Trong Chơn lý, Tổ sư giải thích: “Đạo Phật không phải là học Phật hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên của Phật, dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau. Còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật mà chưa thực hành.
I. Tổng quan
Danh từ Bồ-tát là thuật ngữ Phật học hay được đề cập trong truyền thống Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền. Trong Đại tạng Kinh điển, Bồ-tát được hiểu nghĩa là Bồ đề-tát-đỏa theo cách phiên âm tiếng Phạn là Bodhisattva, tức là một vị Giác hữu tình luôn luôn hành trì các hạnh Ba-la-mật.
Bồ-tát thực hành các Ba-la-mật để vun đắp cho tâm Bồ-đề viên mãn Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn khi chúng sanh chưa giác ngộ, đó cũng chính là hạnh nguyện mà các Bồ-tát nguyện để giáo hóa chúng sanh đến giác ngộ. Vì vậy, hai yếu tố cơ bản của một Bồ-tát là lòng từ bi đi song song với trí tuệ.
Hoa Nghiêm tông đã đưa ra hành trình tu học của một Bồ-tát là cần phải có 52 quả vị gồm thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa và hai quả vị cuối cùng là đẳng giác và diệu giác.
Khái niệm Bồ-tát cũng xuất hiện nhiều trong truyền thống kinh điển Nikaya, cụ thể là trong phần lớn của “Bản Sinh Kinh” gồm 547 bài thuộc Tiểu bộ kinh. Kinh này kể lại sự tích, các tiền kiếp của Phật Thích ca hóa thân thành các hạng người khác nhau để hóa độ các giai cấp khác nhau. Vì lòng vị tha, vô ngã và tâm cầu học của một Bồ-tát trên con đường thực hành Bồ-tát đạo, dù trong tiền kiếp vẫn luôn có những người chống đối Phật. Đức Phật cũng chỉ rõ các nghiệp đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này cùng với sự hóa giải nghiệp ác trong quá khứ và hiện đời để tu tập lòng từ. Nhiều truyện trong Bản Sinh Kinh là truyện cổ Ấn Độ có trước cả thời đức Phật, nhưng phù hợp với nội dung kinh nên được đưa vào. Phần lớn các câu chuyện đều có những bài kệ và chính các câu kệ mới là tinh hoa của tập kinh này. Các tập truyện này trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tranh tượng trong các đền chùa Phật giáo và thường được quần chúng Đông Nam Á ưa thích. Hình ảnh của một Bồ-tát tương tự như một bậc Thánh A-la-hán hoàn hảo, giàu lòng từ bi, thương yêu chúng sanh nhưng giấu kín trong phong cách trầm mặc hiền lành, giản dị, trong sáng của đời sống phạm hạnh hằng ngày, trở thành quen thuộc với chúng ta. Trong Đại thừa, khi nói đến Bồ-tát thì xem đó là tiền thân của các vị Phật trong tương lai, chính vì vậy mà Đại thừa đã chia làm hai hạng Bồ-tát: Bồ-tát đang sống tại thế gian và Bồ-tát siêu việt. Bồ-tát là bậc đã đạt Nhất thiết trí, không còn bị vướng kẹt trong vòng luân hồi sinh tử. Các ngài chỉ thị hiện ở thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh trong sinh hoạt thường nhật. Dù bằng nghiệp lực hay bằng bi nguyện, dù ở hàng Sơ địa hay Thập địa, hết thảy Bồ-tát đều trở lại thế gian để cứu độ chúng sinh.
