Ni trưởng Huỳnh Liên làm thơ không phải để mưu cầu danh lợi. Người làm thơ để giáo hóa môn sinh, mong cho đời hiển đạo. Ngài muốn cụ thể hóa giáo lý uyên thâm của đức Phật cho mọi người dễ dàng chấp nhận giáo lý Phật Đà

PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

TÓM TẮT NỘI DUNG: Ni trưởng Huỳnh Liên (1923 – 1987) để lại cho đạo pháp và dân tộc nhiều “bài thơ đạo”. Đó là những bài thơ chuyển tải đạo pháp với bút pháp tâm từ, thông tuệ. Ở đó sự khế hợp giữa thơ và đạo khá uyển chuyển, cao thâm mà bình dị, nhiệm mầu Phật pháp, tâm từ, thông tuệ dễ đọc, dễ hiểu, thấm nhuần đạo vị. Ni trưởng làm thơ không phải để ngâm ngợi, thù tạc mà là để chuyển tải đạo pháp. Thông qua những “bài thơ đạo”, Ni trưởng đề cập đến một số nội dung sau đây: Những bài thơ hoằng pháp, độ sinh; Những bài thơ vinh danh Phật giáo Việt Nam, tri ân Phật Tổ và Thầy Tổ; Những bài thơ khuyên giáo người tu hành; Một bút pháp tâm từ, thông tuệ. TỪ KHÓA: Ni trưởng Huỳnh Liên – Hoằng pháp, độ sinh – bút pháp tâm từ, thông tuệ.

1. Những bài thơ hoằng pháp, độ sinh

Hoằng pháp là truyền bá, giảng giải tư tưởng giáo lý của Phật Đà. Độ sinh được hiểu là người xuất gia tế độ chúng sinh, độ thoát chúng sinh từ nơi mê tối đến chỗ sáng suốt, đưa chúng sinh ra khỏi biển luân hồi đến thế giới an lạc.

Lời mở đầu cuốn sách: Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên có đoạn: “Ni trưởng Huỳnh Liên làm thơ không phải để mưu cầu danh lợi. Người làm thơ để giáo hóa môn sinh, mong cho đời hiển đạo. Ngài muốn cụ thể hóa giáo lý uyên thâm của đức Phật cho mọi người dễ dàng chấp nhận giáo lý Phật Đà”(1).

1.1. Hoằng pháp một số giáo lý căn bản của Phật Đà;

Giáo lý Phật Đà rộng lớn, uyên áo thể hiện trong Tam tạng kinh điển (Kinh, Luật, Luận), trong điều kiện có thể, Ni trưởng chọn một số nội dung để truyền tải qua những bài thơ đạo.

Những tư tưởng như giác độ, bát nhã (trí tuệ), sắc – không, tự tại, niết bàn, địa ngục được Ni trưởng thể hiện trong bài thơ Cảm đề Phật đản. Khổ thơ đầu 4 câu diễn tả Phật Tổ xuất gia tìm câu trả lời về kiếp người, về sinh, già, khổ, chết về tứ đế (tứ diệu đế/ tứ thánh đế): Khổ (khổ đế, nguyên nhân của khổ (Tập đế), dứt khổ (Diệt đế), con đường thoát khổ (Đạo đế) mà Phật Tổ nhận ra sau những ngày tu tập dưới cội Bồ Đề để rồi sau đó đi đến vườn Nai (Lộc Uyển) nơi có 5 người bạn đồng tu theo lối tu khổ hạnh đang tu tại đó để thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân.

