Tác giả: NNC Phan Anh Dũng
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
Tóm tắt: Bài viết dựa vào các thông tin điền dã thực địa, cùng các tài liệu mới sưu tầm của nhóm tác giả, chỉ ra gốc gác nghề y của Tuệ Tĩnh là từ chùa Viên Quang ở vùng đất Giao Thủy Nam Định và xa hơn là vùng đền thánh Nguyễn, Ninh Bình và vùng Phả Lại, Hải Dương.
Từ khóa: Tuệ Tĩnh, Đền Giám, Đền Thánh Nguyễn, Viên Quang, Nghiêm Quang, Giao Thủy, chùa Keo, Phả Lại, Cẩm Giàng, Hải Dương.
1. Giới thiệu:
Tuệ Tĩnh là danh y nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, có sự nghiệp y học lẫy lừng, với những tác phẩm y dược còn truyền lại đến ngày nay, như: Nam dược thần hiệu, Hồng Nghĩa Giác Tư y thư,… Nhà nghiên cứu Lê Trần Đức đánh giá ông là “người xây dựng nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam”.

Sách báo viết về Tuệ Tĩnh rất nhiều, tuy nhiên hầu như không nhắc gì đến cội nguồn nghề y của Tuệ Tĩnh, chẳng hạn trang wiki về Tuệ Tĩnh chỉ cho thông tin ngắn gọn về nơi Tuệ Tĩnh từng học tập như sau: “Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư nuôi ăn học tại chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy (Nam Định)”. PGS Trần Trọng Dương trong bài “Nghiên cứu về Tuệ Tĩnh” cũng đưa thông tin như vậy nhưng chi tiết hơn một chút: “Lên sáu tuổi, cha mẹ đều mất, ông được nhà sư ở chùa Hải Triều ở Yên Trang đưa về nuôi cho ăn học (tức chùa Giám, xã Cẩm Sơn). Đến 10 tuổi, được chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Định) đưa về cho ở học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Ở đấy, ông được gọi là Tiểu Huệ, sau lấy pháp hiệu là Huệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh). Ông được học Nho và y để giúp việc trong chùa…”.
Bài viết khảo sát về nguồn gốc y học và tìm hiểu về tông tích các vị tôn sư, tổ sư của Tuệ Tĩnh mà các thông tin trên đã hé lộ.
2. Về chùa Hải Triều, tức chùa Giám, chùa Nghiêm Quang
Chùa này ở gần xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là quê hương Tuệ Tĩnh, nhưng xưa kia lại thuộc tỉnh khác, cụ thể là vốn thuộc tổng An (Yên) Trang, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1891 thời Pháp thuộc có thay đổi địa giới hành chính mới chuyển tổng Yên Trang về huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa ở trên đất làng Giám nên có tên chùa Giám, vốn nằm ở ngoài đê sông Thái Bình, đến năm 1971 do lụt lội nên nhà nước cho di dân làng Giám và sau đó là cả chùa Giám vào trong đê cách chỗ cũ 7 km về phía Tây, làng mới có tên là Tân Sơn, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Về tên chùa Hải Triều mà trang wiki đề cập ở trên, hiện chúng tôi chưa tra ra tài liệu Hán Nôm gốc có hai chữ đó, nhưng các văn bia cổ và biển tên đều xác định tên chữ Hán của chùa là Nghiêm Quang tự . Tại sao có tên chùa Hải Triều xuất hiện trên wiki và bài của TS.Trần Trọng Dương? Bản hồ sơ lý lịch cụm di tích ĐỀN XƯA - CHÙA GIÁM - ĐỀN BIA của Sở VH-TT-DL Hải Dương thì chép: “Tuệ Tĩnh mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, được nhà sư Hải Triều ở Yên Trang (sau là có tên là Nghiêm Quang tự tức chùa Giám ngày nay) nuôi ăn học, sau đó được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định), cho tu học”, chú ý 3 chữ “sư Hải Triều” chứ không phải là “sư chùa Hải Triều” nên có thể hiểu Hải Triều là tên của vị sư ở chùa Yên Trang, cách hiểu này còn được xác minh nhờ đoạn sau bản lý lịch di tích có ghi rõ: “Chùa Giám nguyên thủy có tên chữ là Nghiêm Quang Tự, do sư Hải Triều trụ trì”.
Ngoài ra còn có khả năng Hải Triều là tên thôn nơi có chùa?
