Tác giả: Thích nữ Quang Hảo

I. Dẫn nhập

Với chí nguyện “làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”, được đức Tổ sư Minh Đăng Quang chứng nhận và giao trách nhiệm tiếp chúng độ ni, Ni trưởng Huỳnh Liên trực tiếp lãnh đạo và hướng dẫn ni chúng tu tập và hành đạo. Từ năm 1948, những chiếc y vàng của Ni giới khất sĩ đã hòa mình trong nắng sớm sương mai, hội nhập vào lòng người, hiện diện trên khắp các tỉnh thành, quận huyện ba miền đất nước Việt Nam.

Ni trưởng cùng Ni chúng Hệ phái Khất sĩ chuyên tu giải thoát, trì bình khất thực, du hóa, giảng kinh, góp vai trò quan trọng trong việc truyền bá giáo pháp Hệ phái Khất sĩ trên đất nước Việt nam. Đặc biệt là quá trình hình thành phát triển Ni giới Hệ Phái Khất sĩ trong lòng giáo hội Thành phố Hồ Chí Minh.

II. NỘI DUNG

1. Sơ lược về cuộc đời của Ni trưởng Huỳnh Liên

Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh ngày 19 tháng 3 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Mỹ, Thành phố Mỹ Tho, Tỉnh Định Tường, nay là Tỉnh Tiền Giang. Ni trưởng xuất thân là trưởng nữ trong một gia đình đạo đức thâm nho, kính Phật.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Vận, pháp danh Thiện Trí và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Thảo, cũng đã xuất gia thọ tỳ kheo ni trong Ni giới Hệ phái Khất sĩ với pháp danh là Thiện Liên.

Cả hai ông bà đều đã qua đời. Duyên lành nhiều kiếp với Phật, Pháp, Tăng, thuở nhỏ Ni trưởng thường đọc sách Thánh hiền và kinh sách Phật giáo cũng như những lần đức Tổ sư về Tỉnh Định Tường để hoằng pháp, Ni trưởng thường lui tới để nghe Tổ sư thuyết pháp và nhanh chóng thấm nhuần giáo lý Phật-đà.

Chư Ni thực hiện trì bình khất thực tưởng niệm Ni trưởng Huỳnh Liên - Ảnh: Liên Tâm
Chư Ni thực hiện trì bình khất thực tưởng niệm Ni trưởng Huỳnh Liên - Ảnh: Liên Tâm

Ni trưởng Huỳnh Liên thọ giới xuất gia với đức Tổ sư Minh Đăng Quang, gia nhập Tăng đoàn Khất sĩ với hạnh nguyện cao cả làm chiếc thuyền che chở cho phái nữ. Năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ni trưởng với vai trò là người thay đức Tổ sư lãnh đạo Ni giới, thu nhận đệ tử, phát triển Ni đoàn, hướng dẫn chư Ni, tạo lập nhiều tịnh xá để làm nơi sinh hoạt và tu học cho chư Ni cùng Phật tử.

Vì sự tận tụy, dấn thân phụng sự cho đạo pháp với tất cả tâm huyết, Ni trưởng đã được chư Tôn túc lãnh đạo Giáo hội và nhiều bậc trí thức tán thán và mến phục. Hòa thượng Thích Từ Thông đã nói:

“Chiếc áo Khất sĩ làm vẻ vang trong Ni giới,
Tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn tòng lâm”

2. Sự ra đời của Giáo hội Liên Hoa

Năm 1954, đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ni trưởng Huỳnh Liên đã kế tục sự nghiệp Tổ thầy. Với vai trò Trưởng tử Ni, đứng đầu Ni giới, Tổ sư Minh Đăng Quang đã giao phó Ni trưởng Huỳnh Liên nhiệm vụ đảm đương, hướng dẫn và dạy dỗ ni chúng tu học. Hội chúng Ni giới Khất sĩ này được Tổ sư ban tên gọi “Giáo hội Liên Hoa” .

Liên Hoa trong tiếng Việt có nghĩa là hoa sen. Một loài hoa mang vẻ đẹp thanh khiết và cao quý, sinh trưởng trong bùn mà không nhiễm bùn nhơ, khi nở thì tỏa hương thơm ngát. Hoa sen còn là biểu tượng cho sự giáo dục nhân cách đạo đức của một con người.

