Các công trình Phật giáo Đại thừa được tìm thấy ở trung tâm Gadhāra cho thấy đây là vùng đất mà Phật giáo Đại thừa phát triển rực rỡ. Mặc dù không ai biết sự xuất hiện của phong trào Phật giáo Đại thừa từ khi nào và ở đâu, nhưng có thể thấy rằng tư tưởng của Phật giáo Đại thừa đã nhanh chóng được tiếp nhận và phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Tác giả: Thích nữ Diệu An Học viên Cao học Khoa Triết học Phật giáo - Khoá III, Học viện PGVN tại Huế
A. DẪN NHẬP
Ngược dòng thời gian, quay trở về nhìn lại từ vạch đích xuất phát qua quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo cho đến tận hôm nay. Có thể thấy, Phật giáo đã phải trải qua vô số sự bào mòn, phân chia và qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử mới có thể tồn tại đến ngày giờ này, để chúng ta còn được đủ cơ hội và phước duyên đi theo con đường Chính Pháp. Để thích ứng với căn cơ thời cuộc, tạo điều kiện thích ứng cho sự tu tập của con người, Phật giáo đã trải qua rất nhiều sự vận động liên tục. Bởi lẽ rằng, nếu Phật giáo chỉ đứng yên một chỗ, trong khi sự đa dạng văn hoá và phát triển của xã hội đang trên xu hướng chạm đến đỉnh cao của sự phát triển toàn diện, liệu rằng Phật giáo có thể tồn tại được lâu dài hay không? Như vậy, một mặt với nhu yếu muốn tồn tại và phát triển, mặt khác đổi mới để thích ứng với xã hội đương thời, Phật giáo Đại Thừa tại Ấn Độ đã ra đời mang theo những sinh khí và làn gió mới cho Phật giáo.
Ngày nay, khi Phật giáo Đại Thừa đã dần ổn định và vững mạnh, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sức lan toả của nó đối với nhu yếu tu học của tín đồ trên toàn Thế giới rất mạnh. Với số lượng tín đồ gần gấp đôi các tông phái Phật giáo khác cộng lại, Phật giáo Đại Thừa đã để lại di sản vô cùng to lớn từ kinh, luật, luận uyên thâm với sự uyển chuyển, linh hoạt trong phương thức truyền bá tại các vùng đất đa dạng về văn hóa tại Ấn Độ và hoằng truyền hội nhập đến các quốc gia khác hơn hai nghìn năm qua. Với mục đích thoả mãn thị hiếu nghiên cứu của bản thân về Phật giáo Đại Thừa cũng như muốn truy nguyên xu thế tồn tại và phát triển của Phật giáo Đại Thừa manh nha ở Ấn Độ ra sao, người viết đã cùng phân tích và tìm hiểu về đề tài “Sự Ra Đời Và Phát Triển của Phật giáo Đại Thừa tại Ấn Độ” để nghiên cứu.
B. NỘI DUNG
1. Nguồn gốc về sự ra đời của Phật giáo Đại Thừa tại Ấn Độ
Để đi tìm điểm xuất phát của Phật giáo Đại thừa là một việc làm gây ra rất nhiều khó khăn cho sự nghiên cứu của các học giả. Bởi lẽ rằng, không có một căn cứ nào được xem là chính xác và đúng đắn cho một sự thống nhất chung về niên đại ra đời của Phật giáo Đại Thừa. Cũng chính vì kho tàng Tam Tạng giáo điển Phật giáo không có bằng chứng nào đề cập đến khái niệm “Đại Thừa” cả. Chỉ sau này, các nhà nghiên cứu Phật học đã tìm ra các nguồn tài liệu sớm nhất của trường phái này là những kinh điển Đại Thừa, được biên soạn lần đầu tiên khoảng bốn thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Đại Niết Bàn.
Mặc dù chúng ta không biết chính xác nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa, nhưng Phật giáo Đại thừa đã phát triển ở Ấn Độ cổ đại vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên trở đi và được coi là một trong ba nhánh chính của Phật giáo hiện nay (Theravāda, Vajrayana, Mahāyāna). Đại thừa được coi là một trào lưu mới của Phật giáo bằng cách ứng dụng giáo lý vào đời sống thực tiễn. Giáo lý Đại thừa nhấn mạnh hai đặc tính, đó là Bồ tát đạo và Bát nhã Ba la mật.
