Cuối năm 1964, đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn(1). Để giữ vững miền Nam trong quỹ đạo chủ nghĩa thực dân mới, Nhà Trắng thay thế chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 8-3-1965, Mỹ đưa hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ vào Đà Nẵng, chính thức triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Nhằm hỗ trợ cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, Nhà Trắng đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Với Phật giáo, “Sự can thiệp thô bạo của Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho những chính phủ tay sai, ... phản lại quyền dân tộc tự quyết và những quyền căn bản của nhân dân Việt Nam.

Hoa Kỳ đã tàn sát nhân dân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, phá đổ nền văn minh dân tộc Việt Nam và làm băng hoại xã hội Việt Nam đến cùng cực,… Chiến tranh không thể chấp nhận được bởi nền độc lập, dân chủ và tự do không bao giờ thực hiện được ở Nam Việt Nam, chừng nào người Mỹ còn kiểm soát Nam Việt Nam, cuộc chiến không phải là cuộc chiến tranh giữa miền Nam và miền Bắc, mà giữa Mỹ và nhân dân Việt Nam”(2).

Vì vậy, theo giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam: “Có chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình, nhân dân miền Nam mới sống có hòa giải, hòa hợp nhau, yêu thương nhau, đùm bọc nhau. Có chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình thì nhân dân ta mới có cơ hội để phát triển, để xây dựng … để phát huy sức lực của mình …”; rằng “dù không phải là điều kiện duy nhất, nhưng hòa bình là điều kiện tiên quyết, là chiếc cầu “chuyển đáo bĩ hoạn”, đưa nhân dân miền Nam qua bên kia bờ. Từ bờ đen tối sang bờ ánh sáng, từ bờ sa đọa sang bờ lành mạnh, từ bờ nô lệ sang bờ tự do, từ bờ căm thù sang bờ thương yêu, từ bờ đau khổ sang bờ hạnh phúc”(3).

Nhận lãnh trách nhiệm của mình trước sự tồn vong của Dân tộc và Đạo pháp, Phật giáo miền Nam đã chính thức mở cuộc vận động vì mục tiêu hòa bình Việt Nam. Ngày 12-12- 1965, trong phiên khai mạc Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn (nay là Tp.Hồ Chí Minh), Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, công bố “Điệp văn Hòa bình”, đề cập đến thảm họa do chiến tranh gây ra đối với đất nước: “Trên hết và trước hết, tôi xin toàn thể quý vị hãy lắng lòng tưởng nhớ và gợi lại đầy đủ những gì đã nghe và đã thấy về chiến tranh, về sự chết chóc của đồng bào và nỗi điêu linh của đất nước...”; đồng thời nêu rõ khát vọng hòa bình của Phật tử Việt Nam: “Phật tử thiết tha và khẩn cấp kêu gọi những phe đối chiến trên đất nước này hãy tìm những căn bản hợp tình, hợp lý mà thương thuyết với nhau, tránh cái họa tiêu diệt cho đất nước và đồng bào Việt Nam”(4). Trong “Bài giảng Kỷ niệm ngày Thành đạo” (Mồng Tám tháng Chạp năm Ất Tỵ, 1965), giới lãnh đạo Phật giáo khẳng định: “Hơn bao giờ hết, phật tử chúng ta cần phải tỏ ý nguyện tha thiết hòa bình của mình bằng cách thực hiện một đoàn thể to rộng, lấy sự sống làm căn bản, lấy trí thức làm phương châm và lấy giác ngộ làm cứu cánh. Cùng với những tâm hồn nhân loại khác, chúng ta cố tâm xây dựng, không phải vì những cường quốc hùng mạnh về binh bị, mà là những quốc gia ham chuộng hòa bình, biết sống trong tinh thần tri túc và thương yêu, biết sống hướng thượng. Chúng ta tin rằng từ bi sẽ chiến thắng cường bạo và hòa bình sẽ ở lại với loài người, nếu chúng thật tình mong muốn”(5).

