Trang chủ Bài viết nổi bật Nghiên cứu sự phát triển lý tưởng Bồ tát qua các thời kỳ Phật giáo

Nghiên cứu sự phát triển lý tưởng Bồ tát qua các thời kỳ Phật giáo

Lý tưởng Bồ tát trong Nguyên thủy mặc dù đã được đức Phật khuyến khích: “hãy du hành vì lợi ích chúng sinh” thế nhưng qua thời gian Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử đã quên đi hạnh nguyện ấy mà chì chú trọng đến lý tưởng A la hán.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lý tưởng Bồ tát trong Nguyên thủy mặc dù đã được đức Phật khuyến khích: “hãy du hành vì lợi ích chúng sinh” thế nhưng qua thời gian Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử đã quên đi hạnh nguyện ấy mà chì chú trọng đến lý tưởng A la hán.

Tác giả: Thích nữ Nguyên Tuệ

DẪN NHẬP

Không phải ngẫu nhiên mà đức Phật Thích Ca được tôn xưng là bậc Thánh nhân, bậc Toàn giác với đầy đủ mười danh hiệu trên thế gian, cũng không phải một sớm hay một chiều mà thành tựu viên mãn công hạnh tuyệt vời ấy được. Tất cả những thành quả ấy là một lộ trình dấn thân tu hành không ngừng nghĩ và không gì hơn là thực hành tích lũy trọn vẹn các pháp Ba la mật của một vị Bồ tát. Điều này đã được đức Phật dạy gia cho gia chủ Cấp Cô Độc qua chuyện tiền thân Apaṇṇaka: “Này gia chủ, chính vì mục đích loại bỏ các nghi nan ở đời, nhờ sự thực hành trọn vẹn mười hành Ba la mật trải vô lượng kiếp mà Ta chứng đắc Nhất Thiết Trí”[1]. Tuy  nhiên, để thực hiện các hạnh nguyện ấy thì chắc hẳn trong tâm của Ngài đã nung nấu lý tưởng cao vời và chính lý tưởng này đã thôi thúc Ngài hành động để đạt quả vị tối thượng.Không chỉ dừng lại ở đó, cho đến sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài cũng không quên dặn dò chúng đệ tử: “Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[2].

Như vậy, có thể thấy lý tưởng Bồ tát không phải là phát minh của những thế kỷ sau khi Phật nhập Niết Bàn mà trái lại, nó là một tư tưởng then chốt của Phật giáo Nguyên thủy. Điều này được minh chứng tiêu biểu qua câu nói của đức Phật: “Thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chính Ðẳng Chính Giác”[3] và trong các chuyện tiền thân của Phật (Jatāka). Thế nhưng, thời gian trôi qua dường như các đệ tử Phật quên đi nghĩa vụ truyền bá chính pháp mà chỉ chú trọng đến giải thoát tự thân thông qua lý tưởng A La Hán. Do vậy, lý tưởng Bồ tát Đại thừa hình thành để chống lại tư tưởng thiếu nhiệt tâm trên-đây là điểm nổi bật chính yếu và quan trọng của một tiến trình phát triển của Phật giáo. Phật giáo đã trãi qua ba giai đoạn từ Nguyên thủy, Bộ phái đến Đại thừa thì tất nhiên, sự phát triển lý tưởng Bồ tát cũng chuyển biến qua ba giai đoạn ấy để tiến đến hạnh nguyện lớn lao vì tất cả lọi người.

NỘI DUNG

Chương I: Khái quát về “Lý tưởng Bồ tát

1. Định nghĩa “Bồ tát”

“Bồ tát”, tiếng Pāli: Bodhisatta, gồm hai phần: Bodhi là trí tuệ, Satta là gia công hay chuyên cần. Vậy Bodhisatta là người gia công hay chuyên chú nỗ lực để thành đạt trí tuệ, là chúng sinh có nguyện vọng trở thành Phật.”[4]. Bồ tát có ba hạng: Trí tuệ Bồ tát (pañāṅdhika), Tín đức Bồ tát (saddhādhika), Tinh tấn Bồ tát (viriyādhika).

Phát triển rộng ra định nghĩa về Bồ tát theo L.S.Kawamura:

“Theo từ nguyên học, thuật ngữ kết hợp bởi 2 từ: Bodhi và sattva.

Bodhi : giác ngộ, tỉnh thức (enlightenment)

Sattva : từ này được giải thích nhiều nghĩa khác nhau, như:

1) Thật tính, tự tính (true essence, nature, essence) . Như vậy Bodhisattva có nghĩa: trí tuệ là thật tính, tự tính của con người.

2) Chúng sinh, hữu tình (living being, sentient being). Như vậy Bodhisattva có nghĩa: một hữu tình giác ngộ.

3) Tinh thần, tâm, thức. Như vậy Bodhisattva ở đây có nghĩa: Người có tâm, ý định, tư tưởng hay ước nguyện phù hợp với giác ngộ.

4) Thai tạng chứa đựng tri thức, tri thức đang tìm ẩn, chưa phát triển

5) Sự sáng suốt.

