Trang chủ Lịch sử - Triết học Lời Di nguyện cuối cùng khi đức Phật nhập Niết bàn       

Lời Di nguyện cuối cùng khi đức Phật nhập Niết bàn       

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TT.Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

Khi giác hạnh đã viên mãn thì đức Phật đã tròn 80 tuổi. Ðến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo định luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Ngài ngự tại đền Capala, Ngài bảo với Ānanda rằng: “Này A Nan! Ðạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp, và đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn”. Tin đức Phật sắp vào Niết bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử của Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.

Đức Phật tuyên bố nhập Niết Bàn

Sau khi kết thúc kỳ an cư mùa mưa tại Beluvā, đức Phật vào thành Vesāli khất thực. Tại điện thờ Cāpāla, Ngài tuyên bố rằng: Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ[1], và nói với Ānanda rằng: “Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ānanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng.[2]” Ngài bảo Ānanda triệu tập tất cả các vị tỳ kheo lúc ấy đang cư trú quanh thành Vesali và dạy: “Bất luận chân lý nào mà Như Lai đã giảng giải, các con phải khéo học hỏi, thực hành, trau dồi, phát triển đầy đủ, nhằm duy trì, làm cho đời sống Thánh Thiện được tồn tại trường tồn vĩnh cửu, vì tình thương chúng sinh, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của nhiều người, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.” và đức Phật đã giảng cho đại chúng nghe về tính cách vô thường của cuộc sống. “Hãy nhìn lại đây các Tỳ Kheo, Như Lai dạy các con. Tất cả các pháp được cấu tạo do điều kiện (các pháp hữu vi) đều là vô thường. Hãy liên tục tận lực chuyên cần. Như Lai đã sắp đến ngày nhập diệt. Còn ba tháng nữa Như Lai sẽ từ giã các con. Hỡi các Tỳ Kheo, hãy tinh tấn, giữ chính niệm và sống đời đạo hạnh. Hãy giữ gìn tâm các con bằng những tư tưởng có chiều hướng tốt. Những ai kiên trì cố ghép nếp sống của mình trong những khuôn khổ dạy trên sẽ bước ra khỏi con đường phiêu bạt vô định của đời sống và chấm dứt đau khổ.” Mỗi người tự quyết định chọn con đường mình đi và nhận lấy kết quả thiện ác, tốt xấu do chính mình tạo ra. Trong kinh Pháp Cú 1-2 Đức Phật dạy: “Tất cả các pháp, tâm làm chủ tâm tạo tác”. Ta là chủ nhân ông tạo nghiệp và chính ta thừa tự nghiệp quả ấy. Chính nghiệp là nơi ta nương tựa, đưa ta đi đến tái sinh, quyết định cho cuộc sống sướng khổ, buồn vui của chính mình mà không ai khác, sự giải thoát hay ràng buộc, thì sự giải thoát, buộc ràng đó chính là do ta tạo nên. Cho nên trong Trung Bộ kinh, Tiểu Nghiệp phân biệt số 135, đức Phật dạy rằng: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình”.

Kinh Trung Bộ I: Đức Thế Tôn đã quan sát thế gian và thấy rằng: “Có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ giáo hóa, khó giáo hóa… Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt…” với trí tuệ của bậc giác ngộ, Ngài tuyên bố với thế gian, với loài người, với cõi trời và với tất cả, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn đến cõi bất sinh bất diệt, cõi Niết bàn đã được khai mở.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Di Nguyen Cuoi Cung Cua Duc Phat Truoc Khi Nhap Niet Ban 1

Hoằng hóa độ sinh

Đức Phật xuất hiện ở thế gian này là một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô lượng mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giải thoát. Kinh Pháp Cú, kệ số 153-154, (Bản dịch của HT.Thích Minh Châu) đã ghi lại những Phật ngôn đầu tiên Ngài đã thốt lên trong thời gian này:

“Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng không gặp

Người xây dựng nhà này

Khổ thay, phải tái sinh

Ôi! Người làm nhà kia

Nay ta đã thấy ngươi

Ngươi không làm nhà nữa

Đòn tay ngươi bị gẫy

Kèo cột ngươi bị tan

Tâm ta được tịch diệt

Tham ái thảy tiêu phong”

Đoạn Phật ngôn này như một lời ca khải hoàn, mô tả sự chiến thắng vẻ vang rực rỡ sau cuộc chiến đấu nội tâm thầm lặng gian nan. Ông thợ tượng trưng cho ái dục, vô minh, phiền não luôn ẩn sâu kín trong mỗi con người, nay đã bị phát hiện.

