Tác giả: Thích nữ Quang Hảo

1. Dẫn nhập

Chúng ta thấy cuộc đời tu tập và hành đạo của Ni trưởng Huỳnh Liên là cả một quá trình báo ân đức Phật và hoằng dương Chính pháp Như Lai.

Khi hạnh nguyện viên mãn, Ni trưởng an nhiên xả báo an tường. Sự ra đi của Ni trưởng đã để lại bao niềm kính tiếc khôn nguôi trong lòng những người con Phật.

Ngoài việc tu hành, Ni trưởng đã dành phần lớn đời mình cho công tác xã hội, chăm sóc cứu trợ những tín đồ và đồng bào nghèo khổ, thăm viếng ủy lạo bộ đội thương bệnh binh, giúp đỡ nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật. Thật vậy, cho đến hôm nay, không ai mà không biết đến những công hạnh Ni trưởng dành cho Đạo pháp, cho quê hương đất nước.

Ảnh: St
Ảnh: St

Trong bài viết này, tác giả muốn nghiên cứu tìm hiểu những công hạnh Bồ-tát của Ni trưởng qua tinh thần nhập thế, đặc biệt là sự thành lập và nuôi dạy trẻ mồ côi tại Cô Nhi viện Nhất Chi Mai.

2. Sự hình thành Cô Nhi viện Nhất Chi Mai

Danh từ “Cô Nhi viện” hay “trại trẻ mồ côi” ở Việt Nam còn được gọi là: “Mái ấm tình thương, mái ấm nhà mở... Là những cơ sở được thành lập nhằm mục đích thu nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mồ côi (là những trẻ em có cha mẹ đã chết hoặc không có đủ điều kiện, khả năng hay không muốn chăm sóc cho những trẻ này).” [1]

Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St

Nhất Chi Mai là tên một loài hoa, hoa sở hữu một vẻ đẹp vừa sắc sảo, vừa tinh tế và không giống với bất kỳ loại hoa nào khác. Khi còn là nụ, chúng có màu hồng nhẹ pha chút trắng, đến khi nở lại trở thành những bông hoa rực rỡ trắng tinh khôi. Không cứ như vậy mà héo úa, tàn rụng, Nhất Chi Mai khi sắp lìa cành sắc hoa sẽ chuyển đỏ rồi mới rụng xuống. Phần thân, gốc của cây xù xì, gân guốc thường tượng trưng cho hình ảnh người quân tử cương trực, mạnh mẽ, dũng cảm, ngoan cường, chọc trời khuấy nước, dù có ngã xuống cũng thà nhuộm đỏ đất trời chứ không chịu khuất phục. Phần hoa với hương thơm nhẹ nhàng, kín đáo lại gợi nên hình ảnh người thiếu nữ đang độ xuân thì mềm mại, thanh thoát, mang vẻ đẹp tinh khiết, trong trẻo động lòng người.[2]

Nhất Chi Mai còn là tên của một người phụ nữ đã đi vào lịch sử dân tộc. Đó chính là cô Phan Thị Mai, tự Nhất Chi, pháp danh Diệu Huỳnh, là một nữ phật tử thuần thành mến mộ đạo Phật, say mê với giáo lý nhà Phật, tích cực tham gia công tác phật sự, hàng tuần đều đến chùa Dược Sư hay chùa Từ Nghiêm dạy giúp cho quý sư cô các môn thế học. Cô còn là một nhà giáo yêu nước, yêu đời, nhiệt tình hoạt động xã hội, tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh do thanh niên, sinh viên, học sinh phát động.

Trước sự bạo tàn của quân xâm lược Mỹ giết hại đồng bào ta, với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc, cô quyết đem thân mình làm ngọn đuốc sống cật lực lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Cô tự thiêu vào ngày 16/05/1967 tại chùa Từ Nghiêm[3], ánh lửa hào hùng của người phật tử yêu nước đã nói lên lòng đau xót quê hương với nguyện vọng thiết tha đất nước Việt Nam có được nền hòa bình độc lập.

Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St

Trong thư gửi nhân dân Việt Nam, Nhất Chi Mai khẳng định: “Tôi tự nguyện thiêu thân, cầu xin: Cái chết của tôi được hiểu là: Cho nền hòa bình Việt Nam, cho lòng nhân đạo và công bằng.” [4]

Hành động tự thiêu của Nhất Chi Mai thể hiện vai trò của người phụ nữ trước cảnh đất nước lầm than, là tấm gương khích lệ cho các tầng lớp nhân dân về tinh thần kiên cường, bất khuất trong đấu tranh vì hòa bình dân tộc. Nhất Chi Mai nói: “Tôi muốn làm ánh đuốc, le lói trong đêm đen…” để tố cáo những thế lực đen tối, những tội ác của chiến tranh.

Năm 1968, Cô Nhi viện mang tên Nhất Chi Mai được Ni trưởng Huỳnh Liên - Trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam chủ trương thành lập, là trung tâm từ thiện chính của Ni giới Khất sĩ. Ni trưởng muốn đánh động tâm tư của mọi người, để mỗi khi nhắc đến Cô Nhi viện Nhất Chi Mai, mọi người sẽ nhớ tới hành động tự thiêu của cô vì nền hòa bình dân tộc. Ni trưởng cũng muốn nhắn gửi đến quần chúng nhân dân, nhất là gợi lên cho tầng lớp phụ nữ ý thức về tinh thần yêu nước, thương giống nòi qua hành động của Phật tử Nhất Chi Mai.

Với lòng nhân hậu và mẫn cảm trước hiện thực cuộc sống, Ni trưởng Huỳnh Liên đã dành nhiều tâm huyết, công sức nhằm góp phần san sẻ gánh nặng cho đất nước cũng như tạo cho các trẻ em mồ côi có một mái ấm tình thương thật sự. Cô Nhi viện Nhất Chi Mai được xây dựng trên khuôn viên của Tịnh xá Ngọc Uyển - Biên Hòa. Đây là Tịnh xá do Ni trưởng sáng lập vào năm 1968 với tổng diện tích là 6 mẫu. Ni trưởng sử dụng một phần đất để xây khu sinh hoạt cho trẻ em mồ côi, phần còn lại dành cho chư Ni tu học.

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, Cô nhi viện được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai tiếp nhận. Phần đất thuộc diện tích của Cô Nhi viện là 1,4 mẫu được Ni trưởng Huỳnh Liên hiến tặng luôn cho Sở để sử dụng (hiện nay là Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai); phần đất còn lại hơn 3 mẫu được sử dụng làm nơi tu học và sản xuất của Ni chúng.

3. Tinh thần nhập thế của Ni trưởng Huỳnh Liên

3.1. Khái niệm nhập thế

Xuyên suốt hơn hai ngàn năm từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, khái niệm nhập thế được thể nhập vào đời sống tâm thức người Việt Nam. Có thể khẳng định đây là một nét đặc sắc của Phật giáo nước ta, cội gốc “Phật giáo đồng hành dân tộc”.

Nho giáo như Chính Mâu Tử đã đưa ra tinh thần nhập thế với khái niệm nhập thế như sau: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài thì cứu nhân giúp nước, khi ngồi một mình thì tự hoàn chỉnh bản thân”. Thật ra, khái niệm nhập thế đã được đức Phật đã nói từ lâu: “Này các tỳ kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời”. [5]

Trong chốn thiền môn Việt Nam khái niệm nhập thế được hiểu: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, thượng báo tứ ân, bạc tế tam hữu. [6]  

Nói đến Phật giáo là nói đến đạo từ bi và trí tuệ, lòng từ bi phải thể hiện qua hành động. Người xuất gia hay tại gia có lòng từ bi không thể làm ngơ trước thống khổ nhân loại, mà luôn luôn tỉnh giác và chính niệm, đi vào đời sống xã hội với tấm lòng từ bi thương tưởng cứu vớt chúng sinh. Đó chính là tinh thần nhập thế của Phật giáo, hòa nhập vào đời sống xã hội truyền bá giáo lý Phật đà, dấn thân vào cuộc đời làm lợi ích nhân sinh. Hình ảnh Cô Nhi viện Nhất Chi Mai là một sự kiện lịch sử nổi bật thể hiện rõ tinh thần nhập thế mãnh liệt của Ni trưởng Huỳnh Liên.

3.2. Thu nhận và nuôi dạy trẻ mồ côi

Ni trưởng đã thực hành hạnh Bồ-tát với tinh thần nhập thế để cứu khổ độ sinh. Người đem ánh Đạo vàng rưới cơn mưa Pháp thấm nhuận mỗi tâm hồn, đặc biệt hướng về con đường từ thiện xã hội với mong muốn làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của tha nhân.