6) Năng lực, sức mạnh, nhiệt tâm. Đây có nghĩa: Người có năng lực hướng đến giác ngộ.”[5]

Theo từ điển Phật học Huệ Quang: “Người tu hành, trên cầu thành Phật bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tức là người đầy đủ hai hạnh: tự lợi, lợi tha và dõng mãnh cầu thành Phật. Từ Bồ tát dành để chỉ cho người tu hành Đại thừa cầu thành Phật, kể cả hàng Thanh văn, Duyên giác chuyển tâm cầu thành Phật thì cũng được gọi là Bồ tát”[6]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ly tuong Bo tat 1

Tượng Bồ tát thế kỷ 11. Nguồn ảnh: www.historytoday.com

2. Nguyên nhân hình thành lý tưởng Bồ tát

Trong tác phẩm, “Lý Tưởng Bồ Tát-Một Tia Sáng Trong Bóng Tối Của Thời Đại Chúng Ta” của Lama Anagarika Govinda đã viết: “Lý tưởng khác với chủ nghĩa giáo điều ở chỗ nó không khép kín. Lý tưởng thúc đẩy và khuyến khích sự tự do quyết định của cá nhân, và do đó, khác với chủ nghĩa giáo điều, nó không cần sự biện hộ của tư liệu lịch sử hay lý luận. Lý tưởng có sức thuyết phục trực tiếp vì nó luôn tạo niềm cảm hứng mới mẽ cho con người và giúp con người định hướng một cách sáng tạo cho tương lai. Nhờ chính điều này mà lý tưởng có giá trị ngay trong hiện tại và cho chính cuộc sống hiện tại. Lý tưởng Bồ tát cũng thế. Nó đã có ảnh hưởng lớn trên đời sống, tư tưởng và hành động của người Phật tử trong suốt hơn hai ngàn năm nay mà không cần sự biện minh của triết học kinh viện, chủ thuyết giáo điều hay các dữ kiện lịch sử tôn giáo. Lý do chính là vì nó là sự thể hiện thường trực của một nội tâm có sức mạnh chuyễn hóa và kêu gọi con người thực hiện mục tiêu cao cả mà đức Phật đã soi sáng cho chúng ta bằng chính tấm gương cuộc đời Ngài.”[7]

Và như vậy “Lý tưởng bồ tát”có nguồn gốc từ chính Phật giáo không bị ảnh hưởng bởi Hindu hay Jaina. Không có từ Bodhisatta hay bất cứ một từ nào có cấu tạo tương tự xuất hiện trong văn chương Phệ-đà, văn chương Hindu hay Jaina. Cũng vậy, theo nghiên cứu qua tác phẩm “Bồ Tát Và Tánh Không”-Tác giả nhận định: “Sự phát triển lý tưởng Bồ-tát thật sự là biểu trưng đặc thù của trường phái Đại-thừa (truyền thống Phật giáo Phát triển). Dường như các nhà Nguyên-thủy thừa kế lý tưởng Bồ tát này từ truyền thống trùng tụng cổ xưa nhất hơn là vay mượn nó từ trường phái khác.”[8]

Nguyên nhân nào hình thành nên lý tưởng ấy Bồ tát có thể nói đến sự kiện sự đản sinh của đức Phật được miêu tả:“Một vị hữu tình không bị chi phối, đã sinh ra đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người.”[9]. Chính đây là mấu chốt cho ta thấy được lý tưởng Bồ tát của đức Phật, bên cạnh đó là sự khuyên bảo các đệ tử hãy nỗ lực thực hành để đạt quả vị A La Hán, chuyên công tu tập diệt trừ tham, sân, si để đạt Niết Bàn.Nhiều đoạn kinh ấy cho ta biết chắc rằng đối với kinh tạng Nguyên thủy, thì con đường đưa đến quả vị A-la-hán là mục tiêu được qui định cho đời sống xuất gia như kinh “Thừa Tự Pháp trong Trung Bộ”[10] tán thán đời sống độc cư….Và sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử đã tuân theo lời dạy ấy, truyền bá chính pháp, lợi lạc quần sinh.  Nhưng theo thời gian, các vị lo tự ngã, tu tập trừ tham sân si, xa rời xã hội, thích sống ẩn cư nơi núi cao rừng sâu. Khoảng thời gian sau A Dục 232 trước Tây Lịch, Tăng đoàn phát triển, sống trong tu viện rộng lớn, chuyên lo tu tập. Bối cảnh xã hội thời này chiến tranh, đói khác, những giáo lý như Nhân Duyên,Tứ Đế, Duyên Khởi…không còn cuốn hút đối với xã hội, một số tu sĩ thiếu tích cực trong lợi lạc quần sinh. Và lý tưởng Bồ tát hình thành chống lại tư tưởng thiếu nhiệt tâm trên. Từ đó trãi qua nhiều giai đoạn trong tiến trình phát triển giáo lý và tiến hóa lịch sử, lý tưởng Bồ tát đã phát triển đến thời đại sau này mà người ta gọi là Bồ tát thừa

Chương II: Sự phát triển “Lý tưởng Bồ tát”

1. Bồ tát trong Nguyên thủy

Lý tưởng A-la-hán thường được xem là lý tưởng dẫn đạo cho Phật giáo Nguyên thủy và lý tưởng Bồ tát là lý tưởng dẫn đạo của Phật giáo Đại thừa.

Khi nói về khái niệm Bồ tát, ta phải nghiên cứu qua bộ “Chú giải lịch sử chư Phật (Buddhavaṃsa atthakathā) nói về tiền thân của Đức Phật kiếp đầu tiên làm Bồ tát có tên là Sumedha (Thiện Tuệ)[11].

Bồ tát Sumedha xuất gia với Phật Nhiên Đăng (dīpaṅkara) và cuối cùng được Phật thụ ký trải qua bốn A tăng kỳ trăm nghìn kiếp sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca và “Sau khi được thụ ký, Bồ tát đã trải qua nhiều đời kiếp sinh vào các loài hữu tình để hoàn thành những hạnh nguyện của mình. Đó là những truyện về Bồ tát trong Bản Sanh Đàm. Có khi Bồ tát làm Chuyển Luân Thánh Vương, có khi làm ngư phụ, cũng có khi làm loài vượn, loài thỏ…Tất cả sự kinh lịch biến hình đó rốt cuộc cũng chỉ là hoàn thành hạnh nguyện “trên cầu bồ đề, dưới hóa độ chúng sinh”. Như vậy “lấy sự phát tâm từ thời đại Thiện Tuệ làm khởi điểm đến thời gian cuối cùng an trụ nơi cung trời Đâu Suất, trong khoảng bốn A tăng kỳ trăm nghìn kiếp sinh tử thật ra cũng chỉ là những giai đoạn hoàn thành mười Ba la mật này.”[12]. Như vậy, Bồ tát trong giai đoạn luân hồi ta thấy vẫn còn là phàm phu, chưa đạt đến địa vị siêu nhân.Sang đến giai đoạn tối hậu thân của Bồ tát khi từ cung trời Đâu Suất đi xuống dùng hình voi trắng vào thai mẹ, sự nhập thai, trụ thai Bồ tát đều ý thức được và sự đản sinh của Bồ tát cũng là sự vi diệu, được chư Thiên tiếp thụ, Thiên Long phun nước cam lộ để tắm, đi bảy bước… Từ đây là lộ trình tự tu để chứng quả vị A la hán.

