Dẫn luận
Thế kỷ XX in đậm dấu ấn của những cơn biến động chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Hàng loạt cuộc cách mạng nối tiếp nhau, ảnh hưởng của tư tưởng Đông Tây tương tranh, hai cuộc chiến kéo dài suốt nhiều thập niên đã xáo trộn mọi nếp sống xã hội.
Trong khung cảnh phức tạp và đầy thử thách đó, Phật giáo không tránh khỏi nguy cơ suy yếu trước làn sóng thời cuộc. Nhưng, cũng từ chính chính biến và thăng trầm đã khơi dậy khát vọng chấn hưng, thống nhất, đưa Phật giáo bước vào giai đoạn vận động và đổi mới sâu rộng.
Giữa muôn trùng gian nan, nhiều bậc cao tăng đã xuất hiện, mỗi người một cách góp phần duy trì mạch nguồn phật pháp theo cảnh duyên riêng. Có bậc thầy kiệt xuất với tầm tư tưởng lớn, đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế, vừa thắp sáng tinh thần nhập thế, vừa giữ gìn cốt lõi truyền thống. Có vị chỉ cần một khoảnh khắc vị pháp thiêu thân cũng khiến cả thế giới bàng hoàng, để từ đó ghi dấu son trong trái tim bao thế hệ. Có những nhân vật kiên trì đi từng vùng, gây dựng trường học, hội Phật giáo, biên soạn và dịch thuật kinh điển, khởi đầu cho công cuộc cải cách sâu rộng về giáo dục.
Tất cả hợp lại thành một dòng chảy mạnh mẽ, vừa thể hiện ý thức gắn bó sâu đậm với vận mệnh dân tộc, vừa gìn giữ chân giá trị phật pháp.
Dẫu chiến tranh loạn lạc có thể khiến nhiều câu chuyện, nhiều công lao bị khuất lấp, nhưng trang sử Phật giáo thế kỷ XX mãi khắc ghi những dấu ấn không thể phai mờ. Đây là thời điểm chứng kiến nỗ lực lớn của các tăng sỹ trong việc hình thành những tổ chức, hội đoàn và giáo hội mang tầm vóc quốc gia, tạo cơ sở cho Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Sự tinh tấn, lòng xả thân và phương châm nhập thế luôn hướng đến hạnh nguyện cứu khổ quần sinh. Hành trạng và di sản mà họ để lại không chỉ soi sáng quãng đường Phật giáo đã đi qua, mà còn tiếp tục truyền lửa, gợi cảm hứng cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Họ là những con người rất khác nhau về xuất thân, lộ trình hoằng pháp và năng lực hành đạo, nhưng đều có chung một tâm nguyện phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Danh sách “10 danh tăng Việt Nam thế kỷ XX” này hoàn toàn mang tính chủ quan, xuất phát từ góc nhìn, sở tri và sở kiến cá nhân của người viết.
Vì thực tế có nhiều bậc cao tăng khác cũng để lại dấu ấn không kém phần sâu sắc, nhưng với giới hạn của bài viết và những tư liệu sẵn có, tác giả chỉ mong muốn phác thảo một góc nhìn riêng về những nguồn tư liệu mà tác giả thu thập được và có lẽ còn nhiều thiếu khuyết rất mong được bạn đọc bổ sung thông tin[1].
Hòa thượng Thích Khánh Hòa
Nhân vật đầu tiên phải được nhắc đến đó là Hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877–1947) được xem là một trong những người tiên phong của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX.[2] Trong bối cảnh Phật giáo suy vi, Tăng đồ thiếu đoàn kết và ít được học hành, Ngài đã mạnh dạn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tương lai của đạo pháp. Bằng tầm nhìn rộng và ý chí cải cách, Hòa thượng Thích Khánh Hòa đã kêu gọi sự hợp sức của tăng, ni cả ba miền, mở ra các hội phật học, sáng lập tạp chí, tổ chức diễn giảng và thúc đẩy phong trào học thuật Phật giáo.[3]
Một trong những dấu ấn tiêu biểu đó là việc thành lập các hội Phật học, đồng thời xuất bản các tạp chí nhằm lưu truyền chính pháp, phổ biến các bài viết, luận giảng Phật học hiện đại. Nhận thấy tầm quan trọng của kinh sách, hoà thượng đã nỗ lực thỉnh Đại Tạng, Tục Tạng về nghiên cứu, làm nền móng cho việc soạn thảo các chương trình giáo dục Tăng Ni. Chính tinh thần “phải học để hiểu rõ, để hành đúng” đã trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều thế hệ tăng ni sinh sau này.
Không chỉ khởi xướng cải cách, hoà thượng còn có một cuộc đời thực chứng về lòng vị tha, tinh thần tri túc và sự xả thân cho đạo. Tương truyền, Hòa thượng để lại lời di chúc nhấn mạnh tính giản dị, tiết kiệm trong lễ tang; tài sản của chùa phải dùng để nuôi Tăng chúng tu học, không được làm của riêng. Điều này thể hiện một phẩm chất rất mực thanh bần và liêm khiết, xứng đáng với lời dạy nhà Phật về “từ bi và trí tuệ”. Cũng nhờ tấm gương đó mà nhiều người càng tôn kính, tin tưởng vào con đường cải cách.[4]
Nhìn lại hành trạng của Hòa thượng Khánh Hòa, người đời sau mới thấy hết tầm quan trọng của những tiếng chuông cải cách đầu thế kỷ. Với 70 năm cuộc đời, 40 năm tu hành, Ngài đã kịp khơi dậy một không khí mới trong giới Phật giáo, cảnh báo về nguy cơ “Phật giáo sẽ bị đào thải” nếu không tự đổi mới. Di sản Hòa thượng để lại chính là tinh thần học thuật nghiêm túc, tư tưởng tiến bộ và sự đoàn kết giữa các hệ phái. Và dù sau này có nhiều biến động chính trị, nhiều cơ chế khác nhau, thì hạt mầm mà Hòa thượng Thích Khánh Hòa gieo xuống vẫn tiếp tục nảy nở, góp phần định hình một Phật giáo Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, gắn chặt với nhu cầu của thời đại.