Với Tổ sư Minh Đăng Quang, Ngài đã chỉ rõ ra rằng con đường của Khất sĩ là chánh chơn thiện, đem pháp an vui cứu đời, không phải là những pháp đơn thuần chỉ tham cầu vị kỷ. Trong Kinh Pháp Hoa Nghĩa Sớ, quyển 1 có ghi rằng: “Tỳ-khưu gọi là Khất sĩ, trên thì xin giáo pháp của Như Lai để nuôi dưỡng tinh thần, dưới thì khất thực của bá tánh để nuôi tự thân”. Với ý pháp Khất sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang đã triển khai phương tiện, tùy duyên bất biến mà lập ra “Khất sĩ có ba bậc: Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát”. Chính Khất sĩ Bồ-tát: “Là những bậc thầy ngồi trên, chẳng bao giờ thiếu hụt, cũng ví như vua trời, vua người; là bậc Tổ sư giáo chủ, vì muốn răn lòng cao trọng, vì muốn chứa đức thêm nhiều, vì muốn khuyên lơn hàng vương giả, vì muốn phục lòng thiên hạ, vì theo sự giải thoát trung đạo, vừa làm gương Tăng chúng, vừa để đi đứng khắp nơi công bình, vừa tìm duyên hóa độ, vừa để làm quen dạn dĩ đến gần, cho kẻ thấp thỏi nhỏ nhoi. Vậy nên phải đi xin, chính sự đi xin của chư Bồ-tát hay Phật là điều khó nhất, trong thế gian ít ai làm được. Bởi Phật là bậc toàn năng, không chỉ không làm được có khác hơn bậc hoàng đế, bá, hầu, vì thể diện danh dự giá trị, lợi lộc, chấp mình, mà phải thụt lùi từng bước, phải mãi ôm chấp cái ta, nặng nề té sa hố thấp trũng sâu, chịu chết thất bại, mà chẳng dám dòm xa bước tới nẻo lành. Chúng sanh mà thua Phật là bởi có việc làm được, còn có việc làm không được. Mà những việc làm không được ấy, lại là việc phải đáng làm. Còn làm được là được việc tội lỗi hư vọng, ấy cũng vì muốn vừa lòng theo trẻ nhỏ số đông, sợ chúng trẻ con dại dột chê cười, mà không nghĩ đến sự lành của ông già trí thức, tuy ít người khen mà lại thành công hơn. Những cái trở lực bức tường sợ sệt yếu ớt bắn lùi, lụn bại, luân hồi ấy, chỉ có Khất sĩ mới là giải thoát tiến hóa đứng vững, thắng phục đạp ngã; mới gọi là bậc hay làm được việc khó làm, mạnh mẽ hơn chỗ của người khác vậy…”.
Ở đây, phương tiện tính được biểu hiện rõ ràng qua con đường hoằng pháp lợi sinh của Tổ sư, với tinh thần “Khất sĩ Bồ-tát”. Tổ sư Minh Đăng Quang đã chỉ rõ: Bồ-tát là bậc thầy có vai trò quan trọng trong sự giáo hóa và dưỡng dục đệ tử, cư gia bá tánh và chúng sanh. Bậc thầy đó luôn hướng về chư Phật, Bồ-tát, Thánh hiền và chư thiện tri thức để cầu học hỏi những điều chánh đạo. Với lòng từ bi rộng lớn, luôn hướng về tất cả chúng sanh để chia sẻ những điều tốt lành, những kinh nghiệm tu học nhằm chuyển phiền não thành Bồ-đề, thực hiện con đường đạo đức và hạnh phúc trong cuộc sống. Đây chính là ý nghĩa của hạng Khất sĩ Bồ-tát mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã trình bày.
Với truyền thống Đạo Phật Khất sĩ, Tổ sư đã khai mở và hành trì Bồ-tát hạnh. Ngài đã dung hóa khái niệm Bồ-tát trong hai truyền thống Phật giáo lớn, đó chính là việc khai mở phương tiện trong việc truyền dạy, giáo hóa và hành trì Bồ-tát hạnh vì nó vô cùng quan trọng, “gọi là bậc hay làm được việc khó làm, mạnh mẽ hơn chỗ của người khác”. Đó chính là ý nghĩa của việc thực hành Bồ-tát đạo, một Bồ-tát vô trụ, vô sở cầu, vô sở đắc, chỉ vì lợi ích chúng sanh là mục đích tối hậu.
II. Nội dung
Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX là một giai đoạn phục hưng và phát triển rực rỡ trong tiến trình phát triển cùng với lịch sử dân tộc. Giai đoạn này, Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng chói sáng, mà trong đó Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng là một dấu ấn đặc sắc nhất, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của Lịch sử Phật giáo Việt Nam thêm đa dạng. Năm 1944, khi Tổ sư mới 21 tuổi đời, Ngài đã ngộ đạo sau quá trình tự tìm hiểu hai giáo lý Bắc truyền, Nam truyền và từ đó Ngài đã du hành khắp xứ để lập đạo, giáo hóa chúng sanh. Trong quá trình hành đạo của Ngài, các yếu tố: khai mở phương tiện tính; xác định nhất thừa là nền tảng của giác ngộ, giải thoát; tinh thần vô trụ trong việc giáo hóa lợi sinh được biểu hiện rõ nét nhất trong tôn chỉ và hạnh nguyện hành đạo của Tôn sư.
