Tác giả: Lợi Lê
Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo

I. Dẫn nhập

Vào đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam đã bị phân hoá (1). Bởi vậy, việc chấn hưng Phật giáo được đặt ra như một nhu cầu bức thiết. Các Hội đoàn về Phật giáo lần lượt ra đời, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1930), Hội An Nam Phật học (1932), Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934), Hội PGTNVN (1958),... Từng có ý kiến cho rằng “Hội Phật giáo lập ra trước để chỉnh đốn Tăng già, mà cái trách nhiệm tuyên dương Phật pháp lại chính ở Tăng già. Tăng già có chỉnh đốn, mới đào tạo được nhân tài có đủ học hành, đủ phương pháp để tuyên truyền giáo lý của Phật, có được như thế mới mong có kết quả tốt tươi.” (2)

Như vậy, trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, công tác đào tạo Tăng tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có lẽ bởi nhận thức rõ điều ấy mà từ thuở mới về trụ trì chùa Quốc (Hưng Yên) cho tới sau này, HT.Thích Tâm An đã dành nhiều tâm lực cho việc đào tạo thế hệ kế cận. 

Từ khoá: HT.Thích Tâm An, đào tạo Tăng tài, Tu học Phật pháp Trung ương, cao đẳng Phật pháp Trung ương, Luật tạng

Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên (Nguồn: Vietlandmarks.com)
Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên (Nguồn: Vietlandmarks.com)

II. Nội dung

Hòa thượng Thích Tâm An sinh ngày 12/11/1892, quê ở Thọ Giám, Nam Xương, Hà Nam. Năm 1910, nhân duyên tu hành, ngài xuất gia ở chùa Phổ Quang, Hà Đông nhưng chỉ khoảng hơn 2 tháng thì về quê chăm mẹ.

Năm 1913, sau khi mẹ tạ thế, đã tròn đạo hiếu, ngài quay lại con đường tu tập ở chùa Vân Mai cùng nghiệp sư tự Khai Quyền. Hai năm sau, khi tròn 24 tuổi, nhân ngày khánh đản đức Phật A Di Đà (ngày 17 tháng 11 Âm lịch), ngài được thụ giới Cụ túc tại giới đàn Tế Xuyên - Bảo Khám, do Sư tổ Phổ Tụ làm Đường đầu truyền giới.

Từ đây, Ngài chuyên trì giới luật, tiến đạo nghiêm thân, luôn theo hầu Tổ Phổ Tụ - Tế Xuyên. Sau đó, bên cạnh việc tham học chuyên về Luật tạng với Tổ Phổ Tụ, ngài còn được Tổ cho đi tham học với Tổ Vĩnh Nghiêm và một số vị cao Tăng ở các khóa Hạ an cư như trường: Tế Xuyên - Hà Nam, Quế Phương - Nam Định.

Từ đây, quá trình tu tập, giảng dạy của Hoà thượng luôn gắn liền với Luật tạng. Hoà thượng không chỉ sao chép kinh sách, giảng dạy cho các tăng, ni, phật tử đến chùa theo học mà còn xây dựng trường học, tham gia Ban lãnh đạo trường, trở thành tấm gương sáng cho lớp lớp hậu học noi theo.

Tham gia xây dựng Tùng lâm Hưng An tại Văn miếu Xích Đằng

Năm 1924, phụng mệnh Sư trưởng sắp đặt, HT.Thích Tâm An bắt đầu công việc “thường trụ - hành trì”, nhận chùa Quốc Sư, thị xã Hưng Yên. Từ khi về trụ trì, chứng kiến nhiều hạng mục công trình thuộc bản tự bị hư hại, đổ nát, Hoà thượng đã khởi tâm vận động thiện nam, tín nữ quyên góp tiền bạc, sức lực để trùng tu, tôn tạo Tổ đường (1927, 1935), Tam bảo (1946),...

Không chỉ đảm trách công việc riêng của chùa Quốc mà Hòa thượng còn tích cực tham gia phong trào Chấn hưng Phật giáo của tỉnh nhà thuở ấy. 

"Sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, ở Hưng Yên đã thành lập 2 Ban Đại lý Phật giáo địa phương trước các tỉnh, đó là Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Hưng Yên và Ban Đại lý Phật giáo huyện Mỹ Hào đều thành lập ngày 17/2 Ất Hợi (21/3/1935). Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Hưng Yên, Trưởng ban bên tăng là sư cụ Thanh An trụ trì chùa Quốc Sư (3), huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. (4)”  

So sánh về thời gian trụ trì chùa Quốc cũng như những tư liệu liên quan (5), chúng tôi cho rằng HT.Thích Tâm An và Thích Thanh An là cùng một người. Để thống nhất, từ đây, trong bài viết này chúng tôi mạn phép dùng duy nhất pháp danh Thích Tâm An. 