Chùa Giám hiện lưu giữ nhiều bảo vật cổ từ thế kỷ 17 như bia đá, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, tượng Thiền sư Tuệ Tĩnh,… nhưng các thông tin liên quan nghề thuốc của Tuệ Tĩnh và vị tôn sư của Tuệ Tĩnh là Hải Triều ở chùa này thì hiện chưa tìm được.
3. Về chùa Viên Quang ở Giao Thủy
Giao Thủy vốn là tên một vạn chài, sau là một hương, sau nữa là huyện Giao Thủy (có sách dịch hương là làng, thực ra theo Khang Hy tự điển thì hương là một khu 12.500 nhà, tức lớn hơn làng rất nhiều ). Tên Giao Thủy thời xưa vốn dùng để chỉ chung một vùng đất rộng lớn ven cửa sông Hồng. Vào thời Đinh-Tiền Lê, cửa sông Hồng còn ở khoảng thành phố Nam Định ngày nay, qua đời Lý đến nay thì cửa sông Hồng đã tiến ra biển hàng chục cây số nên vùng đất có tên Giao Thủy cũng dần dần dịch chuyển theo, hương Giao Thủy thời Lý nay là các huyện Nam trực, Trực Ninh cộng thêm nửa phía Đông (hướng về phía biển) của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, vị trí hoàn toàn khác với huyện Giao Thủy ngày nay nơi sông Hồng đổ ra biển.
Bản lý lịch cụm di tích ĐỀN XƯA - CHÙA GIÁM - ĐỀN BIA có ghi chú rằng “chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định)”, thông tin này không chính xác, đúng ra chùa Giao Thủy trong các sự tích về Tuệ Tĩnh là chùa Viên Quang, xưa ở khoảng vùng huyện Nam Trực ngày nay, hiện nay đã di dời ra phía biển thuộc thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hiện ở chùa Viên Quang vẫn còn giữ được ban thờ Tuệ Tĩnh khá cổ kính, có câu đối giống câu đối ở trụ cổng chùa Giám (xem ảnh minh họa), ngoài ra còn có ban thờ và bài vị Lục Thượng Thái Sư, Phù Vân Đại Pháp Sư (Minh Không-Không Lộ), Giác Giải, Lý Thần Tông trong khi hai chùa Keo ở Thái Bình và Nam Định đều thờ duy nhất một vị là Thiền sư Không Lộ, không có ban thờ Tuệ Tĩnh.
Chùa Viên Quang (tức Giao Thủy trong sự tích Tuệ Tĩnh) có từ thời Lý, lai lịch của nó có nhiều tư liệu sách vở kiểm chứng. Trước hết là tấm bia Viên Quang tự bi minh tịnh tự được cho là có từ đời Lý, văn bia này đã được đưa vào sách Thơ văn Lý-Trần của nhóm GS. Huệ Chi-Trần Thị Băng Thanh, trong đó có câu “Kim Viên Quang tự giả, tức Lý Thánh Tông chi sở sáng, nhi Giác Hải pháp sư chi thê trì dã” (Chùa Viên Quang nay là chùa Lý Thánh Tông sáng lập, mà pháp sư Giác Hải trú trì đó vậy).
Tài liệu thứ hai là sách Thiền Uyển Tập Anh, sách này ghi chép thế thứ hành trạng của các thiền sư nổi tiếng Việt Nam từ đời Đường (thời Bắc thuộc) đến hết đời Lý. Đây là một sách cổ có từ khoảng đời Trần, trong tiểu truyện Thiền sư Giác Hải có ghi rằng “Vua Lý Nhân Tông lấy lễ tiếp đãi như thầy. Mỗi khi xa giá về hành cung ở Hải Thanh, vua thường đến chùa Diên Phúc trước”, như vậy chùa Giác Giải tu hành khi đó có tên Diên Phúc, việc đổi tên chùa Diên Phúc ra Viên Quang xin xem tài liệu thứ ba ở sau.