Ni trưởng Huỳnh Liên giống như đóa sen vàng cao quý vươn lên trong đầm sen Giáo hội Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam (Giáo hội Liên Hoa). Mỗi ngày Đạo Phật Khất sĩ một lớn dần, Ni trưởng lần lượt mở rộng sự khuyến tu ở giới tu sĩ xuất gia cho đến hàng cư sĩ tại gia, với những người hữu duyên, mến mộ giáo lý “Nối truyền Thích - ca Chính pháp” của đức Tổ sư. 

Để hợp thức hóa về mặt tổ chức, Ni trưởng đã xin phép chính quyền Sài Gòn, thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam và đã được Bộ Nội vụ chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định số 07/BNV ngày 11/01/1958 cho phép thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam. Chính từ đây, Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam (Giáo hội Liên Hoa) được thành lập, trụ sở đặt tại tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh). Tổ đình tịnh xá Ngọc Phương làm trụ sở chính để hoạt động hoằng hóa. 

Từ ngôi tịnh xá Ngọc Phương, trung tâm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Ni trưởng Huỳnh Liên đã khai mở, thúc đẩy phong trào và gây dựng được gần 100 ngôi tịnh xá từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau, riêng tại Sài Gòn đã có gần 20 tịnh xá trực thuộc Ni giới Khất sĩ dưới sự điều hành của Ni trưởng Huỳnh Liên. Trong hoàn cảnh đất nước thời chiến, một vị Ni đã làm được việc tưởng chừng như không tưởng. Ni trưởng đã xây dựng và phát triển được phong trào ni giới như vậy, quả thực cũng là hiếm có trong lịch sử phát triển của các Hệ phái Phật giáo ở Việt Nam.  

3. Ni giới Khất Sĩ trong lòng giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh

Tịnh xá Ngọc Phương tọa lạc tại số 498/1, đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM trên diện tích 2.500m2. Đây là ngôi tổ đình của Ni giới thuộc Hệ phái Khất sĩ hiện nay, là trụ sở của hơn 300 ngôi tịnh xá, tịnh thất, Chùa trong cả nước.

Ngay từ khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Huỳnh Liên, tịnh xá Ngọc Phương đã tham gia đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập nước nhà.

Trong giai đoạn 1960 - 1975, Ni trưởng Huỳnh Liên đã trực tiếp lãnh đạo Ni giới khất sĩ, đặc biệt là Ni chúng ở tịnh xá Ngọc Phương trong việc tích cực tham gia vào các phong trào của Phật giáo, ủng hộ các phong trào sinh viên, học sinh, đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc và vì sự trường tồn của đạo pháp.

Trong thời gian này, tịnh xá Ngọc Phương là một trong những cơ sở cách mạng chuyên tiếp tế vật dụng, thuốc men, lương thực…cho Ban Kinh tài, Ban Văn nghệ Tây Nam Bộ, Ban An ninh liên quận 4, mật khu Long An, chiến khu D,... Đây cũng là nơi hội họp an toàn của Quận ủy liên quận 4, Ban An ninh liên quận 4, nơi che giấu nhiều cán bộ trong các tổ chức cách mạng.

Ngoài hoạt động bí mật, nhiều phong trào đấu tranh công khai như Phong trào Phụ nữ Đòi Quyền sống, Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình, phong trào Dân tộc tự quyết, Ủy ban Cải thiện chế độ lao tù... thường xuyên hội họp tại tịnh xá. Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, thanh niên học sinh cũng dựa vào tịnh xá Ngọc Phương để hội họp và tổ chức những cuộc bãi khóa và biểu tình chống Mỹ, ngụy. Vì vậy, tịnh xá Ngọc Phương trở thành “căn cứ địa” tổ chức các cuộc biểu tình, được mệnh danh là “Tổng hành dinh của các cuộc xuống đường.”   

Chư Ni tịnh xá dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Huỳnh Liên vượt rào kẽm gai, kết hợp với Ni trưởng Ngoạt Liên từ Biên Hòa xuống tập trung trước Nhà hát lớn Sài Gòn phản đối ngụy quyền phong tỏa tịnh xá Ngọc Phương, yêu cầu thả tù chính trị, các nhân sĩ yêu nước, sinh viên học sinh… Kết quả cuộc biểu tình này, Ni trưởng được đưa vào bệnh viện Sùng Chính, có các chính khách cao cấp đến thăm gây sức ép với ngụy quyền.