1.1. Thuật ngữ “Phật giáo Đại thừa”
Thuật ngữ “Mahāyāna” là sự kết hợp của các chữ cái Maha + yana. Trong đó, “Maha” có nghĩa là vĩ đại, rộng lớn và “yana” có nghĩa là cỗ xe. Nhiều học giả đề xuất rằng thuật ngữ “Mahāyāna” không xuất hiện trong bia ký cho đến thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba trước Công Nguyên. Trong khi đó, các bản văn Đại thừa được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc chứng tỏ rằng các bản văn Đại thừa đã tồn tại ở Bắc Ấn Độ trong triều đại Kuṣāṇa. Do đó, sự vắng mặt của các văn bản Đại thừa bằng tiếng Phạn không thể phủ định rằng Phật giáo Đại thừa không tồn tại trong vài thế kỷ đầu tiên của công nguyên.
1.2. Thời gian ra đời của Phật giáo Đại Thừa
Trước khi có một hệ thống Phật giáo Đại Thừa hoàn chỉnh với những sự kiện này, chúng ta có thể chấp nhận rằng, trước khi Đại thừa xuất hiện với sự giải thích mới mẻ về những lời Phật dạy, đưa đến một nghĩa mới về sùnyatà, đã có một Bồ-tát thừa thuộc Tiểu thừa và thừa này có thể được gọi là bán Đại thừa hay Đại thừa sơ sinh. Bán Đại thừa này chỉ nói đến 6 hạnh Ba-la-mật và những thần trí lực đặc biệt của Đức Phật mà chưa tiến đến các triết lý chân như, tính không…Đạo Phật bước vào giai đoạn Bán Đại Thừa từ rất sớm, nếu không phải trong thời vua A Dục, ít nhất cũng liền sau triều đại của Vua này[1].
Để đưa ra chính xác mốc thời gian ra đời của Phật giáo Đại Thừa, đó vẫn đang là vấn đề còn trăn trở của các nhà nghiên cứu sau này, vì rằng có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để bàn luận nhưng kết quả vẫn chỉ là một sự ước chừng nào đó chứ chưa thực sự đi đến một kết luận chung nhất và nó vẫn đang là một vấn đề được tranh cãi và bàn luận của các học giả.
Theo HT. Thích Thanh Kiểm trình bày rằng: “Khởi nguyên tư tưởng Đại thừa Phật giáo lẽ dĩ nhiên là đã có từ khi Đức Phật còn tại thế. Sau khi Phật diệt độ hơn 100 năm thì trong giáo đoàn Phật giáo chia ra Thượng Toạ Bộ và Đại Chúng Bộ, rồi dần dần phân chia các bộ phái, trong giáo nghĩa của các bộ phái đó phần nhiều cũng bao hàm cả giáo lý của Đại Thừa. Tới thời Asoka đến vua Kanishka thì tư tưởng của Đại Thừa Phật giáo dần thực hiện.”[2]
Trong thế kỷ I B.C., Phật Pháp Đại thừa bắt đầu hưng khởi, đây là Phật Pháp nhưng lại thuộc Đại thừa (Mahāyāna); là thứ Phật Pháp có khuynh hướng về lý tưởng, hình nhi thượng [siêu hình], thuộc tín ngưỡng nhưng lại thông tục hóa. [3]
Như vậy, rất có thể Phật giáo Đại Thừa ra đời trong khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên tức là khoảng 400 năm sau thời của Đức Phật
1.3. Những yếu tố dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Đại Thừa
Sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa là sự kết tinh giữa nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có bốn yếu tố được xem là xác nghĩa nhất dẫn đến sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa.