Tài liệu thứ ba là bản “Thiền Chân Thực Lục” hiện lưu ở Đền Thánh Nguyễn (đền ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình, tức là đền thờ Nguyễn Minh Không ngay trên đất quê hương Đàm Xá) thì cho biết, sau khi Tam thánh Minh Không (Không Lộ), Giác Hải, Từ Đạo Hạnh đi học đạo ở Thiên Trúc về thì Đạo Hạnh trở về chùa Thiên Phúc ở Ninh Sơn, còn Không Lộ, Giác Hải cùng về chùa Diên Phúc, xã Giao Thủy, như thế chùa Diên Phúc phải có trước khi ba vị đi học đạo, sau khi trở về Không Lộ mới lập ra chùa Nghiêm Quang ở trang Hành Cung. Tài liệu còn chép “Ngày 15 tháng 8 năm Giáp Thìn niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1122) đúc một khẩu chuông nặng 3.000 cân khắc bia một mặt đặt ở chùa Diên Phúc xã Giao Thủy”, thông tin này khớp với thông tin ở đầu tấm bia Viên Quang tự bi minh tịnh tự: “Duy Thiên Phù Duệ Vũ tam niên. Giác Hải Đại Pháp Sư khắc bi nhất diện”. Tài liệu này cho biết việc đổi tên chùa Diên Phúc ra Viên Quang diễn ra năm 1167 đời Lý Anh Tông: “Vào ngày mùng 10 tháng 2 năm Đinh Hợi (1167) lệnh cho mở ruộng tịch điền 5 mặt 2 sào ở chùa Diên Phúc lập làm Kỳ viên, xây phương thất cực kỳ tráng lệ. Chùa Diên Phúc được đổi làm chùa Viên Quang; xã Giao Thủy đổi làm xã Hộ Xá”, tên Hộ Xá còn giữ đến giữa đời Nguyễn, khi dân cư chuyển ra vị trí chùa ngày nay đã lấy tên là thôn Nghĩa Xá (chỉ còn giữ lại chữ xá), vì vậy đôi khi chùa cũng được gọi là chùa Hộ Xá vì truyền thống dân gian hay gọi tên chùa theo tên làng.
Tài liệu thứ tư là bản Thánh Tổ Thực lục diễn âm, đây nguyên là sách của chùa Viên Quang do Bùi Tử Căn đứng in, là dạng truyện thơ chữ Nôm thể lục bát thường gọi là kệ Nôm, cũng thống nhất thông tin là sau khi đi Thiên Trúc về thì Không Lộ, Giác Hải trở về chùa Diên Phúc:
... Ông Từ Đạo Hạnh tới nơi chùa Thầy
Người quen cảnh, cảnh quen người
Hoa mừng chủ cũ chim mời bạn xưa
Hai ông thơ túi gió đưa
Về chùa Diên Phúc sớm trưa trụ trì...
Bản kệ chữ Nôm Lý triều Quốc sư thánh tổ kệ dẫn của chùa Keo Thái Bình cũng thống nhất thông tin trên:
... Ông Từ về đỉnh Sài San
Thánh về Diên Phúc mở đàn tu trai
Vui cùng ông Giác hòa hai
Người trong đất Bụt thân ngoài cõi tiên...

Chúng tôi còn một số tư liệu nữa, nhưng chỉ với các tư liệu trên cũng đủ xác minh chùa ở xã Giao Thủy, hay hương Giao Thủy, chính là chỉ chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang, đây là nơi Thiền sư Tuệ Tĩnh đã học về y thuật và thuốc chữa bệnh. Từ đây nên thống nhất dùng tên Viên Quang vì nếu xác định Tuệ Tĩnh là người thuộc đời Trần (1340-1400) thì khi đó chùa Diên Phúc đã đổi tên ra Viên Quang gần hai thế kỷ rồi (đổi từ năm 1167).
Việc tìm hiểu cội nguồn y thuật của Tuệ Tĩnh nên tập trung từ chùa Viên Quang rồi mở rộng ra. Thật đáng tiếc là qua nhiều lần về chùa Viên Quang khảo cứu, ngoài ban thờ Tuệ Tĩnh ra chúng tôi không thu được các tư liệu nào liên quan tới nghề y hay nghề làm thuốc. Ngay cả bản Thánh Tổ Thực lục diễn âm do chùa Viên Quang in nhưng hiện nay ở chùa cũng không còn giữ bản nào, hai bản chúng tôi sưu tầm được là ở đền Thánh Nguyễn, Ninh Bình và vùng chùa Quýt ở Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định.
4. Về hai chùa Keo
Mặc dù phần trên đã xác định chùa Giao Thủy mà Tuệ Tĩnh tu học tức là chùa Viên Quang, còn việc có tài liệu ghi là “chùa Keo” là lầm lẫn, nhưng để việc khảo sát được toàn diện cũng nên tìm hiểu về hai chùa Keo. Mà thực ra hai chùa Keo cũng có sự liên hệ mật thiết với chùa Viên Quang, vì hai chùa này vốn có gốc là chùa Nghiêm Quang thời xưa ở gần cạnh chùa Viên Quang, mà chùa Nghiêm Quang lại là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ. Trong khi nhân vật “thánh Không Lộ” thì nhiều nơi lại đồng nhất với Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không, cũng là chỗ sư huynh đệ với Giác Hải ở chùa Viên Quang (Thiền Uyển tập anh đoạn ghi về Thiền Phái Thảo Đường xếp Không Lộ và Giác Hải là thế hệ thứ hai, cùng nối pháp tự của cư sĩ Ngộ Xá).