Đại trưởng lão Hộ Tông
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893–1981), là vị Tổ khai sơn Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda) tại Việt Nam. Sinh ra tại Châu Đốc, nhưng lại trưởng thành và lập nghiệp ở Campuchia, Ngài vốn là một bác sĩ, công chức mẫn cán. Thế nhưng, nhận thấy “đường thế mịt mù, hạnh phúc chỉ như sương khói,” dứt khoát rời bỏ mọi danh lợi để dấn bước tìm đạo, từng thử qua nhiều pháp môn trước khi chạm đến giáo lý nguyên thủy. Xuất gia, thọ đại giới với Đức Vua Sãi ở Campuchia, khởi đầu sứ mệnh truyền thừa Phật giáo Nguyên Thủy về Việt Nam[5].
Việc truyền bá Theravāda gặp muôn vàn thách thức, bởi Phật giáo Việt Nam phần lớn chịu ảnh hưởng của Bắc tông. Thêm vào đó, hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt đất nước cũng khiến con đường hoằng pháp của trưởng lão trở nên gập ghềnh. Thế nhưng, với tâm nguyện sâu dày và thiện duyên bất thối chuyển, trưởng lão đã lập nên Tổ đình Bửu Quang (Gò Dưa, Thủ Đức) năm 1938, kết hợp cùng các vị cao Tăng khác thành lập Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam[6]. Điều này đặt nền móng cho sự phát triển vững chắc của Theravāda ở dải đất hình chữ S.
Trong suốt cuộc đời tu tập và hoằng pháp, Đại Trưởng lão Hộ Tông luôn chú trọng việc xây dựng các tự viện, trường Phật học, thúc đẩy dịch thuật kinh sách Pali sang tiếng Việt. Công hạnh của Ngài thể hiện ở tấm lòng bố thí, xả ly, cũng như đức hạnh “tam thường bất túc” – luôn sống thanh bần dù có đầy đủ cúng dường. Khi viên tịch với nụ cười hoan hỷ, để lại cho hậu thế tấm gương “công thành thân thoái” của bậc thiện trí. Nhìn lại sự hiện diện của Phật giáo Nguyên Thủy trên mảnh đất Việt, không ai có thể phủ nhận vai trò tiên phong của Đại Trưởng lão Hộ Tông – người đã bền bỉ mở một chân trời mới cho tư tưởng và văn hoá Phật học Việt Nam.
Tỳ kheo Thích Quảng Đức
Tỳ kheo Thích Quảng Đức (1897–1963) được công chúng quốc tế biết đến qua hành động vị pháp thiêu thân tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng vào ngày 11/6/1963[7]. Chỉ trong một khoảnh khắc, khi ngọn lửa bùng lên cũng là lúc hình ảnh Tỳ kheo ngồi kiết già, bình thản và kiên định, trở thành biểu tượng bất diệt cho ý chí bảo vệ tự do tôn giáo. Hành động đó đã khiến cả thế giới sững sờ, khơi dậy tiếng nói phản đối mạnh mẽ chế độ kỳ thị Phật giáo lúc bấy giờ, và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho công bằng và bình đẳng tôn giáo không chỉ trong nước mà còn vang vọng ra ngoài biên giới.
Tuy vậy, Tỳ kheo Thích Quảng Đức không chỉ được biết đến qua giây phút lịch sử ấy, mà cả một quá trình hành đạo bền bỉ, giản dị nhưng sâu lắng. Sinh ra tại Khánh Hoà, xuất gia năm 7 tuổi, trải qua nhiều thời kỳ tu tập ở các tự viện khác nhau, đảm nhận vai trò trụ trì, hoằng pháp ở nhiều nơi. Là người am tường giáo lý, Hòa thượng luôn chú trọng việc giảng dạy và xiển dương Phật pháp. Dẫu mang phong thái khiêm tốn, Ngài lại có tầm nhìn sâu xa về tương lai của Phật giáo trong giai đoạn đất nước đầy biến động. Thời điểm chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành chính sách chèn ép, hạn chế các hoạt động Phật giáo, Hòa thượng vẫn giữ vững niềm tin vào sự trung đạo và lòng từ bi. Ngài tin rằng, chỉ bằng cách đấu tranh ôn hoà, phi bạo lực – xuất phát từ tinh thần từ bi hỷ xả – mới có thể cảm hoá được lòng người và thay đổi cục diện.
Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức là kết tinh của một ý chí kiên định, sẵn sàng xả thân vì sự an nguy của đạo pháp. Tấm gương xả thân ấy chứng minh cho thế giới thấy rõ sự can trường và lòng từ bi vô lượng của Phật giáo Việt Nam. Nhiều nhân vật quốc tế, trong đó có cả những người không theo tôn giáo, đã bày tỏ sự xúc động và ngưỡng mộ trước ý nghĩa to lớn của ngọn lửa Quảng Đức. Chính ngọn lửa ấy đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, soi sáng con đường tranh đấu cho nhân quyền, bình đẳng, và chính nó cũng ghi dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử văn hoá – chính trị Việt Nam suốt thế kỷ XX.
Hòa thượng Thích Đức Nhuận
Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897–1993) là vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau ngày thống nhất (1981). Xuất thân ở miền Bắc, Ngài trưởng thành trong giai đoạn thực dân đô hộ, rồi chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, chiến tranh. Suốt cuộc đời, Hòa thượng lặng lẽ làm tròn trách nhiệm “hộ quốc an dân” theo tinh thần Phật giáo, gìn giữ ngọn đuốc tuệ trong những năm tháng đầy giông bão tại miền Bắc[8].
Cùng với chư tôn đức như Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Đức Nhuận đóng vai trò quan trọng trong “mặt trận” thống nhất Phật giáo ở cả hai miền. Thay vì dùng tiếng súng hay quyền lực chính trị, sự “nhất thống” được đạt bằng đức nhẫn, lòng bao dung và tinh thần lục hoà. Từ việc vượt qua những dị biệt tông phái, đến xây dựng cơ sở để Phật giáo miền Bắc, miền Trung, miền Nam có thể ngồi lại với nhau, tất cả đều đòi hỏi bản lĩnh và tầm nhìn của các vị Trưởng lão như vậy.
Đảm nhận cương vị Pháp chủ GHPGVN, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đề ra nhiều phương châm cốt lõi cho Phật giáo trong bối cảnh xã hội mới. Ngài nhấn mạnh ba vấn đề quan trọng: Giữ gìn giới luật và phẩm hạnh Tăng già, Nâng cao trình độ Phật tử và củng cố sinh hoạt của họ, Phát triển hệ thống đào tạo và bồi dưỡng thế hệ kế thừa có đủ kiến thức và đạo hạnh để hoằng pháp. Chính nhờ những định hướng này, Giáo hội đã tổ chức lại hệ thống Phật học viện, sau là các Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh…
Hòa thượng Thích Đức Nhuận nổi tiếng với phong cách ung dung, kiệm lời, nhưng mỗi lời nói ra đều đậm chất trí tuệ và từ bi. Một số ghi chép cho rằng Ngài nhiều lần “nói thật” về các vấn đề nhạy cảm, đưa ra đề nghị với chính quyền, đồng thời nhắc nhở Tăng Ni cảnh giác với sự cám dỗ của vật chất[9]. Lựa chọn kiên định đó giúp GHPGVN vượt qua những thách thức những năm sau hoà bình lập lại. Nhìn chung, di sản lớn nhất của Hòa thượng Thích Đức Nhuận chính là sự định hình rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của Phật giáo trong xã hội, đồng thời củng cố mạch sống nội tại, giúp Phật giáo Việt Nam vươn lên mạnh mẽ ở các thập niên cuối thế kỷ XX và những năm tiếp theo.
Hòa thượng Thích Trí Hải
Hòa thượng Thích Trí Hải (1906–1979) được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nửa đầu thế kỷ XX[10]. Ngay từ khi bắt tay vào công cuộc chấn hưng, Hòa thượng Trí Hải đã hợp tác với nhiều tăng sỹ, trí thức tầm cỡ, như Thiều Chửu, Tố Liên, Nguyễn Năng Quốc… cùng thành lập các hội Phật giáo, mở lớp giảng dạy giáo lý, hướng dẫn cộng đồng Phật tử nhìn nhận Phật pháp dưới góc độ học thuật có hệ thống. Sự có mặt của các tạp chí, báo Phật học, các trường đào tạo Tăng Ni Bắc kỳ đều gắn bó chặt chẽ với những đóng góp của Hòa thượng[11].
Khác với một số cao tăng cùng thời chọn con đường vận động xã hội rộng lớn, Hòa thượng Trí Hải tập trung vào xây dựng nội lực, nâng cao dân trí và phổ biến giáo lý một cách mạch lạc. Ngài cho rằng, muốn chấn hưng lâu dài thì trước tiên phải “chấn hưng trong tâm” tức khơi dậy niềm tin vững chắc và ý thức học tập nơi tăng ni, Phật tử. Tư tưởng của Ngài cũng đề cao tinh thần nhập thế, theo đó, Phật giáo phải đồng hành với dân tộc nhưng không lẫn lộn hay đánh mất giá trị cốt lõi.
Năm 1954, khi đất nước chia đôi, hoạt động của Hòa thượng Trí Hải bị gián đoạn, song tầm ảnh hưởng mà hoà thượng tạo nên vẫn tiếp tục lan tỏa. Về sau, khi miền Bắc bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa, Ngài lặng lẽ duy trì những lớp học nội bộ, soạn kinh sách, tổ chức các hình thức tu tập phù hợp để Phật giáo không bị mai một. Cuộc đời của Hòa thượng phản ánh một giai đoạn khó khăn mà Phật giáo miền Bắc vừa cần phòng hộ vừa cần phát triển[12]. Tinh thần “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” của Ngài, cùng lối ứng xử mềm dẻo nhưng kiên định, đã góp phần giữ vững mạch Phật giáo trong lòng người dân miền Bắc, chuẩn bị cho những vận hội thống nhất về sau.
Hòa thượng Thích Trí Thủ
Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909–1984) được nhắc đến như một trong những bậc tôn túc có công lớn trong quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam sau năm 1975[13]. Trưởng thành qua những biến động dữ dội của lịch sử, Hòa thượng không chỉ chú tâm tới con đường nghiên cứu và thực tập Phật pháp, mà còn sẵn sàng dấn thân vào các hoạt động xã hội, giáo dục Tăng Ni, và xây dựng tổ chức Phật giáo[14]. Một trong những dấu ấn quan trọng nơi Hòa thượng Trí Thủ là vai trò “cầu nối” giữa Phật giáo hai miền Nam – Bắc khi đất nước còn chia cắt. Ngài cùng chư tôn đức nỗ lực duy trì mạch sống Phật pháp, hỗ trợ Tăng Ni, Phật tử trong điều kiện hết sức khó khăn, từng bước tạo nền tảng cho một sự nhất thể về sau. Với đức tính dung hòa, thấu tình đạt lý, Ngài được coi như “ngọn hải đăng” về mặt tổ chức, tập hợp, dung hợp các hệ phái, để rồi khi đất nước thống nhất năm 1975, chính Ngài đã đứng ra làm “nhân tố trung gian” nhằm dẫn tới việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.
Song hành với công tác vận động thống nhất, Hòa thượng Trí Thủ cũng chú trọng việc chấn hưng giáo dục Phật giáo. Ngài chủ trương hệ thống hoá chương trình đào tạo Tăng Ni, thành lập các Phật học viện và trường Bồ Đề, nhằm trang bị cho thế hệ kế thừa cả về tri thức Phật học lẫn tinh thần nhập thế. Nhờ những định hướng sâu sát, Phật giáo thời bấy giờ được tổ chức bài bản hơn, Tăng Ni cũng có cơ hội học tập chuyên sâu cả kinh điển truyền thống lẫn tiếp cận tư tưởng hiện đại.
Ở cương vị lãnh đạo Giáo hội, Hòa thượng luôn thể hiện tinh thần làm việc không mệt mỏi, đôi khi chấp nhận “đứng giữa hai làn đạn” để hoá giải những bất đồng quan điểm. Châm ngôn “Thị còn chẳng bận, huống gì phi” (Việc đúng còn không bận lòng huống hồ việc sai) phản ánh rất rõ phong thái an nhiên, kiên định của Ngài[15]. Đối với Hòa thượng, mọi xung đột đều có thể được nhìn nhận trên nền tảng từ bi và hòa hợp, miễn là ta giữ vững chính tín và chí nguyện phụng sự. Di sản của Ngài để lại không chỉ ở cơ cấu tổ chức Giáo hội và nền giáo dục Tăng Ni phát triển, mà còn ở tinh thần nhân ái và kiên định, luôn gắn bó sâu sắc với vận mệnh dân tộc và đạo pháp.
Hòa thượng Thích Minh Châu
Hòa thượng Thích Minh Châu (1918–2012) có thể xem như một “Huyền Trang thế kỷ XX” của Việt Nam, bởi công lao phiên dịch kinh điển Pali trực tiếp sang tiếng Việt. Năm 1952, xuất dương du học tại Sri Lanka, rồi Ấn Độ. Hơn 10 năm chuyên tâm nghiên cứu, giảng dạy ở môi trường quốc tế, Ngài trở thành cầu nối đưa những tinh hoa Phật giáo Ấn Độ trở về quê hương[16].
Khi trở về Việt Nam, Hòa thượng Minh Châu dốc sức cho sự nghiệp giáo dục Phật học. Ngài tham gia thành lập và điều hành Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn, sau này là Đại học Vạn Hạnh, nơi quy tụ nhiều học giả uyên thâm và những giáo sư Phật học, triết học tên tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam có một Đại học Phật giáo đạt tầm cỡ, làm tiền đề cho các Học viện Phật giáo toàn quốc sau này. Bên cạnh đó, Ngài còn chung tay xây dựng hệ thống trường Bồ Đề, đào tạo nhiều thế hệ tăng ni, cư sĩ có trình độ chính quy.
Đóng góp nổi bật nhất của Hòa thượng Minh Châu là bộ kinh tạng Pali dịch thuật và các tác phẩm chuyên khảo, giúp giới học giới và tăng, ni Việt Nam tiếp cận với nguồn kinh văn gốc của Phật giáo Nam truyền. Điều này đặt nền tảng khoa học cho việc nghiên cứu đối chiếu, so sánh giữa Nikāya (Pali) và các kinh điển Hán tạng, mở rộng tri thức về Phật giáo Nguyên Thuỷ[17]. Bên cạnh đó, cách giảng dạy của Ngài chú trọng yếu tố “tinh hoa tứ chúng,” nghĩa là phát huy tinh thần “đại chúng” trong nghiên cứu và thực hành giáo lý, để bất cứ ai cũng có thể tìm thấy con đường giải thoát qua Phật pháp.
Hòa thượng Minh Châu được kính trọng không chỉ bởi học vấn sâu rộng, mà còn vì đức tính khiêm cung, gần gũi, phong cách giản dị. Những đề xuất cải cách trong giáo dục Phật học của Ngài đi theo hướng hiện đại hoá, khoa học hoá, nhưng vẫn tôn trọng cốt tuỷ thiền quán và đạo đức Phật giáo. Nhờ vậy, Ngài đã góp phần xây dựng một thế hệ Tăng Ni am hiểu cả giáo lý kinh điển lẫn các nhu cầu hiện thực của đời sống. Khi Hòa thượng viên tịch, Tăng Ni, Phật tử khắp nơi thương tiếc một bậc trí giả đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp, để lại di sản đồ sộ về giáo dục, phiên dịch kinh điển và tinh thần dấn thân phụng sự.
Tổ sư Minh Đăng Quang
Tổ sư Minh Đăng Quang (1923–1954) là người sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, một trong những tông phái đặc sắc, đậm dấu ấn dân tộc trong Phật giáo thế kỷ XX[18]. Sau thời gian xuất gia và học đạo ở nhiều nơi, năm 1944, Tổ sư quyết tâm chọn con đường “khất sĩ” – mô phỏng hạnh truyền thống du hành hoá đạo của Tăng đoàn thời đức Phật Thích Ca.