Bài thuyết giảng về Tứ diệu đế:

Cứ tưởng trần gian của kiếp người, Sanh, già, đau, chết vậy hoài thôi. Bồ đề một lối hào quang chiếu, Trần thế muôn duyên vẹt ngút mùi. Không sắc, sắc không đường tự tại, Niết bàn, địa ngục, lý tương quan Đèn giác ngộ mời tâm giác ngộ, Giới huy hoàng tỏ đạo huy hoàng. Cảm đề Phật đản (Tr 313, 314)(2)

Cũng tại Vườn Nai (Lộc Uyển), Đức Phật Tổ thuyết bài pháp thứ hai: Vô ngã tướng (cái không tôi). Duyên khởi + Vô ngã tướng được xem là mở đầu của giáo lý Phật Đà. Nghiên cứu về giáo lý Phật giáo thường được các nhà nghiên cứu bắt đầu từ giáo lý Duyên khởi + Vô ngã tướng rồi theo đó là Tứ diệu đế với đạo đế -> bát chính đạo -> giới -> định -> tuệ với trung đạo (không khổ, không vui) để đạt tới giải thoát, niết bàn.

Với bài thơ Thân (tr 80 – 81), Ni trưởng truyền tải giáo lý Vô ngã với những lập luận giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu:

Thân này chưa biết ra chi, Của kia lại có chắc gì mà ham. Được thua, thua được chuyền chuyền, Hả hê mới đó, ưu phiền đâu đây. Lung tung trong cạm luân hồi, Day qua trở lại biết đời nào ra.

Vì vậy người con Phật phải biết buông bỏ, thấm nhuần Phật pháp, lìa bỏ chốn mê, trau giồi bát nhã (trí tuệ) theo chính đạo mà “đáo bỉ ngạn” với những lời khuyên như thể hiện qua đoạn thơ:

Đưa tay trí tuệ, tháo dây dục tình Đoạn trừ hoặc chướng vô minh, Tâm chơn trở lại, tánh linh đem về Gieo ban hạt giống Bồ Đề Xanh tươi nhành lá, sum suê cội tàn Nước dương rưới khắp trần hàn Diệt trừ phiền não tiêu tan tội tình Giang chèo thuyền giác độ sanh Bến mê phút chốc biến thành ao sen.

Nhiều tư tưởng trong Tam tạng kinh điển được phổ thơ, có thể dưới dạng như: ngũ ngôn; tứ tự; lục bát; song thất lục bát; song thất biến thể; bát cú; tứ tuyệt… Đó là những bài thơ mà tựa đề được rút tỉa từ những nội dung của Phật pháp như các bài: Đi thuyền ( tr 78), Sen gương (tr 79), Thân (tr 80 - 81), Khẩu (tr 82- 83), Ý (tr84 - 87), Nhẫn (tr 88), Giới (tr 89- 90), Huệ (tr 91 – 93), Bốn nghiệp miệng (tr 94), Giới sát (tr 95 – 97).

Mỗi tựa đề là một chủ điểm, Ni trưởng qua các vần thơ, dựa vào kinh điển để truyền tải. Chẳng hạn với bài Giới sát, Ni trưởng mở đầu với những vần thơ:

Muôn loài nào khác chi ta Cũng cần sanh sống lánh xa tai nàn Ta đừng giết nó mà ăn Cũng đừng bắt nó trói trăng giam cầm Bởi vì: Người cùng muôn vật một nhà Ta là an chị, chúng là đàn em

Đó chính là tư tưởng về chúng sinh trong giáo lý Phật giáo.

1.2. Hoằng pháp hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam;

Ra đời năm 1944 tại Nam Bộ mà người sáng lập là Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, Khất sĩ là hệ phái Phật giáo Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ vừa mang những đặc tính của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) vừa khế hợp một số đặc tính của Phật giáo Đại thừa/Phật giáo Đại thừa phát triển, nhưng do đặc thù của thời điểm ra đời, đặc thù của vùng đất Nam bộ đương thời mà hệ phái lại có những nét riêng biệt về tu tập hành trì, về tổ chức bộ máy, về cơ sở thờ tụ. Về hệ thống Tăng già, ngay từ buổi đầu, hệ phái đã có Tăng bộ và Ni bộ/ Ni giới. Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên là một trong số Ni gia nhập hệ phái đầu tiên dưới sự chỉ dẫn, dìu dắt của Đức Tổ Sư. Sau khi Đức Tổ Sư vắng bóng, Ni trưởng Huỳnh Liên thay Đức Tổ Sư lãnh đạo Ni giới tiếp tục hành đạo mà hoằng pháp là một trong những công việc quan trọng.

