Tác giả: Trần Thị Minh Nghĩa - Pháp danh: Thích nữ Nhuận Mỹ
Học viên Thạc sĩ chuyên nghành Lịch sử Phật giáo, Học viên PGVN tại TP.HCM

Tóm tắt: Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập khoảng TK II (TCN) luôn đồng hành cùng sự thăng trầm của lịch sử nước nhà. Thời Lý-Trần (1009 - 1400) Phật giáo đã rất phát triển có thể xem là quốc giáo với dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Sang thời Hậu Lê đất nước chia đôi Đàng Trong/Đàng Ngoài, các chúa Trịnh - Nguyễn thường xảy ra các cuộc giao tranh nhưng rất quan tâm ủng hộ Phật giáo phục hưng và phát triển với nhiều thiền phái như: Trúc Lâm, Lâm Tế, Tào Động, Liên Tông,....

Chính vì vậy, Phật giáo trở thành tín ngưỡng tâm linh đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Tính chất của Phật giáo là thanh tịnh, giải thoát giác ngộ, đệ tử Phật muốn đạt được Niết Bàn an lạc thì phải thực hành theo đúng lời dạy của đức Phật. Đó là hệ thống giáo lý gồm Tam tạng kinh điển (Kinh - Luật - Luận). Phật giáo thời Hậu Lê có thiền sư Tính Tuyền (1711 - 1780) không ngại gian nan sang núi Đỉnh Hồ, chùa Khánh Vân Trung Quốc thỉnh Kinh-Luật về nước để truyền bá, hoằng dương Phật pháp lợi ích quần sinh.

Từ khóa: Thiền sư Tính Tuyền, thỉnh kinh sách, Phật giáo thời Hậu Lê.

I. Hành trạng của thiền sư Tính Tuyền (1711 - 1780)

Phật giáo thời Hậu Lê TK (XVII-XVIII) vào giai đoạn Lê Trung hưng (1533-1789), đạo Phật vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các vua chúa giáo hóa dân chúng, hướng dẫn đời sống tinh thần nhân dân được thanh bình. Thời kỳ này, đạo Nho lại một phen bị nhường chỗ cho đạo Phật, các vua Lê và chúa Trịnh đều rất tôn sùng đạo Phật[1].

Các vua, chúa đã quy hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần. Họ không phải là những nhà hành đạo Phật giáo như các vua Trần. Họ chỉ là những tín đồ Phật giáo, lấy sự ủng hộ Phật giáo để tạo dựng công đức cho dòng họ chứ không biết áp dụng Phật giáo vào việc dựng nước. Tuy vậy, đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa tới sự phục hưng[2].

Phật giáo thời bấy giờ phát triển mạnh trong dân gian với nhiều tông phái, pháp môn. Nhiều vị cao Tăng, thiền sư có công phục hưng và xiển dương Phật giáo vào thời kỳ này ở Đàng Ngoài có Thiền sư Hương Hải, Thiền sư Chân Nguyên, Thiền sư Như Trừng Lân Giác, Thiền sư Tính Tuyền,... Ở Đàng Trong có Thiền sư Nguyên Thiều, Thiền sư Liễu Quán, Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo,… Đặc biệt, khi nghiên cứu về việc xiển dương tinh thần Luật học, chấn hưng Phật giáo có thể kể đến tấm gương của thiền sư Tính Tuyền hiệu Đỗ Đa thuộc dòng thiền Liên Tông.

Thiền sư Tính Tuyền đã có công sang Trung Quốc học đạo, thọ giới và thỉnh kinh, luật về nước. Không những vậy, Ngài còn tuyên dương hoằng truyền giới luật cho tăng, ni thời kỳ này. Sau này, các thiền phái đã sao chép và xuất bản những kinh sách này làm tài liệu cho các tu sĩ tu hành. Những tài liệu này đã trở thành chuẩn mực cho việc thực hành giới luật ở tu viện miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ XVIII[3].

Theo Thích Đồng Dưỡng trong bài Về niên đại Thiền sư Tính Tuyền được đăng Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 161, 15/9/2012 (trang 9,10,11) căn cứ theo tư liệu Kế đăng lục và Thiền môn tu trì Tỳ ni nhật dụng của Hòa thượng Phúc Điền; Bia trùng tu Sùng Phúc Tự Miếu Am Bi Ký lập năm Cảnh Hưng 41 (1780). Xác định rõ Thiền sư Tính Tuyền năm sinh 1711, viên tịch năm 1780, sang Trung Quốc học đạo vào năm 1730, năm sư 25 tuổi tức năm 1735 thọ giới Tỳ-kheo, Bồ tát và năm 1736 sư trở về nước, nhận chùa Tam Huyền làm đạo tràng hành đạo, chứ không phải về chùa tổ Liên Tông[4].