Hoạt động tích cực trong phong trào Chấn hưng Phật giáo tỉnh Hưng Yên, năm 1936, HT.Thích Tâm An đã gửi bài “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo” đăng trên Tạp chí Đuốc Tuệ với pháp danh “Sa môn Thanh An”. Trong bài, Hoà thượng đã khẳng định vai trò quan trọng của việc mở trường, đào tạo Tăng tài:

“Than ôi! Phật, Pháp, Tăng là Tam bảo trong thế giới. Tăng không được trọng, là vì tín đồ ít hiểu nghĩa tam quy, mà cái đó cũng là vì Tăng ít học không biết đem chân lý của Phật trau dồi cho thiện tín. Ấy sự học vấn quan hệ đến đời tu hành là thế, cho nên ta sớm phải cần lo chỉnh đốn việc học trong Tăng già. Tăng già đã có đủ học lực, đủ đức hạnh thì lo gì lẽ phải nói chẳng có người nghe, công việc làm chẳng được dễ dàng mau chóng. Mong rằng: Trên các cụ Đại đức và thập phương Tăng già, mỗi tỉnh kết tập Tăng giới, kẻ ít người nhiều, hằng sản, hằng tâm, tậu một khu đất rộng rãi, dựng trường học làm bệnh viện, tập nghĩa địa gọi là tịnh xá. Tịnh xá tuy thuộc quyền chính phủ về việc trị an, song không phải thuộc về một thôn một làng nào cả. Tăng giới sẽ được độc quyền trông nom trong khu vực ấy và thực hành theo tôn chỉ chấn hưng rồi dần dần tậu thêm ruộng đất, để làm lương thực cho chư Tăng về tòng học trong học đường, sẽ lập thư viện quyên sách của các nhà trước thuật, của các nhà từ thiện để lấy tài liệu cho Tăng chúng nghiên cứu như thế mới là tu có sở, học có trường, ốm có bệnh viện, sống đã có nơi nương tựa, chết lại có chỗ gửi nắm xương tàn khỏi hệ lụy đến ai.” (6)

Có thể thấy, Hòa thượng đã vạch ra những công việc cần thực hiện nếu muốn chấn hưng Phật giáo, trong đó không thể không nhắc đến việc mở trường, đào tạo Tăng tài. Đúng bốn năm sau, Hòa thượng đã thực hiện được nguyện vọng này. 

Trong phần trình bày về phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Hưng Yên, học giả Nguyễn Đại Đồng đã cho biết:

“Tháng Tư năm 1939 (Kỷ Mão), các Tỳ kheo Phạm Tâm An (7) và Trần Quảng Dung xin chính quyền tỉnh Hưng Yên cấp đất ở khu Văn Miếu thị xã Hưng Yên để thành lập trường Phật học.” (8)

Tuy nhiên, HT. Thích Thanh Ninh, người từng có nhiều thời gian làm thị giả và gắn bó với HT.Tâm An lại cho rằng:

“HT.Tâm An được mời tham gia, nhà sư Giải Ngạn ở miền Nam và ông Học Phi (9) là người thành lập Tùng lâm Xích Đằng nhằm tuyên truyền đường lối cách mạng, tranh thủ sự ủng hộ của Phật giáo và những người tu hành.” (10)

Bút lục của HT.Thích Tâm An chép rằng: “Năm Mậu Dần 1938, thành lập Tùng Lâm Hưng An tại Văn Miếu. (11)” Có thể thấy, thực sự Hoà thượng đã tham gia thành lập Tùng lâm như lời khẳng định của học giả Nguyễn Đại Đồng nhưng giữa hai tư liệu có chút sai lệch về thời gian.

“Tùng lâm Văn Miếu rất rộng, nội tự hơn 7 mẫu, cây cối um tùm mỗi khóa có đến 40 - 50 phật tử từ nhiều chùa thuộc các sơn môn về học. Chương trình gồm 2 phần: học kinh Phật và học chữ Quốc ngữ. Trong số thầy dạy Quốc ngữ có nhiều cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Các sư Thanh Đặc, Thanh Chuân v.v... từng theo học ở đây đã giác ngộ cách mạng, khi trở về trụ trì ở các chùa đã trở thành những cơ sở tốt của Đảng.” (12)

Không chỉ giảng dạy mà vào năm 1938, tại Tùng lâm Hưng An ở Văn miếu Xích Đằng, HT.Thích Tâm An đã chép lại hai cuốn sách luật dành cho Ni giới là Sa di Ni luật nghi cùng với Thức xoa ma na theo lối Tống thể nhằm phục vụ khắc ván.