Kể từ đây cho đến khi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hoàn thành (30- 4-1975), tăng, ni và phật tử miền Nam với tinh thần “khế lý khế cơ” đã dấy lên nhiều phong trào vì mục tiêu hoà bình Việt Nam, nổi bật nhất là ngọn lửa Nhất Chi Mai đốt lên tại chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn) ngày 16-5-1967 với nguyện ước:

“Xin đem thân làm đuốc, Xin soi sáng vô minh. Xin tình người thức tỉnh, Xin Việt Nam hòa bình”(6).

Nữ phật tử Nhất Chi Mai tên thật là Phan Thị Mai, pháp danh Diệu Huỳnh, sinh ngày 20-2-1934 tại huyện Thái Bình, tỉnh Tây Ninh. Thân phụ là ông Phan Duy Mỹ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Duyệt, trú tại số nhà 60/59 đường Yên Đỗ, Sài Gòn (nay là đường Lý Chính Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1955, Nhất Chi Mai thi đỗ vào trường Quốc Gia Sư phạm Sài Gòn, Nhất Chi Mai vừa làm một cô giáo lớp bổ túc hạng tư, dạy lớp nhì(7) A, trường Tiểu học Công lập ở Tân Định, vừa tiếp tục đi học và thi đậu Tú Tài toàn phần. Sau đó, Nhất Chi Mai vừa là sinh viên Đại học Vạn Hạnh, vừa là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Là một Phật tử thuần thành mến đạo yêu đời, rất say mê với giáo lý nhà Phật, Nhất Chi Mai tích cực tham gia vào các công tác phật sự, hằng tuần đến chùa Dược Sư và chùa Từ Nghiêm dạy giúp cho các ni cô về môn thế học; đồng thời tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh do thanh niên, sinh viên, học sinh phát động.

Lễ Phật đản 2511 (1967), Giáo hội Phật giáo Việt Nam lập Lễ đài Hoà bình ba cấp (Hưu chiến, Thương thuyết và Hoà bình) tại chùa Ấn Quang, cử hành trọng thể một tuần lễ cầu nguyện hoà bình Việt Nam. Vì thiết tha với hoà bình Việt Nam, Nhất Chi Mai đã quyết định đem thân làm đèn, đốt lên vào ngày khai mạc tuần lễ cầu nguyện Hoà bình của Giáo hội, vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày mồng Tám tháng Tư năm Đinh Mùi (16-5-1967) tại chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn). Ánh lửa hào hùng của một phật tử yêu nước, đã nói lên lòng đau xót quê hương với nguyện vọng thiết tha đất nước Việt Nam hoà bình.

Nhất Chi Mai chủ động chuẩn bị, sắp xếp cho “lần đi xa” của mình hết sức bình tĩnh. Điều này được tỏ rõ trong Lời tự thuật sau cùng:

“Tôi viết tất cả 10 bức thơ(8) để lại. Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu. Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi lựa chọn là chùa Từ Nghiêm”(9).

Hầu hết các thư để lại, Nhất Chi Mai đều nói rõ tâm nguyện tự thiêu của mình. Trong thư gửi nhân dân Việt Nam, Nhất Chi Mai khẳng định: “Tôi tự nguyện thiêu thân, cầu xin: Cái chết của tôi được hiểu là: Cho nền Hoà bình Việt Nam, cho lòng nhân đạo và công bằng”(10).

Thư gửi giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, Nhất Chi Mai viết:

“Kính bạch quý thầy,

Con là một nữ Phật tử Việt Nam.

Con yêu đạo Phật và yêu dân tộc Việt Nam, Phật dạy con xả thân cứu đời và làm hơn nói. Đất nước mình khổ đau như vầy,

Dân tộc mình chết chóc như vầy.

Tham vọng và hận thù hoành hành khắp quê hương,

Uất hận và khổ đau dâng khắp trời.