Sách Kế đăng lục do Phúc Điền biên soạn, đề cập về hành trạng của thiền sư Tính Tuyền như sau: Hòa thượng Lưỡng Quốc Đỗ Đa, đời thứ 2 dòng Liên Tông, đời 76 kế đăng Hà Nội, người làng Đa Cốc, Vũ Tiên, tỉnh Nam Định, họ Hoàng. Ngài 12 tuổi, xuất gia với Thượng sĩ chùa Liên Tông, cầu xin thụ 10 giới. Ngài ngày đêm sáu thời lễ tụng học tập, chấp lao phục dịch được 6 năm, vân du tham vấn tri thức. Một hôm, Thượng sĩ than rằng: “Thời nay mạt pháp, đời suy vi, đạo lớn mờ mịt, giới luật đã không nghe thấy gì”. Bèn bảo sư rằng: “Người nên đi xa cầu đạo, khắc phục những tệ đoan như thế này”. Sư lễ tạ vâng mệnh, tổ tiễn bằng bài kệ rằng[5]:

"Gương cổ thiền lâm bụi bám đầy,
Vì pháp quên thân đã mấy ai?
Tham vấn gương xưa còn nhắc nhở,
Tám lần hành cước gắn hôm mai!" (Nguyễn Lang dịch)

Từ đó, ngài suy nghĩ thấm thía, phát lời thệ nguyện, tìm học kinh luật, đến trước Phật Tổ, dâng hương hành lễ xong, tâu xin nhà vua cho phép, lúc đó khoảng năm Vĩnh Hựu triều Lê. Từ đó, ngài trèo non vượt bể đã 6 tháng trời trời mới đến chùa Khánh Vân, núi Đỉnh Hồ, phủ Quảng Châu, trú ngụ ngoài tam quan được ba tháng. Một hôm, Duy-na Tăng ra ngoài cửa, thấy ngài hình sắc lo buồn, hỏi rằng: “Ông từ đâu đến, chỉ cầu việc gì?”. Sư trả lời: “Bần tăng là người tiểu quốc An Nam, đi xa nghìn dặm, muốn cầu đại pháp, không nhờ ai đưa tới được, cảm phiền nhân giả thưa với Hòa thượng, thật là bần tăng may vô cùng”. Duy-na vào thưa duyên do, Hòa thượng nói: “Lành thay”.

Lúc đó, sư vào phương trượng đảnh lễ Hòa thượng Kim Quang Đoan bày tỏ thực tình. Hòa thượng Kim Quang Đoan nói: “Mang hành lý vào”. Từ đó, sư chịu thương chịu khổ, không tiếc thân mệnh, phục dịch ba năm, ba năm học tập, chuyên trì lễ bái, tay không rời quyền. Lúc sư 25 tuổi, cầu thụ Tỳ-kheo, Bồ-tát giới, cung thỉnh ngài húy Kim, hiệu Quang Đoan làm Hòa thượng truyền giới; ngài húy Chính Ngữ, hiệu Chỉ Nam làm yết-ma sư; ngài húy Quang Giác, hiệu Ngụ Như làm thầy giáo thụ; tôn chứng bảy vị như sau: Đại đức Minh Thật, Đại đức Thất Gian, Đại đức Tính Cụ, Đại đức Khắc Kỷ, Đại đức Thận Thiên, Đại đức Định Am, Đại đức Duy Trì; cùng thụ cụ túc giới. Từ đó, ngài tầm chương trích cú, không chỗ nào không thông suốt, thỉnh được 300 bộ kinh luật luận, hơn 1.000 quyển, cúng trai một bữa, tốn hơn 10 chén bạc. Sáu năm hoàn mãn, bẩm xin trở về nước. Hòa thượng phó chúc bài kệ[6]:

"Trở về mà không ngộ,
Giác ngộ mà không mê.
Trong lòng không mê ngô
Ngồi thắng đóa hoa sen."

Ngài từ tạ tam sư và đại chúng, về đến làng Nhân Mục, cửa Tam Huyền. Lúc này, Thượng sĩ đã qui Tây được 3 năm, liền mang kinh, luật, luận về chùa Càn An. Tất cả Tăng Ni đều thỉnh ngài làm Hòa thượng truyền giới. Hoằng truyền Luật Tứ phần là bắt đầu từ ngài. Từ đó, phần chìm đắm lại chấn chỉnh, phần sáng sủa được nối tiếp. Lúc ngài tròn 70 tuổi bèn gọi chúng đánh chuông vân tập mọi người, bảo thượng thủ Hải Quýnh rằng: “Đạo ta hưng thịnh, há chẳng phải từ ông sao!”. Ngài phó chúc kệ rằng[7]:

"Đạo lớn không lời,
Vào cửa bất nhị.
Pháp môn vô lượng
Ai người thừa kế?" (Nguyễn Lang dịch)

Ngài ngồi xếp bằng mà mất, đệ tử thiêu táng thu xá lợi vô số, xây tháp ở 2 chùa Hàm Long và Sùng Phúc phụng thờ [8]

Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)

II. Tam tạng Kinh - Luật - Luận được thiền sư Tính Tuyền thỉnh từ Trung Quốc về Đại Việt

Theo Hòa thượng Phúc Điền trong Đạo giáo nguyên lưu, quyển thượng tờ 4a có đề cập những kinh sách được thiền sư Tính Tuyền sang núi Đỉnh Hồ, Trung Quốc ở chùa Khánh Vân thỉnh mang về Việt Nam như sau: “Triều Lê năm Vĩnh Hựu (1734 - 1740), Hòa thượng Tính Tuyền Thâm Công chùa Liên Tông, phả hệ Lâm Tế, ngài đã phụng chỉ triều đình sang núi Đỉnh Hồ, nước Đại Thanh. Hòa thượng đến tại Chùa Khánh Vân Đại Thiền Tự, tu tập, học đạo, thọ giới pháp, sưu tầm kinh điển. Sau đó đưa kinh điển trở về nước mình ở tại Kinh sư chùa Càn An”. Các Kinh - Luật - Luận gồm:

Phật bổn hạnh 60 quyển, Đại bi tâm sám xá lợi tháp 2 quyển, Kinh Trị thiền bệnh tất yếu 5 quyển, Kinh Vị tằng hữu chánh pháp 5 quyển,  Kinh Hưng hiển 5 quyển, Kinh Tiệm bị trí đức 5 quyển, Kinh Phạm võng sáu mươi hai kiến  4 quyển, Kinh Vô lượng nghĩa 5 quyển, Kinh A Súc Phật quốc 5 quyển, Hoa nghiêm hiệp luận 100 quyển, Hoa nghiêm huyền cảnh 1 quyển, Hoa nghiêm khởi chỉ 1 quyển, Pháp hoa phẩm tiết 1 quyển, Pháp hoa trí âm 8 quyển, Viên giác tiểu sao 10 quyển, Viên giác lưu nghĩa 1 quyển, Viên giác kiết ký 1 quyển, Lăng nghiêm tông thông 10 quyển, Lăng nghiêm hiệp luận 10 quyển, Lăng nghiêm hội giải 10 quyển, Lăng nghiêm chánh mạch 11 quyển, Bát-nhã tam-muội 1 quyển, Kinh Ngũ thiên ngũ bách Phật danh 10 quyển, Kinh Thất Phật; Kinh Vô úy thượng vấn; Kinh Bảo ấn; Kinh Tứ hiền kiếp; Kinh Cổ âm vương; Kinh Quán đảnh; Kinh Tấn siêu; Kinh Tư ích; Kinh Thắng Man; Kinh Thắng thiên vương; Kinh Phương đẳng đại vân; Kinh Tượng pháp  quyết nghi; Kinh Đoan tướng; Tổng trì tổng kinh; Kinh Văn Thù Bát-nhã; Kinh Thần biến; Thuận chánh lý luận; Kinh Như huyễn Tam ma địa vô lượng ấn pháp môn; Kinh Bồ tát ngũ giới oai nghi; Vãng sanh tập; Bát-nhã phóng quang.  