Và khi nghiên cứu về quan điểm Phật thân quan, theo Nguyên thủy Phật giáo, họ xem “Phật như một A La Hán, điều này được ghi rõ trong Đại phẩm luật: sau khi độ năm vị Tỳ kheo và kể cả Phật thì thế gian đã có sáu vị A La Hán. Song, trên thực tế, sự vĩ đại của Phật, không nói ai khác, đến ngay Ca Diếp, Mục Kiền Liên hay Xá Lợi Phất cũng không bì kịp”[13]. Do đó, sự xuất hiện của Phật là hiếm có như trong Mahā Govinda Sutta (kinh Đại Điển Tôn) có nói: “Không một chỗ nào, không một thời gian nào cùng chung một thế giới mà có hai vị Ứng Cúng, Chính Đẳng Giác đồng thời ra đời, không ra trước, không ra sau, không bao giờ sự kiện như vậy có thề xảy ra”[14].

Nghiên cứu như vậy để thấy rằng Nguyên thủy xem quả vị Phật khó đạt được và hạnh Bồ tát chỉ có Phật thành tựu viên mãn như nhận định: “Chỉ có đức Phật Thích Ca những kiếp trước là Bồ tát và đã từng vào đường sinh tử dưới nhiều hình thức, chứ chưa có ý niệm về những Bồ tát đồng thời tồn tại như Văn Thù, Phồ Hiền của Đại thừa Phật giáo”[15]. Cho nên Nguyên thủy không chấp nhận nhiều vị Phật và Bồ tát ở Trời Tusita, họ xem quả vị A La Hán là tối cao, là mục đích cứu cánh rốt ráo viên mãn. Mục đích đời sống là A-la-hán quả, đôi khi là Độc giác quả (Pacceka Buddha) và không đời nào Phật quả. Những thứ bực tu chứng đến A-la-hán quả gồm có bốn: Sotàpanna (Dự lưu), Sakadàgàmi (Nhứt lai), Anàgàmi (Bất lai), và Arahatta (A-la-hán). Đây là điều mà Nalinaksha.Dutt nhận định: “Các tập Pàramità (Ba-la-mật) chưa được biết đến. Đời sống đức Phật thường bắt đầu khi Ngài xuất gia cho đến khi giác ngộ Bồ đề, thỉnh thoảng có nói đến đời sống trước của Ngài, như trong Kinh Mahàgovinda hay Mahàsudassana. Quan điểm đời sống của một vị Bodhisattava (Bồ-tát) thực hành các hạnh Ba-la-mật còn rất mù mờ, nếu không phải là không được biết đến.”[16]

Trong tài liệu “Phật Sử Và Hạnh Tạng”, khi nói về Bồ tát Sumedha: “Sự phát nguyện được thành tựu nhờ vào sự tổng hợp của tám pháp: bản thân là loài người, thành tựu nam căn, có chủng tử, nhìn thấy bậc đạo sư, là vị xuất gia, hội đủ đức hạnh, có hành động hướng thượng và lòng ước muốn”[17]. Ở đây ý muốn nói đến một vị trở thành Phật trong tương lai thì phải đạt những điều kiện trên- dưới sự chứng giám của bậc đạo Sư hay phải xuất gia… điều này qua “Lý tưởng Bồ tát Đại thừa” sẽ có khác biệt rất rõ mà người viết sẽ phân tích phần sau.

Từ những nghiên cứu trên, ta thấy rằng lý tưởng Bồ tát trong Nguyên thủy mặc dù đã được đức Phật khuyến khích: “hãy du hành vì lợi ích chúng sinh” thế nhưng qua thời gian Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử đã quên đi hạnh nguyện ấy mà chì chú trọng đến lý tưởng A la hán. Cho nên, trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy,lý tưởng Bồ tát chưa được định hình rõ nét, chỉ chú trọng vào hình tướng hơn là vào tâm thức, Bồ tátmang thân phận con người bình thường và đang trong quá trình tu tập để hướng đến để đạt được hạnh nguyện Niết Bàn và chứng đắc quả vị A la hán.

Tuy nhiên ta cần xác định rằng truyền thống Nguyên Thủy đã thể nhập lý tưởng Bồ tát trong giáo lý cơ bản, cho đến chuyển tiếp qua thời kỳ Bộ phái thì lý tưởng Bồ tát đã có sự biến đổi và đó cũng là nền tảng cho Đại thừa sau này

2. Bồ tát trong các Bộ phái

Trước hết là những quan điểm khác nhau giữa các tông phái quan niệm về Đức Phật. Mặc dù phái Nhất Thiết Hữu Bộ vẫn xem Phật như người bình thường nhưng đã thánh hóa các đức tính của Đức Phật- tiêu biểu qua tập Divyàvadàna: “tập Divyàvadàna chép rằng sau khi Đức Phật thuyết pháp, có kẻ chứng Thanh Văn Giác, có kẻ chứng Độc Giác, có kẻ chứng Chính Đẳng Giác. Nói rằng có kẻ chứng được Chính Đẳng Giác có nghĩa là, đến thời đại tập Divyàvadàna, phái Nhất Thế Hữu Bộ đã công nhận lý tưởng Chính Đẳng Giác là một quả vị có thể thành đạt được. Như vậy rõ ràng phái Nhất thế hữu bộ khuyến khích nguyện vọng đạt được Phật quả, nghĩa là đời sống của vị Bồ-tát và như vậy, mục tiêu Phật quảkhông phải chỉ thuộc Đại chúng bộ hay Đại thừa. Các vị Nhất Thiết Hữu Bộ cũng như các vị Thượng tọa bộ đều quan niệm Đức Phật như một con người, nhưng các vị này quan trọng hóa những đức tính và năng lực của Đức Phật khiến Đức Phật trở thành một bậc siêu nhân”[18].