Ngay từ thời Đức Tổ Sư tại thế, giáo lý Phật Đà đã được Ngài biên soạn theo thể thơ văn vần để hàng tang, ni dễ truyền bá. Thơ đạo của Ni trưởng là kế thừa lối thơ vần giáo lý của Đức Tổ Sư.

Bài Khất sĩ là một dạng nhìn nhận toát yếu về Khất sĩ. Khất sĩ hạnh ta bà, Tiêu diều đường tự tại. Không danh lợi cửa nhà, Không của tiền con cái. Đỡ lòng một bát cơm. Che thân ba mảnh vải. Đầu đội nón càn khôn, Chân mang giày thế giới. Đem một tấm tình thân, Sống chung trong muôn loại. Rải rắc giống từ bi. Kết đơm hoa bác ái. Còn một kẻ mê lầm, Còn tấm lòng thương hại. Còn chen lộn phong trần Còn tới lui qua lại. Còn tinh tấn luôn luôn, Độ nhơn sanh mãi mãi.

Công việc hoằng pháp của hệ phái Khất sĩ một thời gian dài ngoài việc tổ chức những buổi pháp hội, tập hợp chúng phật tử vào một địa điểm để thực hiện, chủ yếu vẫn là kết hợp khất thực với truyền bá giáo lý. Có thể xem bài Nụ cười khất thực là bài thơ chuyển tải phương thức này khá đầy đủ và chi tiết.

Thày dạy con đi Du phương khuyến giáo Nếu đi hành đạo Khất thực phương xa Phải đứng từ nhà Lặng thinh trước ngõ Người nghe tiếng chó Ắt bước ra chào Hỏi trước dò sau Tò mò tìm biết Con bày sự thật Rằng pháp tu hành Dứt bỏ lợi danh Trì bình khất thực Lập công bồi đức.

Hình thức tu hành, mục đích mà bậc hành giả đạt tới, được Ni trưởng thể hiện trong bài Công đức Sư trưởng

Đạo tràng thành lập bấy lâu, Luật nghiêm chọn lọc gồm thân sĩ hiền. Nơi đây thế giới vô phiền, Không còn tham đắm chức quyền lợi danh. Mỗi người áo vá ba manh, Một bình bát đất du hành khắp nơi. Sáng ra khuyên giáo độ đời, Trưa thời thọ thực, xế thời thuyết kinh. Chiều khuya quán tưởng lặng thịnh, Nửa đêm nhập định điểm linh ngưng thần. Người người tự giác độ thân, Giác tha độ thế dạy dân tu trì.

Bài Cầu nguyện hòa bình nếu chỉ đọc tiêu đề dễ lầm tưởng tác giả cầu nguyện chấm dứt chiến tranh đem lại hòa bình cho dân tộc, nhưng khi đọc vào nội dung mới hay đó không phải là hòa bình của chiến tranh mà là hòa bình cho lòng người “nguy biến tâm kinh”, mất chữ “NHƠN”. Qua đó một lần nữa tác giả luận bàn về việc gắn đạo với đời, đến vai trò của người cư sĩ đặc biệt là với hàng giáo sĩ xuất gia của hệ phái Khất sĩ:

Hạnh tu Khất sĩ lữ hành Mỗi ngày khất thực trì bình giáo khuyên. Muôn pháp ấy làm duyên tế độ, Cho thế trần được cho gieo nhơn. Tập làm bố thí ra ơn, Lòng tham dứt bỏ, đạo chơn hầu gần. Hoặc: Trong đời phải cần tu hai pháp: Ăn chay và vui họp đi xin Luật nghiêm giới cấm giữ gìn Muôn người hòa hiệp như in một người.