1. Tổ sư Minh Đăng Quang khai mở phương tiện tính
Trong Chơn lý, Tổ sư giải thích: “Đạo Phật không phải là học Phật hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên của Phật, dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau. Còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật mà chưa thực hành. Trái lại, đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật! Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy” (Chơn lý “Đạo Phật Khất sĩ”). Với ý nghĩa này, theo Tổ sư thì việc chia ra thứ bậc trong các pháp môn tu hành Phật pháp là do căn cơ của con người không giống nhau. Người phát đại tâm cầu Đại thừa, người thì chỉ phát tâm tu hạnh xuất ly, vì vậy cũng đồng là bố thí, trì giới, thực hành định hay tu huệ nhưng kết quả lại không giống nhau. Căn cơ của các hạng người là do tu tập mà thành, không phải do từ vô thủy đến nay đã có sẵn, không thể thay đổi được. Ngay cả con đường tu tập cũng phải tuần tự theo các thứ bậc mà tiến lên, không thể bỏ nhảy vượt qua được, nếu không thì không bao giờ đạt đến cứu cánh vô thượng, hay còn gọi là Nhất thiết trí.
Khi một người nhận thức được quá trình tu tập tâm Bồ-đề để giác ngộ chính là quá trình chuyển hóa được các sầu khổ, chuyển phiền não thành Bồ-đề và luôn phát tâm đại bi làm lợi ích cho hữu tình, thì đó chính là kết quả của việc đã dứt hết được mọi đau khổ của mình, muốn cứu giúp chúng sinh, nguyện dứt bỏ mọi nỗi đau khổ cho các loài hữu tình, được gọi là bậc Thượng sĩ. Chính bậc Thượng sĩ hay Khất sĩ Bồ-tát mới có thể đảm nhiệm được hạnh nguyện Đại thừa, nhưng cũng không vứt bỏ thiện nghiệp của hạng phàm phu hay bậc nhị thừa. Cái sau hơn cái trước, cái trước được thu nhiếp trong cái sau, đó chính là thứ bậc của sự tu hành Bồ-tát theo quan điểm của Tổ sư đã chỉ dạy.
Chính ý pháp này đã làm nên hạnh vị tha, thuần thiện và vô vụ lợi của một hành giả phát tâm hành Bồ-tát đạo. Vì lý do đó, Tổ sư nhấn mạnh điều cần thiết với một vị Bồ-tát, sau khi đã đi vào cánh cửa bất nhị chính là việc sử dụng phương tiện như là một phương pháp thiện xảo vào những điều cần làm, sao cho mở rộng được Tâm bình đẳng đến mọi chúng sinh trong vô vàn thế giới sai biệt.
2. Tổ sư Minh Đăng Quang xác định Nhất thừa là nền tảng của giác ngộ, giải thoát
Lịch sử phát triển Phật giáo thăng trầm trong suốt hơn 2500 năm và đã lan tỏa từ Ấn Độ khắp nơi trên thế giới. Do đó, việc hình thành các bộ phái, các thừa khác nhau với các phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý cho thích hợp với tình hình của mỗi xã hội, mỗi thời điểm là điều tất yếu. Tuy vậy, bản thân giáo lý Phật giáo không hề có sự phân chia tông phái này hay thừa kia.
Những băn khoăn về các thừa, về tông giáo, về phái hệ đều rơi vào phạm trù của ngã chấp, và làm hành giả tu tập bị vướng kẹt trong ngã sở. Chính vì vậy, Tổ sư Minh Đăng Quang đã dung nhiếp các thừa trong một câu là “Việt Nam đạo Phật – không có phân thừa”.
Đặc biệt, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhấn mạnh tinh thần vô ngã triệt để của giáo pháp, khi giải phá những sai lầm trong sự chấp nhất về tông, phái, giáo; thực chất chỉ có Phật thừa, Phật giáo tức là con đường trung đạo. Vì vậy, Tổ sư nhấn mạnh: “Con đường Khất sĩ đi đến quả Phật, kêu là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Trung đạo ấy là Tứ y pháp. Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng y Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì bác bỏ đi cho được” (Chơn lý “Chánh pháp”)… “Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng: các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch” (Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”). Tùy theo nhân duyên cảnh ngộ là một yếu tố quan trọng trong việc tu tập và trưởng dưỡng tâm Bồ-đề. Đó chính là chỉ cho trạng thái tỉnh thức, lúc mà hành giả thực hành Bồ-tát đạo trực nhận được thể tánh bình đẳng tuyệt đối của tánh giác, cũng như trực nhận được chân lý của toàn thể vũ trụ.
