhiên Đường lên hiền thánh phật tiên Gồm no phúc tuệ vẹn tuyền chẳng sai Diễn pháp tài thông hay sự lý Cúng mười phương một vị chẳng dư Thật quyền thể dụng như như Tùy duyên đôi chữ lòng từ độ nhân Xét nguồn cơn phật tri chính kiến Ấn tâm truyền mật hiển đinh ninh Hằng thìn pháp nhẫn vô sinh Chỉ quán vặc vặc phân minh rẽ(8) ròi Gương hằng soi cong nơi(9) thốn niệm [1b]Chút(10) bả trần chẳng điểm thị phi Rửa không non mạn thành nghi Một lòng bình đẳng trí bi độ người(11) Dầu chê(12) cười hương đồ đao cắt Lý rành rành thể ắt(13) chiêm bao Lông rùa sừng thỏ phân sao(14) Nhẫn như không nhẫn, nhục nào nhục ai Hạc xông, ngựa ruổi đường dài Long phi, bằng cử nào ai sánh cùng Dầu anh hùng tài năng tế thế Trong ảo trường luống kể chiêm bao Tứ sinh cửu hữu ra vào Nhân thiên đạo nhãn lòng nào nhưng nhưng Phải phiền chưng đức người thượng sĩ Phương tiện dùng lợi kỷ lợi tha Trong nơi danh giáo có ba Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân Đạo thời dưỡng khí an thần Thuốc trừ tà bệnh chuyên cần luyện đan Thích độ nhân [2a] miễn tam đồ khổ Thoắt cửu huyền thất tổ siêu phương Nho dùng tam cương ngũ thường Đạo gìn năm(15) khí giữ giàng ba nguyên Thích giáo nhân tam quy ngũ giới Thể một đường xa phải dụng ba Luận chưng thánh tổ nho gia Trong đời trị thế người là nhân sư Sao bằng Đâu Suất vị cư Lão Quân tiên chủ đại từ dược phương Phật là vạn pháp trung vương Làm thày ba giới đạo trường nhân thiên Những thánh hiền nguồn nhân bể quả Xưa tu hành trí đã rộng cao Trong nơi ba giới ra vào Mười phương tri thức ai nào khả nghi Nguyệt in thanh hải tịnh trì Thềm lan bóng trúc hề gì vén ngăn Phên dày nước chảy khôn ngần(16) Mây ruổi ngoài trần khá động non [2b] cao Sự nài bao hang sâu tiếng dội Đèn hãy dùng chớ nỗi chờ trăng Đường lên diệu lộ cao thăng Giải hạnh đôi chữ khá rằng dám sai Tạng Như Lai làu làu thanh tịnh Năm hương lòng hằng kính hằng tin Đòi phen giải thoát tự nhiên Dụng chân như trí gương thiền lắng thâu Lộc dương theo dấu hay đâu Nê ngưu vào bể(17) rộng sâu khôn tìm Bao nhiêu chim bay về lạc tổ Mây che ngoài lỡ(18) ổ hang xưa Đêm chẳng ngừa nhọc treo gương đá Ban rạng ngày trời đã phân minh Uyên ương vẽ dạng xem hình Cớ đâu lưới rách cho mình mấy(19) thông (?) Hãy nhìn sáu tổ năm tông Thiền hà muôn phái một dòng Tào Khê Bể từ lạt(20) sạch nguồn mê Máy thiêng(21) mở [3a] khép(22) đề huề độ sinh Chuyển vô minh bội trần hợp giác Vui thửa(23) bề diệu dược liên bang Dầu ai hiểu biết tâm vương Chứng vô thượng đạo lên đường Như Lai Ra nhân đức nhuận ân oai