Một trong những biểu tượng của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam là đèn chân lý cùng với biểu tượng hoa sen. Tổ sơ Minh Đăng Quang chọn “hoa sen” và “đèn chơn lý” làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích Ca chánh pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam” là thể hiện đích đến đem chính pháp thanh đạm của Chư Phật (Hoa Sen) soi đường dẫn lối (đèn chơn lý) cho người hữu duyên. Đó là cách phụng thờ chính pháp tốt đẹp nhất. Qua bài thơ Đèn chơn lý, Ni trưởng đề cập đến hành giả khất sĩ để đảm đương việc soi đường, dẫn lối chúng sinh.

Theo tác giả, bậc tu hành phải thực hiện 4 điều giải thoát: thân, tâm, trí, tánh.

Thân giải thoát, thân trau giới luật Tâm tịnh thanh, tâm đạo định thiền, Trí minh, trí chiếu tuệ viên, Tánh an, tánh thiện, diệu huyền chơn như.

Để rồi:

Đưa đường giải thoát trần gian, Ngọn đèn chơn lý trời Nam sáng bừng

1.3. Những bài thơ đạo truyền tải tư tưởng độ sinh

Hoằng pháp luôn đi liền với độ sinh theo một chỉnh thể: Hoằng pháp, Độ sinh. Hoằng pháp truyền bá tư tưởng giáo lý của Phật Đà để đưa chúng sinh từ cõi mê sang bờ giác ngộ trí tuệ. Đấy chính là độ sinh. Một trong những bài thơ đạo của Ni trưởng thể hiện tư tưởng tế độ chúng sinh là bài Chúc xuân:

Ánh đạo vào rộng vàng khắp cõi, Độ chúng sanh thoát khỏi lầm mê. Được vững chãi con đường trí tuệ, Lướt ngược dòng vượt bể trầm luân. Chúng sanh còn đắm hồng trần, Nương theo thuyền giác về gần Phật môn. Tăng ni dẫn lối đưa đàng chúng sinh.

Muốn có đức cao dày, bậc hành giả phải luôn nghiêm trì, thực hành chính pháp. Để rồi:

Đưa tay trí huệ tháo dây thương, Các bước vân du trỗi dặm trường Khất thực vai mang bình bát đất, Hóa duyên độ chúng khoác y vàng. Rước mưa bác ái nhuần ba cõi, Soi đuốc từ bi rạng bốn phương. Nguyện lựa đem thân hành chánh đạo, Cho đời sớm tỉnh giấc hoàng lương.

Bài Hành đạo

Trong hàng con Phật có bậc xuất gia có bậc tại gia, bậc tại gia muốn trở thành người con Phật điều đầu tiên là: Theo giới quy y của Phật Đà, họ còn phải phát tâm công đức cúng dường Tam bảo có thể bằng tài thí, vật thí, hay pháp thí. Để được độ sinh, phật tử tại gia phải giác ngộ, phải có tâm đạo. Điều này được Ni trưởng thể hiện trong hai bài thơ: Giác ngộ (tr 270) và Tâm đạo (tr 270).

2. Những bài thơ vinh danh Phật giáo Việt Nam, tri ân Phật Tổ, Thầy Tổ

2.1. Thơ đạo vinh danh Phật giáo Việt Nam

Là người con Phật, với cương vị Ni trưởng dẫn dắt Ni đoàn Khất sĩ Phật giáo Việt Nam một thời gian dài, Ni trưởng có cái nhìn về Phật giáo Việt Nam qua những vần thơ đạo bình dị nhưng tóm được những nét chính yếu đưa người đọc tiếp cận Phật giáo Việt Nam ở một bình diện khác.

Tôi yêu Phật giáo Việt Nam, Là vì Phật giáo không làm hại ai. Trên đường du nhập xa dài Không khai đường máu mà khai tâm lành. Hai mươi thế kỷ chơn thành, Đã cùng dân tộc nhục vinh, thăng trầm. Tôi yêu Phật giáo Việt Nam Là vì Phật giáo nhiều hàng cao tăng Nguy thời dựng nước cứu dân, An thời giữ áo am vân tù trì. Tùy duyên bất biến quyền nghi, Lực hùng giải ách, từ bi cứu nàn. Bài: Tôi yêu Phật giáo Việt Nam (tr 106 – 107).