Thật ra, chỉ có một con đường duy nhất (Phật thừa), nhưng Đức Phật và chư vị Tổ sư tùy căn cơ dùng phương tiện, dạy ba con đường (tam thừa). Con đường là chỉ cho giáo pháp, vì giáo pháp có năng lực đưa con người từ vô minh đến giác ngộ, cho nên, trong kinh điển thường lấy hình ảnh chiếc xe hay con đường làm ví dụ. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện có ghi: “Chư Phật chỉ dùng một con đường (nhất thừa) để hóa độ chúng sinh, chứ không có con đường (thừa) nào khác, dù là hai hay ba...”. Đó là giáo pháp duy nhất đưa đến sự chứng ngộ tuệ giác viên mãn của chư Phật. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã thị hiện để giúp chúng sinh “ngộ nhập Phật tri kiến”. Có nghĩa là Phật chỉ tùy cơ duyên, sử dụng các phương tiện bằng niềm tin mà nói tam thừa nhưng thực chất chỉ có Phật thừa dẫn đến giác ngộ.
Trong Chơn lý “Pháp chánh giác”, Tổ sư viết: “Cách tu thành đạo của Phật cùng chư Bồ tát tuy giải sơ lược nhưng quý báu vô cùng. Chính đó là phép tu thành đạo, đắc đủ lục thông A-la-hán, vốn không sai chạy, chúng ta nên phải thường lặp đi lặp lại, mới nhận thấy rõ kết quả. Vì chưa đắc quả lục thông A-la hán thì đâu được đến Bích-chi, Bồ-tát và Như Lai. Những ai có thật hành mới thấy rõ rộng xa thêm, những chỗ diệu mầu khó tả. Những ai uống nước thì ắt nóng lạnh tự người hay. Đã là pháp chánh giác thì chẳng có điêu ngoa. Nhưng có thật tu hành hay không là tự ai phải cố gắng lấy, không ai giúp nên cho mình...”; “Chính Phật là Vô thượng sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn! Còn Tăng là Khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành, học nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa gió. Tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc” (Chơn lý “Khất sĩ”) . Khất sĩ luôn lấy lợi tha làm tự lợi, vì thế quá trình tu tập Bồ-tát hạnh, hành Bồ-tát nguyện, theo quan điểm của Tổ sư thì cần phải thực hiện một cách khế lý, khế cơ và khế thời. Chỉ có như vậy mới thực hiện được phương thức thực hành hạnh Bồ-tát.
3. Tổ sư Minh Đăng Quang ứng dụng tinh thần vô trụ trong việc giáo hóa lợi sinh
Khi tu học Phật pháp mà chưa thấu rõ pháp vô ngã, vô trụ là chưa hiểu gì về Phật giáo. Trong quá trình tu tập các công đức lành, thực hành hạnh Bồ-tát, đạo lý tu hành là chúng ta có phá được ngã chấp hay không. Đức Phật nói: “Tất cả pháp đều vô ngã” (Chư pháp vô ngã). Vì tất cả pháp không pháp nào không bị sanh diệt, tất cả pháp đều chuyển biến và không độc lập, các pháp đều có mối nhân duyên để chúng kết nối, duyên sinh. Ở khía cạnh này, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang trình bày: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học… Khất sĩ là cái sống của chơn lý vũ trụ”. Qua ý pháp này, chúng ta nhận thấy cái “ngã” là không thật có, mà chỉ là một tập hợp của ngũ uẩn được Tổ sư trình bày dưới nhãn quan là “cái sống của chơn lý vũ trụ”. Chỉ có chơn lý mới chính là thể tánh giác ngộ bình đẳng còn cái ngã, cái sở đắc, sở trụ thì luôn luôn thay đổi, sinh diệt. Cho dù đạo Phật có ra đời hay không, cho dù loài người có tồn tại hay không, pháp duyên sinh vô ngã – vô trụ vẫn hiện diện trong vũ trụ như một chân lý: Mọi pháp hữu vi (pháp có sinh có diệt) đều là khổ, vô thường, vô ngã.