Làu làu viên tĩnh trong ngoài lặng thanh Khá còn chấp tướng ngại(24) danh Tùy cơ thuận nghịch tung hoành cùng ưa Tấm gió đưa đèn lòng phắc phắc Muôn niệm dùng vặc vặc chẳng sai Tuy rằng nam có Thiên Thai Bắc có Ngũ Đài một phép năng nhân Dốc bốn ân đức nhờ tam bảo Vin(25) tứ hoằng một đạo nguyên xưa Cam lồ nước rẩy làm mưa Muôn cây nhuần đượm(26) ơn nhờ xuân thiên Trường hà tô lạc luyện nên Quần sinh hóa dục công đền muôn công Mặc dầu việt tổ siêu tông Vin cành đếm(27) lá rồi lòng mới yên Mặc dầu tĩnh tọa lâm tuyền Thiền na [3b] chín quyết tinh chuyên đêm ngày Mặc dầu vân thủy nước mây Đầu đà thượng hạnh làm thầy độ sinh Đạo viên minh ngại chi chân tục Miễn lòng rồi tri túc thời nên Năm mươi lăm phẩm dưới trên Luyện Tam Muội hỏa chí bền Kim Cương Nhân thiên mấy đấng phong quang Tam hiền thập thánh một đàng cao siêu Cày mây cuốc nguyệt tuy nhiều Chứng vô thượng sĩ danh biêu mới nồng Hai mươi lăm cửa viên thông Mặc dầu tri thức tâm không ngại gì Ưu Đàm hoa nở phải thì Nhân duyên đại sự há vì một ai Cắp non nhảy bể mới tài Dùng Ba La Mật chứng ngoài tam không Biết nơi thành tựu vun trồng Ngỏ lòng Viên Giác tính đồng Hoa Nghiêm Cao nhân chi có nữ hiềm Thanh trần hủy dự càng thêm đức dày Nửa câu bán(28) kệ biện hay Biết [4a] lòng lọ phải nhọc bày danh ngôn Máy càn khôn một bầu thế giới Vốn chưa từng thành hoại hư không Rừng Nho bể Thích dung thông Linh đài vặc vặc vừng hồng rạng thanh Bồ đề quả mãn viên thành Ẩm quang còn ngợi thói lành muôn duyên Xưa sau thiên thánh vạn hiền Chứng nên thành phật thành tiên một lòng Muôn điều nghìn mối rũ xong Hằng sa tính đức há phòng niệm sinh Tam tạng mười hai bộ kinh Tòng tâm lưu xuất tượng hình thật không Nhân Đà lịch kiếp dụng công Tu hành như ảo mộng trung hồi trình Trong mười tám cõi viên minh Căn trần thanh tĩnh thái bình tự nhiên Ấy lời khuyên phô(29) người thiền tử Lẽ hiểu tường sự giữ tạm tu Hằng rèn giới hạnh công phu Lên đường tinh tiến nhẫn phù yên tâm Ngày càng chuyển nhập, chuyển thâm [4b]Nguồn nhân bể quả mựa lầm tóc tơ Máy thiền cơ công này(30) định, tuệ Phải tham tường mới kể chân tu Dốc làm(31) chí cả trượng phu Đạo lên trung hiếu ân thù vẹn hai Cong khi khó nhọc mựa nài Sức dùng hà đảm(32) Như Lai viên thành Sạch lời đối đãi đua tranh Bẻ sào nhân ngã, rửa thành mạn nghi Thanh trần gác để(33) thị phi Tịnh thân khẩu ý thanh quy làu làu Nết hằng trau ngôn từ đức hạnh Trí phen đòi lượng thánh hiền xưa Bữa dùng đạm(34) bạc muối dưa Bả bô thường tịnh sớm trưa phải thì Cơ duyên chiết nhiếp(35) ân oai Trong hằng thanh tịnh ngoài thì đoan trang Cong nơi giềng mối sửa sang Răn khuyên hậu học mở đàng tiến tu Quy mô Phật pháp khuông phù Để làm minh kính thiên thu dõi truyền [TẤT]
3. Thống kê các chữ dị bản:
Trường hợp cùng một chữ Nôm các bản viết dạng khác nhau thì không coi là dị bản, sẽ khảo ở mục “về cung cách viết chữ Nôm”, ở đây chỉ bàn về các chữ là dị bản “thực sự”, có thể là chữ gần nghĩa hay khác nghĩa, chúng tôi lập được bảng thống kê sau:
Qua bảng này nhận thấy C là bản trung gian giữa A và B, nhưng nghiêng về B nhiều hơn, cụ thể có 9 trường hợp C theo B, 5 trường hợp C theo A, còn lại 4 trường hợp C đứng riêng.