Tam thập Bát-nhã thiêm túc 1 quyển, Bát-nhã phần tiết 1 quyển, Bát-nhã định tướng 1 quyển, Bát-nhã Hồng Vũ ngự chế 1 quyển, Bát-nhã định nghĩa 1 quyển, Kinh Xưng dương chư Phật công đức;[9] Kinh Phát giác tịnh tâm, Kỳ đặc 4 quyển, Trường A-hàm; Đại A-hàm; Tăng nhất A-hàm; thập kỳ Duy Ma Cật tham hiệp 5 quyển; Chuẩn Đề hiệp thích 1 quyển, Kim cang lược thuyết 1 quyển, Kim cang chánh pháp nhãn 1 quyển, Kim cang như nghĩa 1 quyển, Kim cang tông thông 1 quyển, Kim cang thọ mạng 1 quyển, Di Đà yếu giải bình hội nguyên 3 quyển, Phạm võng hiệp chú 10 quyển, Phạm võng phát ẩn 1 quyển, Tứ phần như thích 4 quyển, Tỳ Ni trùng trị 10 quyển, Tỳ Ni thiết yếu 1 quyển, Tỳ ni chỉ nam 1 quyển, Tỳ ni Tỳ-bà-sa luận. Kinh Hối ý, Phật Tổ thống ký 45 quyển, Tạo tượng tam muội 1 quyển, Vạn bảo tạng 1 quyển, Tịnh độ quán tướng 1 quyển, Tạp bảo tạng 3 quyển, Hoa tạng 1 quyển, Đốn ngộ 1 quyển, Bổ Đà chí 6 quyển, Đỉnh Hồ chí 8 quyển, Đại huệ phổ giác 1 quyển, Tư trì 1 quyển, Hắc bạch 1 quyển, Thứ đệ sơ môn 2 quyển, Châu Lâm 1 quyển, Trúc song 3 quyển, Ưu bà tắc giới 5 quyển, Giới đàn 3 quyển, Hoằng giới lục 1 quyển, Tỳ-kheo giới lục 1 quyển, Lục đạo tập 2 quyển, Tác pháp 1 quyển, Bất không 1 quyển, Yết Ma san bổ 8 quyển, Yết Ma chỉ nam 10 quyển, Sanh thiên ký 1 quyển, Tùng Điện lão nhân phán ma quỷ 1 quyển, Tục lược 4 quyển, Đại Trí độ luận 100 quyển, Đại thừa khởi tín luận 1 quyển, Thành duy thức luận 4 quyển, Giải hoặc biên 2 quyển, Cổ khô 1 quyển, Thích thị thông giám 4 quyển, Tống Cao Tăng truyện 3 quyển, Tông Cảnh lục 100 quyển, Trung phong lục 13 quyển, Cảnh Đức truyền đăng 13 quyển, Cao phong lục 13 quyển, Thiên mục trung phong 1 quyển, Vị Trung Phù thiền sư 1 quyển.

Tương sơn chí 5 quyển, Cơ biểu 8 quyển, Cổ cảnh lục 1 quyển, Cổ chuyết 1 quyển, Vĩnh Gia Chánh Đạo Ca 1 quyển, Tức Phi thiền sư 1 quyển, Minh Nhân 3 quyển,[10] Lăng nghiêm pháp số 1 quyển, Chư vương cổ truyền 1 quyển, Vạn Thọ thiền sư lục 1 quyển, Thích tử tu trí 8 quyển, Giáo thừa pháp số 4 quyển, Hương lâm 1 quyển, Chi đạo lâm 1 quyển, Tiêu thần ký 1 quyển, Tịch quang cảnh 1 quyển, Nam Nhạc thiền sư lục 1 quyển, Quán sở lục luận ước 1 quyển, Kinh luận  tọa dư 2 quyển, Tánh mạng khuê chỉ 5 quyển, Sự văn loại 2 quyển, Tây phương đồ 1 quyển, Tây phương mỹ nhân 1 quyển, Ngũ gia tông phái 1 quyển, Trân đồng nhị khắc 2 quyển, Ngũ gia ngữ lục 2 quyển, Thủ xả 3 quyển, Tạng chí căn bổn luật; Du già sư địa luận; Ngẫu ngữ nhất nội pháp truyền; Tạp sự luật; Phật môn định chế 2 quyển, Nhã tục thập Bộ hành. Số lượng các phần kể trên không nhiều. Vì phần chính [] bị hỏng nên không thể biên soạn đưa vào.[11]

Kinh bản thiền môn trong nước: Hoa nghiêm phạm giáp 82 quyển, Hoa nghiêm phương sách 81 quyển, Pháp Hoa bạch văn 7 quyển, Pháp Hoa văn cú 7 quyển, Pháp Hoa ôn lăng 7 quyển, Pháp hoa trí âm 8 quyển, Lăng Nghiêm bạch văn 10 quyển, Lăng Nghiêm chánh mạch 11 quyển, Lăng Già hợp triệt 4 quyển, Lăng Già ký 4 quyển, Viên Giác kinh bạch văn 3 quyển, Phật bổn hành 60 quyển, Đại Di Đà 20 quyển, Đại quán kinh 2 quyển, Vô lượng thọ kinh 2 quyển, Bát-nhã phóng quang kinh 30 quyển, kinh Tam thiên Phật 3 quyển, kinh Địa Tạng 3 quyển, Kinh Địa Tạng thập luận 10 quyển, kinh Đại Niết-bàn 40 quyển, kinh Vạn Phật danh 12 quyển, kinh Phật Tổ tam kinh 1 quyển, kinh Khổng Tước 3 quyển, Kinh Tọa thiền.

Phật quán tam muội kinh; Kinh Báo ân 7 quyển, Kinh Đức hộ 1 quyển, 4 bộ Kinh A-hàm; Kinh Hoàng bửu sám 10 quyển, Kinh Dược sư 7 quyển, Kinh Di Đà sớ sao 5 quyển, Kinh Phạm võng lược sớ 3 quyển; Kinh Kim cang cảm ứng 1 quyển; Kim cang chú thập bổn 1 quyển, Kim cang quyết nghi 1 quyển, Kim cang trực giải 1 quyển, Kim cang dịch toàn 1 quyển, Kinh Thủy sám 3 quyển.[12] Thủy sám bị giản 1 quyển, Kinh Bảo đàn 1 quyển, Kinh Tâm địa quán 7 quyển, Đại kim cang chú giải 1 quyển, Kim cang Lục Tổ 1 quyển, Kinh Tích chi 1 quyển, Kinh Bảo tích 120 quyển, Kinh Hiền Ngu 9 quyển, Kinh Bách dụ 1 quyển, Kinh Chuẩn Đề Mật chú 1 quyển, Kinh Di Lặc hạ sanh 1 quyển, Kinh Xuất gia công đức 1 quyển, Bất không quyên sách chú 1 quyển, Kinh Tịnh độ huyền môn; Thích Ca đồ 1 quyển; Kinh Tăng Huấn Tăng Hộ 2 quyển; Kinh Hiển mật viên thông 1 quyển; Kinh Vị tằng hữu;

Đại kim cang kinh; Kinh Tiểu kim cang 4 quyển; Duy Ma hiệp chú 3 quyển, Pháp giới lập đồ 2 quyển, Tịnh độ hội nguyên 1 quyển, Phát ẩn sớ 5 quyển, Kinh Tỳ Ni Mẫu 7 quyển, Đại Bi xuất tướng 1 quyển, Kinh Dược Sư xuất tướng 1 quyển, Kinh Kim cang xuất tướng 1 quyển, Đại du già kinh 1 quyển, Duy Ma bạch văn 3 quyển, Chư Kinh nhật tụng 1 quyển, Viên Giác Sớ 3 quyển, Kinh nhân quả 1 quyển, Dược sư đề cương 1 quyển, Lĩnh Nam chích quái 1 quyển, Tam giáo chánh độ 1 quyển, Thiền môn gia lễ, Vạn Phật xuất tướng 12 quyển, Bồ tát thiện giới 7 quyển, Kinh Vu Lan bồn 1 quyển, Mục Liên sám 3 quyển, Thủy sám bị giản 1 quyển, Thủy sám tổng 1 quyển, Chư kinh âm tự 1 quyển, Mật cúng 1 quyển, 4 bộ kinh A-hàm, Tịch quang chân cảnh 1 quyển.[13]

Sách Luật có số lượng: Tứ phần như thích 4 quyển, Tỳ ni trùng trị luật; Tỳ ni chỉ nam luật; Huyền ty san bổ luật; Tỳ ni giới luật 1 quyển; Sa di oai nghi chú sớ 2 quyển; Quy Sơn cảnh sách câu thích 1 quyển; Tỳ ni nhật dụng thiết yếu 1 quyển; Mục Liên ngũ bách vấn 1 quyển; Ngũ gia tông phái 1 quyển; Bát kỉnh nghi 1 quyển; Bát Quan tề nghi 1 quyển; Đại Luật tạng 40 quyển; Tứ phần duyên khởi 1 quyển; Tỳ Kheo lục 1 quyển; Tỳ Kheo Ni 5 quyển;

Sách Luận có số lượng: Đại Trang Nghiêm Luận; Khởi tín luận 2 quyển; Hộ Pháp luận 1 quyển; Duy Thức luận 1 quyển; Tam giáo bình tâm luận 1 quyển; Vị tằng hữu.