Đức Thế Tôn đã suy nghĩ đến giáo lý giải thoát sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý luận, ly dục, vô ngã mà Ngài đã chứng đắc; còn chúng sinh thì luôn chìm sâu vào ái dục, định kiến, chấp ngã với nhiều thủ trước… Làm thế nào để con người dễ dàng chấp nhận giáo lý ấy? Và rồi,đức Thế Tôn quyết định gióng lên tiếng trống Pháp và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình.Đạo từ bi giải thoát mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu sang và đẳng cấp xã hội.

Trong kinh Đại Báo Ân có có lời tán dương: “Như cơn gió lốc thổi dồn tất cả các thứ lá lại một chỗ, đức Phật giáo hóa tất cả. Trí thức ngu si, vương giả – bần cùng, nghèo hèn – giàu sang, già cả – niên thiếu, đàn bà – đàn ông, kẻ ác – người thiện, tất cả và hết thảy, đức Phật đều mang giáo pháp đến và xem như nhau, trong con đường giáo hóa của đức Phật là lòng từ bi, sự bình đẳng, không phân biệt ai”. Ngài lại kêu gọi sự nỗ lực tinh tấn, giác tỉnh chính niệm, khước từ mọi tham ái thế gian, quán niệm Bốn niệm xứ[3]…. của các Tỳ kheo. Ngài nói thêm rằng: “Các ông hãy xem chính mình là hải đảo của mình, chính mình là nơi nương tựa của mình, không nên nương tựa bên ngoài. Hãy xem giáo pháp là hải đảo của các ông, giáo pháp như chỗ nương tựa, không nên nương tựa bên ngoài”. Ngài lại đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nỗ lực cá nhân, nhằm thành đạt mục tiêu tối hậu là tự thanh lọc và tự mình giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của đời sống. Dầu ngay trong hiện tại hay sau khi Như Lai nhập diệt, người nào sống đúng theo như vậy, xem chính mình là hải đảo của mình, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa đâu bên ngoài, những vị tỳ kheo ấy sẽ đứng hàng đầu trong những người sống hoàn toàn theo Giới Luật. Mỗi nơi chốn Ngài đi qua đều có dấu ấn của sự tế độ mọi người.

Mặc dầu tuổi cao sức yếu, đức Phật luôn vận dụng mọi cơ hội để khuyên dạy các Tỳ kheo bằng nhiều phương thức khác nhau, mà còn đều đặn đi bát, khi nào không có lời cung thỉnh trai tăng.

Trong năm ấy, đức Phật lâm bệnh trầm trọng và rất đau nhức kịch liệt gần như tuyệt mạng. Nhưng Thế Tôn nhẫn thọ cơn đau bằng chính niệm, chính tri, không hề phiền nhiệt. Nhờ có một ý chí sắt đá, Ngài vững chắc giữ chính niệm, luôn luôn giác tỉnh và nhẫn nại chịu đựng cơn đau. Đức Phật biết rằng đã đến lúc Ngài sắp lìa thế gian, nhưng nghĩ rằng sẽ không hợp lẽ nếu ra đi mà không có vài lời đến vị đệ tử hầu cận và nhắc nhở Giáo hội. Do đó Ngài quyết định khắc chế bệnh trạng bằng ý chí sắt đá và liên tục chứng nghiệm hạnh phúc A La Hán[4].“Này Ānanda, bây giờ Như Lai đã kiệt lực, già yếu và gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã tám mươi, không khác nào cỗ xe quá cũ kỹ, cần phải có những sợi dây cột lại các bộ phận để giữ nó khỏi rã rời. Thân của Như Lai cũng cần những sợi dây thừng tương tợ. Này Ananda, lúc nào Như Lai yên lặng, không có dấu hiệu của sự sống, tâm an trụ vào một điểm bằng cách chấm dứt mọi cảm thọ và không biết gì đến sự vật xung quanh, đến lúc ấy thân của Như Lai mới thật là thoải mái[5]”. Một ngày kia, Ngài vào thành Vesali trì bình khất thực như thường lệ và sau khi cùng Đại đức Ananda độ ngọ xong tại đền Capala, có lời dạy như sau: “Người nào đã trau dồi, phát triển thật lão luyện, chắc chắn nắm vững, chứng nghiệm, thực hành và thuần thục điêu luyện bốn Phương Tiện để Thành Tựu (Tứ Thần Túc, Iddhipada[6]) có thể, nếu người ấy muốn, sống thêm được một kiếp sống[7] (kappa) hay có thể hơn chút ít (kappavasesam). Này Ananda, Như Lai đã trau dồi, phát triển, đã chắc chắn nắm vững và chứng nghiệm, thực hành và thuần thục điêu luyện Tứ Thần Túc. Nếu muốn, Như Lai có thể sống thêm một kiếp sống hay hơn chút ít.”