Ni trưởng và phong trào Phụ nữ Đòi Quyền sống luôn luôn ủng hộ và đi sát với các phong trào học sinh, sinh viên, trí thức yêu dân tộc và đất nước. Đặc biệt trong hai năm cuối cùng (1973-1975) trước ngày đất nước hoàn toàn giải phóng là giai đoạn gay go, gian khổ và khó khăn nhất cho Ni trưởng: lớp bị địch bao vây, cô lập (cầm tù tại nhà), hăm dọa; lớp bị địch len lỏi vào nội bộ tuyên truyền lung lạc chư ni… Ni trưởng phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để lèo lái, vượt qua thử thách khó khăn.

Nhờ đức Bi - Trí - Dũng tràn đầy, tinh thần kiên trì, vô úy và vong kỷ lợi tha nên Ni trưởng vẫn hăng say thực hành hạnh Bồ-tát cho đến ngày giải phóng đất nước. Riêng tịnh xá Ngọc Phương, nơi trụ xứ của Ni trưởng cũng lâm vào cảnh bị tù đày, do sự giám sát của cảnh sát chìm nổi và kẽm gai phong tỏa suốt ngày đêm, từ đầu tháng 8-1970 đến 12 giờ trưa ngày 29-4-1975 mới được buông tha.

“Trong thời gian đấu tranh, Ni trưởng đã cho dựng một “lò thiêu dã chiến” ngay trước cổng tịnh xá Ngọc Phương, phòng khi bị cảnh sát đàn áp, tấn công thì chư Ni sẽ tự thiêu tập thể, chống đối.”   

Ni trưởng Huỳnh Liên rõ ràng đã làm được một việc quan trọng là đã xây dựng nên một Phân ban Ni giới trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, với vai trò là Ni trưởng lãnh đạo cho đến tận năm 1987 và đã tạo dựng được vị thế của mình trong giai đoạn hiện tại để phát triển Ni giới Khất sĩ ngày một lớn mạnh thêm hơn.

Ni giới Khất sĩ kể từ khi thành lập Giáo hội Liên Hoa cho đến ngày Ni trưởng viên tịch (1987), quý Ni trưởng về sau lần lượt kế thừa và tiếp nối sứ mạng lãnh đạo Ni đoàn, ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng đường lối tu tập vẫn giữ đúng với lời dạy của Tổ thầy.

Trong các hàng đệ tử tiếp nối của Ni trưởng, có nhiều vị ngoài việc kế thừa sứ mạng lãnh đạo Ni giới, trụ trì tiếp Ni độ chúng, đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp tại các trường Phật học danh tiếng trong và ngoài nước với học vị cao.

Bên cạnh công tác phật sự của Hệ phái, các vị đã và đang tham gia đóng góp công sức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ban hoằng pháp Trung ương, Ban hoằng pháp Thành phố Hồ Chí Minh… Có nhiều vị tham gia công tác giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh như Ni sư Tín Liên, Ni sư Phụng Liên, Ni sư Tuệ Liên, Ni sư Hằng Liên, Ni sư Triệu Liên, Sư cô Nghiêm Liên…Trong số các vị, Ni sư Tín Liên theo gương hạnh của Ni trưởng Huỳnh Liên, tiếp nối sứ mạng vì Đạo pháp và Dân tộc nên Ni sư vừa là một tu sĩ mà cũng là nhà hoạt động xã hội. Ni sư được bầu vào giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền các cấp, từ địa phương đến Trung ương và là Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Ni giới Hệ phái Khất sĩ cho đến ngày hôm nay, ngày một phát triển vượt bậc, lấy Giới - Định - Tuệ làm hành trang trên con đường tu tập giải thoát.

Các vị không những làm tốt sứ mạng truyền thừa chí nguyện của Tổ thầy mà còn dấn thân cống hiến vào sự phát triển chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như giáo hội Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo ngày càng vững chắc.

Tất cả đều nhờ vào đức hy sinh quên mình của Ni trưởng Huỳnh Liên, người học trò Ni đầu tiên của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, một vị với đạo tâm kiên cố, ý chí vững bền, đã không ngại khó khăn gian khổ, tiếp nhận và khêu sáng ngọn đèn chân lý “Nối truyền Thích-ca Chính pháp” bằng tất cả tâm lực, trí lực và nguyện lực. 