4. Về văn từ
Bài này dùng chủ yếu thể thơ lục bát nhưng có chen một số câu song thất lục bát, giúp vần điệu có tính biến thiên chứ không đều đều như thể lục bát. Một số chỗ gieo vần lưng ở chữ thứ 4 câu 8 là dấu tích của thơ lục bát thủa ban đầu khi còn chưa thống nhất vị trí gieo vần là chữ thứ 6, nhưng cũng giúp vần điệu biến hóa linh hoạt hơn, ví dụ:
Tuy rằng nam có Thiên Thai Bắc có Ngũ Đài một phép năng nhân
Văn hay nhờ dùng nhiều thủ pháp ví von, thể hiện những tư tưởng có vẻ trừu tượng qua những sự vật khá cụ thể bình dân, như: Sạch lời đối đãi đua tranh Bẻ sào nhân ngã, rửa thành mạn nghi… Bữa dùng đạm bạc muối dưa Bả bô thường tịnh sớm trưa phải thì… Rỡ vừng hồng hoa khai bát nhã Trồng bồ đề kết quả tự nhiên… Rửa không non mạn thành nghi Một lòng bình đẳng trí bi độ người… Rừng Nho bể Thích dung thông Linh đài vặc vặc vừng hồng rạng thanh… Cắp non nhảy bể mới tài Dùng Ba La Mật chứng ngoài tam không …
5. Về cung cách viết chữ Nôm
Vấn đề này tác giả Thích Đồng Dưỡng đã trình bày khá rõ, được sự đồng ý của tác giả chúng tôi xin phép trích lại đoạn so sánh giữa hai nhóm bản B (tác giả gọi là AB 177) và nhóm bản A (tác giả gọi là bản Yên Ninh)
“Theo học giả Đào Duy Anh thì thông thường tỷ lệ chữ giả tá nhiều hơn tỉ lệ chữ hình thanh thì bản có số chữ giả tá sẽ có niên đại lớn hơn. Kết luận này khá chính xác về nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm ở ta. Qua đối chiếu, chúng tôi nhận thấy hai bản có sự dị biệt về tự dạng, sơ bộ khảo sát thấy có 74 chữ khác nhau. Ví dụ như sau, chữ Tỏ, bản AB 177 mượn chữ tố 訴,bản Nhật tụng thêm bộ hỏa 火 vào. Tức bản AB 177 theo lối giả tá, còn bản Nhật tụng theo lối hình thành, sáng tạo chữ mới. Chữ No, bản AB 177 mượn Nô 奴, bản Nhật tụng thêm bộ thực 食. Chữ Sao mượn chữ Lao 牢 còn bản kia thêm chữ hà 何 vào. Chữ đêm, bản AB 177 mượn điếm 店, còn bản Nhật tụng thêm bộ nhật 日 vào chữ điếm 店. Chữ Há, bản AB 177 lấy chữ Hà 呵, còn bản Nhật tụng thì thêm chữ khởi 豈 vào với chữ Ha. Chữ Bóng, bản AB 177 dùng chữ 俸 bổng để đọc, bản Nhật tụng viết theo lối hình thanh một bên bộ Nguyệt với chữ bổng nhưng bỏ bộ nhân. Trường hợp này khá nhiều, chúng tôi đơn cử một vài chữ để ví dụ minh chứng.
Một số chữ cùng âm nhưng bản AB 177 có tính cổ xưa hơn như chữ Một trong bản AB 177 viết 蔑 tức mượn miệt đọc thành một, còn bản Nhật tụng viết 沒. Chữ Ra, bản AB 177 cấu tạo gồm bộ khẩu 口với chữ la 羅, còn bản Nhật tụng thì phía trên chữ la dạng viết tắt, dưới thêm chữ xuất出. Cùng đọc là Chữ nhưng bản AB 117 mượn Tự 字, còn bản Nhật tụng viết theo lối nhà Nguyễn sau này.
Có một kiểu đọc tuy cùng một âm đọc nhưng hai bản sử dụng hai chữ khác nhau như chữ Thật, bản AB 177 dùng 實, bản Nhật tụng dùng 寔, có thể bản Nhật tụng ghi theo kiểu viết húy đời Nguyễn. chữ Hoa, bản AB ghi 花, bản Nhật tụng ghi 華.Chữ vóc, bản AB 177 ghi bốc theo kiểu chữ 仆, còn bản Nhật tụng ghi 僕.
Qua khảo sát cấu trúc chữ nôm trong hai văn bản, chúng tôi nhận thấy bản Lý sự dung thông trong AB 177 có tính cổ xưa hơn bản Nhật Tụng chùa Yên Ninh. Có thể khi biên soạn sách, sư Viên Giác đã “dọn” chữ nôm đời Lê cho hợp với lối đọc thời Nguyễn. Do đó, bản AB 177 gần nguyên bản hơn và bản này dùng để nghiên cứu khi chưa tìm ra bản in đợt đầu. Còn bản Nhật tụng chùa Yên Ninh dùng trong việc khảo dị, đối chiếu các bản với nhau.”