Đức Tôn sư nhận chân được pháp duyên sinh – vô ngã là thể tánh vô trụ của chơn lý nên Ngài đã đưa ra tôn chỉ: “Khất sĩ Bồ tát cũng như ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dù dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhất là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời… Khất sĩ là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành,... Tạm xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc”. Vì giác ngộ và thực hành pháp vô trụ, liễu ngộ thể tánh chân như nên mọi khái niệm về ngã, ngã sở, ngã đắc… đều mang tính chất tương đối trong vòng duyên sinh vô ngã; đó chính là chân lý của sự tu hành Bồ-tát đạo, làm lợi ích cho hữu tình và trực nhận được bản chất vô trụ của pháp chân như.
III. Kết luận
Con đường tu tập của người Khất sĩ theo lời dạy của Đức Tổ sư đã được trình bày xuyên suốt trong Chơn lý, đó là con đường tu tập theo Giới – Định – Huệ: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ; Nếu Khất sĩ không có tu về định huệ, dầu mà có trì giới không đi nữa cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ, vì chữ Sĩ đây là sự học đạo lý với quả linh, bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát Khất sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất sĩ, đủ gồm cả Giới - Định - Huệ” (Chơn lý “Y bát chơn truyền”). Dù các pháp được trình bày dưới nhãn quan nào hay dù thực hành Bồ tát đạo ở giai đoạn nào đi nữa thì cũng phải nằm trên căn bản của pháp tu tập theo Giới – Định – Huệ.
Phật giáo Việt Nam giai đoạn những năm 1945 - 1954 đã sản sinh ra Tổ sư Minh Đăng Quang, vị khai sơn “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Trong tâm nguyện tìm cầu giải thoát cho mình và cứu độ mọi người ra khỏi khổ ách, Tổ sư Minh Đăng Quang, vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam phát đại nguyện, đứng ra dung nạp tinh túy của hai tông phái Phật giáo, thực hành đường lối tu học đúng theo Chánh pháp của Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni với phương châm: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.
Tổ sư đã xác định: “Khất sĩ là nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy”. Trong bối cảnh xã hội của Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954, sự xuất hiện của Tổ sư, đường lối tu học và những lời dạy của Ngài quả thật là: “Giữa lúc cõi đời chết khổ, Khất sĩ là chất nhựa sống, gắn liền các khối chia rẽ riêng tư. Khất sĩ là con đàng chơn lý võ trụ, đúng theo trung đạo ánh sáng, không thiên về một bên lề mé, Khất sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng” (Chơn lý “Y bát chơn truyền”).
Với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư đã quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Phật Thích-ca đã vạch ra, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh của một “du phương Khất sĩ”. Từ nguồn suối tâm linh này, Tổ sư đã tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc Việt để khai sáng ra Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.
Mặt khác, chư vị đại đệ tử Tôn túc của Tổ sư, điển hình là Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên đã du hóa và truyền bá Đạo Phật Khất Sĩ mở rộng đến thế giới phương Tây và Úc Châu ngày nay, hình thành nên Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất Sĩ Thế giới. Nghĩa là, mặc dù cách tu học theo lối Khất sĩ đã có từ thời Phật Thích-ca còn tại thế, nhưng với phương châm:
Nên tập sống chung tu học, Cái sống là phải sống chung, Cái biết là phải học chung, Cái linh là phải tu chung,
Tổ sư đã khai mở phương tiện tính, xác định nhất thừa là nền tảng của giác ngộ, giải thoát; tinh thần vô trụ trong việc giáo hóa lợi sinh. Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh, đó chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ và Lục hòa mà chư Phật đã dạy từ ngàn xưa. Đồng thời, Tổ sư cũng khuyến khích các cư sĩ tại gia tích cực gắn bó trong cuộc sống, cùng chung xây dựng một cõi đời đạo đức, một cuộc sống an vui, hạnh phúc ngay tại thế gian này. -------------------------------------------------- - Hán dịch: Ðại sư Thật-xoa-nan-đà, Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh, Kinh Hoa Nghiêm, Phật học viện Quốc tế xuất bản, PL. 2527 – DL. 1983. - Đại Chánh Tạng, Kinh Pháp Hoa nghĩa sớ, quyển 1. - Tổ sư Minh Đăng Quang, Bồ-tát giáo. - Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Khất sĩ”. - Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”. - Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Y bát chơn truyền”. - Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Pháp Chánh Giác”
Theo: Tập san Đuốc Sen 32
Bình luận (0)