Đất nước loạn lạc, dân tộc rơi vào cảnh màn đêm. Đầu năm 1966, Ni trưởng thấy càng ngày mọi người bỏ con hoang quá nhiều, phần do các cháu mồ côi cha mẹ trong chiến tranh, không ai nuôi nấng.

Em có hay chăng lũ trẻ thơ?

Mất cha, mất mẹ, khóc bơ vơ!

Hoặc trong hầm rác, trong Nhi viện,

Hoặc sống lầm than, sống dật dờ...

(Đóa sen thiêng - Em có nghe chăng? tr. 503)

Tinh thần vô úy, dũng mãnh của người con Phật và trách nhiệm công dân thấm sâu vào tính cách của Ni trưởng. Ngay từ thuở nhỏ, Người đã được nuôi dưỡng tinh thần của mình bằng chất liệu từ bi. Ni trưởng khởi xướng lên một việc làm mà lúc bấy giờ giới tu sĩ chắc hiếm ai nghĩ đến là mở viện mồ côi để nuôi dưỡng, che chở cho các trẻ em bất hạnh này:

Thầy lập viện mồ côi,

Con là đứa con rơi.

Từ nhà thương Từ Dũ,

Đưa về Ngọc Phương nuôi.

(Đóa sen thiêng - Để Nhớ Huệ Phục, tr. 652)

Hai em bé sơ sinh chỉ mấy ngày tuổi bị bỏ rơi tại bệnh viện Từ Dũ được Ni trưởng nhận nuôi đầu tiên tại Tịnh xá Ngọc Phương, đặt tên là Huệ Phục và Huệ Thắng.

Việc nuôi dưỡng các cháu sơ sinh là vấn đề khó khăn đối với chư Ni. Với hàng Ni chúng mà nói, đa phần xuất gia là những người đồng chân, rời cuộc sống thế tục để đi vào con đường tìm cầu chân lý giải thoát, những người chưa từng học qua trường lớp nuôi dạy trẻ hay có kinh nghiệm chăm sóc trẻ ở đời; gặp đứa trẻ bệnh tật thì khó khăn càng thêm chồng chất. Nhưng rồi vì tâm nguyện của người xuất gia: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, các cô đã làm tốt trách nhiệm của mình, bé Huệ Phục được khỏe mạnh và lớn nhanh như bầu như bí:

Mấy tháng đầu đau nặng,

Ai cũng tưởng thôi rồi.

Nhờ ni Nghĩa sốt sắng,

Nuôi con mạnh lần hồi.

Như trái bầu, trái mướp

Con vừa lớn, vừa ngoan.

Con vừa vui, vừa đẹp

Con hơn ngọc, hơn vàng…

(Đóa sen thiêng - Để nhớ Huệ Phục, tr. 652)

Một em bé ngoan, lại khéo làm duyên… Ni trưởng trông mong em sau này trở thành bác sĩ làm người hữu ích cho xã hội, nhưng ai nào ngờ, Huệ Phục ra đi mãi mãi khi vừa tròn thôi nôi:

Thầy kỳ vọng nơi con,

Sau học thành bác sĩ.

Phục vụ khắp thế nhân,

Đền công ơn tín thí.

Dè đâu con vắn số,

Tuổi vừa đúng thôi nôi.

Đã theo người thiên cổ,

Lúc thầy đi xa xôi...

(Đóa sen thiêng - Để nhớ Huệ Phục, tr. 653)

Trước khi đi còn nhìn thấy em, khi trở về đã ra người thiên cổ, chỉ còn là nấm mồ cỏn con. Xót thương cho số phận ngắn ngủi của em, Ni trưởng viết:

Con ơi! Con bé bỏng,

Có ai ẵm bồng chăng?

Con ơi con lạc lõng!

Có ai hiếp đáp chăng?

(Đóa sen thiêng - Để nhớ Huệ Phục, tr. 654)

Chiến tranh diễn ra khốc liệt, đất nước lâm vào cảnh loạn lạc, nhà nhà ly tán, vợ mất chồng, con mất cha mẹ… Đứa trẻ lạc lõng bơ vơ giữa cõi đời:

Hỡi các trẻ con rơi,

Thầy lượm Thầy dưỡng nuôi,

Đứa mất cha mất mẹ,

Đứa trụi lủi mồ côi...

(Đóa sen thiêng - Luyện chí, tr. 703)

Hỡi con côi một bầy!

Nhờ ngọn rau tấc đất.

Nương bóng Phật bóng Thầy,

Mà sống lây sống lất...

(Đóa sen thiêng - Ai giết con côi, tr. 700)

Năm 1968, Đệ nhất Ni trưởng cùng quý ni sư, sư cô đi hành đạo ở miền Trung. Ni trưởng nghe thông tin Mỹ dồn đồng bào tập trung ở cồn đảo Xuyên Long rất đông. Nơi này khí hậu vốn khắc nghiệt, các em nhỏ chịu không nổi nên nhiều em bị bệnh và chết, mỗi ngày khoảng 50 em. Ni trưởng đã đề nghị chính quyền thông báo với đồng bào, Người sẽ nhận nuôi dưỡng các em - đến ngày đất nước thanh bình, các em sẽ trở về lại bên gia đình. Bà con nghe vậy mừng lắm, mang đến nhờ Người nuôi dưỡng 40 em.

Giọt sữa tình thương biển đại đồng,

Ai đem em bé bỏ trong cửa thiền.

Bàn tay Sư nữ bồng lên,

Em trong nón lá úp trên gọn gàng.

Mỗi em mỗi cảnh bẽ bàng,

Lần lần quy tụ một đàn con côi.

Con ai đem bỏ Thầy nuôi,

Nam mô Di Phật cũng vui hạnh Thiền…

(Đóa sen thiêng - Giọt sữa tình thương, tr. 103)

Ni trưởng xót xa vô hạn trước những mảnh đời kém may mắn nên đem lòng từ cưu mang tất cả. Khi số lượng trẻ mồ côi, cơ nhỡ ngày càng nhiều, Ni trưởng quyết định thành lập Cô Nhi viện danh chính ngôn thuận, đủ phương tiện để nuôi dưỡng các em trong vòng tay an lành.

3.3. Đời sống các em trong Cô Nhi viện Nhất Chi Mai

Chiến tranh đã để lại biết bao hệ lụy, khiến muôn người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, vô vàn khó khăn, cơ cực. Ni trưởng mô tả cảnh sống thiếu thốn của các em Cô Nhi:

Táo cô nhi nghèo xơ nghèo xác,

Thua các thần táo khác hết trơn.

Hễ giàu sang trăm việc trăm hơn,

Bằng khốn khó mỗi điều mỗi kém!

(Đóa sen thiêng - Táo quân, tr. 284)

Đa phần sinh hoạt của các cháu trong Cô Nhi viện đều nương nhờ vào sự chung tay góp sức của thập phương. Song thời chiến tranh loạn lạc, đời sống người dân càng khó khăn nên ai cũng thắt lưng buộc bụng, vì vậy mà cuộc sống của các em càng thêm phần thiếu thốn:

Còn lẽ sống hằng ngày sinh hoạt,

Thì cứ ngửa tay xin đồng bạc đồng tiền!

Gặp lúc khó khăn ai cũng than riêng,

Dịp tết nhứt cuối niên càng thiếu thốn...

(Đóa sen thiêng - Táo quân, tr. 284)

Không sữa, không cháo nên thân em khô gầy:

Hỡi con côi một bầy!

Ai đốt cửa nhà bây.

Cho tấm thân nhỏ yếu,

Dầm nắng tối mưa mai.

(Đóa sen thiêng - Ai giết con côi, tr. 701)

Để bù đắp lại phần nào bất hạnh của các cháu, chư Ni với tình thương vô hạn đã không ngại vất vả, bôn ba khắp nơi để xin về cho các cháu những món ăn tuy không cao lương mỹ vị nhưng đầy cả nghĩa tình:

Viện sống được cũng nhờ xin khắp chốn,

Khi Sài Gòn, khi Chợ Lớn, khi Xóm Chiếu.

Tri Phương, Khánh Hội, Cầu Muối, Vườn Chuối, An Đông,

Xe viện nghèo, Ni cô tài xế chẳng tiền công.

Chạy xuống chợ một vòng đầy đủ thứ,

Nào gạo muối, nào “lê ghim” mới cũ.

Nay chợ này, mai chợ nọ hẹn lần,

Hễ đúng ngày người ta đóng góp sẵn phần...                   

(Đóa sen thiêng - Táo quân, tr. 285)

Thiếu trước hụt sau, cho đến nước sinh hoạt cũng không đủ dùng, đào giếng thì giếng cạn, xin nước xe thì xe cũng trục trặc, hư hỏng hoài:

Giếng hầu cạn quây lên nước đục,

Xin nước xe, xe trục trặc hư hoài.

Sáu bảy chục cô nhi không đủ nước xài,

Khổ vì nước, khổ hoài việc nước...

(Đóa sen thiêng - Táo quân, tr. 284)

Còn nơi nghỉ ngơi của các cháu chỉ là những phòng nhỏ lợp tôn nóng bức:

Duy có điều chỗ ở thiệt chua le,

Các mái tôn sao quá thấp lè tè,

Vừa chật chội vừa ghê nóng bức…

(Đóa sen thiêng - Táo quân, tr. 285)

Đứa trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt ngào, ấm áp của mẹ. Còn các cháu nơi viện Cô Nhi được nuôi dưỡng bằng gì? Dưới sự bảo bọc, che chở của Ni trưởng và chư Ni, các em được nuôi dưỡng trong suối nguồn yêu thương ấm áp từ bàn tay của Ni trưởng và chư Ni, được dạy dỗ bằng đạo đức từ bi của Ni trưởng và các Sư cô chăm sóc thay cho cha mẹ:

Giọt sữa tình thương thấm thịt da,

Nuôi nhau lớn mạnh nước non nhà.

Chiến tranh đày đọa thường côi cút,

Đạo đức từ bi thế mẹ cha.

(Đóa sen thiêng - Giọt sữa tình thương, tr. 103)

Cứ thế, thầy trò chung tay chăm sóc đàn trẻ thơ bằng chính sức lực và tình thương của mình, nuôi dưỡng ý chí kiên cường, tự tôn dân tộc “đói sạch rách thơm”:

Thầy không quen xin xỏ,

Của kẻ hại đời con.

Gây chiến tranh đau khổ,

Đày đọa xác hồn con.

Thầy không muốn con dùng,

Những thức ăn nhơ uế.

Làm mất giống anh hùng,

Biến thành người nô lệ.

(Đóa sen thiêng - Luyện chí, tr. 703)

Ni trưởng không muốn các em dùng nguồn thực phẩm của những người đã cướp đi niềm hạnh phúc bên gia đình của các em. Ni trưởng cho đó là những thức ăn nhơ uế của kẻ “gây chiến tranh”, sẽ làm mất đi bản chất con người lương thiện, giống nòi anh hùng trong các em nhỏ trong trắng hồn nhiên, ngây thơ. Họ đem miếng mồi nhử khiến mình trở thành nô lệ.

Dùng văn thơ phác họa đời sống của các em tại Cô Nhi viện, lời thơ của Ni trưởng bàn bạc nỗi xót thương cho những đứa con thơ của mình trong cảnh khốn khó, đau lòng cho đất nước đầy binh biến. Người luôn mong cầu hòa bình để đời sống của người dân và các cô nhi bớt khổ.

Ngoài Cô Nhi viện Nhất Chi Mai ở Tịnh xá Ngọc Uyển (Biên Hòa) - trung tâm từ thiện xã hội chính của Ni giới Khất sĩ hoạt động rất thành công, Ni trưởng còn mở các chi nhánh Cô Ký nhi tại nhiều tịnh xá ở các tỉnh thành, gồm: Tịnh xá Ngọc Bình (Bình Phước), tịnh xá Ngọc Bảo (Pleiku), tịnh xá Ngọc Minh (Cà Mau), tịnh xá Ngọc Ninh (Ninh Thuận)...

Do hoàn cảnh lịch sử, năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1976 nhà nước tiếp quản rồi giải tán luôn Cô Nhi viện Nhất Chi Mai. Song Cô Nhi viện Nhất Chi Mai luôn là một sự kiện lịch sử nổi bật, thể hiện rõ tinh thần nhập thế mãnh liệt của Ni trưởng Huỳnh Liên. Ni trưởng đã thực hành hạnh Bồ-tát đem lợi lạc cho tha nhân. Điều này phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần lá rành đùm lá rách. Các em được Ni trưởng nuôi dưỡng, sau này đều trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Tinh thần nhập thế và Bồ-tát đạo của Ni trưởng xứng đáng lưu danh muôn đời.

3.4. Nhận định

“Lý tưởng Bồ tát đạo một phần là do áp lực xã hội đối với giáo đoàn, nhưng phần lớn nó phát sinh trong giáo đoàn vì sự thực hành vô giới hạn, vốn đã được luyện tập cho các tăng sĩ không phân biệt giữa họ và người khác.” [7]

Phật giáo luôn phát huy tinh thần từ bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha đối với dân tộc. chính điều đó, là sự kết nối chặt chẽ giữa đạo pháp và dân tộc, vào thời binh đao, loạn lạc tại Việt Nam, các nhà sư đã “cởi cà sa khoác chiến bào”, góp phần vào công cuộc bảo vệ nước nhà. Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật đối với dân tộc. Ví như Thiền sư Vạn Hạnh, phò vua giúp nước, Tỳ kheo Quảng Đức tự thiêu năm 1963 để kêu gọi sự can thiệp của thế giới, chống lại chế độ đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, nói lên tiếng lòng của dân tộc.

Ni trưởng Huỳnh Liên tiên phong trong cuộc vận động vì hoà bình, giáo dục và đào tạo con người... đặc biệt là giáo dưỡng các em nhỏ mồ côi vào thời loạn lạc.

Những tấm gương sáng của bậc tiền nhân để lại không chỉ cho chúng ta noi theo, mà cũng nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng hơn, vì những gì chúng ta làm hôm nay không đơn thuần vì cá nhân ta mỗi người mà còn cho tương lai của Phật pháp, đồng thời cũng là tấm gương để lại cho hậu thế noi theo.

4. Kết luận

Ni trưởng Huỳnh Liên với trái tim nhân hậu, tấm lòng từ bi và lý tưởng nhập thế cứu khổ độ sinh, lúc nào cũng quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong chiến tranh loạn lạc. Lòng từ bi của Ni trưởng như ngọn đèn chiếu sáng cho thế hệ đương thời và mai sau tiếp nối thực hành lối sống trên nền tảng đạo đức, vững tin vượt qua bao khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Qua công hạnh của Ni trưởng, đạo và đời không tách rời nhau mà hòa quyện như cá với nước. Người luôn mong mỏi cho đất nước giàu mạnh, nhân dân an lạc, thái bình. Sự hy sinh và cống hiến của Ni trưởng cho đạo và đời đúng như lời nguyện của Người:

Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương.

Chúng con, hàng hậu học ngày nay nguyện học theo gương hạnh của Người, góp phần làm cho vườn hoa Phật pháp ngày càng rực rỡ sắc hương:

Con nguyện siêng năng bố thí công,

Bao nhiêu cực nhọc vẫn vui lòng.

Việc chi làm được con xin lãnh,

Bồi đức mong cầu nghiệp sạch trong.

(Đóa sen thiêng - Con nguyện, tr. 431)

Tác giả: Thích nữ Quang Hảo

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Tập I, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Hoá Đạo, Sài Gòn, 1970.

2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 14. Kinh Đại Bổn, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2013.

3. Thích Trí Quang dịch, Luật Sa Di và Sa Di Ni, Quy Sơn Cảnh Sách, 1996.

4. Thích Quảng Độ dịch, Phật giáo bản chất và sự phát triển, NXB Phương Đông, 2015.

5. Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Đoá sen thiêng, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012.

6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A1i_tr%E1%BA%BB_m%E1% BB%93_c%C3%B4i.

7. https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/tim-hieu-ve-hoa-nhat-chi-mai-vua-cua-nhung-loai-hoa-tet-1406737

8. https://baotangphunu.com/thich-nu-nhat-chi-mai-ngon-lua-cua-phong-trao-yeu-nuoc

***

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A1i_tr%E1%BA%BB_m%E1%BB%93_c%C3%B4i.

[2] https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/tim-hieu-ve-hoa-nhat-chi-mai-vua-cua-nhung-loai-hoa-tet-1406737

[3] https://baotangphunu.com/thich-nu-nhat-chi-mai-ngon-lua-cua-phong-trao-yeu-nuoc

[4] Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Tập I, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Hoá Đạo, Sài Gòn, 1970, trang195.

[5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 14. Kinh Đại Bổn, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2013, trang 259.

[6] Thích Trí Quang dịch, Luật Sa Di và Sa Di Ni, Quy Sơn Cảnh Sách, NXB Phương Đông,1996, trang 66

[7] Thích Quảng Độ dịch, “Phật giáo bản chất và sự phát triển”, NXB Phương Đông, 2015, trang 125.