Thiền uyển tập anh chép về Thiền sư Dương Không Lộ như sau: “Chùa Nghiêm Quang, hương Hải Thanh. Thiền sư họ Dương, người Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Sư chuyên chú tu trì pháp môn Đà La Ni (Dharàni). Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059 - 1065, đời Lý Thánh Tông), sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được. Sau sư về bản quận dựng chùa trụ trì”.
Bản “Thiền Chân Thực Lục” sau khi kể việc đổi tên Diên Phúc thành Viên Quang năm 1167 thì ghi tiếp là chùa Nghiêm Quang được đổi tên ra Thần Quang cùng năm đó: “Ngày 15 tháng 3, nhà vua đến chùa Nghiêm Quang trang Hành Cung, cày ruộng tịch điền 2 mặt 2 sào, khai dựng Kỳ viên, điện vũ trang nghiêm, đổi làm chùa Thần Quang”.
Thông tin trên cho biết chùa Nghiêm Quang ở trang Hành Cung, khác với Viên Quang ở hương Giao Thủy. Khoảng đầu thế kỷ 17 do bị sông Hồng xói lở, chùa Thần Quang chuyển từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình, thường gọi là chùa Keo Trong. Sau đó bộ phận dân cư còn lại ở hữu ngạn di chuyển ra phía biển lập một chùa khác vẫn lấy tên cũ là Thần Quang, thường gọi là chùa Keo Ngoài, nay thuộc xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Lai lịch hai chùa Keo là như vậy, chúng có quan hệ “anh em” gần gũi với chùa Viên Quang, tấm bia năm 1613 hiện dựng ở tam quan chùa Keo Hành Thiện, ngay cột đầu sau tên “TU TẠO HÀNH CUNG TRANG THẦN QUANG TỰ BI
KÝ” có khắc thêm “Tuệ Hữu tự Bảo Trân Vạn Khánh Hưng Thiền cẩn tự”. Tuệ Hữu có lẽ là sư trú trì cả chùa Viên Quang và Thần Quang khi đó. Với quan hệ gần gũi như thế thì việc Tuệ Tĩnh từng tu học ở cả chùa Keo (Thần Quang) cũng là khả năng có thể, tuy nhiên như đã thông tin ở trên, hai chùa Keo không có ban thờ Tuệ Tĩnh, các tư liệu chúng tôi thu thập được ở hai chùa Keo cũng chưa thấy thông tin gì liên quan tới nghề y hay nghề làm thuốc.
5. Về đền Thánh Nguyễn Minh Không ở Gia Viễn, Ninh Bình
Việc tìm nguồn gốc nghề y của Tuệ Tĩnh ở các chùa vùng đất Giao Thủy xưa (chùa Viên Quang và hai chùa Keo cùng tên Thần Quang) như vậy có vẻ bế tắc, tuy nhiên khi khảo rộng qua tới đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không ở Gia Viễn, Ninh Bình thì chúng tôi bắt đầu có manh mối.
Trước tiên nói qua về đền Thánh Nguyễn, đền hiện ở giáp giới hai xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đời Lý, hai xã này cùng là làng Đàm Xá, đến đời Lê do húy tên vua Lê Thế Tông là Duy Đàm nên đổi là Điềm Xá, về sau tách thành hai xã.
Theo Thiền uyển tập anh, thì Thiền sư Minh Không tu ở chùa Quốc Thanh, hiện ở Gia Tiến vẫn còn một xóm giữ tên là Quốc Thanh và một địa điểm gọi là Gò Rau, tương truyền là nơi chôn nhau của Thánh Minh Không. Sau khi Minh Không mất thì được lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ, được hưởng nghi lễ quốc tế (lễ tế cấp nhà nước). Đền hiện không có sư trú trì, tuy nhiên lại lấy tên chữ là chùa Viên Quang (tên Viên Quang tự được ghi trên quả chuông hiện để ở gác chuông sau đền). Điều đáng chú ý là tên chùa Viên Quang này giống y như tên chùa Viên Quang bên Nam Định, tương truyền là nơi Minh Không và Giác Hải tu hành cho đến cuối đời.
