Chùa Đồng Hương - di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp
ISSN: 2734-9195
09:18 08/07/25
Chùa Đồng Hương gắn liền với tên làng nhỏ nằm kề bên bờ sông Ngũ Huyện Khê (cách 300m), đôi diện bên kia sông là chùa Đồng Kỵ.
Tác giả: Đặng Việt Thuỷ
Địa chỉ: Phường Tây Hồ, Hà Nội.
Bắc Ninh - Kinh Bắc từ xưa đã nổi danh là vùng đất nghìn năm văn hiến, "địa linh nhân kiệt", có lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời, giàu truyền thống cách mạng trong quá trình giành độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước.
Truyền thống đó đã hình thành nên một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và phong phú, trong đó có các di tích lịch sử cách mạng, đặc biệt là các di tích gắn với thời kỳ hoạt động của Đảng từ những thập niên đầu thế kỷ XX, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là những di tích tiêu biểu, gắn liền với nhiều sự kiện, nhiều cá nhân ưu tú của Đảng trong thời kỳ mới ra đời và lãnh đạo cách mạng.
Ngày nay, những di tích ấy vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh có nhiều công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu... được xây dựng mà dấu tích vẫn còn cho đến ngày nay.
Chùa Đồng Hương (Bắc Ninh). Ảnh sưu tầm.
Chùa Đồng Hương gắn liền với tên làng nhỏ nằm kề bên bờ sông Ngũ Huyện Khê (cách 300m), đôi diện bên kia sông là chùa Đồng Kỵ. Chùa Đồng Hương nay thuộc khu phố Đồng Hương, phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn (cũ), tỉnh Bắc Ninh. Khi mới lập làng có tên là Kẻ Trạch hay ấp Trạch, khi ấy chùa có tên là "Tiểu Linh tự". Đến thời Lê Trung Hưng, chùa đổi tên chữ thành "Tôn Linh tự". Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đồng Hương thuộc xã Song Động, tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Đồng Hương quay hướng Tây Tây Bắc, có tổng diện tích 2. 052 mét vuông. cảnh quan, không gian thoáng đãng. Chùa cùng với đình Đồng Hương tạo thành một cụm di tích tôn giáo tín ngưỡng của địa phương. Phía trước chùa là cánh đồng Gia, bên trái là đình làng, phía sau là khu dân cư đông đúc.
Chùa Đồng Hương (Bắc Ninh). Ảnh sưu tầm.
Chùa là nơi thờ Phật và cha mẹ của ba vị Thành hoàng làng Đồng Hương được bầu làm hậu Phật. Chùa có lịch sử xây dựng từ khá sớm, nhưng trải qua thời gian, các công trình kiến trúc bị xuống cấp và đã được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc hiện nay mang phong cách chủ đạo thời Nguyễn.
Hiện trên câu đầu gian giữa Tiền đường còn ghi dòng niên đại tu tạo: "Tuế thứ Nhâm Thân niên thập nhất nguyệt, nhị thập lục nhật trùng tu Tam bảo thụ trụ thượng lương đại cát" (vào ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân - 1932 trùng tu Tam bảo). Năm 1945 tu bổ nhà Mẫu.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, từ năm 1941 - 1945 Từ Sơn trở thành An toàn khu I của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.
Thời kỳ này, chùa Đồng Hương là một trong những cơ sở cách mạng an toàn của Đảng. Chùa Đồng Kỵ, chùa Đồng Hương, chùa Yên Lã là nơi đi lại, ăn ở, làm việc của các đồng chí Thường vụ Trung ương... Khi về hoạt động tại Hương Mạc, Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... đã được nhà sư Phạm Thông Hòa đào hầm bí mật ngay dươi bệ tượng Phật trong tòa Tam bảo, mở cửa thông ra ngoài để bảo vệ. Ngôi nhà khách trong chùa cũng trở thành nơi làm việc thường xuyên của Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng.
Trước năm 1973, các công trình kiến trúc trong chùa Đồng Hương đều bị xuống cấp. Trong những năm 1973 - 1977 nhà Tổ được tu bổ. Năm 2003 dựng lầu Quan Âm trên giếng Cô tiên. Năm 2005 dựng nhà Tổ; năm 2007 xây dựng Tam quan.