Mặc dầu lời gợi ý rất là rõ rệt hiển nhiên, đức Thế Tôn đã tạo cơ hội cho Ananda thỉnh cầu sự trụ thế lâu dài hơn nữa, nhưng vì Ananda lúc ấy không thấu hiểu để thỉnh cầu đức Phật sống thêm một kiếp nữa vì lợi ích, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của nhiều chúng sinh, vì lòng bi mẫn, thương hại thế gian, vì lợi ích, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của trời và người, đã vô tình bỏ qua; giờ nghe Đức Phật tuyên bố như vậy, Ngài liền khẩn cầu nhưng bị từ chối.

Đức Phật trả lời: “Đã đủ rồi, này Ananda, không nên khẩn cầu Như Lai. Thời gian cầu khẩn ấy đã qua.” Ngài quyết định trút hơi thở cuối cùng trong một làng mạc xa xôi hẻo lánh như Kusinara, thay vì ở các đô thị lớn như Savatthi hay Rajagaha, những nơi mà Ngài thường lưu ngụ và có nhiều tín đồ. Theo lời của chính đức Phật, lúc tám mươi tuổi, cơ thể của Ngài tựa hồ như “một cái xe quá cũ”. Dầu tuổi đã già, sức đã yếu, nhưng với ý chí sắt đá dũng mãnh, Ngài đi bộ trên con đường dài dẵng và khó khăn cùng với vị đệ tử hầu cận thân tín, Đại đức Ananda. Trong một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na. Đức Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó đức Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của Đạo Pháp. đức Phật nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy của họ không phải là một nhân vật nào cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của họ chính là Đạo Pháp. Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng những lời vàng ngọc:

– “Này! Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy Pháp của ta làm đuốc. Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát. không tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, không tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con.”

– “Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Chỉ có chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta.”

Đêm thâu tịch lặng chỉ nghe thấy tiếng đức Phật thuyết pháp, bên ngoài ánh trăng sáng tỏ, sao băng vút qua bầu trời, đức Phật rất điềm tĩnh không có một chút biểu hiện mệt mỏi. Cuối cùng đại địa rung động, hoa sa-la rụng xuống như mưa, các đệ tử đột nhiên thấy tâm thần chấn động, thì ra đức Phật Thích-Ca đã nhập niết bàn… Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng 2 Âm lịch (theo giáo sử Trung Hoa). Rừng cây Ta-la tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót. Vạn vật như chìm lặng trong giây phút nặng nề của sự chia ly.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Di Nguyen Cuoi Cung Cua Duc Phat Truoc Khi Nhap Niet Ban 2

Lời di nguyện tối hậu của đức Phật

Qua đây chúng ta có thể thấy được rằng, trước lúc đi xa, Thế Tôn vẫn muốn dặn dò lại chúng đệ tử xuất gia, những bậc sau này sẽ gánh vác trọng trách hoằng pháp lợi sinh. Nếu Ngài ra đi mà không di huấn, chắc chắn rằng Tăng đoàn sẽ bị xáo động, không biết nương tựa vào đâu, dẫn đến không hòa hợp. Những việc này đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của bậc Đạo sư.

Đức Phật đã căn dặn đệ tử rằng phải lấy “giới” làm thầy. (“Hỡi các chư Tỳ kheo, sau khi ta nhập niết bàn, các con phải tôn kính và trân trọng Patimokkha (luật giới bản), hãy luôn hành thiện và không được quên giới luật này. “Giới” chính là thầy của các con, khi các con luôn duy trì giới luật thì cũng giống như kẻ nghèo khó đắc được vật báu, và giống như ngọn đèn sáng soi đường trong đêm tối. Điều này sẽ không có gì khác biệt so với khi ta còn tại thế. Hỡi các chư Tỳ kheo, các con hãy hoằng thông chính Pháp, tự lấy chân lý cứu thế cứu người mà hành xử. Không được sinh lòng ham muốn tài vật, cũng không được mua bán điền trạch hay bất kể thứ gì. Các con là những người tu Phật, mang lợi cho người sẽ tự có người cúng dường nên không cần bận tâm về cuộc sống. Hỡi các chư Tỳ kheo, các con cần làm theo Đạo Pháp, không được lợi dụng xem tướng cát hung, bùa chú, tiên dược. Không nên gần gũi với những người giàu sang để tránh bị khinh nhờn vô lễ. Các con nên tự biết cách tiết kiệm tiết chế trong ăn uống, sinh sống thanh tịnh. Hãy đoạn hết thảy nhân tâm mà giữ gìn chính niệm, không được biểu hiện quá khác biệt với mọi người. Hỡi các chư Tỳ kheo, các con hãy học cách khống chế lục căn ‘mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý’, đừng theo đuổi lục trần để bản thân không bao giờ phóng túng, an dật, sa đọa. Cũng giống như khi thuần phục một con ngựa hung dữ, nhất định phải dùng hàm thiếc và dây cương nếu không sẽ làm người ta bị vùi vào hố sâu. Cái hại của ngựa hung dữ chỉ có trong một đời, nhưng cái hại của lục căn là có liên quan tới nhiều đời kế tiếp, vì vậy không thể không cẩn trọng chú ý điều này”).