Con không thể ngồi yên tụng kinh và nghe thuyết pháp được,

Con xin đốt thân con.

Bắt chước Hoà thượng Quảng Đức(11) và Giáo sư Morrison (Mỹ(12)),

Con xin đem thân mạng mình để kêu gọi tình thương và công bằng”(13).

Hoặc trong “Thư cuối cùng gửi Song thân”, một lần nữa, Nhất Chi Mai tỏ rõ sự tỉnh táo trước cái chết của mình: “Con không điên rồ dại dột dù không chắc mình làm được việc lớn,... Con đường dài mà gai chông quá, mỗi người nhân bản phải đi một đoạn đường gai chông, tiếp nối bằng cách này hay cách khác, mới mong hết được đường dài” (14).

Trong thư ngỏ gửi hai Chính phủ Bắc Nam Việt Nam, Nhất Chi Mai đã vạch trần sự thật bản chất “tự do” mà người dân miền Nam Việt Nam đang phải chịu đựng: “Là công dân Việt Nam, tôi có trách nhiệm với lịch sử dân tộc và có bổn phận với quốc gia Việt Nam tôi. Tôi tưởng tôi có quyền nói lên ước nguyện của tôi về quê hương tôi chứ? Mà các Ngài đâu cho tôi nói, dù tôi ở trong vùng đất “TỰ - DO”(15). Theo Nhất Chi Mai với chế độ Sài Gòn:

“Sống mình không thể nói. Chết mới được ra lời”(16).

Về bản chất cuộc chiến do Mỹ gây ra ở Việt Nam, trong thư gửi Chính phủ Mỹ, Nhất Chi Mai khẳng định:

“Bao nhiêu sáo ngữ ‘bảo vệ tự do và hạnh phúc’ cho Việt Nam mà quý Ngài dùng để làm chiêu bài bấy lâu nay, đã quá lỗi thời và lố bịch.

Bao nhiêu tấn bom đạn, bạc tiền của quý Ngài đã trút lên đầu dân tộc tôi, để tàn phá thân xác và tinh thần quốc gia của họ.

Bao nhiêu người Việt Nam có lòng với quốc gia dân tộc thì bị quý Ngài đàn áp và hãm hại.

Bao nhiêu người Mỹ sáng suốt, nhân đạo và dũng cảm chỉ trích sự lầm lạc của quý Ngài, thì bị kết án lưu đày”.

Và Nhất Chi Mai khẳng định sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là không tránh khỏi:

“Quý Ngài có biết người Việt chúng tôi, hầu hết trong thâm tâm của họ, họ chán ghét người Mỹ đã mang chiến tranh đau khổ đến cho xứ sở của họ lắm rồi không?

Càng leo thang chiến tranh (17), càng đổ nhiều nhân lực và tài lực tại đây, các Ngài chỉ thất bại chua cay thôi. Sự vụng về của các Ngài làm cho quý Ngài mất hết chính nghĩa”.

Và “để cứu nguy cho hàng triệu sinh mạng người Việt Nam, người Hoa Kỳ và danh dự đại cường Hiệp Chúng Quốc”, Nhất Chi Mai đề nghị 4 giải pháp:

“1. Ngưng oanh tạc Bắc và Nam Việt Nam. 2. Từ từ rút binh, giao cho người Việt Nam định đoạt số phận của họ. 3. Nhờ Liên Hiệp Quốc kiểm soát tổng tuyển cử. Người Việt Nam, nếu được tự do thực sự, họ đủ khôn ngoan để lựa chọn chế độ nào tự do và hạnh phúc. 4. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam tái thiết xứ sở họ đã tan nát vì bom đạn của quý Ngài”(18).