Đối với bản “trung gian” C khi xét về cách viết thì C lại gần với A hơn (tức C nghiêng theo cách viết mới), ví dụ các chữ ba (là số 3) bản C đều viết dạng ? có chữ tam chỉ nghĩa, các chữ ra ? , vào ? cũng viết đủ phần chỉ nghĩa, nhưng chữ sao 牢 thì vẫn viết dạng đơn như bản B. Về vấn đề cách viết ở bản C gần với A, tác giả Thích Đồng Dưỡng nhận xét rằng chùa Bổ Đà (nơi tàng bản C) là cơ sở cho chùa Yên Ninh (nơi tàng bản A), và vốn cùng sơn môn.
Tóm lại về cung cách viết thì bản B là bản có nhiều dấu tích cổ nhất.
6. Về chữ húy:
Chữ húy viết thật sự rõ ràng là trường hợp chữ đảm (húy vua Minh Mệnh, Nguyễn Phước Đảm) ở bản B viết húy 担 có bộ xuyên trên đầu, chú ý là chữ này chỉ đồng âm chứ không phải chữ chính húy 膽, có lẽ vì khi khắc bản B thì đang chính thời Minh Mạng nên người viết không những đã chọn dạng viết tránh thiên bàng rồi lại còn cẩn thận gia thêm bộ xuyên trên đầu. Còn các bản A, C đều viết dạng bình thường là 擔, vừa đồng âm vừa cùng thiên bàng với chữ phải húy.
Trường hợp húy chữ chủng 種, bản A viết bằng chữ Nôm trồng 槞 là dạng viết tránh húy, bản B vẫn để nguyên chữ chủng 種 (phạm húy), còn bản C viết một chữ có vẻ giống chữ “mầm” rõ ràng là để tránh chữ húy “chủng”.
Trường hợp chữ Tông 宗 (húy vua Thiệu Trị Nguyễn Phúc Miên Tông), chữ Hoa 華/花 (húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa), chữ Thì 時 (húy vua Tự Đức Nguyễn Phúc Thì) các bản đều không viết húy, đối với bản B thì không có vấn đề gì vì đã xác định thời gian khắc là đời Minh Mạng, tức khi chưa có luật húy các chữ Tông, Hoa, Thì. Nhưng với các bản A, C thì có vấn đề phải suy nghĩ vì bản A tức bản trong sách Nhất thời lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi tàng bản ở chùa Yên Ninh, sách này có bài bạt ở sau phần đầu viết vào năm Tự Đức thứ 36 (1883) cho biết người khởi soạn là sư Viên Giác tức sư Thanh Lịch tự Phổ Tiến, hiệu là Tuệ Phụng Thích Vĩnh Vĩnh (1825-1885). Có lẽ bản thảo chưa kịp khắc in thì sư viên tịch (1885) nên được các học trò đứng ra khắc ván vào năm Thành Thái thứ 14 (1902) tại chùa Yên Ninh như ghi ở cuối sách. Dầu thời gian soạn 1883 hay in 1902 thì đều phải húy chữ Tông, Thì, Hoa, chẳng hạn trong bài bạt Nhất thời lễ tụng tập yếu - hội bạt của sư Viên Giác chữ thời (thì 時) đã được viết húy bằng cách bỏ nét ngang trong bộ nhật.
Việc các bản Nôm thời Lê in ở gần cuối sách lại không húy có khả năng do chúng được “in kèm” vào sau, người đứng in đã cho khắc lại y nguyên các bản in cũ khoảng thời Minh Mạng về trước, vốn không húy các chữ trên, lý do nữa là khi in năm 1902 thì chủ quyền nước ta đã mất vào tay thực dân Pháp, các luật húy của triều Nguyễn trở lên lỏng lẻo, chiếu lệ mà thôi?
7. Về từ cổ và ngữ âm cổ:
So sánh thời đại thì thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) sinh trước thiền sư Như Trừng Lân Giác (1996-1733) đến hơn hai thế hệ, nhưng bản Nôm Lý sự dung thông lại ít từ cổ hơn các bản Thập giới quốc âm, Ngũ giới quốc âm của thiền sư Như Trừng Lân Giác, (xin tham khảo bài viết về Ngũ giới quốc âm của chúng tôi)(36).