Ngài chỉ muốn các đệ tử cần phải nương vào Pháp mà tu tập, không cần thiết phải có người lãnh đạo. Vì vậy, đức Phật dạy: “Này Ānanda, chúng Tỳ kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chính pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít giáo lý bí mật chưa giảng dạy).” Những lời nhắc nhở cuối cùng của đức Phật không nhằm để tôn vinh vai trò Đạo sư, cũng không xuất phát từ động cơ phát triển tôn giáo hay chủ thuyết của mình, mà chỉ vì lòng đại bi thương yêu đệ tử muốn cho họ được sớm thành tựu giải thoát.

Ngài đối đãi hài hòa bao dung đối với chúng Tăng, không nghĩ mình là vị giáo chủ. Ngài cũng không muốn chúng Tăng ỷ lại vào mình, mà hãy lấy Pháp và Luật làm nguyên tắc sống cho cộng đồng Tăng-già. Cần phải siêng năng học hỏi giáo lý, trau dồi giới hạnh và thực tập thiền định để mở mang trí tuệ, không cần phải bôn ba tìm kiếm sự giải thoát bất cứ nơi đâu. Lời giáo huấn rất thiết tha và nhân bản, con người là chủ nhân của chính mình, có thể tạo cho mình đời sống hạnh phúc hay khổ đau. Ðức Phật không phải là một vị thần linh hay thượng đế có quyền năng ban phúc giáng họa, hay ban cho mình sự giác ngộ. Nên đừng ỷ lại vào Ngài, Ngài không phải là người thống lĩnh Tăng đoàn.

Giáo hội Tăng Già

Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật đã tác động đến Tăng đoàn thời hiện tại một cái nhìn tích cực hơn, nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm, hòa hợp. Xoáy sâu vào tu tập cốt lõi Chính pháp, chủ trương tự giải thoát là chính, đồng thời liên hệ chặt chẽ với xã hội để truyền bá Chính pháp, thể hiện tinh thần độ tha. Tinh thần này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tu tập, sự hưng thịnh của Tăng đoàn và của Phật giáo từ quá khứ đến hiện tại và cho cả tương lai. Dù là trong mưa nắng, trong sương gió, làng mạc hay phố thị, rừng núi hay đồng hoang đều có dấu chân của những con người thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và đời sống thanh hạnh và tự mình nêu gương sáng về cuộc sống thanh tịnh và giải thoát. Vì lợi ích của chư đệ tử, Đức Phật truyền dạy bảy điều kiện thịnh suy của chúng tăng.

1. Ngày nào chư tỳ kheo còn thường gặp gỡ và tụ hợp đông đảo với nhau;
2. Ngày nào mà chư tỳ kheo còn tụ hợp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết, và làm tròn nhiệm vụ tăng sĩ trong tinh thần đoàn kết;
3. Ngày nào mà chư tỳ kheo không tạo ra những giới luật mới mẻ chưa từng được ban hành, và nghiêm túc hành trì những giới luật đã được ban hành;
4. Ngày nào mà chư tỳ kheo còn hộ trì, tôn kính và đảnh lễ những vị cao hạ, có nhiều kinh nghiệm, bậc cha của chúng Tăng, những người chưởng quản Giáo Hội, và kính trọng những lời dạy quý báu của các Ngài;
5. Ngày nào mà chư tỳ kheo không bị ảnh hưởng của tham ái, có thể phát sinh bất cứ lúc nào, và lôi cuốn các vị trong vòng sinh tử triền miên;
6. Ngày nào mà chư tỳ kheo còn tìm thích thú trong công phu chuyên cần hành thiền ở những nơi vắng vẻ nhàn tịnh;
7. Ngày nào mà chư tỳ kheo còn cố gắng phát triển chính niệm, khiến các bạn đồng tu chưa đến có thể đến ở, và các đạo hữu đã đến, được sống an lành;

Ngày nào mà bảy điều kiện thiết yếu ấy còn được thực hiện đầy đủ thì các tỳ kheo không thể suy đồi, trái lại còn phồn thịnh hơn trước. Ngày nào mà bảy điều kiện an toàn ấy còn được bảo tồn và duy trì trong hàng Tăng chúng, ngày nào mà các tỳ kheo được dạy dỗ rành mạch và rèn luyện trong tinh thần bảy điều kiện ấy, thì chúng tỳ kheo không thể suy đồi, trái lại còn phồn thịnh hơn.”