Hai cuốn này, vốn được ngài sao chép từ năm 1925 nhưng chưa có điều kiện khắc. Năm 1939, nội dung hai cuốn được khắc ván, in và đóng chung thành một cuốn, lưu thông rộng rãi. Trong lời dẫn của sách Sa di Ni luật nghi, Hoà thượng đã khẳng định hai cuốn sách kể trên là sự trang bị toàn diện của ni chúng. (13)

Trước đó, trong suốt những năm 1925 - 1939, Hoà thượng đã tiến hành sao chép nhiều bộ kinh sách góp phần làm phong phú tài liệu học tập cho tăng, ni: Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Hoa Nghiêm sớ kinh; Trùng trị tỳ ni; Đại bảo tích; Tỷ khâu ni sao; Thức nghĩa giới luật;

Hoà thượng còn dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng kinh sách và sử dụng cho những bài giảng của mình. Đúng như HT.Thích Thanh Hưng chia sẻ:

“Hoà thượng rất bận, thường tranh thủ viết sách, viết kinh rồi nghiên cứu kinh sách để giảng dạy, không có lúc nào rỗi rãi ngồi chơi để hỏi han điều gì… Hoà thượng chữ đẹp, viết thể chữ Tống tự để sao chép kinh sách, cũng góp phần tạo ra kinh sách cho việc học.”  (14)

Tuy nhiên, qua quá trình khảo cứu tư liệu và tìm gặp những nhân vật có liên quan, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng HT.Thích Tâm An đã từng mở trường Hạ ngay trong khuôn viên chùa Quốc. Cụ Lều Văn Lợi - Bí thư Đảng Ủy xã Liên Phương (1957 - 1972) khẳng định:

“Xưa chùa có khoảng 2 mẫu ruộng nội tự. Vì vậy trong chùa thường có 5 - 7 người, thậm chí 10 - 12 người làm lụng, thu hoạch, cống hiến cho nhà chùa những khi lễ bái, khi sư các nơi về đây học. Một số người ở chùa liên tục gọi là sãi. Chùa Quốc xưa là một chùa lớn của Hưng yên, nên vào những năm 1939 - 1945, cứ tầm tháng 3 tháng 4, sư các nơi lại kéo về học, gọi là học Hạ. Ông Thích Tâm An là người trụ trì… việc học kéo dài đến tận năm 1949.”  (15)

Theo ghi chép của HT.Thích Tâm An thì Tùng lâm Hưng An tan rã từ năm 1947 (16). Ni sư Thích Đàm Ân hiện đang trụ trì chùa Quốc cũng cho biết thêm:

“Tôi về chùa khá muộn, chỉ được nghe các cụ cao tuổi ở đây kể lại rằng xưa ở chùa có trường học. Mới đây, từng có gia đình một ngài cư sĩ đã giảng dạy ở trường đó tìm về đây. Trường dạy cho tăng, ni, Phật tử và những người mộ đạo. Nghe nói là trường ấy to lắm.” (17)

Mặc dù vậy, cho đến nay, chúng tôi chưa tìm được tư liệu thành văn liên quan đến việc mở trường Hạ ở chùa Quốc mà chỉ nhắc đến Tùng lâm Hưng An ở Văn miếu Xích Đằng. Dẫu sao, trong giai đoạn trụ trì chùa Quốc, HT.Thích Tâm An đã có những đóng góp nhất định cho công tác đào tạo Tăng tài của Phật giáo Hưng Yên. Đúng như Hoà thượng Thích Đồng Bổn nhận xét:

“Ngài đã quy tụ hàng trăm tăng, ni trong tỉnh về mở trường dạy học. Ngài chú trọng tới môn luật học, lo cho Phật pháp mai sau thiếu luật, kỷ cương lỏng lẻo.” (18)

Bên cạnh việc giảng dạy ở trường lớp, thời gian này, HT.Thích Tâm An còn từng giảng dạy về Luật tạng cho nhiều tăng, ni đến theo học riêng. HT.Thích Thanh Ninh chia sẻ:

“Từng có ba nhân vật từ trong Nam ra theo học cụ Tâm An. Đó là ni Tịnh Nguyệt và hai sư Thiện Hoà, Khánh An (Vân?). Ban đầu, họ dự định ra theo học Tổ Cồn (19) (nổi tiếng nhớ luật và trì luật bậc nhất) là cụ Tâm Thi nhưng vì bận rộn, cụ Thi giới thiệu về học cụ An, là người tinh thông Luật tạng.” (20) 

Không chỉ giảng dạy ở Hưng yên mà khi đến mùa Hạ an cư, HT. Thích Tâm An được mời tham dự các trường hạ Gia Hòa - Nam Định; Tế Xuyên, Cao Đà - Hà Nam. Trong bút lục, Hoà thượng có chép rằng:

“Năm Nhâm Ngọ 1942, an cư tại Gia Hòa, Nam Định. Năm Quý Mùi 1943, an cư tại Cao Đà, Hà Nam.” (21)

Đến đâu ngài cũng được mời làm Duy Na (22) trong chúng. Trong các giới đàn tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Quán Sứ - Hà Nội, Hoà thượng đã ứng thỉnh ngôi Giới sư, Tuyên luật sư. 

Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao cấp Phật học Việt Nam

Năm 1958, Hội PGTNVN ra đời, HT.Thích Trí Độ là Hội trưởng. HT.Thích Tâm An được mời tham gia Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo, đảm trách chức vụ Phó Hội trưởng. Thời gian này, Hoà thượng thường xuyên tu tập tại chùa Quán Sứ và từ năm 1969 đảm nhiệm trụ trì.

Từ đó, bên cạnh việc chỉ bảo cho riêng những tăng, ni đến thỉnh học, Hoà thượng còn tham gia giảng dạy tại nhiều khoá học, trường học do Hội PGTNVN mở ra và cả trường Hạ ở Tùng lâm Quán Sứ. 

Một khoá học Phật pháp tại chùa Quán Sứ , HT. Thích Tâm An đứng thứ tư từ phải sang, hàng thứ nhất 


(Nguồn: Đặc san Phật giáo Đại hội đại biểu lần thứ III Hội PGTNVN, 1964)
Một khoá học Phật pháp tại chùa Quán Sứ, HT. Thích Tâm An đứng thứ tư từ phải sang, hàng thứ nhất (Nguồn: Đặc san Phật giáo Đại hội đại biểu lần thứ III Hội PGTNVN, 1964)

Sau khi Hội PGTNVN được thành lập, Hội trưởng Thích Trí Độ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo Tăng tài. Thấy rõ trong những năm bị người Pháp đô hộ, đất nước chiến tranh, tăng, ni không được học hành, phật tử không được nghe thuyết pháp giảng kinh, nên Hội đã mở nhiều lớp học ngắn hạn từ 3 đến 5 tháng để đào tạo cấp tốc một số Giảng sư nòng cốt cho các tỉnh, thành.

HT.Thích Trí Độ trực tiếp tổ chức hướng dẫn và mời những Hòa thượng danh tiếng khác tham gia giảng dạy. Năm 1963 - 1964, khi đã có những người nòng cốt ở các tỉnh và các chi hội Phật giáo các tỉnh, thành phố đã được củng cố, Hội lại tổ chức một khóa Tu học phật pháp dài hạn trong một năm để nâng cao trình độ giảng dạy giáo lý. Nhiều khoá học Phật pháp ngắn hạn, tiếp tục được mở như: Chuyên nghiên cứu Duy thứcBách pháp minh môn luận (1968 - 1969), Nhị khoá hợp giải (1974 - 1975),...

Hòa thượng Thích Tâm An là Hội phó của Hội PGTNVN, có nhiều thời gian gắn bó với HT.Thích Trí Độ, lại là người tinh thông Luật tạng - phần kiến thức không thể thiếu của các lớp Phật học nên chắc hẳn Ngài đã tham gia giảng dạy cho tăng, ni trong các khoá học kể trên. Theo nội dung của cuốn Tiểu sử danh tăng do HT.Thích Đồng Bổn chủ biên thì được biết trong khoá học chuyên đề về Nhị khoá hợp giải:

“HT.Thích Tâm An dạy chư Tăng Luật Tứ phần, Yết ma chỉ nam, Yết ma huyền ty.” (23)

Năm 1972, Hòa thượng đã đề xướng in bộ Nhị khóa hợp giải để tăng, ni có sách học chuyên đề do HT.Thích Trí Độ giảng dạy. 

Có thông tin cho rằng trong thời gian tu tập ở Quán Sứ, để tránh bom đạn phá hoại miền Bắc, HT.Thích Tâm An đã cùng HT.Thích Trí Độ và HT.Thích Đức Nhuận sơ tán về chùa Mía, không chỉ hoạt động phật sự mà còn giảng dạy cho tăng, ni, phật tử. Các Hoà thượng sơ tán về chùa Mía hai đợt, đợt 1 từ 1965 đến 1968 và đợt 2 vào năm 1972. Cho đến hiện nay, chúng tôi mới tìm được một bức ảnh HT. Thích Tâm An chụp cùng ba học trò là HT. Thích Mật Hựu, HT.Thích Thanh Lương và một vị nữa đến chùa Mía theo học ngài về Luật tạng, chưa có thông tin liên quan đến việc mở lớp dạy học.

Theo Sư bà Thích Đàm Cẩn - Trụ trì chùa Mía từng tu tập tại chùa Mía vào thời gian đó cho biết:

“Thuở đó, tôi còn nhỏ lại là ni nên chủ yếu chỉ phụ trách việc cơm nước, không sâu sát hoạt động của các cụ. Chỉ biết các cụ về sơ tán, dành nhiều thời gian nghiên cứu viết sách, hoạt động phật sự chứ không mở trường, mở lớp.” (24)

HT. Thích Tâm An (thứ nhất từ trái sang) cùng 3 người học trò (HT. Thích Mật Hựu, một người chưa rõ tên và HT. Thích Thanh Lương) từng đến chùa Mía theo học cụ về Luật tạng (Nguồn: Album ảnh của HT. Thích Tâm An do HT. Thích Thanh Hưng cung cấp)
HT. Thích Tâm An (thứ nhất từ trái sang) cùng 3 người học trò (HT. Thích Mật Hựu, một người chưa rõ tên và HT. Thích Thanh Lương) từng đến chùa Mía theo học cụ về Luật tạng (Nguồn: Album ảnh của HT. Thích Tâm An do HT. Thích Thanh Hưng cung cấp)

Trước đó, từ năm 1964, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội PGTNVN lần thứ III đã ghi rằng:

“Thể theo nguyện vọng của các phật tử và đề nghị của các chi hội, Trung ương Hội sẽ nghiên cứu mở trường Phật học dài hạn để nâng cao trình độ Phật học cho các phật tử.” (25)

Có lẽ đây là một trong những nhân duyên trọng yếu dẫn đến sự ra đời của những ngôi trường đào tạo bài bản về Phật học sau này như Tu học Phật pháp Trung ương, Cao cấp Phật học Trung ương mà HT.Thích Tâm An không chỉ tham gia giảng dạy mà còn giữ vai trò lãnh đạo.

Năm 1969, Hội PGTNVN thành lập trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá - Hà Nội. Đây là ngôi trường Phật học có tổ chức đầu tiên sau ngày miền Bắc giải phóng. HT.Thích Đức Nhuận rồi HT.Thích Trí Độ lần lượt đảm trách chức vụ Hiệu trưởng. HT.Thích Tâm An được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng phụ trách giảng dạy môn Luật tạng. Thời gian này, để thuận tiện cho công tác giảng dạy, HT.Thích Tâm An thường lưu trú tại chùa Quảng Bá. Bởi vậy, khi Hoà thượng tịch (1982) được táng trong vườn tháp chùa Quảng Bá. 

Nhắc nhớ về thời gian này, đệ tử trưởng của HT.Thích Tâm An - HT.Thích Thanh Hưng chia sẻ:

“Trong thời gian dạy ở trường Tu học Phật pháp Trung ương, lúc thì Hoà thượng dạy kinh, lúc thì Hoà thượng dạy luật.” (26)

Theo ký ức của Sư bà Thích Đàm Cẩn người từng theo học tại trường này thì việc dạy, việc học được tổ chức khá bài bản:

“Thuở ấy, tôi thường đi bộ hoặc đi tàu điện từ chùa Quán Sứ xuống chùa Quảng Bá học. Lớp có 72 học viên. Thầy Tâm An dạy môn Luật tạng nên rất nghiêm, thầy Trí Độ dạy môn Luận tạng rất dễ hiểu. Ai học kém thì các thầy cho ngồi bàn thứ 2, ngày nào cũng gọi kiểm tra bài. Trong năm học, nếu người nhà ốm thì được về thăm. Nếu không cứ 20 Âm lịch (tháng Chạp) được về nghỉ Tết khoảng 1 tháng.” (27)

Không chỉ vậy, sau này cụ Đàm Cẩn còn tiếp tục trở thành học viên khoá I của trường Cao cấp Phật học Quán Sứ (28). Kể về nhân duyên được xuống chùa Quán Sứ học, Sư bà cho biết:

“Năm 1967, thuở tôi mới về chùa Mía được khoảng một năm thì sư phụ mất. Sau các Hoà thượng về chùa Mía sơ tán, thương phận tôi bơ vơ nên cụ Tâm An gửi tôi xuống Quán Sứ học. Tôi cứ đi đi về về, đến năm 1986 mới về hẳn chùa Mía.” (29)

Nhờ sự nỗ lực, tận tâm chỉ bảo của những bậc thầy, cũng như sự cố gắng của các tăng, ni, việc dạy và học tại trường Tu học Phật pháp Trung ương đã đạt những thành tựu nhất định. Trong phần trình bày báo cáo của Hội PGTNVN tại Đại Hội lần thứ IV (tháng 4/1972), HT.Thích Tâm An đã điểm qua thành tựu của trường Tu học Phật pháp Trung ương:

“Trong thời gian qua vì điều kiện chiến tranh trường Tu học Phật pháp chỉ mở được hai khoá. Hai khoá này đã thành tựu viên mãn và điều đặc biệt hoan hỷ là nội dung đã mở ra hướng mới nhằm tập trung làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản của đạo như mục đích và phương pháp hành đạo của đạo, kết hợp chặt chẽ giữa hoằng dương Phật pháp với lợi lạc quần sinh. Dựa vào nội dung của trường Tu học Phật pháp, Hội đã hướng dẫn các khoá hạ ở địa phương nên trong 2 năm qua, các khoá hạ đã mang nội dung mới, và nhiều vị dự lớp Tu học Phật pháp ở Trung ương đã về góp phần công đức làm cho các khoá hạ thu kết quả tốt hơn.” (30)

Hoà thượng cũng khẳng định:

“Nắm vững những vấn đề cơ bản của đạo là then chốt của công việc hoằng dương Phật pháp. Chính vì vậy nên Hội rất coi trọng việc giúp đỡ các tăng, ni và cư sĩ nâng cao trình độ Phật học.” (31)

Trong các khóa Hạ tại chùa Quán sứ, HT.Thích Tâm An liên tục được thỉnh vào ngôi vị Đường chủ lãnh đạo Tăng chúng an cư. Năm 1975, HT. Thích Trí Độ mở đàn Tùng lâm Quán Sứ, HT.Tâm An được mời làm Giới sư. HT.Thích Thanh Hưng chia sẻ về thời gian tôn sư giảng dạy ở Quán Sứ rằng:

“Hoà thượng có đứng lớp giảng dạy môn Luật tạng. Cũng có những tăng, ni đến thỉnh học riêng, có điều gì chưa hiểu Hoà thượng sẽ giảng dạy thêm…” (32)

HT. Thích Tâm An (đứng thứ năm từ phải sang, hàng thứ nhất) cùng các Hoà thượng giảng dạy tại Tùng lâm Quán sứ, tăng, ni đến thỉnh học và các phật tử (Nguồn: Album ảnh của HT. Thích Tâm An do HT. Thích Thanh Hưng cung cấp)
HT. Thích Tâm An (đứng thứ năm từ phải sang, hàng thứ nhất) cùng các Hoà thượng giảng dạy tại Tùng lâm Quán sứ, tăng, ni đến thỉnh học và các phật tử (Nguồn: Album ảnh của HT. Thích Tâm An do HT. Thích Thanh Hưng cung cấp)

Năm 1981, tại Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 1 (sau là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) được thành lập. Lúc này, dù đã tuổi cao sức yếu, HT.Thích Tâm An vẫn nhận lời thỉnh cầu của Giáo hội trở thành Hiệu Trưởng đầu tiên của trường. Không chỉ vậy, Hòa thượng còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho Học viên. (33)

Thuở ấy, khoá I chỉ có khoảng 40 tăng, ni sinh theo học trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Dù vậy, sau này nhiều vị đã trở thành các bậc tôn túc giữ vai trò lãnh đạo của GHPGVN như: HT.Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT. Thích Quảng Tùng và HT.Thích Thanh Điện là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT.Thích Thanh Đạt và Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm là Uỷ viên Thường trực HĐTS GHPGVN; Ni sư Thích Đàm Lan - Phó Ban thường trực Phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN,…

III. Kết luận

Có thể thấy rằng, cuộc đời của HT.Thích Tâm An luôn có sự gắn kết giữa tu hành và đào tạo. Hoà thượng không chỉ sao chép, nghiên cứu kinh sách góp phần tạo tài liệu học tập cho tăng, ni mà còn trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức giúp Tăng tài ngày càng tinh tiến. Một tấm gương sáng cho thế hệ hậu học noi theo. 

Trong phần khảo cứu trên, dựa trên những thông tin, tư liệu thu thập được, chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc nhất những đóng góp trong công tác đào tạo Tăng tài của HT.Thích Tâm An.

Tuy nhiên, do những sự việc đó lùi về dĩ vãng đã quá lâu, những nhân chứng cũng đã trở thành người muôn năm cũ, hơn nữa đó cũng là giai đoạn vô cùng rối ren của lịch sử dân tộc nên nhiều vấn đề chưa tìm được đến tận cội nguồn. Liệu rằng trường học mà Hoà thượng tham gia thành lập là trường ở Văn Miếu Xích Đằng, trường Hạ ở chùa Quốc hay cả hai cùng tồn tại? Việc dạy và học của thầy trò trường Cao cấp Phật học Việt Nam được diễn ra như thế nào?... Vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Mong rằng, trong thời gian tới chúng tôi có thể tiếp cận thêm nhiều thông tin tư liệu hơn góp phần đưa ra những kiến giải rõ ràng, chính xác hơn, không chỉ làm rõ đóng góp của HT.Thích Tâm An mà còn là cả thế hệ tăng, ni thuở ấy.

Tác giả: Lợi Lê
Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo

***

Chú thích

1. Nguyễn Đại Đồng, “Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở tỉnh Hưng Yên”, chuaxaloi.vn, truy cập ngày 1/7/2024.

2. Sa môn Thanh An, “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, Tạp chí Đuốc Tuệ, số 41, ngày 22/9/1936, tr.3.

3. Xưa chùa Quốc Sư thuộc xã An Chiếu, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nay là xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

4. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Nxb Văn học, 2012, tr. 114.

5. Trong bài tựa Hoa Nghiêm kinh sớ, HT. Thích Thanh Hanh viết, có nói rằng: khoảng những năm 20 khi thấy Viện Bác Cổ tụ được đại tạng, đối chiếu thì thấy kinh sách của ta còn thiếu, mới bàn với HT. Phổ Tụ, cụ Tụ bèn sai Thanh Tập, Thanh An đi chép (ủy môn nhân Thanh Tập, Thanh An tựu khí pháp, cung sao thử phẩm hội san); đối chiếu tựa, hậu bạt của các sách: Sa di Ni luật nghi, Thức xoa ma na, Trùng trị tỳ ni thì thấy rằng, lời dẫn, lời tựa do hậu học Sa môn tự Tâm An viết, có trình bày là phụng mệnh nhị vị Tổ sư Vĩnh Nghiêm, Bảo Khám, đi tới Bác Cổ chép, bắt đầu từ năm Ất Sửu (1925). Do vậy, chúng tôi xin được khẳng định, Tâm An và Thanh An là 2 pháp danh của cùng một người. 

6. Sa môn Thanh An, “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, tài liệu đã dẫn, tr.5.

7. Có lẽ học giả Nguyễn Đại Đồng đã có chút nhầm lẫn về tên gọi, HT. Thích Tâm An họ Đào, không phải họ Phạm.

8. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Sđd, tr. 118.

9. Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi (1913 - 2014), tên thật là Chu Văn Tập, từng làm Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ 1, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Hưng Yên. Vở kịch “Ni cô Đàm Vân” của ông đã gây được tiếng vang lớn, là tác phẩm tiêu biểu của sân khấu những năm 70, 80 của thế kỷ XX.

10. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Ninh, chùa Quán Sứ, ngày 24/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi. 

11. HT. Thích Tâm An, Bút lục, do HT. Thích Thanh Phương cung cấp.

12. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Sđd, tr. 118 - 119.

13. Lời dẫn của sách Sa di Ni luật nghi, tờ thứ 1b, bản này lưu tại chùa Quốc nhưng ván khắc hiện không còn.

14. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Hưng, chùa Thiên Phúc, ngày 13/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

15. Tài liệu ghi âm PV cụ Lều Văn Lợi - Bí thư Đảng uỷ xã Liên Phương, tỉnh Hưng Yên, ngày 24/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi. 

16. HT. Thích Tâm An, Bút lục, tài liệu đã dẫn.

17. Tài liệu ghi âm PV Ni sư Thích Đàm Ân - Trụ trì chùa Quốc, ngày 6/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

18. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Nxb Tôn giáo, 2001, ebook, tr. 152 - 153.