Chính sử của Việt Nam là Đại Việt sử ký toàn thư có ghi rõ chuyện vua Lê Thần Tông xây nhà cho sư Minh Không và chuyện sư Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Thần Tông được phong Quốc sư. Chỉ ghi ngắn gọn vậy, không nhắc gì câu chuyện hoang đường Lý Thần Tông hóa hổ được Minh Không chữa khỏi, vì vậy Minh Không phải coi là một nhân vật lịch sử có thực, khác với Không Lộ, Giác Hải có phần nào gắn với các truyền thuyết huyễn hoặc.
Bản ngọc phả Nguyễn Minh Không ở đền thánh Nguyễn cho biết tên cha của Minh Không là Nguyễn Sùng, từng đến xã Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (nay là một phường thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở nhờ nhà vị phú hộ họ Dương tên là Công Đề, vốn có pháp thuật tài giỏi và y thuật chân truyền (nguyên văn chữ Hán: “pháp môn diệu thủ, y số chân truyền”). Nguyễn Sùng tính nết nhu hòa, cẩn trọng, lại thông thạo văn từ nên được phú hộ quý mến gả cho con gái là Mỹ Nương, sau này sinh ra Nguyễn Minh Không.
Như vậy nguồn gốc y thuật của Nguyễn Minh Không và “môn phái Viên Quang” đã có manh mối, có khả năng là từ người ông ngoại họ Dương của Nguyễn Minh Không?
6. Về y thuật của Quốc sư Nguyễn Minh Không
Cũng theo Ngọc Phả đền Nguyễn, sau khi cưới vài năm, ông bà họ Dương mất, cha mẹ Minh Không trở về Đàm Xá và Minh Không được sinh ra ở quê nhà. Đến năm Minh Không 6 tuổi, vùng này có giặc giã nên cả nhà lại quay trở ra quê ngoại ở Phả Lại. Cha mẹ Minh Không sau đó ốm, mất ở Phả Lại, Minh Không từ đó giao du khắp nơi, kết bạn với Từ Đạo Hạnh, cùng đi Thiên Trúc học đạo, được nhiều phép màu, lại kể câu chuyện Từ Đạo Hạnh hóa hổ dọa Minh không,… Tiếp đến là các chuyện như trong truyền thuyết phổ biến trong dân gian xưa nay: Từ Đạo Hạnh ngăn cản hậu thân Đại Điên là Giác Hoàng đầu thai, rồi chính mình lại đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, sau được nối ngôi vua tức Lý Thần Tông, về sau Lý Thần Tông bị bệnh hóa hổ, được Minh Không chữa khỏi nên phong Minh Không làm Quốc sư...

Những truyền thuyết huyễn hoặc đó có nhiều chi tiết thú vị, hấp dẫn nên phần nào khiến người đọc bị lạc hướng, không chú ý đến thực tiễn, đó là tài năng y thuật và sử dụng thuốc Nam “như thần” của Quốc sư Minh Không.
Trước hết, xin bàn về danh hiệu Quốc sư, chữ sư nghĩa là “thầy”, xưa nay thường được hiểu là thầy tăng bên đạo Phật, nhưng thầy còn có nghĩa là thầy lang, thầy thuốc. Xét rằng, nhờ tài năng chữa bệnh cho vua Lý mà Minh Không được phong Quốc sư, vậy thì “sư” trong từ “Quốc sư” tại trường hợp này mang nặng nghĩa “thầy thuốc” hơn là “thầy tăng”.
Lại xét thông tin ở Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chú dẫn, rằng tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, nếu bỏ chi tiết phù phép “thần chú” đi thì còn lại một sự thực là Minh Không đã chữa bệnh cho Thần Tông bằng một loại thuốc “bí truyền” nào đó. Sách Toàn Thư là chính sử nghiêm túc nên hoàn toàn không nhắc đến truyền thuyết hoang đường nói rằng Minh Không chữa bệnh bằng cách nấu vạc dầu sôi rồi phù phép tắm cho vua.
Gác chuyện hoang đường vua Thần Tông hóa hổ qua một bên, thì chúng tôi đọc thấy trong Thiền Chân thực lục có đoạn ghi chú là Minh Không nghe tin Thần Tông mắc bệnh kim sang 金瘡, đây có lẽ là một chứng bệnh ngoài da đại khái như bệnh vảy nến hay eczema ngày nay? Bản Nam Việt Phật tổ tam thánh sự tích thiền uyển ngữ lục ký tập sưu tầm được ở đền thánh Nguyễn, cùng với bản Thiền Chân thực lục khi kể chuyện chữa bệnh cho Lý Thần Tông có đề cập:
Minh Không dùng cành mộc hoàn nhúng vào vạc dầu sôi rồi vẩy cho vua, phải chăng “mộc hoàn” là một thứ lá thuốc có khả năng chữa bệnh? Ngoài ra Minh Không có bỏ vào vạc dầu 100 cây kim, phải chăng đó là phản ánh những cây kim người thầy thuốc dùng để châm cứu, tức ngoài việc chữa bệnh bằng thuốc, Minh Không còn biết sử dụng phương pháp châm cứu?