Nhất Chi Mai đã trở thành biểu tượng đối với hầu hết các phong trào hoà bình của các tầng lớp nhân dân miền Nam, nhất là đối với tăng tín đồ Phật giáo và sinh viên, học sinh. Có thể kể một số sự kiện tiêu biểu:

- Ngay vừa sau cuộc tự thiêu của Nhất Chi Mai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dựa theo lời thơ “Chấp tay tôi quỳ xuống” của Nhất Chi Mai, đã sáng tác ca khúc: “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi”. Theo Trần Tuyết Hoa, buổi đầu ở trong nước, ca khúc này “chỉ chuyền tay nhau trong giới sinh viên thôi. Sau đó, Sơn mang đi Nhật Bản và được một hãng đĩa Nhật vinh danh là tiếng kêu hoà bình thống thiết nhất từ Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng phổ biến khắp thế giới ...” (19).

- Ngày 5-1-1969, Đại hội Liên đoàn nữ Phật tử Việt Nam tại chùa Ấn Quang, đã tổ chức buổi lễ cầu nguyện hoà bình và làm lễ truy điệu nữ Phật tử Nhất Chi Mai. Tại biểu lễ, bà Diệu Chơn, Tổng Thư ký Liên đoàn Phật tử Việt Nam đọc diễn văn khai mạc, “đại ý nêu lên các thảm trạng của chiến tranh và mong mỏi sớm thực hiện việc vãn hồi hoà bình cho đất nước”. Tiếp đến, bà Diệu Bích, Liên đoàn trưởng Liên đoàn nữ Phật tử đọc bài: “Ý nghĩa cái chết của Nhất Chi Mai”; tiếp theo bà Tá Hương đọc Thỉnh nguyện, nội dung đề cao sự thiêu thân của nữ Phật tử Nhất Chi Mai, đồng thời thỉnh nguyện ba điểm sau đây:

“1/- Yêu cầu 2 phe lâm chiến ngồi vào bàn hội nghị để chấm dứt chiến tranh, đem lại hoà bình cho Việt Nam.

2/- Yêu cầu Chính phủ thực thi đại đoàn kết dân tộc, để làm hậu thuẫn cho cuộc thương thuyết.

3/- Yêu cầu hạ giá sinh hoạt nhất là gạo, để tương xứng với đồng lương của binh sĩ, công, tư chức đến dân chúng”.

Tiếp theo, Thượng toạ Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, ban huấn từ, “đại ý chiến tranh đã kéo dài quá lâu gây bao cảnh chết chóc, tàn phá, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều cầu nguyện cho hoà bình. Nữ Phật tử Nhất Chi Mai đã hy sinh cũng vì nguyện vọng tha thiết đó. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để quê hương sớm thanh bình”(20).

- Ở Huế, vào 20 giờ ngày 15-5-1970, tại sân trường Đại học Sư phạm, Uỷ ban phối hợp sinh viên, học sinh tranh đấu tổ chức “Đêm Nhất Chi Mai”, kỷ niệm 3 năm ngày Nhất Chi Mai tự thiêu cầu nguyện hoà bình Việt Nam (16-5-1967). Sau nghi thức tưởng niệm, hơn 500 sinh viên, học sinh tham gia cuộc rước đuốc vì hoà bình. Hàng ngàn cây đuốc cháy rực cả góc trời. Dẫn đầu là di ảnh Nhất Chi Mai và hai con chim bồ câu biểu tượng hoà bình. Đoàn rước đuốc đi qua các con đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, ... Đồng bào cổ vũ đông đảo chưa từng có. Một số đồng bào và tiểu thương chợ Đông Ba còn tiếp tế thêm dầu cho sinh viên, học sinh. Những khẩu hiệu giương cao với nội dung: “Xin đem thân làm đuốc”, “Xin soi sáng u minh”, “Xin Việt Nam hoà bình”, “Đả đảo chiến tranh” đã nói lên đầy đủ và mạnh mẽ khát vọng của nhân dân và sinh viên, học sinh; “Sống mình không thể nói”, “Chết mới được ra lời”, Nhất Chi Mai đã mượn cái “Chết” để nói lên ước vọng hoà bình. “Ngọn đuốc sáng ấy đã bùng cháy trong tận cùng trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước, của loài người tiến bộ khắp thế giới” (21).

- Tuần lễ từ 31-10 đến 7-11 năm 1970, Tuần lễ triển lãm sinh hoạt sinh viên, học sinh tổ chức tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ... Sinh viên, học sinh Huế tham dự Phòng triển lãm với nhiều tranh và hình ảnh về phong trào sinh viên, học sinh, trong đó có hình ảnh “Đêm Nhất Chi Mai” tổ chức tại Huế (15-5-1970), góp phần hết sức quan trọng trong việc gây xúc động lòng người về khát vọng một nước Việt Nam hoà bình. Don Luce (nhà báo Mỹ) nói: “Tôi chúc các bạn sinh viên, học sinh Việt Nam may mắn trong cuộc tranh đấu cho nước Việt Nam hoà bình”; Larry S. Lifschulfz SV Đại học Yale, Hoa Kỳ) nói: “Cuộc triển lãm các bạn đã làm tôi vô cùng cảm kích và xúc động mãnh liệt. Hình như những biến cố ở Việt Nam đã tác động đến đời sống tôi hơn bất cứ biến cố nào trong đời tôi, ...”; Nữ sinh viên Lynne Jillidette (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) bộc bạch hành động của mình khi trở lại Hoa Kỳ: “Tôi cầu nguyện cho những sinh viên thân mến của tôi sẽ đấu tranh thành công cho nền hoà bình. Khi tôi trở về Hoa Kỳ, tôi sẽ cố gắng nói lại những gì tôi đã học được ở dân tộc Việt Nam. Có lẽ một ngày gần đây thế giới sẽ hiện ra giống như niềm mơ ước và đấu tranh của chúng ta” (22).

50 năm kể từ ngày Nhất Chi Mai tự thiêu (16- 5-1967 - 16-5-2017), nhưng hình ảnh bi thương nhưng rất đỗi hào hùng Phật tử yêu nước Nhất Chi Mai vẫn được đời sau ghi nhớ. Có thể nói, với cuộc tự thiêu của Nhất Chi Mai, cuộc vận động vì hòa bình Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phát động đã có sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn, lôi kéo mọi tầng lớp tham gia và có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng miền Nam. “Nhất Chi Mai đã đi vào lịch sử dân tộc, đã tự thắng được mình là chiến thắng oanh liệt nhất và xứng đáng để mọi người nghiêng mình cảm mến ... Phật tử hãy chấp nhận mọi đau khổ để nói lên tiếng nói Hoà bình thực sự” (23). Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng: “Thích Quảng Đức và Nhất Chi Mai, hai thế hệ cách xa nhau, đã nói lên cùng một nguyện vọng và ý chí của con người Việt Nam cho hòa bình và cho nhân đạo” (24). Ngày nay, tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh có đường mang tên Nhất Chi Mai, là một minh chứng hùng hồn về sự hy sinh cao cả của liệt nữ Nhất Chi Mai vì mục tiêu hoà bình Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1954 - 1975.