Ni trưởng như dòng suối mát, như ngọn hải đăng soi bước cho hàng hậu học vững bước trên con đường hoằng dương đạo pháp, làm cho hoa sen trong vườn sen Ni giới thêm phần rực rỡ, ngát hương. Dù chỉ hiện diện 64 năm ở cõi ta-bà, nhưng công hạnh và ân đức của Ni trưởng luôn khắc sâu trong tim của biết bao tăng, ni, phật tử và đồng bào cả nước.

Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, Ni trưởng vẫn còn cố gắng viết lời di huấn, nhắc nhở đệ tử gắng học gắng tu: “Ngày đã cận, cần tu gấp rút, giới giữ sao trong sạch như xưa. Định, huệ không thiếu, không thừa. Lợi ích dân chúng, đúng vừa khả năng”.

Ni trưởng đã nhẹ nhàng xả bỏ phàm thân, về nơi Phật cảnh, cõi đời vắng hẳn bóng Người, nhưng trong dòng lịch sử hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ nói chung và Ni giới Hệ phái Khất sĩ nói riêng, hình bóng của Ni trưởng mãi còn lưu dấu. Ni trưởng Huỳnh Liên, Người mãi là đóa sen thiêng mọc lên trong lòng đất Việt.

Ảnh: St
Ảnh: St

Trong cuốn Kỷ yếu về Ni trưởng Huỳnh Liên của Ni giới Khất sĩ xuất bản năm 1994 ghi lại hầu hết là các bài thơ, văn điếu của Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các cơ quan, đoàn thể, Hội đoàn các cấp Trung ương - TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, của các bậc Tôn túc tăng, ni, phật tử trong những ngày tang lễ; ghi lại những hoài niệm, những cảm xúc, những phân ưu; hồi tưởng lại hình bóng của cố Ni trưởng là hiện thân của Bồ-tát, của đức hạnh từ, bi, hỉ, xả, vô ngã, vị tha; nối gót các bậc Tôn túc hoằng truyền Chính pháp làm tốt đạo đẹp đời.

Đạo nghiệp của Ni trưởng là kết tinh Giới - Định - Tuệ. Ni trưởng Huỳnh Liên có công rất lớn cho việc giành độc lập dân tộc, gắn liền với phong trào đấu tranh ở Sài Gòn - Chợ Lớn, được sinh viên học sinh chống Mỹ trong những năm 1970-1975 rất quý kính niệm ân. Tinh thần Bồ-tát hạnh của Ni trưởng luôn nhập thế trong thiện pháp tích cực của trí tuệ và sự kham nhẫn, dũng mãnh, lòng từ bi vô hạn và sự dấn thân không biết mệt mỏi vì hòa bình.

Những đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên cùng nhiều thế hệ chư Ni xuất chúng của Ni giới Khất sĩ tại Việt Nam đối với Đạo pháp và Dân tộc, góp phần đưa đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chấp nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ XI từ ngày 28/12/2009- 03/01/2010 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khoảng 1600 vị trong nước và quốc tế, có hơn 400 đại biểu nữ Phật giáo đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ; gồm quý ni trưởng, ni sư, ni cô đại diện Ni giới và các nhà nghiên cứu đại diện nữ phật tử. Qua hội nghị, phần đông bạn bè quốc tế hiểu thêm về Phật giáo Việt Nam nói chung cũng như Ni giới Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Ni giới Việt Nam luôn bất hại, hòa hợp, trí tuệ, tiến bộ; sẵn sàng ủng hộ vì sự tiến bộ của nhân loại trên tất cả các lĩnh vực: Giáo dục, hoằng pháp, từ thiện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường… Những hoạt động phật sự này, Ni trưởng Huỳnh Liên đã triển khai và thực hiện rất tốt trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, để Phật giáo được lan rộng, ăn sâu, bám rễ, phát triển trong quần chúng.

