Nhân dịp bước sang tuổi 90, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng và là người từng đoạt Giải Nobel Hòa bình, đã gửi đi thông điệp tới cộng đồng quốc tế, kêu gọi mọi người trên thế giới hãy hướng về sự bình an nội tâm và nuôi dưỡng tâm từ bi vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Từ dalailama.com
Trong thông điệp công khai phát hành ngày 05/07, Ngài tự xưng mình chỉ là “một tu sĩ Phật giáo giản dị” và bày tỏ lòng biết ơn trước những tấm lòng yêu kính từ khắp nơi trên thế giới nhân dịp sinh nhật lần thứ 90.
“Tôi không thường tổ chức sinh nhật cho riêng mình. Nhưng vì quý vị có tổ chức các sự kiện nhân dịp này, tôi xin được chia sẻ đôi lời… Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo đơn giản”. (Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14)
Lễ mừng sinh nhật và năm của lòng từ bi
Hàng nghìn người đã quy tụ tại thị trấn Dharamsala (miền bắc Ấn Độ) vào ngày 06/07 để chúc mừng sinh nhật Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong sự kiện do Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), tức chính phủ Tây Tạng lưu vong tổ chức.
CTA cũng chính thức phát động “Năm của lòng từ bi” trên toàn cầu.


Buổi lễ có sự hiện diện của các vị Lạt Ma cao cấp, quan chức chính quyền Tây Tạng lưu vong, các bộ trưởng Ấn Độ, cùng nhiều nhân vật quốc tế nổi tiếng, trong đó có diễn viên Richard Gere, người bạn lâu năm của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thông điệp từ bi và trách nhiệm nhập thế
Trong phát biểu của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng phát triển vật chất là điều quan trọng, nhưng điều thiết yếu hơn chính là nuôi dưỡng một trái tim nhân ái và tâm trí bình an, không chỉ với người thân, mà với tất cả chúng sinh: “Thông qua lòng từ bi và trái tim nhân hậu, quý vị sẽ góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”.
Ngài cũng tái khẳng định bốn cam kết lâu dài của mình:
1. Thúc đẩy các giá trị phổ quát của con người, như từ bi và trách nhiệm đạo đức.
2. Tăng cường sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
3. Giới thiệu trí tuệ cổ truyền Ấn Độ, đặc biệt là tri kiến về tâm thức và cảm xúc.
4. Bảo tồn văn hóa Tây Tạng, với trọng tâm là lòng từ bi và sự an bình nội tại.
Nguyện sống để phụng sự cho đến 130 tuổi
Trong buổi lễ cầu nguyện trường thọ được CTA tổ chức hôm 06/07, với nghi lễ bắt đầu bằng bài tụng tán dương Đức Liên Hoa Sinh và bài nguyện trường thọ theo nghi lễ Đức Phật A Di Đà do Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 biên soạn, Ngài bày tỏ nguyện vọng: “Tôi hy vọng có thể sống đến 130 tuổi để tiếp tục phụng sự chánh pháp và nhân dân Tây Tạng”. (Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14)

Ảnh của Tenzin Choejor. Từ dalailama.com

Ngài nói rõ về mối liên hệ mật thiết giữa mình và Bồ Tát Quán Thế Âm, đấng từ bi được xem là hiện thân hộ trì của dân tộc Tây Tạng và chia sẻ rằng Ngài luôn cảm nhận được ân đức gia trì từ Quán Âm: “Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều phát nguyện và quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm trên đỉnh đầu. Tôi tin rằng Ngài luôn ở đó và ban phước lành cho tôi”.
Chính niệm về Bồ đề tâm - Cội nguồn của hành động vị tha
Trong nhiều chia sẻ trong ngày lễ, Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhắc đến lời nguyện của ngài Tịch Thiên (Shantideva), một bậc đại luận sư Ấn Độ:
“Chừng nào còn không gian,
Chừng nào còn chúng sinh,
Chừng ấy nguyện tôi còn hiện hữu,
Để giúp trừ khổ cho cuộc đời”.
(Bồ Tát Hạnh - Tịch Thiên)
Ngài nhấn mạnh:
“Tôi thường suy ngẫm lời dạy này mỗi ngày. Tôi xem tất cả chúng sinh là bạn bè, quyến thuộc. Khi quý vị đến đây với niềm vui trong tim, sự hoan hỷ ấy cũng truyền cảm hứng cho tôi. Nếu tôi chỉ biết sống ích kỷ, chắc chắn tôi đã không nhận được sự kính trọng ấy”.
Ngài khẳng định Bồ đề tâm (bodhicitta) là cốt lõi của Đạo Phật, là nguồn lực chuyển hóa bản thân và tạo ra kết nối chân thật với tha nhân:
“Tôi cầu mong tất cả quý vị hãy biến Bồ đề tâm và tuệ giác về tính Không thành thực hành của riêng mình”.
Về dòng truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma sau này
Đáng chú ý, ngay trước sinh nhật lần thứ 90, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công bố rằng dòng truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma sẽ được tiếp tục sau khi Ngài viên tịch, và người kế vị sẽ do Tổ chức Gaden Phodrang, văn phòng đại diện tâm linh của Ngài chỉ định.
Ngài cũng nêu rõ: người kế vị có thể là nam hoặc nữ và không nhất thiết phải là người Tây Tạng. Đồng thời, Ngài khẳng định: “Không ai khác có quyền can thiệp vào việc này”.
Tuyên bố trên được xem là lời kết dứt rõ ràng cho những suy đoán suốt nhiều năm qua về việc dòng truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma có thể kết thúc ở đời thứ 14.
Một hành trình phụng sự không ngừng nghỉ
Kết lại phát biểu trong buổi lễ, Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ lòng tri ân và niềm hoan hỷ trước sự hiện diện của hàng ngàn người tham dự: “Tôi đã cố gắng hành trì thiền định, phát triển Bồ đề tâm, tu tuệ quán và chánh niệm. Tôi không cảm thấy đời mình uổng phí. Dù mang danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma, nhưng tôi không tự hào vì điều ấy. Tôi chỉ mong được làm một vị Tăng, một hành giả phục vụ cho người khác và cho giáo pháp”.
Ngài kết luận trong tinh thần khiêm cung nhưng đầy chí nguyện: “Tôi đã 90 tuổi. Tôi vẫn tiếp tục phụng sự. Và tôi mong quý vị cũng phát khởi Bồ đề tâm để cùng nhau kiến tạo một thế giới từ bi hơn, an lành hơn”.
Tác giả: Craig C Lewis/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên
Nguồn: buddhistdoor.net
* Bài viết sử dụng tư liệu từ thông điệp chính thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma (05-06/07/2025), phát biểu tại lễ mừng sinh nhật tại Dharamsala và công bố của Chính quyền Tây Tạng lưu vong (CTA).
Bình luận (0)