Thứ nhất là yếu tố chính trị. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của phật giáo, dưới sự ủng hộ của các vị vua thâm tín Tam Bảo, có thể thấy Triều đại của vua Kanishka, là triều đại đánh dấu sự huy hoàng của Phật giáo Đại thừa với những tên tuổi nổi tiếng như Long Thọ, Mã Minh, Thế Hữu. Các công trình Phật giáo Đại thừa được tìm thấy ở trung tâm Gadhāra cho thấy đây là vùng đất mà Phật giáo Đại thừa phát triển rực rỡ. Mặc dù không ai biết sự xuất hiện của phong trào Phật giáo Đại thừa từ khi nào và ở đâu, nhưng có thể thấy rằng tư tưởng của Phật giáo Đại thừa đã nhanh chóng được tiếp nhận và phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Thứ hai là yếu tố kinh tế. Con đường tơ lụa kết nối Ấn Độ với các nước Trung Đông và Trung Quốc đã tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế cho người dân Ấn Độ. Việc trao đổi buôn bán giữa các nước tạo nên không khí sôi động trong đời sống người dân. Một nền văn hóa mới được hình thành từ tư duy kinh tế. Trong bối cảnh xã hội như vậy, vai trò của Phật giáo cũng thay đổi. Các nhà sư không thể ở trong rừng và tu tập một mình trong tu viện. Họ cần phải đi vào thế gian để giúp đời cho mọi người bằng tinh thần Bồ tát. Lúc bấy giờ, họ theo chân các thương nhân đến các vùng đất bên ngoài Ấn Độ để truyền bá đạo Phật. Vai trò của nhà sư trong chuyến hành trình với các thương nhân là cầu nguyện, vì có vô số điều kiện khó khăn trên con đường buôn bán. Vì thế, Đại thừa được truyền bá rộng rãi với sự giúp đỡ của các thương nhân.
Thứ ba là yếu tố xã hội. Sự giao lưu văn hóa trên Con đường Tơ lụa đã tạo nên sự phát triển của xã hội Ấn Độ, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật. Điêu khắc ở Ấn Độ phát triển rực rỡ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Vào thời điểm đó, Mathura và Gandhāra đã trở thành hai trung tâm nghệ thuật lớn của Ấn Độ trong nửa cuối thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Đặc biệt, Phật giáo Đại thừa đã thấm nhuần vào đời sống của quần chúng nhân dân, thể hiện qua văn hóa, nghệ thuật mà tiêu biểu là nghệ thuật điêu khắc tượng Phật.
Thứ tư là yếu tố tôn giáo. Lịch sử Phật giáo sáu bảy thế kỷ sau khi Phật nhập diệt có ba thời kỳ: Phật giáo Nguyên thuỷ, Phật giáo Nikaya và Phật giáo Đại thừa sơ kỳ. Nhiều học giả hiện đại đã duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại thừa phát triển từ Trường phái Đại chúng bộ. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa học thuyết Đại chúng bộ và Đại thừa để chứng minh rằng Trường phái Đại chúng bộ đã rất ảnh hưởng đến Đại thừa.
2. Tư tưởng Phật giáo Đại Thừa tại Ấn Độ
Như đã nói ở trên, Đại thừa được coi là một trào lưu mới của Phật giáo bằng cách ứng dụng giáo lý vào đời sống thực tiễn. Giáo lý Đại thừa nhấn mạnh hai đặc tính, đó là Bồ tát đạo và Bát nhã Ba la mật.
Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh tinh thần Bồ tát đạo, lấy lòng từ bi làm trung tâm. Với tinh thần thực hành Bồ tát đạo, một vị Bồ tát tu tập có lòng bi mẫn rất lớn đối với chúng sinh, thương yêu chúng sinh như con một, luôn thực hành tu tập Lục độ Ba la mật để cứu vớt chúng sinh qua biển trầm luân sinh tử. Đặc biệt, danh từ “Bồ tát” được sử dụng phổ biến trong tư tưởng Phật giáo Đại Thừa trong khi các học thuyết khác hầu như rất ít.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Đại thừa được thực hiện nhờ sự phát triển của học thuyết Tính Không và những diễn giải mới về các khái niệm Trung đạo và Duyên khởi khác với quan điểm của Phật giáo Nikaya. Quan điểm của Đại thừa về Đức Phật cũng khác với quan điểm của Phật giáo Nikaya. Con đường dẫn đến giác ngộ của Đại thừa chẳng hạn như mười giai đoạn dẫn đến việc đạt được Phật quả trong khi mục tiêu của Tiểu thừa là trở thành một vị A la hán…
Ngoài ra, tư tưởng của Phật giáo Đại thừa còn đề cập đến các phương tiện thiện xảo và sự tự chứng tự nội. Theo đó, phương tiện thiện xảo sẽ giúp cho những ai tu tập trên con đường Đại thừa Phật giáo thấy ra những con đường thực hành pháp khác nhau để tuỳ vào căn cơ trình độ của cá nhân tu tập, giác ngộ để cuối cùng tất cả chúng sinh đều đạt được sự tự chứng tự nội và giải thoát.
3. Sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa tại Ấn Độ
Bắt nguồn từ những xu thế mang khuynh hướng phát triển và đổi mới về phương pháp thực hành đạo. Song Phật giáo Đại Thừa vẫn còn giữ nguyên được những lời dạy nguyên chất của đức Thích Tôn, theo cách hiểu đơn giản thì nó chỉ sự biến hoá nào đó, một sự thay đổi trong pháp hành một mặt nhằm bắt kịp với xu hướng về văn hoá, chính trị, kinh tế và tôn giáo của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ để người hành đạo có thể hiểu và thực hành Đạo, mặt khác nhằm đưa ra một sự lựa chọn mới trong khi sự lục đục không ngừng nghỉ giữa sự phân chia và bất đồng trong bộ phái Phật giáo vẫn luôn âm ỉ tại Ấn Độ trong thời điểm đó. Chính vì vậy, ở Ấn Độ sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa cũng được diễn ra rất mạnh mẽ và lan rộng ra rất nhiều vùng mà chúng ta cũng có thể khảo sát và phát hiện nó dựa vào các bản kinh Đại Thừa sau này.
Trong Kinh Hoa Nghiêm (Gandavyùha) có đề cập đến Manjusri (Văn Thù Sư Lợi) bắt đầu từ Jatavana (Kỳ viên) để đi trong xứ Daksinàpatha – Nam Ấn Độ, đến tại Maladhvajayuha caitya, tại thành phố lớn Dhanyakara, tại đây có rất nhiều tín đồ. Ở đây Manjusri thuyết pháp khiến cho Sudhanu, con một vị chủ ngân hàng rất giàu, phát Bồ đề tâm và dạy Sudhanu đi đến Sugrivaparvata trong xứ Ràmavartta (cũng trong Daksinàpatha) để học Samanta bhadra bodhisattvacaryà (Phổ hiền Bồ-tát đại nguyện). Sudhanu du hành trải qua nhiều xứ để tìm chân lý và cuối cùng đến tại Dvàravati. Sau khi đã học tất cả những gì có thể học được ở Nam Ấn, Sudhanu đi đến Kapilavastu và du hành qua nhiều nước ở phương Bắc. Cũng trong tập Manjusrimulakalpa, Dhànyakataka, Sriparvata và một số địa điểm khác ở Daksinapatha được đề cập đến và nêu rõ đạo Phật được hưng thịnh tại những chỗ này[4] .Đây cũng là một cơ sở dữ liệu để chúng ta hình dung sự phát khởi và truyền bá, hưng thịnh ở các vùng đất Ấn Độ cổ đại.
[caption id="attachment_17879" align="aligncenter" width="602"] Bản đồ thể hiện sự truyền bá Phật giáo từ TKI đến 600 năm CE [5][/caption]Qua bản đồ chúng ta cũng có thể thấy rất rõ con đường phát triển và truyền bá của Phật giáo mà tiêu biểu là Phật giáo Đại thừa. Những địa điểm quan trọng, di tích Phật giáo quan trọng tại Ấn Độ đều có sự hình thành của Phật giáo Đại thừa cả, điển hình như Mathura, Sarnath, Bamiyan, Sanchi, Ajanta, Gandhara… Như vậy, phần nào định hình được sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ.
Một vài cơ sở để minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ cổ đại mà hiện nay chúng ta có thể thấy đó chính là Gandhara và vùng Bắc Ấn.
Gandhara cũng là một vùng đất cực kỳ đặt biệt, nơi sản sinh rất nhiều bậc kỳ tài của Phật giáo như các ngài Vô Trước, Thế Thân, Liên Hoa Sinh, Chi lâu ca sấm... Đây là nơi đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo sang các nước lân cận. Đặc biệt, nơi đây còn diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ tư trên đất Ấn Độ, do đây là địa bàn của phái Nhất Thiết Hữu Bộ, cuộc kết tập này được cho là cuộc kết tập của phái Nhất Thiết Hữu Bộ nên không được truyền thống Thượng Toạ Bộ chấp nhận. Qua cuộc kết tập đánh dấu sự ra đời của Phật giáo Đại thừa và các tác phẩm văn học Đại thừa, cũng tại đây Tam tạng kinh điển được dịch sang tiếng Phạn là điểm khởi đầu cho sự phát triển của Đại thừa sau này. Ngoài ra, vùng đất này cũng là điểm cuối của con đường tơ lụa chặng Trung Quốc - Ấn Độ nên đây là nơi ghi dấu nhiều dấu chân của các nhà dịch thuật, các nhà truyền giáo đến Trung Quốc và là cơ sở cho sự hình thành Phật giáo Đại Thừa ở Trung Quốc.