Ở vùng Ninh Bình lưu truyền nhiều truyền thuyết về việc Minh Không vào núi tìm thuốc và trồng vườn thuốc để chữa bệnh. Hiện ở Ninh Bình còn một làng mang tên Làng Sinh Dược (có nghĩa là nơi sinh trồng cây thuốc) nằm dưới chân núi ở xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nay thuộc phạm vi khu du lịch tâm linh chùa Bái Ðính, cũng là chùa thờ Quốc sư Minh Không. Làng này chuyên sống bằng nghề trồng và chế biến cây thuốc, tương truyền chính là nơi có vườn thuốc của Minh Không. Vùng này lại lưu truyền “huyền tích chữa khỏi bệnh cho nhà vua từ loại thảo dược quý hiếm có sẵn trong vùng” (dẫn từ link https://moitruongdulich. vn/index.php/item/24943). Có thể trong số cây thuốc ở đây, có nhiều vị thuốc có trong sách thuốc của Trung Quốc, nhưng thu hoạch hay thu hái trên đất nước ta thì nên gọi là thuốc Nam, phải chăng truyền thống “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” mà Tuệ Tĩnh nêu cao phần nào cũng bắt nguồn từ đây?
Về y thuật tài giỏi của Quốc sư Minh Không đã có rất nhiều sách báo, bài viết đề cập và ca tụng, đó là một trong các chủ đề chính ở hội thảo về Quốc sư Minh Không tổ chức ở Ninh Bình vào năm 2019. Nhưng chúng tôi không thể đề cập hết trong phạm vi của bài nghiên cứu này, chỉ muốn đi sâu vào tìm hiểu cội nguồn y thuật của Minh Không dựa vào vài cứ liệu ít ỏi đã thu thập được.
Chúng tôi nghĩ, khả năng cội nguồn y thuật của Minh Không truyền từ ông ngoại ở vùng Phả Lại, vùng này liền kề với Hải Dương và hiện nay đã thuộc về tỉnh Hải Dương (là phường Phả Lại thuộc thị xã Chí Linh, riêng chùa Phả Lại là nơi thờ Thiền sư Minh Không do nằm tách biệt ở bên kia sông nên hiện nay thuộc về tỉnh Bắc Ninh).
Hải Dương vốn là đất có truyền thống về nghề y, không kể danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh ở chùa Giám không xa vùng Phả Lại, mà bài viết này đang khảo cứu thì còn có danh y Hải Thượng Lãn Ông, cũng là người trấn Hải Dương, ban đầu vốn được đào tạo ở vùng Hải Dương, sau mới về quê mẹ ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ngoài ra có Phạm Công Bân, là ông ngoại của Hồ Nguyên Trừng (bố vợ Hồ Quý Ly) từng được Hồ Nguyên Trừng ca ngợi về y đức, y thuật trong sách Nam Ông Mộng Lục... Đặc biệt, vùng Nghĩa Phú quê hương của đại danh y Tuệ Tĩnh là nơi có nhiều lương y thừa kế nhiều đời và tồn tại đến ngày nay. Có những dòng họ 12 đời kế tiếp nhau làm nghề thuốc chữa bệnh cứu người. Ở làng này, mỗi dòng họ đều có những lương y chuyên sâu về một loại bệnh.
(https://www.haiduongdost.gov.vn/article/y- hc-c-truyn-ca-tnh-hi-dng-trong-hin-ti-va-tng- lai/748.)
Chú ý: Trấn Hải Dương xưa rất rộng, bao gồm cả tỉnh Hải Dương, một phần Hưng Yên và cả Hải Phòng ngày nay.