Từ năm 1975, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về thăm chùa Đồng Hương - tưởng nhớ năm xưa đã đặt cơ sở cách mạng, tưởng niệm nhà sư Phạm Thông Hòa. Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, năm 2012 địa phương đã xây dựng nhà truyền thống ở bên phải Tam bảo để thờ Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng đã có thời kỳ hoạt động tại chùa, các anh hùng, liệt sĩ của quê hương.
Tổng thể chùa bao gồm các công trình: Tam quan, Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ, lầu Quan Âm, nhà truyền thống.
Tam bảo là công trình chính của chùa, có mặt bằng hình chữ Đinh, gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường là nơi đặt tượng Hộ pháp, ban Đức Ông và ban Thánh hiền.
Kiến trúc gồm 5 gian, kiểu tường hồi bít đốc. Bộ khung gỗ gồm 5 hàng cột, vì nóc làm kiểu giá chiêng - kẻ ngồi ở gian giữa và gian bên, cốn mê ở hai bên hồi. Kết cấu vì nách cũng được làm kiểu kẻ ngồi và cốn mê. Liên kết hiên phía trước sử dụng kẻ suốt nhàm mở rộng không gian phục vụ các sinh hoạt.
Thượng điện là không gian bài trí thờ Phật, chia thành 5 cặp gồm: bộ Tam thế; bộ Adiđà Tam tôn; Bộ Quan âm Chuẩn đề, Ngọc Hoàng, Nam Tào - Bắc Đẩu; pho Cửu Long.
Dọc hai bên tường hồi đặt bộ Thập điện Diêm vương. Hai bên hồi sau thờ Quan Âm tọa sơn và Địa Tạng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Kiến trúc Thượng điện gồm 3 gian, bộ khung gồm 4 hàng cột, trong đó có cột quân gác lên tường bao. Vì nóc làm kiểu cốn mê, các vì nách làm kẻ ngồi. Các cấu kiện thiên về kỹ thuật bền chắc, bào soi vỏ măng.
Bao che phía trước Tiền đường sử dụng hệ cửa bức bàn, hai bên hồi và hậu xây tường gạch. Hệ mái gồm 1 tầng 2 mái, tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói di.
Hiện nay chùa Đồng Hương còn bảo lưu một số di vật có giá trị như chuông đồng đúc năm 1842, hệ thống tượng trên Phật điện mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Nhà Mẫu hướng Tây Nam nằm vuông góc với Tam bảo, có mặt bằng hình chữ Đinh, 5 gian nhưng đã bị dỡ hai gian. Nối liền và thông với nhà khách là Tháp chuông. Bộ khung gỗ gồm 5 hàng cột, nhưng trốn hàng cột cái gian giữa phía trước. Vì nóc kiểu giá chiêng kẻ ngồi và chồng rường. Vì nách làm kiểu kẻ ngồi, cốn mê. Bao che phía trước làm cửa ván gỗ, hai bên hồi và hậu xây tường bao bằng gạch, trát vữa. Hệ mái gồm 1 tầng 2 mái kiểu tường hồi bít đốc.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đồng thời là nơi ghi nhận dấu ấn các hoạt động cách mạng của các vị lãnh đạo Đảng trong thời kỳ kháng chiến, chùa Đồng Hương đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia ngày 28/6/1996.
Nơi đây đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ của Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa (1940 - 1945). Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí Trung ương Đảng như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... đã về đây hoạt động cách mạng.
Quả chuông này có sức sống mãnh liệt. Quả chuông chùa Ngũ Hộ sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Quả chuông sẽ có vai trò kêu gọi nền hòa bình mãi mãi cho Việt Nam, cho Nhật Bản, cho thế giới.
Không chỉ là di tích văn hóa, quần thể còn là cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng. Trong giai đoạn 1946–1954, chùa Hai Bà Trưng từng là địa điểm hội họp, cất giấu tài liệu bí mật.
Trong thời đại mà người ta thường tìm đến những ngôi chùa nổi tiếng với quy mô lớn để “check-in tâm linh”, thì chùa Quán Tình như một lời nhắc dịu dàng: sự tỉnh thức không nằm ở hình tướng bên ngoài, mà ở khả năng quay về với chính mình.
Nơi đây đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ của Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa (1940 - 1945). Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí Trung ương Đảng như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... đã về đây hoạt động cách mạng.
Chùa Thiền Lâm không phải nơi để tham quan, mà là nơi để quán chiếu. Không phải nơi để cầu xin, mà là nơi để buông bỏ. Một ngôi chùa – một pháp thân sống động để mỗi người trở về, thấy lại chính mình.
Bình luận (0)