Thực tế khi nhìn vào những văn bản kinh điển của thời kỳ Phật giáo Bộ phái đã nâng cao năng lực tuệ giác của Đức Phật đến mức độ cuối cùng, gán cho Ngài những đức tính của một đấng toàn năng. Ngài trở thành một bậc sở hữu được vô số phép thần thông kỳ diệu, mười tám “Pháp Phật nhiệm mầu”, không được đề cập trong các kinh tạng cổ điển, đã được thêm vào. Những chuyện tiền thân Đức Phật – kể về những tiền kiếp Ngài đã có ý thức chuẩn bị sứ mạng thành Phật như thế nào bằng cách thực hành Bồ tát hạnh trong vô lượng A-tăng tỳ- kiếp.Trọng tâm của những câu chuyện ấy là tinh thần phục vụ và hy sinh. Chính nhờ phục vụ kẻ khác và hy sinh thân mình vì lợi ích của kẻ khác mà Bồ tát đã tạo được nhiều công đức và đạt được những đức hạnh đưa đến chứng đắc Phật quả.

Như vậy, trong tư tưởng Phật giáo được nhận thấy rõ ràng qua các trường phái của thời kỳ Phật giáo tiền Nguyên thủy, chiều hướng vị tha trong sự kiện thành đạo của Đức Phật đã được nhấn mạnh. Từ quan điểm này, sự thành đạo của Đức Phật là đầy ý nghĩa, không những chỉ vì điều này đã mở ra con đường đi đến Niết bàn cho nhiều người khác.Việc thành đạo ấy đã hoàn tất một công trình tu tập trải dài qua nhiều A-tăng -tỳ-kiếp, khởi đầu bằng động lực vị tha và trải qua vô lượng kiếp vẫn được duy trì bằng quyết tâm sống vì người khác. Trong giai đoạn tu tập này, theo các truyện tích, thì vị Bồ tát tự mình thành tựu nhiều công đức để chứng đắc Phật quả bằng cách hoàn thành viên mãn một số đức hạnh tối cao, hạnh nguyện ba-la-mật, mà giờ đây những hạnh nguyện này đã chiếm vị trí của các chi phần trong Bát Chính Đạo của Phật giáo tiền Nguyên thủy.

Bên cạnh đó, quan điểm về Bồ tát của phái Đại Chúng Bộ, Nhất Thiết Bộ, Thuyết Xuất Thế Bộ, Kê Dẫn Bộ đều “Quan niệm về Bồ-tát nghĩa là các vị Bồ-tát không sinh và không lớn trong mẫu thai như người thường. Vào mẫu thai với tâm thần sáng suốt không bao giờ chứa chấp những tư tưởng, cảm giác về dục lạc, hận thù hay làm hại, và chịu thọ sinh vào hạ giới vì lợi ích cho chúng sinh.”[19]. Và giai đoạn này họ đã thần thánh hóa một vị Bồ tát có năng lực siêu phàm, không phải là một thân tướng phàm nhân như thời kỳ Nguyên thủy.Trong tác phẩm “Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận” lý giải:

“Phía Đại Chúng Bộ thì vốn cũng coi Bồ tát là phàm phu, về điểm này tuy cùng nhất trí với Thượng Tọa Bộhệ, nhưng địa vị phàm phu ấy chỉ ở A tăng kỳ đầu mà thôi, từ A tăng kỳ thứ hai trở đi thì Bồ tát đã trở vào thánh vị, nghĩa là trong A tăng kỳ thứ hai, Bồ tát đã hoàn thành sự nghiệp tự tu. Dưới thời Phật Ca Diếp ở quá khứ, Bồ tát đã đến chính tính ly sinh, cho nên lúc đó được coi là đã thoát địa vị phàm phu.Nếu thế thì từ A-tăng-kỳ thứ hai trở về sau Bồ tát tu hạnh gì?Các học giả của Đại-chúng-bộ-hệ cho rằng lúc đó Bồ tát duy chỉ tu hạnh vị tha, nghĩa là, nỗ lực ở sự nghiệp “hạ hóa chúng sinh”. Do đó, Bồ tát hiện thân vào các ngả ác, điều đó không phải kết quả của nghiệp lực mà là vì nguyện độ sinh không vào ác thú không được. Như vậy, bất luận Bồ tát đầu thai, tu khổ hạnh hay sinh vào ngả ác, đều là do ý chí tự do chứ không phải do kết quả của nghiệp báo. Sau đến Đại thừa, tư tưởng về Bồ tát Địa Tạng hóa độ lục đạo, và tính ngưỡng về Quan Thế Âm Bồ tát hiện ra ba mưoi hai thân tướng để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, thật đã phát xuất tự hệ thống tư tưởng trên.”[20]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ly tuong Bo tat 2

Và như vậy, những quan điểm đó đã làm thay đổi khái niệm về Bồ tát khác với Nguyên thủy Phật giáo.Một điểm rất đặc biệt nữa mà tập sách này nói đến là vua A Dục- một vị vua có sức ảnh hưởng rất mạnh đến Phật giáo lúc bấy giờ:

“Vua A-dục không đề cập đến quan niệm Bồ-tát, các hạnh Ba-la-mật, những hạnh này rất dễ dàng thuận tiện được chấp nhận vào quy ước đạo đức gồm những câu cách ngôn của Ngài. Vua khuyến khích dân chúng nên lựa con đường trung đạo, tránh xa hai sự thái quá, một là thoát ly ra khỏi thế tục, hai là sự đắm say trong ganh tị, sân hận, giải đãi v.v… Như vậy chứng tỏ Vua không tán thành một đời sống thoát ly gia đình, một lối sống được Phật nguyên thủy Tiểu thừa quan trọng hóa. Có lẽ vì vua A-dục ưa thích đời sống lý tưởng của một cư sĩ hơn đời sống thoát tục của một tu sĩnên các tu sĩ đạo Phật tìm cách phổ thông hóa đạo Phật và nhờ vậy chúng ta có một nền văn họcJàtaka và Avadàna rất phong phú.[21]

Một điều quan trọng cần phải thừa nhận đó là trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái, các trường phái Phật giáo đã chấp nhận ba thừa: Thanh văn thừa, Độc giác thừa, Bồ tát thừa. Đây là nhận định có thể là tiền đề cho sự phát triển lý tưởng Bồ tát về hình tướng người cư sĩ tại gia chứ không hạn hẹp trong khuôn khổ xuất gia như Nguyên thủy Phật giáo.

3. Bồ tát trong Đại thừa

Bồ tát là một trong những tư tưởng quan trọng và là một biểu trưng đặc thù của trường phái Đại thừa.Khái niệm Bồ tát trong Đại thừa là một hệ luận sâu sắc, Phật giáo Đại thừa tin rằng họ đã phát triển phong phú khái niệm Bồ tát của Phật giáo Nguyên thủy.Họ đã chứng minh trong thế giới con người có những bồ tát phát Bồ đề tâm,tu tập các hạnh nguyện Ba la mật và sẽ trở thành Phật. Sự phát Bồ đề tâm đòi hỏi Bồ tát phải hy sinh bản thân trong nhiều đời và khi nào chúng sinh giải thoát thì mời đến Ngài giải thoát,bởi vì nếu chỉ giải thoát cho riêng mình trước người khác thì ý nghĩa của Bồ đề tâm sẽ không được phát triển đầy đủ.Có thể nói Bồ tát nguyện, Bồ tát hạnh và Bồ đề tâm là ba yếu tố quyết định đưa đến Phật thừa.

Đại thừaxem Bồ tát như bậc siêu nhân, vì chúng sinh mà nguyện sinh váo các ác thú, chỉ là pháp thân quyền hóa mà thôi.Đứng trên bản thể Phật tánh thì mỗi chúng sinh là một vị Phật tương lai, đều có tiềm năng, chủng tử thành Bồ tát, Phật và thực hành sáu Ba la mật căn bản. Vì vậy, có rất nhiều tướng mạo và đức hạnh riêng biệt với vô số Bồ tát trong thế giới này và đặc trưng trọng yếu nhất của đạo Bồ tát là sự nghiệp lợi tha: “Nếu mình muốn đạt lý tưởng giới thì phải đưa người khác cũng đạt như mình và đưa người khác đạt đến lý tưởng giới tức là mình đạt đến vậy. Đó là tâm từ bi và hạnh từ bi của đạo Bồ tát”[22].

Vì vậy, quan điểm của Đại thừa có tínhnhập thế, có trách nhiệm giáo hóa quần sinh và không nhất thiết phải lànhà tu hành, không nhất thiết theo đạo Phật….Bồ tát thật sự là Bồ tát khi không còn chấp thủ điều gì và luôn có tâm buông xả tất cả kể cả hạnh phúc bản thân. Tuy nhiên, không vì thế mà Bồ tát Đại thừa chống đối tư tưởng A la hán mà chỉ phê phán quan điểm tính không lợi tha mà thôi. Với khái niệm Bồ tát này, các nhà Đại thừa đã thêm chi tiết hạnh nghiệp của Bồ tát, trong đó nhấn mạnh không chỉ thực hiện đầy đủ các Ba la mật mà còn tu tập nhiều phương pháp thiền định hướng đến giác ngộ.

Thật vậy, Nalinaksha.Dutt nhận định: “tuy các nhà Đại thừa cũng dành một địa vị đặc biệt cho Nekkhamma, nhưng không bắt buộc mọi người đều phải thoát ly thế tục để được hưởng những đặc ân của Phật giáo”[23] và “Tuy là Bồ tát, nhưng không nhất định là không phạm vào việc ác. Song, sở dĩ Bồ tát được gọi là Bồ tát vì, một mặt tuy có phạm các việc ác, nhưng mặt khác không bao giờ đình chỉ việc truy cầu cái lý tưởng Phật vĩnh viễn bất tuyệt, mà phương pháp để thực hiện lý tưởng ấy của Bồ tát là trước hết phải hy sinh tự kỷ, đả phá mọi ngã chấp, ngã dục nhỏ nhen, thích ứng mọi cảnh ngộ để vì người, giúp đời mà làm tất cả việc thiện. Đạo Bồ tát, nếu là đạo tại gia thì phạm vi hoạt động của nó rất rộng so với đạo xuất gia, vì lấy Phật làm lý tưởng nên đạo Bồ tát có tự do, có độ sâu xa. Theo nghĩa ấy, những đức mục tu dưỡng của Bồ tát không hạn chế như đạo La hán”[24].