Với tâm từ bi vô lượng vô biên, Đức Phật soi sáng thêm cho các vị tỳ khưu bảy điều kiện an toàn khác như sau: “Ngày nào mà chư tỳ kheo không say mê, thích thú hay dấn thân vào công việc thế gian, vào những câu chuyện ngồi lê đôi mách, trong sự ưa thích ngủ nghỉ, trong sự dể duôi để câu chuyện ngoài đời lôi cuốn. Ngày nào mà chư tỳ kheo không còn chứa chấp hay bị rơi vào ảnh hưởng của khát vọng thấp hèn. Ngày nào mà chư tỳ kheo không kết hợp với bạn bè xấu xa, không có những khuynh hướng đê tiện tội lỗi.”

Ngày nào mà bảy điều kiện trên được thực hiện đầy đủ thì các tỳ kheo sẽ không dừng bước nửa đường, không ngừng cố gắng khi đã thành đạt một vài kết quả trên đường tu học và không bỏ dở công trình trước khi thành tựu đạo Quả A La Hán.” Và Đức Phật còn dạy thêm rằng: “Ngày nào mà chư tỳ kheo còn có tâm đạo vững chắc, khiêm tốn, chuyên cần, cố học, kiên cố tinh tấn, luôn luôn giữ tâm niệm và phát triển trí tuệ, thì Giáo Hội chư tỳ kheo không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn.”

Trong kinh (Mahavagga, 19-20) đức Phật đã tuyên bố giữa đại tăng: “Này Ananda, Giáo hội các đệ tử còn mong mỏi gì nữa ở Như Lai? Và Ngài đã dạy rằng không nên nghĩ là có một ai phải lãnh đạo Giáo hội và Giáo hội phải tùy thuộc một ai, mà mỗi cá nhân phải là một giáo hội, một hiện thân của giáo pháp chân chính. Này các Tỳ kheo! Như Lai đã được giải thoát hết mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian (các cõi trời). Các ông cũng vậy… Này các Tỳ kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngã, hãy truyền bá chính pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ.

Kết luận

Đức Phật đã để lại cho thế gian một bài học luân lý đẹp đẽ, đó là sự tỏ lòng tri ân sâu sa đối với cây bồ đề che nắng che mưa cho Ngài trong suốt thời gian tầm đạo.

Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.

Sứ mạng hóa độ – con đường giáo hóa của Đức Thế Tôn thật vô cùng nặng nề và khó khăn, nhưng với lòng bi mẫn rộng sâu, tinh thần bình đẳng triệt để và một ý chí dũng mãnh vô song, Đức Thế Tôn đã tùy theo căn cơ của mọi người mà dùng nhiều phương tiện thiện xảo giáo hóa, như một bậc y vương đã tùy bệnh mà cho thuốc, đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng một cách viên mãn và đã đề ra một con đường giáo dục thật mới lạ trong lịch sử nhân loại.

TT.Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

***

[1] Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.303.
[2] Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 298.
[3] Tứ niệm xứ: 4 đối tượng thiền quán, gồm: 1. Thân thể, 2. Cảm thọ; 3. Tâm thức; 4. Pháp. Đây là Tứ Niệm Xứ (Satipatthana). Danh từ Pháp (dhamma) dùng ở đây trong một ý nghĩa riêng, ám chỉ cả hai đối tượng của tâm – vật chất và tinh thần.
[4] Jivita samkharam adhitthaya
[5] Đức Phật ám chỉ hạnh phúc Niết Bàn (phalasamapatti)
[6] Tứ Thần Túc (Iddhipada) là: 1. tác ý hay ý muốn làm (chanda), 2. tinh tấn hay sự cố gắng (viriya), 3. tư tưởng hay tâm (citta), và 4. suy xét (vimamsa).
[7] Cụm từ “một kiếp sống” ở đây được phiên dịch từ Phạn ngữ “kappa”. Kappa  có nghĩa là một kiếp sống thông thường, khoảng một trăm năm. Kapavasesam nghĩa là một kiếp và thêm một phần của một kappa, lối 120 năm. Nơi đây danh từ này được diễn đạt bằng “hơn chút ít”.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường