Chùa Thầy tên chữ là Thiên Phúc tự tọa lạc ở sườn Tây Nam núi Phật Tích còn gọi là núi Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, cụ thể chùa được khởi dựng từ thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127).

Chùa Thầy gắn liền với giai thoại cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là một quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng với gần một nghìn năm tuổi. Quang cảnh chùa hiện nay là kết quả của nhiều đợt tu bổ trong các thế kỷ sau.

Trong lịch sử hình thành, chùa Thầy gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116). Chùa có nhiều tên gọi, như “Hương Hải am”, “Bồ Đề viện”, “Phật Tích”...

Sở dĩ chùa được gọi là chùa Thầy là vì người dân nơi đây rất tôn sùng Từ Đạo Hạnh - một vị thiền sư thời Lý đã đến đây vào cuối thế kỷ XI. Từ Đạo Hạnh còn có tên là Từ Lộ, quê ở Láng, Từ Liêm, Hà Nội.

Lúc nhỏ thích vui chơi, ban ngày cùng bạn bè thổi sáo, đánh trống, làm trò vui, nhưng tối đến lại ở nhà, thắp đèn đọc sách suốt đêm. Tương truyền, cha Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh bị nhà sư Đại Điên ám hại, ông bèn bỏ học cùng các nhà sư sang Thiên Trúc (Ấn Độ) học đạo, khi thành tài trở về nước, trả thù cho cha, rồi đi tu ở chùa Thiên Phúc (chùa Thầy).

Cảnh chùa Thầy. Ảnh sưu tầm.
Cảnh chùa Thầy. Ảnh sưu tầm.

Truyền rằng, năm 1116 Từ Đạo Hạnh mất, hồn đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu, sau này trở thành vua Lý Thần Tông, xác thì được người làng giữ lại chùa để thờ.

Cũng theo lời truyền, xác Từ Đạo Hạnh còn nguyên vẹn đến khi quân Minh sang xâm lược nước ta (1407) mới bị chúng đốt. Từ Đạo Hạnh vừa là thầy giáo dạy chữ cho dân, vừa là thầy thuốc, vừa là thầy của những trò chơi dân gian riêng có nơi đây như múa rối nước...Bởi vậy nhân dân quanh vùng tôn ông làm thầy, nơi tu hành của ông được gọi là chùa Thầy.

Chùa Thầy ban đầu chỉ có một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Sau này vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm chùa Cao (Đỉnh Sơn tự) ở trên núi và chùa Dưới hay còn gọi là chùa Cả (Thiên Phuc tự).

Trước chùa ở bên trái là ngọn Long Đẩu. Giữa núi Thầy và Long Đẩu là một đầm ruộng, mang tên Long Chiểu, ở giữa có thủy đình xinh xắn, nơi thường diễn ra trò rối nước đặc sắc. Hai chiếc cầu cổ, theo lối "Thượng gia hạ kiểu" ba nhịp, có mái che (dựng năm 1602) làm tôn thêm vẻ đẹp phía ngoài chùa.

Cụm kiến trúc chính của khu thắng cảnh là chùa Cả bao gồm ba lớp nhà lớn, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh: lớp ngoài là nhà tiền tế, lớp giữa thờ Phật, lớp trong cùng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, rộng nhưng thấp, kiểu thức cổ kính.

Bộ mái đồ sộ lợp ngói mũi hài to bản và dày, bốn góc cong vút lên, đặt trên bộ khung gồm bốn cột cái và 12 cột quân bằng đá quý kê trên đá tảng, liên kết với nhau bằng một hệ thống xà hoành, khớp mộng vững chắc; xung quanh dựng ván bư¬ng đố lụa với nhiều mảng trang trí chạm hình rồng, lân, mây, lửa rất tinh tế. 

Trong chùa có bày ba pho tượng diễn tả ba kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chính giữa là tượng Thiền sư đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo vóc vàng. Tượng đặt trên bệ đá quý chạm hoa sen, chim thần, rồng uốn khúc, hoa lá cách điệu. Bên trái là tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ bạch đàn chân tay có chốt khớp cử động được.

Cảnh chùa Thầy. Ảnh sưu tầm.
Cảnh chùa Thầy. Ảnh sưu tầm.

Tương truyền, khi tu ở am Hương Hải trên đỉnh núi, Thiền sư có làm thuốc chữa bệnh cứu người và bày trò múa rối cho dân chơi giải trí. Bên phải là tượng Thiền sư sau khi đầu thai trở thành vua Lý Thần Tông. Tượng đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Trong chùa còn có tượng của cha mẹ Thiền sư, đặt trên ngai. Lưng ngai chạm trổ khá tinh xảo có nhiều hình trang trí phức tạp, bao gồm các biểu tượng của Nho giáo (phủ việt, đầu rồng), Phật giáo (quả phúc) và Đạo giáo (sừng tê, ngọc báu) cùng với hoa văn sóng nước và tia sáng rẻ quạt, phía sau có ghi rõ niên đại - 1346.

Hai bên chùa là hành lang dài thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông treo quả chuông cổ, tương truyền đúc từ thời Lý, và lầu trống - có trống lớn đường kính tới 1,50 mét. Quanh chùa Thiên Phúc còn có các hang Phật Tích, Cắc Cớ, Gió, chùa Cao, đền Thượng, chùa Một Mái, Hoàng Kinh. 

Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, thuộc các xã Sài Sơn, Phượng Cách và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai là một quần thể di tích kết hợp với cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng trù phú, tạo nên một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ; gồm ba cụm điểm: khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; quần thể di tích chùa Thầy; các di tích trên núi động Hoàng Xá. 

Hang động tại chùa Thầy. Ảnh sưu tầm.
Hang động tại chùa Thầy. Ảnh sưu tầm.

Chùa Thầy không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn thuận và hợp cả về phong thủy, lối kiến trúc đó làm nên vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng của ngôi chùa. Chùa nằm gọn dưới chân ngọn núi đá vôi hình vòng cung nổi lên giữa vùng đồng bằng xã Sài Sơn - là một vùng non nước hữu tình, như chốn bồng lai tiên cảnh. 

Ngày 31/12/2014, chùa Thầy đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm lễ hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đến 7 tháng 3 âm lịch (chính hội ngày 7). Trong dịp lễ hội có nhiều nghi lễ và trò vui, đặc biệt nhất là rối nước ở nhà Thủy Đình. 

Ngày 31/12/2014, di tích quốc gia chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá có tài nguyên du lịch văn hóa và tự nhiên, được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2408/QĐ-TTg). Ngày 12/4/2024, Lễ hội chùa Thầy lại vinh dự được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Địa chỉ: Đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.