Đặc biệt, Đại thừa đối với lý tưởng Bồ tát tận dụng triệt để phương tiện thiện xảo để giúp chúng sinh cùng giác ngộ, thị hiện vô số thân hình vạn trạng vì lợi ích chúng sinh.Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật khẳng định: “Do nhờ Ông thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa làm cho ta đầy đủ sáu pháp Ba la mật, từ bi hỷ xã, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi món đẹp…thành bậc Chính giác rộng độ chúng sinh, tất cả công đức đó đếu là nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạ Đa…Qua vô lượng kiếp về sau, ông Đề Bà Đạt Đa sẽ đặng thành Phật”[25]. Hay như phẩm Hóa Thành Dụ là ví dụ rõ nhất cho phương tiện thiện xảo và mục đích cốt yếu là quả vị Phật chứ không phải A La Hán. A La Hán thật ra chỉ là giai đoạn chứng quả và cần phải tiếp tục tiến tu lên quả vị Phật. Và còn rất nhiều phương tiện Duy Ma Cật sử dụng: “Hiện thân làm cư sĩ, chúng sinh bệnh nên thị hiện bệnh”[26]. Còn trong Kinh Kim Cang: “Bồ tát ưng ly nhất thiết tướng phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm, bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sinh tâm, bất ưng trụ sắc bố thí, Bồ tát vị lợi ích nhất thiết chúng sinh, ưng như thị bố thí….”[27].Sự bố thí này đạt rốt ráo viên mãn.Vậy chăng, nên nhìn lại để thấy rằng, mục đích của Đại thừa vì lợi ích tha nhân mà bản thân mình làm phương tiện để giúp người khác chứng thánh quả.Chính trong cái nguyện đó mà dùng phương tiện thích hợp để độ chúng sinh.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh lý tưởng của Bồ tát của Đại thừa là sự phát Bồ đề tâm nhưng không mong cầu Phật quả. Ngài Địa Tạng Bồ tát từng phát nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề” và còn nhiều kinh khác nữa đã miêu tả về đức hạnh và năng lực của các vị Bồ tát lập nguyện tiếp độ chúng sinh, còn một chúng sinh chưa giải thoát thì các Ngài sẽ không thành Phật.Tâm của các Ngài đã vượt qua ranh giới giữa sự đối đãi hai bên, và đạt rốt ráo viên mãn Ba la mật- đó chính là ý nghĩa câu: “Độ tất cả chúng sinh mà không thấy chúng sinh được độ”. “Trong giáo nghĩa học nói về Bồ tát: “tự nguyện vào ác thú”, có thể chứng Niết Bàn rồi, nhưng lại tình nguyện ở lại trong sinh tử, thệ nguyện hết thảy chúng sinh thành Phật, nhưng mình không thành Phật vội. Cho đến Niết Bàn của Bồ tát cũng an trụ trong hoạt động, cũng là bất trụ Niết Bàn”[28].

Chương III. Nhận xét:

Qua phân tích trên ta có thể rút ra nhận xét mà đa phần các nhà nghiên cứu đều chấp thuận đó là: “Trong Phật giáo Nguyên thủy, Bồ tát như người tu tập đoạn trừ kiết sử, thanh tịnh tâm để trở thành bậc hoàn thiện và giác ngộ. Chính những Bồ tát như vậy xuất hiện trong kinh điển Pali. Thành tựu được như vậy là Bồ tát hoàn thành lý tưởng phạm hạnh của mình. Nhưng lý tưởng Đại thừa đã đưa Bồ tát đến những nỗ lực lớn hơn dựa trên những hoạt động tích cực để giúp tất cả chúng sinh đau khổ đạt được hạnh phúc tối hậu mà trước đó Bồ tát không quan tâm. Không thỏa mãn với những tu tập chỉ làm giảm tham, sân, si, tiêu trừ kiết sử và hoàn thành đời sống phạm hạnh cho chính mình. Còn một chúng sinh nào chưa giải thoát thì Bồ tát chưa giải thoát. Đó là lý tưởng Bồ tát.”[29]

Thật vậy, lý tưởng Bồ tát mục đích tuy có khác nhau nhưng sự thực hành các hạnh Ba la mật không khác. Những người phát tâm tu các hạnh Ba-la-mật, phải phấn đấu thực hành những giới hạnh đó đến chỗ toàn thiện toàn mỹ, không những trong kiếp sống hiện tại và trong nhiều kiếp sống liên tiếp, cho đến khi thành được Phật quả. Kinh sách Đại thừa nói tới sáu hạnh Ba-la-mật, còn kinh sách Phật giáo Nguyên thủy nói tới 10 hạnh Ba-la-mật. Tuy số hạnh có khác nhau, nhưng nội dung của các giới hạnh thì tương tự, chỉ khác về cách phân loại và phân tích trong ý nghĩa xã hội nhân bản và tích cực của đạo đức Phật giáo. Điều này trong tài liệu Tiểu thừa nhận định: “Nam phương lấy mười độ làm chuẩn, còn Bắc phương là kết quả của sự chỉnh lý và cắt xén từ số mười. Mười hay sáu ba la mật này đều là Phật Thích Ca khi còn ở nhân vị thực hành, tiến lên bước nữa, đạt đến bá thí, nhẫn nhục, tinh tiến, hoàn toàn xa lìa ngã chấp, xa lìa tất cả mọi sự lợi, hại, đắc, thất, hy sinh cả thân mệnh để thể nghiệm lý tưởng tối cao (Phật)”[30].