Sách Lục có số lượng: Phật Tổ thống kỷ 55 quyển; Văn Thù chỉ nam 1 quyển; Phật quốc ký 1 quyển; Đại tạng nhất lãm lục 10 quyển; Tâm châu nhất quán lục 1 quyển; Thiên Đồng Tuyết Đậu lục 2 quyển; Truy môn cảnh huấn 3 quyển; Thiền lâm bảo huấn lục 2 quyển; Quy nguyên trực chỉ lục 3 quyển; Long thư Tịnh độ lục 2 quyển; Ngũ đăng hội nguyên lục 20 quyển; Lục đạo tập lục 2 quyển; Ngũ phái truyền đăng lục 3 quyển; Thiền uyển tập anh lục 1 quyển; Trúc song lục 3 quyển; Khóa hư lục 1 quyển; Sưu thần ký 1 quyển; Thiền quan sách tấn lục 1 quyển; Vân thê quy ước lục 1 quyển; Kiến tánh thành Phật lục 1 quyển; Hương lâm lục 1 quyển; Trần triều Tam Tổ lục 1 quyển;

Trần triều thập hội lục 1 quyển; Thái thượng cảm ứng thiên 9 quyển; Thái căn đàm 1 quyển; Cụ xuyên lục 3 quyển; Âm chất lục 1 quyển; Giải hoặc thiên 2 quyển; Đốn ngộ nhập đạo lục 1 quyển; Cao ly lục 1 quyển; Đạo giáo nguyên lưu 3 quyển; Chuyết Công lục 5 quyển; Phát sách thọ giới 1 quyển; Đức sanh lục 1 quyển; Hảo sanh lục 1 quyển; Giới cai nghi 3 quyển;  Nhân quả thật lục1 quyển; Thiền lâm quy ước 1 quyển; Kế đăng lục 3 quyển; Tam muội tạo tượng 10 quyển; Ngưu đồ 1 quyển; Đỉnh Hồ chí 3 quyển; Phổ Đà chí 6 quyển; Thánh đăng lục 1 quyển; Tây phương đồ 1 quyển; Tây phương mỹ  nhân 1 quyển; Thiên Thai tứ giáo 1 quyển; Thích Ca thành đạo ký 1 quyển; Tây phương  công cứ 1 quyển; Tại gia tu trì 1 quyển; Chư kinh mục lục 1 quyển; Tịnh độ huyền chủng 1 quyển; Tịnh độ tịnh từ 1 quyển; Thượng sĩ lục 1 quyển; Tịnh độ quyết nghi 1 quyển; cổ châu lục 1 quyển; Chuyên cực truyền nhất tâm nang 3 quyển; Thiện bổn 3 quyển; Nhã tục 4 quyển; Thiền lâm tinh ngữ 3 quyển; Vĩnh lăng 6 quyển.[14]

Có thể nói tinh thần chấn hưng, cầu pháp để duy trì mạng mạch Phật pháp của thiền sư Tính Tuyền đã tạo nên sự ảnh hưởng tích cực góp phần cho Phật giáo thời Hậu Lê thêm phát triển. Từ đó trở thành sự kiện lịch sử quan trọng của Phật giáo Việt Nam.  Ở chùa Càn An thiền sư Tính Tuyền đã giới thiệu, lưu hành các Kinh-Luật-Luận mang từ Trung Quốc về. Những cuốn kinh do Tính Tuyền mang về được cất giữ tại chùa Càn An, điều kiện thuận lợi này đã khiến nơi đây trở thành một trong những “phòng kinh điển” nổi tiếng nhất ở Bắc Hà và Đại Việt trước cuối thế kỷ XIX.

Chùa Càn An là nơi khắc và phân phát kinh Phật. Mặt khác, chùa Càn An cũng nhận ủy thác từ các ngôi chùa khác để khắc kinh và cung cấp bản gốc để khắc. So với các ngôi chùa khác vào thời điểm đó, chùa Càn An có lợi thế đặc biệt này, khiến ngôi chùa trở thành trung tâm thông tin kinh điển Phật giáo được các thiền sư, sơn môn khác ghé thăm. Với hình thức trao đổi này, kinh điển Phật giáo đã được truyền bá khắp khu vực Bắc Hà. Mặc dù Tính Tuyền không để lại bất kỳ số liệu thống kê nào về những cuốn sách ông mang về, nhưng 100 năm sau, Phúc Điền đã thu thập và lập danh mục những cuốn sách liên quan mà ông đã tiếp xúc[15].

Nhờ vào sự linh hoạt hòa nhập giữa văn hóa dân tộc với giáo lý Phật Đà và nhờ vào công lao, đạo hạnh của các bậc Tổ sư như Tổ Như Trừng Lân Giác và thiền sư Tính Tuyền mà Phật giáo thời Hậu Lê được chấn chỉnh về nhiều mặt, nhất là giới luật. Người truyền giáo có nghị lực, có tuệ giác thì bước tới đâu thế giới cũng thanh bình, đi tới đâu ngọn đuốc chính pháp cũng rực cháy[16]. Bởi vì đức Phật dạy:

Nếu không giữ giới này
Đúng pháp mà Bồ tát
Ví như mặt trời lặn
Thế giới đều tối tăm”.[17]

Nhờ vào tinh thần đề cao giới luật của hai thầy trò Như Trừng Lân Giác và Tính Tuyền trong Phật giáo mà Tăng đoàn Phật giáo thời Hậu Lê được cũng cố, tăng, ni thực hiện nếp sống “thanh tịnh hòa hợp”. Như vậy, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc thỉnh kinh và áp dụng tu tập theo đúng chính pháp mới đưa đến sự hưng thịnh của Phật pháp.

Tóm lại: Thiền sư Tính Tuyền là một trong những bậc danh Tăng của Phật giáo thời Hậu Lê có công lớn trong việc góp phần chấn hưng làm rạng ngời Phật giáo thời kỳ này. Tuy rằng bối cảnh đất nước lúc bấy giờ chia đôi Đàng Trong/Đàng Ngoài và các chúa Trịnh - Nguyễn thường xảy ra các cuộc nội chiến. Nhưng tinh thần “vì đạo Pháp, vì dân tộc” của thiền sư Tính Tuyền là hơn hết. Ngài vượt mọi gian nan thực hiện tròn đầy chí nguyện của một vị Bồ tát quên mình vì cầu pháp giống như bài kệ mà Tổ Như Trừng cho ngài trước lúc lên đường. Nên vị đệ tử Phật luôn luôn tinh tấn không mỏi mệt thực hiện chí nguyện hoằng pháp lợi sinh làm mục đích chính. Từ đó Phật giáo góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh, nhân dân an lạc đạo pháp trường tồn.

Tác giả: Trần Thị Minh Nghĩa - Pháp danh: Thích nữ Nhuận Mỹ
Học viên lớp Thạc sĩ chuyên nghành Lịch sử Phật giáo, Học viên PGVN tại TP.HCM

***

SÁCH THAM KHẢO (Chú thích)

1) Trần Thị Vinh (2017), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, tập 4, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.493.

2) Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.437.

3) 阮 蘇 蘭, 求 經、刊 刻 與 傳 承 脈 絡:漢 文 律 藏 在 越 南 ─ 以 十 八 世 紀 名 僧 性 泉 往 鼎 湖 山 求 經 為 例, 臺 灣 東 亞 文 明 研 究 學 刊, 第17 卷 第 1 期 2020 年 6 月 頁139; 15) 頁139

4) Thích Đồng Dưỡng, Về niên đại thiền sư Tính Tuyền, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 161, ngày 15/9/2012, tr.11;

5) tr.9;

6) tr.10;

7) tr.10;

8) tr.10

9) Hòa thượng Phúc Điền (1845), Đạo giáo nguyên lưu, quyển thượng, Viện nghiên cứu Hán Nôm Huệ Quang TP. HCM, (bản A.2675), tờ 3a; 

10) tờ 3b; 

11) tờ 4a; 

12) tờ 4a; 

13) tờ 4b; 

14) tờ 4b.

16) Thích Minh Thông (2003), Theo dấu chân xưa, Nxb. Tôn giáo, tr.113.

17) HT. Thích Chơn Thiện, Luật Tỳ Kheo Ni Giới bổn, Nxb. Tôn Giáo, tr.71-72.