Chỉ có chữ “cong” (trong) như trong câu “Cong khi khó nhọc mựa nài” là phản ánh được thời gian sáng tác là khoảng nửa đầu thời Lê Trung hưng (khoảng trước 1700). Các từ như “phô”, “biêu”, “mựa”, “thể” ước khoảng cuối Lê đầu Nguyễn vẫn còn dùng nên không thực sự cổ lắm. Trường hợp từ “rẽ ròi” trong câu “Chỉ quán vặc vặc phân minh rẽ ròi” phần nào cũng cho thấy bản Nôm vốn là một bản cổ, vì việc bản A sửa ra “rạch ròi” chứng tỏ là từ “rẽ ròi” đến cuối đời Nguyễn đã là từ cổ, không còn thông dụng.
Ngoài ra trong cách viết chữ Nôm cũng có vài chữ mang dấu vết ngữ âm cổ, trong câu “Lý rành rành thể ắt chiêm bao”, chữ ắt bản A viết dạng phổ thông là 乙. Nhưng các bản B, C đều viết dạng (車+乙), kí hiệu 車 ở đầu thể hiện một dạng cổ âm có tiền âm tiết, ví dụ như k’ắt hay x’ắt chứ không phải là một âm đơn “ắt” như cách đọc ngày nay. Việc thêm kí hiệu 車 trong chữ Nôm thường chỉ gặp ở những chữ rất cổ và là từ phổ thông trong tiếng Việt như cách viết các chữ trước ?, , sau ? (do chữ viết có tính bảo thủ hơn ngữ âm, mà đây là các từ phổ thông nên cách viết cổ đã thành quen thuộc, kể cả sau này khi ngữ âm đã biến đổi không còn tiền âm tiết thì cách viết đã quen thuộc đó vẫn tiếp tục được sử dụng). Ngoài ra còn có chữ thiêng ở bản B, C cũng viết dạng cổ (灵+巨) , trong đó chữ cự 巨 cũng như xa 車 là dấu tích của một tiền âm tiết cổ.
Việc bản Nôm Lý sự dung thông của thiền sư Minh Châu Hương Hải ra đời trước lại ít từ cổ hơn các bản Nôm của thiền sư Như Trừng Lân Giác phải chăng do bản này đã từng được chỉnh lý lớn vào cuối đời Lê? Ngoài ra còn có thể do thiền sư Minh Châu Hương Hải vốn sinh trưởng ở Đàng Trong (Quảng Nam) mãi đến năm 54 tuổi (1682) mới chuyển ra Đàng Ngoài, nên ngôn từ sử dụng có tính trung lập, dùng những từ phổ thông người trong toàn quốc đều hiểu được chứ tránh dùng từ có tính địa phương và ít dùng từ cổ.
Nhận xét:
- Lý sự dung thông của thiền sư Minh Châu Hương Hải có thể coi là một trong những tác phẩm mở đầu loạt sách diễn Nôm các giáo lý cơ bản của Phật giáo do các thiền sư Minh Châu Hương Hải, Chân Nguyên Tuệ Đăng và Như Trừng Lân Giác biên soạn khoảng cuối TK 17 đầu TK 18.
- Tác phẩm này là một áng văn Nôm hay, ngôn từ trôi chảy, vần điệu nhịp nhàng, trình bày một cách nôm na bình dân những vấn đề tưởng như rất thâm diệu của Phật giáo.
- Qua đó càng thấy thêm tính quý hiếm có của bộ mộc bản của chùa Hòe Nhai, vừa có niên đại rất cổ kính (đời Minh Mạng), lại chứa một bài văn Nôm có nội dung rất giá trị, không chỉ về mặt tư liệu mà cả về giá trị văn chương. Sắp tới chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp bộ ván của các tác phẩm có giá trị khác là Hồng Mông Hạnh, Đạt Na Thái Tử Hạnh cũng trong kho mộc bản chùa Hòe Nhai.