Từ số Ba la mật ở trên, tuy có sự khác nhau như thế, nhưng nếu xét trên tổng thể nhân duyên, những gì Đại thừa phát triển về sau đều có cái nhân của Tiểu thừa trước đó. Đại thừa chỉ phát triển và mang tính hội nhập với xã hội, thông tục hóa và đem lại sự gần gũi thiết thực. khi nghiên cứu về bản nguyện của Bồ tát, các nhà biên tập nhận định: “Cái manh nha của tư tưởng bản nguyện thật đã bắt nguồn từ Kinh Bản Sanh này. Trong vô sớ kiếp tu hạnh Bồ tát, hiện thị nhiều thân, hy sinh tự kỷ, nổ lực vì người vì đạo. Tuy nhiên, gấp trăm gấp nghìn truyện được ghi trong Bản Sanh, nhưng nếu đem nỗ lực hy sinh đó mà giải thích thì tất cả chỉ là bản nguyện mà thôi. Nghĩa là, những nổ lực là tối hậu của Bồ đề, tức trí tuệ giác ngộ, làm nội dung mà thành Phật, mà thành Phật để cứu độ chúng sinh mê vọng tức là cái tổng nguyện “thượng cầu bồ đề, hạ hóa chúng sinh” vậy. Cho nên kiếp trước của Phật bất luận là thị hiện làm vượn hay thỏ được gọi là Bồ tát, tất cả đều tu hành theo đạo trình tiến đến thành Phật. Sau này, khi Đại thừa phát triển thì Bồ tát lập bản nguyện tự kỷ nỗ lực thành Phật, đồng thời, kiến thiết tịnh độ để tiếp độ chúng sinh cùng giác ngộ. Tư tưởng này chẳng qua chỉ là sự miêu tả khoáng đại tư tưởng trong kinh Bản Sanh mà thôi”[31] và “mầm móng tư tưởng hiện nay đã nằm sẵn trong những vấn đề trung tâm của Phật giáo Nguyên thủy, có liên hệ trực tiếp đến Phật đà quan, và phong trào thông tục hóa Phật giáo”. Tuy biệt nguyện khác nhau thành Phật trước hay độ chúng sinh trước rốt cuộc đi đến tổng nuyện: Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

Lý tưởng trong Bồ tát Đại thừa chính là một cuộc sống hoàn toàn vô ngã, vị tha, tích cực, năng động, phong phú. Ta nhớ đến thuở xưa một A Nan “Thệ tiên nhập” để giáo hóa chúng sinh; một Ngài Địa Tạng thệ nguyện “Chưa độ hết chúng sinh trong địa ngục, thệ không thành Phật”; một Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát “tầm thinh cứu khổ, cứu nạn” với bất cứ hóa thân nào; và còn biết bao nhiêu Đại Nguyện khác của các vị Bồ Tát và Phật, chẳng có Đại Nguyện nào để xa lìa chúng sinh cả.

KẾT LUẬN

Như chúng ta biết,đa phần đều nhận định lý tưởng A-la-hán thường được xem là lý tưởng dẫn đạo cho Phật giáo Nguyên thủy và và lý tưởng Bồ tát là lý tưởng của Phật giáo Đại thừa. Thế nhưng qua những gì nghiên cứu ta thấy truyền thống Nguyên thủy đã thể nhập lý tưởng Bồ tát trong giáo lý cơ bản và như vậy đã công nhận giá trị của quả vị A-la-hán và quả vị Phật đều là hạnh nguyện tu tập của người xuất gia. Cho nên dù là Đại thừa hay Tiểu thừa đều cùng lý tưởng vì chúng sinh, mục đích duy nhất là mình giải thoát và tất cả chúng sinh đồng giải thoát. Những người tin theo Phật giáo phát tâm Bồ-đề, cầu đạt quả Phật, cũng phấn đấu trong kiếp sống hiện tại và trong nhiều kiếp sống sau này, thực hành các hạnh nguyện Ba-la-mật như là cơ sở nền tảng thiết lập cội rễ hạnh phúc thật sự. Triết gia người đức Keyserling[32] đã nói “Con người cũng bất tử như lý tưởng của họ và con người cũng thật như chính năng lượng mà họ dùng để phục vụ lý tưởng của họ”.

Có thể nói, con đường Bồ tát là con đường không đơn giản và dễ dàng, bởi lẽ những ai đang thực hành lý tưởng ấy đều cảm nhận sự thách thức và nghịch cảnh. Lama Anagarika Govinda đã nói về lý tưởng Bồ tát như sau: “Ở đây, vần đề mấu chốt là làm sao chủ động “đi qua” cuộc đời này. Nói khác đi, con đường này không đưa chúng ta “ra khỏi cuộc đời” mà “đi xuyên và vượt qua bên kia cuộc đời”. Những ai đang đi trên con đường này đều cảm thấy nội tâm tràn đầy hạnh phúc khi họ bắt đầu cảm nhận là họ đã hòa nhập làm một với tất cả muôn loài. Và như thế, ngày hôm nay và mãi về sau, lý tưởng Bồ tát kêu gọi những tình cảm sâu kín nhất từ trong trái tim mỗi người chúng ta, nó thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa hiến dâng vì mục đích cao cả và vĩ đại, chúng ta sẵn sàng làm bất cứ hy sinh nào mà vẫn không cảm thấy đó “là” một sự hy sinh”[33].

Thật vậy, lý tưởng Bồ tát sẽ giúp con người nhận thức sâu sắc về sự hiện hữu tinh thần từ bi, trí tuệ và dung nhiếp của Phật giáo mới có thể thay đổi thế giới, tiến bộ, trong mục tiêu vì nền hòa bình, hạnh phúc và an lạc chung của nhân loại trên hành tinh này. Phát thệ đại nguyện, với tâm thương tưởng đời, vì an lạc, hạnh phúc cho số đông, người đệ tử Phật đi vào đời một cách dũng mãnh, tích cực nhưng cũng không xa rời lý tưởng tự giải thoát cho mình. Giáo sư Minh Chi nhận định: “Đạo Phật, một đạo coi xã hội như một khối toàn thể  nhẹ nhàng; Đạo Phật, đạo của lòng thương bao la và sáng suốt, một đạo chan chứa tình cảm và vẫn dồi dào lý trí…chúng tôi thành thực tin rằng công việc truyền bá Đạo Phật sẽ giúp rất nhiều trong công cuộc kiến thiết một nước Việt Nam mới, vì về phương diện tinh thần, đấy là một sức mạnh có khả năng tác động đến hết thảy mọi giai cấp trong xã hội”[34]. Và đó chính là lý tưởng hướng đến của một vịBồ tát- một tấm lòng tràn đầy từ bi nhưng cũng hết sức trí tuệ của người con Phật.