7. Nguyễn Minh Không và Giác Hải là tổ nghề y của Tuệ Tĩnh?
Với y thuật tài giỏi hàng Quốc sư (theo nghĩa “thầy thuốc của nước”) như Nguyễn Minh Không thì việc có học trò và truyền lại nghề thuốc tại chùa Viên Quang, nơi sau này Tuệ Tĩnh tới tu học thì không có gì lạ. Vậy tại sao lại kể thêm cả Giác Hải? Vì là chỗ sư huynh đệ, lại cùng tu một chùa thì việc Giác Hải cũng biết nghề thuốc là khả dĩ. Hơn nữa, bản Nam Việt Phật tổ tam thánh sự tích thiền uyển ngữ lục ký tập, có kể rằng việc vào chữa bệnh cho Lý Thần Tông là có cả hai người Không Lộ (tức Minh Không) và Giác Hải. Giác Hải chính là người thi triển thần thông dùng hai ngón tay rút cây đinh dài 5 tấc đóng sâu vào cột cung điện và lấy tay không khoắng vớt 100 cây kim trong vạc dầu sôi, vì vậy sau khi vua khỏi bệnh đã phong Không Lộ làm Phù Vân quốc sư?
Nếu Tuệ Tĩnh là người cuối đời Trần (theo các nguồn chính thống thì Tuệ Tĩnh sinh năm 1330 mất năm 1400) vậy thì đã cách thời Minh Không đến hơn hai thế kỷ (vì Toàn thư chép Minh không mất năm 1141), tức là cách khoảng 8 thế hệ, mỗi thế hệ cách nhau 25 năm. Tuy khoảng cách xa, dù vậy, Tuệ Tĩnh từng tu học ở chùa của Minh Không và Giác Hải, vẫn có thể nghi vấn về việc Tuệ Tĩnh đã kế thừa truyền thống y thuật của các sư tổ chùa Viên Quang là Minh không và Giác Hải.
Tuy nhiên, bản thần tích ở làng An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi có đền thờ Tuệ Tĩnh (dân làng này vốn từ quê hương Nghĩa Phú của Tuệ Tĩnh di cư ra), thì lại ghi rằng Tuệ Tĩnh là người cuối đời Lý, xin trích từ bản phiên âm chữ Hán của Viện Hán Nôm “lịch Lý triều Anh Tông chi vi quân dã… thế truyền tại Hải Dương lộ Cẩm Giàng huyện Nghĩa Phú trang, hữu nhất bộ chủ quan tính Nguyễn húy Vĩ, thê tính Hoàng Thị Ngọc… sinh hạ nhất nam (tức Bính Thìn niên nhị nguyệt thập nhị nhật Mão thời sinh)”. Theo thần tích này thì Tuệ Tĩnh sinh năm Bính Thìn, khoảng sau đời Lý Anh Tông, đối chiếu thì đời Lý Anh Tông trị vì từ năm 1138 tới năm 1175 không có năm Bính Thìn, khả năng là năm Bính Thìn 1196, tức là năm thứ 11 niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy đời vua Lý Cao Tông, cách năm mất của Giác Hải là 1158, theo Thiền Chân thực lục chưa xa lắm. Nếu Tuệ Tĩnh đến chùa Viên Quang tu học khi chừng 10 tuổi (1206) thì khi đó có thể các đệ tử của Giác Hải tầm 60-70 tuổi vẫn còn sống, lẽ nào có thể để mai một nghề thuốc lừng lẫy của các vị tôn sư Minh Không-Giác Hải?
Tóm lại, gần như đã có thể khẳng định rằng cội nguồn nghề y của thiền sư-danh y Tuệ Tĩnh chính là từ các vị thiền sư-danh y Minh Không, Giác Hải đời Lý, ở chùa Viên Quang trên vùng đất Giao Thủy. Có điều khi tìm kiếm xa hơn về tông tích nghề y của Nguyễn Minh Không thì lại dẫn ngược trở ra vùng Hải Dương, mà vùng quê ngoại Minh Không là Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương, thì rất gần vùng Cẩm Giàng, quê hương Tuệ Tĩnh, tra trên bản đồ Google thì chỉ cách khoảng 15km đường chim bay.
8. Sơ kết
Các khảo cứu trên đã cho thấy truyền thống nghề y “thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” của Thiền sư danh y Tuệ Tĩnh không phải tự nhiên mà có, mà chắc chắn đã có sự kế thừa từ các vị tổ sư cũng là những bậc thiền sư danh y từ đời Lý là Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Điều này không phủ nhận những thành tựu nghiên cứu phát triển của Tuệ Tĩnh qua các tác phẩm y học còn lưu truyền lại đến ngày nay như Nam dược thần hiệu, Hồng Nghĩa Giác Tư y thư,... mà ngược lại, chính nhờ Tuệ Tĩnh đã viết ra và truyền đời những cuốn sách y học có thực đó, đã giúp vén bỏ bức màn truyền thuyết huyễn hoặc xung quanh các nhân vật Minh Không-Giác Hải, cho thấy khả năng họ cũng là những vị thiền sư danh y đời Lý, đã được dân gian thần thánh hóa.