Hiện nay, từ những định hướng và thực thi của Ni trưởng Huỳnh Liên trong việc quan tâm giáo dục nội điển và có quan tâm ít nhiều đến văn hóa thế học, đã có nhiều chư ni trẻ của Hệ phái Khất sĩ đã và đang theo học các trường Đại học Phật giáo và thế học, cả ở trong nước và ngoài nước, nhiều vị đạt thành tích đáng nể. Nhiều chư ni sau khi tốt nghiệp các bậc học đã quay về phục vụ cho Hệ phái và Giáo hội, được đánh giá cao; chư ni của Hệ phái Khất sĩ làm tốt nhiệm “hướng dẫn cho chúng sinh hiểu kỹ về tri kiến Phật của mình. Khuyến cáo, khích lệ cho chúng sinh sống bằng tri kiến Phật mà mình vốn có". Những nơi vùng xa xôi hẻo lánh, chư ni của Hệ phái Khất sĩ cũng không ngại khó khổ, vẫn tình nguyện đến “hóa độ chúng sinh”, “báo Phật ân đức”.

Ảnh: St
Ảnh: St

III Kết luận:

Trên phương diện lịch sử và phương diện hoằng pháp truyền bá giáo pháp, nếu so với nhiều tông phái, hệ phái khác của Phật giáo thì Hệ phái Khất sĩ tính đến nay chỉ mới xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn (1944- 2024) so với chiều dài của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Quãng thời gian này tuy ngắn nhưng Đạo Phật Khất sĩ, trong đó có Ni giới Khất sĩ lại có một sức sống, sức lan toả ảnh hưởng, có sức hấp dẫn và sự phát triển có thể nói là nhanh chóng ở khắp Việt Nam, chưa nói đến sự có mặt của Phật giáo Khất sĩ ở hải ngoại, đông đảo nhất là ở Mỹ quốc. 

Ni giới Hệ phái Khất sĩ từ khi thành lập đến nay luôn tỏ rõ tinh thần hoằng truyền Chính pháp, phụng sự nhân sinh, nhập thế cứu đời, thanh tịnh trang nghiêm, bi-trí-dũng viên mãn, chứng đắc Niết-bàn. Trong mọi hoàn cảnh, Ni giới Hệ phái Khất sĩ luôn sẵn sàng dấn thân cho công cuộc hoằng dương giáo pháp, an sinh xã hội, đưa Phật giáo đến mọi giai tầng để tất cả đều được lợi lạc trong đạo tỉnh thức; thể hiện tinh thần Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc kể từ khi du nhập cho đến nay.

Nhìn tổng quan thì Ni giới Khất sĩ đã đồng hành cùng Hệ phái Khất sĩ nói riêng, phật giáo Việt Nam nói chung trong đó có Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh từ buổi ban đầu cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987) với cương vị là Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Sau khi Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch 1987. Quý Ni trưởng lần lượt lãnh đạo Ni giới Hệ Phái Khất sĩ Việt Nam tiếp tục thực hiện hoài bão của Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên, chủ trương cho ni chúng học thêm văn hóa và nâng cao trình độ Phật pháp, nhằm đào tạo Ni tài để “kế vãng khai lai” nhằm tiếp tục duy trì và phát triển Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam và đóng góp cho Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. 

Chúng ta đã có thể thấy rằng Ni trưởng Huỳnh Liên, với vai trò là người lãnh đạo Ni giới đã trở thành biểu tượng như “viên đá nền của Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam”. Điều này không chỉ có giá trị trong quá khứ mà cả trong hiện tại lẫn ở tương lai cho thế hệ kế thừa Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam học hỏi và noi theo.

Tác giả: Thích nữ Quang Hảo

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NT. Khiêm Liên, Ni trưởng Huỳnh Liên – Cuộc đời và đạo nghiệp, NXB Hồng Đức TP. HCM, 2014.

2. Trích Lời di chúc của Ni trưởng.

3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, TT Bảo tồn và Phát huy giá trị Di tích Lịch sử - Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Hành trình Di sản Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, NXB Thông tấn, 2011.

4. Thích Từ Thông, Pháp Hoa kinh, Thâm nghĩa đề cương, NXB. Tôn giáo, 2010.

5. Kỷ yếu Ni trưởng Huỳnh Liên, NXB, TP.HCM, 1994.

6. https://daophatkhatsi.vn/lich-su-he-phai/chan-dung-khat-si/ton-duc-ni/tieu-su-ni-truong-huynh-lien.html&page=8?yy=2024&mm=3