Quan niệm tu tập của Tổ sư Minh Đăng Quang dựa trên lý tưởng “Nối truyền Thích Ca chính pháp”, với hình ảnh chư Tăng mặc y vàng, tay ôm bình bát đi khất thực, sống đạm bạc trên mọi nẻo đường. Phong cách “tân khất sĩ” của Tổ sư nhấn mạnh sự giản dị, hoà nhập và sẵn sàng đến tận cùng những nơi còn khó khăn, thiếu thốn để thực hành hạnh bố thí pháp. Nhờ lối tu này, nhiều Phật tử đã tìm thấy một môi trường gắn liền đời sống lao động, gần gũi với thiên nhiên và dân dã, mà vẫn giữ tinh tuý của giới – định – tuệ.
Tổ sư Minh Đăng Quang còn để lại dấu ấn qua những trước tác giản dị, tập trung vào giáo lý căn bản, đề cao việc thiền tập, sám hối và trau dồi lòng từ bi. Hệ phái Khất Sĩ, dưới sự dẫn dắt của Ngài, nhanh chóng thu hút đông đảo quần chúng ở miền Nam Việt Nam, trở thành một nét sinh động trong bức tranh đa dạng của Phật giáo thời ấy. Dù hành đạo ngắn ngủi, Tổ sư đã kịp xây dựng được bốn giáo pháp “Tứ Y”, và sáng lập hàng chục tịnh xá, hình thành nên mạng lưới Tăng đoàn với tinh thần lục hoà kiên cố[19].
Hình ảnh Tổ sư với tấm y bạc màu, bình bát đơn sơ, lặng lẽ bước chân trong mọi ngõ ngách cuộc sống, về sau vẫn tiếp tục lan tỏa qua hàng ngàn đệ tử Khất Sĩ. “Nơi nào chúng sinh còn khổ, nơi đó dấu chân tỳ-kheo còn in,” quan điểm ấy khiến Đạo Phật Khất Sĩ trở thành điểm tựa ấm áp cho quần chúng. Trong giai đoạn chiến tranh phức tạp, chính tinh thần “khất sĩ” – rời bỏ mọi danh lợi, thật lòng giúp đời – đã góp phần nuôi dưỡng niềm tin của bao người đối với Phật giáo[20]. Di sản của Tổ sư Minh Đăng Quang không chỉ là một tông phái, mà còn là bài học lớn về đức khiêm cung và hạnh nguyện độ sinh, để lại âm hưởng sâu xa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Hòa thượng Thích Trí Quang
Hòa thượng Thích Trí Quang (1923–2019) được mệnh danh là “kiến trúc sư” hay “chiến lược gia” của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn nhiều biến động ở thập niên 1960 và những năm sau đó. Sinh trưởng tại Quảng Bình, xuất gia từ nhỏ, nổi tiếng với trí tuệ sắc sảo và khả năng hùng biện, thuyết phục. Trong bối cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, rồi chiến tranh lan rộng, Hòa thượng Thích Trí Quang đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo, đồng thời kêu gọi một giải pháp hoà bình cho đất nước.
Với tinh thần “Phật giáo dấn thân”, không ngần ngại tham gia tổ chức, điều phối các cuộc biểu tình, tuyệt thực, nhằm kêu gọi thế giới chú ý đến tình hình nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Nhiều người nhận xét rằng phong thái của Hòa thượng Trí Quang toát lên sự kiên định, cương nghị, nhưng bên trong là lòng từ bi, luôn nỗ lực giải quyết xung đột bằng con đường bất bạo động. Dù phải đối mặt với sự đàn áp, giam cầm và cả hiểm nguy đến tính mạng, vẫn không lùi bước trước mục tiêu tối thượng: giữ gìn đạo pháp và công bằng xã hội.
Không chỉ là nhà hoạt động, Hòa thượng còn đóng góp lớn trong việc thành lập và củng cố các cơ cấu tổ chức của Phật giáo. Sau những biến cố chính trị lớn, Ngài cùng chư tôn đức đã tiến hành nhiều nỗ lực thống nhất, xây dựng mô hình Giáo hội phù hợp với thực tiễn mới. Những đề xuất của Ngài về việc cải cách giáo dục Phật giáo, nâng cao chất lượng đào tạo tăng ni cũng được đánh giá là có tầm nhìn xa, đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam hiện đại[21].
Trong những năm tháng cuối đời, Hòa thượng Thích Trí Quang dần lui về, chọn lối sống ẩn cư, dành thời gian trước tác, dịch thuật và viết sách. Một sự yên lặng sấm sét sau những cuộc tranh đấu không ngừng[22]. Tác phẩm dịch thuật cùng nhiều bài luận cho thấy chiều sâu tư tưởng và tinh thần nhất quán của một bậc chân tu luôn trăn trở về tương lai dân tộc và đạo pháp.
Cuộc đời gắn liền với sóng gió chính trường, nhưng đồng thời cũng làm nổi bật sức mạnh của Phật giáo khi “nhập thế” một cách kiên cường mà vẫn lấy từ bi làm gốc, khi trở về thì tĩnh lặng tột cùng, nhưng thẳm sâu trong đó vẫn là sự trăn trở cho một tương lai của dân tộc và đạo pháp đến bất tận.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh (1926–2022) là một trong những danh tăng tiêu biểu và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới trong thế kỷ XX, người được xem như tấm gương sáng về Phật giáo dấn thân và hòa bình. Thập niên 1960, trong thời kỳ đất nước bị chia cắt và chiến tranh khốc liệt, Thích Nhất Hạnh đã mạnh dạn kêu gọi giải pháp hòa đàm, đề xuất các hoạt động thiện nguyện nhằm xoa dịu vết thương xã hội[23]. Chính tinh thần và các phương pháp tu học gần gũi, cụ thể đã tạo nên dấu ấn riêng trong lòng nhiều tăng ni, phật tử và cả giới trí thức ở Việt Nam cũng như quốc tế.
Một trong những đóng góp quan trọng đó là việc giới thiệu thiền chính niệm (mindfulness) ra cộng đồng quốc tế. Bằng việc kết hợp tinh hoa truyền thống với ngôn ngữ hiện đại, Thích Nhất Hạnh đã xây dựng mô hình tu tập nhấn mạnh vào hơi thở, bước chân, sự tỉnh thức trong từng hành vi nhỏ bé hằng ngày. Cách truyền dạy này không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà còn được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y khoa, giáo dục, tâm lý học, giúp hàng triệu người trên khắp thế giới vượt qua khổ đau và căng thẳng.
Làng Mai, một trung tâm thiền học ở Pháp, nơi quy tụ tăng thân quốc tế đa dạng, cùng nhau thực hành chính niệm và lối sống tỉnh thức. Với hàng trăm đầu sách bằng nhiều ngôn ngữ – đã truyền tải những thông điệp về tình thương, bao dung và chuyển hoá khổ đau.
Các cuốn sách nổi tiếng như “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Giận”, “Đường xưa mây trắng” không chỉ được đón nhận nhiệt tình trong giới Phật tử, mà còn lan toả sang giới độc giả phổ thông, khơi gợi nhu cầu tìm về hạnh phúc chân thật.
Thành quả của Thích Nhất Hạnh nằm ở việc tạo nên một hình ảnh Phật giáo gần gũi, thiết thực, chan hoà trong đời sống. Nhờ thế, tên tuổi của Ngài gắn liền với khái niệm “Phật giáo dấn thân” – một phương châm hoằng pháp vừa kế thừa truyền thống, vừa can đảm tháo gỡ những gánh nặng của thời đại bằng phương pháp tu tập mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc.
Chung một dòng sông: Bản giao hưởng chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX
Trải qua nhiều giai đoạn và biến động, phản ánh sự giao thoa và xung đột của các ý hệ, cùng với những thăng trầm về mặt chính trị, xã hội. Mười vị danh tăng mà chúng ta đã điểm qua, từ Nhất Hạnh, Quảng Đức, Trí Quang, Khánh Hòa, Trí Thủ, Minh Đăng Quang, Hộ Tông, Đức Nhuận, Trí Hải, cho đến Minh Châu, đều góp phần đưa Phật giáo vượt qua thử thách, đồng thời khẳng định vị thế, sức sống của đạo Phật trong lòng dân tộc.
Mỗi vị có hành trạng, tầm nhìn, cách thức hoạt động khác nhau, nhưng tựu trung lại, chính tinh thần từ bi, trí tuệ, nhập thế và chấn hưng Phật giáo đã kết nối họ thành một dòng chảy liên tục, góp phần xây dựng bức tranh đa sắc của Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Trước hết, ta thấy rõ vai trò tiên phong, khởi xướng. Hòa thượng Khánh Hòa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi và thiếu đoàn kết của Phật giáo đầu thế kỷ XX, đồng thời kêu gọi cải cách, thúc đẩy học thuật, thành lập các hội Phật giáo, mở đường cho phong trào chấn hưng ở ba miền[24]. Tinh thần ấy cũng gặp gỡ ở Hòa thượng Trí Hải – người góp phần xây dựng các tổ chức Phật giáo và hội Phật học miền Bắc, đặt nền tảng cho việc đào tạo tăng ni trong môi trường học thuật có quy củ. Bên cạnh đó, Đại Trưởng lão Hộ Tông khi đưa Phật giáo Nguyên Thủy về Việt Nam lại chấp nhận dấn thân bằng cách vượt qua những khác biệt, định kiến, xây dựng các cơ sở tự viện, trường lớp, để phát triển một truyền thống tu học mới mẻ nhưng không hề tách rời bản sắc Việt.
Tất cả các “tiếng chuông” cải cách này nêu bật bài học rằng: chấn hưng và hội nhập luôn phải bắt đầu từ chính tâm nguyện phụng sự và tinh thần “phải học, phải hiểu” để làm sống lại gốc rễ giáo lý.
Mười vị danh tăng đều minh chứng cho ý chí nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Nhất Hạnh dấn thân cổ vũ hòa bình, trở thành sứ giả kết nối Đông – Tây, sáng lập Làng Mai, truyền bá thiền chính niệm ra toàn thế giới. Thích Quảng Đức, qua hành động vị pháp thiêu thân, đánh thức lương tri toàn cầu, tạo nên một chấn động mạnh mẽ nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trí Quang, với tài trí và lòng can trường, đã điều phối những phong trào đấu tranh bất bạo động, yêu cầu bình đẳng cho Phật giáo và các tôn giáo khác. Minh Đăng Quang thì thể hiện hạnh nguyện “khất sĩ”, vân du gieo rắc nhân lành, giúp hàng phật tử tìm thấy con đường giản dị, gắn với truyền thống khất thực thời đức Phật.
Mỗi bậc tăng sĩ một phương châm, nhưng luôn đề cao lý tưởng dấn thân, lấy việc phục vụ, xoa dịu nỗi khổ của quần chúng làm động lực chính để hoằng pháp. Dấn thân nơi họ không phải là hô hào suông, mà bằng cả đời sống thân giáo, chấp nhận cả những gian nan, nguy hiểm và biến động của thời cuộc để hoạt động hết mình cho đạo pháp được trường tồn.
Một điểm chung nổi bật khác là nỗ lực thống nhất và xây dựng tổ chức Giáo hội, gắn liền với công cuộc giáo dục Tăng Ni. Nếu Hòa thượng Khánh Hòa đã thúc đẩy khắp trong Nam, ngoài Bắc để kêu gọi hợp lực, thì Hòa thượng Trí Thủ và Đức Nhuận chính là những tấm gương đứng ra làm “nhịp cầu” hoà hợp các hệ phái, đặt cơ sở cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981. Thích Minh Châu chú trọng nâng cao trình độ học thuật, cải cách giáo dục Phật giáo bằng cách thành lập và điều hành Đại học Vạn Hạnh, hệ thống trường Bồ Đề, và đặc biệt là dịch thuật kinh điển Pali một cách khoa học. Nhờ có những nỗ lực này, Phật giáo Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó việc hoằng pháp dựa trên nền tảng trí tuệ và tính kỷ cương tổ chức, gắn liền với dòng chảy hiện đại của xã hội. Chưa bao giờ Phật giáo và giáo dục Phật học được triển khai có hệ thống rộng rãi đến vậy: từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có trường lớp, tạp chí, hội Phật giáo, cung cấp kiến thức lẫn tinh thần cho Tăng Ni và Phật tử.
Bên cạnh việc cải cách và thống nhất, di sản lớn lao của mười vị này còn nằm ở phương châm “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam. Họ xuất hiện trong những thời khắc dân tộc khủng hoảng, chiến tranh, bị chia cắt, song luôn hướng tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, không để đạo Phật bị cuốn theo vòng xoáy chính trị cực đoan. Tinh thần ấy thể hiện rõ ở Trí Quang, khi kêu gọi giải quyết xung đột bằng hòa đàm, phi bạo lực, hay Thích Quảng Đức với ngọn lửa từ bi, mong cầu chấm dứt đàn áp tôn giáo, đưa Việt Nam tới an bình. Cũng có thể kể đến Thích Đức Nhuận, người đã kiên nhẫn đưa ra những vấn đề cốt lõi để giữ mạch Phật pháp không suy tàn, góp phần bảo vệ giá trị tinh thần trong xã hội sau năm 1975.
Chính tinh thần “tùy duyên bất biến” của Phật giáo được thể hiện rõ qua hành trạng của các danh tăng này. Họ thích nghi, vận dụng phương tiện thiện xảo, khi thì mạnh mẽ khơi dậy phong trào (Khánh Hòa, Trí Hải), lúc thì âm thầm bền bỉ (Đức Nhuận, Trí Thủ), hoặc vượt biên giới lan tỏa ra thế giới (Nhất Hạnh), hay lấy chính thân mình làm ngọn đuốc công lý (Quảng Đức). Song, xuyên suốt các biến chuyển, vẫn là chất keo cố kết: Lòng từ bi vị tha, ý chí hộ trì phật pháp, và tâm nguyện “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”. Từ đó, Phật giáo Việt Nam không chỉ được giữ vững cội rễ, mà còn hòa nhập với thế giới hiện đại, đồng thời đóng góp một cách tích cực vào vận mệnh dân tộc.
Cần nhấn mạnh rằng chính bối cảnh lịch sử khốc liệt của thế kỷ XX cũng giúp chúng ta nhìn thấu sự vĩ đại đó. Giữa vòng xoáy chiến tranh, tranh giành ý thức hệ, xã hội nhiễu nhương, việc duy trì và phát triển Phật giáo trở thành thách thức lớn. Nếu không có các cao tăng đầy lòng bi mẫn, sẵn sàng xả thân, có lẽ tinh thần Phật giáo đã bị lu mờ, người trẻ không còn nơi nương tựa để học đạo. Tuy nhiên, những ngôi chùa, tổ đình, trường lớp Phật học mọc lên, và những tủ sách, tạp chí, hội đoàn được duy trì, là minh chứng cho thấy Phật giáo đã phục hồi ngoạn mục, gắn bó bền chặt với dân tộc, trở thành nguồn lực tinh thần vững chắc cho cộng đồng tăng, ni và phật tử tín đồ.
Nhìn chung, di sản to lớn của mười vị danh tăng để lại có thể tóm gọn trong bốn khía cạnh chính. Một là ý thức chấn hưng, luôn thúc đẩy học tập kinh điển, biên soạn, dịch thuật, để đảm bảo Tăng Ni có trình độ Phật học căn bản. Hai là tinh thần thống nhất, “lục hòa” các hệ phái, xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh, tạo nền tảng cho hoạt động phật sự mang tính toàn quốc. Ba là chủ trương nhập thế, dấn thân hòa bình, nêu cao lương tri và trách nhiệm xã hội, vừa góp phần vào quá trình cách mạng dân tộc, vừa đem lại giá trị nhân bản. Bốn là bảo tồn và phát huy bản sắc Phật giáo Việt Nam, lấy đức hạnh, giới luật và phương pháp tu tập phù hợp làm kim chỉ nam, tạo nên các mô hình tu học đa dạng nhưng thống nhất trong cốt lõi.
Có thể nói, sự hiện diện của họ là kết quả của nhân duyên hiếm có, kết nối khắp ba miền và vượt qua sự đứt đoạn do chiến tranh. Những thành tựu mà ngày nay ta chứng kiến, như hệ thống Học viện Phật giáo, nhiều tổ chức Phật giáo trẻ trung, hàng loạt ngôi chùa khắp vùng miền, đều mang dấu ấn của công cuộc dày công gây dựng từ các bậc tiền bối. Họ đã sống và cống hiến trong thời khắc khắc nghiệt nhất, để lại tấm gương vô giá về lòng dũng cảm, vị tha và quyết tâm phụng sự đạo pháp, dân tộc. Mỗi trang sử Phật giáo thế kỷ XX đều khắc ghi hành trạng – từ tư tưởng, hành động, cho đến câu chuyện đời tu và tinh thần chịu trách nhiệm với đất nước.
Mười vị danh tăng thế kỷ XX cho thấy Phật giáo Việt Nam đã không ngừng tự đổi mới và phát triển, dù phải đối diện muôn vàn khó khăn. Họ là hiện thân sinh động của lòng từ bi, hoà hợp, tinh tấn và trí tuệ, vừa gìn giữ mạch nguồn “Hộ quốc an dân,” vừa vạch ra con đường Phật giáo Việt Nam hội nhập thế giới. Những bài học và di sản mà các bậc tôn đức để lại vẫn luôn sống động, nhắc nhở mọi thế hệ Tăng Ni và Phật tử rằng, muốn Phật giáo trường tồn, phải luôn gắn bó với dân tộc, đặt trọng tâm vào giáo dục và cải cách, đồng thời duy trì bản sắc truyền thống. Đó cũng là bản tuyên ngôn lặng lẽ nhưng hùng hồn về trách nhiệm của Phật giáo đối với đời sống đương đại – trách nhiệm tiếp nối hạt giống từ bi, hoà bình và trí tuệ cho hôm nay và cả ngày mai.
Kết ngữ
Bài học mà mười vị cao tăng để lại rất rõ ràng: muốn duy trì Phật pháp lâu bền, cần có cái nhìn sâu sát về thời đại, nhận diện đúng những thách thức để tìm cách ứng xử linh hoạt, nhưng phải luôn đặt trí tuệ và từ bi làm gốc rễ.
Giáo hội Phật giáo ngày nay, dù còn nhiều khó khăn, vẫn thừa hưởng nguồn sinh lực lớn từ các thế hệ tiền bối, đồng thời được trang bị kinh nghiệm quý báu về sự đoàn kết, tinh thần học thuật và nỗ lực phổ độ quần sinh. Những yếu tố đó tiếp tục tạo động lực cho Phật giáo Việt Nam tỏa sáng, duy trì sứ mệnh giúp con người hướng thượng, hướng thiện, xứng đáng với lịch sử hơn hai nghìn năm Phật giáo gắn liền với vận mệnh dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
Đồng Bổn, Thích. Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1). Nhà xuất bản Tôn giáo, 2002.
Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (3). Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kỷ Yếu Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Văn phòng trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, 1993.
Lê Tâm Đắc. Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Miền Bắc Việt Nam (1924-1954). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Thắp Lửa Tâm Linh: Cuộc Đời và Hành Trạng Của Ngài Hộ Tông Sơ Tổ Phật Giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2023.
Nguyễn, Quốc Tuấn. Đặc điểm và vai trò cửa Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20. Hà Nội: Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, 2012.
Nguyễn Quốc Tuấn, and Thích Đồng Bổn. Hoà Thượng Khánh Hoà Với Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018.
Tăng thân Làng Mai. Đi Gặp Mùa Xuân: Hành Trạng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Nhà xuất bản Thế giới, 2024.
Thích Minh Châu. Toàn Tập Thích Minh Châu. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 2019.
Thích Trí Quang. Tâm ảnh lục (Ấn quán Sen-Vàng tái bản), 1962.
Tổ đình Minh Đăng Quang. Tổ Đình Minh Đăng Quang - Dấu Ấn 65 Năm Tổ Sư Vắng Bóng (1954-2919). Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, n.d.
Trí Quang, Thích. Trí Quang Tự Truyện. Huế: Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011.
Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, and Viện nghiên cứu Tôn giáo, eds. Hoà Thượng Thích Đức Nhuận Cuộc Đời và Đạo Nghiệp (1897-1993). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2013.
Chú thích
[1] Trong bài viết này, người viết chỉ nhắm tới những hoạt động quan trọng của các vị danh tăng chứ không cố gắng đi miêu tả chi tiết tiểu sử của từng cá nhân.
[2] Danh sách được xếp theo thứ tự năm sinh của các nhân vật, không phải theo thứ tự cao thấp của từng người.
[3] Thích Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1) (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2002), 35.
[4] Nguyễn Quốc Tuấn and Thích Đồng Bổn, Hoà Thượng Khánh Hoà Với Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018).
[5] Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1), 112.
[6] Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Thắp Lửa Tâm Linh: Cuộc Đời và Hành Trạng Của Ngài Hộ Tông Sơ Tổ Phật Giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2023).
[7] Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1), 61.
[8] Đồng Bổn, 160.
[9] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam and Viện nghiên cứu Tôn giáo, eds., Hoà Thượng Thích Đức Nhuận Cuộc Đời và Đạo Nghiệp (1897-1993) (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2013).
[10] Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1), 104.
[11] Đồng Bổn, 104.
[12] Lê Tâm Đắc, Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Miền Bắc Việt Nam (1924-1954) (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012).
[13] Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1), 117.
[14] Đồng Bổn, 117.
[15] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hòa Thượng Thích Trí Thủ (Văn phòng trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, 1993).
[16] Thích Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (3) (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015), 931.
[17] Thích Minh Châu, Toàn Tập Thích Minh Châu (Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 2019).
[18] Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (1), 50.
[19] Ngài viên tịch khi tuổi đời còn rất trẻ -31 tuổi.
[20] Tổ đình Minh Đăng Quang, Tổ Đình Minh Đăng Quang - Dấu Ấn 65 Năm Tổ Sư Vắng Bóng (1954-2919) (Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, n.d.).
[21] Thích Trí Quang, Tâm ảnh lục (Ấn quán Sen-Vàng tái bản), 1962.
[22] Thích Trí Quang, Trí Quang Tự Truyện (Huế: Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011).
[23] Tăng thân Làng Mai, Đi Gặp Mùa Xuân: Hành Trạng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (Nhà xuất bản Thế giới, 2024).
[24] Quốc Tuấn Nguyễn, Đặc điểm và vai trò cửa Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 (Hà Nội: Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, 2012).
Tác giả: Nguyễn Sử
Bình luận (0)