Khi đề cập đến Phật giáo Đại thừa ở Bắc Ấn, không thể không nhắc đến ngôi trường đại học Phật giáo là Nalanda, nơi đào tạo những bậc thầy kỳ tại cho Phật giáo Đại thừa – Ngài Long Thọ và Huyền Trang. Đặc biệt, có thể thấy dưới sự dẫn dắt của ngài Long Thọ, Phật giáo Đại Thừa đã dần dẫn truyền lên và hưng thịnh ở miền bắc Ấn Độ. Có lẽ rằng tại đây Phật giáo Đại thừa cũng rất phát triển mới có cơ sở để đào tạo những bậc thầy anh tài cho Phật giáo Đại thừa.
C. KẾT LUẬN
Sự hình thành và phát triển của Phật giáo đại thừa tại Ấn Độ là một hệ quả tất yếu cho một bước tiến mới trong lịch sử Phật giáo. Sự mở rộng của Phật giáo Đại thừa có công lao to lớn trong sự truyền bá giáo pháp của Đức Thích Tôn theo xu hướng phát triển chung của xã hội. Với sự phát triển hàng loạt các tư tưởng, Phật giáo Đại Thừa đã mang đến cho Phật giáo một làn gió mới vốn đã được bão hoà ở thời kỳ Phật giáo Bộ Phái. Đây được xem là cơ sở nền tảng cho một bước tiến nhảy vọt của hệ thống tư tưởng Phật giáo trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình.
Đồng thời, khi nghiên cứu về sự hình thành và phát triển Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ, phần nào giúp chúng ta quay về xác chứng sự ra đời, khởi nguyên của nguồn cội – nơi giữ gìn Giáo pháp mà suốt mấy nghìn năm lịch sử trôi qua, chúng ta và tất cả những người con Đại Thừa đều đang tu tập và hành trì theo những lời dạy ấy. Cùng với đó, phần nào tăng trưởng lòng tin vào Chính Pháp, vào Tam Bảo và hệ tư tưởng vĩ đại mà Phật giáo Đại Thừa đã đem lại.
Tác giả: Thích nữ Diệu An Học viên Cao học Khoa Triết học Phật giáo - Khoá III, Học viện PGVN tại Huế ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kimura Taiken (1969), Đại Thừa Phật giáo Tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Viện Đại học Vạn Hạnh. 2. Rupert Gethin (2019), Nền tảng Phật giáo, Thích Thiện Chánh dịch, Nhà xuất bản Hồng Đức, TP. HCM. 3. Dutt (1999), Đại ThừaVà Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Thích Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh. 4. Thích Thanh Kiểm (1995), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Thành hội Phật giáo TP. HCM. 5. Pháp sư Thánh Nghiêm (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, Nhà xuất bản Phương Đông, TP. HCM. 6. Hirakawa Akira (2018), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp (dịch), Nxb Văn hóa-Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh. 7. Pháp sư Ấn Thuận (2020), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Tỳ kheo Thích Nhuận Tịnh (dịch và phụ chú), Nhà xuất bản Hồng Đức, Tp. HCM, 8. Ngô Văn Danh, Tượng Phật Đồng Dương và nhóm Tượng Phật Amaravati ở Đông Nam Á, tạp chí Nghiên Cứu Phật học số 4.
Website: Tham khảo: https://vividmaps.com/the-expansion-of-buddhis/, truy cấp ngày 19/07/2023.
[1] Nalinaksha.Dutt (1999), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Thích Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, trang 53-54. [2] HT. Thích Thanh Kiểm (1995), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Thành hội Phật giáo TP. HCM, trang 194. [3] Pháp sư Ấn Thuận (2020), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Tỳ kheo Thích Nhuận Tịnh (dịch và phụ chú), Nhà xuất bản Hồng Đức, Tp. HCM, trang 171. [4] Nalinaksha.Dutt (1999), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Thích Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, trang 58-59. [5] Tham khảo: https://vividmaps.com/the-expansion-of-buddhis/, truy cập ngày 19/07/2023.
Bình luận (0)