Tác giả: NNC Phan Anh Dũng, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023 ***
CHÚ THÍCH: (1) Chùa Hòe Nhai là một tổ đình của phái Tào Động, tham khảo ở link sau: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_H%C3%B2e_ Nhai (2) Có thể tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C6%B0%C6%A1ng_H%E1%BA%A3i (3) Có thể xem tại link: http://lytranvien.blogspot.com/2011/06/ly-su-dung-thong.html. (4) Theo truyền bản B. Bản nôm A và C đảo là : SỰ LÝ VIÊN THÔNG (5) Bản A : thiêng ?. Bản B và C viết 苓 thì có thể đọc hai âm lành hay linh (đồng nghĩa với thiêng của bản A) (6) Phiên theo bản B, viết là (呂+赤), bản C viết là (足+赤) chưa rõ nên đọc là gì. Còn bản A viết là hé (口+戲 ). (7) Bản A viết chữ Nôm trồng 槞. Bản B để nguyên chữ chủng 種 (phạm húy). C viết chữ mầm có lẽ để tránh húy. (8) Bản A sửa là rạch ròi. Phiên là rẽ ròi theo bản B (viết là(扌+禮 ) và C (viết là 扌+礼), nghĩa cũng như rạch ròi nhưng đây là từ cổ ít dùng. (9) Hai chữ 工尼 GS LMT phiên : công này. (10) Theo bản B, C . Bản A sửa là suốt 焠 . (11) Chú ý bản B viết dạng cổ 㝵, không thêm bộ nhân, các bản A, C đều thêm bộ nhân : ? (12) Theo bản A, C. Bản B là nói 吶 . (13) Bản A viết 乙 . Các bản B, C đều viết dạng (車+乙), dấu hiệu 車 thể hiện một dạng cổ âm có tiền âm tiết, chẳng hạn như k’ắt hay x’ắt chứ không phải là một âm đơn “ắt” như cách đọc ngày nay. (14) Bản B,C viết dạng cổ 牢 , bản A thêm bộ phận chỉ nghĩa 何 (hà) thành dạng . Chú ý các trường hợp bản A sửa theo dạng chữ Nôm muộn đã được tác giả Thích Đồng Dưỡng đề cập khá chi tiết nên chúng tôi chỉ dẫn vài trường hợp như trên, còn từ đoạn này về sau sẽ không chú thêm, trừ khi cách viết có gì bất thường. (15) Bản A ngũ, B và C đều là năm. (16) Theo B và c. Còn A là “Phiến dày nước chảy khôn ngăn”, bị trùng lặp vần ngăn ở câu trên. (17) Bể theo bản B, A , riêng C sửa là biển. (18) Bản B, C lỡ . Bản A : ngỡ (19) Bản phiên của GS LMT : mối (20) Lạt theo A và B. Riêng bản C viết là (卒+亇) có thể đọc là suốt như ở từ “trong suốt”. (21) Chú ý bản B và C viết dạng cổ (灵+巨). (22) Chữ Nôm các bản đều viết là 挾. GS LMT phiên ra giáp. (23) Thửa theo B, C. Bản A : về (24) B, C : ngại. Bản A : nghi (25) Phiên vin theo bản B. Bản A và C: tiếp (26) Bản A : đảo là đượm nhuận. (27) Theo bản A. Bản B : Vẩy cành chấm lá, cũng có nghĩa. (28) Bản phiên của GS LMT : nửa . (29) Phô theo bản B. Bản A là dặn ? nhưng GS LMT phiên là nhủ. Còn bản C viết một chữ lạ và ảnh bản rập bị nhòe nên không rõ chữ gì. (30) Có thể phiên cong nơi nghĩa là trong nơi, ở nơi cũng có nghĩa. (31) Bản phiên của GS LMT : tâm. (32) Chữ đảm 担bản B viết húy có bộ xuyên trên đầu (húy vua Minh Mệnh, Nguyễn Phước Đảm) dù chữ này chỉ đồng âm chứ không phải chữ chính húy 膽 . Có lẽ vì khi khắc bản B đang chính thời Minh Mạng. Còn các bản A, C đều viết dạng bình thường là 擔 vừa đồng âm vừa cùng thiên bàng với chữ phải húy. (33) Bản B, C đều là chữ rẽ (扌+禮 hay 扌+礼 ) . Bản A sửa là để 底 . Gác rẽ cũng có nghĩa nhưng có thể nhiều người không hiểu nên phiên theo bản A, mặc dù xác định B, C là nguyên tác. (34) Nguyên bản B viết chữ xa là xa hoa, có lẽ là kiểu nói ngược cường điệu (muối dưa thì sao mà xa hoa ?), Bản A và C đã sửa thành đạm (đạm bạc), dễ hiểu và hay hơn, vậy xin theo bản A và C. (35) B: nhiếp. A, C : tiếp. (36) https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nghien-cuu-van-ban-nom-xuat-gia-sa-di-quoc-am-thap-gioi.html
Bình luận (0)