Các khảo cứu cũng gắn kết ba vùng có truyền thống y dược cổ truyền Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, đặc biệt là vùng Hải Dương với hai vị danh y hàng đầu là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông.
Tác giả: NNC Phan Anh Dũng
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
***
CHÚ THÍCH:
(1) Tấm bia cổ nhất có ghi chữ Nghiêm Quang là bia “Trùng tu Nghiêm Quang Tự”, niên đại Chính Hòa thập nhất niên (1696).
(2) Nguyên Khang Hy tự điển dẫn Tiền Hán-Thực Hóa Chí: “五家爲鄰,五鄰爲里,四里爲族,五族爲黨,五黨爲州,五州爲 鄕,是萬二千五百戸也- Ngũ gia vi lân, ngũ lân vi lý, tứ lý vi tộc, ngũ tộc vi đảng, ngũ đảng vi châu, ngũ châu vi hương, thị vạn nhị thiên ngũ bách hộ dã - Năm nhà là một lân, năm lân là một lý, bốn lý là một tộc, năm tộc là một đảng, năm đảng là một châu, năm châu là một hương, tức là một vạn hai ngàn năm trăm nhà”.
(3) Cá nhân tác giả có giả thuyết có thể nguyên thủy là thờ Từ Đạo Hạnh, nhưng Lý Thần Tông lại được coi là hậu thân của Từ Đạo Hạnh nên được hợp nhất thành một vị.
(4) Nguyên trên bia hiện nay ghi là Lý Anh Tông, sách Thơ văn Lý-Trần ghi là Lý Thánh Tông, việc xác định sai đúng ra sao còn khá phức tạp, chưa vội kết luận được, chúng tôi sẽ có bài khảo cứu riêng. Lý do là khi nghiên cứu kỹ tấm bia thì gần như chắc bia đã bị khắc lại vào đầu thế kỷ 17, tức đời Lê, không còn là nguyên bản đời Lý, nên không thể cho rằng đã là bia đá thì phải chính xác hơn các sách vở ghi chép lưu truyền (!)
(5) Đợt sáp nhập đơn vị hành chính năm nay 2025 dự kiến lại sáp hai xã Gia Tiến và Gia Thắng về làm một
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh. Lê Mạnh Thát. NXB Phương Đông. 2006.
[2]. Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội. 1993.
[3]. QUỐC SƯ MINH KHÔNG QUA TƯ LIỆU ĐỀN THÁNH NGUYỄN. Thích Tâm Hiệp chủ biên. NXB Hồng Đức. 2021.
[4]. Nam Việt Phật Tổ Tam Thánh Sự Tích Thiền Uyển Ngữ Lục Kí Tập. Tài liệu của nhóm tác giả sưu tầm ở đền Thánh Nguyễn.
[5]. Thiền Chân Thực Lục, viết tắt TCTL. Tài liệu riêng sưu tầm ở đền Thánh Nguyễn.
[6]. Thánh Tổ Thực Lục Diễn Âm. Viết tắt TTTLDA. Tàng bản chùa Viên Quang, Nam Định.
[7]. Lý triều Quốc sư Thánh tổ kệ dẫn. Thích Quảng Hà, Thích Thanh Đoàn, Thích Tâm Hiệp chủ biên. NXB Hồng Đức, 2021.
[8]. NGHIÊN CỨU VỀ TUỆ TĨNH. Trần Trọng Dương. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 8-2010.
[9]. Thần tích Thiền sư Tuệ Tĩnh. Xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Kèm bản phiên âm và dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[10]. LÝ LỊCH DI TÍCH ĐỀN XƯA - CHÙA GIÁM - ĐỀN BIA. Tài liệu do Phòng VHTT Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cung cấp.
[11]. Trang wiki về Tuệ Tĩnh. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tu%E1%BB%87_T%C4%A9nh truy cập 1h30 ngày 19/07/2024.
[12]. Giới thiệu làng thuốc Sinh Dược, https://moitruongdulich.vn/index.php/item/24943, truy cập 1h30 ngày 19/07/2024.
[13]. Khả năng tác giả cuốn từ điển Chỉ Nam Ngọc Âm là Thiền sư danh y Tuệ Tĩnh. Phan Anh Dũng, tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1/2025. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tac-gia-tu-dien-chi-nam-ngoc-am-la-thien-su-danh-y-tue-tinh.html
Bình luận (0)