2.2. Thơ đạo tri ân Phật Tổ, Thầy Tổ

Đạo Phật đề cao tứ trọng ân/ tứ đại trọng ân đó là bốn ân sâu nặng mà người con Phật phải báo đáp cho trọn vẹn. Đó là các trọng ận: Ân cha mẹ, Ân sư trưởng(3), Ân quốc gia dân tộc, Ân chúng sinh(4).

Như vậy ân Phật Tổ, Thày Tổ (Sư trưởng hay Tam bảo) là ghi tạc công ơn của Phật Tổ, Thày Tổ người sáng lập ra đạo và người dìu dắt hành giả trên con đường tu tiến. Phật Tổ, Thày Tổ là hiện diện của Tam bảo để hành giả nương tựa, quy y.

Bài Nhớ ơn Phật, của Ni trưởng như một bài kệ dưới dạng thơ lục bát, trình thuật về quá trình xuất gia của đức Phật:

Tìm ra được ánh đạo vàng, Nhọc nhằn một kẻ, vẻ vang muôn người.

Đức Phật Tổ toàn năng, toàn giác, Sinh trong trần nhưng khác người trần.

Nhớ ơn Phật Tổ, người con Phật không chỉ ghi lòng, tạc dạ mà còn phải tu tiến hàng ngày trên con đường giác ngộ giữa cõi Ta bà với muôn ngàn cám dỗ, tội lỗi.

Đời chen lộn ngàn đường tội lỗi, Ta bước riêng một lối thanh cao. Đạo vàng quý báu biết bao, Vừa mình tu tỉnh, vừa trau sửa người! Cùng giải thoát khỏi nơi biển khổ Cùng rước đưa khỏi chỗ sông mê.

Và:

Hỡi chư Phật tử hữu duyên, Nhớ ơn Từ phụ cần chuyên tu hành. Bài Bồ Đề, lấy thực tế Phật Tổ tu đạo,

Bài Bồ Đề, lấy thực tế Phật Tổ tu đạo, giác ngộ tại cội Bồ Đề, Ni trưởng khai triển những giáo lý của Phật Đà. Nhập định, tham thiền, chánh giác, huệ chân, hóa duyên… để rồi đưa ra phận sự của bậc hành giả:

Khai minh, phát tuệ, phá mê, Để nâng bá tánh, chở che muôn loài.

Ni trưởng dành một số bài thơ đạo hàm ơn Thày Tổ cũng như những hành giả đồng tu khi họ qua đời. Với thể thơ song thất lục bát, bài Tầm Thày nói lên nỗi niềm sâu nặng của đệ tử đi tìm Thày mà phải hứng chịu lao lý, gian truân.

Bài thơ dành phần đầu nó về nỗi xót thương của hàng đệ tử đối với Đức Tổ Sư cũng như công lao mở đạo của Ngài.

Ngày mùng Một tháng Hai năm Ngọ Ngày Đức Thày lãnh thọ tai ương, Động lòng Trời đất thảm thương, Thiên hôn, địa ám, khác thường mọi khi. Bao năm khai mở đạo trường Dắt dìu sanh chúng hiền lương tu hành.

Với hàng đệ tử, ngày mồng Một tháng Hai năm Giáp Ngọ (1/2/1954) chỉ là ngày Đức Thầy Tổ vắng bóng và Ngài sẽ trở lại. Hàng đệ tử vẫn được Ngài chở che, là thạch trụ để nương nhờ, tiếp tục xiển dương đạo pháp.

Ôi đức cả Tôn Sư thông thấu, Cùng thiên cao, địa hậu chứng tri. Con nguyện kiếp kiếp tu trì, Nương về theo bóng từ bi Đức Ngài. Con chờ đợi ngày mai trời sáng, Đức Thày về khêu rạng pháp đăng. Dẫn đàn hiệp chúng hòa Tăng. Nhơn sanh độ khắp đồng đăng đạo tràng.

Trong cuốn Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, nhóm tác giả sưu tầm, biên soạn có phần thơ của Ni trưởng theo các thể như: Ngũ ngôn, tứ tự, lục bát… thể thơ Tự do, thể thơ văn tế và Thi điếu. Về thi điếu như điếu Đại lão Cố Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch ngày 2-4-1984 với tựa đề Phảng phất tôn dung, điếu Hòa thượng Thích Thiện Hoa với tựa đề Biến cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, bài Nghĩa cả chưa đền, tưởng niệm Hòa thượng Thích Tài Thư… Đọc những bài văn tế hay thi điếu, người đọc cảm nhận với vai trò của mình – Ni trưởng – không chỉ nói lên nỗi niềm của riêng mình mà là của chúng phật tử.

3. Những bài thơ đạo về phạm hạnh của người tu hành

Những bài thơ đạo về phạm hạnh của người tu hành của Ni trưởng hết sức phong phú. Ni trưởng bắt đầu với việc đề cao vai trò của Ni chúng/ của người con Phật. Họ được khoác trên mình y phục cà sa. Vẫn biết tấm áo không làm nên nhà sư, nhưng hành giả khoác trên mình y áo cà sa là nhận lãnh phước duyên cao cả. Y áo cà sa trở nên oai đức:

Mặc vào mảnh áo cà sa, Bao nhiêu phiền não hóa ra hạnh lành. Chẳng còn tham lợi, tham danh, Mở lòng thương xót chúng sanh xa gần Bài Oai đức cà sa (tr 105)

Áo cà sa lại được Ni trưởng tiếp cận dưới một góc độ khác, đó là chỉ có những người xuất gia lo cho gia đình lớn – Chúng sinh, những người có duyên lãnh mới mặc được.

Giã từ trần cảnh hướng Tây phang, Tháp cảnh choàng thân chiếc áo vàng. Như đám mây lành nâng đỡ gót, Hay vòng phép lạ rút thân đàng. Buông tình vọng chấp lòng khoan khoái, Nhẹ bước huyền không trí rảnh rang. Duyên tốt căn lành ai mặc được, Lạc thành thấm thoát trái chơn sang. Bài Áo cà sa (tr 258)

Qua bài thơ Vi nhân nan đề cập đến nỗi gian truân của bậc hành giả nơi cửa thiền để rồi Ni trưởng khuyến tấn:

Lâm cảnh khốn, lên gành xuống thác, Vững tay chèo hỡi các đệ huynh. Giòng mê kịp hóa giòng thanh, Thuyền khơi quyết đỗ bến lành Tây Phương.

Đạo Phật là đạo của giải thoát. Muốn đạt được quả vị hành giả phải bền công tu luyện.

Điều cần thiết, phải bền công tu luyện, Kẻ chưa siêu, nào độ được ai siêu. Người đang tu, là đang gắng tìm trèo, Tự giải thoát, trên bước đường siêu vượt. Bài Giải thoát đạo (tr 195 – 196)

Phương pháp tu hành của Hệ phái Khất sĩ có những nét đặc thù được Ni trưởng diễn đạt qua bài thơ Hành đạo (tr 300 – 301).

Kính trời, đầu đội tấm màn trời, Mến đất chân kề manh chiếu đất. Bộ y ba lá tạm che thân Quả bát mỗi ngày vừa đủ dạ Chỗ ở sơ sài am lợp lá Bịnh đau lây lất thuốc người cho.

Đó còn là các bài thơ khuyên huynh đệ ơn thí chủ, bài Ơn thí chủ, hay những bài Xuất gia, Hành đạo, Cát ái, Ly gia… đề cập đến những đoạn trường của bậc hành giả.

4. Một bút pháp tâm từ, thông tuệ

Đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ. Người đọc vì vậy nhận thấy từ bi, trí tuệ thể hiện rõ nét trong các bài thơ đạo của Ni trưởng.

Giáo sư Hoàng Như Mai trong bài Đọc thơ của Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên(5) đã gọi thơ của Ni trưởng là Thơ đạo: “Thơ đạo của Ni trưởng theo cảm hứng đề tài rất bình thường. Đây là những cụm hoa không phải kén chọn, ương trồng, chăm sóc với những công phu dành riêng cho các loài hoa quý hiếm trong các nơi thượng uyển, mà là hoa đồng, hương quê rất mộc mạc, chân thành với chúng sanh; ai cũng có thể, và nếu ưa thích thì dễ dàng hái lấy để cài lên mái tóc hay đem về cắm ở nhà, không bị ngăn cấm gì hết vì là của chung của mọi người, mang trong người, để trong nhà, hương thơm lan tỏa khắp nơi, ai đến gần cũng được thơm lây. Đó là cái cách Ni trưởng đem đạo pháp đến cho mọi người”(6).

“Thơ đạo” của Ni trưởng là đem đạo pháp đến cho mọi người. Thơ đạo truyền tải những tư tưởng về Phật giáo Việt Nam về Phật giáo Khất sĩ Việt Nam; Về Tứ đại trọng ân trong đó có ân Phật Tổ, ân Thày Tổ, về khuyến tấn huynh đệ trên con đường tu tiến đạt quả vị.

Bút pháp mà Ni trưởng thể hiện là tâm từ, thông tuệ. Tâm từ thể hiện qua các bài thơ tri ân Phật Tổ, Thầy Tổ, những bài thơ khai đường mở lối tu tập cho huynh đệ.

Những bài thơ truyền bá giáo pháp Phật Đà, giáo lý của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam dưới bút pháp của Ni trưởng cứ nhẹ nhàng tuôn chảy, tựa hồ như như nhiên, bình dị nhưng cao thâm, không hề thấy có sự gò ép, sống sượng. Đó là bởi chúng được chiết, chắt qua sự thông tuệ, kinh điển Phật pháp của Ni trưởng. Do vậy các bài thơ hoằng pháp không hề có tính cao đạo, người đọc vì vậy dễ cảm nhận, tiếp nhận, xem đó như những lời khuyên nhủ, tâm tình. Đó là những ý thơ thấm đẫm tâm, tuệ của bậc trường thượng. Nó được tuôn trào từ suối nguồn Phật pháp.

KẾT LUẬN

Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên còn có nhiều bài đề cập đến tinh thần đấu tranh quật cường của Phật giáo Việt Nam dưới các hình thức khác nhau góp phần cùng với dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó còn là sự kiện “Hoa sen trong biển lửa” của tang, ni, phật tử miền Nam đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị, đàn áp Phật giáo. Và cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh đó có vai trò của Giáo đoàn Ni, hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam mà người đứng đầu là Ni trưởng.

Lịch sử không chỉ ghi nhận vai trò của đội quân tóc dài mà còn ghi nhận vai trò của đội quân đầu tròn – Những Ni sư của Giáo đoàn Ni tại Tịnh xá Ngọc Phương, trụ sở của Giáo đoàn Ni.

Song trước hết và trên hết vẫn là những bài thơ đạo, một hình thức hoằng pháp, độ sinh với bút pháp tâm từ, thông tuệ, một hình thức mà cho đến nay Ni trưởng là người đóng góp và thành công.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr 4. (2) Những bài thơ được trích dẫn trong cuốn sách: Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên (Sđd) chúng tôi chỉ dẫn tên bài thơ và số trang. (3) Cũng có tài liệu ghi là Ân Tam bảo. (4) Cũng có tài liệu ghi là Ân Thí chủ (5) Bài in trong tập Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên Sđd, tr 25 – 38. (6) Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên Sđd, tr 28.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Văn phòng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012. 2. Bồ Đề Tâm Thanh – Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Văn học, 2012. 3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới Hệ phái Khất sĩ, soạn giả Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên: Nàng tiên đức hạnh – Đức Hương, Nxb Tôn giáo, 2012. 5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Ni trưởng Huỳnh Liên cuộc đời và đạo nghiệp, Nxb Tôn giáo, 2014. 6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, Chuyến du hành miền Trung, tập 1, Nxb Hồng Đức 2015. 7. Thơ Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995. 8. Trích thơ Ni trưởng Huỳnh Liên, Đóa sen thiêng, Nxb Tôn giáo, 2005.