Tác giả: Trần Thị Đông Thi - Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017 -------------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Trên mặt trận đấu tranh chính trị, từ sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963), phong trào đô thị bùng phát dữ dội, như phong trào truy quét dư đảng Cần lao, phong trào chống Hiến chương Vũng Tàu (16-8-1964), phong trào chống chính quyền dân sự Trần Văn Hương, ... Trên mặt trận quân sự có thể kể những chiến thắng như chiến thắng Bình Giả và chiến thắng An Lão (12-1964), chiến thắng Đồng Xoài và chiến thắng Ba Gia (6-1965). Tất cả đẩy cuộc “Chiến tranh đặc biệt” sụp đổ hoàn toàn. (2) Sứ mạng chính trị của Phật giáo Ấn Quang (bản viết tay) của nhóm Nghiên cứu, trắc nghiệm thuộc Văn phòng Phụ tá Chính trị, Văn hóa Phủ Tổng thống, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ IICH-4316, tr. 3. (3) Thích Trí Thủ, Duyên Khởi, Đặc san Đuốc thiêng Hòa bình Đại Giới đàn Phước Huệ, Nha Trang 1973, tr. 3-4. (4) Nguyệt san Liên Hoa, số 12, ngày 6-1-1966, tr. 11. (5) Bài giảng Kỷ niệm ngày Thành Đạo, Nguyệt san Liên Hoa, số 12, ngày 6-1-1966, tr. 22. (6) (9) (10) (13) (14) (15) (16) (18) Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Tập I, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Hoá Đạo, Sài Gòn, 1970, tr. 190, tr. 199, tr. 195, tr. 197, tr. 201, tr. 193, tr. 192, tr. 194. (7) Nay là lớp 4. (8) Gồm: 1. Lời trăn trối của người yêu Việt Nam, 2. Chấp tay tôi quỳ xuống, 3. Bức thư ngõ gửi hai Chính phủ Nam Bắc Việt Nam, 4. Bức thư ngỏ kính gửi Chánh phủ Hoa Kỳ của Tổng thống Johnson, 5. Thư gửi nhân dân Việt Nam, 6. Bức tâm thư, Thư gửi Quí Thượng toạ Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, 8. Thơ gửi lại Cha Mẹ, 9. Lời Tự thuật sau cùng, 10. Thơ cuối cùng gửi lại Song thân. (11) Trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, một sự kiện làm rung động lòng người trong và ngoài nước là việc Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11-6-1963 tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là ngã tư đường Cách mạng tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu). (12) Ngày 2-11-1965, Giáo sư Norman Morrison tự thiêu trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam. Noi gương Morrison, lần lượt Roger Laporte, bà Alice Herz đã tự thiêu với mục đích tương tự. Theo Phiếu trình Thủ tướng (Sài Gòn) của Đổng lý Văn phòng ngày 25-5-1965 thì ngay từ đầu khi Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, “các giáo sư và sinh viên Đại học Mỹ đã lên tiếng đả kích đường lối cứng rắn của Tổng thống Johnson tại Việt Nam. Họ hoạt động ầm ỉ, mở các cuộc hội thảo, tăng gia áp lực đối với các nghị sĩ Quốc hội, và biểu tình phản đối trước Toà Bạch Cung. Tổng thống Johnson đã phải cử một Phái đoàn Chính phủ đến các trường đại học giải thích, nhưng đi đến đâu Phái đoàn cũng bị chỉ trích và phản đối” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu PTTg- 15297). (17) Số quân Mỹ tham chiến tại miền Nam đầu tháng 3 là 235.000 người (Đoàn Thêm, 1966 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn, 1968, tr. 39); giữa tháng 2-1967 là 414.000 (Đoàn Thêm, 1967 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn, 1968 tr. 47), giữa tháng 2-1968 là 510.000 (Đoàn Thêm, 1968 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn, 1969, tr. 58). (19) Theo hồi ức của Trần Tuyết Hoa, một sinh viên có mặt hầu hết trong các phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam (1963 - 1975) và là bạn thân của Nhất Chi Mai. (20) (23) Công văn số 002767/TCSQG/S1/D/K ngày 16-1-1969 của Đại tá Trần Văn Hai, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kính gửi Đại tướng, Tổng trưởng Nội vụ Sài Gòn, Trích yếu V/v Phật giáo Ấn Quang tổ chức lễ cầu nguyện hoà bình và làm lễ truy điệu nữ Phật tử Nhất Chi Mai, Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: 4209. (21) (22) Nhiều tác giả, Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí minh, tr. 291, tr. 306. (24) Thích Nhất Hạnh, Cuộc tranh đấu bất bạo động tại Việt Nam, 1969, tr. 42.