19. Tổ Cồn là Thiền sư Tuệ Tạng, pháp danh Tâm Thi, từng trụ trì chùa Cồn (Nam Định). 

20. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Ninh, chùa Quán Sứ, ngày 29/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

21. HT. Thích Tâm An, Bút lục, tài liệu đã dẫn.

22. Duy (維) nghĩa là bao trùm như mạng lưới, cho nên nó có nghĩa là quản lý Tăng chúng; Na (那) là từ được lấy từ âm đọc Yết Ma Đà Na (s: karmadāna, 羯磨陀那); cho nên từ Duy Na bao hàm chung nghĩa của tiếng Hán và Phạn. Nguồn gốc của nó vốn là tên gọi chức vị được đặt ra trong nội bộ Tăng đoàn ở Ấn Độ. Ở đây, chúng tôi dùng với nghĩa là người đứng đầu, gìn giữ cương lĩnh của một giới đàn.

23. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Sđd, tr. 153.

24. Tài liệu ghi âm PV Sư bà Thích Đàm Cẩn - Trụ trì chùa Mía, ngày 27/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo chùa Sủi.

25. “Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội PGTNVN”, ngày 1/10/1964, Đặc san Phật giáo Đại hội Đại biểu lần thứ III Hội PGTNVN, in tại nhà in CTHD Bắc Hà, 10/1964,  tr. 47.

26. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Hưng, chùa Thiên Phúc, ngày 13/9/2024, tài liệu đã dẫn.

27. Tài liệu ghi âm PV Sư bà Thích Đàm Cẩn - Trụ trì chùa Mía, ngày 27/8/2024, tài liệu đã dẫn.

28. Theo lời kể của sư thầy Thích Đàm Thanh - đệ tử Sư bà Thích Đàm Cẩn.

29. Tài liệu ghi âm PV Sư bà Thích Đàm Cẩn - Trụ trì chùa Mía, ngày 27/8/2024, tài liệu đã dẫn.

30. HT Thích Tâm An, “Báo cáo của Ban Trị sự Trung ương Hội PGTNVN trước Đại hội lần thứ IV Hội PGTNVN (4/1972)”, tài liệu Đại Hội lần thứ IV Hội PGTNVN, in tại nhà in Việt Hoa,1973, tr. 18.

31. HT Thích Tâm An, “Báo cáo của Ban Trị sự Trung ương Hội PGTNVN trước Đại hội lần thứ IV Hội PGTNVN (4/1972)”, tài liệu đã dẫn,  tr. 18.

32. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Hưng, chùa Thiên Phúc, ngày 13/9/2024, tài liệu đã dẫn.

33. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Hưng, chùa Thiên Phúc, ngày 13/9/2024, tài liệu đã dẫn.

Tài liệu tham khảo

1. HT. Thích Tâm An, “Báo cáo của Ban Trị sự Trung ương Hội PGTNVN trước Đại hội lần thứ IV Hội PGTNVN (4/1972)”, tài liệu Đại Hội lần thứ IV Hội PGTNVN, in tại nhà in Việt Hoa, 1973.

2. HT. Thích Tâm An, Bút lục, do HT. Thích Thanh Phương cung cấp.

3. Sa môn Thanh An, “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, Tạp chí Đuốc Tuệ, số 41, ngày 22/9/1936.

4. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), 2001, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Nxb Tôn giáo, ebook.

5. Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Nxb Văn học.

6. Nguyễn Đại Đồng, “Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở tỉnh Hưng Yên”, chuaxaloi.vn, truy cập ngày 1/7/2024.

7. “Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội PGTNVN”, ngày 1/10/1964, Đặc san Phật giáo Đại hội Đại biểu lần thứ III Hội PGTNVN, in tại nhà in CTHD Bắc Hà, 10/1964.

8. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, bản pdf của Thư viện Hoa Sen.

9. Tài liệu ghi âm PV Ni sư Thích Đàm Ân - Trụ trì chùa Quốc (Hưng Yên), ngày 6/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

10. Tài liệu ghi âm PV Sư bà Thích Đàm Cẩn - Trụ trì chùa Mía và học trò là Sư Thầy Thích Đàm Thanh, ngày 27/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo chùa Sủi.

11. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Hưng, chùa Thiên Phúc, ngày 13/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

12. Tài liệu ghi âm PV cụ Lều Văn Lợi - Bí thư Đảng uỷ xã Liên Phương, tỉnh Hưng Yên, ngày 24/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

13. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Ninh, chùa Quán Sứ, ngày 24/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

14. Tài liệu ghi âm PV HT. Thích Thanh Ninh, chùa Quán Sứ, ngày 29/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.