Tác giả: Thích nữ Nguyên Tuệ

***

[1]Kinh Tiểu Bộ, tập III, Thích Minh Châu và Trần Phương Lan (Việt dịch),Chuyện Pháp Tối Thượng, HN: NXB Tôn Giáo, 2015, tr 25.
[2]Kinh Tương Ưng, Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch),Tương Ưng Ác Ma- Bẫy Sập, Vnvphvn: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 178
[3]Kinh Trung Bộ, Tập I, Thích Minh Châu (Dịch), Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Vnvphvn: Nxb Tôn Giáo, 2012, Tr. 128
[4] Nārada Mahā Thera, Đức Phật Và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), TPHCM: NXB Tổng Hợp TPHCM, 2013, tr. 576
[5] Theo tài liệu của Thượng Tọa Thích Giác Hiệp- Giảng Viên Học Viện Phật Giáo Tại Tphcm-2018
[6] Thích Minh Cảnh, Từ Điển Phật Học Huệ Quang, TPHCM: NXB Tổng Hợp TPHCM, 2003, tr. 582
[7] Lama Anagarika Govinda, Lý Tưởng Bồ Tát-Một Tia Sáng Trong Bóng Tối Của Thời Đại Chúng Ta, Tổ Dịch Thuật Trúc Lâm Chuyển Ngữ, Nguyệt San Giác Ngộ, số 87, tháng 6- PL. 2547- 2003. Tr. 27
[8] Thích Nữ Giới Hương, Bồ Tát Và Tánh Không Trong Kinh Tạng Pali Và Đại Thừa, TPHCM: NXB Tổng Hợp TPHCM. 2007, tr.38
[9]Kinh Trung Bộ, Tập 1,Thích Minh Châu (Dịch), Đại Kinh Sư Tử Hống, Vncphvn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 116
[10]Ipid, Kinh Thừa Tự Pháp, tr. 31
[11] Kinh Tiểu Bộ 1, Phật Sử và Hạnh Tạng, Bản dịch Sinhala, Trương Đình Dũng (dịch), 2006,  tr.71
Xem thêm Tiểu Bộ Kinh Tập 1, Jātaka
[12] Kumura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Việt dịch), Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 80.81
[13] Kumura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Việt dịch), Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 114
[14]Kinh Trường Bộ, Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Kinh Đại Điển Tôn, HN: NXB Tôn Giáo, 2016, tr.390
[15]Kumara Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Việt dịch), Nxb Tôn Giáo, 2012,94
[16] Nalinaksha.Dutt, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Tiểu Thừa, Thích Minh Châu (Dịch), TPHCM: NXB TPHCM, 1999, tr. 13, 14.
[17] Kinh Tiểu Bộ 1, Phật Sử và Hạnh Tạng, Bản dịch Sinhala, Trương Đình Dũng (dịch), 2006,  tr.89
[18] Nalinaksha.Dutt, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Tiểu Thừa, Thích Minh Châu (Dịch), TPHCM: NXB TPHCM, 1999, tr.40
[19] Andre Bareau, Các Bộ Phái Phật Giáo Tiểu Thừa, Pháp Hiền (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2003, tr.98f
[20]Kumura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư tưởng Luận, Thích Quảng Độ(Việt dịch), Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.97,98
[21] Nalinaksha.Dutt, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Tiểu Thừa, Thích Minh Châu (Dịch), TPHCM: NXB TPHCM, 1999, tr.33
[22]Kumura Taiken, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ(Việt Dịch), HN: NXB Tôn Giáo, 2012, tr.51
[23] Nalinaksha.Dutt, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Tiểu Thừa, Thích Minh Châu (Dịch), TPHCM: NXB TPHCM, 1999.
[24]Kumura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích  Quảng Độ(Việt dịch), NXB Tôn Giáo, 2012, tr.670. 671
[25] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Đề Bà Đạt Đa, Thích Trí Tịnh (Dịch), HN: NXB Tôn Giáo, 2010, tr.330
[26] Thích Trí Quảng, Lược Giải Kinh Duy Ma, Phẩm Phương Tiện, HN: NXB Tôn Giáo, 1999, tr. 94
[27] Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang Giảng Giải, Ly Tướng Tịch Diệt, HN: NXB Tôn Giáo, 2015, 114
[28]Kumura Taiken, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ(Việt Dịch), NXB Tôn Giáo, 2012, tr.455, 456
[29]Thích Nữ Giới Hương, Bồ Tát Và Tánh Không Trong Kinh Tạng Pali Và Đại Thừa, TPHCM: NXB Tổng Hợp TPHCM. 2007, tr 152
[30]  Kumura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Việt Dịch), NXB Tôn Giáo, 2012, tr.670. 672
[31] Kumura Taiken, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Việt Dịch), NXB Tôn Giáo, 2012, tr.464,465
[32]Herman Keyserling là Triết gia Đức (1880-1946). Ông nhấn mạnh nhu cầu phục hưng đời sống tâm linh và xem nhẹ giá trị kinh viện trong Triết học phương Tây.
[33]Lama Anagarika Govinda, Lý Tưởng Bồ Tát-Một Tia Sáng Trong Bóng Tối Của Thời Đại Chúng Ta, Tổ Dịch Thuật Trúc Lâm Chuyển Ngữ, Nguyệt San Giác Ngộ, số 87, tháng 6- PL. 2547- 2003. Tr. 27,
[34] Minh Chi, Các Vấn Đề Phật Học, Vncphvn, 1995, tr. 150

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Bài nghiên cứu chuyên sâu

Sơn Kiều 11/10/2023 - 17:24

Kính chào BBT, tôi có thể liên hệ với tác giả để gửi một vài câu hỏi và trao đổi được không, vì toi ở Hà nội nên không biết có gặp được tác giả không , xin cảm ơn

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường